Việt Nam mở cửa toàn bộ ngành kinh tế xanh từ 15/3, nhưng không phải mở cửa là có khách quốc tế ngay, sau hơn 2 năm gần như “đóng băng” do Covid-19, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Flamingo Holding Group, CEO Flamingo Redtours đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành “đầu đàn” đi khai hoang thị trường quốc tế.
Ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch, nhưng không có nghĩa mở cửa là đón được du khách quốc tế ngay, thưa ông?
- Đúng vậy. Trước đây, ngành du lịch đã có quy trình từng bước mở cửa du lịch quốc tế bằng 3 giai đoạn. Trong đó xác định dịp 30/4, 1/5 sẽ mở lại thị trường quốc tế hoàn toàn. Nhưng ngày 15/3, Chính phủ chính thức công bố chính sách mở cửa toàn bộ ngành du lịch và chính sách này có hiệu lực ngay thay vì đợi đến 30/4, 1/5 thì quá tốt cho ngành, cho doanh nghiệp rồi.
Bộ VHTTDL và các Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế cũng đã công bố các chính sách, quy định liên quan về xuất nhập cảnh đối với người nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài. Tổng cục Du lịch đưa ra hướng dẫn tiêu chí về quy trình đón khách du lịch quốc tế cũng như đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.
Tuy nhiên, không phải mở cửa là có khách ngay mà phải có lộ trình từng giai đoạn, từng bước. Đơn cử, thời điểm này đã qua mùa du lịch của du khách châu Âu, Mỹ khi dòng khách này thường đi du lịch từ khoảng tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Trong khi đó, những thị trường trọng điểm khác của du lịch Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chưa mở cửa. Thị trường Nga ảnh hưởng do xung đột Nga – Ukraine…
Thực tế, khách quốc tế vào Việt Nam không phải là đã trực sẵn ở cửa khẩu, chỉ đợi chúng ta mở cửa là vào ngay. Do đó, 15/3 là “phát súng” báo hiệu, phát súng sẵn sàng, còn bắt đầu như thế nào? lộ trình từng bước ra sao?, chúng ta phải xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết. Từ đó, các địa phương, doanh nghiệp chính thức thông tin tới đối tác ở nước ngoài, tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng cáo, quảng bá, xây dựng sản phẩm, ký kết các hoạt động phục vụ thị trường quốc tế.
Thưa ông, vậy làm thế nào để chúng ta có thể thu hút du khách quốc tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất?
- Để hấp dẫn du khách quốc tế, cần 3 yếu tố. Đầu tiên là chính sách mở cửa thông thoáng của Việt Nam liên quan đến xuất nhập cảnh, quy định về y tế,… thì chúng ta đã có.
Thứ hai là chính sách của các quốc gia thị trường nguồn đến Việt Nam hoặc điểm đến nước ngoài của du khách Việt Nam. Các quốc gia này phải tạo điều kiện cho người dân trong nước đi du lịch Việt Nam, khi trở về không yêu cầu các điều kiện cách ly y tế quá khắt khe, hoặc phải chào đón người Việt Nam đến du lịch, với chính sách cởi mở và cấp visa cho người Việt. Tức là những quốc gia này phải thừa nhận hộ chiếc vaccine của Việt Nam và ngược lại. Hai bên phải đưa ra các thông điệp rõ ràng, đầy đủ.
Đây là câu chuyện của Bộ Ngoại giao phải làm, phải đàm phán, trao đổi, xúc tiến, ký kết thỏa thuận hợp tác 2 chiều về đưa, đón khách du lịch, khuyến khích du lịch lẫn nhau.
Thứ ba là Việt Nam phải đáp ứng hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch. Trước tiên, muốn đón khách quốc tế phải có những đường bay đi và đến thị trường Việt Nam mong muốn đón khách. Đồng thời, tần suất các chuyến bay phải đủ lớn để sắp xếp lịch trình, giá vé tương đối phù hợp mới thu hút được du khách. Thực tế, Việt Nam đã mở cửa hàng không từ 15/2, nhưng đến nay, việc mở đường bay đến các thị trường chúng ta mong muốn vẫn chưa được nhiều. Tần suất chưa lớn, giá khá cao nên chưa thể hấp dẫn du khách.
