NỘI DUNG, ẢNH: DƯƠNG NGÂN   |   TRÌNH BÀY: HẠNH PHÚC

 

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình còn nhiều khó khăn ở Hà Nội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Tú Anh - CEO Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư đã tự rèn luyện cho mình bản tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Với chị, muốn làm bất kỳ việc gì phải có kế hoạch, chuẩn bị kỹ càng và luôn học hỏi không ngừng để hoàn thiện bản thân.

 

Tốt nghiệp cùng lúc hai trường đại học là Sư phạm Hà Nội 1 và Kinh doanh Công nghệ, cùng ngoại ngữ tiếng Anh và Nhật Bản, cô gái trẻ Nguyễn Tú Anh tự tin bước vào đời cùng vốn kiến thức tích lũy được trong quá trình miệt mài trên giảng đường.

 

Bến đỗ đầu tiên của Tú Anh là Tập đoàn Y tế Việt - Nga. Nơi này đã rèn luyện cho cô gái trẻ đầy nhiệt huyết tinh thần kỷ luật, chuyên nghiệp cùng khả năng sáng tạo không giới hạn.

 

Vốn yêu thích thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên và trở về với thiên nhiên từ khi còn nhỏ, nên trong một lần lên công tác tại các tỉnh Tây Bắc là Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn cùng với một người bạn là kỹ sư nông nghiệp, Tú Anh  đã được khai sáng về một nguyên liệu gỗ quý nơi đại ngàn.

 

Theo phân tích của người bạn kỹ sư đến từ xử sở Hoa anh đào, vùng đất Tây Bắc với khí hậu và thổ nhưỡng trời ban đang cho ra đời một loại cây tuyệt vời để sản xuất đũa dùng một lần mà người dân Nhật Bản vô cùng yêu thích, đó là cây bồ đề và cây gỗ mỡ.

 

Người Nhật Bản coi trọng văn hóa đũa. Họ quan niệm đũa tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển. Tặng đũa là một món quà người dân nước này trao cho nhau mỗi dịp đặc biệt. Bởi vậy, đũa dùng một lần rất phổ biến tại Nhật Bản, với nhu cầu sử dụng lớn, trong khi đó, nguồn tài nguyên của nước bạn lại không phong phú để sản xuất như Việt Nam. 

 

Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực này, cô gái trẻ Nguyễn Tú Anh khi ấy đã quyết tâm khởi nghiệp, đầu tư vào sản xuất sản phẩm đũa dùng một lần nhằm xuất khẩu sang Nhật Bản.

 

 

Đũa là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng, nên các yêu cầu về chất lượng rất khắt khe và ngặt nghèo. Để hiện thức hóa mục tiêu làm ra sản phẩm đũa dùng một lần xuất khẩu sang Nhật Bản, Tú Anh đã lặn lộn lên các tỉnh vùng Tây Bắc tìm hiểu về quy trình trồng, khai thác, chế biến hai cây gỗ quý. Trong thời gian khảo sát, Tú Anh nhận ra nếu đề án được triển khai thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương, giúp tạo thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời góp phần phủ xanh đất trồng đồi trọc, trả lại lá phổi xanh cho đại ngàn Tây Bắc.

 

Cây gỗ mỡ và bồ đề có chu kỳ sinh trưởng khoảng 6-7 năm mới có thể khai thác. Vậy nên, việc trồng diện tích lớn gỗ mỡ và bồ đề sẽ góp cho sắc rừng thêm xanh. Nghĩ đến tương lai và những điều lợi ích, cô gái trẻ Tú Anh trào dâng quyết tâm và khí thế bắt đầu hành trình đưa đũa Việt ra thế giới.

