Ngay từ lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2001, lúc còn là sinh viên, ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã bị ấn tượng mạnh với vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt, cùng nền ẩm thực chiều lòng người, và đặc biệt là yêu con gái Việt Nam, rồi lấy vợ người Việt. Đó cũng là cơ duyên năm 2008, ông rời vị trí Giám đốc tại Ngân hàng ABN Amro (Hà Lan), cùng gia đình chuyển về Việt Nam sinh sống và đảm trách cương vị Giám đốc De Heus - doanh nghiệp chuyên về thức ăn chăn nuôi.
Hơn 15 năm liền gắn bó với quê vợ, ông Gabor Fluit hiểu và nói tiếng Việt chẳng khác gì tiếng mẹ đẻ. Ông hiểu rõ con người và văn hóa Việt Nam, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Với ông, Việt Nam là quốc gia đáng đến và đáng sống, mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp châu Âu nói riêng, doanh nghiệp nước ngoài nói chung.
Ông Gabor Fluit từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, làm việc tại ABN Amro Bank (Hà Lan) từ năm 2005 đến 2008. Giữa năm 2008, ông chuyển hướng sự nghiệp từ tài chính sang kinh doanh nông nghiệp, khi trở thành Giám đốc De Heus tại Việt Nam, một tập đoàn chuyên về thức ăn chăn nuôi.
Từ tháng 11/2015, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc De Heus châu Á và giữ cương vị này cho đến nay. Hoạt động kinh doanh của De Heus châu Á đang trải rộng và phát triển với các địa điểm sản xuất tại Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Campuchia và Ấn Độ.
Ông Gabor đồng thời là Phó chủ tịch EuroCham Việt Nam giai đoạn tháng 3/2021 - 3/2023. Từ tháng 10/2023 đến nay, ông đảm trách vị trí Chủ tịch EuroCham Việt Nam, với hơn 1.300 thành viên, sử dụng khoảng 150.000 người lao động trên khắp Việt Nam
Được biết vợ ông là người Việt Nam. Đó có phải cơ duyên để ông quyết định đến Việt Nam sinh sống và làm việc?
Năm 2001, khi còn là sinh viên, tôi lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch. Tôi đã gặp một cô gái Việt và người ấy trở thành vợ của tôi sau này. Ban đầu, vợ chồng tôi sinh sống tại Hà Lan. Khi đó, tôi đang làm Giám đốc một số chi nhánh của Ngân hàng ABN Amro (Hà Lan).
Năm 2008, khi De Heus biết tôi có thể nói tiếng Việt, thường xuyên về Việt Nam và có vợ người Việt, họ đã ngỏ ý đề nghị tôi chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi. Khi ấy, với những hiểu biết của mình về Việt Nam, tôi tin tưởng ngành chăn nuôi, nông nghiệp và kinh tế của đất nước này chắc chắn sẽ phát triển rất tốt trong tương lai.
Tôi cũng muốn về Việt Nam cùng vợ, thực ra là tôi đã nghe theo lời vợ mình (cười lớn). Vì vậy, ngay cả khi chuyển sang làm việc ở một lĩnh vực khác, tôi cũng không ngần ngại đồng ý. Và thế là cuối năm 2008, gia đình tôi “khăn gói” về Việt Nam sinh sống. Tôi thấy lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam rất hấp dẫn, vì những người làm trong ngành này gần gũi, thật thà và quyết tâm cao.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, ông ấn tượng với Đất nước Việt Nam điều gì nhất?
Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi ấn tượng nhất về vẻ đẹp tự nhiên của của đất nước hình chữ S. Ở đây có rất nhiều điều khác biệt, cả biển và núi đều rất đẹp và hùng vĩ. Ở Việt Nam có rất nhiều điểm đến tôi yêu thích như: Đà Lạt, Sa Pa, Vịnh Hạ Long…
Tôi cũng mê đồ ăn Việt Nam. Những món đặc sản của các vùng miền, tỉnh, thành, tôi đều sẽ thưởng thức khi có dịp đến đó. Ở Hà Nội, tôi thích bún chả nhất. Nói về kỷ niệm ẩm thực, lần đầu tiên thưởng thức món trứng vịt lộn, tôi đã khá sợ, nhưng cảm thấy cũng ngon. Khi tôi khen, người dân địa phương đã hồ hởi mời tôi thêm 2 quả nữa. Lần đầu mà ăn tới 3 quả trứng vịt lộn khiến tôi không thể nào quên.
Thật sự đồ ăn ở Việt Nam ngon hơn nhiều so với ở Hà Lan và khó chế biến. Từ ngày sống ở Việt Nam, tôi thích ăn món Việt hơn. Thậm chí như mắm tôm, lúc đầu khó ăn vì có mùi rất đậm, nhưng ăn rồi thì thấy rất ngon.
Và đặc biệt, tôi yêu con gái Việt Nam. Như bạn biết, tôi đã lấy vợ người Việt.
Những nét văn hóa nào của Việt Nam khiến ông ấn tượng, đặc biệt là văn hóa gia đình của người Việt?
Việt Nam là một trong những quốc gia mà vai trò gia đình rất quan trọng với mỗi người dân. Điều này cũng rất giống với Hà Lan, với chúng tôi, gia đình cũng rất gắn kết. Anh, em, cô, chú, bác thường tụ họp trong những dịp tổ chức sinh nhật, những lễ kỷ niệm, Tết để cùng ăn uống, trò chuyện, quan tâm nhau.
Khi đến Việt Nam, tôi thấy sự gần gũi trong gia đình. Và thậm chí trong công ty, tôi thích một môi trường làm việc vừa chuyên nghiệp, nhưng cũng phải có sự gần gũi thì hiệu quả sẽ cao hơn. Đó cũng là điều khiến tôi rất ấn tượng với môi trường làm việc ở đây.
Người ta thường nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, bằng cách nào ông học được tiếng Việt và sử dụng nó không khác gì tiếng mẹ đẻ như hiện tại?
