Theo PGS .TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đảo Ngọc Phú Quốc hoàn toàn có thể trở thành hòn đảo sang trọng, đáng đến bậc nhất thế giới, nếu như nó được trao cho những cơ chế phù hợp.
Ông có nghĩ rằng Đảo Ngọc Phú Quốc đang được ưu ái hơn rất nhiều so với những địa phương khác cả về cảnh quan thiên nhiên do tạo hóa ban tặng, cũng như sự đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và quốc tế, thậm chí là những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đang có sự ưu tiên dành cho thành phố đảo đầu tiên và duy nhất của cả nước?
Đúng là thiên nhiên ưu ái Phú Quốc. Nhưng nói đến chính sách thì có lẽ dùng từ “ưu ái” là không thích hợp. Cách tiếp cận phát triển Phú Quốc cần sự rõ ràng. Tất nhiên, nhà nước có sự quan tâm đến Phú Quốc, nhưng sự quan tâm đó là xứng đáng, công bằng. Phú Quốc không cần đến một sự ưu đãi “nhân tạo” nào.
Ở đây, ưu ái Phú Quốc theo nghĩa thiên vị là không nên, không cần. Đúng là có sự quan tâm về chính sách, về các điều kiện phát triển để Phú Quốc phát huy năng lực, thúc đẩy phát triển để mang lại lợi ích chung cho sự phát triển của vùng, cho Kiên Giang, cho đất nước và tất nhiên, cả cho chính Phú Quốc.
Tôi nghĩ ưu ái nên hiểu như vậy, chứ ưu ái theo nghĩa thiên vị, thiên lệch về mặt chính sách để Phú Quốc “chưa đến tầm”, không xứng đáng mà vẫn “cố sống, cố chất” đẩy lên bằng được thì không phải.
Phú Quốc hoàn toàn xứng đáng với những sự quan tâm như vậy. Theo cách lập luận đó, thậm chí, tôi cho rằng “ưu ái” như thế vẫn chưa đến tầm, chưa hết tầm. Vì lẽ đơn giản Phú Quốc có thể được coi là báu vật của thiên nhiên; trên thế giới, cho đến giờ, ít nơi đẹp như Phú Quốc mà vẫn còn duy trì, còn giữ được vẻ đẹp đẳng cấp còn đậm chất “hoang sơ”. Chiến lược, chính sách để giữ gìn báu vật, phát huy năng lực phải tương xứng với đẳng cấp đó.
Cho đến bây giờ, có thể nói chúng ta đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho Phú Quốc; sự ưu tiên mà trong điều kiện của Việt Nam là rất đáng kể, có thể nói ít nơi có được. Tuy nhiên, tôi cho rằng Phú Quốc thật sự cần hơn thế nhiều - không phải cần để Phú Quốc “trội” hơn địa phương khác, mà cần để Phú Quốc phát huy đúng lợi thế và tiềm năng của mình.
Thực tế cho thấy, để Phú Quốc phát huy đúng tầm tiềm năng, lợi thế, để đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước xứng với “vai” và với sức vóc của mình thì phải ưu tiên, hỗ trợ và thúc đẩy Phú Quốc mạnh hơn nữa. Điều đó sẽ đóng góp và mang lại lợi ích chung tốt hơn nhiều.
Vậy có phải đảo Ngọc chưa nắm bắt được hết những lợi thế để vươn mình phát triển, đặc biệt là trở thành một điểm đến mới của thế giới? Nói cách khác - nó đang đi khá chậm so với những gì đáng nhận được?
Khi ví Phú Quốc là báu vật của tự nhiên, là tài sản quốc gia, và còn là tài sản của loài người, thì như tôi đã nói, Phú Quốc bây giờ vẫn chưa nắm bắt hết thời cơ để phát huy đúng tầm lợi thế. Nhưng câu chuyện chưa tận dụng được lợi thế phải xét theo từng cấp để có đánh giá xác thực.