 

Việc đầu tiên cô gái trẻ bắt tay thực hiện là hợp tác, trao đổi với UBND các tỉnh - nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với cây sinh trưởng. Hào khí và quyết tâm cùng luận điểm rõ ràng, mạch lạc của cô gái trẻ đã thuyết phục được những lãnh đạo khó tính nhất, bởi họ nhận ra nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

 

“Doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân, tạo công ăn việc làm, thu nhập và đầu ra cho sản phẩm, bảo vệ môi trường thì không có lý do gì mà lãnh đạo, chính quyền địa phương lại từ chối”, CEO Tú Anh nhớ lại.

 

Và khi nhận được cái gật đầu quý giá từ chính quyền địa phương, việc tiếp theo Tú Anh cần làm là hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, cùng với đó, tìm kiếm nhà máy để gia công, sản xuất sản phẩm.

 

 

Kinh nghiệm của một giáo viên tiếng Anh và vốn tiếng Nhật phong phú trợ giúp rất lớn cho cô trong quá trình khởi nghiệp. Nhiều chuyên gia người Nhật Bản trong lĩnh vực đã cùng cô gái trẻ lăn lộn ở vùng rừng núi để hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc và thu hái để cho ra được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt nhất.

 

Bước tiếp là công đoạn sản xuất sản phẩm. Lúc đầu, do chưa có kinh phí nên cực chẳng đã, Tú Anh phải tìm các nhà máy để thuê gia công sản phẩm. Và sau nhiều cố gắng, năm 2007, cô đã có đơn hàng đầu tiên để xuất sang Nhật Bản.

 

Và trong suốt 2 năm trời, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008, Tú Anh lặn lội đi lại giữa Hà Nội và Tây Bắc không biết bao nhiêu lần để bàn bạc, thống nhất mọi khâu sản xuất, giám sát nguồn nguyên liệu bảo đảm yêu cầu cho sản phẩm.

 

Với người nông dân, Tú Anh cùng với chuyên gia cầm tay chỉ việc cho bà con cách thu hái sản phẩm đúng cách. Chẳng hạn, với cây gỗ mỡ, nếu người nông dân thu hái khi trời mưa thì nhựa cây gặp nước mưa chứa axit sẽ tạo ra màu đen, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng dẫn đến việc chế biến không tốt.

 

Nói về khó khăn nhất trong đơn hàng đầu tiên, CEO Nguyễn Tú Anh nhớ lại, đó chính là việc thiết kế và in ấn bao bì sản phẩm. Theo đó, yêu cầu từ phía Nhật Bản rất cao, từ thiết kế đến chất lượng bao bì phải thân thiện với môi trường lại dễ sử dụng nên chị phải làm việc nhiều lần với nhiều nhà cung ứng khác nhau để chọn ra được một cơ sở phù hợp. Cuối cùng, đơn hàng đầu tiên cũng đã được xuất đi với sự hài lòng từ phía đối tác Nhật Bản khiến chị càng kiên định hơn với con đường đã chọn.

 

Lô hàng đầu tiên là 1 container 40 feet, thành công xuất sang Nhật là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực của cô gái trẻ tên Tú Anh. Xúc động trào dâng, chị hàm ơn người bạn chuyên gia Nhật Bản khi ông cùng chị trải qua bao khó khăn, vấp ngã rồi lại đứng lên, bước tiếp. Chị cũng cảm ơn bản thân mình vì sự dũng cảm dám theo đuổi đến cùng đam mê.

 

Những đơn hàng lớn cứ theo đó tìm về, nguồn thu của Hoa Lư lớn dần cùng với sự tin tưởng của khách hàng. Vì vậy, sau hơn 10 năm, đến năm 2019, Hoa Lư đã đủ tiềm lực để dựng xây một nhà máy sản xuất quy mô lớn, diện tích gần 1 ha ở Sóc Sơn, Hà Nội, với kinh phí đầu tư và xây dựng lên tới gần 6 triệu USD.

 

Với quyết định táo bạo đầy tham vọng ấy, CEO Tú Anh cũng trăn trở rất nhiều và nhiều bạn bè đồng nghiệp khuyên can chị nên cân nhắc kỹ càng, bởi đây là số tiền quá lớn.

