Nội dung, thiết kế: Hồ Hạ   |   Ảnh: Chí Cường, NVCC

Để được nhiều người yêu mến, nể trọng phong cho những cái tên “tỷ phú gà lạnh”, “vua gà lạnh” như hiện tại, doanh nhân Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã vượt qua nhiều thất bại, đắng cay trong quá khứ, vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, tự tin đi vào tâm bão để lội ngược dòng ngoạn mục.

 

Tầm nhìn xa, sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và chỉ làm việc khó, dám đương đầu với chông gai, tiên phong áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, dám thay đổi và học hỏi để có thể bắt tay với “những người khổng lồ” như Tập đoàn De Heus (Hà Lan) của doanh nhân Vũ Mạnh Hùng đã giúp Việt Nam có thêm hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao “bom tấn” hàng nghìn tỷ đồng, tập trung tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

 

Những dự án này được đầu tư theo hướng thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, sản phẩm chất lượng cao, tạo tiền đề cho các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt lợn, thịt gà của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu và nhiều thị trường khó tính khác. Đồng thời, giải quyết bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn và gà năng suất chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra chuỗi liên kết, phát triển bền vững từ con giống đầu vào, thức ăn, quy trình chăm sóc, giết mổ, chế biến và phân phối theo chuỗi kinh tế tuần hoàn. Từ đó, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động và tạo sinh kế để người nông dân vươn lên làm giàu.

 

Thế nên, việc Tập đoàn Hùng Nhơn được vinh danh “Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông”, Giải thưởng “Sao Vàng đất Việt”, “Top 200 thương hiệu Việt”, doanh nhân Vũ Mạnh Hùng được trao tặng cúp vàng “Giám đốc tài năng”… cũng là điều hiển nhiên.

 

Với triết lý kinh doanh “không cạnh tranh với người nông dân”, nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, doanh nhân Vũ Mạnh Hùng đã dành cho phóng viên Báo Đầu tư một buổi chiều, để “dốc hết ruột gan” về hành trình đầu tư vào nông nghiệp nhiều gian nan, nhưng cũng đầy ắp “trái ngọt”.

Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng trò chuyện với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

 

 

Từ một trang trại gà quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hộ gia đình những năm 2000, sau hơn 20 năm, giờ đây Tập đoàn Hùng nhơn đã trở thành doanh nghiệp đa ngành, hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam với thế mạnh chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến theo quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, Global GAP và các tiêu chuẩn chuyên ngành quốc tế. Hành trình ấy chắc hẳn không hề bằng phẳng, thưa ông?

 

Câu hỏi của nhà báo vừa gợi cho tôi nhớ lại hai lần thất bại không thể nào quên, cũng là những kinh nghiệm rất đáng trân quý. Có thể nói, tôi khởi nghiệp từ trong khó khăn và thành công bởi biết rút ra bài học từ thất bại, dám đương đầu với thử thách và có sự quyết đoán.

 

Khởi nghiệp với trại nuôi gà quy mô mỏ khoảng 300 con vào năm 2001, nhưng chỉ 2 năm sau, trận dịch cúm gia cầm đã khiến tôi trắng tay. Lúc đó, tôi khá sốc. Nhưng khi định thần lại, ngước lên bầu trời, tôi thấy một ánh sao nhỏ nhoi, nhưng nổi bật trên nền trời đen thẳm, tôi tự nhủ ngã ở đâu, phải đứng dậy ở đó, phải nỗ lực vượt lên số phận, như ánh sao nhỏ bé kia tỏa sáng trong đêm.

 

Nghĩ là làm, tôi cầm cố hết tài sản, vay vốn ngân hàng để gây dựng lại sự nghiệp. Song, thời điểm đó, gà ngoại được nhập về ồ ạt, giá lại rẻ nên các sản phẩm gà của tôi bị tồn kho. Trong khi đó, lãi suất vay lên tới hơn 20%/năm, nên toàn bộ vốn liếng một lần nữa hết sạch. Thú thật, không ít lần tôi đã muốn buông xuôi. Nhiều đêm liền, tôi không thể nào ngủ trọn giấc vì khó khăn bủa vây. Tôi thường tỉnh dậy lúc nửa đêm. Đêm thanh tĩnh lặng, nhìn các thành viên trong gia đình, nghĩ đến 600 nhân viên và bao công sức, tâm huyết đã đổ ra, tôi mới có động lực để sống và tiếp tục cố gắng.