Cùng với hàng không, các khu vui chơi giải trí, mua sắm, nhà hàng cũng phải sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực. Thời điểm này, các cơ sở lưu trú cơ bản đã phục hồi, nhưng các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí vẫn chưa thực sự mở hoàn toàn và bị hạn chế hoạt động, thậm chí đóng, mở bất thình lình tùy theo quy định của các địa phương, gây khó khăn cho ngành du lịch.
Đơn cử, tại Hà Nội, ngày 4/3, thành phố cập nhật danh sách cấp độ dịch theo phường, một số phường đang vùng xanh, vùng vàng thành vùng cam thì khu vui chơi giải trí du lịch phải đóng cửa, các khách sạn chỉ được phục vụ 50% công suất, các nhà hàng chỉ được bán mang về… Như vậy các công ty du lịch rất bị động và không thể giải thích với du khách là bạn không may đến đây vào lúc điểm đến đột nhiên chuyển thành vùng cam được. Do đó, khi đã xác định mở lại toàn bộ ngành kinh tế xanh thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch phải mở trước mới có thể thu hút và phục vụ du khách.
Như ông chia sẻ, mở lại toàn bộ ngành kinh tế xanh cũng cần lộ trình, kịch bản, vậy đâu sẽ là những thị trường, điểm đến tiềm năng trước mắt của du lịch quốc tế?
- Sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch, nhưng trước tiên chúng ta cần xác định thị trường mục tiêu ở thời điểm này.
Cùng với đó, cần xác định sản phẩm du lịch trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là gì. Việt Nam có sản phẩm du lịch đa dạng, nào là du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch biển... nhưng ban đầu cần tập trung vào một sản phẩm chứ không thể dàn trải.
Ngành du lịch phải xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi gồm thị trường mục tiêu, sản phẩm mục tiêu và các doanh nghiệp nòng cốt thực hiện, phục vụ những thị trường mục tiêu đó chứ không thể dàn hàng ngang được. Bởi vì, sản phẩm chủ đạo có phát triển được mới lan tỏa ra các sản phẩm khác. Nếu cứ dàn hàng ngang thì vừa không hiệu quả mà các doanh nghiệp cũng lo lắng.
Tôi cũng đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nòng cốt vì hiện các hãng lữ hành từ lớn đến siêu nhỏ đều đang yếu về nguồn lực, về tinh thần. Những doanh nghiệp lữ hành “đầu đàn” như Flamingo Redtours cảm thấy việc đầu tư xây dựng sản phẩm nhiều cỡ nào cũng như muối bỏ bể, nhưng nếu chẳng may thị trường điều chỉnh không như ý muốn thì doanh nghiệp mất nguồn lực.
Doanh nghiệp lớn như những cánh chim đầu đàn đi khai hoang, khi phát triển thị trường tốt rồi, các doanh nghiệp khác lại nhảy vào xâu xé. Cho nên, Nhà nước phải hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn, các doanh nghiệp mục tiêu có khả năng khai phá.
Truyền thông, quảng bá, xúc tiến cũng là một trong những điểm then chốt để thu hút du khách quốc tế ở thời điểm này, thưa ông?
- Đúng thế! Chúng ta phải đầu tư nguồn lực, xây dựng lộ trình quảng cáo, quảng bá tới thị trường quốc tế, từ khởi động ra sao, thúc đẩy, duy trì hoạt động thế nào? Bởi, không thể một đợt đi Famtrip hay một đoàn đi roadshow, quảng cáo một chương trình trên CNN… là có hiệu quả được. Hoạt động xúc tiến, quảng cáo, quảng bá du lịch phải là cả một chuỗi hoạt động.
Bên cạnh đó, khi đã xác định được thị trường mục tiêu, sản phẩm và doanh nghiệp nòng cốt, phải có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ, tập hợp nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành cùng quảng bá xúc tiến đến thị trường mục tiêu mà nhóm doanh nghiệp, điểm đến, địa phương được hưởng lợi, chứ không phải mỗi cơ quan, đơn vị quảng cáo một kiểu. Lâu nay, chúng ta có tình trạng quảng cáo chưa tới tầm, gần đến đích thì sốt ruột, dừng lại, làm mất cơ hội và gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Xin ông bật mí sự chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ của Flamingo Redtours cho sự trở lại toàn diện của ngành kinh tế xanh?
