Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã tặng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiếc bình đặc biệt là lời nhắn gửi sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Chiếc bình đặc biệt này được gắn thêm “nhãn mã hóa”, giúp định danh sản phẩm, cung cấp thông tin về nghệ nhân, về nguồn gốc, quá trình sáng tạo, chế tác, về tên gọi, chuyện kể gắn liền với tác phẩm. Với chip này, sản phẩm làng nghề nông thôn truyền thống “tinh hoa từ đất - sinh ra từ lửa”, ngay lập tức, được thổi hồn, được tăng thêm giá trị, vừa độc đáo, vừa sống động.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhãn mã hóa hình dấu vân tay trên bình gốm gợi mở về “chạm để kết nối” ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với công nghệ số, với thế giới của đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2023, tại Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dừng chân tham quan khá lâu tại khu giới thiệu công nghệ vật lý số của Phygital Labs. Tại đây, Thủ tướng đã xem Linh vật nghê Việt được đúc theo nguyên mẫu tại di tích Văn Miếu gắn một chip tích hợp, dùng smartphone quét lên sản phẩm sẽ có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, kích thước, hình ảnh 3D, huyền tích…
“Nhân vật” bí ẩn tạo ra sự ngạc nhiên này là công nghệ Nomion của Phygital Labs. Và “cha đẻ” của giải pháp công nghệ vật lý số đầu tiên của Việt Nam là Huy Nguyễn, đồng sáng lập Phygital Labs.
Từ Quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất của Google với mức lương đáng mơ ước cùng tiền đồ rộng mở, Huy Nguyễn trở về Việt Nam mang theo khát vọng dùng công nghệ lan tỏa văn hóa, đưa sản phẩm Việt Nam ra toàn cầu.
Năm 2012, vượt qua 20 vòng phỏng vấn khắt khe, Huy gia nhập Google. Chàng kỹ sư trẻ chỉ mất 5 năm để trở quản lý cấp cao trẻ nhất của Google. Tại Google, Huy lọt vào mắt xanh của nhà đồng sáng lập Google - Sergey Brin vào top những người dám nghĩ, dám làm để cùng họ thực hiện những điều mà cả thế giới nghĩ là không tưởng được. Huy đã thuyết phục và được giao đảm nhận những dự án “điên rồ”, “không tưởng” của Google.
“Tôi phải liên tục nghĩ ra ý tưởng mới lạ và nỗ lực để hoàn thành được cùng Google chinh phục được những giấc mơ lớn. Google là môi trường lý tưởng, giúp tôi có đủ can đảm, niềm tin thực hiện những ý tưỏng điên rồ, táo bạo của bản thân. Chính những trải nghiệm này đã giúp tôi có được bài học quý báu về tư duy tiên phong lẫn niềm tin vào công nghệ có thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Hành trình tại Google chính là bước đệm để cá nhân tôi có niềm tin chinh phục những thứ to lớn, lạ kỳ hơn nữa”, Huy cho biết.
Điển hình như Dự án “Sáng kiến 1 tỷ người” với mong muốn đem Internet đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhất thế giới, những khu vực bị thế giới lãng quên, các quốc gia dưới sa mạc Sahara bỏng cháy, các vùng đất Bắc Cực buốt giá, hay rừng rậm Amazon huyền bí. Những trải nghiệm lăn lóc từ sa mạc đến rừng già, núi tuyết, vượt qua hàng chục quốc gia với rất nhiều dân tộc đã giúp cho Huy có một góc nhìn đa chiều và đặc biệt chứng kiến những giá trị to lớn mà công nghệ có thể tạo ra cho con người.
Để thực hiện mong muốn này, Google ra thông báo rằng những nhân viên muốn tham gia sáng kiến hãy gửi ý tưởng của mình, cho dù điên rồ như thế nào cũng được và những ý tưởng hay nhất sẽ được chọn để tạo điều kiện thực thi. Rất nhiều ý tưởng mang tính đột phá đã được gửi đến từ việc sử dụng khinh khí cầu, máy bay năng lượng mặt trời, máy phát Internet trên tàu điện... đã ra đời và nhiều ý tưởng đã trở thành những sản phẩm cách mạng hôm nay.
