Đã hơn một tháng kể từ khi cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra, hậu quả để lại vẫn còn rất lớn. Là ngân hàng cho vay chủ yếu lĩnh vực tam nông, cả Agribank và khách hàng đều chịu tổn thất nặng nề. Tính đến ngày 26/9/2024, đã có trên 28.200 khách hàng vay vốn của Agribank bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 14.600 tỷ đồng. Đây cũng là lúc người dân, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của ngân hàng hơn lúc nào hết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơn bão lịch sử Yagi đã gây nên thiệt hại vô cùng lớn về người và của. Tính đến ngày 27/9, đã có 334 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất. Hàng loạt công trình hạ tầng, cầu đường… bị sập đổ. Bão lũ cũng gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.
Là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất nhì hệ thống, hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. Hiện dư nợ cho vay của nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng (chiếm 62,4% tổng dư nợ cho vay tam nông của toàn hệ thống).
Qua thống kê sơ bộ tình hình hoạt động, thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng do bão; Đến ngày 26/9/2024, Agribank có tổng số trên 28.200 khách hàng vay bị ảnh hưởng do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 14.600 tỷ đồng của trên 18.100 khách hàng.
Tại Quảng Ninh, tính đến hết ngày 26/9/2024, ước tính có 4.512 khách hàng vay vốn trên địa bàn bị ảnh hưởng (96% là cá nhân, hộ gia đình), tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 9.287 tỷ đồng, tổng dư nợ bị thiệt hại là 3.851 tỷ đồng với 4.412 khách hàng.
Tại Bắc Giang, thống kê sơ bộ đến ngày 16/9/2024, có 8.311 khách hàng vay vốn của Agribank bị thiệt hại, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là 2.013 tỷ đồng; dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 1.500 tỷ đồng. Ở Phú Thọ có tổng số 576 khách hàng vay bị thiệt hại, dư nợ bị ảnh hưởng ước tính trên 338 tỷ đồng; dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 120 tỷ đồng; Thái Nguyên có 700 khách hàng vay vốn với dư nợ bị thiệt hại ước tính trên 275 tỷ đồng...
Số liệu thiệt hại có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do một số khu vực vẫn đang khắc phục hậu quả sau bão, các chi nhánh vẫn chưa thống kê đầy đủ đối với khách hàng, một số địa phương vẫn đang gồng mình chống chọi với nước lũ...
Không chỉ tài sản của khách hàng bị thiệt hại mà hầu hết các chi nhánh Agribank trên địa bàn các tỉnh miền Bắc đều bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó các chi nhánh trên địa bàn tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái... bị nhiều thiệt hại về tài sản do bão lũ gây ra. Ước tính sơ bộ thiệt hại về tài sản tại một số chi nhánh Agribank khoảng 80 tỷ đồng (tính đến hết ngày 26/9/2024).
Ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau bão số 3 (9/9/2024) đến nay, Agribank đã tổ chức ngay nhiều đoàn đi công tác trực tiếp tới các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ để nắm bắt tình hình, trực tiếp động viên, hỗ trợ người dân, khách hàng và cán bộ người lao động.
Đích thân Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc và lãnh đạo các đơn vị tại Trụ sở chính đã làm việc trực tiếp tại: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... để vừa nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đánh giá cụ thể thiệt hại của khách hàng và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ khách hàng: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi, phí.
Chia sẻ với Tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Văn Nhiêu (xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) cho biết, cơn bão số 3 đi qua khiến gia đình ông bị thiệt hại khoảng 200 tấn cá giống, cá thịt (gồm cá lăng, cá tầm và cá diêu hồng) và 3 khu lán trại, ước tính thiệt hại 13 tỷ đồng. Mong mỏi của gia đình ông Nhiêu là được ngân hàng cơ cấu nợ và cho vay mới để hồi phục sản xuất.
Nắm bắt được mong mỏi của khách hàng, ngay sau bão, Agribank một mặt đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, chỉ đạo Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) kịp thời thực hiện các thủ tục bồi thường thiệt hại cho khách hàng, mặt khác triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ kịp thời với khách hàng, phân theo mức độ thiệt hại.
Cụ thể, ngày 13/9/2024, Ngân hàng đã ban hành văn bản 12757/NHNo-TD về các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Theo đó, đối với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.
Tính đến ngày 27/9/2024, tổng số khách hàng được giảm lãi theo Chương trình là trên 8.600 khách hàng, tổng dư nợ trên 8.200 tỷ đồng, số tiền lãi giảm 103 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục thực hiện giảm lãi suất, cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ lụt.
Hiện Agribank đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng đã xác định được thiệt hại như: Giảm lãi vay cho 13.623 khách hàng với tổng dư nợ là 17.332 tỷ đồng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.914 khách hàng, với tổng dư nợ là 2.268 tỷ đồng; Cho vay mới là 386 khách hàng với tổng dư nợ là 425 tỷ đồng.
Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ là giải pháp vô cùng thiết thực, giúp khách hàng kéo dài được thời hạn vay, làm nhẹ bớt áp lực nợ nần, giúp khách hàng có thêm thời gian phục hồi sản xuất, tạo nguồn thu, từng bước trả nợ ngân hàng.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết: “Agribank là ngân hàng chủ lực đầu tư vào thị trường nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đối tượng chúng tôi hướng đến ưu tiên vẫn là nhóm “tam nông”. Không chia sẻ một cách thiết thực nhất lúc này với đồng bào, với khách hàng thì không biết lúc nào mới làm tròn được sứ mệnh của mình. Vì thế, chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ và tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để có các giải pháp, có các gói phù hợp cho khách hàng lựa chọn”.
Ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank đang tham mưu các tỉnh, hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, Nhà nước để ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng. Theo quy định, để khách hàng vay vốn được khoanh nợ, UBND tỉnh phải có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, sau đó ngành ngân hàng mới có thể hướng dẫn các thủ tục tiếp theo.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 30/9, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn đề nghị chính quyền địa phương các cấp sớm thành lập hội đồng đánh giá những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 đối với người dân trên các địa bàn, tạo điều kiện xác nhận biên bản thiệt hại cho người dân để ngân hàng hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ đối với những khách hàng đang có dư nợ tại ngân hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão; tăng cường hoạt động của các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... hỗ trợ những hộ bị thiệt hại do bão, bảo lãnh cho người dân, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Riêng tại địa bàn Quảng Ninh, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 28 khách hàng với tổng dư nợ 73,6 tỷ đồng; Giảm lãi vay cho 1.788 khách hàng với tổng dư nợ 4.630 tỷ đồng, số tiền giảm lãi là 6,45 tỷ đồng; Cho vay mới là 52 khách hàng với tổng dư nợ 112 tỷ đồng. Dự kiến, tại Quảng Ninh, Agribank sẽ giảm lãi vay cho 4.228 khách hàng với tổng dư nợ là 8.828 tỷ đồng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 476 khách hàng với tổng dư nợ là 993 tỷ đồng; Cho vay mới với 197 khách hàng với tổng dư nợ là 159 tỷ đồng.
Sự vào cuộc kịp thời, khẩn trương và tích cực của Agribank trong hỗ trợ khách hàng phục hồi sau bão được các địa phương đánh giá rất cao. Các chính sách cơ cấu nợ, giảm lãi suất, các gói tín dụng lãi suất thấp được triển khai kịp thời giúp kinh tế địa phương tái thiết sau bão.
Khi hầu hết tài sản đã bị cuốn trôi theo bão lũ, niềm mong mỏi lớn nhất lúc này của người dân vùng thiên tai là được ngân hàng tiếp tục đặt niềm tin, cho vay mới để phục hồi sản xuất, tái ổn định cuộc sống.
Bà Ngô Thị Thuý, Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An cho biết, gia đình bà đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang (Quảng Yên, Quảng Ninh), nhưng đến nay, tất cả tài sản đã bị mưa lũ cuốn trôi, thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.
“Gia đình vay Agribank trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục. Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thuý bày tỏ.
Đáp ứng mong mỏi của khách hàng, Agribank đang tích cực xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo chính sách hỗ trợ của Agribank, quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật hiện hành.
Được biết, tính đến ngày 27/9/2024, Agribank đã cho vay mới đối với khách hàng bị thiệt hại do bão, lũ lụt đạt trên 900 khoản vay mới, dư nợ cho vay mới với lãi suất ưu đãi khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn thời gian tới. Theo đó, đối với khoản vay phát sinh từ ngày 7/9/2024 đến ngày 31/12/2024, ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực mà chi nhánh đang áp dụng tại thời điểm giải ngân trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân. Phối hợp cùng các chi nhánh trình Tổng giám đốc các trường hợp đề xuất mức giảm lãi suất cho vay cao hơn 0,5%.
Đáng lưu ý, với khách hàng đang có dư nợ tại Agribank, không may bị mất hết tài sản, nhưng muốn tiếp tục vay mới, ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở phải quản lý được nguồn thu của khách hàng.
Ngân hàng cũng dự kiến tung gói cho vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thời gian từ nay đến hết ngày 31/12/2024; Lãi suất cho vay thấp hơn tối đa từ 1,0% đến 1,5%/năm theo quy định.
Ngoài ra, Agribank đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi với lãi suất thấp đối với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên phạm vi cả nước như: gói vay ưu đãi 50.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; gói vay 60.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp lớn; gói vay 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu…, với lãi vay bình quân chỉ từ 3-7%/năm.
Với khách hàng cá nhân, Agribank cũng đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay thấp hơn tối đa từ 1,5%/năm đến 2%/năm theo quy định. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho khách hàng như cơ cấu nợ, khoanh nợ, cho vay mới, Agribank cũng là một trong những ngân hàng tích cực nhất trong tài trợ an sinh xã hội. Đến nay, tổng số tiền tài trợ an sinh xã hội, khắc phục hậu quả sau bão số 3 của Agribank là 54 tỷ đồng.
Có thể nói, sự đồng hành kịp thời của Agribank không chỉ là sự hỗ trợ về tài chính, mà còn là chỗ dựa tinh thần, giúp người dân, doanh nghiệp các vùng thiên tai vững tâm vượt qua khó khăn, lấy lại tinh thần để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.