Nội dung: Huy Hào   |   Ảnh: Chí Cường   |   Trình bày: Hồ Hạ 

PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) chia sẻ về câu chuyện phát triển và những dự cảm về một kỷ nguyên cất cánh của Việt Nam. 

 

PGS. TS. VŨ MINH KHƯƠNG. (ẢNH: CHÍ CƯỜNG)

 

 

Thưa ông, năm 2023 đi qua chứng kiến những khó khăn như đã dự báo, thậm chí vượt cả những dự báo, nhưng với những thành quả kinh tế - xã hội đạt được, Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng của kinh tế thế giới. Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, ông cảm nhận gì về một năm vừa qua?

 

Đúng là một năm rất khó khăn. Có những khó khăn đã dự báo, có những biến cố bất ngờ nằm ngoài dự báo của giới phân tích trong nước và thế giới, như xung đột Israel - Hamas… Những điều đó tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

 

Nhưng thành quả mà nước ta đạt được không chỉ là những kết quả rất đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới như đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà tôi cho rằng, quan trọng hơn chính là chúng ta đã có một tâm thế cho tương lai. Tâm thế đó giúp chúng ta sẵn sàng cho một kỷ nguyên cất cánh. Điều này tôi cảm nhận rõ nét khi tiếp xúc với các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân, khi gặp khó khăn, ta hãy nhìn vào cái tâm thế là khuất phục, chấp nhận; hoặc là vượt lên. Từ góc độ của người nghiên cứu, tôi thấy rõ ràng là Việt Nam ở tâm thế muốn vượt lên, mà vượt lên vượt bậc. Cái này là ấn tượng với cả thế giới.

 

Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, Việt Nam đã cố gắng làm được những điều rất có ý nghĩa. Nhưng rõ ràng là vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện và tiếp tục tâm thế vượt lên ấy, không ngừng, không nghỉ.

 

 

Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn, thách thức phía trước?

 

Đây là khó khăn mang tính lâu dài. Có những vấn đề mang tính chất là cấu trúc. Mà vượt qua khó khăn về cấu trúc khó hơn là vượt qua khó khăn về mặt vận hành.

 

Về cấu trúc, địa chính trị thế giới đang có sự xoay chuyển, có những biến động rất lớn và phức tạp, có những xung đột khó lường, bất ngờ và có khả năng lan rộng trước khi thế giới chuyển sang một kỷ nguyên mới. Đây là giai đoạn chuyển đổi, các xung đột lớn rất gay gắt, khó dự đoán, nhưng  rồi sẽ chuyển sang một kỷ nguyên tươi sáng hơn. Nó không đơn thuần là quan hệ giữa các cực của thế giới, quan hệ giữa các nước lớn như thế nào, mà sự chuyển đổi còn diễn ra ở ngay trong lòng khối, các cực, các thực thể… Ví dụ, khu vực Trung Đông vốn hoàn toàn dựa vào nguồn dầu mỏ, thì nay cũng đã chuyển mạnh sang các mô hình kinh tế mới, tuần hoàn, xanh, du lịch hay năng lượng tái tạo… Và còn rất nhiều vấn đề nữa. Nên chúng ta phải nhìn nhận là sẽ còn những khó khăn trong chuyển đổi để phát triển, mỗi người cũng phải sẵn sàng chuyển đổi.

 

 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có gì trong tay để ứng phó, thưa ông?

 

Trong khó khăn của sự chuyển đổi như vậy, Việt Nam sở hữu cái hay nhất, giá trị nhất là hệ thống chính trị khá ổn định và phải nói là rất có trách nhiệm. Chúng ta có thể nhìn vào sự hiệp đồng, thống nhất giữa Đảng, Quốc hội, Chính phủ trên tất cả các mặt. Ví như vừa rồi, về phát triển hạ tầng, chúng ta có nghị quyết của Bộ Chính trị, có nỗ lực xây dựng luật của Quốc hội, kể cả ra nghị quyết riêng để tháo gỡ những vướng mắc cụ thể trong cơ chế, chính sách về hạ tầng mà Chính phủ, các bộ, ngành đang triển khai trong thực tế. Đó là sự hiệp đồng, sự đồng bộ.