Mỗi ngày đi làm về, vợ tôi học được gì từ tiếng Hà Lan thì dạy lại cho tôi từ đó bằng tiếng Việt. Ở Việt Nam mười mấy năm trước, rất ít người biết tiếng Anh nên tôi ráng học. Cứ như vậy, dần dần tôi nói được tiếng Việt.
Tết Nguyên đán luôn là dịp đặc biệt nhất trong năm với người Việt Nam, lần đầu tiên ăn Tết cổ truyền ở quê vợ, ông có cảm giác như thế nào?
Tôi còn nhớ, đầu năm 2009 (cuối năm 2008 âm lịch), lần đầu tiên tôi biết tổ chức tiệc Tất niên là gì. Lúc đó, De Heus Việt Nam còn nhỏ bé, chúng tôi tổ chức một số buổi tiệc để có cơ hội tri ân các nhà cung cấp, khách hàng, đối tác thân thiết cũng như cảm ơn các nhân viên. Trước đó, vào tháng 11/2008, De Heus mua lại một số nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa, nhiều nhân viên chưa quen với môi trường làm việc mới. Chính vì vậy, chúng tôi đã quyết định tổ chức tiệc Tất niên trong nội bộ khá lớn.
Tôi cảm nhận, không khí Tết Nguyên đán của người Việt kéo dài suốt từ giữa tháng 12 âm lịch đến giữa tháng Giêng. Lần đầu tiên trong đời, tôi ăn tết kéo dài cả tháng trời. Bởi ngay sau những buổi tiệc ở công ty, tiệc gặp mặt đối tác, ngày 27 - 28 âm lịch, chúng tôi lên đường về quê vợ để đón cái Tết Nguyên đán đầu tiên ở Việt Nam.
Lần đầu tôi ra mắt họ hàng hai bên nội ngoại ở quê vợ, ai cũng trầm trồ, tò mò khi thấy một chàng rể Tây cao quá trời đất (2,12 m) và nói tiếng Việt trơn tru. Đặc biệt lại là giọng miền Trung, chứ không phải giọng Hà Nội hay Sài Gòn như nhiều ông Tây khác. Cái này là tôi học vợ, cô ấy quê gốc ở Phú Yên mà.
Điều gì làm ông thấy ấn tượng nhất khi ăn Tết ở Việt Nam?
Ấn tượng nhất về Tết Nguyên đán, đó là người Việt chuẩn bị rất kỹ cho dịp này.
Nhà cửa phải dọn dẹp sạch sẽ, trang trí thật nhiều hoa đẹp và mua sắm rất nhiều thứ, từ quần áo tới bánh kẹo, thực phẩm, làm nhiều loại bánh… Và tôi thấy ngạc nhiên là ai cũng rất vui để làm những công việc đó. Mọi người vừa sắp xếp nhà cửa gọn gàng, vừa trò chuyện cùng nhau rất vui vẻ.
Vợ tôi bảo, Tết cổ truyền của người Việt rất quan trọng, mọi người đi làm xa đều muốn trở về gia đình để sum họp. Tất cả phiền muộn, lo lắng giận hờn đều gác lại. Cả năm ai cũng bận rộn rồi, bây giờ có thời gian dành cho nhau, ngồi ăn chung, cùng nhau đi thăm từng nhà, chúc nhiều điều tốt đẹp...
Vào mỗi dịp Tết, mẹ vợ tôi thường làm các món bánh tét, bánh xèo, thịt kho tàu và rất nhiều món ăn độc đáo của miền biển. Đặc biệt, mẹ vợ làm thịt kho tàu rất ngon. Bà thường kho một nồi lớn, mấy ngày Tết hễ ai đói bụng thì cứ lấy ăn.
15 năm ăn Tết Việt, tôi thấy không khí Tết Nguyên đán ở Việt Nam rất vui. Đó cũng là cơ hội để tôi có thời gian tiếp xúc khách hàng, gần gũi nhân viên công ty, sum họp gia đình, bao gồm cả gia đình nhỏ lẫn gia đình lớn họ hàng.
Sống ở Việt Nam, ông đã nhập gia tuỳ tục như thế nào?
Tôi theo đạo Tin lành, nhưng vì quá bận rộn nên ít có thời gian đi nhà thờ, còn gia đình vợ thì theo đạo Phật. Nhưng từ khi quen nhau, chúng tôi đã thống nhất không ai phải theo ai. Sống tốt với nhau, đó là điều quan trọng nhất, vì đạo nào cũng dạy con người sống tốt, tôn trọng với mọi người trong gia đình, anh em họ hàng...
Sau nhiều năm làm rể ở Việt Nam, tôi cũng làm quen với việc thắp hương, cầu nguyện như người theo đạo Phật. Dịp Tết Nguyên đán, tôi cùng gia đình vợ đi lễ chùa. Còn vợ tôi, vào những dịp lễ đặc biệt bên đạo Tin lành, cô ấy vẫn luôn đi cùng tôi. Hay với con cái, tôi cũng dạy theo cách của mình.
Bây giờ người trẻ xài điện thoại quá nhiều, dù trò chuyện cùng nhau, song có người vẫn cúi mặt vào điện thoại. Tôi không thấy vui, vì thế, nhiều lúc ngồi cùng gia đình, tôi thường đề xuất bỏ điện thoại sang một bên, dành thời gian trò chuyện cùng nhau.
Ở góc độ một doanh nghiệp có bề dày trăm năm tại Hà Lan và là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, thông qua các hoạt động thực tiễn cũng như các nghiên cứu, đề xuất về chính sách lâu nay, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam?
Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Các sản phẩm Việt Nam tự sản xuất được vô cùng phong phú, từ gạo, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây…, thậm chí có dư bán cho nhiều quốc gia khác.
