Nội dung, trình bày: Hồ Hạ 
Ảnh, tranh: Sách "Kiến trúc Hà Nội"/ Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA.

 

Trong những ngày đông Hà Nội, khi gió lạnh len lỏi vào từng góc phố, một sự kiện văn hóa đặc biệt đã làm ấm lòng những trái tim yêu di sản. Ngày 6/12/2024, cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội” chính thức ra mắt, như một cánh cửa mở lối vào kho báu di sản kiến trúc của Thủ đô.

 

Từ vẻ đẹp cổ kính của những công trình thời phong kiến đến nét giao thoa tinh tế giữa kiến trúc Pháp và văn hóa Việt, cuốn sách như một hành trình du ngoạn qua thời gian, tái hiện lịch sử và tâm hồn kiến trúc Thăng Long - Hà Nội.

 

Hơn cả một cuốn sách, “Kiến trúc Hà Nội” được ví như một tuyệt phẩm tinh thần, nơi nghệ thuật, lịch sử và cảm xúc hòa quyện để kể câu chuyện kiến trúc của một Thủ đô hơn ngàn năm văn hiến.

 

Cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội".

 

 

Những trang sách “Kiến trúc Hà Nội” như chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn dắt người đọc vào hành trình du ngoạn qua thời gian, nơi mỗi công trình kiến trúc là một lát cắt của lịch sử, một bản giao hưởng của nghệ thuật và văn hóa.

 

Ba phần của cuốn sách là những nhịp cầu đưa độc giả lắng nghe tiếng thì thầm của những viên gạch, mái ngói, của từng công trình mang trong mình dấu ấn thời đại.

 

Lối vào chính của thư viện Trường THPT Chu Văn An.

 

Ở phần một, người đọc được quay ngược về thời Thăng Long - Hà Nội xưa, với kiến trúc tam trùng thành quách hùng vĩ, nơi những di sản như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội hay Hoàng thành Thăng Long không chỉ là minh chứng của quyền lực mà còn là hiện thân cho sự trường tồn của một nền văn hóa hơn nghìn năm văn hiến.

 

Những nét chạm khắc cổ kính, những lớp rêu phong phủ đầy năm tháng như dẫn dắt ta bước vào thế giới của tổ tiên - nơi dòng chảy lịch sử vẫn mải miết trôi qua từng viên đá, từng bức tường thành.

 

Một số bức tranh trong cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội". 

 

Phần hai là những nội dung chính của cuốn sách, đưa độc giả đến thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ của những “viên ngọc” kiến trúc được chạm khắc tinh tế giữa hai nền văn hóa. Từ phong cách Beaux-Arts hoa lệ, Art Déco phóng khoáng, đến phong cách Đông Dương giàu bản sắc hay kiến trúc Gothic sắc sảo – tất cả đều được kể lại qua từng công trình như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Khách sạn Metropole…

 

Những đường nét uốn lượn, cột trụ vững chãi hay mái vòm thanh thoát kể lại câu chuyện về một Hà Nội giao hòa giữa tinh hoa phương Tây và hồn Việt cổ xưa.

 

Lối ra vào phía sau trụ sở Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.

 

Phần ba là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, nơi những công trình từ thời kỳ xã hội chủ nghĩa cho đến những kiến trúc hiện đại ngày nay được tái hiện với góc nhìn độc đáo. Đây là giai đoạn mà di sản kiến trúc không chỉ là sự tái tạo, kế thừa mà còn phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô, với những nhà tập thể, những công trình cộng đồng và các biểu tượng kiến trúc mới mẻ, đầy sáng tạo.

 

Một số bức tranh trong cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội". 

 

Thông qua cuốn sách, độc giả không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình nổi bật của Hà Nội qua 18 địa danh tiêu biểu mà còn được sống trong hơi thở của từng thời kỳ. Từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Nhà hát Lớn, từ Khách sạn Metropole đến Nhà khách Chính phủ hay nhà tù Hỏa Lò - mỗi công trình là một mảnh ghép của một bức tranh lớn về Hà Nội, nơi di sản không chỉ để ngắm nhìn mà còn để thấu hiểu, để tự hào.

 

Chi tiết cửa sổ Nhà thờ Cửa Bắc, chi tiết thép trang trí tay vịn cầu thang bên trong Nhà khách Chính phủ, và cầu thang từ tầng trệt lên tầng một uốn lượn theo kiểu Art nouveau, kết hợp nhiều chất liệu trong Nhà khách Chính phủ.

 

Cuốn sách không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là lời nhắn nhủ: hãy giữ gìn và phát huy giá trị di sản như một phần của chính chúng ta, để những công trình ấy không chỉ sống trong ký ức mà còn mãi hiện hữu, kết nối quá khứ với tương lai.

