Nội dung, trình bày: Hồ Hạ   |   Ảnh: NVCC

Ông Sunny Ghaiee sinh năm 1975 tại Ấn Độ. Với 24 năm làm việc trong ngành khách sạn, ông từng giữ chức vụ quan trọng tại các khách sạn danh tiếng như: JW Marriott Chandigarh và Hyderabad Marriott… trước khi đến làm việc tại khách sạn Hà Nội Daewoo từ năm 2016. Tại đây, ông đã bắt đầu với vai trò Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị, sau đó đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc điều hành từ năm 2018 và quyền Giám đốc điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo từ tháng 9/2023 đến nay.  

 

Đối với ông Sunny Ghaiee, Việt Nam không chỉ là quê hương thứ hai, mà còn là nơi ông muốn gắn bó lâu dài để phát triển bản thân, sự nghiệp cũng như góp phần nâng tầm vị thế của ngành du lịch, khách sạn Việt.

 

Ông Sunny luôn mang đến thiện cảm cho người đối diện bởi phong thái lịch lãm, ánh mắt tươi vui, nét mặt thân thiện và nụ cười nồng nhiệt. Trong nhà hàng Palm Court thơm lừng hương bánh ngọt và cà phê của khách sạn Hà Nội Daewoo, ông dành một buổi chiều say sưa kể cho chúng tôi nghe về 8 năm hạnh phúc được làm việc với niềm đam mê tràn đầy nhiệt huyết tại Việt Nam, về những hương vị Tết khó quên cùng những chuyến trekking đầy ấn tượng và đáng nhớ. 

 

Đã đón 8 mùa Tết cổ truyền ở Việt Nam, chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm, trải nghiệm đáng nhớ trong những ngày này?

 

Với tôi, Tết Nguyên đán của người Việt Nam vô cùng đặc biệt. Tôi biết và hiểu rằng, với người Việt, Tết mang ý nghĩa quan trọng, bởi đó là dịp mọi người trở về sum họp, đoàn tụ với gia đình. Mặc dù sống một mình ở đây, nhưng vào mỗi dịp Tết cổ truyền, tôi vẫn cảm nhận sâu sắc hơi ấm tình thân như một người Việt. 

 

Tôi nhớ nhất là những ngày Tết được bạn bè, đồng nghiệp mời đi ăn trưa, ăn tối ở nhà của họ. May mắn là tôi có rất nhiều bạn bè người Việt nên bản thân luôn có cảm giác vô cùng gần gũi và rất gắn bó với mảnh đất này. Tôi đặc biệt yêu thích món bánh chưng rán, thưởng thức cùng rượu nếp Việt Nam. 

 

Ngoài ra, dịp Tết, tôi còn dành thời gian để khám phá Hà Nội và các địa điểm lân cận, hoặc chinh phục những điểm đến xa hơn để biết thêm về đất nước hình chữ S. Những ngày đặc biệt này, Hà Nội không quá đông đúc vì mọi người đã về quê ăn Tết, vậy nên đường phố rất thoáng đãng, được thảnh thơi thưởng thức cà phê phố cổ trong những ngày Tết thì chẳng còn gì thích thú bằng. (cười tươi) 

 

 

Ông ấn tượng với phong tục nào trong ngày Tết cổ truyền của người Việt?

 

Tôi ấn tượng nhất với phong tục lì xì đầu năm của người Việt. Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam, một đồng nghiệp đã giúp tôi chuẩn bị phong bao đỏ để tôi gửi lì xì may mắn đến tất cả các nhân viên. Ở Ấn Độ cũng có phong tục tương tự, nhưng có một chút khác biệt với Việt Nam. Những tờ tiền mới ở đây được để trong bao lì xì màu đỏ rất đẹp, thay cho lời chúc may mắn, thành công, thịnh vượng khiến tôi vô cùng ấn tượng. 

