BÀI: DƯƠNG NGÂN  |  ẢNH: DƯƠNG NGÂN, NVCC  |  TRÌNH BÀY: HỒ HẠ 

 

Vì muốn thế hệ tương lai được sinh sống và làm việc trong một môi trường trong lành, không ô nhiễm, doanh nhân Lê Trung Thông, CEO Lagom Việt Nam đã mạnh dạn từ bỏ những điều thân thuộc để khai phá miền đất mới, dù biết trước nhiều chông gai đang chờ đón.

 

Ai đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với CEO Lê Trung Thông, người sáng lập và điều hành Lagom Việt Nam có chung một cảm nhận về anh, đó là một người sâu sắc, thâm trầm và đầy hoài bão gây dựng một thế giới tốt đẹp.

 

CEO Lê Trung Thông sinh ra ở Nghệ An, nhưng lớn lên ở Hà Nội và giờ sinh sống ở TP.HCM. Ba miền đất nước anh đều đã sinh sống và trải nghiệm để rồi có cho mình những trải nghiệm, dù ở đâu, dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, con người đều cần một môi trường sống trong lành.

 

 

 

Nếu được nói về bản thân, anh có thể nói gì để kể cả người không quen hay đã quen biết anh hiểu thêm về con người anh?

 

Tôi là một người bình thường, tương đối tốt bụng và thích được giúp đỡ người khác.

 

Từng là một kỹ sư xây dựng trong nhiều năm, trải nghiệm đáng giá của anh là gì?

 

Sau khi kết thúc 5 năm giảng đường tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi trở thành một kỹ sư phần mềm và sau đó là chuyển hướng sang lĩnh vực xây dựng. Sau nhiều năm làm việc với các nhà thầu quốc tế trong các dự án tiêu chuẩn cao, tôi nhận thấy họ quản lý công trình bằng các công cụ chuyên nghiệp, rất sát sao và rõ ràng, đó là về hệ thống tổ chức được tích luỹ hàng chục, hàng trăm năm, không dễ để tư duy đi tắt đón đầu hay ngắn hạn có thể bắt kịp được.

 

Các việc từ rất nhỏ đều được tiêu chuẩn hoá, hạn chế tối đa sai sót do con người có thể gây ra, điều này giúp trang bị một tư duy nghiêm túc, cẩn trọng, không hời hợt trong bất cứ công việc nào.

 

Tôi quan niệm, cách một người làm một việc nhỏ cũng là cách họ làm mọi việc. Công ty tôi tham gia làm nhà thầu 5 công trình cao tốc đầu tiên của Việt Nam, có những gói thầu 1.000 tỷ đồng. Với vai trò quan trọng trong dự án lớn, cũng như làm việc trực tiếp với các đối tác lớn trong và ngoài nước, đã giúp tôi tự tin hơn về giá trị bản thân và tư tưởng vượt thoát khỏi những giới hạn.

 

Khi làm việc với những người chuyên nghiệp, tôi cũng trang bị một tầm nhìn lớn hơn, mang trách nhiệm lớn hơn về những giá trị mà mình có thể/cần/nên đóng góp cho xã hội. Và cũng do cầu đường là sản phẩm yêu cầu bền vững với thời gian, nhiều người sử dụng, nên càng phải làm kỹ càng, nếu chỉ một điểm không tốt thôi, bản thân tôi sẽ rất bất an. Đặc biệt, nếu có sai sót dù rất nhỏ thì hậu quả gây ra cũng rất nghiêm trọng. Vì vậy, trong bất cứ một tiểu tiết nào, cũng phải làm với độ cẩn thận cao nhất.

 

 

Từ một kỹ sư xây dựng trở thành giám đốc công ty tái chế rác thải, cơ duyên nào khiến anh thay đổi như vậy?

 

Sau nhiều năm xa nhà biền biệt, đến khi có con nhỏ, tôi mới thấy rằng, mình cần thời gian để ở bên cạnh con trong các giai đoạn phát triển quan trọng. Vậy nên, tôi dũng cảm từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng để khởi nghiệp ở tuổi 34. Và Lagom Việt Nam ra đời năm 2019, hoạt động chính trong lĩnh vực giáo dục, thu gom và tái chế rác thải.

