Nội dung: Hồ Hạ   |   Ảnh: Minh Khánh   |   Thiết kế: Hồng Hạnh

 

Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022. Đây là thông tin người làm du lịch cả nước đã mong chờ từ rất lâu sau hơn 2 năm du lịch bị ngưng trệ bởi “cơn đại hồng thủy” Covid-19.

 

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành liên quan, đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam chính thức mở lại cả du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới.

 

Từ nay đến khi mở cửa lại du lịch thời gian còn rất ngắn nhưng có rất nhiều công việc cần phải triển khai. Trong đó, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt để thu hút du khách quốc tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến.

 

 

Thưa ông, đề xuất phương án mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/3 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những chính sách nào được cải thiện nhằm thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam?

 

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công văn, thông báo, chỉ thị, nghị quyết giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án và lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới đảm bảo an toàn, hiệu quả.

 

Chúng tôi cho rằng, để mở cửa lại an toàn, khoa học với lĩnh vực du lịch, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp.

 

 

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thí điểm đón du khách quốc tế cũng như chương trình phục hồi lại hoạt động du lịch nội địa, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm, phối hợp rất chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Căn cứ chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, các cơ quan đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động vợt qua khó khăn trước mắt, khôi phục lại hoạt động sản xuất, xây dựng sản phẩm mới, thu hút, đào tạo lại lao động.

 

Bên cạnh đó, về những cơ chế chính sách liên quan đến đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo y tế, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại nhận được sự quan tâm, hỗ trợ lớn của các bộ, ngành, địa phương.

 

Hơn thế, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi khi dỡ bỏ các quy định, điều kiện không thực sự cần thiết để tạo thuận lợi cho việc phục vụ và đón khách du lịch. Đồng thời, một số địa phương đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách như miễn, giảm giá vé tham quan, kích cầu hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch địa phương khôi phục. Từ đó thu hút du khách nội tỉnh, khách nội địa từ các địa phương khác và thí điểm đón khách quốc tế có hiệu quả.

 

Chúng tôi cho rằng, với những biện pháp và lộ trình đón khách mội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm, trải nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng cho du lịch Việt Nam trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới đạt hiệu quả đề ra. Đồng thời, đáp ứng định hướng, mong muốn của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 

Ngày 20/11/2021, Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới sau 19 tháng “đóng băng” do Covid-19.

 

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam- ngày 15/3. Chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn thiện những công việc như thế nào để ngay khi mở cửa là có khách trở lại, thưa ông?

 

Từ nay đến khi mở cửa lại du lịch thời gian còn rất ngắn nhưng có rất nhiều công việc cần phải triển khai. Tuy nhiên, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3.

 

Để làm tốt được việc này, cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.

 

Thứ nhất, mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành-bại của việc mở cửa.

 

Thứ hai, khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ.

 

Thứ ba, cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

 

Thứ tư, hiện Việt Nam đã công nhận “Hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc đưa khách đi du lịch nước ngoài, chỉ khi cân bằng được cung-cầu của khách Inbound và Outbound thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá tour của các công ty du lịch.

 

 

Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành.

 

Thứ sáu, chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Thứ bảy, tiếp tục quảng bá chiến dịch "Live Fully In Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, đồng thời tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu.

 

Đây là những nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành chuẩn bị rốt ráo để trước 15/3 chúng ta có được những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch kết nối lại các thị trường và khai thác được các nguồn khách quay trở lại Việt Nam.

 

 

Khôi phục chính sách visa như trước dịch giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Vậy chúng ta xác định những thị trường mục tiêu nào sẽ ưu tiên trước, thưa ông?

 

Chúng ta mở lại hoạt động du lịch quốc tế với phương châm đón du khách nước ngoài theo các điều kiện, phương án, lộ trịnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất. Tuy nhiên, trong đó chúng ta căn cứ điều kiện thực tế của các quốc gia, các thị trường để đề ra thị trường ưu tiên đầu tiên, ưu tiên trước mắt, ưu tiên trong ngắn hạn và có những thị trường ưu tiên trong dài hạn.

 

Trước mắt, chúng tôi cho rằng, du lịch Việt Nam sẽ hướng đến các thị trường không có các quy định quá khắt khe sau khi du khách đi du lịch Việt Nam trở về và các thị trường đã có động thái mở cửa trở lại thu hút khách quốc tế đến, tạo điều kiện cho người dân đi ra nước ngoài du lịch. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, cập nhật tình hình các nước liên tục để có chính sách, chiến lược cụ thể nhằm thu hút du khách từ những thị trường này.