 

Và những cái Tết sau đó cho đến giờ tôi vẫn duy trì phong tục này. Tôi thường chuẩn bị phong bao lì xì từ trước Tết để dành tặng những đồng nghiệp phải túc trực tại khách sạn trong ngày đầu tiên của năm mới. Hay khi các đồng nghiệp của các bộ phận khác đi làm sau kỳ nghỉ lễ, tôi cũng gửi tặng họ những phong bao lì xì thay cho những lời chúc may mắn. Đó là một truyền thống, một phong tục đẹp trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam mà tôi rất yêu thích. Bản thân tôi cũng nhận được những phong bao lì xì từ sếp của mình. Tôi rất vui mỗi khi được nhận nó.

 

 

 

Ông vừa chia sẻ là rất thích bánh chưng, còn ẩm thực của Việt Nam nói chung thì sao?

 

Tôi nghĩ rằng, một trong những điều khiến tôi yêu Việt Nam đến vậy chính là nền ẩm thức quá hấp dẫn và hợp khẩu vị. Tôi không thể nào kể hết những món ăn ngon mà tôi yêu thích. Tôi rất yêu ẩm thực Việt Nam. Buổi trưa, tôi thường ăn những món Việt tại căng-tin của khách sạn, không chỉ bởi vị ngon của các món ăn mà đây cũng là khoảng thời gian tôi có thể trò chuyện gần gũi với các đồng nghiệp của mình. Buổi tối trong tuần tôi cũng thường ăn các món ăn Việt.

 

Tôi đặc biệt thích nem chua, bún chả, bún bò Huế, bún đậu mắm tôm… nhất là các món ốc nữa. Nhiều món ngon lắm, thực sự là tôi không thể kể tên hết được.

 

 

Thế còn con người Việt Nam? 

 

Bạn biết không, tôi thực sự rất trân trọng từng ngày, từng giờ, từng phút tôi được làm việc tại đây, bởi vì con người Việt Nam rất nồng hậu, mến khách và ấm áp. Tôi cảm thấy các bạn có thể cùng chia sẻ với tôi những giá trị giống như người Ấn Độ, đó là luôn hướng về gia đình. Mặc dù đây là lần đầu tiên tôi đến làm việc tại một quốc gia khác ngoài quê hương của mình, nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến đây và không hề có cảm giác xa lạ hay sự xa cách nào cả. 

 

Tôi nghĩ rằng, bây giờ bạn bè tại Việt Nam của tôi có lẽ còn nhiều hơn những người bạn ở Ấn Độ. Vì thế, tôi vô cùng trân trọng những tháng ngày làm việc tại Việt Nam. Việt Nam còn hơn cả quê hương thứ hai của tôi, tôi yêu Việt Nam như quê hương Ấn Độ nơi tôi sinh ra. 

 

 

Cảm ơn những tình cảm ông dành cho Việt Nam! Tôi đang tò mò, cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam làm việc?

 

Năm 2016 là thời hoàng kim của ngành du lịch - khách sạn tại các quốc gia Đông Nam Á. Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, và không thể không kể đến Việt Nam, là những quốc gia phát triển mạnh mẽ về du lịch. 

 

Tôi cảm thấy rằng nếu làm việc ở một quốc gia mà ngành du lịch - khách sạn đã rất phát triển và đã khẳng định được vị thế trên bản đồ thế giới thì tôi sẽ khó có thể đóng góp được nhiều cho ngành du lịch - khách sạn nói riêng và đất nước đó nói chung. Nhưng với những quốc gia Đông Nam Á đang phát triển như tôi vừa kể trên, sẽ là cơ hội rất lớn để tôi có thể học hỏi, hoàn thiện bản thân cũng như đóng góp những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho sự phát triển của ngành du lịch cũng như đất nước đó. Cùng thời điểm đó, Khách sạn Hà Nội Daewoo cũng đang tìm kiếm một người dẫn dắt bộ phận Kinh doanh và Tiếp thị. Đây là một cơ duyên và cũng là may mắn để tôi có thể đến Việt Nam và làm việc tại đây.  

