![]()
Quá trình hội nhập sâu rộng và thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhưng để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không còn cách nào khác là phải củng cố năng lực nội sinh. TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ quan điểm này.
Thưa ông, sau 50 năm thống nhất, từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam hiện là một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho thấy tiến trình hội nhập của Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
Sau 50 năm thống nhất, sự hội nhập rộng rãi của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu thể hiện rõ qua quan hệ kinh tế quốc tế và giỏ hàng hóa xuất khẩu. Nếu như giai đoạn đầu đổi mới, xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa trao đổi dưới dạng nghĩa vụ với các nước xã hội chủ nghĩa cũ, thì hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kết quả là, 20 năm trước, dầu thô còn chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì hiện giờ chỉ còn dưới 2%. Ngược lại, điện thoại di động khi ấy chưa có mặt trong giỏ hàng hóa xuất khẩu, thì giờ đây đã chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, trước đây là dầu thô, bây giờ là điện thoại, cho thấy bước tiến lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu hình dung chuỗi giá trị toàn cầu như một “đường cong nụ cười”, trong đó giá trị gia tăng cao nhất thường nằm ở đầu bên trái (thiết kế sản phẩm, R&D) và bên phải (marketing, thương mại hóa) của đường cong, trong khi khâu sản xuất ở giữa mang lại giá trị thấp nhất, thì đến nay, chúng ta vẫn nằm ở vùng trũng của “đường cong nụ cười”.
Mặc dù chúng ta xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại Samsung, iPhone hay thiết bị y tế chính xác của Nhật Bản, nhưng giá trị gia tăng không cao, vì chủ yếu vẫn dừng lại ở công đoạn lắp ráp và gia công. Điều này một phần do năng lực nội sinh của mình còn hạn chế.
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, nhưng đến nay, lĩnh vực này vẫn yếu kém, ảnh hưởng trực tiếp đến hàm lượng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, trong một con chip Intel, điện thoại Samsung, hay sản phẩm điện tử của LG sản xuất tại Việt Nam, tỷ lệ giá trị do các nhà cung ứng Việt Nam đóng góp chưa tới 3%.
Chúng ta hội nhập rộng, nhưng chưa thực sự sâu, vì giá trị gia tăng còn thấp.
Còn kết quả thu hút dòng vốn FDI thì thế nào, thưa ông?
Sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam mới thực sự tăng tốc thu hút FDI. Mặc dù vốn FDI đã xuất hiện trước đó, nhưng từ thời điểm này, FDI trở thành một động lực tăng trưởng của Việt Nam. Đến năm 2003, tỷ trọng của khu vực FDI trong xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 50%. Tương tự, FDI cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất công nghiệp.
FDI đã góp phần hoán cải cơ cấu và động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và mở đường cho chúng ta ra thế giới. Các doanh nghiệp Việt lúc đó như con thuyền nhỏ bám vào thuyền lớn FDI để ra đại dương.
FDI cũng có tác dụng rất lớn trong việc tạo ra việc làm và biến một số vùng đất từ chỗ nghèo nàn, không có cơ hội trở nên sống động. Chẳng hạn, Thái Nguyên, từ chỗ công nghiệp chủ lực là nhà máy gang thép và luyện kim, nhưng khi Samsung xuất hiện từ năm 2013, thì chỉ sau 3 năm, đã đóng góp tới 97% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên.
FDI đã góp phần giúp Việt Nam đào tạo lực lượng lao động mới, lao động có kỹ năng, có kỷ luật và tiếp thu công nghệ mới. Tuy nhiên, đến nay, phần chuyển giao công nghệ còn hạn chế và phần lao động kỹ năng chỉ ở cấp độ thấp và trung bình, chưa phải ở trình độ cao.
Nếu nhìn tổng thể, thì FDI hiện nay đóng góp khoảng 20% GDP, 73% xuất khẩu, trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 18% đầu tư toàn xã hội, 11% ngân sách và gần 10% việc làm mới của cả nước.
Nhưng mặt trái của những thành tích trên là Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào FDI. Khu vực FDI, với khoảng 40.000 dự án, chiếm tới 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân và gần 1.000 doanh nghiệp nhà nước cộng lại, cũng chỉ đóng góp 27% cho kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng nói là, cách đây đúng 30 năm, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại, doanh nghiệp trong nước chiếm 73%, còn FDI chỉ có 27%.
Thực tế trên dẫn tới một hệ quả khác, đó là trong một số trường hợp, FDI chèn lấn và hạn chế sự các triển của khu vực tư nhân. Trước đây, Việt Nam từng có một nền công nghiệp điện tử, nhưng sau khi các doanh nghiệp điện tử của Nhật Bản, Hàn Quốc tràn vào, ngành điện tử bản địa của Việt Nam gần như không còn tồn tại.
Điểm hạn chế nữa là, tính kết nối, bám rễ của FDI với nền kinh tế nội địa còn rất nông. Như đã nói ở trên, ngay cả với các sản phẩm công nghệ cao như Samsung, LG, hay Intel, thì giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam cũng rất thấp.
Điểm nông của FDI còn được thể hiện qua các phương diện khác. Các doanh nghiệp nội địa chưa đủ năng lực để trở thành nhà cung ứng quan trọng trong chuỗi sản xuất của FDI. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu tận dụng lao động giá rẻ, đất đai giá rẻ, thậm chí cả năng lượng và môi trường giá rẻ tại Việt Nam. Sự lan tỏa công nghệ hạn chế, bởi họ không chuyển giao. Các lao động ở Việt Nam rất khó vươn lên các vị trí hàng đầu trong các tập đoàn này.
Nhưng làm sao chúng ta tận dụng được các nguồn lực mà có thể giảm sự phụ thuộc? Theo ông, cần có những quyết sách gì và làm sao để hạn chế những điểm ông vừa nêu?
FDI có mặt được và chưa được, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không tiếp tục thu FDI. Chúng ta cần phải có chiến lược khác.
Chẳng hạn, thu hút FDI ở những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt không có thế mạnh, hoặc chưa tự làm được. FDI sẽ giúp mình khai phá lĩnh vực công nghiệp đó. Các doanh nghiệp Việt một lần nữa như các con tàu con, nương theo những con tàu lớn để đi ra thế giới, sau đó tự trưởng thành, trở thành các doanh nghiệp xuất khẩu.
Do đó, cần phải có sự tích hợp giữa FDI và các doanh nghiệp trong trong nước. Để làm được điều này, phải có một chính sách nhất quán của Nhà nước liên quan đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Điểm thứ hai là phát triển các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vừa, bởi các nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI chủ yếu là các doanh nghiệp vừa.
Cuối cùng là phải yêu cầu có một sự cam kết, gắn sự khuyến khích với các điều kiện đi kèm. Trước đây, mình thu hút FDI với các gói khuyến khích. Thế nhưng, tôi đề nghị các gói khuyến khích đó phải tương xứng với những gì họ đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.
Ví dụ, tôi sẽ tiếp tục khuyến khích anh, với điều kiện anh tăng tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam, tăng số lượng các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng, đào tạo lao động Việt Nam và để họ đảm nhận vị trí quan trọng hơn. Qua đó, mình sẽ dùng vốn con người cùng tri thức, công nghệ để phát triển công nghiệp của mình sau này.
![]()
Toàn cầu hóa - đa phương hóa đã và đang gặp phải nhiều biến động trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Nhưng chính sách nhất quán của Việt Nam là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông, Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức nào trong dòng chảy toàn cầu?
Những biến động kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức cho thấy, trật tự thế giới và các luật chơi của thế giới đã thay đổi. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thế giới, đặc biệt là Việt Nam - một nền kinh tế có mức độ phụ thuộc cao vào thương mại và đầu tư quốc tế.
Với quy mô GDP khoảng 480 tỷ USD, Việt Nam không thể so sánh với những nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ (khoảng 29.000 tỷ USD) hay Trung Quốc (gần 19.000 tỷ USD). Do đó, chúng ta vẫn cần có thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào FDI và chắc chắn sự phụ thuộc này vẫn còn tiếp diễn trong tương lai. Một đất nước đang phát triển thì cần phải có nguồn lực đầu tư để phát triển.
Khi Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới, thì hệ quả của việc thay đổi luật chơi và thay đổi cấu trúc, thay đổi trật tự kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới đều có ảnh hưởng trực tiếp và to lớn đến Việt Nam.
