NỘI DUNG, TRÌNH BÀY: HỒ HẠ   |   ẢNH: CHÍ CƯỜNG

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang tiến hành đánh giá về việc có đưa Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường”. Theo nhà đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) phía Việt Nam, lợi ích lớn nhất cho Việt Nam là tổng rà soát lại chính sách của mình, rút ra được những kinh nghiệm, bài học, học tập và áp dụng luật lệ phổ quát của thế giới để tiến sâu vào thị trường Mỹ và toàn cầu.

 

Với hàng chục năm là nhà đàm phán thương mại cấp Chính phủ, trực tiếp tham gia đàm phán các hiệp định với Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, với Singapore, Canada, Na Uy, Thụy Sỹ… và đặc biệt là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) suốt 5 năm từ năm 1995 - 2000. Mà Hiệp định BTA thực chất là lộ trình mà Việt Nam phải thực hiện để làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp, xây dựng kinh tế thị trường. Ông nhìn nhận thị trường Mỹ thế nào khi đàm phán Hiệp định BTA?

 

Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế thị trường lâu đời và ổn định nhất trên thế giới. Khi đàm phán Hiệp định BTA, tôi đã nghiên cứu rất kỹ luật lệ, kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là con người Mỹ. Cái gì cũng khác ta.

 

Riêng về kinh tế, Mỹ trước hết là một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi đó, họ chiếm 25% kinh tế thế giới. Khibắt đầu đàm phán, trên Báo Nhân dân đăng, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Việt Nam ước tính khoảng 33 tỷ USD, mà Mỹ là 18.000 tỷ USD, gấp ta những 545,5 lần.

 

Khi đó, ở Việt Nam, 70% người dân sống ở nông thôn với cái cày, cái cuốc, với con trâu. Ở Mỹ, chỉ có 2% làm nông nghiệp, trong đó 1% làm nông nghiệp trực tiếp, nhưng là nền nông nghiệp hiện đại nhất thế giới. Lúa mì, bông chiếm 28% thị trường thế giới. Đậu tương và ngô chiếm 57-58% thị trường thế giới. Khi đấy, nước ta chưa có một mét đường cao tốc nào cả. Ngay cả bây giờ dự kiến đến năm 2030, Việt Nam mới có đường cao tốc từ Bắc - Nam khoảng 5.000 km, mà Mỹ đã có 65.500 km đường nhựa, 8 làn xe, bằng 162 vòng quanh quả đất theo đường xích đạo. Ngân sách cho khoa học của Mỹ, bằng ngân sách tất cả các nước tư bản cộng lại. 3/4 người được Giải Nobel là người Mỹ. 75% tác phẩm phát minh sáng chế là của Mỹ. Các trung tâm khoa học lớn nhất thế giới là của Mỹ. Các trường đại học lớn nhất thế giới, hiện đại nhất thế giới là ở Mỹ.

 

Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 13/7/2000, tại Thủ đô Washington D.C.

 

Mỹ khống chế, chi phối các tổ chức thương mại thế giới, nhất là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Toàn bộ hệ thống luật của WTO cơ bản là của Mỹ. Cho nên, muốn vào kinh tế thế giới, vào WTO thì cơ bản đàm phán vào được Mỹ là xong. Nếu không xong thì không ai giơ tay cả.

 

Muốn vào WTO thì phải ký Hiệp định BTA để chuyển nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường trước đã.

 

Mặt khác, Mỹ là thị trường tự do nhất thế giới, thị trường năng động nhất thế giới. Ai vào Mỹ cũng được, miễn là cạnh tranh được. Chính sách của họ quá thông minh khi mở ra một thị trường mở để cả thế giới vào đấy cạnh tranh, để người dân Mỹ được hưởng lợi hàng tốt và rẻ. Cho nên cả thế giới vào thị trường Mỹ khai thác.

 

Điều đó cho thấy, tất cả thế giới đều dồn vào Mỹ để khai thác. Vậy, tại sao Việt Nam lại không? Việt Nam phải ký hiệp định thương mại với Mỹ để khai thác và phát triển. Chơi được với Mỹ thì có thể chơi với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

 

 

Hiệp định BTA được xem là cơ sở để Việt Nam chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo quan sát của ông, từ khi BTA có hiệu lực đến nay, Việt Nam đã dành được những kết quả gì?