 

Khách sạn Hà Nội Daewoo - một trong những khách sạn 5 sao hàng đầu thủ đô với quy mô 411 phòng cùng hệ thống phòng tiệc, bể bơi ngoài trời, nhà hàng đẳng cấp. 

 

Gần một thập kỷ làm việc tại khách sạn Hà Nội Daewoo, ông đã có những thuận lợi và khó khăn nào? 

 

Với kinh nghiệm 24 năm làm việc trong ngành khách sạn, tôi hiểu rằng bất kỳ môi trường làm việc nào trong ngành đều có những thách thức riêng. Làm việc trong ngành du lịch - khách sạn rất khác với làm việc tại một nhà máy sản xuất, một công ty về công nghệ, hàng tiêu dùng hay đầu tư tài chính. Công việc của chúng tôi là phục vụ, đáp ứng nhu cầu, sở thích, tính cách của từng du khách. Mỗi khách hàng là một cá thể khác nhau, có tính cách, cảm xúc, suy nghĩ độc lập, đến từ nhiều quốc gia và nền văn hóa trên thế giới. Do đó, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là phải làm sao để có thể làm hài lòng tất cả các du khách. 

 

Một thách thức nữa với tôi là về ngôn ngữ, vì tôi đến từ Ấn Độ, nơi có ngôn ngữ hoàn toàn khác so với Việt Nam - một đất nước có ngôn ngữ vùng miền đa dạng. Nhưng điều tôi rất vui là đến giờ, sau 8 năm làm việc và sinh sống tại đây, tôi đã có thể đọc được tiếng Việt, và khi bạn nói chậm một chút, tôi cũng có thể hiểu được bạn đang nói gì. Việc đọc được tiếng Việt cũng giúp tôi hiểu đồng nghiệp của mình, hiểu hơn về con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam.

 

 

Còn về thuận lợi thì nhiều lắm. Như tôi chia sẻ, người Việt Nam có nhiều nét đồng điệu với người Ấn Độ. Đơn cử, từ khi còn nhỏ, người Việt Nam đã được dạy về sự mến khách. Có nghĩa là sự mến khách tồn tại trong mỗi con người Việt Nam, trong văn hóa của họ và được họ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, khi tôi đến đây, tôi đã được làm việc với những con người rất thân thiện, hòa đồng, cởi mở, có thể chia sẻ mọi điều với tôi, giúp tôi sớm thích nghi, hòa nhập. Trở thành người điều hành, lãnh đạo một đội ngũ như vậy đối với tôi chính là thuận lợi rất lớn. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ rất lớn từ ban lãnh đạo công ty và khách sạn. 

 

Những con người rất thân thiện, hòa đồng, cởi mở ở khách sạn Hà Nội Daewoo đã giúp ông Sunny sớm thích nghi và hòa nhật với "Đất nước hình chữ S".

 

 

Lần đầu tiên đến Hà Nội, ông ấn tượng nhất với điều gì? Ông nhận thấy Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã phát triển như thế nào trong 8 năm qua?

 

Trước khi đến Việt Nam làm việc, tôi chưa từng tới Hà Nội. Tuy nhiên, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về ngành du lịch, khách sạn của Hà Nội và Việt Nam. Đây là thị trường có tốc độ phát triển rất nhanh, mạnh, thuộc tốp đầu khu vực và thế giới. Vì thế, tôi đã kỳ vọng rất lớn khi đến đây làm việc. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Trong 8 năm trở lại đây, ngoài giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, thì không chỉ Hà Nội, mà TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Sa Pa… đã có sự bùng nổ cả về lượng khách nội địa và khách quốc tế. 

 

Xuyên suốt gần 1 thập kỷ, đã có rất nhiều khách sạn mới được ra đời. Hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu việc làm mới đã được tạo ra cho người Việt. Đó chính là kết quả của những chính sách đúng đắn cũng như những chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất hiệu quả. 

