Nội dung, trình bày: Hồ Hạ

 

Sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến nay đã gần 22 năm, doanh nhân Sven A. Saebel, người sáng lập, CEO DV Hospitality khẳng định, “Việt Nam đã chiếm trọn trái tim tôi, hơn cả quê hương thứ hai của tôi”.

 

Khát khao lớn nhất của ông là đồng hành cùng các tập đoàn, khách sạn trong hành trình nâng tầm thương hiệu khách sạn Việt; đồng thời, góp sức đào tạo đội ngũ nhân sự trẻ, chỉ cho họ con đường phía trước để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo trong ngành khách sạn, giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam phát triển bền vững.

 

Ông Sven A. Saebel, người sáng lập, CEO DV Hospitality sinh năm 1974 tại Munich (Đức). Sau khi hoàn thành Chứng chỉ Quản lý Khách sạn của Trường Khách sạn ở Munich, ông đã làm việc trong suốt những năm đầu tiên của mình với thương hiệu cao cấp toàn cầu Kempinski Hotels & Resorts, trước khi tham gia các Khóa học Quản lý bổ sung tại Kuala Lumpur - Malaysia với Khách sạn Renaissance và IHG Thái Lan. Ông đã làm việc thêm 5 năm cho The Empire Hotel & Country Club (Brunei) - Resort 7 sao duy nhất trên thế giới nằm cạnh Burj Al Arab Dubai nổi tiếng, trước khi quyết định chuyển đến Việt Nam, một điểm đến mới nổi và sôi động.

 

Ấn tượng đầu tiên của ông khi đến Việt Nam là gì, điều gì đã níu chân ông ở lại “đất nước hình chữ S” suốt 22 năm qua?


22 năm trước, tôi đặt chân đến Việt Nam sau khi tích lũy cho mình nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới như Kempinski Hotels & Resorts, IHG... Từ đó đến nay, tôi đã thực sự gắn bó với Việt Nam. 

 

Tôi luôn tin rằng, phải liên tục hít thở không khí, sống chung với cộng đồng trong một thời gian dài, mới có thể hiểu về vùng đất, về đất nước đó. Đặt chân đến TP.HCM, tôi đã ngay lập tức bị thu hút bởi văn hoá, ẩm thực và con người. Tất cả đều thật mới mẻ và thú vị. Khi làm việc với người Việt Nam, tôi đã yêu sự chân thật, thuần khiết và niềm đam mê mà người Việt Nam cống hiến cho công việc của họ để tạo kế sinh nhai cho gia đình. 

 

 

Văn hóa gia đình tuyệt vời không nơi nào sánh kịp ở Việt Nam mà tôi chưa từng thấy ở quốc gia nào khác và chưa biết đến khi còn ở châu Âu; rồi cả sự nổi tiếng ngày càng tăng của “đất nước hình chữ S” với tư cách là trung tâm kinh tế và điểm đến du lịch, tôi quyết định định cư ở đây.

 

Tôi không chỉ tìm thấy tình yêu của đời mình mà tình yêu với đất nước Việt Nam cũng gần như chiếm trọn trái tim tôi.

 

 

Ông có thể chia sẻ về hành trình dài 22 năm trong ngành khách sạn tại Việt Nam? 

 

Tôi vẫn nhớ, lần đầu đến Việt Nam năm 2001 là cuộc hẹn tại Khách sạn Caravelle danh tiếng tại Sài Gòn cho vị trí Phó tổng quản Lý (EAM). Sau đó, tôi được bổ nhiệm làm Tổng quản lý Khách sạn Hà Nội Daewoo. Những năm làm việc tại đây đã mang lại cho tôi những hiểu biết sâu sắc về ngành dịch vụ khách sạn nói riêng, đất nước con người Việt Nam nói chung.

 

Năm 2009, tôi chuyển đến Vũng Tàu và nhận nhiệm vụ với tư cách là Tổng giám đốc đầu tiên của The Imperial Hotel Vũng Tàu, khách sạn theo phong cách Victorian sang trọng bậc nhất Vũng Tàu. Đây là một khu phức hợp tuyệt vời với 390 phòng nghỉ cao cấp và sang trọng.

