Thưa ông, trước thềm Đổi mới, thực trạng của ngành bưu điện như thế nào?
Trước Đại hội VI, đất nước chúng ta có nhiều năm khủng hoảng trầm trọng, toàn diện, gay gắt, vô cùng khó khăn. Ngành bưu điện bước ra khỏi cuộc chiến tranh với thương tích đầy mình, mạng lưới rất nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, dịch vụ nghèo nàn, đời sống cán bộ, nhân viên khó khăn vô cùng. Nhưng toàn ngành bế tắc, không biết cách gì để vươn lên, vì giai đoạn đó, cả đất nước còn nghèo, người dân thiếu thốn, thì Nhà nước lấy tiền đâu để đầu tư.
Tôi tốt nghiệp đại học ở Đức về, là kỹ sư thông tin thời chiến, đi khắp miền Bắc để xây dựng, vận hành các tuyến thông tin viba, vào tận vùng giải phóng Quảng Trị. Sau chiến tranh, tôi được trở lại Đức làm nghiên cứu sinh và về nước làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Bưu điện). Rồi tôi được cử sang Campuchia 3 năm làm Trưởng đoàn chuyên gia Bưu điện, giúp bạn khôi phục lại mạng lưới bưu điện bị dỡ bỏ hoàn toàn trong thời kỳ Polpot cầm quyền. Ban ngày lăn ra giúp bạn, nhưng tối về trăn trở, nghĩ về đất nước mình đang vô cùng khó khăn. Nước bạn rất quý trọng sự giúp đỡ của quân tình nguyện và chuyên gia, nhưng nhiều người chưa thực sự tin tưởng khi các chuyên gia tư vấn về phát triển kinh tế.
Khoảng 3 tháng trước Đại hội Đảng VI, Tổng Bí thư Trường Chinh sang thăm Campuchia, có nói chuyện ở Bộ Tư lệnh tiền phương và Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cụ Trường Chinh: “Đất nước chúng ta đang khủng hoảng, cả nước mịt mù trong cơ chế quan liêu, bao cấp, bảo thủ, trì trệ”. Anh em chúng tôi rất xúc động. Phải chăng người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nhận ra nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng, trì trệ trong phát triển đất nước?
Vừa mừng, cũng có phần ngỡ ngàng vì người lãnh đạo cao nhất đã thừa nhận sai lầm của Đảng. Tối đó, anh em chủ chốt đoàn chuyên gia ngồi lại nói với nhau: “Phải chăng đây là tín hiệu có thể giải cứu được đất nước?”. Có người rơi nước mắt. Chúng tôi tin rằng, Đại hội Đảng VI sẽ là một bước ngoặt lớn, thay đổi tình hình đất nước.
Sau Đại hội Đảng VI, tôi về nước nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Viễn thông, lo vận hành mạng viễn thông Việt Nam. Thế hệ chúng tôi - những người ở xa về cũng như người ở trong nước đang có sự trông ngóng, chờ đợi vào một sự thay đổi lớn của đất nước và Đại hội VI đã làm được điều đó. Phải chăng đây là một thời cơ lớn. Lúc đó, chúng tôi chỉ hiểu “đổi mới” là “mở cửa”, làm ăn với cả thế giới chứ không riêng gì với các nước XHCN trước đây, mà nguồn lực và viện trợ đã giảm rất nhiều.
May mắn là thời kỳ đó, ngành chúng tôi có một vị lãnh đạo là anh Đặng Văn Thân, nguyên là điện báo viên thời chống Pháp, quê Bến Tre tập kết ra Bắc, trải qua nhiều thử thách, vị trí công tác, một con người đam mê cái mới, dám dấn thân. Vì vậy, chúng tôi đồng nhất ý chí mạnh mẽ là làm sao, cách gì để phát triển ngành bưu chính - viễn thông, đáp ứng nhu cầu đổi mới trong thời kỳ mở cửa của đất nước.
Vậy, ông và các đồng chí của mình đã bắt tay thực hiện đổi mới ngành bưu điện như thế nào trong khi trong tay là con số không, chỉ có niềm tin làm vốn?
