Năm nào cũng vậy, mỗi độ Tết đến Xuân về, chúng tôi lại có dịp được lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về những câu chuyện nông nghiệp và kinh tế. Trong không gian giản dị bên bàn trà mộc mạc tại phòng làm việc, ông toát lên phong thái điềm tĩnh, thân thiện, với nụ cười luôn nở trên môi. Trước mắt chúng tôi không những là một vị lãnh đạo tài năng mà còn là một nhà báo từng trải, người đã để lại dấu ấn sâu sắc với bút danh “Xích Lô”.
Năm qua, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là cơn bão số 3, ngành nông nghiệp vẫn kiên cường vượt qua thử thách, đạt được những thành tựu vượt xa kỳ vọng. Nhân dịp đầu năm mới, xin Bộ trưởng chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, điều hành quý báu đã giúp ngành gặt hái những thành công đáng tự hào này.
Trước hết, chúng ta cần trân trọng và biết ơn những người nông dân, những bà con đã chịu tổn thất nặng nề sau cơn bão số 3. Bởi lẽ, dù có đạt được thành công nào đi chăng nữa, nếu không có nông dân làm nền tảng, làm chỗ dựa, thì những thành quả đó sẽ không thể tồn tại. Việc công nhận và đối xử công bằng với những người đã trực tiếp tạo ra những giá trị đó là điều mà chúng ta phải luôn ghi nhớ.
Nếu nói về kinh nghiệm, tôi cho rằng thành công bắt nguồn từ sự năng động của các địa phương. Thời gian qua, tư duy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã dần thẩm thấu vào xã hội. Bà con nông dân đã hiểu rằng sản xuất phải dựa trên nhu cầu thị trường, còn chính quyền địa phương biết cách kết nối thị trường và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ như giao thương, hội chợ, Festival...
Trong năm vừa qua, từ trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên cho đến Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương đều thể hiện rõ sự năng động và chủ động kết nối thị trường. Đây là yếu tố mang tính quyết định. Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào việc làm sao để bà con sản xuất thật nhiều. Nhưng giờ đây, các địa phương đã thấm nhuần tư duy kinh tế thị trường: sản xuất phải đi đôi với thị trường. Nếu không thúc đẩy được thị trường, sản xuất dù có đạt bao nhiêu thì cũng chỉ là một điểm nghẽn.
Bên cạnh đó, chúng ta đã nhận thức rõ ràng rằng các thị trường quốc tế rất đa dạng, mỗi thị trường có những tiêu chuẩn, yêu cầu và hàng rào kỹ thuật khác nhau. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cùng các cơ quan xúc tiến thương mại, các thông tin về thị trường đã được truyền tải kịp thời tới các địa phương, từ đó nhanh chóng đến tay bà con nông dân. Mặc dù vẫn còn một số điểm cần cải thiện, nhưng tư duy sản xuất đã thay đổi rõ rệt: chúng ta không còn bán những gì mình có, mà bán những gì thị trường cần.
Hay nói cách khác, chúng ta đã biến “sản phẩm” thành “thương phẩm”. Sản phẩm là những gì chúng ta làm ra, nhưng thương phẩm là những gì thị trường cần và chúng ta có thể bán được. Chính nhờ tư duy này, các chỉ số kinh tế mới tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu đạt 62,5 tỷ USD.
Điều quan trọng hơn cả là cách tiếp cận này đã tạo ra một hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ, vừa duy trì và phát triển các thị trường truyền thống, vừa khai thác tiềm năng ở những thị trường mới. Nhờ đó, giảm thiểu rủi ro từ bất kỳ thị trường nào, đảm bảo sự bền vững cho ngành nông nghiệp trong dài hạn.
Năm mới đến cũng là lúc "gieo trồng" những hạt giống mới cho sự phát triển. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những "loại giống" chiến lược mà Bộ sẽ "gieo trồng" để ngành nông nghiệp tiếp tục bội thu, khẳng định vị thế trên trường quốc tế?