Mặc dù khoảng vài thập niên gần đây, các lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển mạnh, các ngành dịch vụ, du lịch, ngân hàng, tài chính cũng phát triển nhanh, nhưng cái gốc của nền kinh tế Việt Nam vẫn là nông nghiệp. Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này rất lớn. Đặc biệt, khi thế giới xảy ra nhiều biến động, những quốc gia tự sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm như Việt Nam đã cho thấy lợi thế về an ninh lương thực, an ninh thực phẩm.
Nhìn vào con số giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2023 là hơn 53 tỷ USD - một con số khá lớn. Nhưng tôi cho rằng, nếu Việt Nam đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng được giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất thô, tăng chế biến sâu thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi. Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị 100 tỷ USD.
Một đất nước nhỏ bé như Hà Lan, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt 120 tỷ USD, thì trong tương lai, với tiềm năng xuất khẩu nông sản dồi dào, con số 100 tỷ USD Việt Nam có thể đạt trong tầm tay.
Tôi nghĩ rằng, trong dài hạn Việt Nam sẽ thành công. Đương nhiên là ngắn hạn thì với tình hình thị trường thế giới có rất nhiều khó khăn, cũng khó dự đoán được là năm 2024 sẽ như thế nào. Vì liên quan đến xung đột Nga -Ukraine, xung đột Israel - Hamas… thì khó mà đánh giá được. Dĩ nhiên, Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, phát triển các thương hiệu, các chuỗi liên kết trong các lĩnh vực và lấy được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, với Hoa Kỳ, với ASEAN… Khi lấy được những cơ hội đó, thìmặc dù tình hình thị trường thế giới khó lường, khả năng xuất khẩu nông sản vẫn có nhiều triển vọng và nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.
Các doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn cũng đã nhìn thấy tiềm năng đó, nên nhiều thành viên của EuroCham đã tìm đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Qua hoạt động thực tiễn tại Việt Nam và các nước châu Á, ông nhận thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển như thế nào trong hơn 15 năm qua?
Tôi đến Việt Nam cuối năm 2008, đến bây giờ đã hơn 15 năm rồi. Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam là một trong những thị trường tiến triển và phát triển nhanh nhất so với các quốc gia khác mà chúng tôi đã đầu tư trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, Việt Nam là một đất nước 100 triệu dân, nền tảng của lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng, giống như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói trong nhiều hội nghị gần đây, nông nghiệp chính là “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Từ hơn 15 năm trước đến giờ, tôi nhìn thấy sự quyết tâm của ngành chăn nuôi ở Việt Nam, đã có rất nhiều người tham gia ngành này và họ cũng đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Họ đã tìm hiểu và cải thiện được hoạt động của doanh nghiệp.
Cách đây 15 năm, một trại nuôi gà công nghiệp ở Việt Nam so với một trại nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan, thì ở Việt Nam có thể chi phí cao hơn tới 30 % đến 40 %, nhưng đến nay, Việt Nam không thua Thái Lan nữa. Và trước đây, Thái Lan là thị trường gà mạnh nhất. Đây là bằng chứng cho thấy, ngành chăn nuôi ở Việt Nam đã cải thiện rất nhanh.
Đối với nuôi heo, năng suất của một trại được tính theo số lượng heo con trên một con heo nái. Cách đây 15 năm ở Việt Nam một trại chỉ khoảng 15 - 16 con/năm. Đến bây giờ thì những trại công nghệ cao năng suất có thể đạt trên 30 con /năm.
Trong lộ trình 15 năm qua, Việt Nam gần như tiến sát với những nước tốt nhất trên thế giới rồi. So với châu Âu trước đây, so với Nhật Bản, so với Mỹ, Việt Nam đã đi nhanh, rất nhanh. Cho nên, tôi đánh giá tiềm năng phát triển của Việt Nam rất cao.
Ông vừa đưa ra một vài con số rất thú vị để hình dung tiềm năng và sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây chỉ chiếm chưa tới 1% (0,97%), trong khi trung bình thế giới là 3%. Ông đánh giá như thế nào về con số này? Và vì sao các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa rót nhiều vốn cho ngành nông nghiệp Việt Nam?
Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, như doanh nghiệp châu Âu, họ thường chuyên về một phân khúc của lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ De Heus chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi và De Heus luôn khẳng định là không muốn cạnh tranh với người chăn nuôi. Chính vì vậy, De Heus không muốn tham gia làm từ đầu đến cuối mà muốn làm tốt một phân khúc của chuỗi liên kết. Đa số các doanh nghiệp lớn, họ chuyên về giống hoặc chế biến hoặc chuyên cung cấp một phần của chuỗi giá trị. Đó là một trong những nguyên nhân nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào chăn nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung còn ít.
Nguyên nhân thứ hai là về Luật đất đai. Ở Việt Nam, một doanh nghiệp nước ngoài khi mà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp rất là ưu đãi. Việt Nam rất thành công trong việc thu hút đầu tư vào các khu vực công nghiệp. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, bắt đầu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, rồi 10 năm gần đây phát triển rất mạnh ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Nhưng khi Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khó hơn rất nhiều. Bởi vì một số lĩnh vực đầu tư trong nông nghiệp cần đất rất rộng, nhưng một đất nước 100 triệu dân thì nhiều khu vực đất không còn hoặc đất rất mắc tiền.
Mặt khác, với bất cứ quốc gia nào cũng vậy, sự phát triển nông thôn cần ưu tiên sự đóng góp của người dân địa phương, cho nên, theo tôi, các doanh nghiệp nước ngoài nên tham gia ở một số phân khúc của chuỗi giá trị chứ không nhất thiết phải trực tiếp làm việc từ A đến Z, làm thay việc của người nông dân. Phát triển nông nghiệp, nông thôn cần để cho người nông dân tham gia sâu vào chuỗi giá trị sẽ hợp lý nhất.
Được biết, năm 2024 là kỷ niệm tròn 10 năm thành lập chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn (DHN). Xin ông cho biết trọng tâm hợp tác của hai Tập đoàn chú trọng vào những vấn đề gì?