 

 

Kiên định với mục tiêu, chị cười hiền nói rằng, chị muốn xây một nhà máy hiện đại, tầm cỡ không chỉ cho chị, mà cho con cháu, cho thế hệ sau của Hoa Lư, để cho những người yêu thiên nhiên, yêu đũa sạch có môi trường lý tưởng để làm việc, cống hiến và thành công.

 

Chị cũng mong muốn Hoa Lư sẽ trường tồn với thời gian, khi thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước thực hiện đam mê.

 

Tự hào về quy trình sản xuất sản phẩm đũa dùng một lần, CEO Tú Anh cho biết hiện nay, nguồn nguyên liệu của Hoa Lư khoảng 100 ha. Sau khi thu hái nguyên liệu, sản phẩm được mang về chế biến tại nhà máy theo tiêu chuẩn Nhật Bản với các quy trình, chứng chỉ quốc tế.

 

Nhà máy của Hoa Lư của doanh nhân Tú Anh đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2015, chứng nhận Health Certificate (Giấy chứng nhận HC - chứng minh tính an toàn chất lượng của sản phẩm thực phẩm xuất khẩu). Ngoài ra, sản phẩm cũng được sản xuất theo quy trình khép kín, được hấp cách thủy trong môi trường vô khuẩn, để đảm bảo chất lượng.

 

Việc đóng gói, kiểm tra hàng trước khi xuất xưởng cũng được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp theo mô hình 3QC (quản người - quản việc - quản lợi nhuận), từ chất lượng nguyên liệu, quy trình chế biến đến đóng gói và xuất xưởng.

 

Nhà máy sản xuất đũa dùng một lần Hoa Lư cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe với cách thức làm việc của người lao động, bởi đây là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dùng. Theo đó, các công đoạn sản xuất đều được số hóa, quản lý bằng các mã số truy xuất thông tin để ngay lập tức tìm ra thông tin của sản phẩm (nếu cần).

 

 

Với CEO Nguyễn Tú Anh, để thành công trong kinh doanh cần có 3 yếu tố: uy tín, chất lượng và tốc độ. Trong những năm vừa qua, khi cả thế giới chao đảo vì Covid-19, Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư cũng không ngoại lệ, đặc biệt, doanh nghiệp còn phải đối diện với nhiều khó khăn khách quan do các đối thủ giảm giá thành sản phẩm.

 

Chẳng hạn, trong những năm dịch Covid-19 hoành hành, Trung Quốc thực hiện zezo Covid nên có rất nhiều ưu đãi về sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa. Thực tế đó khiến cho Hoa Lư đứng trước một bài toàn khó là giảm giá sản phẩm để cạnh tranh tại thị trường Nhật Bản.

 

Nhưng muốn giảm giá, doanh nghiệp đứng trước bài toán giảm chất lượng hoặc giảm lợi nhuận. Hoa Lư lựa chọn cách giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với đối tác, đó là cách làm, theo CEO Tú Anh là nhân văn, bền vững.

 

Chưa kể, trong lúc khó khăn, đồng yên Nhật bị giảm giá, Hoa Lư cũng tự chủ động giám giá cho khách hàng Nhật. Chính vì tinh thần chia sẻ khó khăn và trách nhiệm, đạo đức trong kinh doanh nên các khách hàng là đối tác của Hoa Lư đều trân trọng. Vì vậy, các đối tác Nhật Bản cố gắng duy trì sản lượng nhập khẩu cho Hoa Lư chứ không cắt giảm.  

 

Theo CEO Tú Anh, với Hoa Lư, khách hàng không chỉ đơn giản là khách hàng, mà còn là những người bạn đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi và giúp đỡ nhau trong công việc, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời thường.