 

Tên gọi Lagom có ý nghĩa gì, thưa anh?

 

Lagom là triết lý sống của người Thụy Điển, nghĩa là không quá nhiều, không quá ít, chỉ vừa đủ. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho sự hình thành và phát triển của công ty.

 

Sống theo triết lý Lagom là hành trình đi tìm giá trị cốt lõi của bản thân giữa thế giới rộng lớn, đi tìm sự cân bằng cho chính mình, cho cuộc sống, cho môi trường để đem lại hạnh phúc thực sự.

 

Với triết lý này, tôi đang cùng các đồng nghiệp tại Lagom xây dựng, kết nối chuỗi các hoạt động, các tổ chức cùng chung mục tiêu, giá trị bền vững, đó là bảo vệ môi trường, để tạo nên mô hình giáo dục - phân loại - thu gom - tái chế rác thải tuần hoàn, và cùng nhau chia sẻ khó khăn, lợi ích để tất cả chúng ta đều có thể hạnh phúc trên Trái Đất này.

 

 

Tôi nhớ rằng, năm 2019 là năm bắt đầu Covid-19 xâm nhập nước ta, vậy thành lập doanh nghiệp trong bối cảnh ấy có khó khăn với anh?

 

Tôi kinh doanh một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam và không có hình mẫu tương tự để học hỏi. Do mới nên cũng không dễ tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính như các mô hình kinh doanh đã tồn tại, trong khi phải thử nghiệm và áp dụng rất nhiều để tìm ra giải pháp đúng.

 

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đúng vào giai đoạn mới phát triển của Lagom, chưa có tích luỹ để chống chọi. Thời điểm khó khăn đó chúng tôi phải họp thống nhất đưa ra quyết định tất tay, chấp nhận một mất, một còn với một quãng thời gian ngưng trệ chưa biết bao giờ kết thúc. Chỉ với một niềm tin rằng, mình tận nhân lực thì tri thiên mệnh (trời không phụ), nên giờ đây, khi mọi thứ đã qua, nhìn lại mới thấy rằng mình đã lựa chọn đúng.

 

 

Những ngày đầu thành lập Lagom Việt Nam, tôi và cộng sự tiến hành đi thu gom rác là những vỏ hộp sữa từ hơn 2.000 trường học trong khắp cả nước và đem về tái chế. Theo đó, từ những vỏ hộp sữa tưởng chừng vô dụng này thành những bộ trò chơi dành cho giáo dục kiến tạo, những vật dụng nội ngoại thất hữu ích.

 

Cùng với hoạt động thu gom và tái chế, Lagom tiến hành công tác giáo dục nâng cao nhận thức về phân loại rác, bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh với hơn 1 triệu học sinh tiểu học mỗi năm, và hy vọng sau 10 năm, Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ sống xanh và bền vững.

 

Tôi nhận thấy rằng, giới trẻ hiện nay có sự hiểu biết tốt, có nhiều điều kiện, công cụ và năng lượng để tham gia nhiều hoạt động xanh, đó là điều thực sự đáng mừng. Có nhiều hoạt động thu gom rác được các bạn trẻ tham gia, ủng hộ và lan tỏa.

 

 

Trong quá trình lập nghiệp, khởi nghiệp, lúc nào là thời điểm anh cảm thấy khó khăn nhất?

 

Tôi quan niệm mỗi khó khăn là một món quà để thay đổi, vậy nên, hãy thưởng thức nó. Tuy vậy, nếu để nói về khó khăn thì rất nhiều, muôn hình vạn trạng, như bị cạnh tranh không lành mạnh, bị ràng buộc bởi cơ chế xin - cho, thiếu thốn nguyên vật liệu đủ chất lượng, sức ép tiến độ, khó khăn trong việc thanh toán, thói quen chiếm dụng vốn lẫn nhau trong ngành xây dựng, môi trường thiếu công nghệ - cạnh tranh bằng cơ bắp.