Câu hỏi lớn đặt ra cho chúng tôi lúc đó là “làm sao phát triển ngành trong điều kiện bị bao vây, cấm vận, Nhà nước lại không có nguồn lực đầu tư?”. Lúc đó, chúng ta đang bị cấm vận kinh tế, cấm vận công nghệ và cấm vận viễn thông. Tuy nhiên, ngành viễn thông có sự liên kết khá chặt chẽ về công nghệ, kỹ thuật, nên Việt Nam vẫn là thành viên các tổ chức quốc tế như ITU, UPU, APT. Đi dự hội nghị, triển lãm, mới thấy chúng ta thua họ quá xa, quá lạc hậu. Rất sốt ruột...
Những năm đó, thế giới bắt đầu chuyển giao từ công nghệ analog sang số hóa. Chúng tôi bàn với nhau là phải đi thẳng vào công nghệ hiện đại nhất. Đó là suy nghĩ táo bạo.
Tôi nhớ, khi Bộ trưởng Cuba sang thăm Việt Nam đã nói: “Các đồng chí duy ý chí, tiền đâu mà đầu tư vào công nghệ mới? Các đồng chí bị cấm vận thì làm sao có công nghệ mới. Để xem các đồng chí có làm nổi không!”.
Khi đó, Việt Nam đã ký với các nước trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước XHCN (SEV) thiết bị trạm Viba Bắc Nam công nghệ analog, chỉ mua máy nổ và ăng-ten, thì chúng tôi xin Chính phủ dừng hợp đồng để mua thiết bị digital của “tư bản” là Siemen (Đức), Acatel (Pháp), LG (Hàn Quốc)... Cũng đã có lời trách móc: “Mấy ông bưu điện chỉ thích làm ăn với tư bản thôi, bỏ rơi anh em XHCN!”. Rất may là chủ trương đó được anh Đậu Ngọc Xuân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ủng hộ.
Trở lại với vấn đề tiền đâu để mua thiết bị, đây là bài toán lớn nhất sau khi “chốt” chiến lược số hóa vào năm 1987. Khi ấy, toàn bộ ngoại tệ mà toàn ngành bưu điện thu được năm 1989 là 1,7 triệu USD, chỉ đủ mua 2 tổng đài điện báo Telex cho Hà Nội và TP.HCM, thì lấy tiền đâu ra mua thiết bị hàng chục triệu USD?
Ngoài ra, công nghệ bị cấm vận thì đối tác nào có thể cung cấp thiết bị? Đội ngũ cán bộ, nhân viên phần lớn từ chiến trường trở về được hơn chục năm. Vậy làm sao có thể vận hành, quản lý được?
Vốn đầu tư, công nghệ, con người là 3 trở ngại rất lớn phải vượt qua. Nhưng khát vọng muốn thay đổi đột phá, muốn hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng đã thúc giục chúng tôi phải làm bằng được.
Vậy giải pháp đột phá, mới mẻ nào đã được thực hiện, thưa ông?
Chúng tôi xác định, không thể trông chờ vào Nhà nước, vào các nước XHCN, vì bạn cũng đang rất khó khăn; phải tìm cách làm mới, sáng tạo, đột phá.
Giải pháp đầu tiên chúng tôi xác định là phải mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài. Thăm dò nhiều đối tác thì họ lo ngại việc Việt Nam bị cấm vận. Chỉ có Chính phủ Australia nhìn nhận thực tế hơn về việc Việt Nam vào Campuchia, nên họ ủng hộ Công ty OTC làm ăn với Việt Nam. OTC sang đặt vấn đề hợp tác, với thỏa thuận mang một trạm vệ tinh (VISTA) 30 kênh, sử dụng công nghệ digital vào TP.HCM từ tháng 7/1987. Qua dự án này, chúng tôi muốn thử nghiệm 3 vấn đề là thị trường, công nghệ và khả năng quản lý. Chỉ 3 - 4 tháng sau thấy hiệu quả tức thì. Chúng tôi đề nghị nâng cấp trạm F2 60 kênh.
