KoKoNo - chuỗi nhà hàng Pan-Asia Cuisine và Sushi Bar hàng đầu tại Đức- điểm đến ẩm thực nhất định phải tới khi du khách và bạn bè quốc tế đến Đức là nơi hoà quyện tuyệt vời giữa nền văn hoá ẩm thực thẩm mỹ của châu Á và nền ẩm thực lý tính của châu Âu. KoKoNo đã tạo ấn tượng mạnh với thực khách sành ăn, nhờ sự tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến và bày biện tinh tế cùng không gian sang trọng. 

 

“Cha đẻ” của “địa đàng giác quan” KoKoNo là doanh nhân trẻ người Việt Nam – anh Trần Thanh Hùng (Hùng Trần). Từ sự tử tế trong cuộc sống và kinh doanh, CEO Hùng Trần đã và đang đưa KoKoNo Group trở thành tập đoàn hàng đầu trong ngành dịch vụ ẩm thực, mang mĩ vị nhân gian đến cho thực khách, góp sức nâng tầm nền ẩm thực thế giới nói chung, ẩm thực châu Á và Việt Nam nói riêng. 

 

 

Nhà hàng KoKoNo đầu tiên ra đời cách đây 7 năm đã lập tức gây được tiếng vang tại Đức, sau đó phát triển rất mạnh mẽ. Không biết cơ duyên nào đã dẫn lối, đưa anh đến Đức và kinh doanh ẩm thực tại đây?

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở Ba Vì, Hà Nội, sang Đức định cư cùng gia đình năm 20 tuổi. Bố mẹ tôi mở một tiệm ăn nhỏ tại vùng Tây Nam nước Đức. Vì thế, ngay khi đặt chân đến đây, tôi đã lập tức tham gia phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình.

 

Phải nói rằng, ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có ước mơ khi lớn lên sẽ kiếm được thật nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Tới khi sống ở Đức, mong muốn đó càng nhân lên gấp bội, càng bỏng cháy, bởi tôi nhận thấy sự thiếu công nhận đối với người Việt Nam trong môi trường quốc tế. Nói thẳng ra là cách đây khoảng 15 năm, phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại. Thế nên, hơn bao giờ, tôi khát khao được công nhận và muốn chứng minh cho mọi người thấy, người Việt có thể làm được những điều lớn lao.

 

Tôi luôn tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt, tự hào về sự phong phú của ẩm thực quê hương nói riêng, và ẩm thực châu Á nói chung. Vì thế, tôi chọn con đường kinh doanh ẩm thực khác biệt với tầm nhìn đưa KoKoNo Group trở thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành dịch vụ ẩm thực, mang đến trải nghiệm ẩm thực khác biệt, sang trọng, đẳng cấp, những “địa đàng giác quan” đến cho thực khách sành ăn.

 

Đó là khởi nguồn để năm 2017, nhà hàng KoKoNo đầu tiên “chào đời” với quy mô 170 chỗ ngồi, cả ở bên trong và phía bên ngoài, tại thành phố Heidenheim, Đức.

 

 

Nhưng tại sao anh không kinh doanh món ăn Việt Nam thay vì chọn sushi của Nhật Bản?

 

Ngay từ khi khởi nghiệp, tôi đã định hình phong cách cho các nhà hàng của KoKoNo Group là quy mô lớn, sang trọng, đẳng cấp và không muốn phát triển theo mô hình kinh doanh gia đình quy mô nhỏ với phở, mì xào và cơm rang… hay kinh doanh đồ ăn nhanh hoặc nhà hàng tầm trung như cách hầu hết người Việt ở Đức đang làm.