 

Lúc đầu, tôi cũng nỗ lực để cạnh tranh bằng chất xám và uy tín để tạo sự khác biệt, nhưng sau một thời gian thì bị cuốn vào cuộc chơi cũ và đánh mất mình. Đó là một quãng thời gian rất áp lực và ngột ngạt, khiến tôi hoài nghi về bản thân, cuộc sống; dễ cáu gắt và bất mãn, mang những áp lực đó vào gia đình và cuộc sống. Sau đó nhận ra, mình không có thế mạnh trong cạnh tranh và từ đó tôi mạnh dạn thay đổi bản thân và môi trường xung quanh mình.

 

 

Khi khó khăn, đâu là động lực giúp anh nỗ lực, cố gắng?

 

Tôi cho rằng, chính kiến, cách nhìn nhận đúng về khó khăn sẽ cho mình nỗ lực và giải pháp. Cuộc đời là một hành trình học hỏi và mỗi cột mốc trên hành trình đó đều đánh dấu một bước ngoặt để chúng ta học được điều gì đó. Có thể tới cột mốc đó chỉ dẫn chúng ta đi tiếp, cũng có thể rẽ ngang hoặc quay đầu chẳng biết. Có những sự việc chúng ta phải đi rất xa để tìm được đáp án nhưng không hề biết rằng đáp án lại nằm ngay trước mặt, ngay bên cạnh chúng ta. Cũng giống như vũ trụ đã sắp xếp để Santiago (Nhà giả kim - Paulo Coelho) vượt bao hiểm nguy, gian khó tìm đến Kim Tự Tháp, nhưng rồi mới hay kho báu lại ở trong ngôi nhà thờ cổ đổ nát đó sao.

 

Khó khăn, thuận lợi, thất bại hay thành công được ghi nhận cũng chỉ là những cột mốc bình thường, chỉ là tiêu đề một chương trong cuốn sách cuộc đời như truyện "Tái Ông Thất Mã" vậy, cứ bình tĩnh đọc lại, viết tiếp và thưởng thức cuốn sách của riêng mình. Quan trọng là biến nó cuốn tiểu thuyết đủ hấp dẫn và sâu sắc, hơn là một cuốn sách phổ thông hợp thị hiếu, nhưng buồn tẻ và cạn cợt.

 

 

 

Đang kinh doanh trong lĩnh vực môi trường, anh hướng đến mục tiêu nào, ngoài lợi nhuận?

 

Tôi hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức của trẻ em và người lớn ở Việt Nam về lối sống bền vững, bảo vệ tự nhiên và trực tiếp có những giải pháp xử lý và tái chế rác để bảo vệ môi trường.

 

Các dự án mà Lagom đang thực hiện như Dự án trải nghiệm tái chế tại các trường học, công sở và các địa điểm công cộng, cung cấp kiến thức và thực hành trực quan cho thế hệ trẻ và cả người lớn, thúc đẩy hành động đúng, đơn giản và hiệu quả để phân loại rác đúng cách, bảo vệ môi trường.

 

Dự án thu gom vỏ hộp sữa để tái chế tại 2.000 trường học, các siêu thị, các điểm cộng đồng mỗi năm tác động tới 1 triệu học sinh/ năm, sau 10 năm chúng ta sẽ có một thế hệ công dân Việt Nam xanh, phát triển đất nước một cách tiến bộ và bền vững.

 

Dự án phân loại và thu gom rác thải bao bì các loại tại 100.000 hộ dân, thì chúng tôi sắp vận hành. Dự án xây dựng nhà máy tái chế rác nhựa giá trị thấp, công suất 2.000 – 4.000 tấn/ năm, chúng tôi đang nghiên cứu đầu tư.

 

 

Anh xây dựng doanh nghiệp của mình theo định hướng thế nào?

 

Mô hình quản trị của Lagom là mô hình xanh ngọc với thông điệp con người dần nhận thức rõ được những bóng tối của thế giới với ám ảnh về vật chất, bất bình đẳng xã hội, sự tan rã cộng đồng, những mối nguy hại đối với tự nhiên.