 

 

Gói ghém tỉ mỉ, tinh tế tinh hoa ngàn năm kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là thời Pháp thuộc, cuốn sách đã nhận được nhiều lời ngợi khen từ giới chuyên môn và độc giả.

 

Nhà khách Chính phủ.

 

Những công trình kiến trúc trong cuốn sách không chỉ là những tòa nhà, mà còn là những nhân chứng lịch sử sống động. Như nhà sử học Philippe Le Failler từ Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Với sự chú trọng đến từng chi tiết và cách sử dụng phong phú các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, cuốn sách đã mang đến một câu chuyện sống động và chính xác. Từng bức ảnh, từng câu chuyện trong sách không chỉ là di sản kiến trúc mà còn là một lát cắt sống động của lịch sử Hà Nội, giúp độc giả nhìn lại quá khứ và cảm nhận hiện tại bằng cả trái tim”.

 

Một số bức tranh trong cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội". 

 

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh gọi cuốn sách là một “tài liệu vô giá”: “Những bản vẽ tay, sơ đồ mặt cắt từ thời Pháp lần đầu được công bố giúp độc giả tiếp cận di sản kiến trúc Hà Nội một cách chân thực và sống động. Đây là món quà quý cho những thế hệ nghiên cứu mai sau”.

 

“Cuốn “Kiến trúc Hà Nội” không chỉ đẹp về hình thức mà còn quý giá bởi những tài liệu lần đầu được xuất bản, từ các bản vẽ tay bằng bút mực xanh cổ xưa đến những bức ảnh tư liệu quý hiếm. Đây là một di sản tinh thần không thể thay thế, là lời tri ân gửi tới Hà Nội”, Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh bày tỏ ấn tượng với sự công phu của cuốn sách.

 

Hệ thống trang trí diềm mái của Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Trong khi đó, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, xúc động chia sẻ: "Tôi cảm nhận được màu thời gian bâng khuâng xao xuyến trong từng trang viết, từng chủ đề. Đây không chỉ là một cuốn sách kiến trúc, mà là bản giao hưởng giữa lịch sử và nghệ thuật, giữa cảm xúc và sự sáng tạo”.

 

Với kiến trúc sư Vũ Hiệp, cuốn sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho bất kỳ ai yêu mến kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Ông khẳng định: “Sự bài bản và công phu trong từng chi tiết khiến cuốn sách này trở thành nguồn cảm hứng và tư liệu quý giá cho các thế hệ mai sau”.

 

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội.

 

Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Văn hóa và Hợp tác, kiêm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Cuốn sách không chỉ tái hiện vẻ đẹp của những công trình kiến trúc mà còn gợi lên hơi thở của thời đại, của một Hà Nội “rất Việt Nam” trong sự giao thoa văn hóa Pháp. Đây là minh chứng sống động cho sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại”.

 

Còn ông Maurice Nguyễn, hậu duệ của kiến trúc sư François Charles Lagisquet – người thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội, chia sẻ đầy xúc động: “Khi được tham gia dự án này, tôi cảm thấy như đang kể lại câu chuyện của gia đình mình. Những công trình của ông cố tôi không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là biểu tượng cho sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa Việt – Pháp”.

 

 Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam.

 

Với “Kiến trúc Hà Nội”, độc giả không chỉ tìm thấy những nét đẹp của kiến trúc mà còn cảm nhận được cả một linh hồn Hà Nội trong từng đường nét, từng chi tiết. Đây không chỉ là cuốn sách dành cho người yêu kiến trúc mà còn là món quà ý nghĩa cho bất kỳ ai yêu Hà Nội, yêu văn hóa và yêu lịch sử.

 

Cầm trên tay cuốn sách “Kiến Trúc Hà Nội” nặng trịch, đẹp long lanh, anh Bùi Minh Thắng, một kỹ sư giao thông không khỏi cảm thán về một bản in quá tuyệt vời. Và khi khám phá từng trang sách, những bức tranh, ảnh hiện lên đẹp đến ngỡ ngàng khiến anh cảm thán: “Khoảng 330 ảnh, hơn 40 tranh, 15 sơ đồ các công trình tiêu biểu được sắp đặt tinh tế như một triển lãm. Từng bức ảnh dường như được chụp vào những ngày nắng vàng rực rỡ của mùa thu Hà Nội – mùa mà ánh sáng như hòa quyện hoàn hảo với vẻ đẹp cổ kính của những công trình kiến trúc.

