Đó là hành trình của kỹ sư Trần Quốc Huy (SN 1985, quê Kon Tum) với những ngày đầu không mấy thuận lợi. Năm 2008, từ một sinh viên năm cuối, Khoa Điện  - Điện tử chuyên ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa TP.HCM, anh đã đặt những bước chân đầu tiên làm việc tại các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới gồm: Renesas Vietnam, Intel Production Vietnam và Cadence Design Systems Vietnam.

 

Trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ kỹ sư kiểm thử và phát triển bộ nhớ nhúng (embedded memory development and verification), kỹ sư thiết kế mạch layout tương tự (Analog layout design) cho các bộ chuyển đổi số sang tương tự (DAC - Digital to Analog conversion), tương tự sang số (ADC - Analog to Digital convertion), hay cả những layout cho RF (Radio Frequency), Trần Quốc Huy tích luỹ được cho mình khá nhiều trải nghiệm cũng như kinh nghiệm làm việc trong suốt gần 16 năm qua.

Trong những ngày đầu tháng 6 rực rỡ, khi tiếng ve đã gọi hè và sự háo hức, mong chờ của nhiều em học sinh chuẩn bị bước chân vào các giảng đường đại học, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trò chuyện với kỹ sư Trần Quốc Huy về chủ đề đang vô cùng “hot”: Hành trang để trở thành kỹ sư bán dẫn toàn cầu.

 

Chào anh Huy. Rất vui vì chúng ta có cuộc trao đổi ngày hôm nay về chủ đề đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía các em học sinh, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo đó là ngành học “bán dẫn”.

 

Mùa tuyển sinh 2024, chưa bao giờ cụm từ “bán dẫn” hay “vi mạch” lại dành được nhiều sự quan tâm đến vậy. Là 1 kỹ sư bán dẫn toàn cầu, có kinh nghiệm 15 năm làm việc, anh có cảm nhận như thế nào khi mà ngành này lại trở nên “hot” đến thế trong thời gian gần đây?

 

 

Tôi cảm thấy rất vui và có một phần phấn khích khi thấy ngành mình nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư và hoạch định theo chiều hướng tốt. Điều này phản ánh sự phát triển và củng cố tầm quan trọng ngày càng lớn của công nghệ bán dẫn đang hàng ngày len lỏi vào trong cuộc sống của chúng ta, từ tất cả các thiết bị điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến các ứng dụng công nghiệp và quân sự.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, sự quan tâm đến ngành bán dẫn còn phản ánh những nỗ lực mạnh mẽ của đất nước trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tôi biết Chính phủ đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục, đặc biệt là các chương trình đào tạo kỹ sư và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao. Các trường đại học và trung tâm nghiên cứu như NIC (Vietnam National Innovation Center – Hà Nội), SHTP (Saigon Hi-Tech Park), DSAC (Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo) ) cũng nhận được nhiều hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

 

Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn/công ty công nghệ toàn cầu nhờ vào những chủ trương và chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển công nghệ cao của chính phủ. Đặc biệt là chúng ta có lực lượng lao động trẻ, tài năng cũng như chi phí rất cạnh tranh. Sự quan tâm của các em học sinh, sinh viên và phụ huynh cũng là tín hiệu rất tốt, cho thấy tương lai của ngành này sẽ có cơ hội nhận được nhiều kỹ sư tài năng mới.

 

Đã quá lâu rồi, khoảng gần 20 năm kể từ ngày những công ty đa quốc gia về thiết kế chip vào Việt Nam, những người Việt Nam trưởng thành ở nước ngoài trở về mở những công ty ban đầu, chúng tôi đang vui vẻ đón nhận làn sóng mới đầy cảm xúc và… tất yếu như thế này. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có sự thận trọng trong suy nghĩ trước những sự thay đổi lớn và quyết liệt thế này.

 

Nghe chia sẻ của anh, tôi cảm nhận được rất rõ tâm huyết cũng như ánh mắt đau đáu và cả những trăn trở cho ngành này. Vậy để trở thành 1 kỹ sư bán dẫn toàn cầu thì hành trình của anh bắt đầu ra sao, anh có thể chia sẻ câu chuyện của mình không?

