Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: VGP
Nêu phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ lập Ban Chỉ đạo quốc gia để đưa nền kinh tế vượt qua thách thức hậu Covid-19.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ và địa phương phiên sáng nay (2/7), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thể hiện sự trăn trở trước những thách thức "còn rất lớn" của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Ông đề xuất một loạt biện pháp và đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương "hành động nhanh, mạnh mẽ hơn" để vượt qua thách thức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong Quý II/2020 việc nước ta tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, kết quả thực hiện tháng sau tốt hơn tháng trước đã thể hiện các chính sách được ban hành và được thực thi hiệu quả, tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện ở mức cao, ngành vận tải, kho bãi, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tăng thấp do cầu trong nước còn yếu…
Mặc dù huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có xu hướng phục hồi, tính chung 6 tháng ước tăng 3,4% so với cùng kỳ nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đã cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, qua khảo sát, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu về vốn bù đắp cho sự thiếu hụt dòng tiền do doanh thu bị sụt giảm, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia; triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19, nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản... ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây và sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho đất nước.
“Thách thức trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn, cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, chính xác, kịp thời cùng sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nhanh hơn, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho nhân dân hiệu quả hơn”, ông nói.
Quang cảnh Hội nghị |
Nói về nguy cơ suy thoái kinh tế và giải pháp phục hồi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tập trung vào một số vấn đề.
Thứ nhất, ông cho rằng cần xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan.
Bộ trưởng nhìn nhận cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Từ đó, ông đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Ông cũng đề xuất khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn (như TP.HCM...) để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.
Trong đó, chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới, tranh thủ thời cơ, nắm bắt tình hình và kế hoạch hoạt động của một số quốc gia trong việc khuyến khích và hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Ông cũng đề nghị cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi…
Nhấn mạnh giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công.
“Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung cao độ, nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.