 

Từ những thất bại đầy đắng cay, tôi nghiệm ra rằng, không thể làm giàu với cách làm tiểu nông mãi được. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định phải đi ra thế giới xem những người thành công làm ăn thế nào. Trong đầu tôi lặp đi lặp lại câu hỏi: “Tại sao người ta làm được, còn mình thì cứ thất bại nối tiếp? Và tôi đã có một cuộc hành trình dài đến các nước Đức, Hà Lan, Bỉ, Thái Lan để tham quan các trang trại nuôi gà. Tôi nghiệm ra, mình thất bại là do nuôi gà bằng chuồng hở, lại nuôi số lượng lớn, không đủ kỹ thuật chăm sóc nên gà chậm lớn, dịch bệnh xảy ra là đương nhiên. Vậy giải quyết bằng cách nào? Con đường duy nhất là đầu tư chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, gọi là chuồng lạnh.

 

 

Lúc này, tôi khá tự tin để một lần nữa đi vào “tâm bão”, kiên định với con đường chăn nuôi đã chọn. Năm 2007, tôi tiếp tục gom hết vốn liếng, quyết tâm khởi nghiệp lần thứ 3. Năm đó, Công ty Hùng Nhơn khánh thành trang trại nuôi gà lạnh Thùy Thảo đầu tiên, với vốn đầu tư 80 tỷ đồng, trên diện tích 20 ha, nuôi gà theo mô hình tiên tiến nhất của Đức. Quy trình chăn nuôi tự động hóa 100%, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, nước uống, thức ăn mỗi ngày trên từng con gà. Với quy trình này, mỗi năm trại gà Thùy Thảo cung cấp cho thị trường hơn 4.500 tấn thịt gà sạch. Nhờ đó, chúng tôi đã thắng lớn và chuyển mình, bứt phá, tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường dài sau đó.

 

Thành công từ trang trại gà lạnh, tôi tiến vào một con đường khó hơn. Đó là tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi heo với quy mô 9.600 heo nái, mỗi năm cung cấp hơn 300.000 con giống cho nông dân khu vực miền Đông Nam bộ và 25.000 con heo thịt với quy mô được cho là hiện đại nhất lúc bầy giờ ở Việt Nam, ngang tầm với các nước trong khu vực với số tiền đầu tư hơn 170 tỷ đồng.

 

Đầu tư vào chuỗi chăn nuôi khép kín giúp giải được bài toán rủi ro vì “không bỏ trứng vào một rổ”. Bởi, khi gà rớt giá sẽ có heo, heo rớt giá sẽ có trứng gà... Mô hình kinh doanh khép kín từ đầu vào tới đầu ra giúp chúng tôi giảm chi phí tối đa và tạo được việc làm cho người lao động.

 

 

Tháng 9/2017, hơn 300 tấn thịt gà trong chuỗi xuất khẩu, trong đó có Hùng Nhơn đã được xuất sang thị trường Nhật. Đây là lô thịt gà được xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang thị trường khó tính này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, “không có thị trường khó tính, mà quan trọng là sản phẩm của mình có đủ tốt hay không”.

 

Với tư duy “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, chúng tôi lựa chọn đứng trên vai của người khổng lồ, cùng đồng hành hợp tác đầu tư hệ thống chuỗi giá trị cao, vượt trội áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn Hùng Nhơn đang đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống trang trại công nghệ cao tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đang áp dụng hệ thống công nghệ của các tập đoàn lâu đời ở châu Âu. Trong đó, chúng tôi hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) có hơn 100 năm kinh nghiệm, Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) với trên 90 năm kinh nghiệm và tập đoàn ở Nhật với trên 60 năm hoạt động. Hệ thống trang trại chăn nuôi của Hùng Nhơn đã đạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế Global GAP, gồm 349 tiêu chí, gấp mấy trăm lần so với tiêu chuẩn VietGAP, chỉ có 12 tiêu chí.