 

Hay với các địa phương, tôi rất ấn tượng với Nghị quyết 98 để phát triển TP.HCM, rồi các chuyển động về hạ tầng ở Bình Dương, hay các cơ chế, chính sách cho Hà Nội, Luật Thủ đô được Quốc hội và các cơ quan hữu trách bàn rất kỹ… Cảm nhận ở đây là sự gắn kết, mặc dù rất khó khăn, có thể ví như ở thời kỳ đầu của cải cách lần thứ nhất, nhiều thứ còn mông lung; thực tiễn đặt ra rất nhiều vấn đề, cho thấy còn nhiều trở ngại, nhưng rõ ràng có sự gắn kết và có tâm thế muốn vượt qua khó khăn. Giống như tất cả cùng căng mắt đại bàng ra để tìm cách đi, hướng đi, mà muốn vượt lên một đẳng cấp khác, một đẳng cấp thế giới trong phát triển chứ không chỉ là thoát nghèo khó nữa.

 

 

Sự khác biệt của tâm thế vượt lên đẳng cấp khác này là gì, thưa ông?

 

Nếu như trước đây, ta nói đến thoát đói nghèo, thì ta nói đến phải hội nhập thế giới, phát triển kinh tế thị trường, phát huy động lực từ kinh tế tư nhân…, còn bây giờ, để vượt lên đẳng cấp thế giới, chúng ta đang bàn đến yếu tố nào là động lực để nền kinh tế cất cánh.

 

Để nền kinh tế cất cánh, trở thành nền kinh tế hiện đại, vấn đề quan trọng là nền tảng và câu chuyện tiến hóa. Tăng trưởng là quan trọng, nhưng tiến hóa mới thực sự là sự vượt lên. Tiến hóa là thay đổi về chất, tích lũy từ lâu đời rồi, chọn lọc qua tự nhiên, qua đào thải rồi, nâng sự sống lên một mức cao hơn. Tức là làm sao mình phải đứng ở đẳng cấp cùng với những dân tộc văn minh. Điều này rất quan trọng trong vòng hai, ba thập kỷ tới. Và tất nhiên, nó phải được thể hiện ngay trong 3- 5 năm tới, giai đoạn chuyển giao của thế giới, mà chúng ta không nằm ngoài bối cảnh đó.

 

 

Vậy đâu là vấn đề Việt Nam phải giải quyết trong bối cảnh chuyển giao này, thưa ông?

 

Tôi nghĩ Việt Nam phải thấy, và đã thấy rõ được những vấn đề này. Hiện giờ Chính phủ cũng hết sức quyết liệt, quyết đoán và linh hoạt trong giải quyết. Có một số vấn đề đáng chú ý, nhưng quan trọng nhất, mấu chốt nhất là phải xử lý được những khó khăn về cấu trúc. Không gỡ được khó khăn về cấu trúc phát triển thì sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

 

Ví dụ như, câu chuyện cấu trúc phát triển phải dựa vào năng suất, chất lượng, khoa học, công nghệ. Bây giờ, lương của người lao động cũng khá cao rồi, dân số bắt đầu già đi, lợi thế “dân số vàng”, “lao động dồi dào và rẻ” không còn như trước nữa. Nếu không kịp chuyển đổi để lao động có trình độ và năng suất theo kịp thế giới, thì họ không thể có việc làm, không thể cạnh tranh được. Khi đó, doanh nghiệp, rồi vốn sẽ chuyển sang các thị trường khác, như ngành da giày, may mặc sẽ rất khó khăn. Nghĩa là, bài toán chất lượng nhân công, lương nhân công và năng suất lao động phải được hết sức cọi trọng, phải có những nỗ lực đặc biệt để giải quyết.

 

 

Lâu nay chúng ta đã đặt vấn đề phải tăng năng suất và hiệu suất lao động. Nhưng đến giờ, so sánh trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khá thấp. Vậy đâu là vấn đề mấu chốt, đâu là khó khăn lớn nhất khiến năng suất, hiệu suất lao động của người Việt Nam vẫn không được cải thiện như kỳ vọng?

 

Năng suất và hiệu suất lao động là một thách thức có tính tổng hợp, đòi hỏi sự cải thiện ở cả khía cạnh người lao động, khía cạnh doanh nghiệp, địa phương và cả cơ chế, thể chế nói chung. Hệ thống của chúng ta vẫn còn nhiều rào cản từ cơ chế, quy chế, như thủ tục thuế, công tác thanh tra, kiểm tra… Làm sao để mỗi cá nhân hay doanh nghiệp được tập trung hoàn toàn, toàn tâm, toàn ý vào năng suất của mình, thay vì lo tuân thủ, tuân theo những thủ tục, nhưng quy định rườm rà, không cần thiết. Làm sao những cái đó được thực hiện một cách đương nhiên, minh bạch, tự động… thậm chí là còn phải yểm trợ cho doanh nghiệp phát triển.

