Trên thế giới, có biết bao mối tình lãng mạn, đắm say đã đi vào huyền thoại của nhân loại, nhưng thật hiếm đám cưới cổ tích nào vừa lãng mạn, vừa gắn liền với tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương đất nước... như cặp đôi Lê Hồng Quân – Nguyễn Cẩm Lai.

 

Chuyện kể rằng, ngày 27/4/2017, doanh nhân Việt kiều Angola Lê Hồng Quân ở châu Phi xa xôi gặp Nguyễn Cẩm Lai, phóng viên Đài Truyền hình VTC khi cùng lên chuyến tàu Kiểm ngư 491 đi thăm quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của Đoàn Kiều bào do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức.

 

 

Trong hải trình 10 ngày đến với Trường Sa, chàng và nàng đã cùng nhau nếm trải những dư vị ngọt ngào, ý nghĩa nhất cuộc đời. Doanh nhân Lê Hồng Quân nhớ mãi ngày 1/5/2017, sau lễ thượng cờ tại đảo Trường Sa, nhà báo Cẩm Lai mời anh phối hợp những cảnh quay trong chùa Trường Sa.

 

“Tôi vẫn nhớ như in cảnh Cẩm Lai mặc áo dài trắng, còn tôi diện áo cờ đỏ sao vàng tiến vào chùa, cùng nhau lễ phật. Được sư thầy chùa Trường Sa tặng chữ “Duyên, Cẩm Lai đã trao lại cho tôi như một sự gửi gắm”, người đàn ông sinh năm 1978 tủm tỉm.

 

Ngày 4/5/2017, tàu cập cảng, kết thúc chuyến hải trình Trường Sa, trở về đất liền, họ vẫn cứ bên nhau như mối lương duyên tiền định và đi đến một “happy ending” tựa cổ tích. Để kỷ niệm chuyến đi đáng nhớ nhất trong cuộc đời, họ chọn ngày cưới chính là ngày kỷ niệm một năm bước chân xuống tàu đi Trường Sa - ngày 25/4/2018.

 

“Cặp đôi vàng” đã được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, tàu KN491 tạo điều kiện cho trở lại thăm tàu, thăm nơi đã gắn liền với kỷ niệm nơi tình yêu bắt đầu để chụp những kiểu ảnh cưới không thể đặc biệt hơn.

 

Sau khi kết hôn, chàng Việt kiều Lê Hồng Quân đã trở về Việt Nam sinh sống cùng gia đình và đầu tư, tham gia các dự án bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần nâng cao đời sống của những anh bộ đội Cụ Hồ can hùng nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

 

 

Sinh ra tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, Quân ngỡ tưởng mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc đúng chuyên ngành tại Tập đoàn TTC, chuyên phân phối bóng đèn Compact tại Việt Nam.

 

Nhưng khát khao được đoàn tụ với mẹ anh, một bác sỹ đang hỗ trợ Angola, đất nước còn nhiều gian khó bởi nội chiến, đã dẫn lối cho Lê Hồng Quân trở thành chuyên gia công nghệ thông tin về dầu khí của một doanh nghiệp tại quốc gia châu Phi này.

 

Một năm sau, việc chuyển thủ tục không thành công, Lê Hồng Quân không trở về nước mà mở doanh nghiệp Công ty thương mại Domingos António Commercial chuyên đầu tư tư nhân trực tiếp tại đây, kinh doanh những mảng ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, dịch vụ di trú và du lịch.

 

Ra mắt Ban Liên lạc Chiến sỹ Trường Sa toàn cầu, gồm đại diện Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và đại bểu kiều bào các nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Chia sẻ về quyết định khá táo bạo ở thời điểm ấy, vị doanh nhân tuổi Ngọ cho hay, Angola là quốc gia chậm phát triển hơn Việt Nam, do nội chiến kéo dài, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp còn yếu nên thiếu sản phẩm và phải nhập khẩu rất nhiều. Tuy nhiên, thời điểm đầu những năm 1990, bình quân thu nhập chia đầu người của họ rất cao khoảng trên 7.000 USD/người vì dân số ít, khoảng 18 – 20 triệu dân trong khi tổng thu nhập tương đương Việt Nam.