 

Sự thành công của tổ chức tôi hướng tới là sự hạnh phúc của từng thành viên. Các lãnh đạo trong tổ chức trao quyền cho nhân viên, luôn truyền cảm hứng cho nhân viên của mình, nhắm đến những điều tốt đẹp, cùng dẫn dắt nhân viên để họ ngày càng vượt xa các tổ chức truyền thống theo thói quen chỉ đạo từ trên xuống.

 

 

Nói đến triết lý kinh doanh, anh có thể chia sẻ về triết lý mà Lagom đang theo đuổi?

 

Chúng tôi theo đuổi phương châm: Hãy gieo hạt giống tốt, chăm chỉ làm vườn, bông trái sẽ đến khi nào đủ nắng gió.

 

Anh kinh doanh ở lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam là tái chế rác thải giá trị thấp, đây có phải là trở ngại trên mục tiêu hướng đến thành công?
 
Vì là lĩnh vực mới, nên còn nhiều điều muốn thử và sai, trong khi nguồn lực có hạn. Bên cạnh đó, xử lý rác thải giá trị thấp lĩnh vực kinh doanh khó, vấn nạn của môi trường Việt Nam cũng như thế giới nên không nhiều người quan tâm xử lý.
 
Vậy tại sao cần xử lý rác thải giá trị thấp? Vì đây là vật liệu khó, ít nhà tái chế và chưa tạo ra được thị trường cho vật liệu này, dẫn đến khó thu gom, khó tái chế, khó bán hàng… Nếu dễ thì đã có thị trường mua bán, vật liệu trở nên giá trị cao như giấy, nhựa PET, lon nhôm… Chính vì vậy lại rất cần có những người tiên phong để giải quyết bài toán khó này.

 

 

Vậy với anh, trong kinh doanh, yếu tố nào là quan trọng nhất?

 

Quan trọng nhất là giải pháp hữu ích giải quyết vấn đề cho xã hội. Các giải pháp này đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người về nhu cầu vật chất và tinh thần, có thể là công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng tốt hơn, ít lãng phí hơn, hoặc những giải pháp giúp con người tiết kiệm được thời gian, chi phí hoặc những giải pháp giúp bảo vệ tự nhiên, bảo vệ sự an toàn sức khoẻ và tinh thần….

 

Tôi cũng không thích những sản phẩm làm con người kích thích quá độ lòng tham và sự si mê. Thực tế hiện nay, do có nhiều sản phẩm đứng giữa ranh giới giữa có ích và có hại, sự định hướng của người kinh doanh là rất quan trọng để hướng người tiêu dùng ngày càng trở nên thông thái.

 

Nếu buộc phải lựa chọn giữa lợi nhuận lớn và đạo đức kinh doanh, anh sẽ lựa chọn thế nào?

 

Tôi nghĩ rằng, sẽ không cần phải lựa chọn, vì đạo đức sẽ mang lại lợi nhuận. Còn nếu chọn sai, lợi nhuận đó không phải là của bạn, vì sẽ không bền vững, thậm chí rất rủi ro.

 

 

Anh tự nhận thấy, thành công nhất của anh sau khi thành lập Lagom là gì?

 

Từ khi thành lập Lagom năm 2019, xét về khía cạnh kinh tế, nếu rác thải được phân loại và xử lý đúng cách, sẽ là tài nguyên có giá trị. Do vậy, tôi luôn hy vọng Lagom cũng như các doanh nghiệp môi trường khác có thể có lợi nhuận tốt từ các giải pháp hữu ích, từ đó có thể ngày càng mở rộng hiệu quả hoạt động để xử lý vấn đề lớn hơn.

 

Ngay từ khi thành lập Lagom, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của bạn bè quốc tế và sau đó Lagom cũng đạt nhiều giải thưởng quốc tế như Giải thưởng cho sản phẩm sáng tạo ở Đức, Giải thưởng cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Hà Lan, Malaysia, Canada... Tôi tin rằng, mọi thứ xảy ra đều có lý do và không có gì ngẫu nhiên cả. Tôi tin vào hiệu ứng cánh bướm, rằng có những điều nhỏ nhoi có thể tạo nên thay đổi lớn lao.

