Là phụ nữ và là nữ doanh nhân, chị có gặp phải những cản trở trong công việc liên quan tới giới tính?
Không phải phụ nữ nào cũng sẵn sàng dấn thân vào thế giới kinh doanh vốn được coi là sân chơi đặc quyền của đàn ông, bởi dù có sở hữu “ADN mạnh mẽ” đến đâu thì cũng khó tránh được những lúc mệt mỏi, chán nản khi kinh doanh khó khăn hay vấp phải định kiến của xã hội.
Bản thân tôi, trước khi quyết định khởi nghiệp, cũng đã có hơn chục năm làm quản lý cấp cao ở các công ty, tập đoàn y dược lớn, chịu áp lực, va vấp đủ cả, nhưng khi điều hành doanh nghiệp riêng cũng khó tránh được những trở ngại và khó khăn.
Chủ quan tôi cho rằng, vì là phụ nữ nên tôi sống khá tình cảm, dễ xúc động và khó tránh những khi đưa ra quyết định công việc dựa theo cảm tính. Ngay như thời điểm hiện tại, sau khi nghỉ Tết, vài nhân viên xin nghỉ đồng loạt cũng làm tôi mất nhiều đêm suy nghĩ, rồi tự dằn vặt mình xem có vì tôi quá khắt khe với nhân viên hay vì không lo được đời sống, thu nhập tốt hơn, để các bạn phải rời bỏ công ty như vậy.
Tôi tin chắc, nếu là đàn ông thì những việc như này họ sẽ dễ chấp nhận và không để tâm trạng bị ảnh hưởng với những suy nghĩ tiêu cực đó. Không chỉ vậy, trong suốt mấy năm quản trị công ty, số nhân viên tôi cho nghỉ việc cũng chỉ chưa tới 5 đầu ngón tay, vì tôi hay bị rơi vào vòng xoáy tâm lý “bỏ thì thương, vương thì tội”, nên thường phải cân nhắc trong thời gian dài mới đưa ra được quyết định dứt khoát. Nếu tôi là một sếp nam, tôi chắc chắn không phải trăn trở nhiều đến vậy.
Cũng như mọi phụ nữ khác, tôi khá cầu toàn khi quản lý công việc và luôn muốn mọi việc phải đi đúng hướng đã định sẵn với tốc độ như tôi đề ra, mà không hiểu rằng năng lực của nhân sự luôn có hạn, nên thường gây áp lực cho những nhân viên dưới quyền khi họ luôn phải chạy đuổi theo những dateline, KPIs mình đưa ra.
Tôi luôn có xu hướng kiểm tra, giám sát mọi thứ, ôm đồm công việc, can thiệp quá sâu vào từng việc nhỏ, nên nhiều khi làm cho nhân viên hay ỷ lại và thiếu sự chủ động. Sau đó khi không đạt kết quả như mình mong muốn hoặc phát hiện ra sai sót thì tôi lại tự dằn vặt bản thân.
Bên cạnh đó, là phụ nữ nên khi làm chủ doanh nghiệp, tôi cảm thấy khá cô đơn và áp lực khi không được sống thật với cảm xúc, suy nghĩ của mình, bỏ đi con người cảm tính vốn có để đặt lý trí cao hơn mà quyết định và kiểm soát mọi việc.
Đôi lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải “gồng mình” để trở thành người mạnh mẽ, chuẩn mực trong mọi hoàn cảnh để làm điểm tựa tinh thần cho cả công ty, dù có áp lực đến mấy cũng phải giấu vào trong để các bạn yên tâm làm việc.
Đó là chủ quan, còn khách quan thì sao? Là “sếp nữ”, chị cảm thấy mình có áp lực nào đáng kể?
Về khách quan, nhiều năm qua, tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn khi tuyển dụng đội ngũ nhân sự. Vì thực tế, có rất nhiều các bạn tỏ ra khá cẩn trọng và e ngại khi xin việc vào công ty do sếp nữ điều hành, do lo ngại làm việc với sếp nữ thường thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, lại hay khó tính, soi xét công việc, rồi còn chi ly, tính toán hơn so với sếp nam.
Sếp nam có thể dễ dàng tuyển được những người quản lý cấp cao là nữ, hơn họ cả về tuổi đời, tuổi nghề, nhưng sếp nữ thì thường khó làm được việc đó. Vì đối với đàn ông, họ hiếm khi chịu làm dưới quyền, nhất là lại làm thuê cho người phụ nữ ít tuổi hơn vì cảm thấy “mất thể diện” và không thoải mái vì không thực sự “tâm phục, khẩu phục”.
