Từ lâu, ẩm thực Việt Nam đã nổi tiếng độc đáo, tinh tế, hấp dẫn vượt trội, quyến rũ triệu triệu du khách và cả những chuyên gia ẩm thực hàng đầu, đầu bếp nổi tiếng thế giới đến với dải đất hình chữ S, để trải nghiệm, để say mê. Rồi từ ấy, nhiều món Việt đã góp mặt trong những bảng xếp hạng ẩm thực danh giá.

 

Song, để các gia vị, nguyên liệu tươi ngon làm nên những món ăn trứ danh như bún chả, phở, chả cá Lã Vọng, cơm tấm, gỏi cuốn, mỳ Quảng, bún bò Huế, hủ tiếu Nam Vang, bánh xèo, bánh cuốn... vươn ra ngoài biên giới lại là cuộc chiến đầy cam go với cơ man rào cản. Nào là hàng rào thuế quan, là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cùng các quy định kỹ thuật khắc khe của đối tác,… còn cả triệu triệu tinh hoa, đặc sản của hàng trăm quốc gia khác.

 

Con đường đầy chông gai là thế, nhưng nhờ vốn kinh nghiệm bán, buôn khắp năm châu, bằng tài năng, uy tín và khát khao định vị thương hiệu "hương vị của thế giới" cho gia vị, nông sản Việt, doanh nhân Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods đã vượt hết khó khăn này đến chướng ngại khác, để “chắp cánh” cho hàng Việt Nam ngày càng bay cao, vươn xa.

 

Từ câu chuyện thần kỳ về hành trình nước mắm Mami đánh bật nước mắm Thái Lan, giành vị trí “ngôi Vua” trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon, đến vải thiều… nô nức xuất ngoại, và gần đây nhất là lô 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng 25 sang Canada vào ngày cuối cùng năm 2021, doanh nhân Lê Bá Linh đã và đang kiến tạo những “con dấu bảo chứng” cho chất lượng hàng Việt Nam.

 

Ông không ngừng bắc thêm những nhịp cầu để nông sản, gia vị Việt Nam chinh phục căn bếp thế giới, như một cách thức xây dựng thương hiệu không thể định giá bằng tiền bạc. Hành trình ấy khiến người ta phải thán phục, trân quý, ngưỡng mộ và tự hào!

 

 

Sài thành những ngày này, nắng vàng mang vẻ ấm áp đến diệu kỳ, cặp kính trắng trong suốt càng khiến đôi mắt doanh nhân Lê Bá Linh lấp lánh tựa ánh dương, giọng nói hào sảng, tràn đầy sức sống, thật khiến người đối diện có cảm giác vui lây.

 

Với vị doanh nhân này, kinh doanh ở thị trường nội địa hay xuất khẩu đều là những cơ hội đầy trân quý. Ông bảo: “Tôi có đam mê đặc biệt với nghề kinh doanh. Dẫu ở Sài thành sôi động, Hà thành hào hoa, Đà thành trẻ trung; hay nắng gió châu Phi, giá lạnh ở Canada và Mỹ, rồi băng qua các thảo nguyên Úc châu, và cả những đô thị rộn ràng cửa hàng san sát tại Nhật Bản hay Liên bang Nga… đều mang đến cho tôi những kỷ niệm, trải nghiệm cực kỳ thú vị, không phải ai cũng có được”.

 

Kể về câu chuyện bén duyên với nước mắm truyền thống 14 năm trước, doanh nhân Lê Bá Linh cho biết: “Buôn ba khắp năm châu, nhưng dù ở bất cứ đâu, tôi cũng chẳng thể nào quên được hương vị nước mắm truyền thống đậm đà. Đó cũng là lý do năm 2008, tôi bén duyên với nước mắm truyền thống, sau này có tên là Mami, cái tên gợi nhớ người mẹ hiền mà gia đình nào cũng luôn trân quý”.

 

“Công việc này đã đem lại cho tôi và người cộng sự của mình, Tổng Giám đốc Pacific Foods Chung Trí Phong, cũng như nhiều anh em đang chung tay chung sức làm việc, trong hơn 10 năm qua, một niềm tin, niềm vui với nước mắm truyền thống, và sau nay là gia vị, nông sản, trái cây Việt”, ánh mắt ông tràn đầy nhiệt huyết, niềm tự hào.

 

Chủ tịch Pacific Foods tâm sự, xuất khẩu thì ai cũng thích hết, nhưng cam go trầy trật lắm, tất nhiên là sản phẩm phải tốt, phải ngon, phải được sản xuất bởi quy trình mà thế giới họ yêu cầu. “Ví như nước mắm Mami và Hảo Hạng của chúng tôi, cũng phải sau hơn 10 lần cải tiến, nhiều thủ tục xác minh, mới đưa nước mắm sản xuất trong khu công nghiệp bảo tồn Phan Thiết lên Amazon”, doanh nhân Lê Bá Linh dẫn chứng.