 

Với định hướng phát triển nhà hàng quy mô lớn, nếu kinh doanh món ăn Việt Nam, cơ hội thành công sẽ rất thấp. Mặc dù luôn nung nấu ước muốn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, nhưng để làm được điều đó, tôi phải đi đường vòng. Vì khi đó, với nước Đức, Việt Nam quá nhỏ bé, thậm chí nhắc đến Việt Nam, nhiều người chưa biết vùng đất ấy nằm ở đâu, ở châu lục nào. Nhắc đến châu Á, thường họ sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

Tôi chọn sushi còn vì món ăn này khá mới mẻ tại Đức và các nhà hàng châu Á về sushi tại đây không có nhiều đổi mới trong cách bày trí cũng như kết hợp các nguyên liệu. Tôi nhìn thấy thị hiếu, dư địa và xu hướng còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bởi, trước khi mở nhà hàng KoKoNo đầu tiên, tôi đã có 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu và làm việc thực tế tại các nhà hàng sushi của Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc ở Đức. 

 

Cuối cùng, tôi đã tạo ra một không gian nhà hàng Á - Âu thật mới lạ, khác biệt, nơi mọi người có thể tận hưởng những “show” ẩm thực độc đáo, được chạm vào, ngửi thấy, cảm nhận mĩ vị nhân gian bằng mọi giác quan.

 

 

Nhà hàng đầu tiên đã có quy mô 170 chỗ ngồi, hẳn số vốn không hề nhỏ. Anh có nghĩ rằng mình đã quá mạo hiểm không?

 

Với những kiến thức và trải nghiệm thực tế tại nhiều nhà hàng sushi trong 3 năm trước đó và can qua nhiều vị trí công việc, đặc biệt là trực tiếp hỗ trợ một người chủ mở 4 chi nhánh thành công, tôi vững tin con đường mình chọn là đúng và sẽ thành công.

 

Tuy nhiên, Nhà hàng KoKoNo đầu tiên có tổng vốn đầu tư khoảng 500.000 Euro, tương đương 12 tỷ đồng. Đây là bài toán khó giải với tôi trong những ngày đầu khởi nghiệp.

 

 

Bằng cách nào anh đã tìm được lời giải cho bài toán khó đó?

 

Ý tưởng thành lập KoKoNo của tôi bị mọi người đánh giá là quá mạo hiểm và điên rồ, nên không nhận được sự ủng hộ từ người thân và bạn bè. Và thú thực, 12 tỷ đồng ở thời điểm ấy là con số khổng lồ với gia đình, vượt quá khả năng bố mẹ có thể giúp đỡ tôi.

 

Vì thế, tôi tìm kiếm nguồn vốn từ các ngân hàng. Nhưng vì không có tài sản thế chấp nên việc vay khoản tiền lớn như vậy gần như bất khả thi. Nhưng tôi vẫn không nản trí. Trong một lần tôi nhường chỗ đậu xe cho một người đàn ông ở hầm gửi xe của ngân hàng. Có lẽ, vì sự tử tế ấy, ông đã đưa cho tôi danh thiếp. Vài hôm sau, tình cờ xem tấm danh thiếp, tôi mới biết ông là phó giám đốc của ngân hàng đó. Tôi chủ động liên lạc và trình bày ý tưởng dự án của mình và được ông ủng hộ nhiệt thành.

 

Sau đó, ông giúp đỡ để dự án của tôi được đưa vào chương trình start-up của bang và có cơ hội thuyết phục ngân hàng đầu tư. Thành công gọi vốn, KoKoNo đã vượt qua khó khăn lớn nhất để "khai sinh" và phát triển.

 

Bố mẹ doanh nhân Hùng Trần.

 

 

Bên cạnh vốn, việc phát triển mô hình kinh doanh lớn ở “xứ người” chắc hẳn cũng không phải con đường bằng phẳng, thưa anh?

 

Đúng vậy. Ngoài vốn, tôi còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Bởi khi đó tôi sống ở Đức chưa đầy 4 năm, môi trường khá lạ lẫm, ngôn ngữ và văn hóa cũng là rào cản, chưa kể tuổi còn trẻ, kỹ năng quản lý còn hạn chế…

 

Nhưng tôi rất gan, đã làm là phải làm tới cùng. Thách thức lại chính là động lực giúp tôi quyết tâm và kiên định, nỗ lực thích nghi, học hỏi, đứng dậy sau những sai lầm, thất bại.