 

 

Trong thời gian rảnh rỗi, ông thường hay làm gì? 

 

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tôi chọn đi du lịch. Tôi muốn được khám phá nhiều điểm đến tại Việt Nam và cả các đất nước khác. Đặc biệt, đi trekking với người dân địa phương ở vùng cao Việt Nam mang đến cho tôi những kỷ niệm, trải nghiệm khó quên nhất trong đời.

 

Tôi rất ấn tượng với lần chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nơi được ví là “khu rừng thuỷ tinh huyền bí”. Núi Nhìu Cồ San thuộc hệ thống Hoàng Liên Sơn kéo dài từ Lai Châu sang Bát Xát (Lào Cai) với độ cao 2.965m so với mặt nước biển, đứng thứ 8 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.

 

Để chinh phục được đỉnh Nhìu Cồ San, chúng tôi đã phải vượt qua nhiều gian nan, vất vả, núi non trùng điệp, thử thách lòng kiên trì, ý chí quyết tâm và khẳng định nghị lực chinh phục của bản thân giữa thiên nhiên bao la. Cung đường leo núi là những con dốc thẳng đứng liên tiếp, băng qua những rừng trúc, rừng nguyên sinh, vượt qua vách đá, bám dọc theo khe suối với những viên đá đầy rêu phong trơn trượt. Nhưng bù lại, cảnh sắc thiên nhiên nơi đây mang nét hoang sơ tuyệt đẹp, với nhiều loài hoa màu sắc rực rỡ đua nở, những nương thảo quả xanh tốt cùng bầu không khí trong lành, tinh khiết. 

 

Ông Sunny Ghaiee trong chuyến chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San.

 

Thực sự, tôi đã vỡ òa lên vì sung sướng khi đặt chân đến đỉnh Nhìu Cồ San, trước mắt tôi là cả một biển mây trắng bồng bềnh, khung cảnh thiên nhiên rất sinh động và thơ mộng. Vào những ngày mùa đông, Nhìu Cồ San như một khu rừng thủy tinh, tất cả cỏ cây hoa lá khoác lên mình lớp băng đá trắng muốt tạo nên khung cảnh thiên nhiên vô cùng độc đáo. Khi mây tan, nhìn từ trên cao ẩn hiện những bản làng, những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài trên sườn núi, cảnh vật thật huyền ảo giữa núi non hùng vĩ trùng điệp. Với tôi và những tín đồ yêu thích khám phá, trải nghiệm và khẳng định bản thân thì Nhìu Cồ San có sức hấp dẫn và cuốn hút mạnh mẽ.

 

Một kỷ niệm khác là cái Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam. Tôi đã đi trekking leo núi cùng với những người bạn và được một người Mông dẫn đường. Sau đó, tôi được mời về nhà họ. Chúng tôi được thiết đãi món thắng cố, ăn thịt lợn gác bếp, ăn mèn mén, uống rượu ngô. Chuyến đi để lại ấn tượng sâu đậm cho tôi đến tận bây giờ.

 

Còn tại Hà Nội, tôi rất thích khám phá đời sống của người dân bản địa, thích đi uống cà phê, vì tôi rất mê văn hóa uống cà phê của người Hà Nội. Cứ có thời gian là tôi lại cùng bạn bè đi uống cà phê hoặc là tìm kiếm những quán cà phê nhỏ xinh ở khu phố cổ. Tôi cũng thích đọc sách nữa. Tôi rất thích cà phê Việt Nam, mỗi ngày tôi uống 6 đến 7 ly. Tôi cũng rất thích cà phê trứng. Nó rất độc đáo, rất Hà Nội, rất Việt Nam.

 

 

Là một chuyên gia có hàng chục năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về vẻ đẹp cảnh quan của Việt Nam? 