 

 

Cám ơn nhà báo vì câu hỏi rất thân thuộc, nhưng mỗi khi nhớ lại, trong tôi lại trào lên cảm xúc rất đặc biệt. Tôi luôn nhớ một người bạn thân thiết của tôi đã nói như thế này: Con đường để trở thành 1 kỹ sư bán dẫn là… con đường Tân Thuận, KCX Tân Thuận, TP.HCM, vì ở đó, có khá nhiều công ty về bán dẫn từ những ngày đầu tiên.

 

Vào tháng 3/2008, khi tôi còn đang là sinh viên năm cuối tại Khoa Điện - Điện tử, chuyên ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa TP.HCM, cùng với những người bạn cùng khóa, tôi đã quyết định gửi hồ sơ ứng tuyển vào công ty Renesas Việt Nam. Thời điểm đó, công ty mở rộng quy mô tuyển dụng lớn, với hơn 100 vị trí dành cho kỹ sư, trải qua 3 vòng kiểm tra và phỏng vấn về các kiến thức cơ bản về Kỹ thuật số đó là kỹ thuật lập trình, khả năng làm việc đội nhóm và cả tiếng Anh, tôi may mắn trở thành một kỹ sư ngành từ đó.

 

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc lúc đó, tự hào và hãnh diện vô cùng nhà báo ạ. Tôi đã oà lên sung sướng và mường tượng ra con đường xuất ngoại của tôi cũng bắt đầu rõ rệt từ giây phút ấy. Năm 2014, tôi được cử sang Nhật Bản để đào tạo và nghiên cứu việc đánh giá Chip Analog sau khi sản xuất. Sau khi trở về Việt Nam 1 năm sau đó, tôi được công ty điều động sang bộ phận thiết kế số, chuyên trách về việc kiểm tra và đánh giá thiết kế, khâu cuối cùng cực kì quan trọng trước khi gửi thiết kế đến nhà máy sản xuất để đảm bảo thiết kế được sản xuất chính xác và không có lỗi vật lý.

 

Đến năm 2017, tôi cùng 1 đồng nghiệp tiếp tục được công ty phái cử sang Nhật Bản để tiếp tục học tập và nghiên cứu, tiến tới thành lập và mở rộng dự án trong tương lai tại Renesas Việt Nam. Trong suốt 2 năm tại Nhật Bản, tôi được học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành, từ kỹ thuật thiết kế, triển khai bố trí linh kiện, modules và các thành phần khác trên 1 con chip, cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp của một kĩ sư bán dẫn. Sau khi trở về nước, tôi tiếp tục đồng hành cùng đội nhóm và chuyên sâu vào việc làm layout cho chip, là bước cuối cùng tạo ra hình hài cho sản phẩm, trước khi đưa nó đến nhà máy để sản suất. 

 

Thời gian ở Nhật Bản làm việc và sinh sống với tôi là vô cùng đáng nhớ và ấn tượng. Ngoài những kiến thức, kỹ năng được học tập và rèn luyện, tôi học hỏi được nhiều từ phong cách làm việc chỉnh chu, để ý từng chi tiết nhỏ và vô cùng tinh tế cùng lối sống giản dị của người Nhật. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi trong chặng đường sau này nữa.

 

Tôi còn biết anh là một trong 20 kỹ sư đầu tiên được Intel Production Việt Nam quyết định mở rộng đội thiết kế Chipset và CPU. Nhưng sau đó anh lại có bước ngoặt sang Cadence Design System Vietnam. Một hành trình với rất nhiều bước ngoặt, anh có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này không?

