Thưa Đại sứ, người cán bộ ngoại giao trẻ Phạm Quang Vinh thời điểm trước Đổi mới cảm nhận, đánh giá thế nào về bối cảnh chung và hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của đất nước?

 

Có lẽ, tôi thuộc lứa sinh viên đặc biệt, bởi năm 1975 thống nhất đất nước cũng là lúc tôi bắt đầu vào đại học. Được lựa chọn vào Đại học Ngoại giao, tôi được tiếp cận những vấn đề của chủ trương nhà nước về đối ngoại, quan hệ quốc tế.

 

Bấy giờ, những giáo trình và cách tiếp cận của Việt Nam với thế giới còn bó hẹp trong khung cảnh mới có hòa bình, thế giới phân chia thành 2 hệ thống, Việt Nam bị bao vây cấm vận. Trong nước, chúng ta vừa ra khỏi chiến tranh, nền kinh tế tập trung, bao cấp nên rất khó khăn, nhưng chúng ta đã bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế.

 

Sau khi kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại, đã có một loạt chuyến thăm, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, ngoài các bạn bè truyền thống trong khối XHCN lúc bấy giờ.

 

 

Thời điểm bắt đầu Đổi mới, lúc ấy tôi còn trẻ, Internet chưa có, báo chí cũng chưa nhiều, nên suy nghĩ chung của những cán bộ trẻ là mình làm ngành nào thì quan tâm, muốn phục vụ tốt nhất cho ngành đó.

 

Có lẽ đọng lại trong mọi người dân, trong đó có lớp trẻ như tôi vào thời điểm đó, là những bài báo “Nói và làm”, “Những việc cần làm ngay” với những câu chuyện dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói rõ sự thật, dám làm ngay để sửa chữa những cái không đúng, xây dựng những cái mới tốt đẹp hơn.

 

Đổi mới đánh dấu bằng Đại hội VI, nhưng nếu nói về đối ngoại, dấu ấn thực sự là Đại hội VII. Đại hội VI là đổi mới trong nước, Đại hội VII thêm một chi tiết rất hay, đó là “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đây là dấu ấn rất lớn, nhưng nếu không có Đổi mới của Đại hội VI, thì không thể có “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”.

 

Trong quãng thời gian dài trước đó, thế giới chia 2 hệ thống, chúng ta tập trung nhiều vào quan hệ với Liên Xô - trụ cột XHCN và các nước trực tiếp liên quan, sát sườn như Lào, Campuchia, thì đến Đại hội VII, bạn bè truyền thống vẫn duy trì, củng cố, song chúng ta cũng vượt qua vấn đề “bạn - thù” để “muốn là bạn với tất cả”.

 

Nhìn lại dấu mốc Đổi mới (năm 1986), đó là một sự bứt phá về tư duy, dám nhìn thẳng vào sự thật để đề ra một chiến lược vừa đổi mới, vừa phát triển kinh tế cho đất nước, đồng thời là nền tảng, cơ sở cho quan hệ quốc tế, chuyển sang giai đoạn Việt Nam là bạn với các nước.

 

Đổi mới 1986 quan trọng ở chỗ, nó đặt tiền đề cho đổi mới trong nước, cung cách quản lý đất nước, đặc biệt là về kinh tế, rồi đưa quan hệ đối ngoại vượt qua thời kỳ của chiến tranh, hướng tới chủ trương là bạn.

 

Tổng Thư ký LHQ Boutros-Ghali thăm Việt Nam năm 1994.

 

Đại hội lần thứ VI của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đối ngoại là “... tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “cần hòa bình để phát triển kinh tế”. Đó có phải là sự đổi mới trong tư duy đối ngoại, hội nhập hay không, thưa ông?

 

Chắc chắn là đổi mới về cả tư duy đối nội và đối ngoại. Đối nội, tôi đã phân tích ở trên, còn về đối ngoại, chúng ta hướng tới là bạn với các nước, vượt qua ranh giới ý thức hệ để mở rộng quan hệ với các nước.

 

Khi nói đến nền kinh tế mở, tức là chúng ta tham gia phân công lao động quốc tế, dù rằng giai đoạn 1986, việc tham gia hợp tác phân công lao động quốc tế đó chưa hẳn là rộng, vẫn dựa vào Liên Xô và khối XHCN, nhưng đã đặt ra nhiệm vụ “tranh thủ nhiều hơn nữa sự hợp tác và giúp đỡ của các nước anh em và nâng cao hiệu quả của kinh tế đối ngoại”, “tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài với mức cao nhất”... Đây chính là những nguyên tắc cơ sở cho việc ra đời Luật Đầu tư nước ngoài.