 

Với những kinh nghiệm trong đầu tư và xuất khẩu trong nhiều năm, vị doanh nhân mê quảng bá nước mắm và nông sản Việt này có nhiều đường hướng để kinh doanh sản phẩm đa ngành nhưng lại chọn gắn bó với nước mắm dù nhiều doanh nghiệp Việt đã thực hiện.

 

“Tôi mong muốn các làng chài, nhà xưởng nước mắm không chỉ dừng lại ở thị trường nhỏ mà muốn đưa sản phẩm nước mắm truyền thống Việt đi đến các căn bếp trên thế giới. Thay vào đó, tôi và các cộng sự đầu tư và kết nối để đưa xưởng ủ chượp thành nhà máy, đi theo nhiều tiêu chuẩn đáp ứng xuất khẩu. Với tôi, yếu tố con người rất quan trọng, bởi tôi muốn hướng các nhân viên của mình đến suy nghĩ làm bằng tâm huyết, làm vì sản phẩm Việt. Họ tạo giá trị cho thị trường, cũng là phát triển chính mình, không đơn thuần là đi làm nhận lương”, ông khẳng định.

 

Chia sẻ bí quyết xuất khẩu nước mắm Mami và Hảo Hạng thành công, doanh nhân Lê Bá Linh cho hay: “Điều tối quan trọng trong sản xuất, đó là chất lượng, và chỉ có chất lượng thật tốt, đồng đều “triệu chai như một” ở bất cứ thời điểm sản xuất nào, mới làm chúng ta tự tin trong việc xuất khẩu, không phải 1 mà tới hàng trăm nước, ví như Mami và Hảo Hạng đang hiện diện ở TOP 1 trên sàn thương mại điện tử Amazon”.

 

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Pacific Foods còn dành nhiều thời gian tìm hiểu thị trường, điều chỉnh lượng đạm trong công thức ủ chượp để phù hợp với khách hàng. Nếu năm 2018, Pacific Foods mới được Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chọn là 1 trong 100 công ty để hỗ trợ bán hàng trên Amazon (sau đó Amazon lọc lại còn 20 công ty) thì phải mất 8 tháng sau để hoàn thiện sản phẩm mới cho thị trường này và các thủ tục liên quan để chính thức xuất hiện trên Amazon.

 

Sàn thương mại điện tử này chỉ chấp thuận khi xác định các công ty có nguồn gốc rõ ràng và thương hiệu phải được đăng ký tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO mới được làm các chương trình marketing để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, họ truy xuất nguồn gốc cá và đánh bắt cá trong luồng xanh hải phận biển của Việt Nam và vùng miền chỉ dẫn địa lý rõ ràng.

 

Ngoài các chứng nhận liên quan về sản phẩm do Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) về nồng độ pH và hàm lượng histamine (dưới 400 ppm), Amazon còn muốn xác thực tính minh bạch của seller (người bán), yếu tố quan trọng để được bán hàng trên sàn này.

 

Nhờ kết hợp phương pháp ủ chượp truyền thống với quy trình sản xuất chưng cất chưng không, áp suất thấp, nâng đạm, tách muối, đậm đà mà ít mặn, lại chứa 17 loại axit amin có lợi cho sức khỏe, nước mắm Mami ngày càng được ưa chuộng. Trung bình có 18.000 sản phẩm được bán thông qua Amazon mỗi tháng, trong đó nhóm khách hàng Mỹ và Canada, châu Âu chiếm tới 70%, khách hàng châu Á chiếm 30%.

 

“Con số này có thể nói là thành công trong con đường chinh phục căn bếp người nước ngoài bằng sản phẩm vốn được coi là mặn và mang mùi đặc trưng”, doanh nhân Lê Bá Linh tự tin chia sẻ. Và có lẽ cũng từ đó, ông được người trong giới yêu mến gọi là “Người có duyên với hoạt động xuất khẩu nước mắm”.

 

 

Từ thành công với xuất khẩu nước mắm Mami và Hảo Hạng, Pacific Foods còn sản xuất nhiều sản phẩm, nông sản của Việt Nam như: tương ớt Youmi, nước uống năng lượng Squid, nước sâm bổ lượng New Hope, gạo thơm Sóc Trăng 25, ngũ cốc, trái cây… Trên hành trình đưa những mặt hàng này ra thế giới trong tương lai, Chủ tịch Pacific Foods đang rất tự tin khi trong thời gian ngắn đã giới thiệu rất nhiều sản phẩm mới ra thị trường.