Như tôi đã trao đổi, dù còn rất nhiều khó khăn, chúng ta cũng có không ít tiềm năng chưa được khai thác hết. Điều quan trọng là cần nhìn nhận mọi thứ với sự lạc quan. Chẳng hạn, khi nhắc đến nông nghiệp tuần hoàn, hiện nay chúng ta mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Ví dụ, chúng ta vẫn chỉ bán hạt gạo thô mà chưa khai thác giá trị từ những phần khác của cây lúa. Ngoài hạt gạo, chúng ta còn có vỏ trấu, thân cây lúa… những thứ có thể tận dụng để làm phân bón, giá thể trồng nấm, hoặc chế tạo viên nén tạo ra điện năng.
Đừng chỉ nhìn nông sản dưới góc độ giá trị đơn thuần. Nếu chỉ dừng ở việc thu hoạch và bán trái xoài hay trái cam như một loại nông sản thô, chúng ta mới chỉ khai thác tầng giá trị thấp nhất của sản phẩm đó. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa tận dụng hết tiềm năng trong chuỗi giá trị.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết nhiều nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu nông sản đông lạnh và nông sản chế biến. Chính điều này đã giúp nâng giá trị xuất khẩu lên nhiều lần so với giá trị thô ban đầu.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn theo tư duy đơn ngành, giá trị mang lại sẽ rất thấp. Lấy ví dụ về cà phê, chúng ta chủ yếu bán hạt cà phê thô, trong khi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 2% giá trị của loại nông sản này. Trong tương lai, chúng ta cần tìm cách tận dụng nốt 98% giá trị còn lại, bao gồm cả vỏ quả cà phê, thịt quả, và bã cà phê sau khi pha. Chẳng hạn, người Trung Quốc đã biết cách sử dụng bã cà phê để làm giá thể trồng nấm, và sau khi thu hoạch nấm, phần giá thể đó lại được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đây là minh chứng rõ ràng cho tư duy kinh tế tuần hoàn.
Chúng ta cần thay đổi cách nhìn: không đơn thuần sản xuất và bán thô. Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, và nông nghiệp xanh giúp tạo ra nhiều sản phẩm mới từ những thứ tưởng như bỏ đi, góp phần bảo vệ môi trường, không để bất cứ thứ gì trở thành rác thải.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải tận dụng tối đa mọi nguồn lực.
Tôi từng xem một số tài liệu về cách bà con ở Tây Nguyên đã chủ động tận dụng các chế phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ. Ban đầu, năng suất có thể chưa cao do mới làm quen, nhưng đây là một hướng đi đúng đắn. Tôi cũng đã gặp một số nông dân trồng sầu riêng ở Đắk Lắk, họ chỉ cần sử dụng hành, tỏi, men rượu… là đã có thể tự tạo ra chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật.
Chúng ta cần khuyến khích bà con thay đổi tư duy, đồng hành và hỗ trợ họ từng chút một để hướng đến sự phát triển bền vững. Truyền thông, trong vai trò một chiếc la bàn, cần định hướng đúng đắn, giúp bà con tránh khỏi những hoang mang và nản lòng bởi các tín hiệu tiêu cực. Bởi lẽ, khi con người rơi vào trạng thái lo lắng, buồn bã, năng suất làm việc sẽ không thể cao.
Trong sản xuất và kinh doanh, khó khăn là điều tất yếu: dịch bệnh, thiên tai, mất mùa, mưa sớm, mưa muộn, hạn hán… tất cả đều có thể xảy ra. Nhưng quan trọng là cách chúng ta đối diện và tìm ra hướng đi phù hợp để vượt qua những thách thức đó.
Bên cạnh niềm vui về những thành tựu xuất khẩu, Bộ trưởng cũng chia sẻ những trăn trở về sự liên kết, hợp tác để nâng cao giá trị nông sản Việt. Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng một đội ngũ vững mạnh, cùng nhau vươn ra biển lớn và đưa thương hiệu nông sản Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa trong năm tới?
Bên cạnh những thắng lợi lớn về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2024, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn về thị trường. Đồng thời, có những câu chuyện đáng suy ngẫm, khi mà nếu chúng ta làm tốt hơn, hiệu quả hơn, giá trị thu về chắc chắn sẽ cao hơn nữa.