Hiện tại, DHN tập trung chính vào con giống, bởi trong chăn nuôi, chất lượng con giống rất quan trọng. Nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến những dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Vì thế, chúng tôi đang đầu tư xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo sự ổn định của nguồn con giống và chúng tôi đã chọn những vị trí rất phù hợp. Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chính là người hiểu rất rõ vị trí nào có thể đầu tư để phù hợp cho sự phát triển lâu dài. Phía De Heus có vai trò đầu ra cho những con giống như gà con, heo nái… để cung cấp cho các trang trại lớn trong chuỗi cung ứng của chúng tôi. Những con giống đó là loại giống tốt nhất có thể và cho năng suất cao nhất có thể.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do. Rất nhiều công ty từ nhiều nước trên thế giới đang xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Nếu người chăn nuôi Việt Nam không có sản phẩm giá thành cạnh tranh thì chắc chắn về lâu dài, họ sẽ thua ngay chính trên sân nhà. Cho nên, muốn thắng thì bắt buộc các thành viên trong chuỗi giá trị của chúng tôi phải có con giống, phải có nguồn thức ăn tốt, có kỹ thuật tốt, có giải pháp về đầu ra. Đó chính là trọng tâm chính của liên doanh DHN.
Xin ông chia sẻ thêm về những dự định, những kế hoạch của De Heus, cũng như các dự án hợp tác với Tập đoàn Hùng Nhơn trong thời gian tới?
Tháng 3/2024, chúng tôi sẽ khánh thành nhà máy thức ăn tôm ở Vĩnh Long. Đây là nhà máy áp dụng công nghệ cao. Tháng 5/2024, De Heus sẽ phối hợp cùng đối tác là Tập đoàn Hùng Nhơn khánh thành khu nuôi gà giống công nghệ cao tại Tây Ninh, đồng thời khởi công đồng loạt một số dự án khác nhằm phục vụ chuỗi liên kết sản xuất gà trắng hướng tới xuất khẩu tại Tây Ninh.
Về chiến lược phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao năm 2024 và tầm nhìn đến năm 2030, Chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 37.500 heo giống cụ, kỵ, heo nái thương phẩm tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; 83 triệu con gà giống và gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Chúng tôi cũng đang khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.
Trong lĩnh vực nuôi heo, chúng tôi cũng đang phát triển mạnh vì hiện tại có rất nhiều công ty Việt Nam cũng muốn đầu tư vào chăn nuôi heo công nghệ cao, khi mà họ yên tâm về nguồn giống đầu vào.
Đối với lĩnh vực thủy sản, hiện tại, chúng tôi có rất nhiều đối tác quan trọng trong việc chế biến và xuất khẩu cá tra, tôm và một số đơn vị chuyên về nuôi cá biển. Nuôi cá biển cũng là thị trường rất tiềm năng cho Việt Nam nhờ có bờ biển rất dài và cơ hội phát triển rất tốt. Hiện nguồn cá biển tự do ngày càng ít đi và bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới vẫn tăng trưởng. Xu hướng đến năm 2030, dân số thế giới có thể đạt tới 8,5 tỷ người, mà trong đó gần như ai cũng thích ăn cá, nên cơ hội để phát triển lĩnh vực nuôi cá biển rất tiềm năng. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nhiều ở lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, De Heus cũng sẽ triển khai một số dự án chăn nuôi bền vững. Hiện nay, có nhiều trang trại tự do tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc xử lý môi trường. Luật đã có, nhưng các trại vừa và nhỏ vẫn chưa thể áp dụng triệt để trong việc xử lý phân, nước thải, mùi hôi… và rất nhiều trang trại như vậy đang trong diện buộc phải di dời. Do đó, từ nay tới năm 2025, De Heus sẽ triển khai mạnh mẽ hơn chương trình trợ giúp các trang trại tháo gỡ khó khăn.
Mục đích của De Heus là giúp đỡ những người chăn nuôi thực sự muốn tồn tại với nghề, chủ yếu là về vốn, kỹ thuật, công nghệ để họ có thể đi tiếp con đường đó.
Đối với sản phẩm xuất khẩu, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, do đó, các thành viên của chuỗi sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, các tiêu chí liên quan đến giảm phát thải nhằm hướng đến xây dựng kinh tế xanh… Việt Nam đang có chủ trương cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn vào năm 2025, do đó rất nhiều dự án của De Heus trong thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này.
Để chủ động hơn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm bớt nhập khẩu, De Heus cũng đang phối hợp với một số tỉnh Tây Nguyên xây dựng vùng nguyên liệu trồng thức ăn chăn nuôi, tăng năng suất trồng bắp để đáp ứng nhu cầu chế biến. Đây cũng là dự án trọng điểm của De Heus tại Việt Nam.
Qua thực tế hợp tác 10 năm vừa rồi với Tập đoàn Hùng Nhơn và sự hoạt động mạnh mẽ của De Heus, ông nhận thấy đâu là khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam?
Khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là chi phí ban đầu rất lớn và tìm người đồng hành. Chi phí và công sức xây dựng trang trại hiện đại công nghệ cao lớn, mất nhiều công sức. Nhưng khi có trang trại rồi lại chưa có người sử dụng được công nghệ mới đó. Cho nên thời gian đầu, hai doanh nghiệp phải tập trung rất nhiều cho công tác đào tạo nhân sự. Chúng tôi phải thuê, mời chuyên gia từ châu Âu về đây giảng dạy, cầm tay chỉ việc và cũng cử một số nhân viên của mình ra nước ngoài học tập. Rồi mời mọi người đi tham quan những trang trại lớn ở châu Âu để họ nhìn thấy hiệu quả khi áp dụng công nghệ cao.
Sau một thời gian, nhiều người bắt đầu áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi thì lúc đó mới dễ dàng hơn. Khó nhất là thuyết phục những người đầu tiên tham gia và chấp nhận khó khăn theo tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (Global Good Agricultural Practice), rồi đầu tư số tiền lớn ban đầu.
