Phan Uyên, Giám đốc điều hành (CEO) Công ty cổ phần Sữa Con Bò Vàng Ba Vì (Cobova), ngay từ lần gặp đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu sắc với mái tóc ngắn, hiện đại và năng động. Sự hoạt ngôn, phong thái tự tin, quyết đoán, nhưng rất thân thiện, cởi mở của chị khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy thoải mái. Đôi mắt sáng, cương nghị hài hòa với nụ cười quyến rũ, toát lên vẻ mạnh mẽ, kiên định.
Ít ai ngờ rằng, người phụ nữ với gương mặt xinh đẹp, gu ăn mặc hiện đại, dùng nước hoa thơm phức này lại từng là cô gái hiếu động, nghịch ngợm, rất nhiều lần đánh nhau với bạn đến mức nhà trường liên tục phải mời phụ huynh lên gặp và bỏ học sau khi tốt nghiệp cấp 2. Đam mê kinh doanh, nỗ lực học hỏi cộng với khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng thiên bẩm và sự dám nghĩ, dám làm đã giúp Phan Uyên trở thành CEO tài ba của Cobova.
Phan Uyên sinh năm 1997 tại Phú Thọ, trong một gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng. Từ nhỏ, cô đã phụ giúp bố mẹ bán hàng, thấm nhuần “máu kinh doanh” từ thuở niên thiếu. Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, nhưng Phan Uyên mang bản tính tinh nghịch như con trai, luôn thích bay nhảy, không muốn gò vào khuôn khổ, nên học hết lớp 9 đã xin bố mẹ cho nghỉ học.
“Lúc đó, tôi không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ, nên sớm ra đời và trải qua nhiều công việc để tự lập. Tôi làm thuê, làm may rồi bươn trải đủ nghề. Cuối cùng, tôi nhận ra, mình đam mê kinh doanh nhất và đó là nghề hợp với bản thân nhất. Muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, muốn sớm báo hiếu cho cha mẹ thì phải kinh doanh và phải kinh doanh lớn. Không thể thay đổi quá khứ, thì phải thay đổi hiện tại để tương lai tươi đẹp hơn”, Phan Uyên chia sẻ.
Xác định được con đường sự nghiệp nhất định phải là kinh doanh, Phan Uyên đã dành nhiều tâm sức tìm một sản phẩm tốt, mọi người có thể dùng hàng ngày để có thể tiêu thụ với số lượng lớn. Vì chị nghĩ: “Phải bán buôn số lượng lớn mới nhanh chóng phát triển và có doanh thu, lợi nhuận cao”.
Những ngày đầu hè oi bức năm 2018, sau khi ăn một cốc sữa chua nếp cẩm Cobova, chị thấy “tỉnh cả người” và nhận ra, đây là sản phẩm ngon, mẫu mã đẹp, mọi người đều có thể ăn hàng ngày, có cơ hội phát triển nhanh, mạnh mẽ.
“Vì thế, tôi đã mua và ăn thử tất cả các sản phẩm Cobova nhiều lần để biết chất lượng sản phẩm có đồng đều không. Sau đó, trước khi quyết định làm cộng tác viên cho Cobova, tôi đã nhiều lần thăm quy trình sản xuất của nhà máy, từ khâu thu mua nguyên liệu đến chế biến và đóng gói”, Phan Uyên kể trong sự hào hứng như thể chị đang quay trở lại những tháng ngày hừng hực khí thế khởi nghiệp.
Phan Uyên cho hay, chị đặc biệt thích sữa chua Cobova, bởi sữa được làm từ 88% sữa tươi của những cô bò hạnh phúc được nuôi tại thiên đường bò sữa Ba Vì, trải qua quá trình lên men tự nhiên mang hương vị thơm ngon, mát lành, giàu dưỡng chất, giúp tăng cường đề kháng, tiêu hóa khỏe, tươi trẻ sức sống.
“Giờ thì mỗi ngày, nếu không ăn 1 - 2 hộp sữa chua Cobova, tôi sẽ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó rất khó tả”, chị chia sẻ.