 

Mấy chục năm tôi đi đàm phán với Liên Xô, xuất khẩu của Việt Nam khi đó chưa đạt được 1 tỷ USD. Khi đàm phán Hiệp định BTA, Đại sứ Mỹ Peterson nói rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh chóng tăng lên 6 đến 7 tỷ USD. Lúc đó, tôi không tin. Vì khi đấy, Việt Nam làm gì có gì để xuất khẩu. Vậy mà năm 2023, xuất khẩu của chúng ta đã đạt 354,67 tỷ USD. Riêng với Mỹ, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 114 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên. Đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thực sự không ngờ thương mại lại phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng như thế.

 

Tăng nhanh như vậy là do nhiều yếu tố. Thứ nhất, vì thị trường Mỹ là thị trường mở. Thứ hai, tất cả các nướcđầu tư vào Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ. Châu Âu đầu tư vào may mặc, Mỹ đầu tư vào giày dép,Nhật Bản đầu tư vào sản xuất tivi, Hàn Quốc đầu tư vào sản xuất điện tử... Nhờ đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh. Phân tích như vậy để thấy, thực chất hàng của người Việt Nam sản xuất từ A-Z chưa vào Mỹ được nhiều.

 

 

Nhìn vào cán cân thương mại Việt - Mỹ, chúng ta thấy, Việt Nam xuất siêu nhiều thứ 3 sang Mỹ, sau Trung Quốc và Mehi

co. Tuy nhiên, con số 114 tỷ USD trong tổng số nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm chừng 3,7%. Đây là con số rất nhỏ.

 

Những năm gần đây, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ khoảng 10 - 14 tỷ USD/năm. Đó là vì cơ cấu kinh tế khác nhau. Thứ nhất, hàng Mỹ đắt, ta chưa có sức mua. Thứ hai, hàng Mỹ chủ yếu là dịch vụ. Mà dịch vụ Việt Nam chưa “nuốt nổi”. Cho nên, dịch vụ của Mỹ vẫn chưa vào được nhiều.

 

 

Ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành đánh giá về việc có đưa Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường”. Ông có cảm nghĩ gì khi nghe thông tin này?

 

Tôi nghĩ việc này rất tốt cho Việt Nam. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm khi xem xét những vấn đề này. Việt Nam cũng đã nhiều năm, qua các vụ kiện, đã hiểu yêu cầu của Mỹ. Việt Nam biết phải làm gì để được công nhận là nền “kinh tế thị trường”.

 

Việt Nam cũng phải tiếp tục học hỏi thế giới để xử lý những vấn đề mới phát sinh và khó. Khó cũng phải theo các luật lệ phổ quát của thế giới và có lộ trình từng bước để hòa nhập, tiến sâu vào sân chơi chung, chứ không phải là cứ không quản được thì cấm. Ta và Mỹ là bạn hàng lớn, lâu dài, tin cậy.

 

Tôi còn nhớ, khi đàm phán Hiệp định BTA, tháng 4/1997, Mỹ đưa cho ta một dự thảo hiệp định được thiết kế trên những nguyên tắc của WTO. Trong chuyện này, người Mỹ rất nghiêm túc. Dự thảo đó cũng đã được đưa cho một số nước khác và các nước kia ký ngay trong năm 1997. Thế nhưng, đối với Việt Nam, sau khi nghiên cứu, ta thấy không thể ký được, vì yêu cầu cam kết cao quá. Thậm chí, có những điều khoản trái với luật Việt Nam như “Đối xử quốc gia”. Ta đề nghị để thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của mình, với lý do: “Việt Nam là nước đang phát triển có trình độ thấp”.

 

Sau một thời gian dài nghiên cứu, chúng tôi đã đưa bản dự thảo cho họ, khác với dự thảo mà họ đưa cho ta. Bản dự thảo này có nhiều điểm khác xa so với bản mà phía Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam, đặc biệt là chương dịch vụ và nhiều điều khoản khác.

 

Phía Mỹ ngạc nhiên. Họ đã cho các chuyên gia nghiên cứu dự thảo của ta và thấy ta đúng, họ chấp nhận.

 

Hai Trưởng đoàn đàm phá Hiệp định BTA phía Việt Nam và Hoa Kỳ là ông Nguyễn Đình Lương và ông Joe Damond ký tắt Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 14/7/2000 tại Nhà Trắng.

 

Hiệp định BTA được ký kết giúp Việt Nam bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường. Do đó, toàn bộ hệ thống luật của Việt Nam phải viết lại và sửa đổi hoàn toàn. Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại viết lại. Đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Thương mại gần như sửa hết, viết lại hết hoàn toàn.