 

Tôi cho rằng, việc mỗi người xả rác ở Việt Nam đã góp phần tạo ra một đảo rác ngoài Thái Bình Dương, thì việc mình giảm phát thải rác ở Việt Nam cũng có tác dụng tốt với môi trường không chỉ cho Việt Nam mà còn cho những khu vực địa lý khác. Do vậy, tôi luôn muốn tư duy của mình thoát khỏi những giới hạn để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Thời gian tới, để hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải, kiến tạo một môi trường sống xanh, Lagom Việt Nam tiếp tục tập trung vào các dự án ý nghĩa, như duy trì và mở rộng chương trình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa, rác thải nhựa khó tái chế ra các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Nghệ An…

 

 

 

Anh nghĩ sao về vai trò của mỗi cá nhân với thành công của một doanh nghiệp?

 

Sự thành công của tổ chức là sự hạnh phúc của từng thành viên. Vậy nên, Lagom Việt Nam luôn trao quyền cho nhân viên của mình và truyền cảm hứng cho họ, hướng họ đến những điều tốt đẹp, xóa bỏ lối mòn tư duy.

 

Với nhân sự của Lagom, anh thường nói với họ điều gì? Anh muốn mình có một đội ngũ nhân sự thế nào?

 

Tôi tạo điều kiện để nhân sự đi học những khoá chánh kiến, khoá thiền để họ tự hiểu về cuộc sống và bản thân rồi tự sắp xếp áp dụng vào gia đình và công việc của họ. Không chỉ là nhân sự trong công việc, đó là những người đồng chí hướng, cùng mục tiêu cuộc sống, là những người bạn cùng chia sẻ điều thú vị trong hành trình cuộc đời.

 

 

Trong tuyển dụng nhân sự, yếu tố nào của ứng viên anh đặt lên hàng đầu?

 

Ở Lagom, có 3 cuốn sách người lao động cần đọc. Cuốn thứ nhất là “7 thói quen để thành công”. Nội dung cuốn sách nói về cách thức sắp xếp, thự tự ưu tiên việc lớn/nhỏ trong cuộc sống và công việc; cách thức quản trị thời gian, hành động của cá nhân, cách thức tự phát triển năng lực bản thân, cách thức phối hợp với đồng nghiệp, tổ chức.

 

Cuốn thứ hai là “Đúng việc” của tác giả Giản Tư Trung. Trong các trang sách, tác giả nói về quan điểm mình vì mọi người, vì người là cách vì mình thông minh nhất, cho đi trước, nhận lại sau.'

 

Cuốn thứ ba là Lagom. Cuốn sách khuyên mọi người không quá khắc kỷ, nhưng không quá thụ hưởng, hãy sử dụng, tiêu dùng cân bằng với tái tạo, biết tiêu xài vừa đủ với nhu cầu và phúc phận mình được hưởng; biết phân biệt giữa những gì mình cần và những gì mình muốn.

 

Nếu có một sự thất bại trong kinh doanh mà anh gặp phải, anh sẽ đối diện thế nào?

 

Trong cuộc sống và kinh doanh, tôi quan niệm không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách, hãy thưởng thức nó.

 

 

Anh theo đạo Phật, vậy Phật pháp tác động đến quá trình kinh doanh và cuộc sống của anh thế nào?

 

Phật pháp tác động mọi mặt trong cuộc sống, cá nhân, gia đình, bạn bè và công việc.  Đạo Phật giúp mình tỉnh thức; nhìn nhận, tư duy, hành động đúng với bản chất sự việc. Có những việc sẽ đi ngược với quan điểm số đông, đạo Phật cũng cho mình chánh tinh tấn để không bỏ cuộc.

 

Sau những lúc bận rộn công việc, rảnh rỗi anh làm gì? Anh có sở thích nào đặc biệt?

 

Tôi thích tập thể thao và đọc sách, thích nghiên cứu về nhân loại học về lịch sử, tôn giáo, địa chính trị.

