Nằm nép mình giữa phố nhỏ Phú Viên (Long Biên, Hà Nội), lối vào phải băng qua khu nhà xưởng cũ kỹ, rộng lớn phía ngoài, nhưng bất cứ ai chạm chân tới 282Workshop, sẽ phải ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, cảm giác như đang lạc vào một quán cà phê vườn, một khu triển lãm gỗ hay một resort cao cấp.
Ít ai biết rằng, nơi đây được cải tạo từ nhà máy sản xuất mũ cối của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang để lại. Các hạng mục đều sử dụng vật liệu tái chế. Qua bàn tay “phù thủy” của các kiến trúc sư, thợ mộc 282 Design, những vật vô tri, vô giác, thậm chí là phế thải cũng trở nên độc đáo, khác lạ và rất có hồn.
Kiến trúc sư, nhà sáng lập kiêm CEO 282 Design Huy Phạm cho hay: “Năm 2008, chúng tôi tiếp quản lại khu đất với mục đích cải tạo làm xưởng sản xuất đồ gỗ, không gian xoay quanh một khoảng trống tạo sự thoải mái khi làm việc cho người công nhân và không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh. Sau 12 năm sử dụng, năm 2020, nhà máy gỗ 282Factory chuyển vào Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới (Quảng Bình). 282 Design được “phù phép” trở thành 282Workshop như hiện tại”.
Vâng, đó là một không gian sáng tạo đúng nghĩa, nhằm tạo sân chơi dành cho các hoạt động thiết kế, thể thao, triển lãm kết hợp sản xuất nhẹ, khuyến khích con người sống lành mạnh và giao tiếp với nhau nhiều hơn.
Với cách ngăn chia không gian linh hoạt, 282Workshop cung cấp không gian nền tảng để các bạn trẻ, người sáng tạo đến có thể tự tùy biến những không gian của mình, tùy vào mục đích sử dụng và không giới hạn cho sự sáng tạo.
Nói các khác, 282Workshop với chức năng đa dạng có thể kết hợp nhiều mô hình hoạt động cộng đồng khác nhau. Người công nhân, nhân viên có thể chơi thể thao, tán gẫu sau những giờ làm việc. Học sinh, sinh viên có nơi để thực hành. Trẻ em có thể tách mình khỏi các thiết bị điện tử. Người sáng tạo có không gian để tổ chức sự kiện, giao lưu và kết nối…
Dù mới đi vào hoạt động năm 2020, nhưng 282 Design đã trở thành nơi ươm mầm, thực hành sáng tạo, một điểm hẹn của giới mộ điệu nghệ thuật và nhiều nhà khởi nghiệp trẻ tại Hà Nội.
Cũng hình thành từ Nhà máy in Công đoàn cũ trong những ngày đầu Covid-19 hoành hành, tổ hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội) mê hoặc không kém, với những lớp gạch xù xì, cầu thang sắt thô ráp, khung cửa mái vòm, kính và gam màu trầm chủ đạo…
Tổ hợp chia thành nhiều khu vực: thương mại, tổ chức sự kiện, hội họp, trải nghiệm các hoạt động sáng tạo… thường xuyên tổ chức các sự kiện về văn hóa, khởi nghiệp, thiện nguyện phục vụ cộng đồng.
Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, nhà sáng lập Complex 01 cho biết, thời điểm bắt đầu chuyển đổi một cơ sở cũ của nhà máy đã để hoang hóa 3-4 năm thành một không gian sáng tạo như hiện nay, là muôn vàn gian khó.
Tuy vậy, anh và các cộng sự vẫn quyết tâm chuyển đổi, bởi nhu cầu tạo môi trường cho giới trẻ nhằm thúc đẩy kinh tế sáng tạo và văn hóa sáng tạo đang rất nhức nhối. Rồi Complex 01 được hình thành với sự đầu tư đồng bộ, tạo ra sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ học tập, giao lưu, liên kết phát triển, khởi nghiệp một cách bền vững.