Rồi vì là phụ nữ, nên ngoài công việc, tôi còn có trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, nhất là khi hai con đều đang độ tuổi đến trường, nên tôi luôn có cảm giác thiếu thốn thời gian, chỉ mong mỗi ngày có 48 tiếng để đủ thời gian làm hết những ý tưởng kinh doanh trong đầu. Là phụ nữ, tôi vẫn phải dành phần lớn thời gian chăm lo cho gia đình, dạy dỗ con cái học tập, chứ đâu thể như đàn ông có thể dành hết quỹ thời gian cho công việc.
Và vấn đề khó khăn nhất của phụ nữ khi làm chủ công ty như tôi chính là việc tạo lập và duy trình các mối quan hệ làm ăn, nhất là khi đối tác đa số lại là nam giới. Tôi không thể thoải mái đi nhậu, cởi mở, hết mình trong các cuộc vui để có được hợp đồng giá trị, bởi tôi không có khả năng uống rượu bia và cũng bởi tôi phải giữ gìn phẩm hạnh của người phụ nữ trước ánh mắt khắt khe của xã hội và quan trọng là không để ảnh hưởng đến tâm lý của chồng. Rất may là tôi không quá xinh đẹp, nên cũng chưa từng bị làm phiền bởi những lời tán tỉnh, bông đùa như một số bạn bè khác.
Thế nên, là sếp nữ, tôi chỉ có thể dựa vào năng lực thực tế của bản thân, chất lượng dịch vụ của công ty, dùng sự mềm mỏng và khéo léo để thuyết phục đối tác ngay trên bàn họp và duy trì mối quan hệ hợp tác với họ lâu dài. Về cơ bản, kinh doanh chưa bao giờ là một hành trình trải hoa hồng, và nếu là phụ nữ, thì chúng tôi còn phải vượt qua nhiều chông gai hơn rất nhiều so với nam giới. Nhưng nếu giữ lửa đam mê, sống có hoài bão, biết hài lòng với những gì mình có, đừng quá tham vọng và tạo áp lực lớn cho bản thân thì phụ nữ vẫn tìm được niềm vui trên hành trình đó.
Được biết, chị bắt đầu khởi nghiệp khi đang giữ vị trí cao và thu nhập tốt ở một công ty dược, vậy khi đó, động lực nào khiến chị bắt đầu khi biết trước sẽ nhiều vất vả, gian nan?
Khi đã tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đóng gói được một số công thức làm marketing thành công, thì tôi muốn chia sẻ kiến thức, truyền lại cảm hứng, ngọn lửa yêu nghề đến các thế hệ sau bằng việc sáng lập và phát triển Học viện Marketing & Sales Y Dược MPG.
Đó là ước mơ lớn từ những ngày còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, mong muốn đóng góp nhiều hơn cho ngành Dược nói chung và trả ơn cho mái trường Đại học Dược Hà Nội đã dạy tôi nên người.
Mong muốn mang trí tuệ, kinh nghiệm của mình để phát triển, nâng tầm nhiều nhãn hàng dược phẩm, nên tôi cũng đồng thời sáng lập Công ty CP Tư vấn chiến lược Pharmaco để đồng hành cùng các doanh nghiệp dược trong các chiến dịch truyền thông bài bản, chuyên nghiệp hơn để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng dược phẩm đa quốc gia trên chính quê hương mình.
Tôi luôn muốn tự thử thách bản thân, không muốn tiếp tục đi mãi con đường cũ, an toàn, nhưng sẽ khiến bản thân trì trệ, mất động lực làm việc và sẽ ngại thay đổi. Nếu cứ “ngủ quên” lâu ngày thì tôi sẽ không kịp “thức giấc” để dứt bỏ khỏi vỏ ốc an toàn, ra ngoài tự xây ước mơ của riêng mình.
Nếu tôi không liều mình thay đổi, chỉ đứng trên bờ để dò dòng nước mà không dám lao ra biển thì sẽ không bao giờ biết bơi, và tôi tin chỉ cần có năng lực, kinh nghiệm, đủ quyết tâm thì cứ đi chắc chắn sẽ tới đích.
Và những thành công bước đầu đang chứng minh sự lựa chọn của tôi là hoàn toàn đúng đắn. Với sự đam mê, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tôi luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, càng khó mà thành công sẽ càng vinh quang.