Nhóm của Huy nêu ý tưởng, nếu không thể truyền Internet được dưới đáy đất hay đáy biển, thì sẽ bắn nó lên trời và dùng vệ tinh nhận và chuyển tiếp về những vùng đất này. Giờ đây, Internet vệ tinh đã quen thuộc, nhưng vào thời điểm 10 năm trước, Internet qua vệ tinh được xem là ý tưởng rất điên rồ và không ai tin là sẽ khả thi. Tuy nhiên, sau một buổi thuyết trình với tất cả niềm đam mê và một tinh thần quyết chiến mạnh mẽ thì đồng sáng lập Google - Sergey Brin ký một tấm séc trị giá nhiều triệu USD để nhóm Huy bắt tay vào thực hiện dự án.
Và cũng chính Huy đã đi khắp thế giới, viết những dòng code đầu tiên cho dự án này. Sau nhiều tháng kiên trì thử nghiệm, Huy đã thực sự vỡ òa khi nhận được package Internet đầu tiên có đánh dấu “Huy” của mình. Thành công về mặt công nghệ của dự án đã cho Huy một niềm tin lớn lao vào những phép màu nếu như đủ sức để mơ lớn và hiện thực được chúng.
Sau thành công này, Team của Huy còn triển khai nhiều dự án nổi tiếng khác như Google Station, cung cấp Wi-Fi miễn phí cho hàng chục triệu người Ấn Độ, Indonesia, Philippines và nhiều quốc gia khác trên thế giới; Dự án Google Fiber Operations System - mạng cáp quang Internet 1 Gbps đến hơn 1 triệu người dùng ở Mỹ…
Tháng 5/2017, Huy được bổ nhiệm lên level 6, trở thành quản lý cấp cao trẻ tuổi nhất của Google lúc bấy giờ. Đang ở vị trí cao, công việc thú vị, mức thu nhập gần 1 triệu USD/năm thì bước ngoặt đã đến với Huy.
Bước ngoặt diễn ra vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới và Huy tình cờ bị kẹt lại Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, trong suốt những năm tháng học tập và làm việc ở Mỹ, trong Huy luôn có một giấc mơ đóng góp sức mình, mang những điều tốt đẹp cho quê hương.
“Thời gian học tập, làm việc tại Mỹ và đặc biệt là khoảng thời gian rong ruổi khắp các quốc gia trên nhiều châu lục càng đun đút quyết tâm đó của Huy, khi cảm nhận được rằng mình đã mang được tiến bộ công nghệ đến nhiều nơi trên thế giới, thế nhưng lại vẫn là số 0 tròn trĩnh trên chính quê hương mình, khi cả Việt Nam đang hừng hực khí thế tiến lên sử dụng công nghệ chuyển đổi số đất nước”, Huy nhớ lại.
Quyết định này khiến nhiều người tiếc và lo lắng cho Huy. Khi nghe Huy có ý định bỏ Google để khởi nghiệp người thân, bạn bè và đồng nghiệp công ty đã phản đối quyết liệt. Google cũng đã trao đổi với hy vọng dập tắt được ý định muốn nghỉ việc của Huy. Còn gia đình xem đó là chuyện “rất kinh khủng”.
Họ càng lo lắng hơn khi anh lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp là công nghệ blockchain, một lĩnh vực còn rất mới mẻ và ẩn chứa nhiều rủi ro khi đó. Trên thực tế, từ năm 2016, khi còn làm việc ở Google, Huy đã sử dụng công nghệ blockchain để viết các chương trình đấu thầu băng thông bằng hợp đồng thông minh (smart contract). Thời điểm đó, chưa có nhiều người biết đến công nghệ này, nhưng Huy đã nghiên cứu sử dụng vì sự tiện lợi, hiệu quả. Chính những tiềm năng to lớn mà công nghệ mới mang lại để tăng cao giá trị cho rất nhiều những khía cạnh của cuộc sống, chứ không phải chỉ là tiền mã hoá như rất nhiều người lầm tưởng, khiến Huy chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này.
Trở về Việt Nam, Huy mang theo niềm tin Việt Nam sẽ phải đi tiên phong về một công nghệ mới để có thể vươn ra ngang hàng cùng thế giới, chứ không thể mãi đi theo sau, làm những thứ người ta đã làm từ cách đây rất nhiều năm. Thời điểm đó ở Việt Nam, blockchain chính là một công nghệ rất mới giúp Việt Nam tiến vào vạch xuất phát ngang hàng với các quốc gia phát triển trên thế giới.