Ví dụ: Nhà nước đã từng quan tâm, đặt vấn đề xây dựng Phú Quốc thành một đặc khu hành chính-kinh tế, kiến tạo một thể chế “đặc thù”, một không gian, môi trường, cách thức phát triển vượt trội cho Phú Quốc. Nhưng trên thực tế, điều ấy chưa đạt được. Có nghĩa là ở cấp quốc gia, chúng ta đã bỏ lỡ mất một yếu tố, một điều kiện rất cơ bản để Phú Quốc phát huy đúng tầm, đúng thế.
Trong quá trình triển khai phát triển Phú Quốc trên thực tế, có những khía cạnh chúng ta chưa tận dụng hết thế mạnh ở các tuyến, các việc khác nhau, ví dụ như tuyến các dự án đầu tư cho Phú Quốc. Phú Quốc hút được đầu tư tư nhân nhiều, đẳng cấp cao, song cách tổ chức, các điều kiện đảm bảo cho cả hệ thống vận hành đồng bộ thì lại chưa đạt được. Như hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Rồi việc phối hợp các ngành như du lịch với hàng không, với quản lý đô thị, hay quy chế visa, thị thực cho du khách quốc tế chưa đồng bộ,...
Trong việc phát triển Phú Quốc, có thể nói Phú Quốc đã đạt đẳng cấp khá cao ở khía cạnh “đô thị hiện đại”. Một số nhà đầu tư lớn đã tạo cho Phú Quốc một chân dung đô thị vượt trội. Nam đảo, Bắc đảo, các khu của Vingroup, Sun Group, rồi cả cáp treo... đẳng cấp rất cao.
Tuy nhiên một số tuyến khác thì lại chưa vươn lên được tầm đó, ví dụ như tuyến vệ sinh môi trường, hay vấn đề trật tự xã hội, rồi di sản văn hóa, cốt cách văn hóa của Phú Quốc rất hay nhưng cũng chưa định hình được, chưa phát huy được. Ta chú trọng vào phần hiện đại, nhưng cái gọi là tiếp nối quá khứ, tiếp nối với văn hóa bản địa, tiếp nối với những gì gọi là “căn cốt” để Phú Quốc trở thành đẳng cấp đúng nghĩa văn hóa thì chưa được chú trọng đầy đủ và chưa làm được.
Tôi nghĩ còn phải làm nhiều thứ hơn nữa, để Phú Quốc trở thành điểm đến quốc gia nhưng có đẳng cấp toàn cầu. Phải tạo cho Phú Quốc một cơ hội như thế, và Phú Quốc có thể làm được.
Ví dụ sau đại dịch Covid, hoàn toàn có thể mở ra cho Phú Quốc những điều kiện thuận lợi đê kéo thế giới đến bởi vì Phú Quốc khá biệt lập, lại an toàn, sạch và đẹp. Thế giới đang cần một chỗ như thế để “xả” sau dịch. Thế nhưng chúng ta lại rụt rè, e ngại. Thế là Phú Quốc bị chậm nhịp. Nếu như lúc ấy tập trung nỗ lực quốc gia để Phú Quốc trở thành tọa độ hấp dẫn khách quốc tế, qua đó, Việt Nam thể hiện được “giá trị” của mình, và đặc biệt, để Phú Quốc không chỉ phục hồi mà còn là chớp thời cơ để vượt lên, thì chắc rằng Phú Quốc đã không bị lỡ nhịp như vừa rồi.
Ông có thể đánh giá tiềm năng và cơ hội của Phú Quốc trở thành điểm đến sang trọng hàng đầu Việt Nam, thậm chí, hàng đầu thế giới?
Về nguyên tắc, Phú Quốc có đủ các điều kiện nền tảng để trở thành điểm đến sang trọng, ở đẳng cấp thế giới, thậm chí, thuộc hạng nhất. Phú Quốc có tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp, còn chưa được khai thác hết tầm. Sau lưng Phú Quốc là một hậu phương “hùng mạnh”, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ,... Nếu nối Phú Quốc với Côn Đảo, Nha Trang, chúng ta sẽ thấy một vành đai biển tuyệt vời, đích thực là siêu hạng.