Khi “cơn cuồng phong” Covid-19 ập đến, du lịch là ngành kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất. Thế nhưng, người làm du lịch Thủ đô vẫn không ngừng vượt khó khăn, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm du lịch đêm lung linh, huyền hoặc.
Đầu tiên phải kể tới tour “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện. Ngay khi đưa vào khai thác hồi cuối tháng 6/2020, “món ăn” mới lạ này lập tức tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách. Trước khi đợt dịch Covid-19 hồi cuối tháng 7/2020 bùng phát, điểm đến này hầu như đêm nào cũng cháy vé. Điều đó mở ra hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công cho các di tích, danh thắng khác trên địa bàn Thủ đô.
Tiếp đó, dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Công ty Lữ hành Hanoitourist ra mắt sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Những câu chuyện hấp dẫn về các triều đại tại Hoàng thành, mang đến sự khác biệt so với sản phẩm trước đây thu hút đông đảo du khách.
Đặc biệt, sau 4 năm thí điểm, quận Hoàn Kiếm đã có đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng các tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực, tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí vào buổi tối để thu hút du khách.
Dự kiến, hoạt động kinh tế đêm tại quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng… hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ 6 đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần. Còn những hoạt động ngoài trời và các điểm di tích, di sản mở cửa đến 24 giờ hàng ngày.
Nhắc đến những không gian sáng tạo của Hà Nội, không thể không kể đến Phố đi bộ hồ Gươm và phụ cận. Còn nhớ, năm 2016, khi thành phố Hà Nội quyết định thí điểm mở rộng thêm 16 tuyến, khu phố đi bộ quanh hồ Gươm, đông đảo người dân và du khách tò mò kéo nhau đến đến đây. Và từ đó, mỗi dịp cuối tuần, từ trẻ nhỏ, đến nam thanh nữ tú, người lớn, rồi cả người già, khách du lịch hân hoan đến không gian đi bộ này thư giãn một cách đều đặn. Họ đã yêu, si mê không gian của những lễ hội, thoáng đãng, mát mẻ và trong lành giữa lòng Thủ đô biết nhường nào.
Từ thành công không tưởng của phố đi bộ hồ Gươm và phụ cận, giữa năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục mở tuyến phố đi bộ thứ hai- phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) hoạt động các tối cuối tuần với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí phong phú, đa dạng.
Còn nhớ phố bích họa Phùng Hưng khai trương đúng dịp Tết Nguyên đán 2018 với 19 tác phẩm mô tả lại khung cảnh sinh hoạt, những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội trước năm 2000 trên vòm cầu đường sắt vốn đã bị ngủ quên nhiều năm lập tức thu hút người dân và du khách đến thưởng lãm, chụp hình.
Những góc nhìn và cảm nhận khác nhau về Hà Nội xưa của các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc đã tạo nên khu phố nghệ thuật đa sắc và đa chiều với những hình ảnh quá khứ thân thương. Đó là khu phố cổ Hà Nội sầm uất, mô hình máy nước công cộng thời bao cấp, người phụ nữ với gánh hàng bông thân thuộc, ông đồ ngồi viết câu đối, chuyến tàu điện đông đúc người, cửa hàng bách hóa tổng hợp xưa trên phố Tràng Tiền hay khung cảnh phố hàng Mã rực rỡ ánh đèn lồng mỗi độ Trung thu về… Mỗi bức họa, người dân Hà Nội như được bước qua cánh cổng thời gian, lội ngược dòng về quá khứ, về thời điểm thiếu thốn, khó khăn lắm điều nhưng có những điểm thú vị rất riêng.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trong những họa sĩ nổi tiếng góp sức không nhỏ cho dự án này, chia sẻ: “Đây là dự án lần đầu tiên đưa nghệ thuật đương đại ra đường phố. Tại đây, người xem không chỉ chụp ảnh thông thường mà còn có thể tương tác với các tác phẩm cả về mặt cơ học và tư duy. Khi làm dự án này, những người thực hiện đều phải tìm hiểu về lịch sử của bức tường Phùng Hưng cũng như lịch sử khu phố cổ Hà Nội. Người xem sẽ nhớ lại những ký ức của con phố Phùng Hưng cũng như Hà Nội. Nghệ thuật công cộng ở đây đã gắn liền với cảnh quan, nó đánh thức ký ức của cộng đồng, của những người Hà Nội cũng như những người không ở Hà Nội nhưng đến du lịch, tham quan thủ đô”.
Chẳng thế mà những ai nếu đã trót yêu những bóng hình mộc mạc của Hà Nội xưa, đều cảm thấy thích thú mỗi lần chậm rãi bước trên con phố nhỏ, thong thả len vào 19 cánh cổng thời gian, chiêm nghiệm bức tranh quá khứ đầy sống động và yêu thêm vùng đất, con người Hà thành.
Lại nhớ, trước khi không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) ra đời, cả chục năm, khu tập kết rác thải Phúc Tân tồn tại ở gần chân cầu Long Biên. Không ai muốn nhớ, không gian ấy từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, cũng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Thế rồi, đầu năm 2020, một cụm 16 tác phẩm nghệ thuật đã mọc lên trên suốt chiều dài gần 250 mét chạy dọc sông Hồng của khu vực này. Và, hầu hết chất liệu của những tác phẩm đều được chọn lọc từ... rác thải đã làm sống dậy bến thuyền lịch sử.
Nếu như ở các không gian khác, nghệ thuật thường đi sau, sạch rồi mới đẹp thì ở đây nghệ thuật lại đi trước một bước, nghĩa làm đẹp rồi mới sạch. Gần hai năm tồn tại, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã và đang được người dân tại đây chiêm ngưỡng hàng ngày, trong sự tự hào về một phần ký ức của mình...
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân chia sẻ: "Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng không chỉ làm cho những không gian vốn chật hẹp, ngổn ngang của thành phố được cân bằng trở lại, mà còn tái tạo sức sống mới ngay trên những không gian di sản chất chứa ký ức văn hóa, lịch sử đô thị".
Đặc biệt, Phố Sách Hà Nội do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm khởi công tại phố 19 tháng 12 đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), chính thức hoạt động từ ngày 1/5/2017 thu hút đông đảo những người yêu sách cả ngày lẫn đêm.
Hội tụ 16 đơn vị xuất bản, phát hành sách uy tín, Phố sách Hà Nội vừa là không gian giới thiệu các đầu sách mới, tên sách hay, sách tốt, vừa là nơi tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm với các tác giả trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô.
Sau 4 năm hoạt động, Phố sách Hà Nội đã tạo thêm một không gian văn hóa ý nghĩa, góp phần xây dựng nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội Thủ đô, người Hà Nội thanh lịch - văn minh, giữ gìn và phát huy giá trị Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến...
Bà Trần Thị Mai Dung, thành viên Ban Điều hành Phố Sách Hà Nội chia sẻ: “Phố Sách được thiết kế đẹp, đầu tư đồng bộ, thân thiện, hài hòa với cảnh quan xung quanh. Nơi đây vừa là địa chỉ giao lưu văn hóa, giới thiệu sách, phát triển văn hóa đọc của Thủ đô, vừa là không gian sáng tạo phục vụ cộng đồng, lý tưởng để tổ chức các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật”.
Trước cả những không gian sáng tạo, từ lâu, nền ẩm thực, những món ăn chất chứa tinh hoa, góp phần đưa thiên đường ẩm thực đường phố Hà Nội đã trở thành điểm đáng nhớ trên bản đồ ẩm thực thế giới. Những thương hiệu phở Thìn, chả cá Lã Vọng, cà phê trứng Giảng, bún chả Hương Liên... xuất hiện ngày càng nhiều trên các thành phố châu Âu, châu Á..., trở thành cầu nối đặc biệt đưa Hà Nội đến gần hơn với bạn bè, du khách quốc tế.