Khi đã yêu và hiểu sản phẩm, biết chắc chắn chất lượng ổn định, đảm bảo không chỉ ngon, tốt cho sức khỏe, mà còn có mẫu mã đẹp, hiện đại, Phan Uyên tin chắc đây là sản phẩm người người, nhà nhà đều cần. Trong hai năm 2018 và 2019, dù ngày nắng cháy hay mưa rào, chị đều một mình chở hàng trên chiếc xe máy cũ kỹ đến các cửa hàng tạp hóa, đại lý, tổng kho hàng tiêu dùng để chào, mời bán buôn.
Dù không bằng cấp, kinh nghiệm kinh doanh ít ỏi, nhưng những năm tháng phụ giúp gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng đã giúp Phan Uyên có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng nhanh nhạy. “Bằng một phép màu, hữu duyên, thiên bẩm hoặc may mắn nào đó, khi tôi thuyết phục bất cứ khách hàng nào, dù khó tính đến đâu, chỉ trong vòng 2 phút họ sẽ đồng ý móc hầu bao”, chị cười sảng khoái.
Chia sẻ bí kíp thuyết phục khách hàng, Phan Uyên không hề giấu diếm: “Ban đầu, khi khách hàng chưa sử dụng sản phẩm, họ sẽ không biết nó ngon hay dở, tốt hay chưa tốt. Vì thế, tôi lấy uy tín cá nhân mình để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Tôi mời khách ăn thử miễn phí, cam kết không ngon không lấy tiền, cam kết đền bù nếu sản phẩm bị lỗi, thậm chí có thời điểm cam kết thu mua lại nếu khách hàng là đại lý, tổng kho không bán hết hàng. Với mỗi khách hàng, tôi đều nắm bắt vấn đề của họ và quyết đoán đưa ra giải pháp kịp thời để hóa giải”.
Lấy uy tín cá nhân để chinh phục khách hàng. Sau đó, chất lượng sản phẩm giúp Phan Uyên giữ chân được khách hàng, đối tác. “Một khi khách hàng đã đồng ý nhập hàng thì coi như thành công 99%, bởi đến giờ, chưa có khách nào trả lại sản phẩm vì không bán được. Tôi tự tin rằng, các sản phẩm đạt OCOP 4 sao của Cobova, khi đã một lần thưởng thức, khách hàng sẽ không khó để cảm nhận và đánh giá về hương vị, chất lượng vượt trội hơn hẳn các loại sữa chua, bánh sữa, sữa tươi, sữa chua uống pha nhiều bột sữa ngoài thị trường. Thế nên, các sản phẩm Cobova xuất hiện ở đâu sẽ nhanh chóng được ưa chuộng và chiếm lĩnh thị phần”, Phan Uyên hạnh phúc kể.
Chẳng thế mà, năm 2020, chỉ sau hai năm làm cộng tác viên bán hàng cho Cobova, doanh thu bán hàng cá nhân của Phan Uyên đã đạt hơn 5 tỷ đồng mỗi tháng, với lợi nhuận “khủng”, một con số trong mơ, khiến chính các lãnh đạo cấp cao của Cobova kinh ngạc.
Nhận thấy khả năng bán hàng xuất sắc của Phan Uyên, ông Đào Công Trường, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Cobova đã mời chị về làm Giám đốc điều hành với mức thù lao hấp dẫn và hưởng thêm doanh số.
Và không phụ sự kỳ vọng, Phan Uyên nỗ lực ngày đêm mở rộng thị trường qua cả kênh truyền thống, kênh online và các sàn thương mại điện tử, đưa các sản phẩm Cobova tới khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra. Trừ những giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu của Cobova liên tục tăng trưởng ở mức hai con số.
“Bất cứ sản phẩm mới nào của Cobova cũng bán được và từ khi đang nghiên cứu sản phẩm, tôi đã định hình trong đầu là bán ở thị trường nào, bán cho ai,” chị tự tin.
