Cuộc đua thực lực
Những nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam thời gian qua chắc chắn không thể nào quên được dấu mốc 31/10/2021 - ngày cuối cùng để các dự án điện gió được hưởng giá mua điện ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Nói là ám ảnh cũng không quá, bởi ai đã trải qua đều thấu đây đích thực là một cuộc đua khốc liệt, không chỉ đong bằng mồ hôi và nước mắt mà còn cả sức mạnh về kinh nghiệm lẫn tài chính.
“Các dự án điện gió được thi công cao điểm đúng mùa dịch covid ngặt nghèo, không ai có thể đoán trước được bất cứ điều gì đang và sẽ xảy ra. Bùng phát vào tháng 6 đến tháng 10/2021, dịch Covid-19 đã đặt các địa phương vào tình trạng cách ly dài ngày; các trạm kiểm dịch mọc lên khắp nơi trên quốc lộ, TP.HCM liên tiếp, các cảng biển thì nội bất xuất - ngoại bất nhập, hàng không ngừng bay! Các nhà cung cấp thì kích hoạt điều kiện bất khả kháng giao hàng chậm trễ, chuyên gia hạn chế vào Việt Nam.
Huy động nhân lực khó khăn do bi cách ly hạn chế di chuyển, các thiết bị siêu trường siêu trọng trong nước thì thiếu , không thể thuê ở nước ngoài. Dự án vừa xây dựng để đảm bảo về đích đúng hẹn mới mong có được giá tốt, vừa phải đảm bảo phòng chống dịch tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) nhớ lại.
Nhưng tất cả những khó khăn ấy đã không thể ngăn cả những kỹ sư, công nhân và người lao động của Trungnam Group tiến về phía trước để kịp đưa 3 dự án điện gió của mình về đích trước hẹn.
Nhắc đến quá trình này, ông Nguyễn Tâm Tiến – TGĐ của Trungnam Group cho biết sự đồng hành của các đơn vị hỗ trợ tài chính là vô cùng quan trọng. Chính sự đồng lòng của các đơn vị đã giúp cho chúng tôi vững vàng, quyết tâm thực hiện cho bằng được tiến độ đã cam kết. Bởi ai cũng hiểu rằng, từ nhà đầu tư tới nhà cung cấp thiết bị hay nhà thầu trong lĩnh vực điện gió hiểu rằng đây là cuộc chạy đua về tốc độ, về sự sẵn sàng tài chính. Nếu không, hàng dù đang trên đường về vẫn có thể được bẻ lái, chuyển hướng, sang tay ngay chủ đầu tư khác.
Trong số 3 dự án điện gió này của Trungnam Group có 2 dự án được xem là lớn nhất Việt Nam tính tới bây giờ. Đó là Nhà máy điện gió Đắk Lăk – Eanam tại huyện H’leo (Đắk Lăk) với 84 trụ gió, có tổng công suất lên tới 400 MW và Nhà máy điện gió Đông Hải 1 với 25 trụ gió, có tổng công suất 100 MW ở ven biển tỉnh Trà Vinh.
Ông Tiến cho hay, dự án điện gió Đông Hải 1 Trà Vinh là dự án đầu tiên mà Trungnam Group xây dựng trên biển. “Ra quân từ đầu năm 2021 nhưng chúng tôi phải đợi tới đầu tháng 4/2021 là thời điểm hết mùa gió chướng mới ở vùng biển phía Tây của Tổ quốc mới có thể triển khai được. Nhờ những nỗ lực và sự dốc sức của người lao động cùng kinh nghiệm mà Trungnam Group đã tích luỹ được thời gian qua từ việc triển khai các dự án hạ tầng và năng lượng tái tạo khác nên đến ngày 15/10/2021, Trungnam Group đã hoàn thành xây dựng 25 trụ gió với công suất 100 MW, xây dựng hệ thống đường dây 220 kv cùng trạm 220 kv Đông Hải cũng như các công trình dịch vụ phụ trợ của dự án”, ông nói.
