Phụ nữ luôn khác biệt khi bước vào thương trường

_Từ Thu Hiền, CEO WISE_

Phụ nữ ngày càng thành công hơn, có địa vị cao và vai trò tương đương với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là nhờ những tố chất chăm chỉ, chịu khó, thông minh, khéo léo và có sức chịu đựng mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam.

 

Thực hiện: Thu Trang - Thanh Huyền

 

Thương trường luôn được ví như “chiến trường” và dường như không có sự phân biệt về giới trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ kinh doanh đã được đưa ra. Chị nghĩ sao về điều này?

Khi xây dựng thể chế, luật pháp, người làm chính sách đặt mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người kinh doanh. Nhưng trên thực tế, phụ nữ vẫn đang chịu nhiều bất lợi do sự bất bình đẳng giới còn tồn tại trong xã hội.

Nhiều người vẫn coi đó là mặc định và không nhìn nhận nó. Nhưng trong thực tế, khi tạo ra chính sách mà không quan tâm và đưa vào đó vấn đề khác biệt giới thì rõ ràng đó là bất bình đẳng.

Khi bước vào sân chơi bình đẳng, giữa nam và nữ luôn có khoảng cách. Nếu như cùng ra trường và bắt đầu khởi sự kinh doanh, xuất phát điểm của hai giới là như nhau. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, phụ nữ sẽ có khoảng thời gian ở nhà nuôi con nhỏ. Mặc dù xuất phát điểm khi bước chân vào kinh doanh của nam và nữ là như nhau nhưng phụ nữ sẽ bị chậm lại khi họ bắt đầu phải dành nhiều thời gian hơn cho công việc gia đình.

Những chính sách, chương trình với mục tiêu đảm bảo công bằng trong kinh doanh cho nữ giới tưởng chừng như đang ưu tiên phụ nữ, nhưng điều đó là không phải. Với những khó khăn vô hình mà phụ nữ phải đối mặt, nó chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa nam và nữ.

 

Những vấn đề xã hội, tâm lý cộng đồng và sự ứng xử với phụ nữ tại Việt Nam đã thay đổi nhiều so với thời gian trước. Chị đánh giá thế nào nếu so sánh điều này với các nước phát triển?

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, không chỉ thể hiện trong các chủ trương, chính sách pháp luật mà còn trong cuộc sống.

Bà Từ Thu Hiền từng là Giám đốc Dự án hỗ trợ phát triển kinh doanh khu vực Mekong (MBI MeKong Business Initiative) tại Việt Nam. Đây là chương trình do Chính phủ Australia tài trợ được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á tại 4 nước khu vực Mekong.

Đó là sự nỗ lực của nhiều bên, từ Chính phủ cho đến các chương trình hỗ trợ, hay bản thân người dân chúng ta đều nhận thức được đây là một vấn đề. Truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giảm bớt và thu hẹp khoảng cách này.

Nếu như trước đây, các chương trình quảng cáo luôn cố định hình ảnh người phụ nữ gắn với việc nội trợ, những sản phẩm dành cho trẻ em… thì hiện nay, truyền thông đã đưa hình ảnh người đàn ông xuất hiện cùng với những mặt hàng này. Điều này từng bước sẽ góp phần xóa bỏ, thay đổi nhận thức “đóng đinh” rằng phụ nữ phải là người có trách nhiệm với những công việc không được trả lương.

Nhờ đó mà đã có những sự chuyển dịch chung từ xã hội đến trong kinh doanh. Rất nhiều giải thưởng, chương trình tôn vinh tấm gương những phụ nữ thành đạt, những nữ doanh nhân thành công và truyền cảm hứng cho người khác đã ra đời.

Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam hiện đang đứng khoảng giữa trong thang xếp hạng của thế giới. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới. Tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan chính trị, Quốc hội đều đạt được thang điểm cao hơn mức xếp hạng kinh tế của Việt Năm. Đây là điểm đáng mừng cho nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

 

 

Không chỉ vẻ đẹp mà dường như cả trong tính cách, người phụ nữ Việt Nam cũng được xem là mang những nét tiêu biểu của người phụ nữ Á Đông. Điều này có thể xem là thế mạnh của họ trong kinh doanh hay không?

Phụ nữ Việt Nam có tố chất chăm chỉ, chịu khó, thông minh, khéo léo và có sức chịu đựng mạnh mẽ. Những tố chất này sẽ là lợi thế rất lớn khi bước vào thương trường, bởi nó tạo ra sự mềm dẻo và linh hoạt trong tính cách của người kinh doanh.

Nhìn vào các hộ kinh doanh cá thể, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì tỷ lệ phụ nữ làm chủ chiếm khá lớn. Điều đó cho thấy, phụ nữ hoàn toàn có khả năng để thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy khi càng tiến lên quy mô lớn hơn thì tỷ lệ phụ nữ làm chủ lại thấp dần đi. Khi đó, yêu cầu về mặt thời gian, nguồn lực sẽ cao hơn, phụ nữ lại phải cân đối với gánh nặng, chất lượng công việc gia đình của họ. Nhiều người lựa chọn giữ doanh nghiệp ở mức vừa đủ để duy trì cuộc sống, duy trì đam mê của chính bản thân họ.

Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) là một tổ chức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh. WISE tập trung hỗ trợ phụ nữ, những người mà muốn khởi sự kinh doanh, bắt đầu kinh doanh và muốn phát triển hơn nữa doanh nghiệp của mình.

Đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận vốn chỉ đạt 37%, trong khi đàn ông là 47%. Nhiều khó khăn khách quan làm cho họ khó hơn trong việc phát triển doanh nghiệp. Và cũng có những điều chủ quan khiến họ lựa chọn duy trì mức độ vừa phải.

Những định kiến của xã hội nhiều khi cũng làm cho phụ nữ nghi ngờ chính năng lực của họ khiến họ không đặt ra hoài bão và tham vọng quá lớn.

 

Thông qua Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh, chị kỳ vọng thế nào về sự thay đổi trong bức tranh khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong 5 năm tới?

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu 30% tổng số doanh nghiệp do nữ làm chủ vào năm 2020. Mục tiêu WISE là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh nên tất nhiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình để số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày một tăng lên, những start-up do nữ làm chủ thành công, phát triển mạnh mẽ hơn để từ đó có thêm nhiều tấm gương truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ khác khi dấn thân vào kinh doanh.

Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn khoảng cách giới sẽ ngày càng thu hẹp để phụ nữ xuất hiện nhiều hơn trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật

 

CEO Từ Thu  Hiền
CEO WISE Từ Thu Hiền được biết đến là một diễn giả có uy tín trong cộng đồng nữ doanh nhân
Bình luận bài viết này
Thu Trang - Thanh Huyền 08/03/2020 11:38