Một trong những vấn đề quan trọng là sự liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp. Thay vì hoạt động đơn lẻ, nếu người nông dân và các doanh nghiệp có thể hợp tác và đi cùng nhau, chi phí sẽ giảm đi đáng kể. Hơn thế nữa, việc thiếu sự kết nối khiến chúng ta không thể mang hình ảnh nông sản Việt Nam vươn xa đến các thị trường lớn.
Thị trường quốc tế rộng lớn vô cùng. Một doanh nghiệp nhỏ chỉ xuất khẩu một container sang thị trường nước ngoài sẽ không đủ sức tạo dấu ấn hay tác động mạnh mẽ. Chúng ta cần xác định rõ ràng: chỉ bằng cách đi cùng nhau, hợp lực, chúng ta mới có thể đưa hình ảnh Việt Nam và thương hiệu nông sản Việt Nam chạm đến những thị trường xa xôi và rộng lớn hơn.
Tôi cũng thường nhắc nhở các đơn vị truyền thông rằng, đừng vội lạc quan chỉ vì một vài lô hàng xuất khẩu sang nước ngoài. Điều đó không có nghĩa chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường, vì cạnh tranh luôn rất khốc liệt. Việt Nam xuất khẩu sầu riêng, nhưng Thái Lan cũng làm điều tương tự. Việt Nam trồng bưởi, nhưng các quốc gia khác cũng có thế mạnh về loại cây này.
Chúng ta cần một tầm nhìn chiến lược ở cấp độ quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình. Nông sản không chỉ là một mặt hàng xuất khẩu để tìm kiếm lợi nhuận, mà còn là đại diện cho hình ảnh quốc gia. Mỗi doanh nghiệp, mỗi lô hàng xuất khẩu đều góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh quốc gia và nông sản cần hòa quyện, cộng hưởng, cùng nhau khẳng định vị thế của một nền văn minh lúa nước với nền nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, dù vẫn còn hạn chế về điều kiện tự nhiên và quy mô sản xuất nhỏ lẻ so với các quốc gia khác.
Trong kỷ nguyên vươn mình này, không riêng người nông dân, mà cả doanh nghiệp cũng cần vươn lên. Đây là một hành trình chung, nơi tất cả chúng ta đều phải nỗ lực vì sự phát triển bền vững và vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Như Bộ trưởng đã chia sẻ về những chiến lược phát triển nông nghiệp đầy triển vọng, chúng ta cũng không thể quên tiềm năng to lớn của rừng, đặc biệt là tại các khu vực gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để chúng ta có thể "đánh thức" nguồn tài nguyên quý giá này, biến "rừng vàng" thành động lực phát triển, giúp đồng bào vươn lên, góp phần vào bức tranh chung tươi sáng của nền kinh tế?
Khi tôi có ý tưởng và trình với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, tôi đã đi rất nhiều địa phương và tôi nhận thấy một nghịch lý như sau. Như lời Bác Hồ từng nói Việt Nam ta có rừng vàng biển bạc, để thấy có rừng, biết giữ rừng thì đó là vàng là bạc. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương nói rằng đó lại là một bi kịch: địa phương nào trồng lúa thì nghèo, địa phương nào có rừng thì càng khó. Lý do là bởi nhiều khi muốn tạo ra giá trị kinh tế thì vướng phải một số luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Chuyển đổi đất rừng.
Do đó khắc ghi những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói chúng ta phải nhận ra rằng, rừng không chỉ là gỗ, mà là hệ sinh thái rừng còn đa tầng đa tán. Trong rừng còn không biết bao nhiêu tài nguyên bản địa từ rừng như thảo dược, nấm, sâm… Đó là một hệ sinh thái không phải chỉ là những giá trị đơn lẻ, có thảm thực vật phong phú các cây chia theo từng tầng. Rừng bản thân là cảnh quan là sinh cảnh.