 

Bởi thế, miếng bánh thị trường Angola rất hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài như Đông Âu, Nga, Thái Lan,… Việt Nam không phải ngoại lệ. Cộng đồng Việt Nam tại quốc gia châu Phi này cũng tăng nhanh rất nhanh, từ vài ngàn lên hơn 20 ngàn người chỉ trong 1-2 năm.

 

Khi đó, dịch vụ hàng hóa biến động, sinh ra mức lời đủ lớn đủ trang trải các chi phí vận chuyển và các chi phí khác. Cùng với đó, vì đi sau Việt Nam khoảng 15 – 20 năm nên nhu cầu hàng hóa, kỹ thuật và giá cả của người Angola rất phù hợp với trình độ, sản phẩm của Việt Nam.

 

 

“Nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời cho hoạt động kinh doanh của người Việt tại đây nên tôi quyết định thành lập công ty và chọn mảng thiết bị máy tính. Thời điểm đó, người Việt Nam chủ yếu xuất khẩu quần áo, xe máy, thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin”, doanh nhân Lê Hồng Quân kể với giọng nói ấm áp, chân thành.

 

Theo doanh nhân sinh năm 1978, ban đầu, một doanh nghiệp Việt Nam bé nhỏ Công ty Domingos António Commercial muốn phát triển ở Angola không hề dễ dàng, bởi khi đó, kết nối giữa Việt Nam và Angola chưa nhiều, chỉ mới đơn giản là hợp tác quốc tế ở 2 mảng giáo dục và y tế, các kênh hàng hóa chưa mở, chưa có tùy viên văn hóa… mọi hoạt động giao thương gần như là tự phát.

 

CEO Lê Hồng Quân đại diện Quỹ “Trường Sa Nhà giàn DK1 hành trình của trái tim” cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trao tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân trước khi lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

“Trên hành trình định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên “đất khách”, tôi luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, lấy chữ tín là vũ khí cạnh tranh và bảo vệ chữ tín như bảo vệ danh dự cá nhân, danh sự doanh nghiệp, danh dự đất nước. Từ đó, tạo ra những giá trị vượt trội ngoài sự mong đợi của khách hàng. Chính điều đó giúp công ty đứng vững tại thị trường Angola gần 20 năm”.

 

Theo doanh nhân Việt kiều, hiện nay Angola đang tái phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng giá dầu, nhu cầu nguyên liệu, trang thiết bị công nghệ ở quốc gia này rất lớn, là “miếng bánh” hợp khẩu vị cho nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam.

 

 

Doanh nhân Lê Hồng Quân kể, giờ đây, các mặt hàng Việt Nam xuất hiện đủ đầy tại thị trường Angola, tuy nhiên anh nhớ, những ngày giáp Tết, hình ảnh đào mai khoe sắc thắm, các gia đình Việt Nam quây quần gói bánh chưng, sum vầy bên mâm cơm gia đình xuất hiện với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội, càng khiến nỗi nhớ quê hương, nhớ Tết đoàn viên bên gia đình của người con xa xứ càng trở nên cồn cào, da diết.

 

“Điều đó khiến tôi càng cảm nhận sâu sắc tình yêu Tổ quốc không gì có thể khỏa lấp sự trân quý với hơi thở quê hương trong trái tim mình”, anh trải lòng và bộc bạch, một mình xa nhà, xa quê, những hương vị ngày Tết với nào bánh chưng, nem, canh măng,… hiện ra, khiến tôi không khỏi ứa nước miếng. Thậm chí có hôm thèm bánh chưng như “nghén”, dù bình thường không thích ăn đồ nếp.