Sau một quá trình khởi nghiệp, với chị điều gì là quan trọng nhất để thành công? Để biết một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, theo chị, cần thời gian bao lâu?
Có nhiều yếu tố quyết định tới sự thành công trong quá trình khởi nghiệp, bao gồm trước hết là ý tưởng kinh doanh có thực sự độc đáo, khác biệt, đáp ứng đúng nhu cầu sẵn có của thị trường.
Thứ hai, là xác định đúng mô hình kinh doanh để định giá và tìm đúng khách hàng mục tiêu sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
Thứ ba là nguồn vốn chuẩn bị sẵn để nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là một đòn bẩy cho sự thành công, thậm chí là để bù đắp cho giai đoạn đầu chưa có nguồn thu nhập cố định để lo cho cuộc sống gia đình như lúc còn đi làm thuê, để không bị áp lực tài chính đè nặng khiến mình mất đi cảm hứng sáng tạo.
Thứ tư là nắm bắt đúng “Thời điểm” khi nhu cầu thị trường đang cao nhất để tung ra sản phẩm, dịch vụ.
Thứ năm là sự kiên trì, đam mê công việc, không ngại vất vả, quyết tâm vượt qua những trở ngại và truyền được tinh thần đó cho đội ngũ nhân sự.
Trong đó quan trọng nhất khi khởi nghiệp là chọn đúng sản phẩm dịch vụ khác biệt, những ý tưởng mới hoàn toàn chưa ai nghĩ đến, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng. Đó là điểm mấu chốt giúp bạn chưa đánh đá thắng.
Vì vậy, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường, ra đời sớm hơn, mạnh và nhiều kinh nghiệm hơn mình..., tôi chọn cách tìm một miếng bánh mới - mà tại đó mình chính là người dẫn đầu.
Đó là lý do tôi lựa chọn khởi nghiệp bằng Học viện Marketing Y Dược MPG và Công ty Tư vấn chiến lược Pharmaco - Agency Marketing Dược thực chiến, đều là những đơn vị tiên phong cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn về Marketing Dược, đáp ứng đúng nhu cầu lớn, đang thiếu của thị trường dược và gần như không có đối thủ cạnh tranh trong suốt 3 năm qua.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những thước đo thành công khác nhau. Với riêng tôi, tôi còn nhớ rất rõ câu dặn dò của người anh, người sếp khi tôi quyết định khởi nghiệp, đó là “Đã khởi thì nhất định phải có nghiệp lớn, đó mới gọi là thành công”.
Điều đó cũng đúng với một quan điểm mà tôi tâm niệm suốt 3 năm qua “Doanh nhân không phải là người có nhiều tiền, mà phải hướng đến một giá trị lớn hơn sự thoả mãn giàu sang của bản thân.
Khởi nghiệp là để thoả mãn ước mơ, đam mê và vì mang lại nhiều giá trị lớn lao cho cộng đồng, để nhận lại sự tôn trọng, quý mến của xã hội.
Trong năm qua, điều khiến tôi tự hào nhất là đã vượt qua giới hạn bản thân để phát hành được cuốn sách Marketing Dược, Zero to Hero mà tôi ấp ủ suốt nhiều năm. Niềm hạnh phúc của tôi không chỉ vì bán được hơn 1.000 cuốn chỉ sau 3 tháng, mà hơn hết đó là những tình cảm, tin nhắn của các độc giả trên cả nước đã được truyền cảm hứng, động lực gửi về cho tôi mỗi ngày.
Tôi hy vọng sau khi đọc hết cuốn sách, các bạn trẻ sẽ nhìn thấu hành trình 16 năm tự bước đi, tự đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã của một nữ sinh trường Dược Hà Nội bé nhỏ, để rồi từ đó viết nên câu chuyện đời mình, câu chuyện của một thế hệ Marketer Dược ngày càng bản lĩnh, chuyên nghiệp hơn.
Với tôi thành công là khi tên mình được nhiều người biết đến với sự nể phục, ngưỡng mộ bằng chính những đóng góp của tôi cho ngành Dược, cho xã hội, chứ không phải “dùng tiền bạc làm thước đo”. Và với thước đo riêng này, tôi nghĩ mình cũng đã tạo được dấu ấn và có được những thành công bước đầu.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có của ngành Dược, theo chị, khó khăn nhất của quá trình khởi nghiệp là gì?