Khác với những thách thức của việc lần đầu tiên thi công trên biển tại Dự án điện gió Đông Hải 1 Trà Vinh, tại Dự án điện gió Eanam, việc thi công ở địa hình đồi núi lại có những nỗi niềm riêng.
Với đặc thù của dự án trọng điểm, trải rộng trên 6.000 ha, địa hình đồi núi, chủ đầu tư phải nỗ lực giải quyết những thách thức về vận chuyển các thiết bị, thi công đường nội bộ phục vụ cơ giới siêu trường và thi công bệ móng trụ gió tại các khu vực; việc vận chuyển có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt nhân dân và môi trường sinh sống khu vực…
Gần 4.000 nhân công đã làm việc liên tục trong 240 ngày đêm tương đương hơn 6,5 triệu giờ làm việc để kịp thời đưa dự án vào hoạt động. Toàn bộ thời gian thi công dự án nằm trong thời điểm dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới, làm đứng im các hoạt động kinh tế xã hội. Nhưng với kinh nghiệm và bản lĩnh của một Nhà đầu tư năng lượng tái tạo hàng đầu, Trungnam Group đã huy động các nguồn lực và hơn hết đó chính là tinh thần quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt để đưa dự án về đích thành công.
Sau gần 10 tháng thi công, dự án điện gió Ea Nam đã về đích như mong muốn và giành phần thưởng xứng đáng của người đi nhanh, đến sớm.
Cùng với Dự án điện gió Phước Hữu Ninh Thuận 46,2MW, cả 3 dự án điện gió của Trungnam Group đã về đích trước mốc ngày 31/10/2021 một cách ngoạn mục.
Không chỉ bổ sung thêm 546,2 MW công suất năng lượng tái tạo vào danh mục xanh mình đang sở hữu, việc 3 dự án này về đích thành công còn minh chứng cho lời cam kết với chính quyền địa phương và ngân hàng rằng, Trungnam Group nói được và làm được.
Khát vọng, bản lĩnh Việt
Không phải tới công trình điện gió Đông Hải tại ven biển Trà Vinh Trungnam Group mới chứng minh được khả năng của mình. Trước đó, tại công trình điện mặt trời 450 MW cùng đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân và trạm biến áp 500 kV Thuận Nam, Trungnam Group cũng đã lập được kỳ tích đầy ấn tượng với việc triển khai nhanh thần tốc.
Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW có mục tiêu thực hiện trong 102 ngày và Trungnam Group đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong 45 ngày đầu tiên. Cùng với hơn 8.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, việc thi công được triển khai xuyên suốt ngày đêm trên diện tích 557,09 ha để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ông Tiến khi được hỏi “Trungnam Group có “chạy đua tiến độ” để đạt danh hiệu hay không” đã thẳng thắn trả lời, “có một danh hiệu thì không khó, những giữ được danh hiệu đó luôn ở đỉnh cao thì rất khó”.
“Sở dĩ Trungnam Group thực hiện được kỳ tích nêu trên cũng do chúng tôi đã có kinh nghiệm và tìm đúng người tư vấn. Khi làm dự án điện gió lớn, lên tới 45 trụ gió trên độ cao 120 m, nâng những cấu kiện hàng trăm tấn mà không xảy ra tai nạn gì, đúng là may mắn và là kỳ tích. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, của các bộ ngành và chính quyền địa phương, nhờ có sự quyết tâm rất cao và trách nhiệm của lực lượng cán bộ, công nhân. Và điều không thể thiếu là Trung Nam có được các chuyên gia nước ngoài rất giỏi, không an toàn họ lắc đầu ngay. Họ chẳng có thắp hương hay cúng heo quay gì đâu (cười), chỉ là họ rất chuyên nghiệp và kỹ thôi”, ông Tiến kể.
“Thời điểm cách đây 5 năm, du lịch tại Ninh Thuận còn rất hạn chế, người dân chỉ làm nông nghiệp. Nhưng là một nhà đầu tư, khi nhìn vào vùng đất này, chúng tôi nhìn vào tiềm năng, chứ nếu chỉ nhìn vào hạn chế thì đầu tư sao được”, ông Tiến tâm sự.