 

Cộng đồng doanh nghiệp như một đoàn tàu tiến lên phía trước, cần được yểm trợ tối đa, như chuẩn bị đường ray thông thoáng để đoàn tàu theo chế độ đã cài đặt đó mà băng về phía trước. Với nỗ lực không ngừng, thủ tục hành chính của chúng ta đã giảm được nhiều phần rườm rà rồi, nhưng thực tế là vẫn còn phiền hà. Dư luận nói nhiều rồi, những chuyện như đăng kiểm ô tô, hay cấp lý lịch tư pháp; các thủ tục về đất đai, quy hoạch làm hạn chế khả năng tiếp cận hạ tầng của doanh nghiệp; rồi đường sá, hạ tầng nhiều vùng và liên vùng vẫn yếu kém… Những thứ đó tính vào năng suất, hiệu suất cả.

 

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng vấn đề năng suất, cảm thấy chỉ đạt mức bình bình là được rồi, nên không mạnh dạn đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi đó thì người lao động, người công nhân cũng không có ý thức hoặc không có điều kiện để học hỏi, nâng cao trình độ.

 

 

Ông nhắc đến trình độ người lao động, thì nhân lực cũng được xác định là một trong những khâu đột phá, nhưng dường như kết quả chưa được như kỳ vọng, thưa ông?

 

Chất lượng nguồn nhân lực của ta thì có nâng lên, nhưng vẫn là tình trạng đông mà chưa tinh. Đây là vấn đề của cả hệ thống giáo dục, công tác đào tạo nữa chứ không chỉ là câu chuyện ý thức từng cá nhân người lao động. Khi chuyển đổi trạng thái, thay đổi cấu trúc phát triển cũng phải đặc biệt coi trọng về chuyển đổi nhân lực này, vì đó là lực lượng trực tiếp vận hành bộ máy, đường hướng phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi hoạt động. Chuyển đổi được khâu này thì mới nâng được năng suất, hiệu suất tổng thể của nền kinh tế.

 

 

Rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều vấn đề cả về cấu trúc tổng thể và từng vấn đề cụ thể cần cải thiện. Song trong bối cảnh những hạn chế, khó khăn đó, những thành quả đạt được năm 2023 cho thấy nỗ lực của cả hệ thống. Theo quan sát của ông, điểm ấn tượng nhất trong năm 2023 là gì?

 

Tôi thấy ấn tượng nhất chính là bản lĩnh điều hành của Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Có những điểm sáng được bạn bè quốc tế ghi nhận, thừa nhận.

 

Một là, Chính phủ Việt Nam thể hiện một tinh thần vượt qua khó khăn và cho thấy khả năng vượt qua khó khăn. Có tinh thần, có ý chí, nhưng có khả năng vượt qua khó khăn, đó là điều đáng nói.

 

Hai là, chúng ta tạo được sự tin cậy thực sự với thế giới. Chúng ta có chính kiến, có quan điểm rõ ràng với các vấn đề chung và với con đường phát triển của mình. Chúng ta dám cam kết và nhất quán thực hiện cam kết, dù có thể nhanh, có thể chưa nhanh. Nói đơn giản là Việt Nam hứa là làm. Sự nhất quán đó rất quan trọng, tạo sự ổn định về chính sách chiến lược, bền vững về môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường phát triển mà cộng đồng quốc tế rất ghi nhận, đánh giá rất cao.

 

Có những vấn đề không dễ đâu, như về thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng chúng ta đã cho thế giới thấy cam kết và sự nhất quán. Tôi cho rằng, đây là quyết sách rất quả cảm đấy. Thế giới nhiều nơi còn lúng túng, nhiều chỗ còn ngỡ ngàng, nhưng chúng ta đã quyết đoán. Đó là cái rất quý.

 

Ba là, chúng ta thấy được tâm thế, sự tự tin trong đông đảo người dân vào sức mạnh của mình, vào thực lực của mình. Nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương tôi tiếp xúc tỏ rõ sự tự tin ấy, dù họ vẫn phàn nàn về những rườm rà, những vướng mắc chỗ này, chỗ khác, nhưng họ tự tin rằng khi được tháo gỡ, họ sẽ làm được, chứ không như trước đây là e ngại, tự ti. Ví dụ ở Bình Dương, có doanh nghiệp sẵn sàng nêu các điều kiện mà nếu hệ thống hỗ trợ, đáp ứng, thì họ sẽ làm được tuyến tàu điện ngầm khoảng 30 km từ Bình Dương ra TP.HCM. Hay với hệ thống thu phí tự động không dừng, từng có những vướng mắc không nhỏ, nhưng khi quyết tâm, tôi thấy chúng ta làm rất tốt. Đi các địa phương bây giờ cảm giác rất văn minh, tôi thấy nhanh gọn, thuận tiện không thua kém gì, thậm chí còn hay hơn, nhanh hơn nhiều nơi ở Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ, nếu xây được đường băng tốt, được yểm trợ tốt, doanh nghiệp của chúng ta làm được những điều rất phi thường.

 

Nếu cả hệ thống chính trị, các cơ quan hữu trách cùng yểm trợ, cùng hướng tới mục tiêu, tầm nhìn Việt Nam 2045, thì các doanh nghiệp, các địa phương chắc chắn sẽ làm được những điều rất tự hào.

 

 

Năm vừa qua, công tác đối ngoại cũng được đánh giá rất cao, ông bình luận gì về khía cạnh này?

 

Công tác đối ngoại là một khía cạnh quan trọng của hội nhập và đó là một thành công lớn, có sức lan tỏa, góp phần nâng tầm vị thế của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế mạnh đến với Việt Nam và còn nâng tầm mối quan hệ với chúng ta.

 

Nói không quá thì đây là điều kỳ diệu khi nhìn vào bối cảnh thế giới vừa qua có rất nhiều bất ổn, khó lường. Nó là kết quả của chính sách ngoại giao vừa rất nhất quán, theo xu thế của thời đại, có tầm nhìn rất tốt, đồng thời rất đặc sắc của Việt Nam. Có quốc gia nào biến đau thương của quá khứ trở thành động lực, không bao giờ quên quá khứ, nhưng biến nó trở thành cái giúp cho các bên tốt hơn lên được như vậy? Tầm nhìn và hành xử đó là tài sản quý để dân tộc ta có thể trỗi dậy.

 

 

Người ta nhìn vào Việt Nam vừa rồi, đặt câu hỏi là tại sao mấy ông cường quốc ấy lại đến Việt Nam? Rồi đoán già, đoán non là vì điều này điều nọ, hay là do đất hiếm, hay có gì quý hiếm khác? Không phải đâu. Cái quý nhất ấy, chính là  do Việt Nam đã minh chứng cho thế giới thấy, trong bối cảnh xung đột tràn lan, rồi ngờ vực, rồi dò xét, thì họ đến với Việt Nam là nhận được sự tin cậy. Đường hướng của chúng ta, hệ thống của chúng ta cho thế giới thấy sự tin cậy chiến lược. Mà chúng ta thể hiện cái đó một cách nhất quán, rất sâu sắc.

 

Với sự tin cậy đó, thế giới sẽ thấy Việt Nam là minh chứng cho sự thành công của 30 năm tới, khi biến thù thành bạn, biến xung đột trong lịch sử thành ứng xử chân thành mà làm cho các đối tác khác cũng quý trọng chúng ta hơn. Thậm chí, có thể nhờ có mối tương giao với Việt Nam mà những đối tác khó xử với nhau cũng dần gạt qua được khúc mắc, trở nên gần nhau hơn, hoặc ít nhất là thấy cần và nên gần nhau hơn. Nhìn ở góc độ đó thì chúng ta còn góp phần kiến tạo hòa bình thế giới. Chúng ta cố gắng giữ được đường hướng ấy, tinh thần ấy, sự chân tình, tin cậy ấy thì sẽ là tài sản vô giá để đất nước này, dân tộc này phát triển bền vững.

 

 

Nhìn lại xa hơn, xuất phát điểm của đất nước chúng ta thấp, từng bị đô hộ, từng bị chiến tranh tàn phá, bây giờ có vị thế như vậy, có niềm tin như vậy thì có thể nói, những hy sinh của thế hệ đi trước đã không bị lãng phí, đã trở thành tài sản vô giá, phải giữ gìn để đưa đất nước, dân tộc tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, trở thành quốc gia phát triển năm 2045. Đó sẽ là cái tự hào lắm, vẻ vang lắm, kỳ diệu lắm.

 

Và không chỉ có thế, hiện nay chúng ta cũng đang tiếp tục xúc tiến, làm việc để cùng nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác hơn nữa. Ví dụ với Singapore, Chính phủ hai nước đang nghiên cứu nâng lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, làm sao nhất thể hóa kinh tế giữa Việt Nam và Singapore. Làm được điều đó thì chúng ta sẽ tiến lên rất nhanh, từ thế giới thứ ba có thể lên hàng các nước thế giới thứ nhất. Đó là tầm nhìn và chúng ta đang hiện thực hóa tầm nhìn đó.

 

 

Đó là những lan tỏa, những tín hiệu tích cực từ đối ngoại. Còn trong kinh tế, vừa rồi nhiều doanh nghiệp lớn, ví dụ các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới cũng đến Việt Nam để tìm cơ hội làm ăn. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào?

 

Tôi nghĩ các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư lớn với tầm nhìn toàn cầu mà họ đến Việt Nam như vậy là cơ hội rất quý. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đặt tâm thế phù hợp, quan tâm, nắm bắt cơ hội, đồng thời tiếp tục giải những bài toán cụ thể, nhất là các bài toán về cấu trúc để phát triển tổng thể. Như trên tôi có đề cập, là nắm các chuyển đổi về cấu trúc của thế giới, của khu vực và của Việt Nam, kết hợp giải các bài toán cụ thể.

 

Ví dụ, làm sao để phát triển nhanh chóng với hệ thống năng lượng tái tạo? Làm sao để giảm phát thải ròng về không mà vẫn đáp ứng đủ năng lượng cho nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế? Rồi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ như thế nào trong quản lý, trong điều hành của các cấp, các doanh nghiệp để nâng cao năng suất, hiệu suất lao động? Giải quyết hiệu quả các bài toán đó thì việc đón nhận, phát triển một ngành mới như chíp bán dẫn không phải là điều khó.

 

Nói cách khác, ngành mới không thể không quan tâm, nhưng không được quên cái căn bản, cái đang có, đang đặt ra. Ví dụ, các trung tâm thương mại bên Singapore, họ luôn luôn nghĩ làm sao để tăng số người dân đến thường xuyên, đông đảo hơn để tăng doanh số, tăng hiệu quả kinh tế ở đó, trước khi nghĩ đến loại hình mới. Nếu một trung tâm thương mại còn vắng khách thì họ chưa tính đến khai thác kinh tế đêm như thế nào. Bởi làm thế là như cách của dân du mục, cứ mải miết đi tìm thêm cái mới mà không đào sâu, tính đến khai thác cho tốt cái đang có, bỏ lỡ cơ hội, nguồn lực ở cái đang có. Như thế dễ thành hời hợt, dàn trải, thậm chí ảo ảnh, không tạo được tác động cộng hưởng cho cái đang có.

 

Nghĩa là, khi còn có thể thâm canh, hoặc chưa phát huy đầy đủ, phát huy toàn diện, có chiều sâu, phát huy hết sức mạnh cái đang có thì việc dồn sức sang cái mới có thể sẽ đánh mất cơ hội của hiện tại. Khi làm thật tốt cái đang có, những cơ hội mới khác cũng sẽ tự tìm đến. Bạn hình dung, khi các nhà đầu tư chiến lược đang có mặt ở Việt Nam có thể nâng gấp đôi, gấp ba sản lượng của mình lên, giá trị gia tăng vọt lên, tên tuổi, thương hiệu tiếp tục khẳng định, thì các nhà đầu tư khác, nhà đầu tư mới sẽ tự tìm đến. Tôi nghĩ đây là cái cần chú ý về chiến lược.

 

 

Trong câu chuyện vừa rồi, dường như ông rất quan tâm tới việc phát huy tiềm năng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước?

 

Hệ thống năng lượng là một trong những vấn đề cốt lõi, tối cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia. Với Việt Nam, nó không chỉ quan trọng, mà còn rất khó giải, trong khi tiềm năng lại rất lớn, không giải được bài toán này thì vừa không phát triển được, lại vừa rất lãng phí. Bạn có thể tưởng tượng, khu cầu điện cho nền kinh tế gấp 4-5 bây giờ, cần đến 1.200 - 1.300 tỷ kWh thì nguồn lấy ở đâu ra? Thủy điện hạn chế rồi, nhiệt điện than phải đóng cửa theo cam kết giảm phát thải, chỉ còn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, và bây giờ cả điện hạt nhân thế hệ mới. Năng lượng hạt nhân thời đại mới với công nghệ hiện đại rất an toàn, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ngay bây giờ phải quyết liệt tháo gỡ để giải phóng được các nguồn năng lượng mới này, cái đó quan trọng hơn đi tìm một vùng đất mới, lĩnh vực mới.

 

 

Rồi về hạ tầng, phải bứt phá mạnh hơn nữa, với hai đầu tàu là TP.HCM và Hà Nội. Giải quyết cho được tình trạng ách tắc giao thông, ùn ứ các cửa ngõ. Rồi phải tính đến sớm triển khai, khai thác không gian ngầm. Cái này rất quan trọng, có thể phải dốc sức mà làm. Mà công nghệ bây giờ thì không quá khó, những cỗ máy lớn họ làm rất nhanh, như Singapore, Trung Quốc đã làm. Làm được thì các đô thị lớn của chúng ta có thêm bao nhiêu ngàn héc-ta nữa dưới lòng đất, vừa giải bài toán kinh tế, bài toán xã hội và cũng là câu chuyện rất hệ trọng là bài toán quốc phòng - an ninh. Thành phố ngầm này vô cùng quan trọng cho tương lai của quốc gia.