 

Chúng ta đã trải qua cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc nên hiểu rất rõ môi trường hòa bình là cái lợi rất lớn và cực kỳ quan trọng. Muốn có môi trường hòa bình, quan trọng nhất là tạo dựng được những mối quan hệ trên cơ sở những nguyên tắc của luật pháp quốc tế với các nước xung quanh và các nước lớn.

 

Đó là sự đột phá tư duy nhiều chiều, đột phá tư duy quản trị đất nước, phá bỏ bao cấp, hướng tới đổi mới đất nước, trước hết về kinh tế và đời sống tinh thần người dân. Thứ hai là tư duy đối ngoại, mở rộng quan hệ với các nước. Thứ ba là tư duy kết hợp nền kinh tế của mình với thế giới. Lúc đó, người ta chưa nói đến hội nhập, nhưng đã bắt đầu bàn đến hội nhập.

 

Thưa ông, nhiệm vụ “Đổi mới” đã được ngành ngoại giao cụ thể hóa trong hành động như thế nào vào thời điểm đó?

 

Câu hỏi này “lớn” quá, bởi khi đó, tôi mới là một cán bộ chập chững vào ngành 5 - 6 năm. Nhưng với ngành ngoại giao lúc bấy giờ, có mấy vấn đề đặt ra.

 

Một là, tiếp tục vận động quốc tế hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói, giảm nghèo. Bộ Ngoại giao đã vận động các trung tâm kinh tế lớn của thế giới, các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc như UNDP, UNFPA, UNICEF…

 

Hai là, xử lý vấn đề Campuchia. Câu chuyện này đặt Việt Nam vào thế bị bao vây cấm vận tứ phía. Chúng ta đã có những động thái tìm kiếm, thúc đẩy giải pháp hòa bình vấn đề Campuchia, tạo ra tiền đề cho Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia năm 1991.

 

Đại sứ Phạm Quang Vinh trình quốc thư lên Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barak Obama.

 

Có một kỷ niệm, đó là năm 1985, tôi nhận được học bổng đi học ở Australia cùng một số cán bộ. Phía Australia cung cấp phần tài trợ cho học bổng đó, nhưng không đứng tên mà thông qua UNDP. Điều đó nói lên là, dù họ vẫn cấm vận mình, nhưng đã “manh nha” những cơ hội cho cả hai bên cùng chuyển động, tiến tới bình thường hóa quan hệ, thúc đẩy hợp tác.

 

Ba là, câu chuyện đột phá với Đông Nam Á. Chúng ta đã triển khai một loạt hoạt động những năm 1975-1978, cùng với việc xử lý được vấn đề Campuchia, cuối cùng đã gỡ được gần như cùng lúc quan hệ với Đông Nam Á và cả với các trung tâm lớn gồm Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Đây là dấu mốc đột phá, bởi vậy mà người ta gọi bác Thạch (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - PV) là Bộ trưởng “phá vây”.

 

 

 

Là người từng đảm nhiệm vai trò Trưởng SOM ASEAN suốt nhiều năm (2007-2014), Đại sứ nhận định sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 có ý nghĩa như thế nào?

 

Trước đó, Đông Nam Á phân tuyến thành 2 cực, nghi kỵ và đối đầu nhau. Để có thể vượt khỏi tư duy đó, xây dựng một Đông Nam Á gắn kết, một ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển, vì lợi ích chung là sự nỗ lực lớn. Có được điều này không thể chỉ từ một phía là Việt Nam, mà phải là cả 2 phía, cả những nước thành viên ASEAN và những nước chưa phải thành viên ASEAN trong khu vực Đông Nam Á. Đã có những tín hiệu được “bắn đi”, lời mời được đưa ra.

 

Đã có nhiều nhận định, đánh giá rằng, Việt Nam vào ASEAN là quyết sách chiến lược và có 2 ý nghĩa lớn.

 

Thứ nhất, là tạo ra một khu vực Đông Nam Á cùng nhau hợp tác, vì hòa bình, phát triển khu vực này, trong đó ASEAN là tổ chức chung, chứ không phải tổ chức mà tạo ra bên này đối nghịch bên kia.

 

Đại sứ Phạm Quang Vinh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2011.