Lúc đầu, nhiều người không biết chắc chắn đầu tư thì có thu lại được vốn hay không? Họ cho rằng công nghệ cao ở Việt Nam còn xa vời lắm. Đầu tư lớn quá thì không biết hiệu quả không? Nhưng lúc đó Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đã trao đổi cùng với một số đối tác khác nữa và chúng tôi đánh giá chắc chắn Việt Nam phải bước vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Như ông nói, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng không thể đảo ngược. Vậy ông đánh giá thế nào về những điểm mạnh và đâu là những hạn chế của người nông dân Việt Nam trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp?
Khi so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ - những nước De Heus đang hoạt động ở châu Á, thì điểm mạnh của Việt Nam là người chăn nuôi, nhà đầu tư ở đây rất nhanh nhìn thấy cơ hội và cũng rất chủ động khi nhu cầu của thị trường thay đổi. Nếu có những công nghệ mới, những cách làm mới khi đã có người đi trước làm thành công thì họ làm theo rất nhanh.
Nhưng điều này có lúc cũng lại là điểm yếu. Đơn cử, chưa năm nào giá sầu riêng cao như năm nay, tôi sợ là 1 đến 2 năm sau, rất nhiều người sẽ chuyển đổi từ những sản phẩm khác để trồng sầu riêng. Đến lúc nguồn cung thừa, bắt đầu giá rớt xuống, họ lại bỏ để trồng một lại cây khác. Đi nhanh đôi khi là điểm mạnh nhưng có lúc lại là điểm yếu. Cho nên, tôi nghĩ là phải cố gắng phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết thì mới ổn định và bền vững.
Câu chuyện chạy theo xu hướng đám đông, chạy theo giá sản phẩm quả là phổ biến ở người nông dân Việt Nam, trong khi đầu tư theo chuỗi liên kết rất cần tư duy dài hạn, uy tín và cam kết. Vậy ở góc độ là doanh nghiệp, ông có lời khuyên nào cho họ để phát triển bền vững và xuất khẩu dược sản phẩm sang những thị trường khó tính?
Tôi nghĩ rằng, đa số những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam thành công là những doanh nghiệp cam kết và giải quyết được đầu ra cho người nông dân. Ví dụ tiêu và cà phê là hai sản phẩm Việt Nam chiếm thị phần lớn. Cà phê thì nhiều năm qua giá lúc lên lúc xuống nhưng một số doanh nghiệp đã tập trung sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao. Lúa gạo cũng vậy, trước đây Việt Nam chủ yếu bán gạo giá rẻ nhưng mấy năm gần đây, cũng có rất nhiều doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu lúa gạo của Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp đang đi đúng hướng. Nên tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo giá trị cao cho sản phẩm hơn là tập trung giá rẻ. Tại vì nếu mà cứ canh trừng giá cả thì khó mà đáp ứng được các tiêu chuẩn và chất lượng cao của những thị trường khó tính.
Phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tuy nhiên, để doanh nghiệp cũng như nông dân hiểu tầmquan trọng và thay đổi theo định hướng này lại không dễ và còn nhiều trở ngại, thưa ông?
Phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp xanh không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia khác cũng gặp những khó khăn, trở ngại. Nhưng nếu muốn đi xa hơn, sản xuất bền vững hơn thì bắt buộc phải thay đổi theo hướng đi này.
Đơn cử, muốn xuất khẩu cá tra, tôm vào châu Âu thì doanh nghiệp phải chứng minh được nhà máy đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Sự thay đổi lớn nhất là nhiều sản phẩm nông sản, thuỷ sản của Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, được nhiều thị trường khó tính lựa chọn thì tôi tin người nông dân sẽ sớm quen với việc đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao hơn của thị trường.
Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đến 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD… Đặc biệt, ngành nông nghiệp tập trung vào định hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và huy động nguồn lực bên ngoài phát huy uy tín, nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam.
Hiện EuroCham đã cùng một số doanh nghiệp thành viên tại các tỉnh tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị những vấn đề cần đáp ứng để thích ứng với những đạo luật mới liên quan đến sản xuất xanh, chính sách với người lao động tại châu Âu… Thực hiện sớm, thay đổi sớm thì người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin xuất khẩu đi bất kỳ nước nào, cũng như đáp ứng nhu cầu cho những khách hàng cao cấp hơn ngay ở thị trường trong nước.
De Heus cũng có một chính sách nội bộ, đó là định hướng đến năm 2025 - 2030 sẽ giúp các thành viên trong chuỗi liên kết và các nhà cung cấp trong nước xây dựng được lộ trình thực hiện sản xuất xanh. Không có doanh nghiệp nào đi từ 1 đến 100 chỉ trong ngày một ngày hai mà chúng ta phải có lộ trình, có định hướng, tầm nhìn từ 3-5 năm, tối thiểu đảm bảo được một số tiêu chuẩn nội bộ.
Cụ thể, De Heus đang triển khai dự án điện mặt trời áp mái trong toàn bộ hệ thống nhà máy, trang trại của De Heus cũng như các doanh nghiệp liên kết. Trước đây sử dụng xe nâng bằng dầu thì nay chuyển sang xe điện. Chúng ta đi từng chút, từng chút, dần dần sẽ thu được kết quả.
Thực tế có nhiều khâu trong sản xuất mọi người cho rằng tốn chi phí, nhưng nếu chúng ta đầu tư đồng bộ, ban đầu thực sự có thể tiêu tốn số tiền lớn nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài, không chỉ tiết kiệm được nước, điện, mà còn giảm rác thải ra môi trường. Nhiều người nghĩ rằng việc đầu tư này chưa cần thiết, còn bao nhiêu chuyện khác quan trọng hơn, nhưng đây là xu hướng chung của thế giới, ai không theo thì sớm muộn cũng bị tụt lại.