 

Đó là một vài ví dụ về giải những bài toán cụ thể nhưng cũng là thể hiện tầm nhìn trong giai đoạn chuyển đổi của thế giới cũng như trong nước.

 

 

Nhắc đến chuyển đổi, ông có nói giai đoạn này không chỉ đơn thuần là tăng trưởng, mà phải chú trọng chất lượng của tăng trưởng; không đơn thuần là mở rộng ra như một phép cộng mà phải là tăng trưởng có chiều sâu, phải bằng công nghệ gì. Câu hỏi đặt ra là thời gian tới, ta phải tự nâng cấp mình như thế nào để đạt được điều đó, thưa ông?

 

Để nâng cấp toàn diện, nâng cấp cả tư duy hệ thống thì tôi thấy cần biết khai thác 3 kho báu.

 

Một là, phải tự khai sáng, nghĩa là phải nắm được trong tay những kiến thức, sự thông tuệ, kinh nghiệm của thế giới. Cùng một ngành này, phải thấy được vì sao họ đã đi nhanh, tăng tốc như vậy, còn mình vẫn chậm chạp, lẹt đẹt? Họ làm được vì cái gì, kiến thức nào, kinh nghiệm nào, bây giờ hoàn toàn có thể tìm hiểu được. Ví dụ, làm sao họ làm được tàu điện ngầm nhanh như thế, hay là các doanh nghiệp họ làm điện sạch hoàn hảo như thế, còn của mình cứ ì ạch, cứ vướng mắc? Chính chúng ta phải trả lời được câu hỏi đó, để vừa gỡ cái thể chế, thiết chế do mình tạo ra, vừa ứng dụng được sự thông tuệ, tri thức của thế giới vào mà làm. Như thế ắt sẽ làm được.

 

Kho báu thứ hai là công nghệ. Công nghệ là cái cụ thể, là cái hỗ trợ cho cả hệ thống, giải phóng sức người. Như vừa rồi, cùng là các tuyến cao tốc mà thu phí bằng nhân viên ngồi đếm tiền thì làm sao mà tốc độ, thanh thoát như thu phí bằng ứng dụng? Như thế, phải đưa công nghệ tương tự vào nhà ga, sân bay, vừa giúp cho năng suất tăng vọt, vừa tạo sự văn minh, tiện nghi, nâng tầm mình lên trong con mắt bạn bè, cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Mà công nghệ có rồi, thế giới làm rồi, thì chúng ta phải vượt qua những gì lấn cấn, những lợi ích chỗ này chỗ khác mà làm, để Việt Nam phải là nước ứng dụng công nghệ hay nhất, nhanh nhất. Như thế là ta có thể làm tốt được nếu vượt qua những trở ngại khác, vấn đề khác.

 

Thứ ba, là kho báu mà Việt Nam ta có trữ lượng vô tận, đó là lòng người. Người Việt Nam từng gắn bó với nhau trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như thế nào, ai từng đi qua môi trường quân ngũ rồi đều thấy, khi đồng lòng, cùng chí hướng thì sức mạnh đó cộng hưởng thành một thứ vô song. Sự gắn kết đó, đồng lòng đó cần được phát huy trong thời đại này, làm sao mỗi người Việt Nam đều tự hào, đều dồn sức cho phát triển đất nước. Phải khơi lên được lòng tự hào đó, tâm thế đó và trong các chính sách, quyết sách đều phải tạo sự yểm trợ, trợ lực cho mỗi người thực hiện được tâm huyết với đất nước. Muốn đất nước vượt lên, tiến lên một bậc, một nấc thang mới, thì cũng cần phải nâng cấp kho báu lòng người lên một nấc thang mới.