Đầu năm 1987, Viện Kinh tế đối ngoại được giao nhiệm vụ xây dựng, trình Quốc hội Luật Đầu tư nước ngoài. Nắm được chủ trương đó, tháng 10/1987, tôi dẫn các bạn Telstra sang chỗ ông Lưu Văn Đạt, Viện trưởng Viện Kinh tế đối ngoại thảo luận về Dự thảo Luật Đầu tư nước ngoài đang trình Quốc hội, để họ tin là luật sẽ được thông qua, thì họ mới dám ký. Bản ghi nhớ hợp tác được ký trước lúc Luật Đầu tư ngoài được Quốc hội thông qua vào ngày 28/12/1987. Cũng khá táo bạo, Luật đang trình, chưa thông qua, mà đã dám ký biên bản ghi nhớ.
Tháng 10/1988, chúng tôi chính thức ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Telstra trị giá 15 triệu USD xây dựng hai trạm thu phát vệ tinh, đó có lẽ cũng là hợp đồng đầu tư nước ngoài lớn nhất của năm 1988. Chỉ sau 1 năm, khi thấy triển vọng thị trường rất tốt, hợp đồng chuyển sang 10 năm với giá trị gần 120 triệu USD, Việt Nam được 68%, phía Australia được 32% lợi nhuận.
Sau hợp đồng đó, Việt Nam không những mở liên lạc được với Australia, mà còn qua Australia liên lạc được với phần lớn các nước trên thế giới, trừ Mỹ. Trong vài năm, lưu lượng quốc tế tăng rất nhanh, tiền đổ về rất nhiều để tái đầu tư, mua thiết bị của Siemen (Đức), Acatel (Pháp)… Chúng ta cũng lấy được công nghệ nhờ sự tin tưởng đối tác. Chỉ vài năm sau ký hợp đồng, đội ngũ cán bộ của chúng ta đã học được cách lắp đặt, vận hành, sử dụng thiết bị công nghệ.
Khi nắm được công nghệ, chúng ta xây dựng cổng vệ tinh kết nối với Pháp, Hongkong, Nhật Bản, Singapore không qua Australia với Telstra, không mất “phí quá giang”. Để tạo điều kiện cho người Việt Nam gọi đi nước ngoài mà không tốn tiền, chúng tôi đàm phán được với các đối tác để người nghe nước ngoài trả tiền - Collect Call. Đó là cách làm sáng tạo để tăng lưu lượng, mang lại doanh thu lớn.
Từ thành công hợp tác với Telstra, năm 1993-1994, trong nhiều tập đoàn vào đề nghị hợp tác, chúng tôi chọn Thụy Điển vì có sự tin tưởng, ủng hộ, viện trợ của họ từ năm tháng chiến tranh. Comvik được lựa chọn và đã có nhiều cuộc đàm phán gay go. Năm 1995, hợp đồng BCC với MobiFone được ký kết với cam kết đầu tư 130 triệu USD. Năm 2005 hết hạn hợp đồng, ngoài việc thu được 550 triệu USD trong 10 năm hợp tác, Việt Nam còn có được tổng tài sản khoảng 200 triệu USD.
Ngoài vốn đầu tư, công nghệ và đào tạo nhân lực, chúng ta đã thu được gì từ những hợp đồng BCC, thưa ông?
Một giá trị vô hình rất lớn từ các hợp đồng BCC mà chúng ta sau này ít nhắc đến là uy tín của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài tăng lên rất cao. Hợp đồng đó thành công đã làm thay đổi cách nhìn của phương Tây với Việt Nam. Cao hơn nữa là tạo được niềm tin để các nhà đầu tư khác vào Việt Nam làm ăn, thậm chí họ sợ chậm chân, mất cơ hội.
Một ý nghĩa quan trọng nữa là mở cửa, mời gọi đầu tư, giao lưu thương mại, thì phải thông suốt thông tin liên lạc, nhà đầu tư quốc tế mới vào Việt Nam. Vì vậy, viễn thông không chỉ phải lãnh nhiệm vụ phát triển ngành, mà còn phải “đi trước một bước”, nói như bây giờ là chuẩn bị hạ tầng mềm để thu hút đầu tư. Cho nên, không phát triển được hạ tầng viễn thông là sẽ cản trở công cuộc đổi mới.