 

Nhân sự cũng là bài toán hóc búa. Bởi, việc tìm kiếm được một đầu bếp có tâm, có tầm đã khó, để mời được những cộng sự cùng chung chí hướng tại nơi đất khách lại càng khó. May mắn là 2 năm vừa rồi, tôi tuyển được hàng trăm nhân sự là các bạn trẻ Việt Nam sang Đức học nghề làm việc cho các chi nhánh của KoKoNo Group.

 

 

Sau 7 năm, hệ thống KoKoNo đã phát triển tới đâu rồi, thưa anh?

 

KoKoNo hiện đã có 14 nhà hàng. Nhà hàng KoKoNo đầu tiên cũng là nhà hàng có quy mô nhỏ nhất với 170 chỗ ngồi. Nhà hàng lớn nhất rộng gần 1.500 m2, trong đó có 2 mô hình nhà hàng khác nhau, nhưng sử dụng chung một hệ thống bếp là mô hình KoKoNo với 240 chỗ ngồi và quán nướng Hàn Quốc phân khúc cao cấp với 250 chỗ ngồi. Từ cuối năm 2023, chúng tôi mở thêm nhiều nhà hàng khác, gần nhất là nhà tại Thụy Sỹ, giáp với biên giới Đức.

 

Hiện nay, KoKoNo Group có hơn 400 nhân sự, người Việt Nam chiếm khoảng 80%. Riêng bộ phận bếp, gần như 100% là người Việt Nam.

 

Ngoài ra, Tập đoàn KoKoNo đang phát triển thêm chuỗi nhà hàng Sen thuần chay cao cấp, đậm chất văn hóa ẩm thực Việt Nam. 

 

Các nhà hàng của Tập đoàn KoKoNo có quy mô tương đối lớn so với các mô hình nhà hàng ở Đức, vì đa số các nhà hàng ở đây thường có quy mô gia đình.

 

 

Chuỗi nhà hàng Sen thuần chay cao cấp anh vừa nói có phải sẽ mang sứ mệnh quảng bá tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới không?

 

Đúng vậy. Như tôi vừa chia sẻ, tôi khát khao quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhưng phải đi đường vòng là vì thế. Khi hệ thống nhà hàng KoKoNo phát triển thành công, ổn định, tôi đã đưa dần các món ăn Việt Nam vào thực đơn để từ từ “thử lòng” thực khách.

 

Giờ thì, phở và gỏi đu đủ đã có mặt ở tất cả các nhà hàng KoKoNo. Khách hàng giờ thậm chí không gọi món theo tiếng Đức nữa mà gọi tên món “Phở” theo tiếng Việt rất chuẩn. Điều đó cho thấy món Việt và các gia vị Việt đã được thực khách yêu thích. Ở Đức, phở khá phổ biến trong các nhà hàng Việt Nam và được coi là “đại sứ ẩm thực” của Việt Nam.

 

Phở đã có mặt ở tất cả các nhà hàng KoKoNo và được thực khách gọi tên theo tiếng Việt rất chuẩn.

 

Và để hiện thực hóa khát vọng mang ẩm thực Việt Nam đến Đức nói riêng, châu Âu nói chung, chúng tôi khai trương chuỗi nhà hàng Sen 100% là quán Việt, ở đẳng cấp cao để nâng tầm vị thế đồ ăn Việt Nam, giống như cách một số nhà hàng chay ở Việt Nam đã làm được như Ưu Đàm chay ở Hà Nội.

 

Nếu mô hình nhà hàng Sen thành công, tôi sẽ phát triển rộng ra các nước châu Âu. Đó sẽ là sân chơi của người Việt Nam, nơi quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam.