Với tôi đó chính là việc vượt qua rào cản tâm lý để bắt đầu. Bố mẹ tôi không muốn con gái phải từ bỏ công việc ổn định, mức lương cao để làm một công việc mạo hiểm và họ không muốn tôi vất vả, đánh đổi thời gian dành cho gia đình để theo đuổi những ước mơ viển vông.
Khó khăn tiếp theo là tìm kiếm nhân sự, cân đối quỹ lương, chọn lọc các ứng viên phù hợp, tối ưu năng suất lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và truyền được động lực làm việc cho nhân viên.
Hay đối mặt với nhiều cái chưa biết như kỹ năng quản trị tài chính, kiến thức thuế, những quy định pháp luật hay tạo dựng những mối quan hệ rộng hơn.
Tôi cũng phải đối diện với sự cô độc khi phải làm việc trong 14-16h mỗi ngày, trừ những lúc ngủ, tôi gần như không còn được duy trì những thú vui trước đây, mất dần thời gian dành cho gia đình, con cái, không còn những buổi tụ tập bạn bè thường xuyên, nhiều khi nhân viên còn giữ khoảng cách nhất định với chính mình.
Áp lực của tôi còn ở việc phải ra quyết định mà nhiều khi không biết phải hỏi ai, từ chiến lược kinh doanh, chế độ lương thưởng sao cho phù hợp với tình hình thực tế của công ty mà vẫn phải đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp khác để giữ chân nhân viên.
Chưa kể, trong công việc tôi cũng không hài lòng với bản thân, luôn muốn tự hoàn thiện, nên năm vừa rồi, dù bận rộn, tôi vẫn quyết tâm tham gia chương trình đào tạo thạc sỹ, Master in Marketing Sales and Services (MMSS) do Trường ESCP Europe và IAE, Paris Sorbonne University đồng cấp bằng, vì tôi nghĩ phụ nữ phải nỗ lực học tập không ngừng để khỏi bị thụt lùi lại phía sau.
Chị có thể chia sẻ vài kỷ niệm đặc biệt, đó có thể khó khăn gặp phải hoặc động lực giúp chị vững tin tiếp tục con đường đã chọn?
Hơn 3 năm thành lập Học viện Marketing Y Dược MPG tôi đã trải qua nhiều khóa huấn luyện với hàng nghìn học viên trải dài trên cả nước, cũng là chừng ấy những tình cảm yêu thương mà cộng đồng học viên dành cho tôi, trong đó không ít những kỷ niệm đặc biệt mà tôi không thể nào quên.
Từ cảm xúc bỡ ngỡ của những ngày đầu đứng lớp, được những anh chị khóa trên ở trường Dược, thậm chí lớn hơn mình cả chục tuổi gọi “cô giáo”, cho đến khi được chứng kiến sự thành công của chính các học viện như một phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực của tôi suốt thời gian qua.
Ba năm - khoảng thời gian tuy chưa thể nói là dài, nhưng cũng đủ để in dấu trong tôi những buổi chữa bài cho học viên đến tận 12h đêm, hay không ít lần chứng kiến các bạn thức làm bài đến 4-5h sáng, rồi chỉ kịp chợp mắt vài tiếng là phải chạy đến chuẩn bị cho buổi báo cáo tốt nghiệp. Tôi nhớ có bạn lớp trưởng khóa 1 còn cố đến dự buổi báo cáo, tặng hoa thầy cô xong rồi chạy vội sang bệnh viện vì vợ chuẩn bị đẻ.
Có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi vì đã rơi nước mắt khi đọc bài cảm ơn vô cùng xúc động của học viên khóa 4 - khóa Marketing Dược thực chiến. Là một người mẹ 3 con, bạn chấp nhận hy sinh sự nghiệp, ở nhà suốt 6 năm để chăm sóc gia đình và khi con lớn bạn muốn quay trở lại công việc, nhưng loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu khi những kiến thức thời đại học đã rơi rụng hết, và nhờ có khóa học đã giúp bạn tìm lại được sự tự tin, niềm đam mê Marketing từ thời sinh viên để đủ quyết tâm theo đuổi công việc mình yêu thích.
Đó chính là những khoảnh khắc mà tôi thấu hiểu được giá trị, ý nghĩa công việc mình đang làm và vững tin vào con đường mình đã chọn.