Vậy, Việt Nam nên ứng phó như thế nào? Về ngắn hạn, chúng ta phải tìm cách thương lượng làm sao mức thuế đối ứng thấp nhất có thể. Trong bối cảnh kinh tế chính trị và địa chính trị mới hiện nay, ngoại giao kinh tế quan trọng hàng đầu.
Chúng ta trước đây đã thực hiện một số bước đi, nhưng chưa thực sự đặt ngoại giao kinh tế vào mặt trận tiên phong. Ngoại giao kinh tế phải được làm từ xa, từ sớm để tránh hay hạn chế tác động của những cú sốc vừa rồi.
Về tâm thế, Việt Nam không thể chỉ thụ động hưởng lợi từ toàn cầu hóa, mà phải chủ động xác lập vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như trong thương mại và đầu tư quốc tế.
Chúng ta rất năng động trong ASEAN. Vậy, Việt Nam có tham gia khối BRICS không? Việt Nam có tham gia các khối kinh tế có ảnh hưởng tới cấu thành luật chơi và cấu trúc kinh tế mới không? Việt Nam bây giờ phải là người chủ động tham gia xác định vị thế của mình, chủ động tác động tới luật chơi.
Cuối cùng, tất cả những gì diễn ra ở tiền tuyến vẫn phụ thuộc vào nội lực. Ngoại giao kinh tế có hiệu quả đến đâu, nhưng thực lực không có thì không thể có tiếng nói trên bàn đàm phán. Do vậy, vẫn phải quay lại trau dồi nội lực.
![]()
Nói đến nội lực, bên cạnh chủ trương đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng yếu, chúng ta cũng xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá, là động lực, thưa ông?
Có mấy trụ cột lớn mà Việt Nam hướng đến trong các chương trình nghị sự. Đó là chuyển đổi số; phát triển khoa học công nghệ; chuyển đổi xanh; kinh tế tuần hoàn và nỗ lực giải phóng sức sản xuất thông qua việc thay đổi lực lượng sản xuất, giải quyết các nút thắt thể chế. Vậy thì, các chương trình nghị sự lớn này trong tương lai sẽ thế nào?
Bản thân tôi thấy có những thứ vẫn có thể tiếp tục, nhưng có những thứ sẽ vấp phải khó khăn. Ví dụ chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh. Bây giờ Chính quyền Trump không quan tâm đến biến đổi khí hậu, cũng ít quan tâm đến năng lượng xanh, mà chú trọng đến năng lượng hóa thạch.
Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ hay các nguồn vốn cho các chuyển đổi này, hoặc là ưu tiên trong chương trình nghị sự chung hay chính sách toàn cầu sẽ không còn cao như trước. Việt Nam muốn “vươn mình” mà thế giới lại đang đi xuống thì không tương thích.
Tương tự, với biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động rất lớn. Nhưng bây giờ người ta sẽ ít nói nhiều về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, xu thế chung của thế giới trong dài hạn sẽ không đi ra khỏi hai con đường trên. Đó là phải chuyển đổi xanh để tiết kiệm năng lượng và để giữ gìn môi trường sinh thái; phải hạn chế tác động của biến đối khí hậu vì nếu không sẽ là tự sát tập thể.
Đây là bước lùi tạm thời, ít nhất trong giai đoạn này. Do đó, một mặt chúng ta vẫn phải kiên trì con đường dài hạn, nhưng mặt khác phải biết thời điểm này sẽ không thuận lợi.
Bộ Chính trị đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân bằng việc chuẩn bị ra Nghị quyết mới. Đây cũng là một hướng đi nhằm củng cố nội lực. Theo ông, đâu sẽ là những quyết sách chủ đạo đưa khu vực này trở thành động lực tăng trưởng?
Đây là một chủ trương đúng đắn và đúng thời điểm. Chúng ta đã có sự chuẩn bị về mặt lý luận, thực tiễn và đây là lúc chín muồi để thực hiện. Ngoài ra, chưa bao giờ Việt Nam đứng trước những thử thách lớn về cạnh tranh quốc tế và khu vực tư nhân trong nước sẽ phải là nội lực chính của mình.
FDI là ngoại lực, có lợi thì đến, hết lợi thì đi. Trái lại, doanh nghiệp tư nhân là nội lực, gắn bó một cách tha thiết, bền bỉ và máu thịt với đất nước này, với nền kinh tế này. Do đó, họ phải là lực lượng trụ cột, phải là lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế. Nếu Việt Nam thực sự muốn bước vào kỷ nguyên vươn mình, thực sự muốn tăng trưởng hai con số, thì không thể không đưa khu vực này vào trung tâm của sự phát triển.
Mọi người nói nhiều về giải pháp, nhưng tôi nghĩ, trước hết, chúng ta phải đặt khu vực này vào đúng vị trí của nó. Chỉ khi đặt vào đúng vị trí thì mới có chính sách phù hợp. Archimedes nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”, nhưng điểm tựa không chắc chắn thì nhấc bổng làm sao được?
Để có điểm tựa chắc chắn, phải thực sự đặt doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm của các chiến lược phát triển kinh tế, thì các chính sách tiếp cận nguồn lực sẽ khác, chính sách ưu đãi các khu vực khác và phân biệt đối xử với tư nhân sẽ không còn nữa.
Do đó, việc đầu tiên là đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí lịch sử và đúng bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng như bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và kỷ nguyên mới của dân tộc. Chỉ khi đặt đúng vị trí, thì chúng ta mới có chiến lược đúng và chính sách đúng sau đó sẽ tự đi theo.
![]()
Vậy, chủ trương giảm thủ tục hành chính, đồng thời sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ có những tác động tích cực gì cho không gian phát triển mới, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực?
Với việc phân bổ lại các địa giới hành chính, dự kiến giảm từ 63 tỉnh, thành phố còn 34 tỉnh, thành phố, là một bước đi nhằm khắc phục tình trạng phân mảnh thể chế. Điều này thể hiện qua việc chia cắt địa phương, tức địa giới hành chính địa phương biến thành địa giới kinh tế.
Ví dụ, Bí thư hay Chủ tịch của một tỉnh A chỉ quan tâm đến kết quả kinh tế của họ và không quan tâm đến liên kết vùng. Họ không quan tâm đến việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng vùng, ưu tiên lớn nhất của họ là thang đo về GRDP, thu ngân sách, thu hút FDI, xuất khẩu… Rõ ràng, không có chỉ số nào có tính vùng.
Sắp xếp đơn vị hành chính cũng tạo ra lợi thế kinh tế về quy mô. Việc sáp nhập các địa phương quá nhỏ về diện tích, nhỏ về dân số và quy mô GRDP… sẽ giúp họ lớn ra, có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào hạ tầng, đầu tư cho giáo dục y tế, đầu tư cho khoa học công nghệ.
Điểm nữa rất quan trọng là tạo ra các cực tăng trưởng mới của đất nước, từ đó kéo mặt bằng chung của tăng trưởng phát triển đi lên.
Chủ trương tinh gọn bộ máy, hợp nhất các bộ, ngành và giảm cấp chính quyền đã giải quyết một bài toán rất quan trọng là nâng cao năng lực và hiệu lực của Nhà nước.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, các chính sách của Việt Nam về mặt chiến lược thì đúng, nhưng khó đi vào cuộc sống, vì bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu lực và vì vậy không có khả năng thực thi các chính sách và chiến lược một cách mạnh mẽ và đúng đắn.
Thực thi ở nước ta là một “nút thắt của nút thắt”. Đó là chưa kể tới tham nhũng, lãng phí, đến chia cắt vùng miền, địa phương chủ nghĩa. Do đo, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy là rất quan trọng.
Một điểm quan trọng nữa là động lực kinh tế của nước ta dựa vào khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân và hội nhập quốc tế như được thể hiện qua ba Nghị quyết mới đây của Trung ương Đảng. Đây là ba trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển mới của đất nước.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, còn điểm thứ tư nữa là giáo dục và đào tạo. Về mặt đối nội, chúng ta vừa có Nghị quyết về khoa học công nghệ và sắp tới là Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân. Chúng ta nên có một Nghị quyết thứ ba về phát triển giáo dục, đào tạo và vốn con người.
Bởi vì, cả hai động lực trên đều phụ thuộc vào tri thức, vào con người. Chúng ta muốn phát triển khoa học công nghệ, chúng ta muốn phát triển kinh tế tư nhân, nhưng vốn tri thức và nhân lực không đáp ứng được, thì cũng sẽ bị tụt lại. Do đó, ngoài hai trụ cột đã nói, trụ cột thứ ba chắc chắn sẽ phải phát triển trong giai đoạn tới.