Khởi nghiệp từ con số không cả về kiến thức và mối quan hệ, không qua bất cứ trường lớp kinh doanh nào, Phan Uyên đã gây dựng sự nghiệp nhờ vào sự tỉ mỉ, siêng học hỏi từ những người giỏi hơn, thành công hơn mình và cố gắng nhào nặn nó thành chất riêng của chị.
“Tôi ham học hỏi và học rất nhanh, nên khi gặp những người giỏi hơn mình, dù họ ở bất cứ lĩnh vực nào, tôi sẽ giống như cá gặp nước. Xuất phát điểm không thuận lợi, nên tôi luôn cố gắng học những gì mình thiếu và không ngừng hoàn thiện bản thân để lớn lên và trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của mình ngày hôm qua”, chị quyết tâm.
Đam mê, quyết tâm, nhiệt huyết, nhưng con đường kinh doanh đầy gian khó vẫn đôi khi khiến con người mạnh mẽ, bản lĩnh như Phan Uyên phải chạnh lòng. Chị tâm sự: “Có nhiều khi vì lý do khách quan, xe hàng vận chuyển đi các nơi bị chậm, khách hàng trách móc, thậm chí là chửi tôi thậm tệ. Hay đợt giãn cách vì Covid-19 năm 2021, nhiều nhà sản xuất sữa chua không thể bán hàng mà hạn dùng của mặt hàng này khá ngắn, Phan Uyên đã kêu gọi mọi người giải cứu 10.000 thùng sữa chua. Chỉ sau 20 phút gửi lời kêu gọi, 10.000 thùng sữa chua đã được đặt hàng hết sạch. Tuy nhiên, có một cơ sở không thể xuất hàng vì không xin được giấy phép vận chuyển đã quay sang trách móc, chửi bới tôi. Những lúc đó thực sự tôi rất buồn, tủi thân vì thực sự mình đã và rất cố gắng giúp họ mà kết quả không được như ý muốn”.
Nhưng, với định hướng rõ ràng và đam mê kinh doanh, Phan Uyên chưa từng từ bỏ mục tiêu đã định. “Trên thương trường cạnh tranh khốc liệt, tôi luôn coi mình chỉ là hạt cát, không ngại khó, ngại khổ, dám nhận mình ngu, dám hạ cái tôi, đôi khi dám bỏ qua sĩ diện để chiều lòng khách hàng, để học hỏi và không ngừng nỗ lực, cố gắng, chăm chỉ mỗi ngày. Điều đó giúp tôi của ngày hôm nay thành công hơn, tốt hơn, hoàn hảo hơn phiên bản Phan Uyên ngày hôm qua. Đó là thành công, cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”, nữ CEO bộc bạch.
Chị tâm sự, ở tuổi 27, thu nhập khá, nhưng chị chưa một lần đặt chân đến những vùng đất mới lạ để du lịch. Sáu năm khởi nghiệp đã trôi qua, và trừ những giờ phút dành cho giấc ngủ, toàn bộ thời gian của chị đều dành trọn cho việc bán hàng, không ngừng nghỉ. Trái ngọt từ những nỗ lực không ngừng nghỉ đó là những dòng khách hàng đổ về tìm đến chị đều đặn. Thậm chí, có những người phải vượt qua bao khó khăn mới kết nối được với chị để nhập về những sản phẩm của Cobova hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
“Điều quý giá nhất tôi nhận được từ việc kinh doanh chính là giàu có về quan hệ và tình cảm. Khách hàng, đối tác có đặc sản gì, món ngon gì cũng tặng cho tôi thưởng thức. Đặc biệt, tôi đã được gặp gỡ nhiều người giỏi ở tất cả các lĩnh vực, học hỏi được những điều hay, tầm nhìn dài hạn của những người thành công”, đôi mắt Phan Uyên long lanh.
Dù ở vị trí CEO, chỉ là người làm thuê cho chủ doanh nghiệp, nhưng Phan Uyên luôn coi sự phát triển của Cobova là sự phát triển của chính mình, và tự nhủ đó là nhiệm vụ, trách nhiệm nhất định phải làm tốt.