 

Toàn bộ các ngành dịch vụ trước đây không có luật, nay phải viết mới như tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông, vận tải, du lịch… Viết lại theo cơ chế thị trường và xác định lại vị trí của người dân. Nếu như trước đây người dân và doanh nghiệp muốn kinh doanh gì thì xin nhà nước. Nhà nước cho cái gì thì làm cái đó. Nhưng bây giờ theo luật sửa đổi theo Hiệp định BTA, người dân và doanh nghiệp có quyền kinh doanh, có quyền đầu tư với tất cả những lĩnh vực gì, những ngành gì mà nhà nước không cấm.

 

Thế cho nên, bây giờ hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp được thành lập mỗi năm và đang trở thành động lực của nền kinh tế Việt Nam.

 

Thứ nữa, về luật pháp, trước đây, người dân chỉ được thi hành luật. Bây giờ khác. Luật là ý chí của dân, phải đưa ra toàn dân bàn. Nếu không có ý chí của dân thì chưa được thông qua.

 

Đó là một cuộc cách mạng về cải cách thể chế, luật lệ. Cho nên, sau việc này, chúng ta cũng cần có một cuộc cách mạng tương tự để tạo sức bật cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

 

 

Hiện tại, Mỹ xem Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là những nền kinh tế phi thị trường, do đó là đối tượng của thuế chống bán phá giá ở mức cao. Đơn cử, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đã gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam, nhưng thuế đối với tôm từ Thái Lan - một nền kinh tế thị trường chỉ ở mức 5,34%. nhà đàm phán thương mại quốc tế kỳ cựu, theo ông, nếu được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích gì?

 

Trước tiên tôi khẳng định, Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường hay không thì quan hệ Việt Nam với Mỹ vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Đầu tư không ảnh hưởng gì cả.

 

Về kinh tế, chỉ ảnh hưởng đến một vài mặt hàng đang vướng về các quy định chống phá giá như cá, tôm, mật ong, sắt, thép… Còn lại các loại hàng hóa khác vẫn xuất khẩu thoải mái. Nếu Mỹ “cất” kinh tế phi thị trường đi thì Việt Nam đỡ vướng mắc những vấn đề lặt vặt liên quan đến một số mặt hàng trên. Và đương nhiên, quan hệ kinh tế của hai nước tiếp tục thêm gắn chặt.

 

 

 

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9/5/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, thực tế cho đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản... Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác, trải rộng khắp các châu lục. Vậy, việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ tạo nên sự khác biệt gì, thưa ông?

 

Nhiều nước đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường rồi, nhưng khi Mỹ coi Việt Nam có nền kinh tế thị trường thì sẽ tác động rất lớn, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, thị trường quan trọng của thế giới. Và Mỹ như ông hộ pháp, làm ăn suôn sẻ được với Mỹ thì sẽ làm ăn suôn sẻ được với bất cứ ai.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến 11/9/2023. (Ảnh: TTXVN)

 

Tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ đồng ý rà soát để loại Việt Nam khỏi danh sách nhóm các nền kinh tế phi thị trường. Theo quy định của Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ có 240 ngày, tức đến cuối tháng 7/2024 là hạn chót, để hoàn thành cuộc khảo sát về hiện trạng của Việt Nam. Ông có lo lắng gì không? Và với con mắt quan sát tinh tường của nhà đàm phán quốc tế, xin ông chia sẻ dự đoán kết quả vào tháng 7 tới?

 

Mỹ có hệ thống luật lệ rất ổn định cho thị trường và áp dụng với cả quốc tế. Kỳ này, Mỹ xem xét nền kinh tế thị trường của Việt Nam, thì thứ nhất, luật của Mỹ có từ lâu rồi nên họ có kinh nghiệm, họ sẽ không làm sai. Thứ hai, họ lấy ý kiến toàn dân, tất cả các bên đều được tham gia ý kiến tự do, cả ý kiến của Việt Nam, cả cộng đồng doanh nhiệp xuất khẩu và nhập khẩu với Việt Nam, cả cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, trong vòng 240 ngày.

 

Điều thứ ba, đứng sau các doanh nghiệp là hệ thống các quan chức, các nghị sĩ, Hạ viện, Thượng viện, nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ tập hợp ý kiến. Nhưng mà đứng sau lưng các doanh nghiệp là các nghị sĩ nên yên tâm là Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xem xét đầy đủ tất cả các ý kiến. Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tập hợp tất cả ý kiến và so sánh để trình Tổng thống duyệt. Yên tâm là phía Mỹ sẽ làm công khai, bình đẳng.