- Với thị trường inbound, chúng tôi đã làm việc với các đối tác châu Âu để xây dựng sản phẩm du lịch và xác định thị trường này vào Việt Nam từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Hiện Flamingo Redtours đã có booking trong khoảng tháng 9 - 12 của du khách Anh và châu Âu. Với thị trường Trung Đông và Ấn Độ, chúng tôi đã có các thông tin, trao đổi với đối tác có thể phục vụ những thị trường này từ tháng 5. Nhưng Chính phủ đã công bố mở cửa toàn bộ du lịch từ 15/3 nên chúng tôi thông báo tới các đối tác để họ cân nhắc đưa các đoàn khách vào Việt Nam sớm hơn.
Với thị trường outbound, chúng tôi đã duy trì tất cả các mối quan hệ thường xuyên, 2 chiều với đối tác nước ngoài. Với thị trường khách đi Trung Đông như Dubai, Flamingo Redtours đã tổ chức tour vì họ đã mở cửa. Với thị trường đi châu Âu, Mỹ hoặc Australia, Thái Lan, chúng tôi vẫn có các đoàn nhỏ đi du lịch kết hợp công tác.
Hiện Thái Lan đã mở cửa nhưng giá khá cao, chúng tôi đang điều chỉnh với hàng không để có giá tour hợp lý hơn. Flamingo Redtours vừa nhận được thông tin từ ngày 21/3, người dân Hàn Quốc đã tiêm vaccine được quốc gia này công nhận thì khi du lịch trở về không cần cách ly. Từ 1/4, du khách ở quốc gia bất kỳ đã tiêm vaccine được Hàn Quốc công nhận sẽ được nhập cảnh mà không cần cách ly.
Hiện Mỹ đã mở cửa nhưng Đại sứ quán Mỹ thông báo tất cả du khách xin visa mới phải phỏng vấn thì tháng 7 mới thực hiện. Do đó, chỉ những du khách có sẵn visa hoặc xin gia hạn visa mới đi du lịch Mỹ được.
Hiện nay, một số thị trường như Pháp, Anh đã mở cửa, nhưng Đức, Hà Lan và một số quốc gia châu Âu khác vẫn chưa câp visa cho du khách nê chưa thể tổ chức tour được. Hay Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc vẫn đóng cửa, chưa có ý kiến gì.
Chúng tôi đang cập nhật thông tin mở cửa, cấp visa của các nước từng ngày, từng giờ, họ cho phép đến đâu thì căn cứ vào đó để phối hợp với các công ty du lịch, đối tác ở nước ngoài xây dựng sản phẩm và giá bán.
Được biết sắp tới, Flamingo Holding Group sẽ đầu tư xây dựng hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp trên toàn quốc, thưa ông?
- Flamingo Holding Group là một trong những nhà đầu tư bất động sản du lịch cao cấp. Chúng tôi đánh giá bất động sản du lịch là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt bất động sản du lịch cao cấp có nhiều dư địa phát triển. Bởi lẽ, Việt Nam có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa,... rất giá trị để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, từ quan điểm chỉ đạo của Đảng với Nghị quyết 08 đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Sự quan tâm phát triển du lịch không chỉ ở Trung ương mà các địa phương cũng mong muốn.
Việt Nam ở vị trí trung tâm ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, trung tâm du lịch biển, giao thông rất thuận lợi. Đồng thời, đất nước ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc tế mạnh, nhu cầu tham quan, du lịch, tổ chức sự kiện, hội nghị quốc tế tại Việt Nam rất lớn. Đó là dư địa rất tốt để đầu tư.
Bên cạnh hai khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Vĩnh Phúc và Hải Phòng, Flamingo sẽ đầu tư ở cả những nơi du lịch đã phát triển và được đánh giá là có tiềm năng trong 3-5 năm tới.
Ví dụ như tại Thanh Hóa, lâu nay mọi người chỉ thích Sầm Sơn, nhưng chúng tôi đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Hải Tiến cũng đang có sự tăng trưởng. Tại miền núi phía Bắc, Flamingo Holding Group đầu tư ở khu vực hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Tuyên Quang, Sơn La, Phú Thọ. Một số điểm đến khác chúng tôi sẽ đầu tư như Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Tây Nguyên...