 

Trải qua 15 năm trưởng thành và gắn bó cùng Renesas Việt Nam, thích ứng theo thời gian và yêu cầu của công ty, tôi đã được trải qua nhiều vị trí khác nhau, tham gia vào hầu hết các khâu thiết kế, từ thiết kế logic đến thiết kế vật lý, và cả thiết kế mạch tương tự (Analog design). Ngoài ra, tôi cũng có cơ hội được quản lý một nhóm nhỏ, cùng phát triển đội nhóm và đóng góp cho sự thành công của nhiều sản phẩm của công ty. Có thể nói, Renesas là một trong những cái nôi đầu tiên ở Việt Nam tuyển dụng và đào tạo hàng ngàn kỹ sư vi mạch cho nước nhà.

 

Tháng 10/2022, sau 15 năm gắn bó với Renesas Việt Nam, một công ty với văn hóa làm Việt Nhật Bản, tôi rời Renesas và cập bến Intel Production Việt Nam, một môi trường lớn hơn và cực kỳ chuyên nghiệp để tiếp tục phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua việc thiết kế CPU layout cho các sản phẩm của Intel trên các công nghệ mới nhất của công ty hiện nay.

 

Tại Intel Việt Nam, tôi lại may mắn là một trong 20 kỹ sư đầu tiên của nhóm thiết kế được Intel quyết định mở rộng đội thiết kế Chipset và CPU. Được làm việc tại một môi trường cực kỳ năng động, tốc độ giúp mình hiểu biết và nhìn nhận sâu hơn về phong cách và tác phong làm việc của môi trường phương Tây, nâng cao bộ kỹ năng của một kỹ sư bán dẫn.

 

1 năm sau đó, tôi rời Intel và gia nhập Cadence Design System Vietnam, là một công ty EDA (Electronic Design Automation) hàng đầu thế giới cung cấp các giải pháp, công cụ thiết kế EDA hỗ trợ thiết kế điện tử, bán dẫn, thiết kế hệ thống kỹ thuật số, tương tự và hỗn hợp, giúp các công ty bán dẫn và kỹ sư thiết kế tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm, giảm chi phí và rút ngắn thời gian phát triển các sản phẩm chip. Tại đây, tôi được giao nhiệm vụ tham gia trực tiếp và hỗ trợ các dự án thiết kế chip của khách hàng với bộ công cụ thiết kế đến từ Cadence. Hiện tại, Cadence cũng đang đồng hành cùng NIC (Vietnam National Innovation Center - Hà Nội), SHTP (Saigon Hi-Tech Park)… và các trường đại học kỹ thuật tại 3 miền trong việc cung cấp công cụ thiết kế và giảng dạy cho thầy cô cũng như công cụ học tập  cho sinh viên kỹ thuật trong ngành, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển về nhân sự thiết kế vi mạch trong tương lai như kế hoạch của chính phủ đến năm 2030.

 

Và hành trình vi mach, bán dẫn của tôi sẽ vẫn tiếp tục từ đây và có thể sẽ có những bước tiến mới trong tương lai nữa.

 

Trên hành trình ấy, có lẽ đã có quá nhiều cảm xúc cũng như thuận lợi và khó khăn đối với anh. Tôi và độc giả rất tò mò những phút giây thăng trầm đó của anh?

 

 

Nhà báo cũng biết rằng “Nghề nào cũng vậy, đều phải đủ duyên và kiên trì và kiên trì” thì mới thành được, và tôi cũng không phải ngoại lệ.

 

Ngày chuẩn bị ra trường, nhiều bạn của tôi cùng đi xin việc và tìm kiếm công việc ở những đơn vị viễn thông như MobiFone, VinaPhone... vì chúng tôi học chuyên ngành Điện tử Viễn thông. Tuy nhiên, trong một buổi “ngày hội việc làm” tại trường, tôi được biết đến Intel Vietnam và Renesas Vietnam, 2 công ty này quá nổi tiếng nên tôi quyết định gửi hồ sơ xin việc và chấp nhận rằng, có thể mình sẽ không được làm đúng chuyên ngành đào tạo, xác định nhận được mức thù lao vừa phải và cần có thời gian để tiếp tục được học và được đào tạo. Ngày đó, gia đình cũng lo cho tôi đấy, vì tôi liều và thử thách là quá lớn, nhưng tôi cứ bước đi với sức trẻ muốn thử sức, muốn được chinh phục.