 

Sau nhiều năm làm công tác xuất khẩu, CEO Tú Anh tâm niệm, xuất khẩu không chỉ là cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia, mà còn là cầu nối giữa con người với con người, cầu nối giữa những người xa lạ để dẫn hiểu và chia sẻ với nhau.

 

Hoa Lư cũng đặt ra cho mình một nguyên tắc khi giao tiếp, đó là “bạn, bàn, bán”. Thế nên, với khách hàng khi đến với Hoa Lư, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì Hoa Lư sẽ coi họ là bạn, lắng nghe, hiểu và chia sẻ. Từ những người xa lạ, Hoa Lư và khách hàng trở nên thân thiết, từ đó các bàn thảo, hợp tác kinh doanh được thực hiện và cuối cùng mới là mua bán sản phẩm.

 

Hiện tại, toàn bộ nguồn lực của Hoa Lư là để phục vụ cho xuất khẩu, chỉ có dư địa 5% là phục vụ nhu cầu trong nước. Hướng tới thị trường trong nước là mục tiêu mà Hoa Lư đặt ra trong tương lai gần, bởi CEO Tú Anh tự tin sản phẩm của mình đã nhận được tin dùng và vượt qua các tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất từ một quốc gia hàng đầu thế giới, thì không có cớ gì người dân Việt lại không yêu thích.

 

 

Nhưng trở ngại lớn nhất, theo CEO Tú Anh, đó là hiện một số nhà phân phối hoặc tiêu dùng vẫn chưa quan tâm tới chất lượng sản phẩm, mà mới chỉ quan tâm đến giá thành.

 

Nhiều người tiêu dùng và nhà phân phối đang tiêu thụ những sản phẩm đũa dùng một lần kém chất lượng, tồn dư nhiều hóa chất nguy hiểm, có hại cho sức khỏe mà không hay biết.

 

“Thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ đắt đỏ cũng không thể giúp mọi người mạnh khỏe nếu như thường xuyên dùng sản phẩm đũa kém chất lượng, bởi đũa là phương tiện trực tiếp đưa thức ăn vào cơ thể hàng ngày mỗi người”, CEO Tú Anh nói.

 

Việc sản xuất, chế biến đũa dùng một lần từ các cơ sở, nếu không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật có nguy cơ chứa lưu huỳnh, bột ô xy để làm sản phẩm trắng đều. Hoặc trường hợp, thời gian hấp sấy tại nhà máy chưa đủ lớn có thể họ tồn dư hàm lượng hóa chất không tốt cho sức khỏe người dùng.

 

Doanh số nhà máy đũa Hoa Lư những năm gần đây luôn tăng trưởng 150% so với năm trước. Một yếu tố giúp cơ sở thành công, theo CEO Tú Anh là không đánh đổi giá lấy chất lượng sản phẩm.

 

Nhà máy Hoa Lư của CEO Nguyễn Tú Anh nhập khẩu nguyên liệu, kể cả trong nước và quốc tế và đều đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Vì vậy, chị luôn tâm niệm, người tiêu dùng thông minh sẽ biết lựa chọn sản phẩm uy tín để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Đến thời điểm này, Hoa Lư vẫn tự hào vì chưa từng nhận được lời phàn nàn nào của khách hàng về chất lượng sản phẩm.

 

 

 

Trong quá trình khởi nghiệp, CEO Tú Anh nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các người đồng chí hướng bởi họ nhìn thấy ở chị một năng lượng tích cực, một đam mê cùng ý chí sắt đá, một quyết tâm cháy bỏng chưa một phút giây vơi cạn.

 

Bởi vậy, khi được hỏi về có một lời nào muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ muốn khởi nghiệp hôm nay, nữ doanh nhân chỉ muốn nói một điều rằng, mọi con đường đều dẫn đến thành Rome. Tuy vậy, con đường ấy trải hoa hồng hay đinh là do tùy cách nghĩ của mọi người. Nếu trong lòng đủ quyết tâm thì đinh cũng chỉ là thử thách để thành công, ngược lại, nếu không đủ kiên trì thì hoa hồng cũng hóa thành đinh.