 

 

Tôi tò mò, tại sao ông đặt tên cho trang trại nuôi gà lạnh hiện đại đầu tiênThùy Thảo?

 

Thùy Thảo là tên của hai con tôi. Sau hai lần tay trắng, tôi đặt hết niềm tin, hy vọng, quyết tâm và cả tình yêu vào trang trại gà lạnh Thùy Thảo - đứa con tinh thần của tôi giống như với các con tôi. 

 

 

Tại các sự kiện của ngành nông nghiệp, ôngông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á luôn xuất hiện cùng nhau. Được biết, Tập đoàn Hùng Nhơn vừa kỷ niệm 10 năm hợp tác với Tập đoàn De Heus. Liên doanh De Heus - Hùng Nhơn (DHN) đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp một cách bền vững từ trang trại đến bàn ăn, hướng tới nền nông nghiệp Việt Nam ngày một phát triển ổn định, bền vững và thịnh vượng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thành công này?

 

Hiện tại, anh Gabor Fluit là người bạn đồng hành tin cậy của tôi, cũng như tôi đang đặt trọn niềm tin và hy vọng vào đối tác của mình - Tập đoàn De Heus đến từ châu Âu với hơn 100 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi. Họ rất tử tế và mang lại sự tự tin cho chúng tôi.

 

Như nhà báo biết, tiềm lực của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé, do đó, chúng ta cần đứng trên vai người khổng lồ, dựa vào họ để đi lên. Tất nhiên, họ cũng sẽ có lợi ích trong mối quan hệ với chúng ta. Chúng tôi hợp tác Win-Win chứ không có chuyện ai ngồi trên, ai ngồi dưới. Quan trọng nhất là cách làm và cách thiết lập toàn bộ hệ thống hài hòa lợi ích cho các bên.

 

Đặc biệt, trong sự phối hợp giữa Hùng Nhơn và De Heus, cả tôi, anh Garbor Fluit và Johan van den Ban (Tổng giám đốc De Heus Việt Nam) đều rất hiểu nhau. Khi có ý tưởng, ngồi nói chuyện với nhau là chúng tôi có thể quyết liền. Chúng tôi tâm đầu ý hợp từ cách nói chuyện đến cách làm việc. Thế nên, có dự án ngàn tỷ đồng, thậm chí chúng tôi chỉ chốt trong vài giờ.

 

 

Những năm qua, chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn đã có những thành công lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, xuất khẩu chế biến thực phẩm. Đơn cử, các dự án của DHN đã đi vào hoạt động như: “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk; Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh giai đoạn 1…

 

Theo chiến lược phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao năm 2024 và tầm nhìn đến năm 2030, DHN sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới. DHN sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi nguồn con giống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 37.500 heo giống cụ, kỵ, heo nái thương phẩm tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ; 83 triệu con gà giống và gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD, tương đương 46.500 tỷ đồng mỗi năm.

 

Ông vừa chia sẻ rằng có những dự án nghìn tỷ được lãnh đạo DHN chỉ chốt trong vài giờ. Điều đó có quá “mạo hiểm”, nhất là với một lĩnh vực nhiều rủi ro như chăn nuôi, thưa ông?

 

Với người làm kinh doanh, “máu liều”, sự mạo hiểm là cần thiết và phải quyết đoán mới có thể chớp được cơ hội. Tôi và anh Gabor Fluit rất quyết đoán, nhưng chúng tôi luôn phải dựa trên cung cầu thực tế, phân tích tất cả các yếu tố với những căn cứ rõ ràng. Và thực tế, hầu như những mục tiêu DHN đặt ra đều đạt được, kể cả dịch bệnh thì kết quả kinh doanh vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

 

 

Chúng tôi luôn nhìn về phía trước, nhìn vào đích đến của dự án để quyết định mọi việc. Chẳng hạn, vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù ở những khu dân cư, sự chênh lệch giá đất ở những khu vực có giá 100 triệu với nơi có giá 800 triệu đồng cho một hộ dân thì cổ đông hoặc doanh nghiệp sẽ thấy rất e ngại vì số tiền chênh lệch quá lớn. Nhưng chúng tôi không chỉ nhìn vào vấn đề đó mà nhìn về dự án tổng thể để đầu tư.