Nhờ bản lĩnh Việt, khát vọng Việt, Ninh Thuận - vùng đất chỉ có nắng và gió, đất đai khô cằn xen với đồi núi, mùa nắng hanh khô, đất như nứt vỡ ra từng cục…. đã được đánh thức với sự hiện diện của những nhà đầu tư tinh tường như Trungnam Group.
Còn tại Trà Vinh, công trình trên biển cũng đầy thách thức , khác xa với xây dựng các công trình trên bờ , vì chịu tác động của triều cường – sóng - gió, chưa kể chi phí thi công trên biển thường gấp 3 lần trên bờ. Nhưng ngoài thiết bị mua của nước ngoài, còn lại tất cả xây dựng hình thành lên nó từ thiết kế đến thi công là 100% khối óc và bàn tay của con người Việt Nam đầy tự hào.
Vững niềm tin xanh
Nhờ sự bổ sung công suất của 3 dự án điện gió, tới hết năm 2021, Trungnam Group đã sở hữu tổng công suất phát của nguồn điện sạch lên lưới quốc gia là 1,63 GW với 10 nhà máy điện, bao gồm từ thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió.
“Chúng tôi sẽ quyết tâm theo đuổi xây dựng phát triển tại khu vực miền tây Nam bộ là Trà Vinh, Đăk Lăk cùng với Ninh Thuận là 3 trung tâm năng lượng tái tạo và sản xuất hydrogen để đáp ứng mục tiêu của Hội nghị COP 26 và phát triển kinh tế quốc gia cũng như địa phương”, vị CEO của Trungnam Group nói.
Ông Tiến cho biết, trong 5 lĩnh vực ngành nghề chiến lược của Trungnam Group thì năng lượng tái tạo là mảng chính và đang được đầu tư phát triển nhất hiện nay. Điều này càng trở nên có ý nghĩa khi Chính phủ Việt Nam đang có những hành động quyết liệt để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh hay đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cam kết trung hoà carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 tại Glassgow (Anh) mới đây. Trungnam Group là một trong những nhà đầu tư sẽ định hướng và theo đuổi mục tiêu này cùng với sự phát triển đất nước. Theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ nâng mức công suất sở hữu lên 3,8GW NLTT và 1,5GW điện khí LNG, duy trì tăng trưởng 20% mỗi năm.
Để thực hiện mục tiêu này và đi được xa hơn, Trungnam Group đã quyết định chọn thêm người đồng hành là các đối tác có tiềm lực. Đó có thể là các doanh nghiệp nội địa có thể liên kết lâu dài, hoặc bán cổ phần cho những đối tác có nền tảng thật sự tốt từ Nhật Bản như Hitachi, châu Âu và Mỹ.
“Chúng tôi muốn đi xa với lĩnh vực năng lượng xanh còn rất nhiều tiềm năng này”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRUNG NAM (TRUNGNAM GROUP) hiện là nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; tiên phong trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo tích hợp hệ thống truyền tải điện tầm cỡ. Với các dự án năng lượng tái tạo đã thực hiện tại Ninh Thuận, Trà Vinh, Đắk Lắk, Trungnam Group đóng góp gần 1,63GW vào công suất nguồn điện cả nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong hơn 17 năm phát triển, Trungnam Group luôn kiên định với mục tiêu trở thành một Tập đoàn phát triển bền vững tiêu biểu của Việt Nam. Mục tiêu này được Trungnam Group hiện thực hóa thông qua việc thiết lập định hướng “Phát triển Bền vững” trong giai đoạn 05 năm tiếp theo, lấy nền tảng 3P: Con người – Hành tinh – Lợi nhuận làm kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động, mở ra một chương quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của Tập đoàn. |
Tác giả: T.H | Thiết kế: Chí Cường | Bản quyền thuộc Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn