Bài, thiết kế: Hồ Hạ   |   Ảnh: NVCC

Ngay lần đầu gặp gỡ, doanh nhân trẻ sinh năm 1996, quốc tịch Hàn Quốc Yoon Kyu Hee, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Tài chính Quốc Gia (NAFICO), đã gây bất ngờ với người đối diện bởi khả năng nói tiếng Việt lưu loát, chuẩn mực như tiếng mẹ đẻ. Chàng doanh nhân tự nhận mình có “một phần Việt Nam rất lớn”, bởi dù mới chỉ 26 tuổi, nhưng chàng trai đến từ Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, đã có hơn 20 năm sinh sống, học tập và làm việc tại đất nước hình chữ S.

 

Coi Việt Nam là quê hương thứ hai không thể rời xa, ít nhất là trong khoảng 40 năm nữa, Yoon Kyu Hee chia sẻ, cuộc sống ở Việt Nam “quá là thoải mái” và hội đủ tiềm năng, cơ hội trở thành “tổ ấm” của các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế.

Năm 1993, ngay sau thời điểm Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992, bố Yoon Kyu Hee - ông Yoon Sang Il, một doanh nhân năng động, thức thời đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Sau đó, ông thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật sản xuất ắc quy cho Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam tại Hải Phòng.

 

Ban đầu, ông dự định sẽ ở Việt Nam khoảng 6 tháng, nhưng sau đó nhận thấy dư địa phát triển thị trường ắc quy ở Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ”, nên ông quyết định thành lập Công ty TNHH ắc quy LAVA tại Hà Nội.

 

Năm 1999, Yoon Kyu Hee theo bố mẹ sang Việt Nam. Mới đây, khi tuổi đã cao, bố mẹ Yoon Kyu Hee quyết định về nước sinh sống, nhưng anh vẫn một mình ở lại Việt Nam, vì “đã quen với lối sống giàu tình cảm cũng như yêu đất nước Việt Nam và coi đây là quê hương thứ hai của mình”.

 

Từ mầm non, các cấp phổ thông, đến đại học đều theo học tại Việt Nam, nên dù là người Hàn Quốc, nhưng tiếng Việt mới là ngôn ngữ Yoon Kyu Hee thường xuyên sử dụng. Anh nói tiếng Việt một cách hoàn hảo, thậm chí còn đúng ngữ pháp hơn nhiều người bản địa. Nếu không biết Yoon Kyu Hee mang quốc tịch Hàn Quốc, có lẽ, nhiều người sẽ nhầm anh là người Việt.

 

 

Đặc biệt, Yoon Kyu Hee còn cho biết, anh là tín đồ của ẩm thực Việt Nam. Chàng doanh nhân Hàn Quốc rất thích ăn món bún đậu mắm tôm, nhiều bạn bè còn bảo anh “nghiện” món này. “Bún đậu mắm tôm là món không phải ai cũng yêu thích, thế nhưng một ngày 3 bữa, tôi đều có thể ăn món này mà vẫn thấy luôn thèm muốn”, Yoon Kyu Hee cười híp mắt.

 

Miêu tả về món ăn yêu thích của mình, Yoon Kyu Hee giống như một chuyên gia ẩm thực: “Bún đậu mắm tôm thú vị ở chỗ, nếu chấm miếng bún vào mắm tôm thì mình nghĩ sẽ thích ăn bún nhất. Nhưng khi mình ăn miếng đậu phụ rán chấm mắm tôm thì mình lại cho rằng, ồ không, sai rồi!, mình thích đậu phụ rán nhất. Tiếp đó lại ăn chả cốm, có khi mình lại thích chả cốm nhất. Tương tự, ăn miếng nem, sẽ lại nghĩ là thích ăn nem nhất… Nói chung, nếu mình ăn thứ gì cuối cùng thì mình sẽ nghĩ thích thứ đó nhất”.

 

Mỗi lần, người thân, bạn bè ở Hàn Quốc sang chơi, nếu có cơ hội, Yoon Kyu Hee mời họ đi ăn bún đậu mắm tôm một lần. Đa phần khi tiếp xúc với món ăn “thần thánh” này, mọi người đều cảm thấy phần mắm rất nặng mùi và thường không dám ăn, mà gọi nước mắm chanh tỏi ớt để chấm.

 

 

Tuy nhiên, Yoon Kyu Hee lại thích chấm bún ngập tràn vị mắm tôm. “Sự chuyển giao giữa vị mắm tôm cùng bún rất ngon. Ngọt ngọt mặn mặn thơm mùi mắm đặc trưng và có chút béo ngậy của dầu rất bon miệng. Thường thì ở quán quen hay cho bát mắm tôm của tôi nhiều lên để khỏi phải xin thêm”.

 

Yoon Kyu Hee kể: “Quãng thời gian trở về Hàn Quốc thực hiện nghĩa vụ quân sự từ năm 2018 - 2020, rồi từ 2020 đến tháng 7/2021 không thể sang Việt Nam do Covid-19, tôi rất nhớ đồ ăn Việt Nam. Nhiều hôm, thèm món bún đậu mắm tôm như “nghén”, nhưng ở Hàn Quốc không có nơi nào bán món ăn thần thánh này”.

 

Mê ẩm thực Việt, nhưng đây chỉ là một mảnh “nam châm” bé nhỏ hấp dẫn chàng doanh nhân Hàn Quốc ở lại đây sinh sống, lập nghiệp ở “mảnh đất hình chữ S”. Đối với Yoon Kyu Hee, nhịp sống ở Việt Nam không quá gấp gáp, mọi người có nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè; và tính cách tình cảm, ấm áp, quan tâm đến những người xung quanh của người Việt chính là “sợi lạt mềm buộc chặt” anh ở lại đất nước đáng sống này.

 

Doanh nhân Hàn Quốc chia sẻ, rất ấn tượng với phụ nữ ở “đất nước hình chữ S”. Thậm chí từ khi học lớp 1, Yoon Kyu Hee đã nói với bố rằng, sau này sẽ lấy một cô gái Việt làm vợ, và đến giờ, câu nói đó vẫn đúng khi anh đang “cảm nắng” một cô gái Việt Nam.

 

“Con gái Việt Nam rất dịu dàng, tình cảm, biết quan tâm, chăm sóc mọi người, và cũng rất xinh đẹp”, anh cười mỉm và khẳng định: “Một trong những lý do khiến tôi muốn ở lại mảnh đất hình chữ S là vì muốn lấy một cô gái Việt Nam làm vợ”.

 

 

Đặc biệt, Yoon Kyu Hee cảm thấy, Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tập thể, cộng đồng rất mạnh mẽ. Trong khi người Hàn Quốc đề cao cái tôi cá nhân. Anh rất ấn tượng khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành thắng lợi trong các trận đấu quan trọng, người Việt thường “đi bão” cho vui...

 

Yoon Kyu Hee cảm thấy cuộc sống tại Hà Nội, Việt Nam hiện “quá là thoải mái”. Ở đây, anh có những người bạn, người anh em, những đồng nghiệp và hàng xóm vô cùng thân thiện, cởi mở và chân thành với người nước ngoài. “Họ luôn muốn hiểu liệu chúng tôi sinh sống và làm việc ở đất nước này cũng như cảm nhận của chúng tôi như thế nào bằng sự quan tâm, sẻ chia vô cùng ấm áp và nồng hậu”, anh xúc động.

 

Đặc biệt, Yoon Kyu Hee vô cùng hãnh diện khi sống ở một đất nước anh hùng. Với anh, Việt Nam là quốc gia đại diện cho văn hóa về chiến thắng và hòa bình. Trải qua những cuộc chiến khốc liệt, Việt Nam đã giành được độc lập, tự do với những chiến thắng vang dội trên chiến trường. Cách người Việt Nam sống với nhau cũng như cách họ đối xử với người nước ngoài khiến anh Hàn Quốc cảm nhận rõ nhất văn hóa chiến thắng và hòa bình của Việt Nam.

 

 

Là một người nước ngoài, Yoon Kyu Hee ví Việt Nam là quốc gia có tâm hồn của những ngôi làng. “Mặc dù sống ở đất nước gần 100 triệu dân, nhưng tôi có cảm giác, cách mọi người đối xử với nhau giống như những người trong cùng một ngôi làng có 100 người vậy. Những người nước ngoài đến Việt Nam cũng được hưởng cách đối đãi ấy. Đó là cảm giác rất đặc biệt không thể có ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác”, anh đặt tay lên lồng ngực bày tỏ sự trân trọng.

 

Doanh nhân 9X nhận định, Việt Nam đang ngày càng trở nên thu hút với người nước ngoài, cả khách du lịch cũng như những người tới sống và làm việc. Sự thu hút này bắt nguồn từ văn hóa. Văn hóa Việt Nam có bản sắc rất riêng và đặc sắc. Điều đó đem đến các trải nghiệm khiến người nước ngoài muốn đến Việt Nam để du lịch cũng như sinh sống. Việt Nam cũng có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách tới để tham quan và trải nghiệm.

 

Yoon Kyu Hee rất ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của “mảnh đất hình chữ S”. Anh đã đi du lịch và khám phá rất nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, trải dọc từ Bắc vào Nam, nhiều nhất là khu vực miền núi phía Bắc. Sự hùng vĩ của núi rừng, vẻ thơ mộng của biển cả, đặc biệt là những nụ cười hồn hậu của người dân không ít lần khiến chàng doanh nhân Hành Quốc phải “wòa” lên vì choáng ngợp.

 

 

Không chỉ du lịch, từ năm 2010 - 2014, Yoon Kyu Hee còn làm phiên dịch viên cho nhiều chương trình từ thiện của Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam.

Những chuyến đi tới các trung tâm trại trẻ mồ côi, hay các bản làng ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó ở Hà Nội, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… đều để lại trong anh những ấn tượng sâu sắc.

 

“Dù cuộc sống còn nhiều gian khổ, trẻ em thậm chí ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng mọi người đều rất vui vẻ và lạc quan vào cuộc sống. Tôi cảm thấy điều đó thật tuyệt vời. Thiên nhiên tươi đẹp, cùng các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa cộng gộp lại với nhau đã khiến tôi dù đi đâu cũng chỉ nhớ về Việt Nam. Đây thực sự là quê hương thứ hai của tôi, mà thực ra tổng thời gian tôi sống ở Việt Nam lâu hơn Hàn Quốc rất nhiều”, đôi mắt một mí đặc trưng Hàn Quốc của Yoon Kyu Hee khẽ rung rung.

 

Tuy nhiên, doanh nhân sinh năm 1996 chia sẻ, khí hậu Hà Nội vào mùa hè nắng nóng. Sự thích nghi với thời tiết liên quan đến thể chất, không phải yếu tố tinh thần nên anh vẫn cảm thấy đây là “điểm trừ”.

 

 

Giải pháp duy nhất để “chống chọi” là bật quạt hoặc dùng máy lạnh. Đó cũng là lý do vì sao trước đây anh cùng gia đình thường lên kế hoạch về Hàn Quốc thăm thân và du lịch vào mùa hè. “Tôi cảm thấy lo lắng cho trái đất vì bây giờ khí hậu nóng lên toàn cầu làm cháy rừng xảy ra liên tục, thương cho cây cối và động vật quá!”, Yoon Kyu Hee trăn trở.

 

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nhựa ở Việt Nam, mặc dù là hệ quả tất yếu của phát triển kinh tế, nhưng cũng khiến người nước ngoài thấy khá lo lắng. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này với cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

 

“Tôi rất ấn tượng với nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, tháng 11/2021 về việc Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050, gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác đã cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Đó là những tín hiệu rất tích cực”, doanh nhân Yoon Kyu Hee nói.

 

 

Nói về chuyện kinh doanh tại Việt Nam, Yoon Kyu Hee nhận xét, cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rất lớn. “Việt Nam là một quốc gia đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

 

Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, ngày 1/7/2022, dân số Việt Nam xấp xỉ 99 triệu người, chiếm 1,24% và đứng thứ 15 trên thế giới. Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 33,3 tuổi. Với dân số đông và cơ cấu trẻ, đầu tư vào những dịch vụ, lĩnh vực mới mẻ, cơ hội thành công rất lớn”, Yoon Kyu Hee phân tích.

 

Hẳn đó cũng là một trong những lý do khiến Yoon Kyu Hee khẳng định, ít nhất 40 năm nữa, anh vẫn sinh sống ở Việt Nam. Với sự am tường chính trị, kinh tế, văn hóa và nói tiếng Việt như người bản xứ, ngoài đảm trách vị trí Phó tổng giám đốc NAFICO, doanh nhân 26 tuổi này còn làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam, cũng như tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc làm ăn, kinh doanh tại đất nước hình chữ S.