 

Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi luôn có khát khao nâng tầm ẩm thực Việt Nam. Tôi đang tìm đầu bếp giỏi để mở một nhà hàng sang trọng, đẳng cấp chuyên món ăn Việt Nam với 50 - 60 chỗ với định hướng đạt sao Michelin. Tôi có thể đầu tư từ A-Z để mở nhà hàng, điều tôi cần nhất là một người đầu bếp có tâm và thích kinh doanh có thể đồng hành lâu dài với mình.

 

 

 

Đại dịch toàn cầu Covid-19 ập đến, ngành kinh doanh ẩm thực bị ảnh hưởng trực tiếp, chắc hẳn KoKoNo không phải ngoại lệ, thưa anh?

 

Đại dịch Covid-19 tạo ra cú sốc bất ngờ quá lớn và không thể tưởng tượng được. Cả ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn đều rơi vào vào thế bị động khi buộc phải đóng cửa do giãn cách xã hội.

 

Tôi cảm nhận được ngay tình hình lúc đó, vì chỉ có hai sự lựa chọn, một là, cả thế giới đến hồi kết, hai là, hy vọng đến một thời điểm nào đó, đại dịch sẽ được đẩy lùi. Trong bối cảnh đó, tất cả anh em KoKoNo đều chuẩn bị tinh thần đương đầu với khó khăn.

 

Trước Covid-19, KoKoNo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, nhưng Covid-19 đã làm giảm đến 70% số đó. Chúng tôi chưa bao giờ có định hướng bán thức ăn nhanh hay sử dụng bất kỳ dịch vụ ship đồ ăn nào nên khá bị động.

 

Tuy nhiên, chúng tôi đã phản ứng rất nhanh, linh hoạt để lao vào “cuộc chơi” giao hàng và khách tự đến nhận món. Xác định đây là cơ hội cuối cùng để tồn tại, KoKoNo áp dụng chương trình giảm giá đặc biệt và phát triển trang website đặt hàng trực tuyến với đội ngũ chuyên nghiệp. Chính những nỗ lực đổi mới đó, sau đại dịch, tất cả các nhà hàng KoKoNo đã bùng nổ doanh thu.

 

 

Trong “nguy” luôn có “cơ”, KoKoNo đã ứng biến linh hoạt và chuyển mình rất nhanh. Covid-19 xuất hiện, liệu phải là cơ hội trở mình rất lớn cho KoKoNo không, thưa anh?

 

Trong đại dịch, khó khăn về tài chính và nguồn lực, cụ thể là tăng chi phí vận hành, giới hạn tài nguyên và khả năng quản lý tài chính chính xác là thách thức mà chúng tôi phải đối mặt.

 

Tuy nhiên, mặt bằng các cửa hàng trong lúc dịch bệnh giảm giá đáng kể  lại là cơ hội tốt để KoKoNo thuê lại và tái đầu tư trong tương lai. Sau khi trải qua thời gian dài bị cách ly và hạn chế, mọi người đều muốn đi ra ngoài và hưởng thụ cuộc sống. Chúng tôi đã chớp thời cơ “ngàn năm có một” này để mở nhiều cơ sở mới.

 

Đại dịch khiến một số doanh nghiệp, nhà hàng tại Đức phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động, nhưng lại mở ra cơ hội mở rộng và thu hút khách hàng từ chính các đối thủ cạnh tranh cho KoKoNo. Chúng tôi có thể tận dụng lợi thế của mình để tăng cường vị thế và tăng trưởng nhanh trong ngành.

 

 

Anh nhận thấy xu hướng thưởng thức ẩm thực của thực khách hậu Covid-19 đã và đang thay đổi như thế nào?

 

Hậu Covid-19, thực khách trở nên vô cùng chủ động và thông thái trong việc lựa chọn và thưởng thức ẩm thực. Họ rất quan tâm tới các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đang được thực hiện tại các nhà hàng và quán ăn. KoKoNo đang làm rất tốt điều này. Hệ thống bếp của chúng tôi đều là bếp mở, thực khách có thể quan sát toàn bộ quy trình làm ra món ăn, từ việc chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách chế biến món ăn tinh tế. Đây là một sân chơi sáng tạo, được truyền cảm hứng và là nơi mọi người thấy được công phu và đam mê mà chúng tôi đặt vào mỗi món trong thực đơn.