 

Thứ hai, cực kỳ quan trọng, là điểm khởi đầu con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam, vừa là thử nghiệm chính sách, vừa là học. Có lẽ, khi Việt Nam chấp nhận tham gia Chương trình Thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) và hội nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) là bước đầu tiên để “khớp” nền kinh tế của chúng ta với thế giới. Đây là tiền đề để sau đó, Việt Nam vừa đổi mới kinh tế trong nước vừa hội nhập với quốc tế sâu hơn, trong đó có việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

 

Có thể nói, gia nhập ASEAN, chúng ta nhận thức là phải làm nhiều thứ, trong đó có một thứ chỉ có Đổi mới mới đem chúng ta lại gần. Đổi mới là kết hợp giữa quản trị đất nước về mặt kinh tế của chúng ta theo mô hình nền chính trị, đồng thời có dựa vào quy luật của kinh tế thị trường. Nếu không có Đổi mới năm 1986, thì chúng ta khó có thể khớp nền kinh tế của mình với khu vực.

 

 

Việc gia nhập ASEAN và những bước đi hội nhập đó đã góp phần định hướng đường lối đối ngoại, hội nhập của Việt Nam như thế nào, thưa Đại sứ?

 

Trong ngoại giao chia ra 3 thời kỳ. Giai đoạn 1986-1995 là thời kỳ “phá vây”, phá thế bao vây cấm vận. Giai đoạn 1996-2010 là mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thúc đẩy hội nhập, trước hết là hội nhập kinh tế. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay là hội nhập sâu rộng, toàn diện, tham gia với vai trò là thành viên có trách nhiệm.

 

Đại hội IX năm 2001 có 2 nội dung rất quan trọng liên quan đến đối ngoại. Một là, lúc đó, lần đầu tiên chúng ta nói đến độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy. Điều này quan trọng lắm, đến giờ vẫn nhất quán, bây giờ chỉ bổ sung thêm nội hàm. Tư duy đa dạng hóa, đa phương hóa rất hợp với tình hình thế giới đa cực, đa trung tâm này.

 

Chúng ta triển khai một loạt hoạt động vào thời điểm đó. Lần đầu tiên, chúng ta ứng cử vào các “ban bệ” lãnh đạo của các tổ chức trong Liên hợp quốc, thế giới và khu vực như ECOSOC, UNDP, Ủy ban Nhân quyền, Hội đồng Thống đốc IAEA, tính toán tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

 

 

Tiếp đó, Đại hội XI tạo tiền đề để Việt Nam tham gia tích cực, chủ động trên tất cả các mặt quan hệ quốc tế, tức là hội nhập toàn diện. Là thành viên có trách nhiệm, tức là đóng góp trên cơ sở những thứ mình có khả năng đóng góp, qua đó tranh thủ cho môi trường hòa bình ổn định, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là thành viên có trách nhiệm, tức là khi những vấn đề xảy ra mà ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh luật pháp quốc tế nói chung, thì phải chủ động có đóng góp và tiếng nói có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

 

Đại hội XIII có nêu định hướng “hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, tức là phải nâng cao chất lượng tham gia ngoại giao đa phương, tham gia có trách nhiệm hơn, xây dựng chương trình nghị sự, hợp tác quốc tế, nhưng đồng thời tham gia xử lý vấn đề toàn cầu, khu vực có ảnh hưởng đến thế giới và Việt Nam. Cuối cùng, tham gia để đóng góp xây dựng luật chơi, điều này rất quan trọng, mà thông qua cơ chế đa phương thì rất có lợi. Chính những điều đó mới giữ được luật pháp quốc tế, giữ được Hiến chương Liên hợp quốc, chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa cường quyền…

 

 

Nhìn lại Việt Nam 35 năm sau Đổi mới, ông đánh giá vị thế đất nước ta đã được nâng tầm như thế nào?

 

Sau 35 năm, chúng ta cảm giác những thành tựu ngày nay mặc nhiên đến, nhưng nếu nhìn lại bối cảnh 35 năm trước, khi thế giới là 2 hệ thống, Việt Nam mới ra khỏi chiến tranh và còn ngổn ngang những khó khăn, phức tạp, mà dám bứt phá, đổi mới trong nước và hướng ra quốc tế thì đó là sự đột phá lớn.