 

 

Nói đến lòng người, vừa rồi, câu chuyện Việt Nam xuất khẩu gạo trong bối cảnh một số nước hạn chế và ngừng xuất gạo, cũng được dư luận đánh giá rất cao. Góc nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Xuất khẩu gạo là câu chuyện tưởng như thuần yếu tố kinh tế, nhưng vừa rồi chúng ta có quyết sách vừa tính đến hiệu quả về kinh tế, đồng thời thể hiện được tính nhân văn. Đó là mình không chỉ làm cho mình mà còn làm vì mọi người, nhất là trong bối cảnh khá nhạy cảm, nhiều nơi lo lắng cho an ninh lương thực. Thế giới bây giờ thông thương, từng chính sách của các nước đều được cộng đồng thế giới xem xét, so sánh, có thể học hỏi lẫn nhau hoặc điều chỉnh lẫn nhau. Quyết định điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 vì thế được dư luận quốc tế ghi nhận, cảm kích. Trong lúc khó khăn, chúng ta không đóng cửa với thế giới, mà vẫn kết nối, vẫn góp sức đảm bảo cho nhu cầu của thế giới.

 

Tương tự là câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu. Cái này chúng ta cũng dứt khoát, nhất quán, thế giới cũng đánh giá cao và để lại hiệu ứng rất tốt với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng chúng ta cũng không có gì là thua thiệt cả. Khi chúng ta ứng xử nhất quán với họ thì họ cũng sẵn sàng gắn bó hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, về nghiên cứu - phát triển ở Việt Nam, đó là sự hợp tác cùng có lợi và bền vững. Và như câu chuyện ban nãy, ta cứ làm tốt, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đó theo một cách nhất quán, có tầm nhìn, có chiến lược, thì hữu xạ tự nhiên hương, nhiều nhà đầu tư lớn, đối tác lớn sẽ tìm đến với Việt Nam.

 

 

Với tất cả những cái gì ông đã phân tích, đánh giá, và nhìn vào bối cảnh của thế giới cũng như trong nước, nhìn vào những chuyển động của nguồn lực nội sinh, ông nhận định gì về sự phát triển của đất nước năm 2024 và những năm tiếp theo?

 

Chúng ta đã đi qua đại dịch Covid-19 đầy khó khăn, mà khi vượt qua thách thức lớn, chứng tỏ là mình đang mạnh lên từ đại dịch chứ không phải đi xuống. Thì năm 2024 là bước đầu tiên để chứng tỏ sức mạnh sau thời kỳ đại dịch. Tôi thấy có mấy điểm mừng và một số điểm còn lo ngại.

 

Mừng, như đã nói, là tâm thế của chúng ta rất sẵn sàng, rất quyết tâm. Các doanh nghiệp, địa phương đều đang cố gắng để bật lên sau thời gian kìm nén. Mừng, là chúng ta đang có điểm tựa, vị thế tương đối thuận lợi. Đó là uy tín, vị thế về đối ngoại, là sự tích lũy ngày càng tốt về hạ tầng, về công nghệ.

 

Nhưng lo, là phải làm sao tạo được động lực chiến lược, đó là xây dựng được bộ máy công quyền ưu tú để hiện thực hóa tất cả chiến lược, kế hoạch, tâm huyết, giúp các địa phương, doanh nghiệp bật lên, như đã nói, phải là một tinh thần yểm trợ cho đoàn quân tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước.

 

Tôi thấy nhiều nơi đã quan tâm cho bộ máy có tầm nhìn chiến lược và năng lực thực thi này, vừa dày công nghiên cứu, vừa cử những người xuất sắc đi học hỏi thế giới, cái này chính là để phát huy được kho báu thứ nhất khi nãy đã bàn, đó là kinh nghiệm, là trí tuệ của nhân loại.

 

Tôi nhắc lại ý tưởng nhất thể hóa hai nền kinh tế mà Việt Nam và Singapore đang bàn. Nếu làm được việc này, sẽ có những bước tiến rất lớn. Nhiều lĩnh vực có thể xem xét, bàn thảo để hợp tác, như hàng không, hàng hải, rồi năng lượng, hay ngân hàng… Giao cho các bộ, ngành hai bên bàn với nhau thật kỹ, nhất thể hóa thì mỗi bên được lợi cái gì; tận dụng, hỗ trợ nhau được cái gì; đâu là cản trở, đâu là khó khăn và tháo gỡ thế nào. Làm được cái này, sẽ là một cuộc cách mạng, như là “khoán 10” của thời đại mới, nó sẽ vượt ra khỏi những suy nghĩ thông thường và hai bên đều hướng tới những không gian phát triển mới.

 

Nhưng muốn vậy thì bài toán khó và cũng là cái lo tôi vừa nói, vẫn là mấu chốt. Đó là chúng ta cần có đội ngũ cán bộ giỏi, bộ máy công quyền ưu tú để kiến tạo được thiết chế tốt nhất cho những chuyển biến lớn lao đó.