Tôi luôn tâm niệm, không chỉ truyền thụ những kiến thức, kỹ năng để làm nghề, mà quan trọng hơn là khơi dậy lòng yêu nghề cho các học viên, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, năng động và sáng tạo, có đạo đức, trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng.
Có khi nào chị cảm giác thất bại, muốn bỏ cuộc? Nếu được chọn lựa lại liệu chị có chọn khởi nghiệp hay sẽ giữ công việc và mức lương mơ ước?
Tôi may mắn lựa chọn đúng hướng đi vừa phát huy được năng lực bản thân, lại đáp ứng nhu cầu của ngành và cũng được mọi người xung quanh yêu thương hỗ trợ rất nhiều, nên chưa từng bị thất bại hay cảm giác muốn bỏ cuộc.
Chỉ là đôi lúc cảm thấy một ngày có 24h là quá ít để biến hết ý tưởng của mình thành hiện thực và cảm giác có lỗi với gia đình, con cái khi chưa dành đủ thời gian cho 2 bé, nhất là khi con còn quá nhỏ và cần có mẹ quan tâm, chăm sóc nhiều hơn mỗi ngày.
Nhưng nếu được chọn lại, không những tôi vẫn quyết định đánh đổi tất cả để theo đuổi ước mơ riêng của mình, mà còn ước giá như tôi đủ bản lĩnh để bắt đầu sớm hơn. Dù sao muộn còn hơn không, tôi may mắn vì cuối cùng cũng đã gần chạm tay đến ước mơ lớn nhất của đời mình để đến khi về già không còn cảm thấy hối tiếc.
Phải chia sẻ thật lòng, rời bỏ CVI là một quyết định quá khó đối với tôi tại thời điểm đó. Phải mất gần 3 năm đấu tranh tư tưởng, 3 lần nộp đơn nghỉ việc rồi lại không thể dứt áo ra đi, lần đầu tiên tôi phải rơi nước mắt trong một buổi họp công ty cũng là lúc tôi phải đưa ra quyết định xuống khỏi con thuyền chung để theo đuổi ước mơ của riêng mình.
Không phải chỉ vì một vị trí dưới vài người, trên trăm người, với mức lương nhiều người mơ ước, mà quan trọng hơn với tôi CVI thực sự là một ngôi nhà với rất nhiều đồng nghiệp gắn bó như ruột thịt, là nơi tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, dồn biết bao tâm huyết tuổi trẻ, mỗi một nhãn hàng thành công như CumarGold, CumarGold Kare đều là mồ hôi, công sức trong nhiều năm trời.
Bỏ lại hết thành quả mà mình đã dày công vun đắp để bắt đầu lại từ con số 0, từ 60 nhân viên tôi chỉ còn lại một mình, phải tự làm từ những việc nhỏ nhất để tối ưu chi phí, học phí của cả 1 khóa học còn không bằng mức lương hàng tháng tôi vẫn nhận, chứ chưa nói đến lợi nhuận thu về. Lúc đó điều duy nhất tôi nhận được đó là tìm lại được nhiệt huyết của tuổi trẻ, là sức sáng tạo, động lực làm việc mà tôi đã dần bị thui chột trong cái bẫy của sự thành công, an nhàn.
Nếu các con chị sau này lựa chọn con đường giống chị, chị sẽ nói với chúng điều gì?
Điều mà tôi, cũng như tất cả những người mẹ khác luôn lo lắng đó là cách dạy dỗ con nên người, làm thế nào để chăm sóc, cho con được hưởng những điều kiện tốt nhất nhưng không ỷ lại vào bố mẹ, dạy con đủ bản lĩnh để thành công trong tương lai, nhất là với bé gái 10 tuổi, mà mọi người đều nói đó là bản sao của tôi, từ tính cách, tư duy đến từng thói quen, sở thích.
Phải chia sẻ thật lòng, con gái chính là một động lực lớn nhất để tôi quyết định ra khởi nghiệp. Không phải vì tôi muốn để lại cho con tài sản hay một cơ ngơi đã được dọn sẵn, mà chính là tôi muốn có đủ trải nghiệm thực tế để dạy con, là tấm gương về tinh thần để nuôi dưỡng bản lĩnh, ý chí cho con và cho con một hành trang vào đời thuận lợi nhất.
Tôi không thể dùng kinh nghiệm đi làm thuê cả đời để dạy con cách trở thành doanh nhân giỏi. Tôi phải tự lao ra biển để học cách biết bơi trước khi dạy con làm tốt việc đó.