 

 

Yoon Kyu Hee chia sẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao, nhiều tòa cao ốc, nhiều đại đô thị xuất hiện. Diện mạo của các thành phố đã thay đổi mạnh mẽ, trong thời gian ngắn và đó là một thành tựu lớn có thể so sánh với tốc độ phát triển của Singapore, Hồng Kông... Trong đó, sự đóng góp của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam không hề nhỏ. Đơn cử tại Hà Nội, hai tòa nhà cao nhất Thủ đô là Keangnam và Lotte Center đều do các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư, xây dựng.

 

Mặt khác, người Việt Nam đang có sự thay đổi rất tích cực về thái độ tiêu dùng. Trước đây, Việt Nam luôn là một thị trường khó khăn để đầu tư, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống do thói quen tiêu dùng của người dân, họ không thích thay đổi. Đó là lý do tại sao phải mất rất lâu để McDonald’s hay Starbucks vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, người dân đã cởi mở hơn trong việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống quốc tế cho dù từ các khu vực khác của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay từ các nước phương Tây. Điều đó đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến và giành lấy thị trường tiêu dùng này.

 

“Việt Nam có nền văn hóa khá tương đồng với Hàn Quốc nên việc thích ứng với văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc so với các nước phương Tây và các nước Đông Nam Á khác. Vì thế, sau Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, anh chia sẻ.

 

Là người mê chơi golf, Yoon Kyu Hee đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành “Thiên đường golf của châu Á”. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường khách du lịch golf tiềm năng số 1 của Việt Nam.

 

Hàn Quốc hiện đứng thứ ba thế giới với hơn 3 triệu người trên sân, chỉ xếp sau Mỹ (khoảng 28,8 triệu) và Nhật Bản (khoảng 10 triệu). Đáng chú ý, đối tượng chi tiêu cho môn thể thao “nhà giàu” này là người trẻ, ở độ tuổi 20 - 30, tăng mạnh. Với sự lên ngôi của xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, giới khách du lịch siêu giàu và trung lưu Hàn Quốc hiện ưa chuộng các điểm đến biệt lập với đánh golf là trải nghiệm đi kèm không thể thiếu.

 

Trùng hợp, thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay, khách Hàn Quốc đang dẫn đầu, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

 

“Hậu Covid-19, Việt Nam cần có những giải pháp nâng cao chất lượng, hạ tầng dịch vụ, đầu tư những sân golf độc đáo hơn; công tác quảng bá du lịch golf chuyên nghiệp và đúng thị trường để golf tour phát triển. Đây sẽ là “mỏ vàng” để ngành kinh tế xanh Việt Nam phục hồi nhanh, bởi khác với khách du lịch truyền thống, khách du lịch golf thường đến và quay lại nhiều lần, bên cạnh mức phí để chơi golf, họ còn chi trả cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng đẳng cấp…”, Yoon Kyu Hee “hiến kế”.

 

 

Thực tế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp. Đây cũng là loại hình đáp ứng được các tiêu chí an toàn, bảo đảm giãn cách, tránh tập trung đông người, khi đại dịch Covid-19 hiện vẫn chưa được triệt tiêu và có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào.

 

“Việt Nam là thị trường mới nổi về golf trên thế giới nên đó cũng là lợi thế để các nhà đầu tư đi tắt, đón đầu xu thế sân golf xanh phát triển bền vững”, Yoon Kyu Hee nhận định.

 

Theo anh, hậu Covid-19, tư duy du lịch toàn cầu thay đổi theo hướng phát triển mạnh mẽ du lịch thể thao. Đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam khai thác “mỏ vàng” golf tour cũng như tung ra các chính sách cởi mở, hấp dẫn để trở thành “tổ ấm” của các nhà đầu tư sân golf thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc.

 

Dù không sinh ra tại Việt Nam, nhưng hơn 20 năm lớn lên, trưởng thành, được “đất nước hình chữ S” nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, doanh nhân Yoon Kyu Hee đã coi đây là quê hương thứ hai của mình, nơi anh sẽ gắn bó ít nhất là đến khi “nghỉ hưu”. Anh luôn khát khao trở thành một nhịp cầu kết nối cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, để quan hệ hai nước ngày càng gắn kết và rộng mở.

 

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 20/07/2022 08:18