Thứ hai, chưa thấy chỗ nào ở Việt Nam giành được nhiều giải thưởng du lịch và bất động sản du lịch như ở PQ. Mà toàn là những danh hiệu đẳng cấp cao. Chúng ta biết rằng phát triển du lịch là sự kết hợp của 2 yếu tố: một là cái vốn có, bao gồm tài nguyên tự nhiên, tài nguyên lịch sử - văn hóa tích lũy được.
Phú Quốc đã khẳng định yếu tố này rồi. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Phú Quốc còn phải bổ sung những giá trị hiện đại, những “giá trị gia tăng thời đại”, đáp ứng xu thế, nhu cầu của thế giới hiện đại. Không bổ sung giá trị mới, Phú Quốc khó mà đua tranh phát triển tầm quốc tế.
Phú Quốc còn phải làm những việc gì? Còn rất nhiều thứ phải làm. Nhu cầu của thế giới là vô tận. Đế đáp ứng, phải có một hệ thống thể chế, quản trị đủ tài, Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiến, đến nay vẫn là duy nhất của Việt Nam. Thành phố đó cần có những quy chế khác thường tương xứng. Tính tự chủ, độc lập trong quản trị, tính công khai minh bạch như là điều kiện tiên quyết, đòi hỏi năng lực quản trị rất cao. Có lẽ phải tập trung vào đây như tọa độ đột phá hàng đầu. Nếu không Phú Quốc sẽ không thể xử lý được những công việc liên quan đến phát triển một đô thị thông thường chứ chưa nói đến đô thị hiện đại và đẳng cấp.
Ví dụ như vấn đề nước thải, vệ sinh môi trường. Phú Quốc là một hòn đảo tách biệt, nhu cầu phát triển cao, triển vọng lớn. Nếu không xử lý vấn đề môi trường của Phú Quốc một cách căn cơ ngay từ đầu thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Khi đã sa sút về mặt uy tín thì sa sút rất nhiều. Rồi phải giữ được cây xanh, phải giữ được môi trường. Nếu không, xu thế đô thị hóa ồ ạt sẽ khiến Phú Quốc đánh mất nhiều lợi thế tiềm năng.
Vấn đề thứ ba là văn hóa. Phú Quốc phải là một tọa độ tích hợp văn hóa Đông-Tây, trong đó, linh hồn chính là bản sắc Phú Quốc. Phú Quốc có bản sắc tích hợp rừng – núi – biển và chất Nam Bộ, với những người dân trung thực, đàng hoàng, khí phách, tâm hồn bao la phóng khoáng như biển, tâm thế khám phá, sáng tạo của những người “tiên phong mở cõi”… Những nét văn hóa ấy phải được định hình, bảo tồn và củng cố, phát huy trong không gian hội nhập hiện đại. Rất hay nhưng đầy thách thức.
Vấn đề thứ tư là Phú Quốc có trục phát triển đô thị xuyên suốt là “thông minh”, định hướng trở thành một trung tâm dịch công nghệ cao – đổi mới, sáng tạo.
Điểm cuối cùng tôi muốn nói là kết nối. Để nâng Phú Quốc lên đẳng cấp quốc tế thì sự kết nối phải tốt hơn nữa, phải tuyệt vời hơn nữa. Hiện nay, Phú Quốc đã giành được sự ưu tiên kết nối quốc tế ở mức rất cao. Nhưng so với tiềm năng, so với kỳ vọng dành cho Phú Quốc, cái hiện có vẫn còn cách xa lắm.
Phú Quốc vẫn còn phải nâng cấp sân bay, nâng cấp điểm kết nối; còn phải phát triển hệ thống tàu biển, cảng biển đón tàu du lịch hạng sang của thế giới; phải nhanh chóng cải thiện chế độ visa - thị thực cho khách đến Phú Quốc, …
Cả nước phải đồng lòng cùng Phú Quốc, cả “hệ thống chính trị” cùng chung tay xử lý các vấn đề của Phú Quốc, để Phú Quốc đi đầu trong “tam thông” - thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế và thông minh bộ máy. Khi đó, Phú Quốc sẽ vượt lên, đúng tầm chức năng và vị thế.