Chị bảo: “Có những thời điểm công việc kinh doanh khó khăn và áp lực đè nặng, nhưng tôi không cho phép mình dừng bước hay nản lòng. Bởi, cuộc sống của hơn 100 gia đình công nhân, 16 lái xe của công ty, cùng hàng chục hộ gia đình nuôi bò sữa liên kết với Cobova đang phụ thuộc vào những lô hàng xuất đi. Hàng bán được nhiều hay ít sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”.
Uy tín, tài năng của Phan Uyên ngày càng nổi bật trong ngành sữa nên được nhiều chủ đầu tư muốn chiêu mộ về làm việc. Chị kể, từng có những nhà đầu tư, những giám đốc công ty nhận ra tiềm năng tỏa sáng của chị, họ đã không ngần ngại đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn như chia sẻ 40-50% lợi nhuận, trả thù lao hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, tặng nhà, thậm chí hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng nhà máy nếu chị đồng ý làm việc cho họ. Nhưng Phan Uyên, với tâm hồn kiên định đã từ chối.
“Tôi không phải người đứng núi này trông núi nọ. Khi vẫn chọn lĩnh vực sữa, tôi chỉ nguyện gắn bó với Cobova. Hơn nữa, trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng, trên đời này không có bữa ăn nào miễn phí, chẳng ai tự dưng bày cỗ cho kẻ khác. Thành công luôn phải đi qua những chặng đường gập ghềnh, đầy thách thức và khó khăn. Tôi muốn tiêu những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, công sức của chính mình, bởi lòng tham của con người là vô đáy. Nếu chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, tôi sẽ mất uy tín. Mà đối với một người làm kinh doanh, mất uy tín là mất tất cả”, Phan Uyên nói chắc nịch.
Quan tâm đến từng khách hàng theo cách rất riêng, luôn tri ân họ theo những cách đặc biệt như: làm từ thiện không quảng bá, tặng tôm hùm khi khách hàng than mệt, bao trọn gói ăn ở villa 5 sao khi khách đến dự tiệc sinh nhật cá nhân..., CEO Phan Uyên nhanh chóng tạo nên dấu ấn thương hiệu cá nhân đậm nét trong mảng kinh doanh các sản phẩm từ sữa. Sự nhanh nhạy, tốc độ của tuổi trẻ và uy tín trong kinh doanh cùng những sản phẩm chuẩn, chất lượng đã giúp cái tên Phan Uyên được nhiều khách hàng biết đến. Vì thế, ngoài kinh doanh sữa Cobova, Phan Uyên còn kết nối cho nhiều nhà sản xuất với các tổng kho, đại lý; kết nối các tổng kho, đại lý với nhau để nhà sản xuất và cộng đồng kinh doanh cùng phát triển.
Chị luôn mong muốn trở thành cầu nối giữa các nhà sản xuất và kinh doanh, kết nối những người làm kinh doanh với nhau để tạo cần câu cơm, tạo việc làm cho thật nhiều người. Và năm nay, Phan Uyên sẽ làm từ thiện nhiều hơn. “Nhìn ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của những mảnh đời kém may mắn, tôi cảm thấy hạnh phúc và mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa để mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và những người xung quanh mình”, giọng chị ấm áp.
Ở thời điểm hiện tại, Phan Uyên đang nỗ lực để các sản phẩm sữa của Cobova vượt ra khỏi phạm vi miền Bắc, lan tỏa đến các tỉnh phía Nam và xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời, chị mong muốn kết nối để đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của huyện Ba Vì, TP. Hà Nội tới khắp các tỉnh, thành trên cả nước và vươn ra thế giới. Đó là những sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, trà, rau, khoai lang, miến dong, thịt và giò đà điểu, giò lụa, hạt sen đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên và thực sự chất lượng.
“Đây là khát khao cũng là cách tôi tri ân mảnh đất Ba Vì đã giúp mình trưởng thành hơn mỗi ngày, giúp tôi có công việc mình đam mê, có cuộc sống đủ đầy và có thể báo hiếu cho bố mẹ”, Phan Uyên bày tỏ.