 

Về cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam, tôi muốn dùng từ trác tuyệt, trên cả tuyệt đẹp. Đó là một vẻ đẹp khiến người ta phải choáng ngợp, ngỡ ngàng, ngây ngất, si mê. Là người đam mê trải nghiệm, tôi đã khám phá dọc đất nước Việt Nam, khắp các vùng, miền, từ vùng cao, miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sa Pa, với những chuyến trekking vô cùng ấn tượng cùng núi non hùng vĩ, mây mù bảng lảng nên thơ; đến khám phá di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng); cả khám phá lịch sử và văn hóa ở Huế, Hội An; còn cả những vùng biển đẹp mà tôi chắc chắn là không thua kém bất cứ vùng biển đẹp nhất trên trên thế giới như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc… Tôi khẳng định rằng, Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên quá đa dạng, phong phú, hấp dẫn và thực sự ấn tượng, một điểm đến vô cùng quyến rũ. 

 

Tuy nhiên, có một điều tôi luôn mong muốn là Việt Nam cần làm sao để phát triển du lịch một cách bền vững. Có nghĩa là, việc xây thêm khách sạn mới, những khu du lịch mới và cả hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch phải đảm bảo không phá đi cảnh quan thiên nhiên vốn có. Cùng với đó, phải đi đôi với bảo vệ môi trường để hướng đến sự phát triển ngành du lịch, khách sạn một cách lâu dài.

 

Ông Sunny Ghaiee là người đặc biệt yêu thích các hoạt động thể thao, nhất là trekking.

 

Theo ông, để ngành kinh tế xanh của Việt Nam phát triển bền vững, ngoài yếu tố trên, Việt Nam cần chú ý đến những vấn đề gì khác nữa?

 

Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường là những yếu tố quan trọng để phát triển ngành du lịch, khách sạn bền vững. Tôi nhận thấy thời gian gần đây từ Chính phủ đến các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam đã có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Người dân cũng ngày càng nhận thức rõ vấn đề này vàcó ý thức bảo vệ môi trường sống cùng cảnh quan thiên nhiên hơn. Đặc biệt, các khách sạn đã sử dụng những vật dụng thay thế cho túi nilon, đồ dùng bằng nhựa…, nhưng chúng ta cần làm, cần áp dụng triệt để hơn nữa.

 

Chẳng hạn sử dụng điện sao cho thân thiện. Có thể dùng điện gió, điện năng lượng mặt trời, tiết kiệm nước ở mức tối đa và tích cực tái chế đồ nhựa dùng một lần trong khách sạn. Chúng ta hoàn toàn có thể thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh hay dùng ống hút giấy làm từ bã mía hoặc tre thay cho ống hút nhựa… 

 

 

Đặc biệt, còn rất nhiều hoạt động khác ở tầm vĩ mô hơn mà Chính phủ Việt Nam có thể nghĩ đến. Chẳng hạn có những quốc gia du lịch phát triển, họ kiểm soát số lượng khách đến trong năm để đảm bảo lượng khách đó phù hợp với hạ tầng dịch vụ, hạ tầng thiên nhiên, tốc độ tăng trưởng… 

 

Đã đến lúc Việt Nam phải thường xuyên chữa lành, “tái tạo” sức sống cho các điểm đến bằng cách kiểm soát lượng khách, thậm chí đóng cửa một thời gian ngắn để nó được nghỉ ngơi chẳng hạn. Phát triển du lịch không có nghĩa là phải đón được thật nhiều khách, doanh thu thật cao. Chúng ta cần làm sao để lượng khách đó hợp lý với cảnh quan, môi trường mới có thể phát triển bền vững.

 

 

Trong thời gian tới, ông dự định sẽ ở lại Việt Nam làm việc trong bao lâu?

 

Chắc chắn là tôi muốn ở Việt Nam thêm nhiều năm nữa nếu như tôi có những cơ hội nghề nghiệp phù hợp, có những nấc thang để vươn lên, phát triển bản thân và có cơ hội gặt hái được những thành tựu mới. Và không có lý do gì để ngăn cản điều ấy bởi vì tôi rất yêu con người Việt Nam, yêu những bạn bè của tôi ở đây và tôi rất yêu công việc của mình. Tôi là người thích chinh phục những thử thách. Vì thế, nếu như thử thách để chinh phục vẫn còn thì tôi sẽ còn tiếp tục ở lại Việt Nam. Mà ngành khách sạn thì chưa bao giờ hết những thách thức nên tôi nghĩ rằng mình sẽ còn ở Việt Nam thêm rất nhiều năm nữa. 