Thưa ông, gần đây Phú Quốc liên tục được báo chí quốc tế ca ngợi và bình chọn vào top những điểm đến hàng đầu thế giới, có rất nhiều động thái tích cực như mở mới nhiều đường bay quốc tế cũng như sự tìm đến của rất nhiều thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới như là Ritz Carlton, The Luxury Collection… Những tín hiệu như vậy có ý nghĩa thế nào với sự phát triển của du lịch Phú Quốc?
Tôi không phải người quan tâm đến các giải thưởng hay danh hiệu phát triển du lịch, nhưng tôi đoán rằng tần suất được nhận các giải thưởng, danh hiệu này hiếm nơi nào bằng Phú Quốc, đặc biệt là trong 5-7 năm trở lại đây. Những công trình của Sun Group, của Vingroup, những dự án như cáp treo, khu vui chơi giải trí, khu nghĩ dưỡng,… rất huy hoàng. Mới đây, Phú Quốc có thêm Cầu Hôn, có tiềm năng “gây sốc”, giống như “Cầu Vàng” ở Đà Nẵng. Đây đều là những giải thưởng do các tổ chức rất uy tín bậc nhất về đánh giá danh hiệu du lịch cũng như các công trình kiến trúc trên thế giới trao tặng. Điều đó xác nhận thực lực, trình độ của Phú Quốc. Chúng còn xác nhận một thứ quan trọng hơn. Đó là quyết tâm mà cả Việt Nam dành cho Phú Quốc trong cuộc đua tranh vươn lên hạng nhất toàn cầu.
Cũng theo cách tiếp cận ấy, chúng ta thấy chưa có nơi nào tần suất mở tuyến bay quốc tế nhanh như Phú Quốc. Và không chỉ có hàng không. Các tuyến cảng biển, tàu biển cũng bắt đầu được mở và khai thông. Những việc làm này đang triển khai đồng nhịp với các giải thưởng kiến trúc – du lịch, chắc chắn sẽ giúp tăng vượt bậc hiệu quả phát triển Phú Quốc. Tôi rất tin tưởng vào logic cộng hưởng sức mạnh này.
Về môi trường, phải rất ráo riết. Cần sự hỗ trợ của quốc gia cho Phú Quốc. Đừng coi đây là việc riêng của Phú Quốc. Chính phủ và tỉnh Kiên Giang phải dồn lực, dồn chính sách giải quyết vấn đề này để Phú Quốc thực sự bứt phá đúng tầm.
Bên cạnh những thông tin rất tích cực ông vừa chia sẻ, thực tế là thời gian qua có làn sóng khách du lịch trong nước “quay lưng” với du lịch Phú Quốc. Theo ông, điều gì đang ngáng chân Phú Quốc trở thành một điểm đến sang trọng?
Đúng là vừa rồi Phú Quốc lâm vào tình trạng khá tiêu cực, bị hành khách “quay lưng” lại. Có nhiều lý do chứ không phải chỉ có chuyện giá vé máy bay cao. Có chuyện về môi trường, rác thải; có chuyện về “chặt chém” du khách, về thủ tục visa... Nhiều, nhưng có thể khái quát về 2 nhóm nguyên nhân chính: một là tình trạng thiếu đồng bộ nghiêm trọng; hai là thiếu cách tiếp cận văn hóa đúng trong phát triển du lịch.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất gắn chặt với xu thế phát triển nhanh, thuận lợi, thì tưởng dễ ăn, tạo tâm lý tưởng bở, thúc đẩy tinh thần “mạnh ai nấy làm”, quên mất luật lệ và những yếu tố nền tảng. Để đồng bộ phát triển Phú Quốc, cùng với du lịch, còn phải biết cách phát triển hàng không, biết cách bán vé máy bay như là một phần của công cuộc cạnh tranh du lịch quốc tế. Nếu Thái Lan bay rẻ hơn thì người ta sẽ bay Thái Lan, chứ người ta không bay Phú Quốc. Mà khi khách du lịch đến ít thì sẽ thúc đẩy xu thế “chộp giật” của hệ thống làm du lịch còn rất thiếu nền tảng ở hòn đảo này.