Đối với nông dân, do nguồn lực còn hạn chế nên để bà con tự bỏ tiền ra xanh hoá quá trình sản xuất của mình thì rất khó. Cho nên, tôi cho rằng, phía các ngân hàng Việt Nam cần có hỗ trợ nông dân cụ thể hơn. Chẳng hạn, Việt Nam đang triển khai một đề án rất độc đáo, đó là thí điểm sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, nếu chúng ta làm được 1.000 ha, thì 1 triệu ha cũng sẽ làm được.
Về chính sách kinh tế xanh, tôi thấy vai trò của các trường học rất quan trọng. Họ cần chú trọng đào tạo cho sinh viên, nguồn nhân lực trẻ nhiều hơn về chuyển đổi xanh để lực lượng này đóng góp vào thực tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thưa ông, EuroCham đã công bố Sách Trắng 2024, liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư vào nông nghiệp, EuroCham có những những khuyến, đề xuất gì trong bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15 này?
Trong Sách Trắng thường niên lần thứ 15 của EuroCham có một phần chuyên cho nông nghiệp. Trong đó, các thành viên của EuroCham nhấn mạnh đến các cơ hội liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đưa vào hoạt động năm 2020 mà đến giờ, một số lĩnh vực Việt Nam nắm bắt được cơ hội của Hiệp định thương mại tự do này và xuất khẩu đi châu Âu được nhiều hơn so với trước đây. Trong sách trắng, chúng tôi nhấn mạnh mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nắm bắt được cơ hội xuất khẩu đi châu Âu.
Đối với chăn nuôi, chúng tôi kiến nghị Nhà nước hỗ trợ việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Tại vì khi xây dựng được các vùng an toàn về dịch bệnh thì những thị trường khó tính như châu Âu sẽ tin tưởng rằng Việt Nam có năng lực kiểm soát nếu có một dịch bệnh xảy ra và đảm bảo sản phẩm xuất đến nước họ vẫn an toàn. Việc này cần sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương.
Tập đoàn Hùng Nhân và De Heus cũng đã đề cập nhiều lần vấn đề này. Mới đây chúng tôi cũng có cuộc trao đổi với Cục Thú y về chủ đề này.
Ngoài nắm bắt cơ hội từ EVFTA và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, có một điểm rất quan trọng nữa là sắp tới phía châu Âu ban hành rất nhiều Luật mới như Luật về môi trường. Do đó, EuroCham đề xuất phối hợp với các cơ quan Nhà nước để giúp các doanh nghiệp Việt Nam, các chuỗi giá trị của Việt Nam liên quan đến nông nghiệp chuẩn bị kịp thời để nắm được cơ hội này. Tại vì nhiều quốc gia khác, họ sẽ bắt không kịp. Và nếu Việt Nam làm kịp thời thì có thể chiếm được thị phần lớn hơn trong các lĩnh vực như tôm, cá tra, cà phê, điều… là các sản phẩm Việt Nam đang xuất đi châu Âu nhiều.
Một điều rất quan trọng khác đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp châu Âu nói riêng khi đầu tư vào Việt Nam thì họ phải có nguồn điện sạch. Tôi biết rằng, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đưa ra từ năm ngoái thì Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển điện sạch, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. Vì vậy, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, rất nhiều doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể để triển khai được. Vấn đề này cũng có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, vì cơ hội phát triển điện gió có thể gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản ở ngoài biển.
Đấy là những nội dung rất cơ bản ở trong các khuyến cáo của Sách Trắng 2024. Chúng tôi hy vọng EuroCham có thể phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục thông tin những điểm mới mang tính khuyến cáo để những người làm nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá thế nào về vai trò của EVFTA với sự phát triển kinh tế của Việt Nam?
Trong thời gian gần đây, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện có khả năng phục hồi và linh hoạt.
Một dấu hiệu quan trọng của điều này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng có trị giá 100 triệu USD. Điều này nhấn mạnh niềm tin tưởng của châu Âu đối với Việt Nam.
Nhưng cần phải cân bằng sự lạc quan với thực tế. Năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng. Dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP nhưng môi trường kinh tế có thể sẽ không thuận lợi như trước năm 2020.
Chúng tôi dự đoán sẽ có những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được mà chúng tôi cần phải chú ý. Theo đó, khi Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt. Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai. Sự cần thiết phải linh hoạt và phản ứng nhanh nhạy này nhấn mạnh giá trị thực tiễn của những hiểu biết như trong Sách Trắng.
EVFTA đã củng cố quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu, thúc đẩy luồng đầu tư và thương mại.
Mặc dù có sự tiến triển nhưng tiềm năng đầy đủ của Hiệp định vẫn chưa được cả hai bên khai thác triệt để. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện các chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác cùng có lợi. Sách Trắng cung cấp một khuôn khổ hợp tác chiến lược để thực hiện điều đó. Điều cốt lõi là thông qua các giải pháp hợp tác và hướng tới tương lai này, hai bên mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA.
Thông qua việc xem xét cẩn thận các khuyến nghị trong Sách Trắng, lắng nghe ý kiến của nhau và tích cực tham gia thực thi EVFTA cũng như các sáng kiến khác giữa châu Âu và Việt Nam, chúng ta có thể đóng góp cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế hai bên.
EuroCham sẽ luôn nỗ lực để cởi mở đối thoại giữa tất cả các bên liên quan, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ vào năng lực của Việt Nam trong việc định hướng sự tăng trưởng và phát triển của chính mình.
Thưa ông, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực châu Âu ước đạt 72,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, tính đến tháng 8/2023, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt 27,6 tỷ USD gồm 2.384 dự án trong các lĩnh vực. Những con số này nói lên điều gì?
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vào ngày 8/1, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam tăng trong quý IV/2023. Chỉ số BCI đạt 46,3 điểm, tăng 2,8% so với quý III/2023. Mức độ lo lắng của doanh nghiệp cũng giảm từ 9% xuống 5%, đồng thời có khoảng 29% doanh nghiệp tự đánh giá triển vọng “xuất sắc” và tốt. Đây là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, mở ra năm 2024 đầy triển vọng.
Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng, chúng ta đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất.
Thực tế, sau khi Việt Nam áp dụng chính sách phát triển các khu công nghiệp thành công, chính sách cho thuê đất 50 năm, chính sách một cửa... thì các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội hơn từ Việt Nam. Trong đó, nhiều doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tìm đến Việt Nam đặt nhà máy, chủ yếu là ở các lĩnh vực điện tử, may mặc, da giày...
Lúc đầu, các doanh nghiệp chọn Việt Nam làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất bởi có nguồn lao động dồi dào và rẻ, nhưng sau này các doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội đầu tư, bán sản phẩm ở ngay thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm.
Đơn cử Tập đoàn De Heus đã và đang đầu tư hàng chục nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam không phải nhằm mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài, mà chủ yếu phục vụ người chăn nuôi trong nước.
Mấy năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có một số thay đổi rõ rệt khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine, thì nhiều doanh nghiệp đã xem xét lại chuỗi liên kết cũng như chiến lược kinh doanh của họ, theo đó nhiều công ty đánh giá Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phù hợp để họ chuyển giao một phần chuỗi cung ứng.
Thực tế cho thấy, nhiều công ty nước ngoài đi trước đã gặt hái thành công ở thị trường Việt Nam như Samsung, Intel, Adidas, Heineken, Unilever, Nestle... Sắp tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp quan tâm tới một số lĩnh vực mới mà trước đây Việt Nam chưa chú ý đến như điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn...
Khi một doanh nghiệp nước ngoài tìm địa điểm đầu tư, yếu tố đầu tiên họ quan tâm thường là an ninh, sự bền vững về kinh tế và chính trị, cũng như mối quan hệ của nước đó với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lớn lựa chọn bởi đã áp dụng uyển chuyển thành công chính sách ngoại giao "cây tre", đặc biệt gần đây mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đó cũng là lý do Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan đã chọn Việt Nam để đặt trụ sở chính của mình ở khu vực châu Á.
Suốt giai đoạn 1997-2022, tổng số dự án và các khoản đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam đã tăng dần theo từng năm. Điều này càng rõ ràng hơn kể từ khi EVFTA được ký kết vào tháng 8/2020. Rất nhiều doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là quốc gia hấp dẫn. Ở ASEAN, hiện tại mới có Việt Nam và Singapore ký kết hiệp định FTA với Liên minh châu Âu. Điều đó cho thấy, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp châu Âu.
Tôi thấy không quá khó để hiểu tại sao con số đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu lại ngày một tăng lên. So với 10, 20 năm trước, thu nhập trung bình của người Việt đã tăng trưởng mạnh khiến sức mua tăng theo và tạo ra một thị trường tương đối lớn. Hơn nữa, với chiến lược đúng đắn của Chính phủ cũng như theo dự đoán của nhiều chuyên gia thì chỉ trong 20-25 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời điểm vàng để tăng thu nhập trung bình. Vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu muốn tới Việt Nam, tập trung vào thị trường nội địa, phục vụ và cung cấp thành phẩm cho gần 100 triệu người Việt là điều dễ hiểu.
Thứ hai, khi các doanh nghiệp châu Âu muốn đa dạng hóa đầu tư, họ đặt vấn đề bối cảnh chính trị lên hàng đầu. Và chắc chắn Việt Nam là quốc gia vô cùng ổn định.
Tôi là một người đi lên từ lĩnh vực nông nhiệp, do đó, ở cương vị Chủ tịch EuroCham, tôi rất quan tâm đến các chính sách và chương trình liên quan đến nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng, với giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam hiện tại và cơ hội phát triển trong tương lai, thì các doanh nghiệp châu Âu cũng có thể đóng góp được một phần khá lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả người dân Việt Nam và cả thế giới.
Việt Nam có những lợi thế nào để thu hút FDI? Đâu là “điểm cạnh tranh” mạnh nhất hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu, thưa ông?
Với tôi, Việt Nam có nhiều điểm mạnh nên khó có thể chọn ra một điểm mạnh nhất. Điều này sẽ phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Ví dụ, nếu liên quan đến công nghệ cao hoặc điện tử, họ sẽ đến Việt Nam vì có chất lượng lao động tốt. Thực tế, tôi thấy Việt Nam có rất nhiều người học công nghệ thông tin giỏi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự hấp dẫn không phải tới từ lao động rẻ. Lương của ngành này ở Việt Nam đã tăng cao hơn so với trước đây nhưng năng lực của nhân sự Việt khá hơn so với nhiều nước khác.
Hoặc nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến ổn định tỷ giá vì họ phải xuất nhập khẩu nhiều. Và tỷ giá của Việt Nam khá ổn định khi tiến hành so sánh. Hoặc một số công ty đầu tư vào Việt Nam, bán hàng tiêu dùng cho người Việt, chắc chắn họ thấy thị trường Việt với gần 100 triệu dân vô cùng tiềm năng.
Vậy với các doanh nghiệp châu Âu, lĩnh vực nào ở Việt Nam đang được họ quan tâm nhiều nhất, thưa ông?
Việt Nam trước đây có xu hướng muốn thu hút nhiều FDI ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng hiện tại, Việt Nam đã có vị thế nhất định, đã và đang thay đổi, chủ động lựa chọn những dự án đem lại nhiều lợi ích lớn cho kinh tế và xã hội. Tôi thấy điều này là cần thiết. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã siết chặt các quy định, điều luật liên quan đến môi trường.
Là Chủ tịch Eurocham, tôi thấy có nhiều doanh nghiệp quan tâm và đang tìm hiểu về Việt Nam. Công nghệ thông tin, điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao của Việt Nam đang được đánh giá có nhiều tiềm năng và hấp dẫn.