 

“Chỉ khi cháy với khát vọng, đam mê cùng tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, thành công sẽ tự tìm đến bạn”, CEO Tú Anh chia sẻ.

 

Nhiều lúc trong công việc, với nhiều áp lực, chị muốn từ bỏ, song tình yêu và đam mê đã giúp chị vượt qua khó khăn. Chị cho rằng, mỗi người khi sống hãy cháy với đam mê của mình, bao giờ cảm thấy mình đã nỗ lực hết sức mà vẫn không thành công thì có thể buông tay, nhưng trước khi buông cần cháy hết mình để không có gì hối tiếc, đỉnh Olympia chỉ dành cho người có đủ kiên trì.

 

Ngoài công việc kinh doanh, với trách nhiệm xã hội, Hoa Lư cũng thực hiện nhiều nghĩa cử nhân văn như tổ chức các chương trình từ thiện, mổ tim cho trẻ em nghèo, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó.

 

 

Với quản trị doanh nghiệp, CEO Tú Anh đang tạo ra một Hoa Lư, mà ở đó, mỗi người được cống hiến, làm việc và tưởng thưởng xứng đáng. Họ sống đoàn kết, yêu thương nhau với tâm lý tạo ra môi trường làm việc không chỉ đời này, mà cả đời con, đời cháu họ sẽ có nơi làm việc lý tưởng.

 

Nhiều nhân viên của Hoa Lư hướng con em mình học các chuyên ngành liên quan tới công việc tại đây để sau khi ra trường sẽ tiếp tục làm việc, cống hiến như bố, mẹ đã từng làm.

 

Những hoạt động như trao học bổng, khen thưởng thành tích của con em cán bộ được Hoa Lư thực hiện thường xuyên liên tục như là động lực thúc đẩy thế hệ con cháu của doanh nghiệp có thêm động lực, tin tưởng vào những người lãnh đạo với tâm niệm rằng, dù hôm nay có khó khăn thì ngày mai mặt trời vẫn tỏa sáng, chiếu rọi những hy vọng và thành công nếu họ đủ nỗ lực, đủ cố gắng và kiên trì.

 

Người lao động tại Hoa Lư luôn tin tưởng vào CEO Tú Anh cũng như đội ngũ lãnh đạo nơi đây. Ngược lại, những người lãnh đạo của Hoa Lư, luôn tạo điều kiện cho người lao động với tâm niệm sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.

 

 

 

Là một người phụ nữ kinh doanh, dù có nhiều khó khăn, nhưng CEO Tú Anh luôn vững vàng vượt qua tất cả, bởi chị có sự trợ giúp rất lớn từ người chồng đáng kính và bố mẹ chồng hiểu biết.

 

Với các con, chị cũng dạy theo tinh thần tự lập mà bản thân trải qua khi còn trẻ. CEO Tú Anh kể rằng, khi con chị 9 tuổi, chị đã cho bé một mình ra nước ngoài học hè. Chị chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là thuê người đón con ở đầu nước bạn và đưa và tới địa chỉ học, còn lại mọi việc con phải tự lo.

 

Chị cũng thường xuyên cho con tham gia các hoạt động của công ty để con biết được bố mẹ đang làm những gì, để hiểu và yêu công việc bố mẹ đang làm, từ đó thổi hồn kinh doanh cho con.

 

Tình yêu thiên nhiên của người mẹ hiền cũng được lan tỏa tới các con thơ. Những thiên thần nhỏ của chị cũng thường xuyên theo mẹ lên rừng để hòa mình vào cuộc sống của bà con dân bản, để hiểu được quy trình sản xuất ra một đôi đũa ăn gồm những công đoạn nào, nguồn nguyên liệu ra sao và chất lượng thế nào.