Trước đó, chúng ta chỉ nghĩ rừng để khai thác gỗ, đến khi không khai thác được thì chúng ta đóng cửa rừng, rồi sau đó là trồng thay thế, hay giờ còn được gọi là rừng sản xuất. Như vậy, rõ ràng chúng ta đang bị tách biệt hệ sinh thái rừng hoặc chúng ta chỉ nghĩ rừng liên quan đến các giá trị về gỗ, hoặc sau đó liên quan đến thủy điện.
Nhưng hệ sinh thái rừng lại mở ra cánh cửa rất lớn những giá trị rất lớn. Rừng không chỉ là cây, mà còn là môi trường để bà con dân tộc nhiều đời sống nương tựa vào tán rừng. Họ có văn hóa với rừng, tâm linh rừng và gắn bó với đó. Có những lúc chúng ta lại khoanh vùng bảo vệ rừng, bằng cách đưa bà con ra bên ngoài. Với những người đã quen sống với rừng, coi rừng là thứ gì đó rất thiêng liêng, là kho báu nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ với rừng thì không cách nào khác là phải tạo ra những hoạt động, tạo ra giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng.
Nhiều người hỏi tôi, chất vấn tôi về việc kinh phí trả cho bà con để bảo vệ, chăm sóc rừng thấp quá. Tôi trả lời như này, con người, đôi khi vấn đề không phải vì tiền, quan trọng là bà con có hoạt động gì dưới tán rừng. Từ những vật phẩm dưới tán rừng, bà con hoàn toàn có thể tận dụng. Hay việc tận dụng cảnh quan rừng để làm du lịch…
Làm sao cốt là để tất cả hoạt động đó vẫn giữ được độ che phủ của tán rừng. Tôi hay nói, nếu ta thuê bà con thì điều đó chưa phải. Bà con người Dao, người Mông đều có những bài thuốc nam từ rừng, đó là tạo ra một sản phẩm rồi. Thay vì chỉ đơn thuần trả kinh phí để bà con bảo vệ rừng thì chúng ta tổ chức lại bà con để làm kinh tế dưới tán rừng, trở thành cộng đồng, để từ đó cùng nhau liên kết, hợp tác với nhau.
Từ đó trở thành những cộng đồng đầy sức sống dưới các tán rừng, kết với với truyền thống văn hóa riêng của từng dân tộc. Từ những cái áo cái quần, vải thổ cẩm, đồ ăn mang nét riêng..., tất cả sẽ được bảo tồn và phục hồi. Sức sống của rừng chỉ trọn vẹn khi có sức sống của cộng đồng, của bà con gắn bó.
Chúng ta hãy trao cho bà con quyền chứ đừng chỉ đưa gạo, lương thực để cứu trợ hay đem tiền để người ta “yêu” rừng. Hãy trao quyền, gợi mở cho bà con hãy làm gì để phát huy được hệ sinh thái đa dụng dưới tán rừng. Từ đó, gắn vào cộng đồng dân tộc để hòa chung với giá trị ngàn đời nay đã gắn bó với rừng.
Đề án phát huy đa dụng giá trị hệ sinh thái rừng và kế hoạch sửa đổi Luật Lâm nghiệp đang nhận được sự quan tâm lớn. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về những điểm mới nổi bật, đặc biệt là những cơ hội mới cho người dân trong việc khai thác bền vững dưới tán rừng. Đây có thể coi là một "món quà" ý nghĩa cho người dân trong năm mới này không, thưa Bộ trưởng?
Như tôi đã nói, song hành với việc trình Thủ tướng Đề án phát huy đa dụng giá trị hệ sinh thái rừng, chúng tôi cũng tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp. Trước đây, do tình trạng khai thác quá mức, chúng ta buộc phải đóng cửa rừng. Nay, để mở lại cánh cửa đó, cần thay đổi các nghị định liên quan, tạo điều kiện để người dân được giao rừng và khai thác những giá trị đa dụng dưới tán rừng, nhưng vẫn đảm bảo duy trì độ che phủ rừng.
Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị ban hành một nghị định nhằm khai thác giá trị dược liệu dưới tán rừng. Thực tế, bà con ở các tỉnh như Tuyên Quang, Lào Cai... đã tiến hành khai thác dược liệu, nhưng phần lớn vẫn mang tính tự phát. Chúng ta cần định hướng phát triển nền kinh tế dưới tán rừng, trong đó kinh tế dược liệu là trọng tâm.
Bà con đã bắt đầu trồng một số loại dược liệu, nhưng họ thiếu sự hướng dẫn cụ thể. Thường thì chỉ nhận được giống cây trồng một cách rải rác, sau đó, khi thu hoạch, sản phẩm lại phụ thuộc vào thương lái thu mua. Điều này khiến giá trị cao nhất từ dược liệu không đến được tay bà con. Nhiệm vụ của chúng ta là tổ chức lại các cộng đồng, kết hợp trồng dược liệu dưới tán rừng với phương pháp khoa học. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con cách trồng, cách canh tác và quy trình sản xuất để vừa giữ được hệ sinh thái nguyên sinh của rừng, vừa tránh sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa học gây ảnh hưởng đến đất rừng.
Ngoài ra, cần xây dựng quy trình để bà con vừa bán dược liệu thô mà còn có thể tiến hành chế biến sơ bộ, như sấy khô tại các lò sấy nhỏ. Tiếp theo, chúng ta sẽ giúp bà con liên kết với các công ty dược liệu, hình thành chuỗi giá trị từ cộng đồng dân tộc thiểu số đến các doanh nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập.
Tôi nhớ mãi hình ảnh bà con người Dao ở chân núi Ba Vì, họ khai thác dược liệu từ rừng để chế tạo những gói thuốc gia truyền, lưu giữ văn hóa bản địa. Nhưng đồng thời, tôi cũng ấn tượng khi thấy làng nghề của họ luôn chuẩn bị sẵn xe chữa cháy. Hễ rừng Ba Vì cháy, bà con lập tức xông vào dập lửa, bởi họ hiểu rõ: bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn sống của mình.
Điều đó cho thấy, nếu chúng ta tạo điều kiện thuận lợi, bà con sẽ tự nguyện tham gia giữ rừng. Không một lực lượng kiểm lâm hay ban quản lý rừng nào đủ nhân lực để bảo vệ rừng khỏi sự xâm hại. Chỉ có bà con, với tri thức bản địa, mới biết rõ nên chặt cây nào, giữ cây nào; không khai thác tận thu mà khai thác bền vững để rừng tiếp tục sinh sôi.
Ngoài dược liệu, rừng còn mang đến nhiều tiềm năng khác như du lịch dưới tán rừng, dịch vụ môi trường rừng, và cho thuê đất rừng để làm du lịch cộng đồng. Khi khai thác du lịch, mọi tài nguyên bản địa từ tre nứa đến thảo dược đều có thể trở thành sản phẩm hấp dẫn du khách. Điều này làm cho đời sống trong rừng thêm phần sôi động, giúp bà con năng động hơn, tạo nên bức tranh rừng rộn ràng thay vì vẻ đìu hiu, quạnh vắng.
Hơn thế, du lịch dưới tán rừng còn là cầu nối đưa dòng người từ đô thị về với thiên nhiên. Khi bước vào rừng, con người có thể tĩnh lặng, suy tư, học hỏi những bài học lớn lao từ hệ sinh thái. Trong rừng, cây cao, cây thấp, cây thân gỗ, cây dây leo – tất cả đều hòa hợp với nhau, vậy tại sao con người không thể hòa hợp?
Rừng không chỉ mang lại bài học về tình yêu thiên nhiên, mà còn giáo dục con người trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh các giá trị hữu hình, rừng còn chứa đựng những giá trị vô hình mà chỉ khi hòa mình vào đó, chúng ta mới cảm nhận được. Từ những câu chuyện xa xưa của bà con dân tộc, tri thức bản địa chính là kho báu quý giá. Nó là văn hóa, là thứ có thể tích hợp và truyền tải thành sản phẩm giá trị.