 

Và vấn đề quan trọng nhất là vùng an toàn dịch bệnh. Chúng tôi nhìn được những rủi ro và định hình được vấn đề đó có giải quyết được hay không. Khi khu vực đó có diện tích đủ lớn và đảm bảo các điều kiện thì chúng tôi rất quyết đoán, rất nhanh và dứt khoát. Thời điểm dịch Covid-19 vẫn hoành hành, hầu như 10 người thì 9 - 10 người đều khẳng định là dự án ở Đắk Lắk không thành công. Vì lúc đó còn phụ thuộc và có nhiều rủi ro từ rừng núi rồi người đồng bào dân tộc thiểu số… Nhưng giờ thì dự án đang hoạt động rất hiệu quả.

 

Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng và doanh nhân Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus Châu Á.

 

Đây có phải bí quyết giúp ông và liên doanh DHN nắm bắt được những cơ hội vàng?

 

Có lẽ là như vậy. Tôi luôn nghĩ rằng, muốn tận dụng cơ hội thì người thủ lĩnh của doanh nghiệp phải quyết đoán, quyết nhanh, gọn, lẹ. Như tôi chia sẻ, có những dự án 1.000 - 2.000 tỷ đồng, tôi và anh Gabor Fluit bàn bạc và đưa ra quyết định trong khoảng vài giờ đồng hồ.

 

Chăn nuôi là lĩnh vực cực kỳ mạo hiểm để đầu tư. Nhưng khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, dám mạo hiểm thì mới thành công được. Tôi thích hành động ở những thời điểm mạo hiểm vì khi đó tất cả mọi người đang ngồi yên.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ thành công càng cao hơn, mặc dù khó khăn hơn. Lúc đó, đối thủ cạnh tranh của mình sẽ rất ít. Còn đầu tư thời điểm bình thường, đối tác của mình có hàng trăm sự lựa chọn, cơ hội thành công cũng sẽ giảm đi.

 

 

Vậy đâu là yếu tố cốt lõi để ông quyết định xuống tiền đầu tư dự án ở một địa phương nào đó?

 

Đó là yếu tố con người. Tôi kể cho nhà báo nghe chuyện này. Ngày 8/5/2019, chúng tôi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Trong buổi họp đó có 11 vị Chủ tịch huyện, thị xã của tỉnh này. Có 10 huyện chỉ cử mộtlãnh đạo hoặc chuyên viên ngành nông nghiệp đi dự. Nhưng riêng huyện Cư M'Gar có cả Bí thư, Chủ tịch huyện xuất hiện cùng Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thế là chúng tôi chọn ngay huyện Cư M'Gar. Đến ngày hôm nay, dự án 1.500 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và có thể khẳng định dự án đã thành công. Quan điểm của tôi khi đến tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các địa phương khác nói chung là nhìn con người trước tiên, vì con người thì không thể nào hoặc rất khó thay đổi được, nhưng mà đất, sỏi đá thì chúng ta cải tạo được hết.

 

 

Đối với các dự án, Hùng Nhơn đóng vai trò chủ đạo trong việc đặt nền tảng từ đầu tới cuối. Ví dụ, khi đến Kon Tum, chúng tôi khẳng định dự án Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN quy mô khoảng 200ha, bao gồm một số khu tổ hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn châu Âu và khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ trị giá 1.450 tỷ đồng chỉ mất 1-2 năm là hoàn thành.

 

Ngược lại, phía chính quyền phải rất rõ ràng về cơ chế, nếu không thì chúng tôi đi làm chỗ khác. Bởi vậy, tỉnh Kon Tum rất thích cách làm của Hùng Nhơn và De Heus. Họ sẵn sàng minh bạch cơ chế với chúng tôi. Vậy là hai bên không còn gì do dự mà bắt tay ngay vào công việc.