 

Tôi nhớ như in giây phút 1 chiếc hồ sơ được gửi đi đến Intel Vietnam, nhưng… bặt vô âm tín. Cái cảm giác chờ đợi, hồi hộp xen trong sự lo lắng không biết mình có được không. Cùng lúc đó, tôi lại nhận được thư mời tham gia buổi kiểm tra kỹ thuật và tiếng Anh của Renesas Việt Nam. Và sau lần kiểm tra và thành công ở 3 vòng phỏng vấn kế tiếp với các quản lý Nhật Bản, phần còn lại có lẽ là “lịch sử”, là “duyên và là nợ” của tôi với Renesas Việt Nam. Tôi dấn thân vào ngành không mấy thuận lợi, chán nản muốn bỏ việc, bỏ nghề vì những vấn đề cá nhân.

 

Chính lúc này, gia đình, bạn bè và các quản lý từ công ty đã động viên tôi tôi tiếp tục, và sợi duyên lành đã cho tôi gắn bó với Renesas Việt Nam trong suốt 15 năm.

 

 

Tôi có vài thành tựu cùng công ty, nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất là tôi đã không bỏ cuộc giữa chừng và tiếp tục tiến lên để đón làn sóng vi mạch ngày hôm nay. Tôi làm việc tại Intel 1 năm sau khi rời Renesas đã mở ra cho mình một thế giới quan khác mới mẻ, rất thú vị về cách thức thiết kế khác người Nhật, về văn hóa của một công ty phương Tây cũng như làm quen với một nhịp độ thiết kế rất nhanh nơi đây. Sau cuối, cho tới hôm nay, tôi có được may mắn là một thành viên của Cadence Design System Vietnam, nơi có thể giúp tôi mở rộng hơn nữa về tầm nhìn của ngành thiết kế này trương tương lai, với vô vàn tầm nhìn của nhiều công ty mới, trực tiếp hỗ trợ các bạn kỹ sư trong ngành là một niềm vui lớn trong năm 2024, năm chúng ta đón nhận sự “nóng bỏng” của ngành thiết kế bán dẫn.

 

Có ý kiến cho rằng, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, và cả đội ngũ chuyên gia đào tạo giảng dạy về bán dẫn ở Việt Nam còn nhiều trăn trở. Từ thực tế đã từng là sinh viên Khoa Điện - Điện tử chuyên ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa TP.HCM cho đến khi bước chân ra ngoài thế giới, anh thấy sự trăn trở, lo lắng đó như thế nào? Và suy nghĩ đánh giá chủ quan của anh trước ý kiến này ra sao?

 

 

Tôi có đọc rất nhiều thông tin cũng như có nhiều cuộc trao đổi, trò chuyện thực tế với thầy cô, học sinh cũng như những kỹ sư đã đi làm nhiều năm như tôi. Và quả thật có không ít những lo lắng của mọi người như nhà báo vừa chia sẻ. Về vấn đề này, tôi xin được đưa ra góc nhìn mang tính chủ quan của mình.

 

Thực tế là, 20 năm trước, tại các trường đại học, dù cho cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa vẫn còn chưa đạt được đến như hiện nay, tuy nhiên, thầy cô ở các trường đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình đó là cung cấp được tất cả những kiến thức chung nền tảng cho sinh viên, cũng như tạo đủ áp lực để sinh viên ra trường và trở thành những kỹ sư bán dẫn từ đó đến nay (Thời đó, nhà trường chỉ đào tạo chung chung, chưa có giáo trình có hình hài Vi mạch - Bán dẫn như bây giờ).