Chộp giật trong chuyện ăn uống, giá cả. Nhưng nên nhớ xả rác bừa bãi cũng là một kiểu chộp giật. Không lo cho những gì căn bản, dài hạn nên cứ xả rác ra, kiếm ăn thật nhanh, giống như “chặt chém” du khách thôi. Phú Quốc dễ trở nên “xấu hơn” trong con mắt du khách vì Phú Quốc vốn quá đẹp, khi người ta đến Phú Quốc với tâm thế văn hóa rất cao, đến xứ sở của những con người hào hiệp, có tâm hồn biển cả. Đây chính là vấn đề không đồng bộ trong phát triển.
Không đồng bộ cả trong vấn đề về visa – thị thực, như chúng ta đang thấy. Chúng ta đang có một cơ hội để rút kinh nghiệm, không phải chỉ cho Phú Quốc.
Thứ hai, cách tiếp cận, phát triển văn hóa của Phú Quốc phải được đặt lên hàng đầu. Những khu nghỉ dưỡng hiện đại ở Phú Quốc vượt trước, hiếm nơi nào có, nhưng văn hóa đích thực của Việt Nam, bản sắc của Phú Quốc - cái mà người ta muốn tìm đến để tận hưởng thì tương đối mờ nhạt. Nếu trong không gian đô thị kiểu phương Tây có nét văn hóa Việt đậm hơn, nếu kinh tế đêm của Phú Quốc không chỉ có mỗi “chợ ẩm thực ban đêm” mà có hẳn không gian văn hóa, sáng tạo, có những sân khấu đẳng cấp… thì sức hấp dẫn của Phú Quốc chắc chắn được nhân lên gấp bội, sẽ bền vững hơn nhiều.
Điều này chúng ta phải học hỏi nhiều ở những đô thị du lịch như Singapore hay Bali. Còn nếu chúng ta để hiện đại lấn át truyền thống, chất “Tây” làm mờ chất “Ta”, thì cái đẹp tự nhiên không đủ để Phú Quốc trở thành tọa độ cạnh tranh quốc tế mạnh. Khi đó, khách Việt sẽ “quay lưng” không chỉ vì những bức xúc ngắn hạn, mà ở tầm xa hơn, còn vì cảm thấy lòng tự trọng văn hóa bị tổn thương.
Thời gian qua, sau khi có những phản ánh tiêu cực, chính quyền Phú Quốc đã có những hành động mạnh để lấy lại hình ảnh đảo Ngọc như quyết tâm bình ổn giá, cam kết xử lý nghiêm nạn chặt chém,… Chính quyền cũng đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội để thu hút khách. Những hành động đó đủ chưa - hay cần thêm những giải pháp mạnh hơn nữa, thưa ông?
Những thay đổi đó rất có ý nghĩa. Chính quyền đã rút ra được nhiều bài học đáng giá, đã bắt tay xử lý các vấn đề một cách mạnh mẽ.
Nhưng cần lưu ý, ngoài nỗ lực tháo gỡ những bức xúc ngắn hạn, chính quyền phải tập trung hướng tới xây dựng “đô thị thông minh hiện đại”. Vì Phú Quốc được định hình đẳng cấp quốc tế, nên chính quyền phải thông minh và hiện đại. Đảng và Trung ương phải cho phép Phú Quốc thử nghiệm chính quyền đô thị vượt trội. Nếu không, Phú Quốc sẽ “tụt hậu”. Chính quyền phải có tầm nhìn, có năng lực vượt trội, có khả năng tổ chức đời sống hiện đại đẳng cấp cao. Muốn thế, nó phải được trao quyền và điều kiện thực thi quyền tốt nhất. Nếu không, cái gì cũng phải xin cho. Tiếp tục xin ưu tiên, ưu đãi hơn mấy huyện nông thôn nhưng đẳng cấp vẫn vậy thì không thể chấp nhận được. Đó là điều phải nhấn mạnh.
Đây là cơ hội để chúng ta làm lại, làm mới để có chính quyền hiện đại, cạnh tranh quốc tế; không phải chỉ đi tháo gỡ những vấn đề lặt vặt. Phải thay đổi hệ thống chính quyền như cách tiếp cận “đặc khu”. Tầm nhìn chiến lược đó phải làm đầu tiên.