Hợp đồng với Telstra, Comvik đã mang về hàng trăm triệu USD cho đất nước, giúp chúng ta mua được thiết bị hiện đại của nước ngoài, hình thành một hạ tầng viễn thông hiện đại rộng khắp, sánh vai với các nước mạnh trong khu vực.
Tôi có nghe kể lại, các cuộc đàm phán BCC hay mua thiết bị cho ngành thời kỳ đó là những cuộc đấu trí căng thẳng. Ông có thể kể lại một vài kỷ niệm về các cuộc đàm phán này…
Tháng 12/1988, Đoàn công tác của Tổng cục Bưu điện sang dự Hội nghị ITU quốc tế tại Melbourne (Australia). Cuối tuần, chúng tôi về Sidney đàm phán ký hợp đồng mua thiết bị viba của Tập đoàn AWA. Bạn thông báo đã đặt khách sạn Hilton, nhưng anh Thân bảo: “Thôi, em bảo họ thuê khách sạn bé thôi, tiết kiệm tiền, với lại mình ăn mỳ tôm ở khách sạn 5 sao ngại lắm”. Hồi đó, đi công tác tiêu chuẩn mỗi người được 4 USD/ngày, phải mang mỳ tôm đi ăn. Sau hết mỳ tôm thì mua bánh mỳ ăn với gà rán giá 1 USD/con.
Khi đàm phán, chúng tôi đề nghị giảm 10% giá chào hàng, đàm phán mãi, họ chỉ đồng ý giảm 5%. Ông Jeft Wake, Chủ tịch AWA nói: “Chúng tôi còn bao nhiêu chi phí sang Việt Nam lắp đặt”. Tôi nói luôn: “Ông thấy không, các ông mời chúng tôi ở khách sạn 5 sao, nhưng tiết kiệm cho các ông, chúng tôi ở khách sạn nhỏ. Khi các ông sang Việt Nam, tôi đảm bảo sẽ làm mọi cách giảm chi phí cho AWA”. Bạn chần chừ một lúc rồi đồng ý giảm giá 7,5%.
Tối hôm đấy, cậu phiên dịch Nguyễn Ngọc Vỹ vui quá bảo anh Thân: “Chú Ba ơi chú Ba, chiêu đãi bát phở đi, giảm được 2,5% của 15 triệu USD, lời được tới 350.000 USD đó”. Thế là cả đoàn đi tìm tiệm phở, gặp mấy người Việt Nam hỏi đường, hỏi giá thì mới biết giá 4 USD/bát, anh Thân ngần ngừ bảo: “Mình chỉ được tiêu chuẩn 4 USD/ngày, thôi em đi mua bánh mỳ về 4 anh em ăn”. Cậu Vỹ lại chạy đi mua bánh mì về trải báo ra ăn với nhau, nhưng vẫn rất vui.
Một thành công lớn khác của ngành viễn thông trong thời kỳ đổi mới chưa từng công bố là vận động được Mỹ bỏ cấm vận viễn thông, tạo tiền đề bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ?
Bên cạnh ý nghĩa chiến lược về ngoại giao, Mỹ là thị trường rất lớn, lại đang cấm vận Việt Nam về viễn thông, khóa mã 84, trong khi người Việt ở Mỹ rất đông. Chúng tôi đã làm một cuộc vận động bỏ cấm vận viễn thông trong khi chưa bỏ cấm vận kinh tế, cấm vận công nghệ. Các công ty lớn của Mỹ như AT&T cũng rất muốn điều đó.
Tháng 3/1988, AT&T đến Việt Nam, dẫn đoàn là ông Jim Hansen, Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để thăm dò về khả năng mở liên lạc và bán thiết bị cho ta. Thiết bị của họ lúc đó rẻ hơn so với các nước khác, nhưng do cấm vận nên ta không mua được.
Đêm trước ngày đón đoàn Mỹ, tôi tiếp một chuyên gia ITU có quốc tịch Mỹ. Thấy mặt ông ta buồn thiu, tôi hỏi lý do thì ông ta cho biết: “Mẹ tôi ốm nặng ở Mỹ, tôi muốn gọi điện thoại về nhưng không được”.