Và trong dòng chảy văn hóa thời đại, Hà Nội đã có những chương trình nghệ thuật sáng tạo in đậm dấu ấn. Đó là Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa tại Di sản văn hóa thế giới - Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; vở xiếc "Làng tôi" với đạo cụ chủ yếu là những cây tre, mang đến cho khán giả những hoạt cảnh tái hiện chân thực và sống động về đời sống làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ; hòa nhạc cổ điển Vietnam Airline Hà Nội tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ...
Đặc biệt, vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai), được coi là một trong những chương trình nhất định phải xem khi đến Hà Nội, không chỉ bởi thấm đẫm sắc màu văn hóa dân gian, mà còn được thể hiện bởi chính những người nông dân bước ra từ đồng đất xứ Đoài.
TS. KTS Emmanuel Cerise, Trưởng Đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, một người Pháp sinh sống và làm việc tại Việt Nam 9 năm bày tỏ: "Sự thuần khiết, chân chất của chính các nghệ sĩ biểu diễn, khiến tôi cảm giác như đang hòa mình vào không gian làng quê Bắc Bộ đích thực, cảm nhận sâu sắc về sự dung dị, thanh bình và một nền văn hóa giàu truyền thống. Đây là cách quảng bá thực sự độc đáo và hữu hiệu về đất nước, con người bản địa".
Đủ sắc màu với đa dạng các loại hình hoạt động, đẫm chất nghệ trong cách sắp đặt, bài trí, hơn 100 không gian sáng tạo khác ở Hà Nội như: Liu lo Art, Six Space, CuCa, Hub Café, Vicas Art Sudio, Vụn Art, Ơ kìa Hà Nội, Tổ Chim Xanh, Zó Projet, Hanoi Creative City, Còn Heritage Space, Hub Café... đã biến Hà thành trở thành miền đất của sáng tạo đầy sáng màu và mê hoặc.
Cùng với các không gian sáng tạo, những không gian làm việc chung của Thành phố đã và đang trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều dòng chảy văn hóa sáng tạo của lớp người trẻ.
Kể từ năm 2015 khi bắt đầu những chặng đường đầu tiên của mình tại Hà Nội, Toong - Không gian làm việc chung khá đình đám ở Việt Nam do chàng thanh niên 8X Đỗ Sơn Dương thiết lập luôn nỗ lực hết sức để đào sâu, làm phong phú và đóng góp cho môi trường văn hóa của thành phố, tạo nên một không gian cho những tiếng nói văn hóa cất lên.
“Chúng ta đang sống trong thời đại mà mỗi ngày trôi qua rất nhanh. Chúng ta nói về phát kiến, nhưng lại rũ bỏ di sản, thừa kết nối nhưng thiếu thấu hiểu. Vật chất được sản xuất nhiều hơn, nhưng giá trị đang nhạt nhoà. Một thời đại có quá nhiều bức xúc được ném ra ngoài, nhưng thiếu sự nhận thức bên trong mỗi cái tôi. Những điều đó thôi thúc Toong tạo nên không gian làm việc nơi văn hoá được bồi đắp, thành kiến bị gỡ bỏ, những giá trị mới mẻ được tạo dựng, sự phát triển cá nhân được thúc đẩy”, Đỗ Sơn Dương, sáng lập và điều hành Toong chia sẻ.
Hành trình với điểm khởi đầu tiên của Toong ở biệt thự Pháp cổ trên phố Tràng Thi. Mở rộng theo cấp số nhân tới các miền đất nước, theo sau là những bước chân vươn dài ra thế giới, trước mắt những thị trường gần Việt Nam là Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia).