Vì vậy, điều tôi mong muốn là chúng ta thay đổi tư duy, nhìn nhận bà con dân tộc thiểu số một cách tích cực hơn. Họ năng động, sáng tạo và giàu tri thức, chỉ cần được tạo điều kiện, họ sẽ trở thành những nhân tố chủ lực trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của rừng.
Tri thức bản địa là thứ có thể bán được, tất cả được tích hợp thành những câu chuyện. Do đó tôi muốn tất cả chúng ta đều nhìn lại tư duy lại về bà con dân tộc theo một hướng tích cực hơn. Bà con mình năng động lắm, chúng mình đừng nhìn tất cả mọi thứ theo cái hướng bi lụy quá.
Với tiềm năng và những giá trị bền vững mà "rừng vàng" mang lại, liệu đây có phải là "chìa khóa" để bà con phát huy tri thức bản địa, nâng cao đời sống, đồng thời cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, hội nhập và phát triển vượt bậc? Xin Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ của mình?
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó, nhưng điều kiện tiên quyết là chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh, huyện, xã cho đến thôn, bản, phải thực sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ bà con. Đây không phải là câu chuyện giải quyết trong một ngày hay hai ngày, mà là nhiệm vụ chung của tất cả chúng ta. Không thể để bà con dân tộc ngồi ở bìa rừng trong khi chúng ta đứng ngoài chỉ ban hành nghị quyết này, quy định kia.
Câu chuyện ở đây là chúng ta cần cùng ngồi lại với bà con, cân nhắc kỹ lưỡng các nguồn lực để quyết định bắt đầu từ đâu. Theo tôi, đối với rừng và đối với cộng đồng bà con dân tộc, không thể chỉ nói bằng nghị quyết hay chính sách, bởi bà con rất khó tiếp cận những văn bản đó. Điều quan trọng là phải dựa vào các già làng, trưởng bản - những người có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.
Chúng ta cần xây dựng đội ngũ già làng, trưởng bản, đồng thời tri thức hóa họ. Bởi lẽ, cán bộ chỉ đến một thời gian rồi đi, nhưng niềm tin và chỗ dựa của bà con vẫn luôn là những người già làng, trưởng bản trong cộng đồng. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể: trong đợt bão lũ do cơn bão số ba tại một ngôi làng ở Lào Cai, một thanh niên là trưởng làng đã nhận ra những dấu hiệu bất thường và lập tức chỉ đạo bà con di dời đến vị trí an toàn hơn. Lúc đó, cán bộ còn ở rất xa, và chỉ những người có kinh nghiệm dân gian, am hiểu truyền thống mới có thể hành động kịp thời như vậy.
Để biến các chủ trương thành hiện thực, đội ngũ già làng, trưởng bản đóng vai trò không thể thay thế. Vì mỗi vấn đề đưa ra thường không thể áp dụng đồng nhất, nơi này có thể phù hợp nhưng nơi khác lại không. Ví dụ, một giải pháp có thể phù hợp với đồng bào dân tộc Mông, nhưng chưa chắc đã hiệu quả với đồng bào dân tộc khác, bởi họ sinh sống ở những địa hình và độ cao khác nhau, với những đặc điểm văn hóa riêng biệt.
Có thể thấy, "rừng vàng" đã thực sự tỏa sáng với những con số ấn tượng và kỷ lục trong năm qua. Vậy trong năm tới, với những khát vọng trong kỷ nguyên mới, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục "vươn mình" ra sao để khẳng định vị thế và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, thưa Bộ trưởng?
Quay trở lại câu chuyện về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong lĩnh vực lâm nghiệp, chúng ta đang sở hữu một lợi thế rất lớn khi xuất khẩu và các sản phẩm chế biến từ gỗ của Việt Nam đang nằm trong nhóm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một điểm nghẽn đáng kể: các nhà máy và khu công nghiệp chế biến gỗ hiện nay chủ yếu tập trung từ miền Trung đến Đông Nam Bộ, trong khi nguồn rừng lại phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi trung du phía Bắc.