Hôm sau hội đàm với đoàn Mỹ, tôi bảo ngay: “Các ông phải bỏ cấm vận. Các ông cứ nói nhân quyền, nhân đạo, nhưng đây, công dân các ông đang ở Hà Nội, mẹ ốm nặng mà không gọi được về vì các ông khóa mã 84. Thế thì nhân đạo, nhân quyền ở đâu?”.
Ông Jim Hansen nói luôn: “Ông nói đúng rồi! Tôi ủng hộ các ông. Tôi cũng không đồng ý với chính sách này của Chính phủ Mỹ. Tôi muốn được làm ăn với Việt Nam. Chúng tôi phản đối Chính phủ Mỹ! Gặp đại diện Chính phủ Mỹ, các ông cứ nói mạnh vào”.
Tôi ớ người ra, vì lúc đó mình nghĩ họ là người Mỹ, phải bảo vệ chủ trương của Mỹ, chứ không phân biệt được họ là công ty tư nhân hay công ty nhà nước. Mình cứ tưởng họ cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Buổi họp đó đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Tôi bảo: “Vậy các ông cũng phải vận động Chính phủ Mỹ đi”. Thời gian đó, tình hình khá căng thẳng, đi hội nghị quốc tế, Mỹ mở tiệc chiêu đãi hàng ngàn người, nhưng không mời phái đoàn Việt Nam.
Sau đó, có nhiều công ty Mỹ sang Việt Nam khảo sát, thăm dò thị trường như MCI, Motorola, VS Sprint. Chúng tôi tiếp xúc, tìm hiểu và vận động để họ vận động Chính phủ Mỹ bỏ cấm vận viễn thông với Việt Nam.
Sang năm 1991, tôi sang Mỹ dự Hội nghị quốc tế về thông tin vệ tinh tại Washington D.C, Jim Hansen mời đến khách sạn Watergate để trao đổi kỹ về những nội dung, tài liệu, để chuẩn bị cho phiên điều trần của AT&T trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ.
Năm 1992, Thượng viện Mỹ đã mở một buổi giải trình về bỏ cấm vận viễn thông với Việt Nam. Theo dõi buổi giải trình, ông Lê Bàng, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc đã nói: “Đó là một buổi tường trình xúc động”. Đến tháng 5/1992, Chính phủ Mỹ chính thức bỏ cấm vận về viễn thông, mở khóa mã 84, nối lại liên lạc giữa hai nước.
Thắng lợi này đã góp phần thuận lợi cho tiến trình dỡ bỏ cấm vận kinh tế vào năm 1994 và bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ vào năm 1995. Đấy là thành công lớn nhất của “ngoại giao viễn thông” trong thời kỳ đổi mới, dùng viễn thông mở ra cánh cửa với Mỹ.
Cùng với mở cửa, đổi mới viễn thông, việc đưa Internet về Việt Nam cũng là một cuộc thay đổi lớn. Ông từng nói đó là “một cuộc cách mạng mới”?
Khi đi dự một hội nghị quốc tế về thông tin vệ tinh tại Mỹ năm 1991, tôi được các bạn nước ngoài giới thiệu về Internet. Lúc đó, Internet mới có e-mail và chuyển tệp, tôi rất thích thú vì ở Việt Nam, việc gửi một lá thư lên vùng xa rất khó khăn, còn gửi đi nước ngoài mất cả tháng.
Thấy hay, tôi nghĩ là phải cố đưa nó về Việt Nam bằng được. Nhưng không hề đơn giản, muốn đưa Internet vào Việt Nam, phải có 3 điều kiện: có một mạng điện thoại tự động kết nối trong nước và quốc tế; có những doanh nghiệp, đơn vị, cán bộ hiểu được công nghệ Internet để tổ chức khai thác kinh doanh cung cấp dịch vụ cho xã hội; phải được lãnh đạo cấp Đảng và Nhà nước cho phép.
Rất nhiều người đã tham gia quá trình vận động, thuyết phục đưa Internet về Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp như VDC, Viện Công nghệ thông tin, FPT cũng tham gia nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả tốt. Chúng ta đã có một hệ thống mạng điện thoại tự động kết nối trong nước và quốc tế rộng khắp.