Theo tôi dự đoán, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang rất quan tâm đến xây dựng chuỗi giá trị liên quan đến các thiết bị điện tử, microchip, chất bán dẫn... tại đây. Dù hiện tại chủ yếu là doanh nghiệp đến từ châu Á và Mỹ, nhưng có thể sẽ có một số doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cương vị là người điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như là Chủ tịch Eurocham, tôi luôn đưa ra các lý do để thuyết phục rằng họ nên chọn Việt Nam là điểm đến.
Ông đánh giá thế nào về vai trò và vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực?
Cách đây 10 năm, khi nhắc đến châu Á, họ chủ yếu nghĩ đến Trung Quốc - một nền kinh tế rất lớn. Nhưng hiện tại, nhắc đến châu Á, rất nhiều người sẽ nghĩ đến Việt Nam. Tôi nghĩ, thời gian này chính là “cơ hội vàng” của Việt Nam. Tuổi trung bình của người dân hiện tại khá trẻ. Từ nay đến 20 năm sau là thời kỳ Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt phá và đạt được mục tiêu của Đảng và Chính phủ, đó là thu nhập trung bình trên đầu người thuộc nhóm thu nhập cao của thế giới vào năm 2045.
VIỆT NAM CÓ AN NINH TỐT VÀ NHIỀU CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
Với góc độ là một người nước ngoài, một chàng rể đến từ Hà Lan sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm, ông nghĩ rằng điều gì đã biến Việt Nam trở thành một quốc gia đáng đến và đáng sống?
Đối với những người nước ngoài sống ở Việt Nam nhiều năm rồi, đặc biệt là những người đã từng sống ở nhiều nước khác nhau thì một trong những điều họ thích nhất ở Việt Nam là an ninh. Tại vì khi sống ở quốc gia khác, họ rất sợ con cái ra đường gặp điều chẳng lành, rồi buổi tối có nguy hiểm không. Còn ở Việt Nam an ninh rất tốt.
Thứ hai là cơ hội phát triển kinh tế. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam họ thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp hoặc làm lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp thì họ thấy cơ hội lớn. Với một đất nước 100 triệu dân, kinh tế đang phát triển thì chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội để tham gia. So với những nước đã phát triển lâu rồi thì nền kinh tế Việt Nam rất năng động, linh hoạt khiến họ cảm thấy rất thú vị.
Là một chàng rể của Việt Nam, lại là một người rất yêu Việt Nam, ông nghĩ rằng cần phải thay đổi những điều gì để cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam hơn?
Tôi nghĩ là có mấy điểm cần thay đổi.
Thứ nhất, về cuộc sống hàng ngày, môi trường rất quan trọng. Ví dụ Thủ đô Hà Nội hiện nằm trong tốp 15 - 20 thành phố bị ô nhiễm. Việc này phải có những giải pháp nhanh. Và tôi nghĩ có thể làm nhanh được nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm không khí từ đốt củi trấu, đốt rác hoặc là người dân dùng những chiếc xe máy quá cũ ảnh hưởng đến môi trường. Những người nước ngoài sống ở Hà Nội rất sợ sức khỏe bị ảnh hưởng xấu bởi ô nhiễm không khí. Và tôi nghĩ đó không phải là chuyện riêng của người nước ngoài, kể cả 100 triệu người Việt Nam họ cũng rất quan tâm đến môi trường.
Liên quan đến sức khoẻ con người, cũng có rất nhiều cái khác đã được cải thiện như trồng rừng, trồng nhiều cây xanh hơn, bảo hiểm xã hội cho người dân tốt hơn, cải thiện ngành y tế nhiều hơn. Và những điều này cần tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.
Đối với vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay cũng đã tốt hơn rất nhiều so với cách đây năm 5 năm hoặc 10 năm. Tôi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng.
Ở góc độ doanh nghiệp, tôi thấy một điểm yếu của Việt Nam cần cải thiện là chi phí vận chuyển, vận tải vẫn quá cao. Cho nên, chủ yếu là cần tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, đường tàu điện và cơ sở hạ tầng giao thông trên biển. Vấn đề năng lượng sạch, đầu tư cho điện gió, điện mặt trời cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, ông mong muốn điều gì trong năm mới?
Điều tôi cầu mong nhất chính là sức khoẻ. Tôi mong mọi điều xui xẻo qua đi và mọi người có thể đón một năm mới may mắn, sức khoẻ, bình an. Tôi hay nói với nhân viên rằng, cố gắng tuần nghỉ Tết hãy tranh thủ thời gian, ngừng hẳn công việc, không mở email, điện thoại, để đầu óc thoải mái. Sau Tết chúng ta sẽ có cảm giác tràn đầy năng lượng, khoan khoái bước vào năm mới.
Tôi cũng chúc các công ty khác ở khu vực châu Á và các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư tại Việt Nam một năm mới dồi dào sức khỏe, công việc thuận lợi, mọi điều như ý!
Tập đoàn De Heus được thành lập năm 1911 tại Hà Lan và sau hơn 100 năm vẫn thuộc sở hữu của gia đình De Heus. Tập đoàn De Heus hiện đã vươn lên thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Hà Lan. De Heus xuất khẩu tới gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, có nhà máy tại Hà Lan, Nga, Ba Lan, Serbia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Brazil, Việt Nam, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Myanmar, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia.
Tập đoàn De Heus đầu tư vào Việt Nam năm 2008 bằng việc mua lại 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hải Phòng và Bình Dương. Từ đó đến nay, De Heus liên tục mở rộng quy mô sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng nhà máy mới, xây dựng hệ thống chuỗi liên kết với các trang trại sản xuất con giống quy mô lớn, các nhà máy giết mổ nhằm đảm bảo đầu ra cho khách hàng, mang đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc đến người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Gần đây, Tập đoàn đã gây tiếng vang khi mua lại một loạt nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, đồng thời liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn xây dựng hệ sinh thái mới là các tổ hợp dự án nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tổng vốn đầu tư De Heus đổ vào nông nghiệp Việt Nam đến thời điểm này khoảng 1,1 tỷ USD.