 

Mặt khác, hệ thống doanh nghiệp quốc doanh của mình phải có cải cách vượt bậc mà những bài học của nhiều quốc gia đã làm được rất đáng học hỏi. Làm sao để các doanh nghiệp quốc doanh phải trở thành một lực lượng ưu tú mà nhân dân tự hào, quốc gia tự hào. Phải xã hội hóa các doanh nghiệp này một cách phù hợp, nhà nước nắm không nhiều vốn mà vẫn huy động được trí tuệ, nhân lực giỏi để phát triển hệ thống này.

 

Điểm nữa là phải có những cực phát triển mạnh, mũi nhọn. Chúng ta phải thúc đẩy để Hà Nội và TP.HCM trở thành đầu tàu mẫu mực, là hai siêu đô thị với sức bật mạnh mẽ, cất cánh thực sự, không chỉ vượt trội ở trong nước mà phải sánh vai với những thành phố hiện đại, năng động của khu vực và thế giới. Có những gì hay nhất, tốt nhất về cơ chế, chính sách, những gì ưu điểm, những gì vượt trội thì nên đầu tư cho hai mũi nhọn này. Khi hai đầu tàu này vượt lên, tự khắc sẽ kéo theo các địa phương khác tăng tốc. Nếu không làm được như vậy thì rất khó phát triển, bởi nhân tài hội tụ ở đó, nguồn lực tập trung ở đó, mà bẫy thu nhập trung bình cũng nằm ở đó. Do đó, bằng mọi cách phải làm cho hai siêu đô thị này phải trở thành hình mẫu về quản trị hiện đại, là tuyến đầu về cạnh tranh với quốc tế về đổi mới, sáng tạo.

 

 

Ông có thể nêu cụ thể một số điểm đột phá cho hai “siêu đầu tàu” này?

 

Tôi ví dụ, để Hà Nội và TP.HCM có thể cạnh tranh được với Singapore thì có nên xem xét, áp dụng những cơ chế vượt trội nào như của Singapre không?

 

Hay một vấn đề rất cơ bản, là làm sao cho các dòng sông của Hà Nội và TP.HCM được như các dòng sông ở các thành phố hiện đại, phát triển khác? Đến các đô thị hiện đại, bạn bè quốc tế họ thường nhìn vào hệ thống sông, ở đó môi trường ra sao, quản lý, khai thác như thế nào? Nếu làm tốt thì từ những dòng chảy ô nhiễm, các dòng sông có thể đem lại giá trị gấp hàng trăm lần cho thành phố. Các đô thị hiện đại trên thế giới đã chứng minh hiệu quả, sự lan tỏa rất lớn từ việc này, không chỉ đem lại giá trị về kinh tế, mà còn là hình ảnh quốc gia của họ. Do đó, Hà Nội và TP.HCM phải làm cái này đột phá hẳn lên, vượt hẳn ra những tính toán thông thường.

 

Năm mới 2024, cũng là năm Rồng. Người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung thường kỳ vọng vào những gì mạnh mẽ, vượt lên như “Rồng bay”. Ông có gửi gắm dự cảm, kỳ vọng gì trong năm mới Giáp Thìn 2024 này, thưa ông?

 

Tôi nghĩ Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên có thể cất cánh, và năm Giáp Thìn - 2024 này là năm bản lề rất quan trọng, một năm chiến lược của Việt Nam. Chúng ta đã có một thời gian tích lũy về hạ tầng, về nhân lực, về thể chế, về niềm tin và sẵn sàng tâm thế cho sự phát triển, thì năm 2024 sẽ có những lĩnh vực khởi sắc đặc biệt, đặt nền móng cho thời gian tới để Việt Nam phát triển thành một quốc gia hiện đại.

 

 

Những chuyển biến về thể chế, các chuyển động lớn như về quy hoạch, các dự án hạ tầng lớn… cần được triển khai đúng với kế hoạch và tầm nhìn chiến lược thì chúng ta sẽ thấy các khoản đầu tư là tiền đẻ ra tiền chứ không phải bỏ vốn “đông cứng” ở đó. Khi cả hệ thống quan tâm, suy nghĩ và thúc đẩy hành động theo chiều sâu hơn là chiều rộng thì chúng ta sẽ đi đúng hướng. Từ chuyển động ở chiều sâu sẽ dẫn đến nâng tầm, vượt ngưỡng để chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn ở các năm sau, và thập kỷ tiếp theo sẽ là bật lên, vượt lên, thực sự là kỷ nguyên cất cánh.

 

PGS. TS Vũ Minh Khương trò chuyện với nhà báo Huy Hào (Báo Đầu tư). (Ảnh: Chí Cường)

 

Bình luận bài viết này
HUY HÀO - ẢNH: CHÍ CƯỜNG 11/02/2024 09:09