Tháng 3/1997, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Ủy ban Điều phối quốc gia mạng Internet. Đến tháng 8/1997, thường trực Ủy ban Điều phối lên báo cáo với cụ Lê Khả Phiêu. Cụ hỏi rất nhiều: Intetnet có khiến lộ bí mật nhà nước không? Quản lý thế nào để không lộ bí mật nhà nước? Có cách nào chặn được hết các thông tin độc hại không?...
Tôi mạnh dạn trình bày: “Xin báo cáo đồng chí là không thể nào ngăn được hết. Nhưng chúng tôi đã xây dựng các giải pháp quản lý chặt chẽ. Có 3 giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực của Internet. Thứ nhất, về mặt kỹ thuật thì có “tường lửa”. Tiếp đến là giải pháp về hành chính và pháp lý. Và giải pháp cuối cùng, rất quan trọng, là tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục để nâng cao dân trí, để người ta chọn cái hay, cái đẹp”.
Nghe xong, cụ Phiêu nói: “Nghe các cậu báo cáo cũng hay đấy! Thôi sang báo cáo Thủ tướng”.
Chúng tôi sang báo cáo Thủ tướng tại nhà riêng. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng thể hiện sự lo lắng dù cởi mở hơn, dễ báo cáo hơn. “Thường vụ Bộ Chính trị đã ủng hộ thì Thủ tướng ủng hộ thôi. Nhưng các cậu nói được là làm được nha”, Thủ tướng dặn dò.
Khi tiễn tôi ra đến cổng, Thủ tướng quàng tay lên vai tôi, vỗ vỗ, bảo: “Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt, chứ nếu mở ra mà phải đóng lại, thì không biết phải ăn nói với thế giới thế nào”.
Cái vỗ vai nhẹ nhàng động viên, nhưng với tôi nó nặng hơn nghị quyết, chỉ thị, thấy trách nhiệm nặng nề.
Ngày 19/11/1997, tại buổi lễ có sự tham gia đông đảo của báo giới trong nước và quốc tế, thay mặt Ủy ban Điều phối quốc gia, tôi chính thức tuyên bố Việt Nam kết nối với Internet toàn cầu. Tuy nhiên, phải hơn 2 năm sau, với phương châm “quản được đến đâu mở đến đó”, tức là dịch vụ nào chưa quản được thì chưa mở, nên Internet phát triển chậm, chưa cho mở đại lý Internet, cà phê Internet.
Chúng tôi lại phải báo cáo, thuyết phục lãnh đạo Đảng và Nhà nước đồng ý thay đổi phương châm quản lý là “quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển”. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã ban hành Nghị định về quản lý Internet, thì thị trường mới phát triển mạnh mẽ được.
Đó là quá trình phát triển rất đáng nhớ và phần nào cũng là bài học để sau nay chúng tôi mạnh dạn mở cửa thị trường viễn thông trong nước cũng như quốc tế.
Sau hơn 10 năm đổi mới từ năm 1986, thị trường viễn thông đã mở cửa hợp tác nước ngoài, nhưng vẫn là sự độc quyền của VNPT mà ông là người đứng đầu suốt một thời gian dài. Điều gì đã khiến ngành viễn thông quyết định phá thế độc quyền?
Năm 1995, ngành bưu điện nhận Huân chương Sao Vàng. Ở thời điểm tự hào và vinh quang nhất, chúng tôi đã cảm nhận được những biểu hiện trì trệ của ngành, có tâm lý thỏa mãn, say sưa chiến thắng. Tôi đi công tác, phát hiện giám đốc bưu điện mang cả vợ con, họ hàng đi ăn chơi, nghỉ ngơi, trong khi anh em công nhân lăn ra làm. Rất buồn...
Thẳng thắn thì việc phá bỏ độc quyền viễn thông ở Việt Nam thành công có ảnh hưởng rất lớn từ tư duy của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từ năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người sớm có tư duy mở cửa thị trường viễn thông, xóa bỏ độc quyền bằng việc định hướng, nên có thêm một vài công ty viễn thông khác.