 

Gần 5.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam đều ra đời từ những cái nôi đó, và họ vẫn đang là những hạt nhân tốt trong hơn 40 công ty có mặt ở Việt Nam, cũng như làm việc tại nước ngoài. Về cá nhân, tôi tuyệt đối tin tưởng môi trường đại học và hài lòng về việc đào tạo. Tuy nhiên, thời gian để sinh viên ra trường và đáp ứng ngay công việc thực tế thường kéo dài, nhanh nhất thì 3-6 tháng huấn luyện tập trung, 1-2 năm huấn luyện thực tế (OJT - On The Job Training). Thời của tôi, sau khi ra trường và đi làm, ngoài việc tự học thì tôi và đồng nghiệp liên tục được tham gia các khóa huấn luyện của người đi trước, cũng như chuyên gia đến từ Nhật Bản. Những khóa huấn luyện kỹ thuật này, đa phần là để bổ sung và nâng cao kiến thức. Tôi dùng kiến thức nền tảng ở đại học để có thể tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn.

 

Từ kết quả thực tế của tôi, giữa kiến thức nhà trường và thực hành luôn được cân bằng 50-50. Giáo trình nên được bổ sung, cập nhật thường xuyên theo xu hướng công nghệ mới. Đặc biệt, sự kết hợp chặt chẽ đầu vào - đầu ra giữa nhà trường và doanh nghiệp nên là một xu hướng mới với cách thức đào tạo mới.

 

Chương trình học được giảm tải nhưng tập trung rõ ràng, phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp nói riêng và thị trường lao động nói chung. Ở một vài nước lân cận Việt Nam, tôi đã chứng kiến được rất nhiều kỹ sư sau khi ra trường đã… bỏ túi gần 2 năm kinh nghiệm thiết kế vi mạch. Họ đã áp dụng tốt “mô hình đào tạo kép - dual education system”), đây là phương thức giáo dục kết hợp giữa lý thuyết học tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức học được vào thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao kinh nghiệm và tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có thể chọn được làm việc tiếp tục tại doanh nghiệp đó, hoặc mang kinh nghiệm mình học được tìm kiếm một cơ hội mới.

 

Theo quan sát của bản thân thời gian qua, Cadence và các doanh nghiệp lớn đang rất nỗ lực đồng hành cùng các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu vi mạch ở 3 miền để có thể nâng cao năng lực giảng dạy kiến thức mới, cập nhật kỹ thuật, công nghệ và cung cấp phần mềm thiết kế thông qua chương trình ToT (The Training of Trainer). Tôi hy vọng đó là những bước đi đầu tiên và cụ thể hóa việc thay đổi và bắt kịp xu thế, hướng đến một hành trình đạt được một trong những mục tiêu đề ra của chính phủ đến năm 2030.

 

Để có một lời khuyên với các em sinh viên lựa chọn ngành học này, anh sẽ nói gì?

 

 

Các bạn sinh viên hãy ưu tiên cho những đam mê, từ đó xác định chính xác mục tiêu mong muốn trong 3-5-10 năm để có thể tự mình lên kế hoạch ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Xác định và làm giàu bộ kỹ năng mềm, ngoại ngữ, lựa chọn đúng chuyên ngành và tập trung học và nghiên cứu tốt tại trường đại học. Bổ sung kiến thức hoặc tiếp cận xu hướng kiến thức được chia sẻ ở các diễn đàn, các trung tâm vi mạch có ở những thành phố lớn, hoặc các công ty bán dẫn luôn luôn chào đón các đợt thực tập kĩ năng, nơi các bạn có thể tham khảo, chiêm nghiệm và nuôi dưỡng ước mơ vi mạch của mình.

 

 

Cuối cùng, nghề này áp lực không phải là nhỏ, làm việc vất vả, nên để đeo đuổi, các bạn cần trang bị một tinh thần sẵn sàng, kiên trì và không bỏ cuộc. Đừng chọn ngành này, chỉ vì đang là xu thế. Hãy chọn vi mạch, khi bạn có sẵn đam mê, khi bạn đã tìm hiểu đủ đầy và sẵn sàng cho một hành trình… bước trên hoa hồng trong tương lai. Và điều cuối cùng, tôi luôn chúc các bạn thành công, kiên định, vững vàng với quyết định của mình ngày hôm nay vì đó là tương lai của chính các bạn nhiều năm về sau nữa.

 

Bình luận bài viết này
Hưng Anh 10/06/2024 09:12