 

Mặc dù trong thời kỳ dịch bệnh, tỷ lệ đặt món ăn trực tuyến qua App và giao hàng tại Đức tăng đáng kể, tưởng chừng như hậu Covid-19, họ cũng sẽ có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm ẩm thực tại nhà. Nhưng thực tế như tôi vừa chia sẻ, sau một thời gian dài bị giới hạn, việc có thể lại trải nghiệm không gian nhà hàng và thưởng thức các món ăn tại nhà hàng đã trở thành một điều đáng mong đợi.

 

Do đó, chúng tôi đẩy mạnh vào việc phát triển đội ngũ nhân viên nhiệt tình, tận tâm. Tập đoàn KoKoNo tự hào có đội ngũ phục vụ được tuyển chọn kỹ càng, bao gồm cả những người trẻ có đam mê với ngành F&B từ Việt Nam được đón sang đào tạo nghề. Chúng tôi hỗ trợ học tập, đảm bảo chất lượng mỗi món ăn và luôn nỗ lực để đem đến sự thoải mái nhất cho thực khách.

 

Cách đây vài năm, ở Đức đã bỏ hết điện hạt nhân và xây điện gió. Tôi cảm nhận, dù phải đầu tư số tiền khổng lồ, nhưng người Đức vẫn sẵn sàng  chi trả giá đắt để bảo vệ môi trường. Mặt khác, họ ngày càng có ý thức cao về việc bớt sát sinh. Hiện tỷ lệ người ăn thịt ở Đức bắt đầu giảm xuống, ngày càng có nhiều người Đức thích đi ăn chay. Và ăn chay đang là xu thế hiện đại của nhiều phụ nữ Đức để bảo vệ sức khỏe, sắc đẹp.

 

 

Theo anh, điều gì đã hấp dẫn và giữ chân thực khách đến với các nhà KoKoNo trước, trong và hậu Covid-19?

 

Thị trường ngành dịch vụ ẩm thực tại Đức cạnh tranh rất khốc liệt. Để tồn tại và phát triển, tôi và các cộng sự đã phải vắt óc để tạo ra những trải nghiệm ẩm thực “độc nhất vô nhị” và mang đến giá trị đích thực cho thực khách của mình. Hiện chúng tôi có rất nhiều khách quen, có những thực khách đến vài lần mỗi tuần, đều đặn hàng tuần, hàng tháng.

 

Giá trị cốt lõi của KoKoNo còn nằm ở món ăn độc đáo và chế biến đa dạng. Chúng tôi luôn nghiên cứu thực đơn mới theo mùa, chủ đề và phát triển những set sushi trình bày đẹp mắt, giống như thực khách đang được chiêm ngưỡng một show ẩm thực ngay tại bàn ăn, giữa một không gian đẳng cấp như một "địa đàng giác quan".

 

Tôi luôn đặt cái tâm, cái tầm và tâm huyết vào thứ mình đang làm và theo đuổi. Đó chính là sức mạnh để chinh phục và quảng bá rộng rãi thương hiệu KoKoNo. Sự tử tế trong kinh doanh, rõ ràng trong cách thức hoạt động chính là thứ thu hút đối tác và thực khách đến với chúng tôi.

 

Tôi luôn tin, sự tử tế sẽ được đáp trả gấp nhiều lần bằng những trái ngọt. Như câu chuyện về chiếc card visit trong hầm gửi xe. Đến nay, ông ấy đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi khai trương nhà hàng mới, tôi đều mời ông ấy đến dự và ông luôn đưa gia đình đến chung vui.

 

 

Một show ẩm thực chắc chắn phải được trình diễn ở một không gian tinh tế, vậy các nhà hàng KoKoNo được thiết kế như thế nào, thưa anh?