 

 

Vốn đã gây dựng được cả một vùng đồng bằng thực phẩm an toàn gần với thị trường TP.HCM ở Đồng Nai và Bình Phước, tại sao Hùng Nhơn và De Heus lại chọn Tây Nguyên là nơi tiếp theo để làm tổ, thay vì mở rộng vùng an toàn đã có, thưa ông?

 

(Cười) Rất nhiều người cũng đã đặt cho tôi câu hỏi tương tự. Tại sao các doanh nghiệp khác tập trung vào Đông Nam Bộ, mà chúng tôi lại lên Tây Nguyên để đầu tư dự án chăn nuôi? Câu trả lời là nếu mình lên Tây Nguyên trước, quy hoạch được vùng an toàn dịch bệnh thì trong 10 - 20 năm sau sẽ có lợi thế rất lớn.

 

Thời điểm cách đây khoảng 3 năm, các doanh nghiệp ở Việt Nam hầu như ngại đầu tư ở Tây Nguyên. Họ sẽ tập trung ở vùng Đông Nam Bộ hay các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh gần với TP.HCM. Nhưng trong thời điểm đó, tôi và anh Gabor lên Tây Nguyên, chọn Đắk Lắk, chọn Kon Tum, chọn Gia Lai, chọn Đắk Nông, chọn Lâm Đồng là những thủ phủ ở đó để tập trung phát triển con giống. Vì thứ nhất là thời tiết mát, thứ hai là khu vực đó không có nhiều dự án thì sẽ có khoảng 2 tới 3 cây số cho vùng an toàn dịch bệnh.

 

Mặt khác, thời điểm 2 năm đầu, cự ly vận chuyển thức ăn gia súc từ Bình Định vào Tây Nguyên rất xa, nhưng tới thời điểm này, đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa rồi Phú Yên - Bình Định, một loạt cao tốc mở ra đến cả Bình Phước đã và sẽ giúp khoảng cách cũng như thời gian vận chuyển thức ăn, sản phẩm giảm rất nhiều. Điều đó cho thấy hướng đi của chúng tôi, sự quyết đoán của chúng tôi là đúng.

 

 

Và chúng tôi luôn nhìn xa trong 10 - 20 năm tới chứ không chỉ nhìn vào hiện tại. Vì thời điểm ban đầu có thể sẽ lỗ do chi phí vận chuyển cao, nhưng về độ an toàn dịch bệnh thì rất tốt vì không có các trang trại xung quanh, mà đất đai lại phì nhiêu. Và tôi nhấn mạnh một lần nữa là đầu tư cho chăn nuôi thì vùng an toàn dịch bệnh sẽ gần như quyết định toàn bộ số phận của trại chăn nuôi. Đây là điều đặc biệt quan trọng.

 

Còn về doanh thu, lợi nhuận, thị trường tiêu thụ, chúng tôi có bài toán của riêng mình dựa trên tầm nhìn 10 - 20 năm. Trước mắt, chúng tôi tập trung cung ứng cho thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, và định hướng sẽ xuất khẩu sản phẩm sang Hà Lan cùng với một số nước như Indonesia, Myanmar, Campuchia.

 

 

Như ông chia sẻ, triết lý kinh doanh của Hùng Nhơn Group là không cạnh tranh với nông dân, vậy các tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tập đoàn Hùng Nhơn hình thành và đi vào hoạt động, người nông dân sẽ được hưởng lợi như thế nào?

 

Những dự án mà chúng tôi đang phối hợp với Tập đoàn De Heus hoặc Tập đoàn Bel Gà trong hệ thống chuỗi đều có chung quan điểm là tạo lợi ích cho người nông dân. Chúng tôi sẽ cung cấp con giống chất lượng tốt nhất cho nông dân và hỗ trợ toàn bộ đầu ra sản phẩm. Đồng thời, các đối tác của chúng tôi cũng sẽ cung cấp về thuốc thú y, dây chuyền giết mổ để vận hành hệ thống các mắt xích chuỗi.