 

Đổi mới đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh mới, nền tảng mới cả về chính trị, kinh tế, khung luật pháp, cả về cách nhìn, cách thực hiện đối với tự do, dân chủ của người dân. Tất cả những điều đó là tiền đề cho chúng ta tự tin là đủ năng lực để hội nhập không chỉ kinh tế, mà trên mọi mặt.

 

Những năm 1987-1990, khi tôi lần đầu “đi nhiệm kỳ” ở Liên hợp quốc, câu chuyện với các bạn ASEAN, tức “nửa Đông Nam Á bên kia”, là vấn đề Campuchia, là khác biệt quan điểm, lợi ích, chỉ trích nhau. Nó rất khác thời kỳ tôi làm SOM ASEAN, lúc đó là một Đông Nam Á quy tụ, là ngôi nhà chung của 10 nước.

 

Như vậy, từ cọ xát, nghi kỵ, đối đầu, ASEAN đã trở thành gia đình, cùng hướng tới xây dựng cộng đồng gắn kết trên 3 trụ cột.

 

 

Lấy ví dụ đó để nói, đất nước Việt Nam đã rất khác sau 35 năm Đổi mới.

Khác thứ nhất là một Việt Nam ổn định, phát triển và đang trên đà phát triển cao hơn. Đó là hội nhập với thế giới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế không chỉ theo chiều rộng, mà còn là chiều sâu, tham gia những phân khúc cao nhất, khó nhất, đó là các FTA thế hệ mới.

 

Dịch bệnh vừa qua làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cho thấy rằng, kinh tế Việt Nam đã trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng thế giới. Các công ty Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore… muốn cùng Chính phủ Việt Nam xử lý, kiểm soát tốt dịch bệnh không chỉ vì câu chuyện quan hệ hai nước, mà còn vì chính chuỗi cung ứng mà nền kinh tế Việt Nam gắn kết trong đó.

 

Khi làm Đại sứ tại Mỹ, tôi thấy rất rõ câu chuyện, nếu trước đây, người ta biết đến Việt Nam như một cuộc chiến, thì ngày nay, người ta biết đến Việt Nam là một quốc gia đổi mới, hội nhập, là thành viên có trách nhiệm với quốc tế, là quốc gia có vị thế và vai trò cả ở khu vực và thế giới.

 

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt nếu soi chiếu vào Nghị quyết Đại hội XIII, Việt Nam có thể tham gia hội nhập toàn diện và sâu rộng hơn, có đầy đủ năng lực, cơ hội để phát huy hơn nữa vị thế, vai trò của mình, nhất là trong việc xử lý các vấn đề quan tâm chung của cả Việt Nam và thế giới, cũng như xây dựng chuẩn mực ứng xử để đảm bảo tốt nhất luật pháp quốc tế, lợi ích các quốc gia lớn nhỏ khác nhau.

 

 

Để phát huy vị thế, hội nhập sâu rộng hơn, phải chăng Việt Nam cần khởi xướng một cuộc “Đổi mới lần 2”, thưa ông?

 

Chúng ta đang đứng trước thách thức, mà thách thức lớn nhất là mục tiêu, khát vọng đến năm 2030 và 2045. Trong bối cảnh quốc tế khó khăn, chúng ta có đủ năng lực để hướng tới mục tiêu đó, nhưng muốn vậy phải phát triển cao hơn, hội nhập chất lượng hơn, bước đi phù hợp hơn.

 

Muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng, người dân có thu nhập cao, thì nền kinh tế phải dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất xám, khoa học công nghệ, năng lực quản lý. Bây giờ người ta nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, vậy chúng ta phải tranh thủ thế nào? Muốn tranh thủ được, thì trong nước phải đổi mới, tạo môi trường phù hợp nhất.

 

Người ta nói, sau khó khăn, khủng hoảng lớn như dịch bệnh thì thường “đói”, mà đói thì dễ “ăn non”. Chúng ta đã có chủ trương từ trước rồi, nhưng giờ phải làm tốt hơn, đó là vốn FDI phải chọn lọc, phù hợp tiêu chí phát triển từ nay đến năm 2030, 2045 ở chất lượng cao hơn, tranh thủ cái tốt nhất, bền vững nhất, phù hợp nhất với lợi ích quốc gia.

 

 

Hai là, không được quá lệ thuộc một chỗ, sẽ rất rủi ro cả về thiên tai, chính trị, kinh tế. Các nước bây giờ coi trọng đối tác, nhưng cũng phải đa dạng hóa thị trường, nguồn cung.