Bên cạnh đặc trưng đầu tư các khu nghỉ dưỡng xanh, công trình xanh, kiến trúc xanh, đưa thiên nhiên vào cuộc sống, yếu tố nào sẽ tạo nên bản sắc cho các công trình của Flamingo Holding Group trong tương lai, thưa ông?
- Đặc trưng của Flamingo Holding Group khi đầu tư các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch là bên cạnh việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, ứng dụng công nghệ, du lịch xanh, công trình xanh, kiến trúc xanh, đưa thiên nhiên vào cuộc sống, chúng tôi còn có sự kết nối hài hòa với bản sắc của địa phương.
Ví dụ như công trình tại Hải Tiến, ở đó có một ngôi làng đặc trưng vùng biển, bà con có nghề đánh cá, làm mắm, chế biến hải sản. Chúng tôi sẽ kết nối, bảo tồn ngôi làng, đồng thời bổ sung giá trị, dịch vụ cao cấp kết hợp giá trị truyền thống, công trình kiến trúc tâm linh, hỗ trợ bà con bảo tồn nghề đánh bắt cá, chế biến hải sản thành sản phẩn du lịch đặc sắc.
Du khách đến đây có thể cùng bà con trải nghiệm đánh cá, làm mắm, chế biến các nóm ăn từ cá theo phong cách vùng biển dậm chất Hải Tiến...; trải nghiệm các phong tục, tập quán truyền thống. Đặc biệt, khách có thể mua đặc sản, thưởng thức bữa cơm do người dân bản địa chế biến; nghỉ đêm homestay tại nhà dân...
Tại mỗi địa phương Flamingo Holding Group đầu tư, công trình của chúng tôi sẽ gắn kết, kết nối với người dân địa phương, tạo sinh kế bền vững cho họ và cùng chia sẻ lợi ích với bà con. Người dân được hưởng lợi từ các khu du lịch do chúng tôi đầu tư, được giới thiệu, bán sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP,… và cùng chúng tôi tạo dựng điểm đến hấp dẫn. Đó là sự khác biệt của Flamingo khi đi đầu tư ở các địa phương.
Như ông chia sẻ, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp có nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam, bởi nhu cầu tham quan, du lịch, tổ chức sự kiện, hội nghị quốc tế tại Việt Nam rất lớn. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, sự phục hồi của du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo…) trong thời gian tới?
- Hơn 2 năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng sự phục hồi của chúng tôi khá nhanh nhờ liên tiếp tổ chức các sự kiện quy mô lớn.
Chúng tôi xác định, du lịch MICE sẽ là cứu cánh đầu tiên, đặc biệt quan trọng trong việc phục hồi du lịch. Bởi lẽ, khi dịch bệnh chưa được khống chế, sự lo lắng vẫn còn tồn tại, mọi người sẽ ưu tiên cho các hoạt động du lịch kết hợp với công việc thay vì du lịch thuần túy. MICE là dạng du lịch công việc nên du khách sẽ ưu tiên đi.
Mặt khác, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện quốc tế bị hoãn lại. Hiện các nước đã dần trở về trạng thái bình thường mới, các sự kiện, hoạt động đó sẽ được kết nối lại và tổ chức.
Bên cạnh đó, Covid khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, khi tái khởi động lại, các doanh nghiệp sẽ triển khai nhiều chương trình phát động kinh doanh toàn hệ thống, các hoạt động xúc tiến, chăm sóc khách hàng, chăm sóc đại lý, ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới, chiến dịch mới. Minh chứng là tại Flamingo Redtours, 90% các đoàn khách chúng tôi thực hiện là đoàn MICE của các doanh nghiệp.
Đó là những yếu tố giúp du lịch MICE phát triển mạnh mẽ khi du lịch phục hồi trong giai đoạn này. Đây là thời điểm lý tưởng để đẩy mạnh thị trường du lịch MICE. Chúng tôi kỳ vọng du lịch MICE sẽ mang đến sự “trở mình”, tạo sức bật, giúp ngành kinh tế xanh tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2022.