Bé trai hiện gần 5 tuổi thì cũng chưa hiểu chuyện, nhưng bé gái 10 tuổi thì đã có thiên hướng yêu thích kinh doanh từ lúc lên 5 và không giấu diếm tham vọng trở thành doanh nhân trong tương lai, thậm chí còn muốn trở thành “Tổng giám đốc” của doanh nghiệp vài trăm người và được nhiều người biết đến.
Mặc dù tôi chưa bao giờ chia sẻ, nhưng sau những lần theo mẹ tham dự các sự kiện, thấy mẹ đứng trên sân khấu lớn phát biểu trước đông người, bé cũng tự ý thức được sự “đặc biệt” của mẹ và thường xuyên search google tìm kiếm và đọc các bài báo viết về mẹ, rồi tự nuôi ước mơ 1 ngày cũng được nổi tiếng, tràn ngập hình ảnh trên mạng như vậy (một khái niệm rất ngây thơ của trẻ nhỏ).
Con đường trở thành doanh nhân của tôi chậm lại nhiều năm cũng một phần vì tôi không đủ can đảm vượt qua những rào cản định kiến của bố mẹ, không đủ quyết liệt để tự lựa chọn hướng đi của cuộc đời, nên giờ tôi không cho phép mình mắc lại sai lầm đó.
Ngày trước, bố mẹ tôi kinh doanh khá thành công, cũng có tiếng ở đất mỏ, nên từ nhỏ tôi đã thích buôn bán, năm lớp 8 tôi đã có một cửa hàng nhỏ cho thuê sách truyện, băng đĩa nhạc với số vốn riêng, tích lũy từ tiền thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi, rồi những dự án bán hoa, quà tặng vào dịp lễ tết ở trường cấp 3.
Hồi đó ước mơ của tôi là vào trường kinh tế để theo đuổi những hình mẫu nữ doanh nhân thành đạt vẫn thấy trên tivi, nhưng vì bố mẹ tôi vẫn giữ tư duy cổ hủ, con gái thì chuyện gia đình, chồng con là quan trọng nhất, không muốn cho tôi theo nghiệp kinh doanh mà chỉ cần một công việc nhẹ nhàng với mức lương ổn định, nên khi tôi được giải quốc gia là hướng luôn theo ngành Dược.
Rồi nhiều năm sau đó, mỗi khi thay đổi công việc, và nhất là khi quyết định ra khởi nghiệp, tôi luôn phải đối mặt với hàng nghìn câu hỏi và lời khuyên nhủ của bố mẹ.
Vì vậy, thay vì lo lắng, tôi rất vui mừng khi con gái có thiên hướng yêu thích kinh doanh sớm và luôn tìm cách để tạo điều kiện cho con phát triển khả năng tư duy và ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời, luôn ủng hộ, giúp đỡ sát sao để cùng con thực hiện từng dự án nhỏ trên con đường xây dựng ước mơ lớn.
Không chỉ động viên, khuyến khích bằng lời nói, tôi còn chủ động dạy con cách tự quản lý tài chính từ lúc 5 tuổi, hướng dẫn con cách tự kiếm tiền từ việc làm vòng handmade bán, kinh doanh kem ở hội chợ tết, làm thực tập sinh đóng gói hàng hoá trong siêu thị thuốc MPG của bố mẹ để nhận lương vào dịp hè.
Sau khi bé đã tích lũy kinh nghiệm qua các dự án nhỏ, hiểu được giá trị đồng tiền khi được hưởng thành quả là những món đồ chơi mua bằng số tiền kiếm được, tôi khuyến khích con ấp ủ dự định kinh doanh lớn, lâu dài hơn như mở shop kinh doanh nhỏ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để bán chính những thứ mà bé đang dùng, tự livestream bán hàng, đóng gói và tính toán lợi nhuận thu được.
Đó chính là cách mà tôi giúp con lớn lên từng ngày cùng với ước mơ trở thành “Doanh nhân” trong tương lai vì tôi nghĩ tố chất, năng khiếu chỉ chiếm khoảng 30% còn 70% còn lại là do môi trường, gia đình, xã hội và đào tạo mà ra.
Có thử thách mới tiến bộ, có thất bại mới thành công, nên tôi luôn ủng hộ và đồng hành để giúp con trẻ vững tin và rút ngắn thời gian để thử sức với giấc mơ khởi nghiệp. Hy vọng các con của tôi sẽ không cần phải chờ đến tận 34 tuổi như mẹ.
|