 

Du khách quốc tế trải nghiệm tại Việt Nam.

 

Thưa ông, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ cho phép miễn thị thực như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Chính sách thị thực có vai trò quan trọng như thế nào trong việc thu hút du khách quốc tế trong bối cảnh mới?

 

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, một trong những động lực giúp Việt Nam thu hút 18 triệu lượt du khách quốc tế đến là nỗ lực xúc tiến, quảng bá, đồng thời có những chương trình, cơ chế, chính sách thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là chính sách thị thực.

 

Chúng tôi cho rằng, khi du lịch Việt Nam chính thức mở lại thị trường quốc tế và chúng ta cũng đã có những điều kiện về đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch bệnh thì để mở cửa lại theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là an toàn, khoa học và hiệu quả, một trong những vấn đề cốt lõi là cần khôi phục chính sách visa như trước dịch. Đây là điều kiện rất quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn, thu hút du khách trở lại Việt Nam.

 

So sánh với một số nước trong khu vực, họ cũng có kế hoạch, chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến du lịch. Với chủ trương khôi phục chính sách visa như trước dịch Covid-19 của Chính phủ trong việc áp dụng chính sách visa từ ngày 15/3, cũng sẽ là một trong những điều kiện tốt để nâng cao hiệu quả của công tác đón khách quốc tế đến Việt Nam.

 

 

Một số quốc gia hiện không yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch. Tuy nhiên, trong đề xuất phương án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD, xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?

 

Việc mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là an toàn, khoa học, hiệu quả. Trong đó, an toàn là yếu tố đầu tiên, vì vậy rất nhiều quốc gia trên thế giới đều yêu cầu du khách tiêm chủng, test Covid-19, thậm chí có những biện pháp cực đoan hơn.

 

Tại Việt Nam, việc người dân đã có độ phủ vaccine rất cao, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong 2 năm qua về xử lý dịch bệnh, nên việc yêu cầu du khách test trước, test sau, và tham gia bảo hiểm điều trị Covid-19 là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo an toàn trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch.

 

Với việc khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam phải tham gia bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có điều kiện chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu là 10.000 USD không có nghĩa là du khách phải bỏ 10.000 USD để mua bảo hiểm. Theo tính toán của chúng tôi, thông thường, để có mức chi trả tối thiểu 10.000 USD, trung bình 1 ngày, khách du lịch chỉ phải bỏ ra 1,5 – 2 USD. Như vậy, nếu du khách đến Việt Nam du lịch 10 ngày thì phí bảo hiểm của họ chỉ từ 15-20 USD. Đây là khoản chi phí nhỏ cho chuyến đi, nhưng đảm bảo, nếu chẳng may du khách nhiễm Covid-19, bảo hiểm sẽ chi trả số tiền đủ để chữa khỏi bệnh cho họ.

 

 

Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm là trong trường hợp khách du lịch quốc tế vào Việt Nam bị dương tính với Covid-19 và xuất hiện chủng mới thì phương án đảm bảo an toàn cho người dân và du khách như thế nào, thưa ông?

 

Đây là vấn đề không thuộc chuyên môn của chúng tôi. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch đề xuất, trong trường hợp đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để ban hành quy định liên quan vấn đề này.

 

Còn trong quy định về y tế hiện nay, chỉ yêu cầu du khách nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì phải có khu vực cách ly trong cơ sở lưu trú sau đó thực hiện test, nếu dương tính sẽ đều trị theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế như đưa vào các khu điều trị y tế, cách ly tập trung để điều trị.

 

 

Thưa ông, sau hai năm “cơn đại hồng thủy” Covid-19 khiến ngành kinh tế xanh thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng rơi vào khủng hoảng chưa từng có, hiện ngành du lịch đã chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch để sẵn sàng đón khách quốc tế từ 15/3?

 

Hiện nay, chúng tôi thường xuyên kết nối với các địa phương, tập đoàn kinh tế lớn và các doanh nghiệp để nắm bắt thực trạng.

 

Vừa qua, với những tín hiệu tốt từ các cơ quan quản lý Nhà nước về chủ trương mở cửa lại du lịch, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã chủ động, có kế hoạch hoàn thiện cơ sở vật chất, duy tu, bảo dưỡng, phục hồi lại cơ sở vật chất để đón du khách.