 

 

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, khách sạn Hà Nội Daewoo có những hoạt động gì để phục vụ du khách, thưa ông?

 

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng khách của chúng tôi khá đông nên các nhà hàng vẫn mở cửa. Đặc biệt, chúng tôi có nhiều chương trình ẩm thực tại nhà hàng Café Promenade với trải nghiệm buffet đặc sắc và không gian ấn tượng, tầm nhìn tuyệt đẹp ra bể bơi ngoài trời Serenity khoáng đạt ban ngày, rực rỡ về đêm. Tại Palm Court Lobby Lounge, chúng tôi ra mắt tiệc trà chiều phong vị Tết. Và cả tiệm cà phê ngoài trời Brodard Café cũng có nhiều đổi mới trong dịp này, vì tôi nhận thấy vào dịp Tết, sau khi dành thời gian cho gia đình, người Việt Nam rất thích ra ngoài uống cà phê, tận hưởng không khí những ngày đầu năm. 

 

Ngoài ra, dịp Lễ Tình nhân 14/2 năm nay đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên tại Nhà hàng Nhật Bản Edo và Nhà hàng Café Promenade sẽ có nhiều chương trình đặc biệt dành cho các cặp đôi. 

 

Trải nghiệm những không gian ẩm thực độc đáo tại khách sạn Hà Nội Daewoo.

 

Trong thời gian tới, khách sạn Hà Nội Daewoo sẽ tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ gì để tiếp tục tăng sức cạnh tranh và nâng tầm trong ngành khách sạn, thưa ông? 

 

Từ năm 2023, chúng tôi đã có dự án nâng cấp toàn bộ không gian cảnh quan, hệ thống trang thiết bị của khách sạn và sẽ tiếp tục triển khai cho đến cuối năm 2024. Chúng tôi đã hoàn thành thay mới toàn bộ hệ thống thang máy tại khách sạn Hà Nội Daewoo cũng như Tổ hợp căn hộ dịch vụ và Tòa nhà văn phòng Daeha nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành thay hệ thống thảm, nâng cấp thiết bị vệ sinh và sắp tới là toàn bộ đệm, hệ thống TV trong khách sạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng sẽ quy hoạch hệ thống nhà hàng và quán cà phê tại khách sạn để mang đến những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời nhất cho khách lưu trú, làm việc tại Hà Nội Daewoo. Từ đó, không ngừng nâng tầm dịch vụ, vị thế của khách sạn Hà Nội Daewoo lên một tầm cao mới.

 

 

Với những am tường về ngành khách sạn, ông dự đoán thị trường khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 sẽ có sự phục hồi như thế nào?

 

Tôi dự đoán và kỳ vọng năm 2024, lượng du khách nước ngoài đến với Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Bởi vì, hậu đại dịch Covid-19, những điểm đến bình yên như Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng với cảnh quan tuyệt đẹp sẽ tiếp tục thu hút du khách. 

 

So với năm 2022, năm 2023 là một năm của nhiều thành tựu và khởi sắc. Chúng tôi đã đạt tỷ lệ lấp đầy phòng khoảng 70% - 80%, bằng khoảng 85% so với năm 2019 - thời kỳ đỉnh cao của ngành du lịch Việt Nam. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2024 và tập thể Ban Giám Đốc cùng hơn 600 nhân viên khách sạn Hà Nội Daewoo chắc chắn sẽ đồng lòng, nỗ lực hết mình để chinh phục những đỉnh cao mới. 

 

 

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ THỰC HIỆN 13/02/2024 08:32