 

Tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trên thế giới, những thiết bị, những trang trại tự động hóa hoặc sử dụng toàn bộ những công nghệ thông minh.

 

Bên cạnh đó, người nông dân sẽ có cơ hội được học một cách bài bản về kỹ thuật chọn giống, về kỹ năng thực hành chăn nuôi từ những chuyên gia của nước ngoài đến từ Hà Lan, Đức, Bỉ… Chúng tôi đang phối hợp với De Heus để mở trung tâm đào tạo tại khu vực Tây Nguyên. Bởi, xuất phát điểm là người nông dân với trang trại quy mô gia đình, từng trải qua nhiều thất bại tưởng chừng không thể gượng dậy, hơn ai hết, tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa của công tác đào tạo. Điều này sẽ giúp người nông dân không lạc lối và có đủ kiến thức để không phạm sai lầm.

 

Ngoài lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi cũng sẽ quy hoạch lại vùng nguyên liệu và xây dựng hệ thống liên kết chuỗi cho bà con nông dân, hợp tác xã để sản xuất và thu mua toàn bộ bắp, củ mỳ (sắn) làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy thức ăn gia súc của De Heus sau này.

 

Đặc biệt, người lao động nhập cư hoặc đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực dự án sẽ được tạo công ăn việc làm ổn định. Và tổng thể ngành chăn nuôi trong vùng có dự án của DHN và cả những địa bàn lân cận cũng sẽ được hưởng những lợi ích này.

 

 

Từ những thành công hiện tại, theo ông, muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cần phải có những yếu tố cốt lõi nào?

 

Muốn thành công thì phải có ba điểm cốt lõi: công nghệ, tư duy và đích đến. Chúng tôi đã xây dựng chiến lược đầu tư giai đoạn 2020 - 2030, có lộ trình và mục tiêu từng năm, phân thành 2 giai đoạn. Đó là kim chỉ nam để phát triển hệ thống bộ máy tổ chức và đề ra giải pháp triển khai thực hiện.

 

Trong chăn nuôi, vấn đề an toàn dịch bệnh quyết định thành bại của trang trại. Bởi vậy, nếu người nông dân sử dụng công nghệ lạc hậu, họ sẽ phải đối mặt với vô vàn nguy cơ và rủi ro từ dịch bệnh, chất lượng, giá cả và thị trường.

 

Công nghệ chúng tôi lựa chọn là toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị của châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nên sử dụng rất ít nhân lực. Bất cứ nhà đầu tư chăn nuôi chuyên nghiệp nào cũng hiểu rõ, hầu như tất cả dịch bệnh trong trang trại là do con người mang tới.

 

Thứ ba, người đứng đầu phải có tư duy, có ý tưởng và năng lực quản trị để kết nối và dẫn dắt toàn bộ hệ thống đi đến đích cuối cùng theo lộ trình đã vạch ra.

 

 

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thường thu hồi vốn rất lâu. Vậy mà những năm gần đây, Hùng Nhơn không chỉ hợp tác phát triển hệ thống trang trại của Bel Gà mà còn cùng Tập đoàn De Heus liên tiếp khởi động hàng loạt dự án nghìn tỷ ở Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh. Mà mỗi dự án đều triển khai trong thời gian rất ngắn. Thật khó để hình dung bằng cách nào ông đã huy động được nguồn tài chính dồi dào như vậy?

 

Cách huy động tài chính của Hùng Nhơn Group rất đơn giản. Chúng tôi tập trung vào vấn đề đầu ra trước. Khi có đầu ra sản phẩm thì sẽ có nhà tài trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.

 

Việc của chúng tôi là cân, đong, đo đếm về quy mô dự án và các giải pháp sản xuất để phù hợp với đầu ra.

 

Đơn cử, khi Hùng Nhơn Group ký kết hợp được hợp đồng dài hạn (10 - 20 năm) cung cấp sản phẩm cho đối tác uy tín, thì tất cả toàn bộ hệ thống tài chính, ngân hàng sẽ có định hướng để xem xét, nhảy vào. Điểm đặc biệt của chúng tôi là: thị trường quyết định tất cả.