![]()
20 năm nữa, chúng ta sẽ tiến tới cột mốc 2045 - với mục tiêu Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao. Vậy theo ông, Việt Nam nên định vị mình nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Thông thường, một quốc gia sẽ đi qua ba nấc thang quan trọng để tiến tới biên giới của sự phát triển.
Trong giai đoạn đầu tiên, tăng trưởng chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, đất đai và công nghệ vay mượn từ nước ngoài. Có thể nói, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn này.
Việt Nam đang ở giai đoạn thứ hai - giai đoạn phát triển dựa vào năng suất. Ở giai đoạn này, công nghệ phải tốt hơn, dần tiệm cận với công nghệ tốt nhất thế giới. Lao động phải chuyển từ phổ thông sang lao động có kỹ năng và các sản phẩm không chỉ cạnh tranh về giá mà cạnh tranh về chất lượng.
Do đó, chúng ta phải nhấc mình ra khỏi nấc thang thấp nhất của chuỗi giá trị, để đi lên hai bên của “đường cong nụ cười”.
Sự phát triển trong giai đoạn thứ ba - là giai đoạn 20 năm sắp tới, không chỉ thuần túy về năng suất, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghĩa là, chúng ta phải có cái gì độc đáo để cống hiến cho thế giới, chứ không chỉ vay mượn người khác hoặc cho người ta mượn địa điểm để sản xuất nữa.
Nhưng để vươn tới giai đoạn thứ ba, phụ thuộc vào mấy điểm. Đó là khoa học công nghệ; là lực lượng lao động không chỉ có kỹ năng cao, mà phải có năng lực đổi mới sáng tạo và đột phá; là một hệ thống hạ tầng và thể chế hiện đại để hỗ trợ cho sự phát triển này.
Đến lúc đó, chúng ta sẽ có những chuỗi giá trị độc đáo. Việt Nam và các doanh nghiệp Việt là người điều phối và quản trị chuỗi giá trị đó.
Và đặc biệt là đến đoạn chúng ta phải phát minh, thiết kế được, phải thương mại hóa được. Đây là các khâu nằm ở nấc thang cao nhất của chuỗi giá trị.
Thử nhìn vào điện thoại iPhone, người thiết kế là Apple đã chiếm tới 60% giá trị gia tăng, còn mình mướt mồ hôi nhưng chỉ chiếm chưa tới 3%. Vậy thì, chúng ta muốn thiết kế, thương mại hay muốn làm gia công? Hiển nhiên chúng ta muốn thoát khỏi thân phận gia công để tiến dần lên các nấc thang cao hơn và rồi trở thành người làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu.
Một điểm nữa quan trọng không kém là sức bền bỉ và dẻo dai. Chúng ta có thể có những chuỗi giá trị rất tốt, nhưng một ngày nào đó, biến động địa chính trị hay kinh tế toàn cầu khiến chuỗi giá trị ấy bị đứt gãy, thì sẽ thế nào? Do vậy, chúng ta phải trụ vững và có sức chống chịu giữa các cú sốc bên ngoài.
Điều đó một lần nữa tái khẳng định, chúng ta phải có nội lực. Ví dụ, nếu các doanh nghiệp FDI không vào Việt Nam nữa do bị áp thuế cao, thì chúng ta làm gì bây giờ? Nếu chúng ta không có nội lực, thì chúng ta không ứng phó được với những tình huống như thế.
Do đó, chuỗi giá trị trong tương lai phải dựa vào năng lực cốt lõi của các doanh nghiệp Việt Nam. Chuỗi giá trị đó phải là một hệ sinh thái công nghiệp phù hợp với năng lực cạnh tranh độc đáo của mình và tương thích với giá trị phổ quát của nhân loại.
Tuy nhiên, sự phát triển đích thực phải có tính nhân bản. Các nhà kinh tế học ít nói chuyện này, nhưng phát triển cuối cùng là vì con người và do con người. Sự phát triển cần có khuôn mặt con người. Sự phát triển phải nhân bản, phải làm cho con người có điều kiện phát triển cá nhân và cảm nhận được hạnh phúc.
![]()
|