“Huy có niềm tin rằng blockchain có thể giải quyết những vấn đề lớn hơn, thay đổi nhiều mặt của đời sống, tạo ra được sản phẩm và giúp những sản phẩm từ blockchain tạo nên lợi ích cho nền kinh tế số thì mọi người sẽ thấy được nhiều giá trị hơn, bởi, blockchain không chỉ là crypto”, Huy chia sẻ.
Trong chuyến hành trình xuyên Việt năm 2022, Huy ghé thăm Làng đá mỹ nghệ Non Nước tại Đà Nẵng. Huy mê say câu chuyện về các tác phẩm độc đáo được điêu khắc tỉ mỉ trên chất liệu là vỏ sò trầm tích quý hiếm hàng ngàn năm tuổi, ý nghĩa sâu xa của từng câu chuyện, đến kỹ thuật, tay nghề bậc nhất để khắc ra được hồn, thần thái của tác phẩm. Nhưng Huy cũng không khỏi tiếc nuối cho những nghệ nhân tài hoa, điêu luyện, những tác phẩm độc bản xuất sắc phủ bụi với thời gian.
“Sản phẩm của Việt Nam hay như vậy, đáng tự hào như vậy, làm sao để lan tỏa các tác phẩm mang giá trị văn hóa đậm nét của Việt Nam? Làm sao nâng tác phẩm này lên đúng giá trị của nó? Hơn nữa, thế hệ sau thì những ai sẽ là người kể những câu chuyện đằng sau các tác phẩm cho thế hệ sau?”, Huy trăn trở nghĩ.
Càng có cơ hội gặp nhiều hơn những người làm nghề trong các lĩnh vực này, Huy càng có niềm tin rằng sản phẩm của mình, công nghệ của mình đang giải quyết được những khó khăn, nỗi đau của họ. Đó cũng là một nguồn động lực để Huy quyết tâm khởi nghiệp bằng Start-up Phygital Labs.
Là một trong những người viết bài nghiên cứu cáo bạch đầu tiên về vật lý số, rồi sau đó Huy quay về Mỹ để tìm hiểu về cách các công ty ở Mỹ làm về công nghệ rất mới này. Các quỹ tại nước ngoài và các chuyên gia tại Silicon Valley cũng nhận định rằng công nghệ vật lý số được áp dụng tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á là thích hợp nhất, bởi khu vực này còn đang ở bước đầu của chuyển đổi số, còn rất nhiều thứ có thể xây mới hoàn toàn. Sau hơn một năm để nghiên cứu và thử nghiệm về công nghệ này, Phygital Labs chính thức ra đời.
Việt Nam hiện có vô số làng nghề, vô số tác phẩm, tài sản, sản phẩm rất giá trị mà vì sự hữu hạn của không gian, thời gian, những câu chuyện chưa được kể hoặc chưa được kể đầy đủ. Ngay cả khi đã được kể đầy đủ, các câu chuyện không được gắn kết chặt chẽ với sản phẩm vật lý, khó được lan tỏa rộng rãi và gia tăng giá trị. Chính vì thế, Huy cho rằng, sứ mệnh của Phygital Labs là dùng công nghệ tiên phong lan tỏa được văn hóa, sản phẩm của Việt Nam và kể ra một cách tự hào về chất lượng sản phẩm, tinh hoa làng nghề và tài năng của những người nghệ nhân Việt ra toàn cầu.
Vật lý số giải quyết bài toán định danh số cho vạn vật, là cầu nối đưa một sản phẩm từ đời thực lên Internet để khai phá những giá trị lớn như quảng bá du lịch, sản phẩm, tài sản mà còn phục vụ kinh doanh, lan tỏa văn hóa, nâng cao giá trị vật phẩm.
Hiện nay, Phygital Labs đã tiếp cận và đưa ứng dụng của mình đến với các sản phẩm về thời trang như Ortho, sản phẩm nông nghiệp như Cà phê Le J’, The Hồ Tiêu, thủ công mỹ nghệ như Đá mỹ nghệ Non Nước, Bảo tàng di tích Cố Đô Huế, Linh vật Nghê Văn Miếu - Quốc Tử Giám… để định danh số, đưa lên bảo tàng số sau đó dùng để phục vụ giáo dục, quảng bá, triển lãm và thương mại sản phẩm. Ví dụ, với bảo tàng trên không gian số, khách hàng có thể xem xét từng loại sản phẩm gốm điêu khắc được định danh số, có thể tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử, từng câu chuyện văn hoá gắn với sản phẩm này. Khách hàng có thể mua sản phẩm mà không phải lo lắng về thương hiệu, chất lượng hay sự minh bạch của sản phẩm.
Mỗi một start-up đều có giấc mơ, khát vọng trở thành kỳ lân. Nhưng giấc mơ của Phydital Labs là giúp Việt Nam hóa rồng về công nghệ, lan tỏa văn hóa Việt, đưa sản phẩm Việt phổ biến ra thế giới.
Theo Huy, để start-up trở thành kỳ lân hay tạo được giá trị ảnh hưởng to lớn, thì phải có sự phát triển đột phá, giải giải quyết bài toán của nhân loại. Chỉ có go global mới làm được điều này.
“Giấc mơ của Nomion là giới thiệu, bán được hàng hóa của những ngành nghề bị chuyển đổi số “bỏ rơi” của không chỉ Việt Nam, mà rất nhiều vùng trũng, những khu vực cần hỗ trợ ra toàn cầu”, Huy chia sẻ.
Phải có nhiều sản phẩm của Việt Nam trên không gian vật lý số thì mới có thể đưa câu chuyện về Việt Nam đi xa. Kế hoạch của Phygital Labs trong năm 2024 -2025 là tập trung phát huy tối đa tính ứng dụng của công nghệ mới tại thị trường Việt Nam với việc ứng dụng vào các lĩnh vực như văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp, nghệ thuật… Xa hơn nữa, trong vòng 2 năm tới, sẽ tiến ra Đông Nam Á. Đây là thị trường hàng trăm triệu dân có dư địa để phát triển khá lớn vì giàu tính lịch sử, văn hóa và là “miền đất mới” đối với thế giới.
Dự án của Huy nhận được sự ủng hộ to lớn từ các nhà đầu tư, đối tác, bạn bè từ Mỹ. Họ cũng đặt niềm tin vào tiềm năng vật lý số và cũng tin tưởng Việt Nam và Đông Nam Á chính là nơi thích hợp nhất để bắt đầu hành trình này.Sau khi Phygital Labs “phủ sóng” thành công thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, sẽ là bước vươn ra thế giới.
“Tôi tin là trong 5-10 năm nữa, vật lý số - định danh vạn vật sẽ trở thành mắt xích thiết yếu trong quy trình công nghệ như cách mà AI, Chat GPT hiện tại đang len lỏi vào các ngành nghề trong cuộc sống. Đội ngũ Phygital Labs sẽ là ngọn cờ tiên phong để thực hiện được mong ước lan tỏa văn hóa, sản phẩm Việt Nam ra toàn cầu”, Huy chia sẻ.
Một quốc gia số muốn có những kỳ lân mới, cần có một tinh thần tiếp nhận, khích lệ thử nghiệm công nghệ mới, cho startup không gian sáng tạo mới. Hy vọng rằng, Phygital Labs với công nghệ vật lý số định danh vạn vật sẽ sớm giải quyết được các bài toán của Việt Nam, đưa Việt Nam phá vỡ mọi giới hạn và phát triển đúng với các tiềm năng của mình, như mong ước của “người trở về từ Silicon Valley” Huy Nguyễn.
Nhà sáng lập Huy Nguyễn - CEO Phygital Labs
+ Tốt nghiệp loại ưu về Kỹ thuật Điện - Điện tử và Khoa học Máy tính tại Đại học UC Berkeley (Mỹ).
+ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tin học Việt Nam.
+ Cố vấn công nghệ, nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) của nhiều dự án khởi nghiệp trong và ngoài nước.
+ Trưởng khoa Công nghệ Blockchain tại Đại học Trực tuyến Funix.
+ Cố vấn kỹ thuật cho Blockchain Labs thuộc NIC, Kiến trúc sư trưởng cho Đà Nẵng Chain.
+ Huy Nguyễn có hơn 10 năm làm việc tại Google và Thung lũng Silicon trước khi về Việt Nam và đồng sáng lập nhiều dự án công nghệ, sở hữu nhiều bằng sáng chế và các dự án nghiên cứu được đánh giá cao trong lĩnh vực hạ tầng mạng tại Mỹ.