 

 

Năm 2011, tôi gia nhập Ocean Hospitality với cương vị Tổng quản lý Sunrise Premium Resort & Spa Hội An trong suốt 10 năm. Trong quá trình gắn bó với OCH, bên cạnh vị trí Tổng quản lý Sunrise Hội An, tôi còn đảm nhiệm vai trò CEO của công ty. Thời điểm đó, Sunrise Hội An là khu nghỉ dưỡng thành công nhất tại Quảng Nam cả về doanh thu và lợi nhuận. 

 

Do nhu cầu và yêu cầu của nhiều chủ sở hữu, năm 2017, tôi thành lập Công ty Quản lý Khách sạn Đức Việt (DV Hospitality), chuyên cung cấp dịch vụ quản lý, tư vấn và hỗ trợ phát triển cho các chủ khách sạn độc lập. 

 

Với tôi, Việt Nam còn hơn cả một quê hương thứ hai. Đó cũng là lý do vì sao xuyên suốt 22 năm qua, tôi luôn lựa chọn đồng hành cùng các tập đoàn, khách sạn Việt Nam để có thể vận dụng những kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và tầm nhìn chiến lược của mình vào hành trình nâng tầm thương hiệu khách sạn Việt. 

 

 

Tôi tò mò vì sao ông thành lập DV Hospitality? Chắc hẳn ông đã gửi gắm nhiều tình yêu, khát khao ở DV Hospitality?

 

Tôi thành lập Công ty Quản lý Khách sạn Đức Việt vào năm 2017 và đã làm việc với nhiều chủ sở hữu trong các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao như Sunrise Premium Resort, Sunrise Nha Trang và cả Starcity Nha Trang sau đại dịch.

 

 

DV Hospitality với tôi mang rất nhiều ý nghĩa. D đại diện cho nước Đức nơi tôi sinh ra và lớn lên, V đại diện cho Việt Nam - nơi tôi chọn là nhà. Tôi gửi gắm ở DV Hospitality tất cả đam mê cá nhân dành cho ngành khách sạn và tình yêu mà tôi dành cho đất nước Việt Nam.

 

Dịch vụ trọng tâm của DV Hospitality là đồng hành cùng chủ đầu tư trong nước trong quá trình xây dựng, vận hành khách sạn độc lập để bù đắp sự thiếu hụt của bộ máy điều hành chất lượng cao; cố vấn và đào tạo nhân sự, triển khai kế hoạch kinh doanh, truyền thông và tiếp thị phù hợp để đạt được kết quả chủ đầu tư mong muốn.

 

 

 

Ông nhận thấy đất nước Việt Nam nói chung, ngành du lịch Việt Nam nói riêng đã thay đổi như thế nào trong 22 năm qua? 

 

Những thay đổi và chuyển đổi của Việt Nam với tư cách là một điểm đến du lịch toàn cầu là rất lớn. Tôi rất tự hào về thành tích của Việt Nam và tôi vinh dự được là một phần của sự phát triển này. 

 

Du lịch Việt Nam tăng trưởng nhanh theo cấp số nhân cho đến khi Covid-19 kéo cả thế giới chững lại. Đó là sự phát triển tuyệt vời đối với ngành kinh tế xanh của một quốc gia.

 

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh cũng đi kèm nhiều thách thức như công tác tìm kiếm, nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ lao động có đam mê, nhiệt huyết, năng lực và trình độ cao. Hậu Covid-19, ngành kinh tế xanh Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua nhưng với quyết tâm của các nhà lãnh đạo và thế hệ trẻ Việt Nam, tôi tin ngành du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

 

Hậu Covid-19, ông nhận thấy ngành du lịch, khách sạn Việt Nam đã có những cơ hội và thách thức nào?  

 

Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm rung chuyển ngành du lịch, nhưng tôi thấy sự thiết lập lại này sau Covid-19 là một điều tích cực. Để vượt qua tình trạng khó khăn, bế tắc, các doanh nghiệp phải tự tái tạo, suy nghĩ lại về chiến lược, trân trọng những gì đã và đang có, học hỏi từ những sai lầm trước đại dịch và dẫn dắt ngành du lịch phục hồi lâu dài và vững chắc sau màn sương mù của Covid-19. Tôi nhìn thấy Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch tốt hơn, chất lượng cao hơn.

