Thu Phương
Thấu hiểu nhu cầu mua sắm hàng hiệu chính hãng của một bộ phận đông đảo người Việt, doanh nhân người Pháp Loic Gautier quyết định xây dựng trang thương mại điện tử Leflair, chuyên kinh doanh các sản phẩm chất lượng với giá tốt nhất.
Việt Nam xếp thứ 3 thế giới về mức độ yêu thích hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ (theo khảo sát từ Nielsen), song hàng hiệu bán tại Việt Nam thường đắt hơn so với mặt bằng chung của khu vực. Vì thế, nhiều tín đồ hàng hiệu thường chấp nhận ra nước ngoài để “săn” hàng hoặc đặt mua qua website nước ngoài, chờ đợi vài tuần hàng mới đến tay. Chưa kể, cách mua sắm này dễ gặp rủi ro bị tráo hàng trong quá trình vận chuyển về Việt Nam.
Thấu hiểu nhu cầu đó, Loic Gautier đã tạo lập Leflair - trang thương mại điện tử theo mô hình B2C (hình thức thương mại điện tử giao dịch giữa công ty và người tiêu dùng) chuyên bán hàng hiệu với giá tốt nhất có thể.
Quyết định này của Loic Gautier hoàn toàn không đến một cách tình cờ, bởi trước đó, anh từng làm việc trong ngành thương mại điện tử nhiều năm và tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.
“Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nhằm tìm kiếm một mô hình kinh doanh dành riêng cho đối tượng yêu thích hàng hiệu. Tôi quan sát thấy, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Người Việt không chỉ tiêu dùng hằng ngày, mà còn có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn thế. Họ muốn mua những món hàng từ Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Từ đó, tôi tập trung vào những sản phẩm khác biệt so với các trang thương mại điện tử khác để tạo dựng bản sắc riêng cho Leflair”, Loic chia sẻ.
Thêm một lý do khiến vị doanh nhân trẻ tự tin hơn vào quyết định của mình, đó là tiềm năng phát triển của thị trường. Loic đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở châu Á những năm gần đây, nhưng quy mô bán lẻ vẫn còn khá khiêm tốn và chưa nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển, bởi nó mang lại sự thuận tiện rất lớn cho người tiêu dùng. Loic tin rằng, các công ty thương mại điện tử sẽ tạo ra những bước đột phá, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, mà là toàn bộ nền kinh tế.
“Miếng bánh” thị trường vô cùng hấp dẫn và với sự nhạy bén của một doanh nhân, Loic quyết định nắm bắt cơ hội. Nhưng, cũng bởi sự hấp dẫn và tiềm năng của thị trường này, nên bên cạnh Loic có rất nhiều đối thủ “nặng ký”.
Ở trong “chảo lửa”, Loic không chọn giải pháp đối đầu, bởi anh cho rằng, cạnh tranh trực diện rất dễ “thiêu chết” chính mình. Thay vào đó, Loic định vị Leflair là một trang thương mại điện tử đặc biệt, chỉ bán các mặt hàng khác biệt cho nhóm khách hàng ngách.
“Người tiêu dùng không mua mô hình kinh doanh, họ mua sản phẩm và dịch vụ. Nếu bạn bán các sản phẩm khác biệt và cung cấp dịch vụ đặc biệt, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho khách hàng, thì bạn sẽ được khách hàng lựa chọn”, Loic khẳng định.
Leflair chuyên bán các mặt hàng hàng thời trang với những thương hiệu cao cấp như Levi's, Adidas, Nike, Tommy Hilfiger, Geox, Lancôme... với mức giá ưu đãi nhất. Hầu hết các mặt hàng đều được giảm giá so với giá niêm yết của các hãng, có khi lên đến 50%. Để có được mức giá ưu đãi này, Loic làm việc trực tiếp với các hãng để bán hàng sale theo đợt (flash sales).
“Một trong những lợi thế của Leflair khi bán những sản phẩm cao cấp là các thương hiệu đó đã quảng bá hình ảnh và sản phẩm rất bài bản. Bạn không cần phải giải thích quá nhiều cho một cô gái lý do vì sao cô ấy nên mua một chiếc túi Michael Kors, nhất là khi sản phẩm đang được giảm giá 50%”, Loic nói.
Không những thế, Leflair rất chú trọng đầu tư vào chất lượng hình ảnh và chăm sóc khách hàng, đảm bảo rằng, trải nghiệm mua sắm ở Leflair thật sự khác biệt so với những trang thương mại điện tử khác trên thị trường.