 

Các chuyến đi từ thiện do Hoa Lư tổ chức về vùng khó cũng giúp các con chị nhận ra bản thân mình may mắn. Con cần hiểu rằng, cuộc sống có biết bao nhiêu bạn trẻ kém may mắn hơn, vì vậy, con cần nỗ lực hơn nữa, không chỉ vì bản thân con, mà còn vì để có năng lực giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

 

Khi dạy con, chị không mong muốn con nhồi nhét kiến thức, mà quan trọng dạy con phương pháp và thổi cho con tình yêu và sự đam mê. Một con người có đam mê đương nhiên sẽ có bệ đỡ để thành công. Nếu không đủ đam mê, sự nhiệt huyết vượt khó khăn thì đỉnh Olympia sẽ mãi ở trước mặt, sẽ không bao giờ đặt chân đến nổi.

 

 

Với Hoa Lư, chị coi trọng những các bộ có đức, có tâm, đối xử bình đẳng với cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao, không phân biệt học hàm học vị, trình độ hay vị trí. Chị quan niệm mỗi người đều là mắt xích trong hệ thống, giống như chiếc đồng hồ, chỉ cần thiếu con lắc đồng hồ sẽ chạy sai số. Ở Hoa Lư, chị trân trọng ghi nhận tất cả công sức của cán bộ nhân viên từ nhỏ đến lớn.

 

Hoa Lư không thực hiện chiến lược săn đầu người, không coi việc đi câu ứng viên đắt giá làm mục tiêu mà hướng đến phát triển các nhân sự từ vị trí thấp và truyền cho họ động lực, và mục tiêu, vạch rõ kế hoạch phát triển bản thân để thăng tiến trong nghề nghiệp.

 

Chị thường nói với nhân viên của mình rằng, thất bại là mẹ của thành công, thất bại không đáng sợ, bởi ai cũng sẽ phải từng trải qua, điều quan trọng hơn là vượt qua thất bại kiên định với mục tiêu, lý tưởng của mình, như vậy bạn nhất định đi đến thành công, dù ngắn hay dài, dù nhanh hay chậm, ngày đó nhất định sẽ đến.

 

Tú Anh tự hào khi nhân viên của mình có người đã gắn bó nhiều năm và bản thân họ mong muốn con em mình sau khi học xong sẽ tiếp tục về Hoa Lư để cống hiến và gắn bó.

 

Chị luôn khát khao và đang dần hiện thực hóa giấc mơ Hoa Lư sẽ là sân chơi cho thế hệ con cháu, để cán bộ nhân viên của Hoa Lư thấy rằng, họ đang làm việc, đang cống hiến, đang lao động miệt mài vì chính cuộc sống tốt đẹp của con cháu mình ở tương lai.

 

CEO của Hoa Lư quan niệm, kinh doanh cũng là tạo ra giá trị cho xã hội, tạo lợi ích cho cộng đồng, bằng các hoạt động cụ thể chị muốn cho cán bộ nhân viên của mình thấy được tương lai của công ty 5 -10 năm sau để họ đồng hành và tỏa sáng cùng các chặng đường doanh nghiệp đi.

 

Chị càng tin tưởng hơn, những đôi đũa Hoa Lư đang sản xuất không chỉ xuất sang Nhật Bản, không chỉ được người dân Việt tin tưởng, mà còn được nhiều quốc gia trên thế giới ưu chuộng.

 

Với những điều tốt đẹp mà doanh nhân Tú Anh đang cùng Hoa Lư xây dựng, tin tưởng rằng, mục tiêu và lý tưởng của chị chắc chắn sẽ có ngày thành hiện thực, bởi như chị nói đỉnh Olympia chỉ dành cho những người có đủ nỗ lực, quyết tâm và kiên trì đến cùng.

 

Bình luận bài viết này
DƯƠNG NGÂN 29/07/2024 08:29