 

Mỗi năm, tôi về Việt Nam 3 đến 4 lần. Hiện tôi đang hợp tác với nhiều công ty ở Việt Nam về thiết kế vì thời gian, tiến độ, chi phí đều rất tốt. Tôi kết hợp với nhiều văn phòng thiết kế ở Việt Nam để có bản vẽ cho các nhà hàng tối ưu nhất. Là người cầu toàn nên tôi muốn trực tiếp về cùng làm với họ và chọn những nguồn nguyên vật liệu mới cho nhà hàng của mình.

 

Tôi thích đổi mới, nên mỗi nhà hàng KoKoNo đều được xây dựng theo một phong cách riêng và mang câu chuyện riêng. Thế nên, điều đặc biệt của KoKoNo là mặc dù là một chuỗi, nhưng các nhà hàng có thiết kế không giống nhau.

 

Tôi luôn dựa trên nghiên cứu về đặc tính của thành phố, đặc điểm dân cư để quyết định đầu tư vào nhà hàng đó bao nhiêu tiền, quy mô ra sao. Chẳng hạn, có nhà hàng mang phong cách Nhật cổ, trong đó được trang trí bởi một cây hoa anh đào cao 6 m giữa phòng khách, tán rộng với những chùm hoa chi chít, kết hợp với ánh sáng tạo cảm giác sống động. Nội thất hoàn toàn bằng gỗ. Hay một nhà hàng khác tôi mang 5.000 con cá gỗ với 3 kích thước khác nhau treo trên trần nhà giống như một đàn cá đang bơi lội giữa đại dương.

 

 

Ở góc độ cá nhân, anh rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng, kiến thức ở đâu, từ ai và như thế nào… để có thể đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thực khác, vì kinh doanh ẩm thực vẫn được ví là nghề làm dâu trăm họ?

 

Bật mí là tôi mê kinh doanh đến mức đã bỏ dở việc học đại học. Mọi bản lĩnh, kỹ năng và kiến thức của tôi đều từ việc học hỏi từ kinh nghiệm thực tế. Tôi quan sát rất tốt. Tôi làm cực nhiều và rất ham mê làm việc. Tôi đã đầu tư thời gian và công sức để làm việc trực tiếp trong các môi trường nhà hàng khác nhau từ lúc ở độ tuổi thanh niên.

 

Từ việc chuẩn bị món ăn, phục vụ khách hàng đến quản lý nhân sự và tương tác với đối tác, tôi đã tích luỹ được không ít kinh nghiệm. Trực tiếp thực hành như vậy, tôi nắm rõ hơn về quy trình làm việc, khả năng thích ứng và xử lý tình huống khó khăn.

 

Ngoài ra, tôi luôn tìm hiểu về xu hướng mới và các phong cách ẩm thực độc đáo. Tôi thích xem show ẩm thực và thực hành theo, pha thêm một chút phá cách.

 

Tôi thích thử nghiệm và tạo ra những ý tưởng mới. Sự sáng tạo và khả năng tư duy linh hoạt là những yếu tố quan trọng giúp tôi đáp ứng được sự đa dạng và thay đổi trong nhu cầu của thực khách.

 

 

Nghề kinh doanh ẩm thực đã mang đến cho anh những điều quý giá nào?

 

Nghề kinh doanh ẩm thực đã mang đến cho tôi nhiều điều trân quý. Thứ nhất, nghề kinh doanh ẩm thực mang lại cho tôi niềm vui và sự hài lòng khi thấy thực khách thưởng thức và tận hưởng những món ăn ngon mà chúng tôi mang đến. Điều này làm tôi cảm thấy hạnh phúc và có ý nghĩa trong công việc của mình.

 

Thứ hai, làm trong ngành này, phải đi nhiều và… ăn nhiều. Tôi thấy rất may mắn khi được tự khám phá và trải nghiệm đa dạng nền tinh hoa văn hóa ẩm thực phong phú từ nhiều quốc gia và vùng miền khác nhau.