Điểm thứ hai, những bài học mà các đô thị du lịch của thế giới, của Việt Nam đang làm, nhất là đô thị biển đảo, Phú Quốc nên rút kinh nghiệm. Nghe nói Phú Quốc sắp tổ chức lễ hội bắn pháo hoa cuối năm. Nếu muốn việc bắn pháo hoa thành bản sắc của mình, thành một sản phẩm đặc sắc, thì Phú Quốc phải học Đà Nẵng, với không gian tổ chức lễ hội khác lạ, một không gian văn hóa đặc sắc biển đảo Phú Quốc.
Pháo hoa chỉ là một ví dụ. Phú Quốc còn cần và có thể tạo những không gian văn hóa khác, nhưng phải làm bài bản, có hệ thống, có tổ chức và hướng tới sự khác biệt gắn với bản sắc.
Phú Quốc phải đặt mình vào vị thế đi sau, rút ra các bài học, đặc biệt là khi những tập đoàn đang giúp Phú Quốc định hình chân dung có sẵn nhiều bài học như vậy. Cách tốt nhất là Phú Quốc thảo luận với những tập đoàn này với tư cách là những đối tác, người đồng hành phát triển để xác lập cách quản trị, chiến lược phát triển Phú Quốc phù hợp. Điều đó sẽ giúp Phú Quốc có một chính quyền mẫu mực, làm hình mẫu cho cả các đô thị khác.
Tôi tin rằng, khi các doanh nghiệp trình độ cao, đẳng cấp cao cùng làm với Phú Quốc, được Trung ương ủng hộ thì không có lý do gì chính quyền Phú Quốc lại không trở thành một chính quyền như vậy. Mà có chính quyền như vậy thì không có lý do gì Phú Quốc không tiến lên, không mời được thế giới đến khám phá và tận hưởng vẻ đẹp của mình.
Thưa ông, nhìn ra thế giới, chúng ta thấy có những điểm đến rất sang trọng mà nhiều du khách, giới thượng lưu họ chỉ mong muốn được đến để tiêu tiền, trong khi Phú Quốc với rất nhiều tiềm năng nhưng nhiều năm qua vẫn còn khá “loay hoay”. Ông có thể chia sẻ ý kiến để Phú Quốc rút kinh nghiệm, học hỏi các bài học từ những câu chuyện quốc tế?
Tôi nghĩ các doanh nghiệp và chính quyền Phú Quốc cơ bản biết những bài học này. Chỉ có điều là có nhiều vấn đề chúng ta còn e ngại, băn khoăn, xử lý chúng theo lập trường cũ, cách tư duy cũ. E ngại cái mới nên dù “mở sớm”, chúng ta vẫn bị chậm, khó chớp thời cơ. Ví dụ như tổ chức sòng bạc chẳng hạn. Trước đây là “tuyệt đối không”. Đến bây giờ tiếp cận “mở”, từng bước mở ra, kiểm soát được, chưa thấy vấn đề gì. Chỉ có thời cơ bị mất thôi.
Đó là một dịch vụ giải trí, nhưng là dịch vụ “đặc thù”, “có điều kiện”, song đòi hỏi một cách nhìn thoáng và cởi mở. Khi tôi tiếp xúc với ông chủ sòng bạc ở Marina Bay Sands, ông ấy nói rằng các bạn Việt Nam hiểu nhầm về sòng bạc. Sòng bạc đòi hỏi công khai, minh bạch hơn bao giờ hết, cần đàng hoàng; không được phép để lừa bịp và dối trá thống trị ở đây. Toàn là người có tiền đến chơi. Họ đâu có dại khờ đâm đầu vào chỗ lừa bịp. Người giàu, giới thượng lưu thông minh sẵn sàng chi tiền và coi trọng sự công khai minh bạch. Phải bảo đảm điều đó cho họ. Đừng nghĩ sòng bạc là “xấu xa”, chỉ được mở ở nơi hoàn toàn tách biệt, không cho người dân đến – vậy là hiểu sai. Đối tượng bị cấm đến chơi bạc là quan chức, không phải dân.
Chúng ta phải tiếp cận đến các dịch vụ vui chơi giải trí trên quan điểm hội nhập quốc tế.