 

Covid-19 và việc mở cửa biên giới đã cho Việt Nam thời gian để đánh giá lại sự phát triển trước dịch bệnh, đồng thời tìm kiếm nhân sự sẵn lòng cam kết gắn bó với ngành dịch vụ khách sạn. Tuy nhiên, hiện nay, rất khó để thuyết phục nhân sự làm việc theo ca và điều quan trọng không kém chính là cho những người sẵn sàng gia nhập ngành du lịch thấy con đường sự nghiệp đầy tiềm năng của họ với mức lương cạnh tranh và cơ hội để người Việt xây dựng cuộc sống chất lượng cho bản thân và gia đình họ.

 

 

Làm thế nào để ngành du lịch Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội và hoá giải những khó khăn, thách thức đó, thưa ông? 

 

Thách thức là Cơ hội! Hãy đối mặt với thực tế rằng, không có gì là hoàn hảo ở bất kỳ quốc gia nào và chúng ta đang đi đúng hướng với tốc độ ổn định hướng tới du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. 

 

Có thể mất thời gian nên chủ sở hữu cũng như người điều hành phải thận trọng và kiên nhẫn. Đặt tiêu chuẩn ở mức có thể đạt được, kết quả có thể đạt được và phát triển ổn định thay vì nhanh và không an toàn.

 

 

 

Ông đã đồng hành với Almanity Hội An từ tháng 6/2022, sau khi bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng, ông đã làm thế nào để giúp khu nghỉ dưỡng trở thành nơi dừng chân lý tưởng khi du khách khám phá Hội An?

 

Almanity Hội An được thành lập từ năm 2014 tại Hội An. Trải qua dịch Covid 19, khách sạn đã phải đối mặt với những thách thức về vận hành tổng thể, những khó khăn từ Ban quản lý tiền nhiệm khi họ không thể đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và dần đánh mất vị thế của mình trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt của Hội An.

 

DV Hospitality đã phân tích sâu những thế mạnh của thương hiệu, những thách thức về vận hành, thách thức về tài chính; triển khai chiến lược kinh doanh và tiếp thị dựa trên những nét riêng độc đáo của khách sạn; cũng như khởi tạo lại toàn bộ hình thái nguyên bản của một khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe ngay trung tâm Hội An với hơn 40 phòng spa lớn ấn tượng. 

 

Việc mời doanh nghiệp lữ hành từ các thị trường trong nước đến khảo sát dịch vụ của Almanity Hội An Resort & Spa và tạo chính sách tốt cho khách hàng Việt Nam đã giúp dòng tiền phục hồi khi mà thị trường quốc tế gần như đóng băng.

 

Việc chuyển đổi hoạt động chính là lưu trú sang định hướng Chăm Sóc Sức Khoẻ và F&B là cần thiết để khu nghỉ dưỡng tồn tại và phát triển. Mặc dù khái niệm Almanity Wellness đã phần nào thay đổi sau đại dịch, chúng tôi vẫn tự hào có lượng lớn khách hàng lưu trú và không lưu trú tại khách sạn sử dụng dịch vụ của My Chi Spa.

 

 

Kết quả kinh doanh thực tế đang vượt xa so với những năm 2019, 2018 và 2017. Đó là nhờ những thay đổi về chính sách giá, ứng dụng nhiều kỹ thuật trị liệu mới, xây dựng nhiều phòng spa mới cho massage kiểu Thái và các liệu trình Ayurveda, mở rộng khu vực xông hơi và phát triển thêm mảng ẩm thực thực dưỡng bằng cách thêm nhiều lựa chọn hơn cho thực khách ăn chay ngay cả trong bữa sáng.

 

Hiểu biết chung và am hiểu xu hướng thị trường, quan sát đối thủ cạnh tranh và thiết lập mối quan hệ với họ là những điều cần thiết làm nên thành công. Tư duy vượt khuôn mẫu và tạo ra xu hướng sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài trong thị trường cạnh tranh như hiện tại. Trở thành người lãnh đạo cởi mở, lắng nghe, chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn.

 

Cách làm việc của DV Hospitality là trao quyền cho các trưởng bộ phận để mỗi trưởng bộ phận là một mắt xích quan trọng của chuỗi vận hành, chịu toàn bộ trách nhiệm cho kết quả tài chính chung của khách sạn. 

