Thưa ông, năm 2021 đã đi qua với rất nhiều khó khăn, dù tăng trưởng không đạt mục tiêu, song nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng, vậy theo ông đâu là điểm sáng nhất?.
Với tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội, tâm lý xã hội…; GDP quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ; dự báo cả năm tăng trưởng chỉ đạt 2,5-3%, không đạt mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vẫn nổi lên một số điểm sáng, nổi bật của nền kinh tế. Đứng trên phương diện cá nhân, bên cạnh các điểm sáng về kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu NSNN vượt dự toán, bội chi trong ngưỡng cho phép…, theo tôi có 2 điểm sáng nhất.
Thứ nhất, là ngành nông nghiệp. Đối diện với nhiều thách thức chưa từng có khi Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, diễn biến mưa lũ phức tạp tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, nhưng trong khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là “trụ đỡ” của nền kinh tế với tăng trưởng ấn tượng.
Năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Riêng quý III/2021, khi dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố phía Nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ hai, là trong hoạt động sản xuất, xuất - nhập khẩu. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, góp phần tích cực vào việc hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra.
Ở kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu khá tham vọng. Vậy, ở thời điểm này, khi mà bối cảnh quốc tế và trong nước đã rõ ràng hơn, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của chỉ tiêu này?
Thời điểm thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm, tử vong cao, kết quả tăng trưởng quý III rất thấp, nhiều đại biểu Quốc hội đã lo lắng, cho rằng đặt ra mức tăng trưởng 6-6,5% cho cả năm 2022 là cao và khó hoàn thành.
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Quốc hội, có nêu rõ bên cạnh việc đặt ra mục tiêu cao để phấn đấu thì chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 và trên nền tăng trưởng thấp so với năm 2020.
Tại thời điểm hiện nay, mặc dù trước mắt còn nhiều chông gai và khó khăn, đặc biệt xuất hiện chủng mới Omicron chưa có dự báo chính xác về tác động ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và nước ta, tôi vẫn hy vọng năm 2022 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% dựa trên một số yếu tố sau.
Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Quốc hội đang thẩm tra về giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, cùng với Chính phủ xây dựng và triển khai kịp thời Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.
Kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh của nước ta đã được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.
Đã có cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi và phát triển kinh tế, đã xuất hiện những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong năm 2021, đặc biệt là trong tháng 11 và tháng 12 (về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp…) đã phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Dự báo kinh tế quý IV tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội thì kinh tế năm 2022 có 3 động lực trọng tâm. Thứ nhất, khôi phục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Bốn nội dung chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội đều hướng tới làm mạnh mẽ hơn các động lực này, trong đó Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra tới ba nội dung, xin ông cho biết đâu là những điểm then chốt nhất trong những đề xuất mới của Chính phủ tại kỳ họp bất thường này?
Tại phiên họp thứ 6 (tháng 12/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định sự cần thiết và căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Việc tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách đã thể hiện rõ quan điểm đối với công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tạo đột phá thực sự về thể chế, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững và kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Các nội dung được đề xuất xem xét đều là nội dung rất quan trọng, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn của nền kinh tế; kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Thường trực Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm gia 3 nội dung.
Nội dung thứ nhất là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Việc sửa đổi này nhằm một số mục tiêu, như tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tháo gỡ một số khó khăn trong triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Nội dung thứ hai, đầu tư hoàn thành cơ bản toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, về xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung này có mục tiêu cao nhất là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, không bị lỡ nhịp với đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế…
Với 3 nội dung như trên, tôi cho rằng khôi phục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường huy động, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân là điểm then chốt nhất.
Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 Quốc hội yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Và để hỗ trợ cho Chương trình này Quốc hội sẽ xem xét gói chính sách tài khoá, tiền tệ bổ sung.
Được biết, Uỷ ban Kinh tế đã thẩm tra sơ bộ nội dung này, xin ông cho biết gói chính sách này sẽ hướng đến đối tượng nào, liệu có gia tăng áp lực lạm phát trong bối cảnh người dân đã và đang rất khó khăn vì tác động của dịch Covid-19?
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế hiện nay đang rất khẩn trương thẩm tra, cho ý kiến về nội dung nêu trên, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội tới đây.
Trọng tâm của Chương trình là đưa ra những giải pháp và chính sách đột phá, triển khai nhanh, có tính lan tỏa lớn, phù hợp với tình huống đặc biệt, chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.
Thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình, có mục tiêu, đơn giản trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng, kịp thời, vừa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế, vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và bước vào giai đoạn phát triển mới.
Chương trình cũng đồng thời đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistics, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23% so với năm 2019; CPI bình quân cả năm 2021 dừng ở con số 1,84% so cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Như vậy, lạm phát vẫn đang được kiểm soát và có dư địa để chủ động điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong năm 2022, áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng do tác động của các gói kích thích kinh tế ứng phó Covid-19 của nhiều quốc gia và một số yếu tố bên ngoài, tuy nhiên, việc tính toán gói hỗ trợ sẽ tính cả tác động đến kiểm soát lạm phát và mục tiêu chung vẫn là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn tài chính, đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong cả giai đoạn.
Trong báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung các tác động của chính sách đến lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô dự kiến trong 2 năm 2022-2023; tác động nhiều chiều đến phía Nhà nước cũng như đối tượng thụ hưởng; căn cứ tính toán các số liệu cụ thể các dự án dự kiến đầu tư thuộc Chương trình...
Thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tại kỳ họp thứ hai vừa qua của Quốc hội, ông có đưa ra khuyến nghị không cần nới lỏng thêm chính sách tiền tệ mà nên giữ mặt bằng lãi suất tiền gửi như hiện nay, tiếp tục giảm lãi suất vay tập trung vào giúp cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, dư địa để giảm lãi suất cho vay không còn nhiều?
Lãi suất cho vay trong năm 2020 và năm 2021 đã được điều chỉnh giảm nhiều, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng với mức độ khó khăn của doanh nghiệp, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp; nhiều doanh nghiệp vẫn phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với giá cao. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của các ngân hàng thương mại như: tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị DN, quản lý dòng tiền…
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa qua, một trong những thông điệp được Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tham dự nhấn mạnh mà tôi cũng rất tâm đắc đó là: Cần chú trọng hơn mối quan hệ “hữu cơ, gắn kết” giữa ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng và nhu cầu, năng lực của doanh nghiệp, người dân. Doanh nghiệp, người dân tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như tạo ra dòng tiền đối với hệ thống ngân hàng.
Do vậy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo sự ổn định và phát triển hệ thống ngân hàng. Diễn đàn đã đưa ra kiến nghị giảm lãi suất điều hành đi đôi với giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại với doanh nghiệp; tiết giảm chi phí quản lý của các ngân hàng thương mại để tiếp tục chia sẻ khó khăn đối với các đối tượng được nhận tín dụng, tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất cho vay khi lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn còn cao khi so sánh với các nước trong khu vực và chênh lệch giữa lãi suất huy động tiền gửi, tiền vay còn lớn.
Tại diễn đàn Quốc hội, khá nhiều ý kiến cho rằng yếu nhất hiện nay vẫn là khâu thực hiện, nếu không cải thiện được khâu này thì chính sách có tốt đến đâu hiệu quả cũng vẫn hạn chế. Vậy theo ông bên cạnh việc tổ chức thêm kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước, Quốc hội nên đổi mới hoạt động giám sát thế nào để những quyết sách mới được thực thi kịp thời, hiệu quả?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động giám sát của Quốc hội phải bám sát và đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, mong muốn của Nhân dân và cử tri, đồng thời phải gắn với công tác lập pháp, cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Chương trình hành động cũng xác định, cần chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc trả lời và thực hiện các kiến nghị giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền luật định đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với công tác giám sát đã nhấn mạnh phải lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, có liên quan tới quốc kế, dân sinh.
Tinh thần giám sát là có trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi, đến chốn, truy đến cùng sự việc; xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân; nêu ra kiến nghị xác đáng; đồng thời phải coi trọng giám sát thực hiện các kiến nghị.
Trong giai đoạn tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung chất vấn tại Quốc hội và tăng cường chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; có cơ chế để Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tham gia công tác giám sát hiệu quả hơn.
Ngoài ra, công tác “hậu giám sát” cũng cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả hơn nữa, với mục tiêu để bảo đảm các quyết định của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc cũng như sự chuyển biến trong quá trình thực hiện, việc tăng cường khâu “hậu giám sát” của Quốc hội khóa XV kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến đột phá trong thực hiện chức năng quan trọng này của Quốc hội.