Các công trình du lịch văn hóa đặc sắc, khác thường, chúng ta càng phải có thái độ tiếp cận văn hóa – xem xét, đánh giá, ghi nhận và trân trọng. Đừng có kiểu chưa biết gì đã phỉ báng, coi thường. Chúng ta phải có những công trình văn hóa khác thường, phi thường, dù ở Phú Quốc hay bất kỳ điểm du lịch nào. Nhiều khi, chúng ta mới chỉ thấy khác, thấy lạ, không hợp “nhãn”, không quen, nhìn chúng bằng con mắt dung tục thô thiển, thì cuối cùng không ai được phép làm, không ai làm được gì mới mẻ, đáng kể. Vượt qua những cấm kị, những tư tưởng đóng đinh chúng ta lại, là thách thức không thể xem thường.
Phải có những công trình “vượt trước” thời đại, thế giới chưa có nhưng Phú Quốc có thì thế giới người ta mới đến. Muốn thế thì tư duy phải mới, phải khác thường, nhất là với những người làm cơ chế chính sách vốn hay e ngại, sợ dư luận xã hội. Dư luận vốn quen với những cái cũ, phải có cách tiếp cận thông minh, khôn ngoan, có bài bản để không xung đột với nó.
Ông có thể hiến kế, khuyến nghị thêm các giải pháp khác để biến Phú Quốc thành điểm đến sang trọng mới của thế giới trong thời gian tới.
Những điều nói ở trên chỉ là những gì thông thường cho một đô thị hiện đại. Phú Quốc cần xử lý chúng thật ổn trước tiên. Không thể đùa với vấn đề rác thải, nước bẩn, thiếu nước ngọt, túi rác nilon… Những vấn đề thông thường, bình thường như vậy Phú Quốc phải giải quyết đầu tiên. Càng mơ đến những cái cao xa thì những việc thông thường nhất càng phải giải quyết sớm đầu tiên. Những gì đang đặt ra để tháo gỡ, cấp bách như việc khách nội địa “quay lưng”, văn hóa chộp giật, kiếm chác, tất cả đều phải xử lý. Muốn cho thế giới đến thì trước tiên, Phú Quốc phải là một đô thị văn minh. Đó là nguyên tắc thông thường, tối thiểu và là “sống còn”.
Thứ hai, liên quan đến xây dựng “đẳng cấp”, cần có sự chung tay góp sức từ Trung ương, từ vùng, từ Kiên Giang và của cả nước. Đó phải là sự ủng hộ về tầm nhìn, từ ý tưởng; từ đó mới có sự ủng hộ cơ chế chính sách, mới hỗ trợ nguồn lực và tạo các điều kiện thực thi thuận lợi. Phải đồng thuận, giúp đỡ Phú Quốc; một mình Phú Quốc không thể làm được. Chúng ta còn vướng nhiều cái chung lắm. Phải xử lý những cái vướng chung đó thì Phú Quốc mới bứt phá được.
Thứ ba, Phú Quốc muốn vượt trội thì tự mình phải là thành phố văn minh và văn hóa. Nếu chỉ có những lâu đài, khách sạn đẹp thôi thì chưa đủ. Còn nét đẹp văn hóa nữa. Đảo này phải là một đảo có văn hóa, trong đó cần nhấn mạnh: văn hóa không chỉ là “cổ truyền”. Nó còn là cái đẹp của sự sáng tạo. Nếu Phú Quốc không sáng tạo, cứ đi theo cái cũ thì không được. Giữ truyền thống, bản sắc văn hóa của Phú Quốc nhưng thêm vào đó chất văn hóa sáng tạo, đi đầu, làm sao để Phú Quốc thành thành phố đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chứ không chỉ là thành phố nghỉ dưỡng, ăn chơi.
Để làm được như vậy, phải mở cơ hội, mở cơ chế cho Phú Quốc. Khi đó, người tài, người giỏi sẽ đến, doanh nghiệp sẽ phát huy được năng lực sáng tạo vô tận - như họ đã làm, giúp Phú Quốc xoay chuyển, phát triển vượt bậc trong 20 năm qua.
Xin cảm ơn ông!