Một ngôi nhà nơi mỗi ngày được rót đầy những nguồn cảm hứng bất tận, từ nét duyên bản địa, tới vẻ đẹp quá khứ hào hoa, từ những chi tiết tinh vi tới những công trình kiến trúc đong đầy mỹ cảm. Nơi những di sản được tôn vinh, tương lai được định hình; Nơi mỗi phút giây trở nên ý nghĩa, những thử thách là cơ hội; Nơi đam mê được trao đi niềm vui nhận lại; Nơi những người không quen trở thành bằng hữu, cộng sự, gia đình; Nơi những đối thoại chân thành được kích hoạt, để hợp tác sáng tạo được nảy sinh đến những phát kiến đa lĩnh vực ra đời.
Nơi cuộc sống không phải là hành trình lặp lại, mà là hành trình khám phá bản thân, khơi mở nguồn năng lượng từ bên trong. Quả thật, Toong đang trong hành trình vun cấy một thế giới tốt đẹp hơn, bắt đầu từ việc bám rễ vào các lĩnh vực khác nhau, vùng đất khác nhau, văn hoá khác nhau, để chắt chiu thành nguồn dương chất chung cho kiến tạo, nuôi dưỡng tinh thần tốt đẹp trong mỗi con người, để mỗi người chuyển hoá thành phiên bản tốt hơn của chính mình, và dẫn dắt thế hệ kế tiếp bằng những giá trị mà bất cứ ai cũng muốn hướng đến.
Complex 01 cũng là điển hình về không gian sáng tạo nuôi dưỡng, tạo dựng thế hệ trẻ năng động. Tại đây, mối quan hệ cộng sinh giữa chủ đầu tư với các start-up nhỏ hay giữa các statup với nhau vô cùng khăng khít.
Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, sáng lập Complex 01 bộc bạch: “Mục tiêu phát triển của Complex 01 nhằm tạo ra môi trường kết nối, cộng hưởng, cộng sinh với nhau, giúp các startup nhỏ của các bạn trẻ phát triển ngành nghề một cách tốt nhất, bền vững nhất. Qua đó, thay đổi tư duy về kinh doanh văn hóa sáng tạo, trao giá trị cho cộng đồng, cho người trẻ, từ đó tạo ra giá trị cho xã hội nhiều hơn”. Hẳn cũng bởi thế nên Complex 01 luôn được giới trẻ yêu thích và đón nhận nồng nhiệt.
Trong kho đó, ở 282Workshop, các KTS truyền kỹ năng sáng tạo thông qua những lớp học để học sinh, sinh viên được thực hành và hướng đến những điều tích cực.
Đơn cử, nơi đây thường xuyên diễn ra các workshop, cuộc thi mà học sinh, sinh viên sẽ tận dụng mẩu gỗ, thanh sắt bỏ đi, chế tác ra sản phẩm. Sau đó, ban tổ chức sẽ trao thưởng cho các tác phẩm vượt trội. Từ đó, khuyến khích, hình thành tư duy bảo vệ môi trường, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho giới trẻ.
Ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, cho rằng, việc chuyển đổi không gian các cơ sở sản xuất công nghiệp cũ sau di rời thành không gian sáng tạo, sẽ cung cấp thêm không gian công cộng cho người Thủ đô giải tỏa bớt sự ngột ngạt của đô thị, tạo cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa, là nơi ươm mầm các start-up sáng tạo. Các không gian sáng tạo chuyển đổi từ các khu công nghiệp có diện tích lớn, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Chính vì vậy, nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi, và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia vào việc chuyển đổi này.
Những không gian sáng tạo mang lại “lợi ích kép”, vừa giữ gìn bản sắc, vừa tạo ra hệ sinh thái sáng tạo, góp phần tái tạo diện mạo đô thị Thành phố. Mặc dù Thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo, song việc biến tiềm năng thành cơ hội trong phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
(Còn tiếp)
|