Năm 1997, là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, tôi cương quyết mở cửa thị trường. Chỉ trong một ngày, tôi ký 4 giấy phép cho 4 nhà khai thác Internet là VDC, FPT, NetNam, Saigonnet và sau đó là Viettel.
Năm 1998, công nghệ VoIP mới xuất hiện. Đến ngày 3/2/2000, tôi cấp phép cho Viettel mở dịch vụ VolP - điện thoại qua Internet. Đây là lần đầu tiên có điện thoại giá rẻ, cũng là lần đầu tiên có nhà khai thác thứ hai tham gia thị trường viễn thông ngoài VNPT.
Sau này cấp phép băng tần di động cho Viettel cũng từ đó. Lúc cấp phép cho Viettel, ngay cả Bộ Quốc phòng cũng lo, chỉ sợ sai sót. Họp Chính phủ, Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bảo tôi: “Thôi anh bên nhà nước quản lý giúp, chứ bên chúng tôi bận chăm lo bên quân đội”. Cấp phép cho Viettel không phải Bộ Quốc phòng ép xuống, mà chính tôi phải vận động các anh bên đó cho Viettel làm.
Chiều ngày 15/10/2000, trên cơ sở đề nghị của Viettel, tôi trao đổi với Tổng giám đốc VNPT và chỉ đạo mở cổng để Viettel kết nối dịch vụ VoIP. 19h45 phút cùng ngày, VTV phát clip quảng cáo “178 - mã số tiết kiệm của bạn”. Lúc đó, tôi như có luồng điện chạy trong người, mừng nhưng cũng hụt hẫng, có chút áy náy bởi bao nhiêu năm nay, mình là người VNPT, tự nhiên xuất hiện một người khác cũng ngỡ ngàng, mặc dù mình ký giấy phép, ra lệnh mở kết nốt.
Tôi cảm nhận được đây là một đột phá khẩu mở cửa thị trường viễn thông. Viettel một ngày thu hàng chục tỷ đồng, anh em Viettel hồ hởi khoe: “Trước đây, cả năm bọn em mới thu được 2 - 3 tỷ đồng, nay mỗi ngày mấy chục tỷ đồng”. Tôi nói luôn: “Tôi không quan tâm mấy chục tỷ đồng mỗi ngày mà các anh thu được. Làm viễn thông phải nghĩ đến hàng ngàn tỷ đồng”.
Có thể nói, sự xuất hiện của VoIP đã tạo nên một cuộc cách mạng về giá cước, mở đầu kỷ nguyên viễn thông giá rẻ cho người dân, tạo nên thời đại tích lũy vốn quan trọng của nhiều nhà cung cấp viễn thông. Sự cạnh tranh đã giúp người dân được thụ hưởng giá cước rẻ, chất lượng dịch vụ tốt hơn, tăng mạnh lượng người dùng. Với sự góp mặt của Viettel và Saigon Postel, ngành viễn thông Việt từ chỗ độc quyền trở nên cạnh tranh hơn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Khi mở cửa viễn thông, Internet, bỏ độc quyền đều là những lĩnh vực nhạy cảm, ông có từng lo lắng?
Nói thật là đôi lúc nhớ lại cũng giật mình. Những lúc đó, chỉ có một suy nghĩ là làm được điều đó thì có ích cho ngành, cho đất nước. Dám nghĩ thì dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu không làm sẽ là người có tội khi cản trở quá trình đổi mới, hội nhập của đất nước.
Mở cửa thị trường thành công được là nhờ các quyết định dũng cảm, dám nhận trách nhiệm, dám dấn thân của một thế hệ lãnh đạo tiên phong trong thời kỳ đổi mới. Có lẽ, sự trong sáng, vô tư và khát vọng muốn thay đổi tình cảnh khó khăn cho đất nước đã tạo ra một tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Hồi đó, tôi nói với anh em: “Đừng trách các lãnh đạo bắt mình giải trình, mà hãy trách mình không đủ năng lực để thuyết phục, giải trình, không có gan để bảo vệ. Mình không làm được là mình dở. Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, bí mật là sinh tử, quyết định chiến thắng, nên thói quen, nhạy cảm đã in hằn, các lãnh đạo lo là đúng”.