 

 

Thật kỳ diệu khi những khoảnh khắc được chọn đều không có sự hiện diện của con người hay bất kỳ vật thể gây xao lãng nào. Nhờ vậy, những công trình hiện lên trong vẻ đẹp nguyên sơ, hoàn mỹ, trầm mặc mà kiêu hãnh. Còn những bức tranh minh họa được chấm phá một cách thật sống động và đầy cuốn hút. Tôi đã dừng lại thật lâu để ngắm nghía và đọc từng trang, chưa từng có cuốn sách nào khiến tôi bị mê hoặc như vậy!”.

 

Khối nhà chính của trụ sở Bộ Ngoại giao.

 

Điều đặc biệt anh Thắng cho biết, hơn cả một cuốn sách, “Kiến trúc Hà Nội” còn trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của anh: “Tôi sẽ trưng bày nó mỗi ngày ở nơi dễ thấy nhất. Tùy theo tâm trạng, tôi sẽ lật mở một bức ảnh tràn 2 trang hay một bức tranh minh họa đầy nghệ thuật hoặc sơ đồ một công trình yêu thích nào đó cũng đủ mang đến sự thư thái. Cảm giác ấy thật thú vị, bởi nó giúp tôi lạc bước vào những miền kiến trúc Hà Nội đầy cảm xúc và sâu lắng.

 

Với tôi, “Kiến Trúc Hà Nội” là một tác phẩm sống động, một kho báu nghệ thuật xứng đáng để nâng niu và truyền lại cho thế hệ sau. Tôi tin, mọi người sẽ thêm hiểu, thêm yêu, thêm biết ơn Thủ đô Hà Nội khi đọc cuốn sách này”.

 

Với nhiều độc giả, khám phá “Kiến trúc Hà Nội”, qua những nét đẹp của kiến trúc, họ cảm nhận được linh hồn Hà Nội dung dị, quyến rũ, đài các.

 

Sảnh lớn tầng hai - Khu vực xử án của Trụ sở Toà Án Nhân Dân Tối Cao.

 

 

Dự án “Kiến trúc Hà Nội” chính là bước đi tiếp nối cho hành trình bảo tồn di sản kiến trúc mà ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA khởi xướng sau khi tái bản thành công cuốn “Sài Gòn 1968 - 1998, ba thế kỷ phát triển và xây dựng” năm 2015.

 

Chi tiết hoa văn trang trí hình chữ “vạn” của Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Chính thức khởi động vào năm 2022, cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội” không chỉ là kết quả của hai năm làm việc chăm chỉ, mà còn là trái ngọt của một đội ngũ đầy nhiệt huyết, gồm cả những chuyên gia lão luyện và những tài năng trẻ tuổi. Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư Trần Quốc Bảo đã dùng ngòi bút sắc sảo để chắp cánh cho nội dung, trong khi nhiếp ảnh gia Lê Hoàng mang đến một bộ sưu tập hình ảnh lay động lòng người. Nét vẽ điệu nghệ của Chủ nhiệm mỹ thuật Lê Quốc Huy cùng minh họa của Cao Xuân Đức khiến người xem không thể rời mắt. Chủ nhiệm dự án Trần Hải Anh – tác giả cuốn truyện tranh nổi tiếng “Sống” (NXB Kim Đồng, 2023), đã thổi làn gió sáng tạo hiện đại vào từng chi tiết.

 

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội” do NXB Thế giới in ấn và Phanbook phát hành với định dạng bìa cứng, thiết kế ấn tượng, dày 364 trang, song ngữ Việt – Pháp, kèm theo ấn phẩm là một video ngắn về quá trình thực hiện, nghiên cứu ấn tượng.

 

Một số bức tranh trong cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội". 

 

“Hà Nội là một thủ đô văn hóa, nơi mà mỗi công trình di sản không chỉ là dấu ấn của lịch sử, mà còn là hồn cốt của thành phố. Những viên gạch, mái vòm ấy đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi chúng ta, và trách nhiệm của thế hệ hôm nay là gìn giữ và lan tỏa tình yêu ấy đến các thế hệ mai sau. Chúng tôi rất tự hào được đồng hành trong dự án ý nghĩa này, để lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của Hà Nội tới mọi tầng lớp, đặc biệt là các bạn trẻ – những người sẽ tiếp nối sứ mệnh bảo tồn di sản và văn hóa của Thủ đô”, ông Trần Khanh, Thành viên Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Sun Group chia sẻ niềm tự hào khi là nhà tài trợ chính của cuốn sách.

 

Khu điện thờ Nhà thờ Lớn Hà Nội và gác đàn phía trên lối vào chính Nhà thờ Lớn Hà Nội.