Có thể nói với 3 kỳ họp bình thường và tới đây là kỳ họp bất thường, những đại biểu Quốc hội chuyên trách như ông khá bận rộn trong năm 2021. Và tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa luôn được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Từ trải nghiệm thực tế của mình, xin chia sẻ đôi điều về từ khoá "từ sớm, từ xa" đó?.
Đổi mới hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua đã được thể hiện rõ rệt cả về mặt kỹ thuật cũng như những quyết tâm, tinh thần chuẩn bị chủ động, từ sớm, từ xa đối với các nội dung thảo luận tại kỳ họp của Quốc hội hay phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được nâng lên rõ rệt.
Quán triệt tinh thần của Chủ tịch Quốc hội, các công việc của Ủy ban Kinh tế luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, xem xét qua nhiều vòng, thảo luận tất cả các vấn đề đặt ra, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đối tượng bị điều chỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học…, từ đó mới xác định, nhận diện được rõ ràng trọng tâm của vấn đề.
Tôi lấy thêm ví dụ, trong hoạt động thảo luận tại tổ, công tác thư ký cũng có sự cải tiến, gắn với “từ sớm, từ xa”. Việc tuyển chọn những chuyên viên, cán bộ giỏi, có trình độ tại Văn phòng Quốc hội để đào tạo, tập huấn làm thư ký tổ, đã bảo đảm tiến độ, kịp thời tổng hợp ý kiến, gửi các đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Nhờ đó, ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã có thể phối hợp có các báo cáo giải trình sơ bộ, hoạt động thảo luận ở hội trường được nâng cao, tập trung hơn vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau.
Theo quan sát, trong năm 2021, lãnh đạo Quốc hội mà trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội đã mở rộng cả quy mô cũng như mức độ tham vấn ý kiến chuyên gia về các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định.
Diễn đàn Kinh tế cũng đã được khởi động lại, với bề dày kinh nghiệm tổ chức các diễn đàn kinh tế một năm 02 kỳ (Mùa xuân và Mùa thu) từ khi còn là Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội) ông nghĩ thế nào về cơ chế để huy động hiệu quả đóng góp của giới chuyên gia vào hoạt động của Quốc hội?.
Việc thu hút, tập trung được tri thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động của Quốc hội, từ công tác lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở các lĩnh vực là những người được đào tạo theo hướng chuyên sâu có kinh nghiệm thực hành công việc, có kỹ năng thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung.
Hơn nữa, sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý vào hoạt động Quốc hội cũng là một kênh phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Tiếp thu kiến thức, kiến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý cũng là lắng nghe, tiếp thu và coi trọng tiếng nói của người dân, những người sẽ được hưởng lợi từ chính sách, pháp luật, đồng thời là đối tượng chịu sự ảnh hưởng của chính sách, pháp luật mà Quốc hội thông qua và ban hành.
Thực tế cho thấy, thông qua các diễn đàn, từ các diễn đàn Kinh tế trước đây cho đến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa qua, vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý là không thể phủ nhận.
Trong phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, nêu rõ mong muốn phát huy tối đa, tập hợp được đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các vị đại biểu Quốc hội mà đông đảo Nhân dân, cử tri; thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế;
Hình thành các luận cứ khoa học thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định; các ý tưởng, các phản biện, đánh giá, ý kiến đề xuất các phương án... từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý sẽ giúp cho các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội lựa chọn được những phương án, giải pháp tối ưu, thích hợp nhất.
Bước sang năm mới 2022, ông có điều gì muốn gửi gắm đến bạn đọc Báo Đầu tư - những cử tri luôn theo dõi hoạt động của Quốc hội?.
Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn, biến động cả trong nước và trên thế giới. Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, chúng ta dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với nhiều điểm sáng nổi bật, tạo niềm tin và động lực để bước tiếp trong thời gian tới.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo sẽ còn nhiều thách thức, khó khăn, tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là dịch COVID-19 có thể kéo dài, nguy cơ lây lan, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặc dù khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng tôi tin rằng với sự chung sức, đồng lòng, với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ triển khai chương trình hành động khẩn trương, quyết liệt, đất nước ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang Năm mới 2022, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các bạn đọc Báo Đầu tư; chúc các bạn một năm mới có nhiều sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc và thành công!
Quote: Với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ triển khai chương trình hành động khẩn trương, quyết liệt, đất nước ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, thích ứng an toàn, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.