 

Hiện, Việt Nam có trên 38.000 cơ sở lưu trú, với trên 700.000 phòng. Khối lượng khách sạn 4, 5 sao trở lên có tỷ trọng cao tại những trung tâm du lịch lớn. Với số lượng cơ sở lưu trú như vậy có thể đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế với mục tiêu ngành du lịch đề ra.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những loại hình cơ sở lưu trú khác cũng rất tốt, đảm bảo điều kiện đón khách. Vấn đề quan trọng là khi du lịch mở cửa lại thì doanh nghiệp chủ động duy tu, bảo dưỡng và Tổng cục Du lịch sẽ tham gia tổ chức các đoàn kiểm tra, phối hợp với các địa phương để đảm bảo cơ sở vật chất tốt.

 

 

Hiện nay, khoảng 30-50% nhân lực lao động trong ngành du lịch đã mất việc hoặc chuyển sang các ngành khác. Vậy theo ông, khi du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, lượng khách ngày càng đông, làm thế nào để thu hút người lao động quay trở lại với ngành?

 

Đứng trước yêu cầu mở lại hoạt động du lịch cả thị trường quốc tế và nội địa, một trong những vấn đề chúng tôi rất quan tâm là làm sao thu hút lại lực lượng lao động trong ngành đã phân tán, đã chuyển nghề quay lại ngành.

 

Để làm được việc đó, trước hết cần có những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuật lợi cho các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn trước mắt nhằm khôi phục hoạt động trở lại và có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động nói chung, người lao động ngành du lịch nói riêng để họ yên tâm trở lại làm việc, cống hiến trong ngành.

 

Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất duy trì các gói cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động đến hết năm 2023 vì dự báo hết 2023, kinh tế của các quốc gia trên thế giới mới phục hồi.

 

 

Bên cạnh đó, chúng tôi đang đề nghị các địa phương, mỗi địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn của họ.

 

Bên cạnh đó, cần có những chính sách để tạo ra những chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu về chất lượng nhân sự phục vụ cho du khách trong nước và quốc tế.

 

Trong nền kinh tế thị trường, có những “bàn tay vô hình” có thể điều tiết lực lượng lao động trong ngành. Nếu hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, tạo việc làm có thu nhập cao so với những lĩnh vực khác thì tự động sẽ là đòn bẩy thu hút lao động trước đây đã phân tán hoặc chuyển sang lĩnh vực khác quay trở lại ngành kinh tế xanh. Qua những đợt khủng hoảng trước đây, chúng tôi cho rằng chỉ khôi phục hoạt động du lịch, các doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển mới thu hút được nguồn nhân lực trở lại.

 

 

Thưa ông, vai trò của các địa phương cũng rất quan trọng trong mở giai đoạn mở cửa lại hoạt động du lịch, nhất là từ ngày 15/3 tới đây?

 

Chúng tôi cho rằng, vai trò của các địa phương cực kỳ quan trọng vì địa phương là những người gắn bó mật thiết nhất với các cơ sở kinh doanh du lịch. Việc các địa phương quan tâm, xây dựng các kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động cũng như chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với doanh nghiệp, người lao động trong ngành là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách và mở lại hoạt động của ngành “công nghiệp không khói”.

 

Bên cạnh đó, những chính sách kích cầu, miễn, giảm phí, lệ phí đến các điểm tham quan cũng sẽ là điều kiện tiên quyết tạo sức hấp dẫn của điểm đến, thu hút khách đến địa phương của mình.

 

 

Nhiều người cho rằng, chúng ta nên đề ra những kế hoạch, chương trình khuyến mại cho những du khách đến Việt Nam trong năm 2022 và chiến dịch quảng bá rộng rãi đến các thị trường quốc tế, ông nghĩ sao về điều này?

 

Cần có những chương trình truyền thông, xúc tiến quảng bá rộng rãi để du khách biết đến chính sách mở cửa đối với du khách quốc tế của Việt Nam. Còn về vấn đề giá, đây không phải yếu tố quan trọng. Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm và những tiện ích du khách sẽ được hưởng trong quá trình đi du lịch Việt Nam.

 

Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mới là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến chứ không phải cạnh tranh về giá.

 

 

Thưa ông, với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm nhanh chóng khôi phục lại toàn bộ hoạt động du lịch, ngành kinh tế xanh Việt Nam đề ra mục tiêu như thế nào trong năm 2022?

 

Năm 2022, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cố gắng phấn đấu cùng các bộ, ngành, địa phương phục vụ khoảng 65 triệu lượt du khách, trong đó có 60 triệu lượt du khách nội địa, 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 400.000 tỷ đồng.

 

Đây là những con số đầy tham vọng mà ngành kinh tế xanh đặt ra để lấy lại đà tăng trưởng, phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

 

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 23/02/2022 08:38