 

 

Hiện trong quá trình xét trong khoảng 240 ngày, dự kiến đến tháng 7 là kết thúc. Nhưng có một yếu tố đang ảnh hưởng là năm bầu cử ở Hoa Kỳ. Năm nay, ông Biden sẽ tranh cử nên không muốn làm mất lòng cử tri. Trong thâm tâm, Tổng thống Biden muốn giúp Việt Nam. Vì việc nâng quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam lên tầm chiến lược toàn diện đó là công lao lớn nhất của ông Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm 2023. Ông rất tự hào và muốn thúc đẩy. Nhưng có lẽ bầu cử là ưu tiên số 1 của đương kim Tổng thống Mỹ, nên tôi sợ tháng 7 này không xong.

 

 

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng khốc liệt. Mỹ đang tăng thuế, cấm xuất khẩu kỹ thuật, đang muốn các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc. Đây liệu có phải là cơ hội cho Việt Nam, thưa ông?

 

Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc - hai con hổ của thế giới không bao giờ chấm dứt. Mỹ muốn thống trị thế giới. Mà Trung Quốc muốn vượt lên Mỹ để thống trị thế giới. Chỉ khi nào một trong 2 con hổ bị kiệt sức thì chiến tranh kinh tế mới kết thúc.

 

Chủ trương phía Mỹ là tăng thuế, cấm nhập vào Trung Quốc kỹ thuật. Những điều này đã có tác dụng nhất định, khiến các doanh nghiệp Mỹ “sơ tán” ra khỏi Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi những chính sách này. Không giống cách đây 10 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại.

 

Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang được hưởng lợi từ chính sách của Mỹ. Thực tế, những doanh nghiệp lớn như Apple và Intel đã thành lập các nhà máy và trung tâm nghiên cứu lớn tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, doanh nhân Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc luôn phải tính toán, lấy lợi ích làm chính để so sánh việcra khỏi Trung Quốc lợi hơn hay thiệt hơn. Nếu ở Trung Quốc vẫn có lợi ích hơn thì họ vẫn ở lại, trừ khi có lệnh cấm thì họ mới phải rời khỏi, còn đánh thuế thì họ vẫn chịu thuế nếu còn sức cạnh tranh.

 

Về phía Mỹ là thế. Nhưng về phía Trung Quốc, họ phải có những biện pháp để chống chế lại những chính sách của đối thủ. Thứ nhất, không được đầu tư vào Mỹ thì đầu tư các nước xung quanh như Mehico, Brazil hay châu Âu, Việt Nam, Nhật Bản… để tránh thuế.

 

Hơn nữa, ở thị trường trong nước, Trung Quốc phải giữ các doanh nghiệp Mỹ ở lại bằng lợi ích kinh tế. Cho nên, cơ bản các doanh nghiệp Mỹ trên đất Trung Quốc vẫn ít rút khỏi thị trường này và vẫn cứ khai thác, vẫn cứ làm ăn.

 

Còn khi buộc phải rời khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp sẽ tìm nơi nào an toàn nhất, có lợi nhất. Họ xem Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia thế nào? Có hơn Việt Nam không? Nếu hơn thì chẳng có lý do gì để đến Việt Nam. Cho nên, cũng chỉ có Apple và Intel rút loạt xí nghiệp đầu mối, trong đó có cả ở Trung Quốc sang Việt Nam, chứ không nhiều doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam, mà chọn xây dựng ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam nếu tính từ 2019 trở lại đây (trên 16 tỷ USD).

 

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể nắm bắt cơ hội này, thưa ông?

 

Đây là một cuộc đua. Việt Nam muốn thắng thì phải giỏi. Trước hết là đội ngũ cán bộ phải giỏi. Cơ chế phải làm thế nào cho nhà đầu tư yên tâm rằng, tiền mình bỏ ra được đảm bảo và sinh lời.

 

Tôi nhấn mạnh lại, đây là cơ hội, là cuộc đua, chứ không phải nghiễm nhiên các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc là đến Việt Nam. Vì thế, đừng ảo tưởng, mà tôi thấy chúng ta đang có phần ảo tưởng đấy!

 

Thực tế, Việt Nam đang tích cực cải cách thể chế, hạ tầng, đào tạo nhân lực, nhưng vẫn đang khá chậm.

 

Nhà đàm phán quốc tế Nguyễn Đình Lương trò chuyện với tác giả Hồ Hạ (nhà báo Hồng Hạnh, Báo Đầu tư), tại tư gia. (Ảnh: Chí Cường)

 

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ - ẢNH: CHÍ CƯỜNG 07/06/2024 08:09