 

Ba là, phát triển công nghệ thời gian tới chắc chắn sẽ có những đột phá, nhưng kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt, yêu cầu các nhà quản lý phải tỉnh táo trong lựa chọn công nghệ xem cái nào phù hợp nhất.

 

Bốn là, có những vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống bây giờ trở nên cấp bách hơn nhiều. Mình đã hội nhập, dẫn dắt, thì cũng phải tham gia xử lý các thách thức đó. Mặt khác của câu chuyện này là, đi cùng với những thách thức là các lĩnh vực mới, đó là kinh tế xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh… Việt Nam đã có cam kết lớn về biến đổi khí hậu, chống phát thải tại COP26. Chúng ta không chỉ chờ người ta giúp mình giảm tỷ lệ phát thải, mà còn phải chuyển đổi nền kinh tế để tranh thủ “cơ hội” này.

 

Tổ chức mừng Quốc khánh Việt Nam năm 2017 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ

 

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi ngành ngoại giao và các nhà ngoại giao “dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”. Đó có thể hiểu là gợi mở cho một sự đổi mới…

 

Đổi mới hay đột phá về tư duy người làm đối ngoại chắc chắn có nhiều đòi hỏi, yêu cầu, nhưng cá nhân tôi muốn chia sẻ 3 điều.

 

Thứ nhất, tâm và thế của đất nước, cũng như tình hình thế giới đã thay đổi. Những người làm đối ngoại phải bắt kịp thay đổi đó. Chúng ta tham gia hội nhập quốc tế với tâm thế, vị thế Việt Nam mới trong bối cảnh quốc tế mới, bắt buộc người làm ngoại giao phải nâng tầm lên tương xứng với tầm của đất nước.

 

Thứ hai, Việt Nam hội nhập, thế giới hội nhập thì có sự phụ thuộc lẫn nhau, đan xen lợi ích. Đây là vấn đề rất khó, từ cái lớn là quan hệ quốc gia với quốc gia, tham gia tổ chức, hiệp định nào, cho đến cái nhỏ là trên từng vấn đề cụ thể. Bất cứ vấn đề nào của quốc tế hiện nay cũng đều có tính đan xen, liên quan đến nhiều chuyên ngành.

 

Thứ ba, trong cục diện quốc tế đang chuyển mình, có hai thứ cần chú ý là cách mạng công nghiệp 4.0 và mô hình quản lý. Người ta đang cải thiện các mô hình phát triển và trong các chuyển động đó, người làm đối ngoại phải làm tốt dự báo chiến lược.

 

 

Đại hội XIII nhắc đến vai trò tiên phong của đối ngoại. Trong bối cảnh hiện nay, tiên phong là phải chủ động trong 3 nhiệm vụ: chủ động phát hiện, chủ động dự báo và chủ động nắm bắt thời cơ phù hợp với chiến lược mới, tâm thế mới, thời cuộc mới của đất nước. Nguy cơ hiện nay không còn giống ngày xưa, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh nước lớn cũng là nguy cơ, nhưng trong những nguy cơ này phải phát hiện ra thời cơ.

 

Thời sinh viên, chúng tôi được học rằng, đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội, nhưng đối ngoại có thể khởi xướng những câu chuyện lớn cho đất nước. Đại hội XIII đã tạo tiền đề cho bước chuyển của đất nước, thì phải cụ thể hóa sự chuyển mình đó, đặc biệt là những khát vọng về phát triển và hội nhập hướng tới mốc 2030 và 2045.

 

 

Đại hội XIII có 2 ý lớn: Một là, khát vọng phát triển đất nước sẽ soi sáng, là mục tiêu cho tất cả hệ thống chính trị. Hai là, chủ trương hội nhập toàn diện và sâu rộng. Có lẽ, ngành ngoại giao cần định ra chiến lược đối ngoại tương ứng với mốc 2030 và 2045, bắt kịp sự chuyển mình của đất nước trong giai đoạn mới.

 

Để “vượt ra khỏi khuôn khổ tư duy cũ” và “đạt tới tầm khu vực và quốc tế” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không chỉ là đối ngoại, mà những quyết sách chiến lược của quốc gia phải đúng tầm vị thế quốc gia, ngang tầm quốc tế. Chính sách đối ngoại quốc gia và người làm đối ngoại cũng phải đặt mình ở đó.

 

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (năm 2021) cụ thể hóa những quyết sách chiến lược của quốc gia về đường lối đối ngoài mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 01/02/2022 08:00