 

Doanh nhân Việt kiều đúc kết: “Thế mới thấy cội nguồn, gốc gác, ngay cả những điều giản dị như hơi thở vẫn luôn ăn sâu trong tiềm thức, dù bao nhiêu tuổi vẫn chẳng thể sống thiếu những hương vị quê hương ấy”.

 

 

Cùng với phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Lê Hồng Quân còn tham gia hỗ trợ kỹ thuật rồi phụ trách quản trị các trang thông tin và là ủy viên phụ trách truyền thông Hội người Việt tại Angola. Đó cũng là cơ hội và cơ duyên giúp anh trở thành đại diện đầu tiên của Kiều bào tại Angola nói riêng, châu Phi nói chung có mặt trên hành trình thăm quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của Kiều bào Việt Nam năm 2017.

 

Anh tâm sự: “Người xưa đã từng nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, tôi thấy câu này đúng 100% đối với bối cảnh ở Trường Sa, hay chí ít cũng là với tôi. Như tất cả những người dân Việt Nam và đặc biệt hơn là người Việt viễn xứ, tôi quan tâm nhiều đến đất nước mình, đến sự phát triển và những cải thiện trong cuộc sống hằng ngày ở các vùng sâu vùng xa, nhất là ở các vùng lãnh hải, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.

 

 

Cảm phục sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân, năm 2018, Lê Hồng Quân sáng lập “Dự án Lịch Trường Sa Nhà giàn DK1, hành trình của trái tim” với khát khao lan toả mạnh mẽ những hình ảnh của biển đảo Việt Nam đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Anh cũng đồng thời sáng lập Quỹ “Hành trình của trái tim” để góp phần bảo vệ biển đảo và chăm lo hậu phương người lính biển. Đến nay, dự án đã xuất bản gần 20.000 cuốn lịch giấy (để bàn và treo tường) với hình ảnh về các đảo thuộc Trường Sa và Nhà giàn DK1.

 

Những cuốn lịch này đã đến tay nhiều cá nhân, tổ chức trong nước, đặc biệt đến được với bà con Việt kiều tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Canada, Anh, Nga, Đức, Ba Lan, Algeria, Ukraine… Lợi nhuận thu được thông qua việc in và bán lịch được nhóm dự án dùng để chăm lo cho hậu phương của những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác biển trời thiêng liêng của Tổ quốc ngoài quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

 

 

Dự án đã cấp 32 học bổng cho con của các chiến sĩ Trường Sa với mỗi học bổng trị giá 3 triệu đồng. Món quà tuy nhỏ bé nhưng đây là một dự án vừa mang tính xã hội, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, và qua đó khơi dậy lòng yêu nước cũng như tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Từ năm 2019 đến nay, dự án đã triển khai đồng thời lịch giấy và lịch trên nền tảng số. Ứng dụng “Lịch Trường Sa” sẽ lan tỏa những hình ảnh đó một cách nhanh hơn, chính xác và rộng rãi đối với người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

 

 

Công ty Hoàng Trường Media do doanh nhân sáng lập mang ý nghĩa Hoàng Sa, Trường Sa sẽ là cánh tay nối dài, tiếp sức cho các hoạt động hỗ trợ thiện nguyện trên. “Điều chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là những người lính đảo được quan tâm nhiều hơn, các em nhỏ và người dân trên khắp đất nước biết rằng, ngoài khơi xa, đang có những người lính hy sinh vì bình yên Tổ quốc. Từ đó, mỗi người có khát khao, hoài bão, nỗ lực học tập, cống hiến, trở thành người có ích cho xã hội”, doanh nhân Lê Hồng Quân trải lòng.

 

Dự án “Lịch Trường Sa Nhà giàn DK1 hành trình của trái tim” nhận Giải thưởng sáng kiến Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại do Ban tuyên giáo Trung ương trao tặng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 06/02/2022 08:23