 

 

Tôi tin là sau Almanity Hội An, ông và DV Hospitality sẽ có những dự án mới, đơn cử như The Imperial Group - nơi ông đã đồng hành từ những ngày đầu thành lập? Vai trò của ông tại đây là gì và ông mong muốn cũng như có kế hoạch gì để nâng tầm khu nghỉ dưỡng này? 

 

The Imperial Hotel - Vũng Tàu Beach được thành lập cách đây 14 năm và đó là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam tôi đồng hành từ giai đoạn tiền khai trương. Do đó, khu nghỉ dưỡng có vị trí quan trọng đối với tôi. 

 

Suốt những năm qua, dự án này được phát triển với Beach Club sang trọng, toà Residences đẳng cấp. The Imperial Hotel - Vũng Tàu Beach được coi như khách sạn theo phong cách Victorian sang trọng nhất Việt Nam. Tôi đang hỗ trợ Ban lãnh đạo The Imperial Group tái phát triển và tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, phát triển sản phẩm, chiến lược kinh doanh và tiếp thị, cũng như đánh giá lại quy trình vận hành thực tế và đề ra chiến lược phát triển phù hợp cho khách sạn.

 

 

Tôi sẽ tích cực quảng bá biển Vũng Tàu tuyệt vời như thế nào, thay đổi định kiến của nhiều du khách cho rằng nơi đây đông đúc, nhưng trên thực tế Vũng Tàu lại là một trong những bãi biển gần nhất và sạch nhất gần với TP.HCM.

 

Đặc biệt, từ nhiều năm trước, Tập đoàn Imperial đã thành lập Trường Quản trị khách sạn du lịch quốc tế Imperial. Đây là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam hoạt động theo mô hình đào tạo chuẩn quốc tế Hotel School; có cơ sở đào tạo trong khu tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp 5 sao chuẩn quốc tế. Chương trình được đồng thiết kế bởi Đại học Niagara (New York, Hoa Kỳ) cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành nhiều kinh nghiệm của khách sạn Imperial Vung Tau; được thẩm định, quản lý chất lượng và cấp bằng bởi tổ chức NCFE (Vương quốc Anh). Học tập tại đây, các bạn trẻ có thể lấy chứng chỉ quốc tế, học tập nâng cao cũng có cơ hội du học tại chỗ để trở thành những nhà lãnh đạo tương lai. 

 

Mục tiêu của tôi là không ngừng phát triển bản thân và cống hiến nhiều hơn nữa cho Việt Nam bằng cách tập trung vào đào tạo, phát triển, thúc đẩy tiềm năng của ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam.

 

 

 

Sống và làm việc tại Việt Nam 22 năm qua, tôi tin ông đã luôn dành những tình cảm đặc biệt cho đất nước hình chữ S. Trong trái tim ông, Việt Nam có vị trí như thế nào?

 

Việt Nam là quê hương của tôi và tôi vô cùng tôn trọng những khó khăn mà Việt Nam đã phải đối mặt. Người Việt Nam luôn nỗ lực trong mọi hoàn cảnh để thành công và trở thành người chiến thắng. 

 

Tôi đã học được từ người Việt Nam cách trân trọng những điều giản dị, kiên trì, chăm chỉ, đam mê và vô cùng tự hào về Tổ quốc của các bạn.

 

Mẹ và chú của tôi là hai người thân duy nhất còn lại của tôi tại Đức. Họ đến Việt Nam hàng năm và đều yêu mến con người, đất nước, ẩm thực và xây dựng tình bạn chân chính kéo dài hàng chục năm nay với “đất nước hình chữ S”.

 

 

Là người yêu mến đất nước Việt Nam, ông mong muốn được đóng góp như thế nào cho ngành du lịch Việt Nam và mong muốn ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong tương lai? 

 

Việt Nam là nhà, là quê hương thứ hai của tôi, và như tôi đã chia sẻ, tại Việt Nam, tôi đã tìm thấy tình yêu của đời mình. Tôi muốn khẳng định rằng, thập kỷ cuối cùng của tôi trước khi nghỉ hưu là cống hiến cho đất nước và con người Việt Nam.

 

Tôi khát khao đào tạo các thế hệ trẻ, chỉ cho họ con đường phía trước để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo trong ngành du lịch, khách sạn. Và chắc chắn, thành công của họ sẽ là phần thưởng tuyệt vời nhất đối với tôi.

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 19/06/2023 09:18