 

 

Ngoài công việc, gia đình có ý nghĩa nào với anh?

 

Tôi rất coi trọng gia đình, bởi đây chính là lý do tôi khởi nghiệp. Vậy nên, cũng như những bậc phụ huynh khác, tôi luôn muốn dành điều tốt nhất cho con cái của mình. Vì thế, ngoài công việc kinh doanh, lúc rảnh, tôi dành hết thời gian cho gia đình, con cái.

 

Tôi luôn suy nghĩ mình phải sống và làm việc xứng đáng với vai trò là một người cha, phải bắt tay vào hành động vì tương lai của con mình. Đây cũng chính là cách tôi nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề mà thế hệ mình đang gây ra, không thể để lại cho thế hệ sau phải gánh chịu - đó là trách nhiệm người đàn ông phải gánh vác, không thể lẩn tránh.

 

Và để hiện thực hóa mong mỏi ấy, tôi đã cùng Lagom Việt Nam tiến hành nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, trong đó có việc lập ra Quỹ Tìm lại màu xanh hoạt động nhằm tái tạo rừng và giáo dục thay đổi nhận thức của cộng đồng về lối sống cân bằng với tự nhiên.

 

Dù làm nghề gì đi chăng nữa, chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Vì vậy, hãy chọn sống một cuộc đời có ý nghĩa.

 

 

Làm công tác cộng đồng, chắc anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

 

Kỷ niệm thì nhiều, nhưng đáng nhớ là trong một chuyến đi khánh thành một ngôi trường ở Hà Giang, một chiếc xe của đoàn tôi bị mất lái và lao xuống vực. Điều đáng nói là, trong xe có cặp vợ chồng người bạn đang gặp trục trặc lớn trong cuộc sống hôn nhân và một người con nhỏ của họ.

 

Tôi là người đã khuyên anh ấy đưa gia đình đi như là một cơ hội cuối để tìm kiếm lại sự kết nối. Rất may mắn, dù xe bị hư hỏng hoàn toàn, nhưng người trên xe không đối diện với thương tích. Trong giây phút sinh tử đó, mọi người đều nhận ra sự quan tâm sâu sắc, tình yêu với nhau, với cuộc sống.

 

Thực ra, những khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống không ghê gớm như mình tưởng. Sau khi thoát tai nạn, hai người bạn lại tiếp tục cuộc hôn nhân với thêm một thành viên mới và nhiều niềm vui mỗi ngày.

 

Ngoài ra, trong quá trình làm việc cho cộng đồng, thấy được những mảnh đời khó khan, thiếu thốn của bà con dân tộc vùng cao, cũng như sự hy sinh phi thường của thầy cô giáo cắm bản khiến bản thân tôi và mọi người luôn cảm thấy cảm phục, luôn là động lực để chúng tôi tiếp tục, không tự cao với những gì nhỏ bé mình đang làm được.

 

 

Nếu được nhắn gửi đôi điều với các bạn đang có ý định khởi nghiệp, anh sẽ nói điều gì?

 

Khởi nghiệp hiện nay rất được xã hội quan tâm, ủng hộ, nhất là các bạn trẻ nhưng tôi muốn dùng từ “khởi chánh nghiệp”: làm những việc tử tế và có ích trước, làm chăm chỉ, chịu khó lợi nhuận chắc chắn sẽ đến.

 

Trong quá trình khởi nghiệp sẽ có rất nhiều thử thách khủng khiếp, nhưng nghĩ đến lý do chính đáng mà bạn đã bắt đầu, bạn sẽ không bao giờ nản chí và sẽ có giải pháp để bước tiếp. Hãy nhớ hiệu ứng cánh bướm, những điều nhỏ có thể tạo nên sự thay đổi lớn.

 

 

Bình luận bài viết này
  • Thu Hương 14:18 | 06-05-2024
    Thấy thiện cảm với khuôn mặt anh này, cách trả lời cũng hài, dí dỏm
NGÂN DƯƠNG THỰC HIỆN 06/05/2024 08:50