 

Ông cười thân thiện: “Xin được chia vui với nhà báo, vào ngày cuối cùng của năm 2021, ngày 31/12, Pacific Foods đã công bố hoàn thành việc xuất khẩu lô hàng gạo cuối cùng trong năm 2021 với hơn 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng 25 sang thị trường Canada. Đây là lô hàng gạo xuất khẩu đầu tiên công ty này sang thị trường Canada và cũng là lô hàng "chốt sổ" năm 2021 sử dụng tàu biển, từ cảng Cát Lái (Việt Nam) với hải trình tới Vancouver, Canada. Có lẽ, khi bài báo này đến tay bạn đọc, thì lô hàng này cũng đã cập bến Canada”.

 

Cũng theo doanh nhân Lê Bá Linh, lô gạo xuất khẩu này được sản xuất thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp của công ty, quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống tới hạt gạo nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe nhất của thị trường Bắc Mỹ. Pacific Foods hiện là đơn vị có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn thông qua các hợp tác xã với sự hướng dẫn của đội ngũ kỹ sư và quy trình tối ưu hoá các khâu giống, canh tác, thu hoạch và vận chuyển, đảm bảo năng lực cung ứng số lượng lớn gạo mỗi năm cho thị trường.

 

 

Được biết, trước đó vào tháng 6/2021, Pacic Foods là đơn vị đã xuất khẩu 2 lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam tới các đối tác quốc tế ở EU tới 27 quốc gia với hơn 430 triệu dân, để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Pacific Foods cũng xuất lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên đến thị trường này. Việc liên tục xuất khẩu vải thiều vào thị trường khó tính như EU được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho Pacific Foods và đồng thời hỗ trợ cho công ty cơ hội phát triển thương hiệu tốt hơn.

 

Và cũng mới đây thôi, ngày 22/12/2021, thị trường nước giải khát Việt Nam tưng bừng đón chào “bộ đôi” mới của Pacific Foods: nước sâm bổ lượng New Hope (Hy Vọng Mới) và nước uống năng lượng Squid (Con Mực), những sản phẩm minh chứng cho bước tiến dũng mãnh của công nghiệp sản xuất nước giải khát Việt Nam, ngành công nghiệp đang hừng hực khí thế vươn lên tầm quốc tế.

 

“Nước sâm bổ lượng New Hope và nước uống năng lượng Squid đại diện cho niềm tin và ý chí của những bàn tay, khối óc Pacific Foods, là cơ hội bồi đắp cho con đường của tất cả chúng ta: cùng nhau vươn lên phía trước, cùng làm giàu bằng tài nguyên, đôi tay và trí tuệ Việt Nam!”, vị doanh nhân dang rộng đôi tay đầy hứng khởi.

 

 

Nghĩ lớn, làm lớn, nhưng doanh nhân Lê Bá Linh bật mí, ông thành công là nhờ những điều bình dị, không có gì to tát, đó là: “Thấy việc liền xắn tay vào làm ngay với tất cả tâm huyết, sự say mê. Chỉ giản đơn và kiên trì, kiên định vun trồng, chăm bón cho cái cây của mình, ắt sẽ có ngày hưởng trái thơm, quả ngọt”.

 

Với tấm lòng kiên định, không ngại gian khó, “thuyền trưởng” Lê Bá Linh đã “chèo lái” giúp Pacific Foods vượt qua hết tảng băng này đến bão táp khác.

 

Nhớ lại khoảng thời gian đầu năm 2020, khi “cơn cuồng phong” Covid-19 bất thình lình ập đến, doanh nhân Lê Bá Linh cho biết: “Đó có lẽ là thời khắc tưởng chừng khó khăn nhất với chúng tôi, khi chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế gần như vụn vỡ. Kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kênh bán online trên Amazon được đẩy mạnh như một chiến lược trọng yếu. Tuy nhiên, bán hàng trên Amazon thật sự không đơn giản và cần phải có đội ngũ thực thi chuyên sâu, mà để tìm được một đối tác tin cậy và phù hợp đi cùng rất khó vì mô hình kinh doanh này còn mới ở Việt Nam”.

 

“Nhà báo biết không, thông thường ở Mỹ, nói tới nước mắm là sẽ nghĩ đến người Thái, vì sự phủ sóng rộng khắp của các thương hiệu nước mắm, gia vị xứ chùa Vàng. Điều này dẫn đến việc phải nghiên cứu thật kỹ khẩu vị và nhu cầu, ứng dụng nước mắm trong ẩm thực của thị trường Mỹ. Sản phẩm cho người Mỹ thì cần giảm độ mặn và mùi, điều này phải cải tiến ngay từ những bước đầu trong quá trình làm nước mắm”, doanh nhân Lê Bá Linh chia sẻ và cho biết: “Bởi thế, chúng tôi phải đầu tư chi phí và kỹ thuật để điều chỉnh sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác, quy trình vận chuyển phù hợp. Kinh doanh đang ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà vẫn đầu tư thêm nhưng tôi không chần chừ vì tôi biết mình phải bắt kịp xu thế”.

 

Bên cạnh đó, muốn đi đường dài không thể “đơn thương độc mã”, doanh nhân Lê Bá Linh kiên trì tìm đến đối tác có kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thị trường thương mại điện tử thế giới để phối hợp marketing như tung ra chương trình cho người Mỹ dùng thử nước mắm và tiếp thu nhận xét của họ. Chiến dịch này ngoài vấn đề kinh doanh xuất khẩu còn là câu chuyện đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với từng căn bếp người Mỹ, quảng bá nước mắm truyền thống Việt.

 

“Tôi và các cộng sự vô cùng cẩn trọng từng bước và luôn tâm niệm: hãy làm việc, cống hiến hết sức mình, thành công sẽ đến!”, Chủ tịch Pacific Foods bày tỏ.

 

 

Trả lời câu hỏi về triết lý kinh doanh, doanh nhân Lê Bá Linh thành thật: “Tôi và các anh em chung còn thuyền Pacific Foods đều là những người yêu thích say mê công việc, và luôn trăn trở cho công việc, vì công việc, chứ tôi rất ngại nói điều gì to tát”.

 

“Lại nói về điều nhà báo hỏi, tôi tình thật là như chai nước mắm Mami, Hảo Hạng dù khá “trần ai” nhưng lên được (và lên đỉnh bảng) tại sàn Amazon, nhưng còn ít cơ hội phục vụ người tiêu dùng trong nước, bởi phục vụ người tiêu dùng trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng và Pacific Foods luôn có các sản phẩm tốt và giờ là thời điểm để cống hiến cho người tiêu dùng nội địa, vì họ cần được sử dụng sản phẩm tốt nhất mà khách hàng thế giới đã dùng, và công nhận”, ông khẽ mỉm cười.

 

Còn với những thị trường mới, doanh nhân Lê Bá Linh cho biết, cả lãnh đạo, nhân viên Pacific Foods đã có không ít những trải nghiệm quý giá. Đơn cử như chỉ 1 chai nước mắm Mami nhỏ bé thôi, đã là cả một câu chuyện cực kỳ thú vị. Chẳng hạn, người Việt thường ăn nước mắm sống, pha chế làm các loại nước chấm và sử dụng trong nấu ăn. Nhưng người nước ngoài lại sử dụng nước mắm làm gia vị để tăng hương vị của món ăn.

 

“Ví dụ, món thịt cừu nướng BBQ có thể ngon hơn và tán bớt mùi cừu khi nêm thêm chút nước mắm truyền thống. Pizza, mỳ pasta hay các món ăn sẽ thêm hấp dẫn khi có tinh túy nước cất từ cá cơm Việt Nam”, doanh nhân Lê Bá Linh cười hiền hậu.

 

Không chỉ là doanh nhân tài ba, Chủ tịch Pacific Foods còn là người giàu lòng nhân ái. Mới đây, ông cam kết trích 5% lợi nhuận trên mỗi sản phẩm được bán ra để tiếp sức đến trường cho các học sinh sinh viên. Pacific Foods cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện.

 

Với ông: “Hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng là việc phải làm, và luôn làm ngay không suy nghĩ nghĩ ngợi gì nhiều, giống như thấy việc là nhảy vào vậy thôi”.

 

Chẳng thế mà, từ khi Covid-19 bùng phát trong, Pacific Foods đã tham gia đóng góp hơn 10 tỉ đồng bằng hiện kim và hiện vật cho các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng thông qua cho Quỹ vaccine do Ủy ban Mạt trận Tổ quốc TP.HCM phát động; ủng hộ gạo, nước mắm, tương ớt, rau củ quả, đồ uống và các thiết bị y tế cần thiết cho các tổ chức và địa phương, ban ngành, cá nhân…

 

 

“Đại dịch Covid-19 đã để lại quá nhiều đau thương mất mát, ai cũng bị ảnh hưởng nhưng đối tượng học sinh sinh viên rất cần được ưu tiên hỗ trợ, vì các em không thể gián đoạn chuyện học, vì tri thức không thể đứng ngoài cuộc sống của các em. Pacific Foods đã lên phương án thành lập các quỹ vì cộng đồng, có các cơ quan kiểm toán giám sát các hoạt động ngay từ khi khởi động, để mọi việc được minh bạch, kêu gọi được nhiều người, nhiều tổ chức chung sức. Tôi nghĩ bất cứ người nào, doanh nghiệp nào của Việt Nam, cũng sẽ có ý thức ủng hộ và đều làm điều này được cả”, doanh nhân Lê Bá Linh chia sẻ.