 

Thứ ba, kinh doanh ẩm thực tạo ra cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhiều người độc đáo và đam mê. Tôi đã có dịp làm việc và học hỏi từ các đối tác, đầu bếp tài ba, nhân viên chuyên nghiệp và khách hàng tâm huyết. Mỗi người đều đóng góp và truyền cảm hứng vào sự phát triển của KoKoNo.

 

Tôi luôn khao khát có thể thực hiện được nhiều ý tưởng mới. Kinh doanh ẩm thực giúp tôi tự do sáng tạo và có quyền quyết định, thử nghiệm các phương pháp nấu nướng và tạo ra những món ăn độc đáo mà tôi tin sẽ là điểm khác biệt, hấp dẫn thực khách.

 

 

 

Hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu kinh doanh ẩm thực không xây dựng kế hoạch dài hạn, KoKoNo thì sao, thưa anh?

 

KoKoNo đã luôn chuẩn bị, xác định mục tiêu kinh doanh rõ ràng, định hình một hướng đi riêng cho mình ngay từ ban đầu và tạo ra các chiến lược tối ưu hóa quy trình kinh doanh và quản lý, ngay cả khi không có Covid-19 xảy ra.

 

Chúng tôi liên tục theo dõi và đánh giá hiệu quả của kế hoạch đã đề ra, và sẵn sàng điều chỉnh, cập nhật khi cần thiết để đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi.

 

Điều này cũng giúp chúng tôi tạo ra sự ổn định và linh hoạt để đối mặt với mọi thách thức và cơ hội trong tương lai.

 

Cùng với sứ mệnh mang đến cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ, chúng tôi luôn ưu tiên bảo vệ môi trường, đào tạo và hỗ trợ nhân viên để phát triển bền vững.

 

Với tầm nhìn và sứ mệnh đó, KoKoNo khát khao vươn tới trở thành một biểu tượng mới trong ngành dịch vụ ẩm thực, được khách hàng tin yêu, và góp phần phát triển bền vững ngành ẩm thực toàn cầu.

 

Mục tiêu của KoKoNo là hiện diện ở tất cả các thành phố có hơn 60.000 người trong hai tiểu bang Bayern và Baden- Württemberg (Đức). Đồng thời, mở rộng ra các thị trường quốc tế, như Thụy Sỹ, Hà Lan và Áo…

 

Sau 15 năm định cư ở Đức, trở thành doanh nhân có tiếng, anh nhận thấy cái nhìn của người Đức với người Việt có khác trước không?

 

Sự phân biệt đối xử khi tôi mới đến đây rất rõ nét, nhưng theo thời gian, sự hiểu biết của người Đức với đất nước, con người Việt Nam ngày càng nhiều nhờ truyền hình, Internet, các sự kiện lớn được tổ chức tại Việt Nam và cả du lịch nữa.

 

Trước đây, người Trung Quốc rất thành công với mảng kinh doanh ẩm thực ở Đức, nhưng giờ đây, người Việt cũng rất thành công. Các chuỗi nhà hàng ăn nhanh trong siêu thị với các món phở, bún bò Nam Bộ, bún chả, gỏi đu đủ được bán rất nhiều, đã và đang quảng quá cho ẩm thực, văn hóa ẩm thực Việt Nam.

 

Cộng đồng người Việt Nam ở Đức hiện tương đối lớn, có khi còn cao hơn cả cộng đồng Trung Quốc. 15 năm trước, có rất nhiều quán Trung Quốc, nhưng giờ số lượng quán Việt Nam nhiều hơn.

 

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, hàng hoá, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Đức và các nước châu Âu ngày càng nhiều. Những nguyên liệu cơ bản để chế biến món Việt không khó để mua được ở Đức.

 

Và đặc biệt, gần đây, Đức tiếp nhận đến gần 2 triệu người tị nạn, số người nước ngoài dần tăng lên, họ làm việc và cống hiến cho nước Đức, nên người Đức đã bớt cảm giác người nước ngoài đến đây ảnh hưởng đến cuộc sống và việc làm của họ.