 

 

 

Với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), xin ông đưa ra một vài phác thảo để thấy hiện nay nền nông nghiệp Việt Nam đang ứng dụng số như thế nào và VIDA đang làm gì để đưa khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào nông nghiệp?

 

VIDA là sân chơi chung tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường. Từ đó lan tỏa và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa với mục tiêu tối thượng “Giàu từ Nông nghiệp - Prosperity by Agriculture”.

 

VIDA đã và đang hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng…

 

 

VIDA luôn tuyên truyền, khuyến cáo cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp áp dụng toàn bộ những chính sách về nông nghiệp công nghệ số. Ví dụ như Tập đoàn FPT có công nghệ tem nổi chống tem giả có thể áp dụng chosản xuất phân bón.

 

Hiện nay, trong nông nghiệp công nghệ số, ngày càng có nhiều nông dân sử dụng rất nhiều công nghệ tiên tiếnnhư điện thoại thông minh, máy vi tính… trong quá trình vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ởnhiều khu vực vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, nông dân muốn sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến mà không được do không có sóng điện thoại. Đây là một trong những cản trở đối với vấn đề áp dụng và sử dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Vì thế, chúng tôi đã và đang đầu tư cột sóng điện thoại ở những khu vực vùng sâu vùng xa có trang trại để tạo kết nối cho người nông dân.

 

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cũng đang định hướng cho tất cả các doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng công nghệ số vào thực tiễn hoạt động của hệ thống các trang trại. Vì xu hướng hiện nay, các tỉnh, thành phố sẽ có những tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, hoặc tiêu chí về chất lượng đầu tư, trang thiết bị, doanh nghiệp đáp ứng được mới cấp phép cho đầu tư.

 

Hiện nay, Chính phủ quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. Do đó, chúng tôi cũng đang tính toán để có một hướng đi tổng thể cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp số vào thực tiễn hoạt động của tất cả những trang trại.

 

 

Như ông nói, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số là xu thế không thể đảo ngược. người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp, cũng như với người nông dân khi đầu tư vào lĩnh vực này?

 

Hiện tại, chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn đang đầu tư theo tiêu chuẩn Global GAP với khoảng 349 tiêu chí, còn nông dân Việt Nam thường đang đầu tư theo tiêu chuẩn Viet GAP khoảng 12 đến 13 tiêu chí.

 

Trước tiên, tôi muốn khuyến cáo người nông dân xây dựng ý tưởng và tập trung hình thành trại chăn nuôi theo khuôn khổ của pháp luật. Cùng với đó, phải ý thức được vấn đề ký kết hợp đồng với các đối tác thì giá trị uy tín phải đặt lên hàng đầu. Bởi khi đó mới hình thành được hệ thống chuỗi và xuất khẩu. Phải có uy tín, hiểu được cách làm, hiểu được hướng đi thì mới phối hợp được với nhau và mang lại giá trị cho nhau.

 

 

Về nông nghiệp công nghệ cao, người nông dân của Việt Nam rất giỏi về công nghệ, nhưng hầu như họ không nhìn ra được hướng đi. Tư duy của người nông dân Việt Nam là nghĩ ngắn, nghĩ đến cái lợi trước mắt. Chẳng hạn như giá thị trường cao thì bán ra ngoài. Hay đầu tư ban đầu chi phí thấp để tối đa lợi nhuận, nhưng không nghĩ đến khi dịch bệnh thì sẽ mất cả chì lẫn chài, bị tiêu hủy vật nuôi, mất toàn bộ chi phí thức ăn, chi phí quản lý, chi phí vaccine, chi phí thuốc…

 

Trong khi đó, chăn nuôi theo chuỗi sẽ phòng ngừa được dịch bệnh ngay từ khâu đầu tiên, từ con giống, đến thức ăn, khâu chăn nuôi, rồi giết mổ, chế biến. Cho nên, làm theo chuỗi thì tỉ lệ an toàn và thành công sẽ cao hơn. Mặt khác, rủi ro thì tất cả chi phí cùng nhau gánh vác sẽ không quá nặng nề. Đó là cách những nông dân và doanh nghiệp châu Âu đang làm. Những người nông dân Việt Nam nên học tập để định hướng phát triển lâu dài.