 

 

Kể về những dự định trong tương lai, Chủ tịch Pacific Foods chia sẻ câu chuyện thú vị: “Khi tôi đi bán hàng cho người nước ngoài, khách hàng thường hỏi tôi: “Nước mắm của anh ngon nhất hả?”, tôi hay trả lời: “Không, ở quê tôi nước mắm chỗ nào cũng ngon nhất. Các bạn cứ đến đất nước chúng tôi, tới bất cứ nơi nào có biển, đều có nước mắm ngon!”.

 

Việt Nam là nước sản xuất nước mắm ngon nhất thế giới. Hiện tại, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ở những khu vực gần biển Hải Nam, đều có sản xuất nước mắm. Philippines sản xuất nước mắm nhiều, nhưng người Philippines lại rất thích nước mắm Việt Nam.

 

“Tôi qua đất nước này, thấy trong các siêu thị, người bản xứ mua nước mắm Việt Nam rất nhiều. Sản xuất quy mô lớn mà ngon chỉ có duy nhất Việt Nam. Người Thái cũng sản xuất nước mắm nhưng quy mô không lớn và không ngon như Việt Nam. Không ít công ty Thái qua Việt Nam mua nước mắm cốt về để sản xuất nước mắm công nghiệp đại trà. Vậy mà có công ty Thái, 1 tháng có thể xuất bán 1.000 container. Đó là một số lượng lớn! Điều đó khiến tôi vô cùng trăn trở!”, đôi mắt doanh nhân Lê Bá Linh tràn đầy ưu tư.

 

Chính điều trăn trở đó khiến ông quyết tâm tấn công vào thị trường Trung Quốc, dù nhiều người cho rằng, người dân ở đây chỉ thích ăn xì dầu không ăn nước mắm. Cơ sở của vị doanh nhân là: “Trước đây, người Trung Quốc chỉ thích uống trà, nhưng sau khi có cà phê Việt Nam vào, họ cũng rất thích cà phê và họ còn ăn cả phở Việt Nam nữa. Ngoài ra, những người bạn Trung Quốc của tôi khi tới Việt Nam, cũng rất thích ăn nước mắm”.

 

Ông tủm tỉm: “Tôi hay nói vui, lý do người Việt Nam rất sáng đẹp là vì chúng tôi ăn nước mắm! Pacific Foods sẽ làm hết sức mình để nước mắm truyền thống Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và thuyết phục được dân bản địa dùng nước mắm của mình”.

 

Ước mơ và hoài bão của doanh nhân Lê Bá Linh thật rõ ràng và giản đơn, đó là không ngừng cải tiến nhằm cho ra sản phẩm với mẫu mã đẹp nhất, để có cơ hội xuất hiện trên bàn ăn thế giới!

 

“Nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho mình là có thể đưa nước mắm đi khắp thế giới. Trong tương lai, đầu bếp và các chuyên gia ẩm thực có thể nói: khi nấu món gì thì nên có ít nước mắm Việt Nam sẽ ngon hơn” doanh nhân Lê Bá Linh chia sẻ và hy vọng sản phẩm nước mắm của Pacific Foods có thể đại diện cho đất nước chứ không phải chỉ cho riêng doanh nghiệp.

 

“Bởi thế, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, làm cách nào để đưa nước mắm lên các sàn thương mại điện tử như Amazon, cho tất cả doanh nghiệp có nhu cầu. Chúng tôi hạnh phúc khi làm điều đó. Các bạn đừng có ngại, cả start-up lẫn các công ty lâu năm, hãy đến với chúng tôi để nhận được những chia sẻ tất cả những gì mình biết. Tôi hạnh phúc khi làm điều đó!”, Chủ tịch Pacific Foods thật tâm chia sẻ.

 

 

Bình luận bài viết này
  • Trung 17:58 | 08-02-2022
    Người thân tôi ở Mỹ đang dùng và mê mệt với sản phẩm nước mắm Mami - Pacific Foods. Nhờ Mami mà tình cảm của người con xa xứ lúc nào cũng tưởng như có người thân bên cạnh.
Hồ Hạ 08/02/2022 10:15