 

Đặc biệt, là một doanh nhân, cá nhân tôi thấy mình đã tạo công ăn việc làm, tạo ra trải nghiệm mới cho người Đức, giúp người dân của họ hiểu về các nền văn hóa châu Á, đóng thuế cho nước Đức… góp phần giúp nước Đức phát triển.

 

CHÁT VỚI DOANH NHÂN HÙNG TRẦN

 

Cái tên KoKoNo có ý nghĩa như thế nào, thưa anh?

 

Tôi là một người rất ham mê đọc truyện tranh, cho đến tận bây giờ. Hồi còn nhỏ, tôi đọc bộ truyện Manga Truyền nhân Atula. Cái tên KoKoNo chính là được truyền cảm hứng từ nhân vật chính trong đó - KoKoNo.

 

Tôi thích cái cách mà cậu thanh niên KoKoNo chinh chiến trên các đấu trường Karatedo trong nước và quốc tế, từ sự kiên nhẫn, khiêm nhường đến tinh thần cầu tiến và nỗ lực không ngừng. Giống như tôi đến bây giờ, rất hiếu chiến chinh phục những cơ hội mới, thử thách mới, nhưng lại rất chú trọng tới việc cạnh tranh và xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững trong ngành.

 

Tôi rất vui khi được truyền cảm hứng tích cực như vậy và tôi đang phấn đấu vì điều đó trong sự nghiệp chuyên nghiệp của mình.

 

Anh có nghĩ sẽ về Việt Nam sinh sống không?

 

Tôi luôn mong muốn điều đó. Tôi nghĩ mình sẽ “nghỉ hưu sớm” để về Việt Nam sinh sống. Có lẽ là dưới 50 tuổi. Tôi mới lập gia đình, tôi muốn khi con vào học lớp 1, cả gia đình sẽ chuyển về Việt Nam sống vì mong muốn các con giữ được phong tục, tập quán Việt Nam. Điều đó sẽ khó nếu các con tôi sống ở Đức từ nhỏ đến lớn.

 

Hạnh phúc của anh là gì?

 

Hạnh phúc của tôi nằm trong việc chứng kiến niềm vui và sự hài lòng của thực khách khi họ đến với KoKoNo. Đối với tôi, ẩm thực không chỉ đơn thuần là việc đáp ứng nhu cầu sinh tồn, mà nó còn là một nguồn cảm hứng và niềm tự hào về văn hóa và cuộc sống. Đó là lý do tại sao tôi đặt tâm huyết vào việc thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng ngành kinh doanh ẩm thực.

 

Tôi muốn khám phá những món ăn đặc trưng và truyền thống từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời tôn trọng và bảo tồn nguồn cảm hứng cũng như kỹ thuật nấu ăn truyền thống. Đó là một trong những cách mà tôi muốn đóng góp thông qua việc khám phá và thúc đẩy ẩm thực mang tính bản địa và văn hóa của mỗi quốc gia.

 

Tôi muốn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong ngành ẩm thực. Tôi tin rằng, sự kết hợp giữa kỹ thuật nấu ăn truyền thống và các phương pháp, nguyên liệu hiện đại có thể mang đến những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và tinh tế. Tôi muốn khuyến khích sự sáng tạo trong việc tạo ra những món ăn mới, không chỉ từ mặt hương vị mà còn từ cách trình bày, không gian và cảm nhận tổng thể.

 

Và đặc biệt là xây dựng một môi trường kinh doanh ẩm thực bền vững. Đây là điều tôi luôn theo đuổi, từ việc bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu và sản phẩm, đến các chính sách đảm bảo điều kiện làm việc công bằng và an toàn cho người lao động.

 

Tôi tin rằng, chỉ khi ngành ẩm thực phát triển một cách bền vững và có trách nhiệm xã hội, chúng ta mới có thể đạt được sự phát triển toàn diện và tạo ra những giá trị thực sự.

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 01/01/2024 08:04