 

 

 

một chuyên gia và cũng là doanh nhân thực chiến nhiều năm trong ngành nông nghiệp, theo ông, năm 2024, nông nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn nào và chúng ta phải làm gì để tận dụng được những cơ hội đó?

 

Hiện nay, Chính phủ luôn khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Cho nên, rất nhiều chính sách Chính phủ đưa ra, được Quốc hội thông qua như Luật đất đai sửa đổi gần đây đã và đang tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển.

 

Theo tôi, khi Chính phủ đã nhìn được vấn đề tổng thể của nền nông nghiệp, coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thì năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ phát triển. Và tôi tin rằng, nông nghiệp sẽcó sự phát triển bứt phá trong thời gian tới. Bởi hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Cả những thị trường xuất khẩu mà hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, trong đó có các thị trường của De Heus và Hùng Nhơn đều phát triển.

 

 

Cùng với đó, tư duy của người dân làm nông nghiệp ngày càng đổi mới. Họ nhìn nhận được cách họ đang đầu tư vào nông nghiệp để phối hợp với các doanh nghiệp làm nông nghiệp theo chuỗi, còn cả làm du lịch nông nghiệp hoặc phát triển những khu nông nghiệp công nghệ cao.

 

Tôi nghĩ, đó là những điểm mấu chốt, là nền tảng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp giai đoạn 2024 -2030.

 

Hơn 20 năm xây dựng không ngừng nỗ lực để xây dựng những chuỗi liên kết, những vùng an toàn cho chăn nuôi gà, heo, hạnh phúc của ông khi đầu tư vào nông nghiệp là gì?

 

Là doanh nhân, đầu tư vào nông nghiệp hay bất cứ lĩnh vực nào cũng không ngoài mục đích kiếm tiền. Nhưng tôi không để đồng tiền sai khiến mình. Tôi không kiếm tiền bằng mọi giá. Vì mỗi ngày, tôi cũng chỉ cần ăn một chén cơm, 2 ổ bánh mỳ và 2 lít nước lọc.

 

Tôi muốn làm điều gì đó tốt cho xã hội, nhất là khi vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

 

Nếu kiếm tiền nhanh, tôi có thể đầu tư bất động sản, chứng khoán, nhưng nó không mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cho nhiều người.

 

Hùng Nhơn Group hiện có 1.200 nhân viên. Xuất phát từ cái tâm, sử dụng đắc nhân tâm giúp tôi thu phục họ sống và làm việc hết mình. Họ làm việc cho Tập đoàn như làm việc của chính họ và được hưởng quyền lợi xứng đáng. Họ làm để khẳng định thương hiệu cá nhân của chính mình. Điều đó khiến tôi hạnh phúc!

 

Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng thăm công nhân người dân tộc thiểu số ăn Tết tại các nhà máy. 

Tập đoàn Hùng Nhơn là doanh nghiệp đi lên từ chăn nuôi, với kinh nghiệm trên 20 năm phát triển đã vươn mình trở thành tập đoàn “đa ngành nghề” hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Tập đoàn Hùng Nhơn đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, Global GAP và các tiêu chuẩn chuyên nghành quốc tế khác.

 

Tập đoàn Hùng Nhơn hiện sở hữu 15 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN, với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trong đó hệ thống trang trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà mỗi năm, hệ thống trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng mỗi năm, hệ thống các trang trại nuôi heo giống cụ, kỵ, ông bà, bố mẹ và heo thương phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế với tổng sản lượng 14.000 con heo giống (bố mẹ) và 375.000 con heo thương phẩm mỗi năm 

 

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ - ẢNH: CHÍ CƯỜNG 14/02/2024 08:35