Điều này khiến chi phí vận chuyển gỗ từ phía Bắc vào các nhà máy trở nên quá cao, tạo ra thách thức lớn trong việc tối ưu hóa tiềm năng của ngành lâm nghiệp. Vì vậy, để khai thác triệt để lợi thế từ độ che phủ rừng rộng lớn, cần phải đầu tư mạnh mẽ vào việc kết nối hạ tầng logistics. Đồng thời, chúng ta cần truyền tải một thông điệp rõ ràng: gỗ và lâm sản chính là đại diện cho hình ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hướng tới xu thế phát triển bền vững, vừa khai thác vừa bảo vệ tài nguyên, góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng, nếu trong thời gian tới chúng ta có thể khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng một cách hiệu quả, giá trị kinh tế mà ngành lâm nghiệp mang lại có thể tăng gấp hai, gấp ba lần so với hiện tại, thậm chí đạt tới gấp 5 hoặc gấp 10 lần.
Năm 2025 là năm bản lề, đánh dấu chặng cuối cùng để chúng ta cán đích thành công với những mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những "giai điệu" quan trọng trong "bản giao hưởng" phát triển của ngành nông nghiệp, để chúng ta cùng nhau về đích một cách trọn vẹn, đồng thời tạo đà cho những bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai?
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng mà ngành nông nghiệp đã đạt được đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã vượt xa mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ. Chẳng hạn, mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD vào năm 2030, nhưng chúng ta đã vượt qua con số này từ sớm.
Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc vươn xa hơn nữa, chẳng hạn, tại sao không thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, như hợp tác với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, hoặc thậm chí các quốc gia ở châu Phi? Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực.
Thay vì chỉ khai thác bằng vài chiếc tàu nhỏ, tại sao chúng ta không tạo ra một đội tàu liên kết trong nước mà còn hợp tác với các quốc gia khác để khai thác hải sản một cách bền vững và hiệu quả hơn? Khi đã vươn mình, chúng ta phải nghĩ vượt ra ngoài giới hạn của những gì mình đang có. Liên kết để phát triển đa tầng giá trị, như đã nói về nông nghiệp tuần hoàn, chứ đừng chỉ nhìn vào một giá trị đơn giản. Nếu chỉ dừng lại ở tầng thấp của chuỗi giá trị, chúng ta sẽ khó có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
Chúng ta phải nghĩ rộng hơn, đặc biệt khi đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, công nghiệp hóa và xây dựng hạ tầng. Đồng thời, mật độ dân số ngày càng gia tăng. Một ví dụ khác là tài nguyên biển: thay vì chỉ nghĩ đến các vấn đề liên quan đến IUU và việc khai thác tận diệt, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng tài nguyên biển không chỉ có cá và tôm mà còn bao gồm nhiều loại tài nguyên quý giá khác, như rong biển, rong nho...
Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nhau ngồi lại và bàn bạc, sẽ có rất nhiều giải pháp để khám phá những giá trị thặng dư cao hơn. Nông sản không những là thực phẩm, mà còn có thể trở thành dược phẩm, thậm chí là mỹ phẩm. Trong năm 2025, ngành nông nghiệp cần phải khai thác những miền giá trị mới, vì miền giá trị cũ đã bắt đầu bão hòa và sẽ không thể duy trì đà tăng trưởng lâu dài. Khi chúng ta đạt đến đỉnh của một giá trị, thì cũng là lúc giá trị đó sẽ giảm xuống, bởi vì diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Chúng ta cần phải nhìn về phía trước, thay vì chỉ nhìn xuống đất khi trời mưa. Nếu nhìn xuống, chúng ta chỉ thấy bùn, nhưng nếu nhìn lên, sẽ thấy cầu vồng. Để có được cầu vồng, đôi khi chúng ta phải chấp nhận chịu đựng bùn một chút.
Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ có một tư duy mới cho kỷ nguyên vươn mình, một tư duy thay đổi mạnh mẽ, chứ không chỉ là từng bước nhích lên một cách chậm chạp. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng tự hào, nhưng chúng ta không nên tự mãn với những gì đã có, mà phải dành thời gian để suy nghĩ về những bước đi tiếp theo, hướng đến tương lai bền vững và phát triển mạnh mẽ hơn.