 

“Kiến trúc Hà Nội” không chỉ là dự án của đội ngũ chuyên gia, mà còn là cuộc hành trình của một thế hệ trẻ mang trong mình trách nhiệm kết nối quá khứ và tương lai. Với sự kết hợp giữa kinh nghiệm của những người đi trước và sự sáng tạo của lớp trẻ, nhóm thực hiện đã thổi hồn vào cuốn sách, biến nó thành một tác phẩm vừa giàu cảm xúc, vừa mang giá trị khoa học sâu sắc.

 

Chị Trần Hải Anh, chủ nhiệm dự án bày tỏ: “Khi bắt đầu dự án, tôi không ngờ rằng kiến trúc Hà Nội lại có thể đẹp đến thế. Nhưng qua từng câu chuyện với kiến trúc sư Trần Quốc Bảo và những khoảnh khắc đồng hành cùng nhiếp ảnh gia Lê Hoàng, tôi nhận ra rằng, ẩn sau mỗi mái ngói, mỗi khung cửa là một câu chuyện riêng, là nhịp thở của Hà Nội qua từng giai đoạn lịch sử”.

 

Mặt chính Nhà thờ Cửa Bắc hướng nhìn từ phố Nguyễn Biểu.

 

Chị Hải Anh kể rằng, quá trình làm việc với nhóm đã mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới về kiến trúc Hà Nội, nơi sự tinh tế của phương Tây hòa quyện với nét bản địa Việt Nam qua từng chi tiết. “Quyển sách này không chỉ giúp tôi hiểu hơn về Hà Nội, mà còn làm tôi gắn bó hơn với quê hương, đất nước Việt Nam”, chị chia sẻ.

 

Cuốn sách là một nỗ lực lớn lao, kết quả của sự hợp tác giữa những chuyên gia kiến trúc dày dạn kinh nghiệm và một đội ngũ trẻ tuổi đầy sáng tạo. Tất cả đều hướng tới mục tiêu làm mới cách nhìn về kiến trúc Hà Nội và truyền tải một tinh thần sống động qua từng trang sách. Chị Hải Anh cũng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ trẻ trong dự án: “Dù đây là lần đầu tiên thực hiện một dự án quy mô như vậy, chúng tôi luôn duy trì được tầm nhìn sáng rõ và tiêu chuẩn nhất quán trong suốt hành trình. Chúng tôi hy vọng độc giả sẽ cảm nhận được điều đó khi cầm quyển sách trên tay”.

 

Cửa vào sảnh chính của Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Cuốn sách không chỉ là lời tri ân với quá khứ, mà còn là nguồn cảm hứng cho những giấc mơ về tương lai. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA: “Di sản không phải để chiêm ngưỡng, mà để thấu hiểu, gìn giữ và phát huy. Đó là cách chúng ta kết nối với lịch sử và xây dựng một tương lai bền vững.

 

Mục tiêu lớn nhất của cuốn sách là lan tỏa tình yêu Hà Nội, nâng cao nhận thức của mọi người về giữ gìn những di sản văn hóa kiến trúc của thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ chính là thế hệ tương lai, những người đã, đang và sẽ giữ vai trò tiếp nối gìn giữ và phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau”, ông Nguyễn Quốc Khanh bày tỏ và nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn góp phần công sức nhỏ vào sứ mệnh bảo toàn di sản văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức giáo dục lịch sử”.

 

Lối vào chính của thư viện trường THPT Chu Văn An.

 

Với sự chăm chút từ nội dung đến hình thức, cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội” chính là lời nhắn gửi của những người yêu Hà Nội: Di sản không chỉ là ký ức của ngày hôm qua, mà là hành trang của ngày mai.

 

“Kiến trúc Hà Nội” không chỉ là một cuốn sách, mà là một lời nhắc nhở rằng di sản không chỉ thuộc về quá khứ, mà còn là tài sản quý giá để hướng tới tương lai. Đó là nơi lịch sử và nghệ thuật giao hòa, là một chiếc cầu nối giúp chúng ta yêu hơn mảnh đất mình đang sống, và tự hào hơn về nền văn hóa mình đang thừa hưởng.

 

Hệ thống hoa văn chữ Hán cách điệu được chạm nổi dọc theo hai bên mặt đứng của Ngân Hàng Nhà Nước.

 

Với tất cả những gì “Kiến trúc Hà Nội” mang lại, chắc chắn rằng bất cứ ai khi cầm cuốn sách trên tay đều sẽ cảm thấy trái tim mình rung lên một nhịp yêu thương dành cho Hà Nội – một Hà Nội đã, đang và sẽ luôn đẹp như một bản tình ca được kể bằng ngôn ngữ kiến trúc dung dị, quyến rũ, đài các, mê động lòng người.

 

Tranh vẽ trụ sở Bộ Ngoại giao trong cuốn sách "Kiến trúc Hà Nội". (Ảnh chụp từ sách)

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 09/12/2024 11:16