Ra mắt vào tháng 12/2015, đến nay, Leflair đang hợp tác kinh doanh với hơn 1.500 thương hiệu trong và ngoài nước, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hơn 100%/năm.
“Leflair hiện có hàng trăm nhân viên. Chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực xây dựng và phát triển Leflair trong suốt thời gian qua. Điều đáng tự hào là, Leflair đã có thể sống sót và tiếp tục phát triển trong một thị trường thương mại điện tử rất sôi động như ở Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất, Leflair đã nhận được những đánh giá rất tích cực của người dùng và tạo ra một giá trị nhất định trên thị trường”, CEO Leflair tự tin nói.
Nhưng, để có được những thành công ấy không phải việc dễ dàng. Loic kể, khi Leflair bắt đầu hoạt động, nguồn tài chính để vận hành hết sức eo hẹp, Công ty thậm chí còn chưa có website. Điều khó khăn nhất khi đó là thuyết phục các thương hiệu hợp tác, bởi trước đó, đã có quá nhiều công ty thương mại điện tử phải đóng cửa, nhà phân phối phần nào mất lòng tin vào mô hình này.
“Chúng tôi phải mất khoảng 4 tháng để có thể thuyết phục đủ các thương hiệu 'lên sóng' trong tuần đầu tiên mở website. Ngày đầu tiên mở cửa, Leflair chỉ có đủ hàng để bán khoảng 10 ngày trước khi hoàn toàn cạn kiệt nguồn cung. May mắn là, khi trang web vận hành, đơn đặt hàng nhảy vọt với con số đáng ngạc nhiên, nhờ đó, nhiều thương hiệu tin tưởng Leflair hơn và đồng ý hợp tác”.
Loic chia sẻ, sở dĩ anh kiên định con đường kinh doanh các sản phẩm cao cấp (gồm thời trang và các mặt hàng khác) là bởi, Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh nhất trong khu vực và đang trong bước chuyển mình từ nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển nhanh, ước tính đến năm 2020 sẽ đạt mốc 33 triệu người. Những người thuộc tầng lớp trung lưu có nhu cầu mua sắm để thể hiện và khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Trong khi đó, thị trường Việt Nam còn đang thiếu hệ thống phân phối bán lẻ offline, nên hình thức mua hàng trên mạng có thể phát huy thế mạnh.
Sắp tới, Leflair sẽ ra mắt ứng dụng đặt hàng trên điện thoại, để mở rộng khách hàng, tăng doanh thu và rút ngắn thời gian giao dịch. Tiếp đó, Loic sẽ triển khai kế hoạch mở rộng thị trường ra khu vực với đích đến đầu tiên là Philippines. Bằng việc mở rộng thị trường, Leflair sẽ có cơ hội làm việc với nhiều đối tác lớn khác để mang lại nguồn hàng dồi dào hơn. Loic kỳ vọng, trong 5 năm tới, Leflair sẽ hiện diện ở khắp Đông Nam Á. “Tham vọng của tôi là 90% người tiêu dùng có thể nhận biết được Leflair trên thị trường” Loic nói.
Chuẩn bị cho kế hoạch trên, đầu năm nay, Leflair đã tiến hành gọi vốn và nhận thêm 7 triệu USD từ GS Shop và Belt Road Capital Management.
“Chúng tôi bắt đầu với Leflair tại Việt Nam bởi sức hấp dẫn từ thị trường này. Nhìn rộng ra các nước Đông Nam Á với dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế tương tự, người tiêu dùng đều đang có chung nhu cầu về mua sắm hàng hiệu. Leflair sẽ mở rộng ra khu vực, tiếp tục sứ mệnh giúp người tiêu dùng tiếp cận với nhiều thương hiệu lớn của thế giới hơn”, Loic bày tỏ.
Tại sao anh lại chọn Việt Nam để khởi nghiệp kinh doanh?
Khi còn bé, tôi may mắn khi có cơ hội đi du lịch khắp thế giới. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 20 năm. Lần thứ hai tôi trở lại Việt Nam là khoảng 6 năm trước. Khi đó, tôi thấy đất nước này thay đổi nhanh và muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam theo một cách nào đó.
Tôi nhận thấy, kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và cuộc sống của người dân đang từng bước được nâng lên. Đây là thị trường rất đáng để khởi nghiệp, thử thách bản lĩnh kinh doanh.
Nếu được chia sẻ với cộng đồng start-up Việt, anh sẽ nhắn nhủ điều gì?
Tôi muốn nói rằng, đây là thời gian tốt nhất để khởi nghiệp tại Việt Nam.