Ông nhận xét như thế nào về hành trình đổi mới 35 năm của đất nước ta? Theo ông, Việt Nam có nên tiếp tục khởi xướng một “cuộc đổi mới lần thứ hai”?
Trong 35 năm đổi mới, 10 năm đầu là một không khí hồ hởi, tư duy mở cửa sôi động, tạo nên sự phấn khởi nhập cuộc của các thành phần kinh tế. Không có tinh thần đổi mới của Đảng thì đất nước tiếp tục sẽ chìm sâu vào khủng hoảng.
Những năm gần đây, tốc độ phát triển đã chững lại do nhiều yếu tố, trong đó do chúng ta quá phụ thuộc vào tài nguyên đất đai, lao động rẻ, đầu tư nước ngoài. Trong 10 năm gần đây, lợi thế ban đầu những năm đổi mới đã không còn là lợi thế nữa. Thời kỳ quảng canh đã qua. Nền kinh tế cần có một sự đổi mới mạnh mẽ hơn. Vậy thì lúc nào, có cách nào để đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn?
35 năm trôi qua, các nước châu Á quanh ta như Hàn Quốc, Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc. 35 năm đủ dài để chúng ta nhìn lại và cần có sự thay đổi mạnh mẽ. Chính lúc này đây, một thời cơ để Việt Nam đổi mới đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là động lực mới để chúng ta tiếp tục đổi mới. Đã là cách mạng thì phải thay đổi về chất, tổng thể, toàn diện, cơ bản.
Chúng ta làm hay không? Bước tới hay không? Trước đây chậm thì chắc. Giờ chậm thì chết. Không còn cách nào khác. Vậy đổi mới cái gì? Đổi mới thế nào?
Công nghệ viễn thông là ngành đổi mới nhanh, tạo động lực cho ngành khác. Nhưng quan trọng nhất là phải đổi mới thể chế. Không có đổi mới thể chế, chính sách, ngành viễn thông - công nghệ thông tin sẽ không thể phát triển được như hôm nay. Tương tự như vậy, làn sóng công nghệ số đến cùng lúc, nhưng có nước tận dụng được, có nước thì không. Và thể chế quyết định điều đó.
Thể chế không phải là gì cao siêu, nó là những vấn đề cụ thể. Đó là việc khơi thông những chính sách ngăn cản tiến trình phát triển của nền kinh tế, đồng thời có chính sách đảm bảo dân chủ, tự do trong sáng tạo và kinh doanh. Cần bỏ tư duy cũ “mở đến đâu quản đến đó”, chuyển từ tư duy “quản lý theo kịp sự phát triển” sang “quản lý để thúc đẩy sự phát triển”.
Tôi muốn nhấn mạnh, thể chế, chính sách quyết định sự đổi mới. Không làm được điều đó, chúng ta sẽ mất đi thời cơ.
Tham nhũng là quốc họa, nhưng không bằng tiêu cực. Tiêu cực lớn nhất chính là né tránh trách nhiệm, đổ trách nhiệm, không dám làm, nó còn tệ hại hơn, kéo lùi sự phát triển của đất nước, hơn cả tham nhũng. Cần có một luật chơi rõ ràng, công khai, minh bạch. Cơ chế tuyển chọn cán bộ phải lựa chọn được những người tài giỏi, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chức tước có thời hạn, rồi cũng mất, cái để lại cho người dân là gì? Cho nên, cuộc đổi mới lần này phải tạo ra cơ chế để người tài giỏi được tuyển chọn, làm việc, dấn thân.
Dù thế nào, tôi vẫn tin vào thế hệ trẻ của Việt Nam nếu đất nước bước vào cuộc đổi mới tiếp theo. Tôi mong Chính phủ sẽ tạo ra một sân chơi, môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, những chính sách hỗ trợ và khuyến khích, cùng với văn hóa và truyền thông xã hội ủng hộ cho thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, thì họ sẽ tạo ra những điều thần kỳ cho đất nước, họ sẽ vượt thế hệ chúng tôi rất xa.
Nếu thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, vào thời kỳ đổi mới dám dấn thân mang những cái hay của thế giới về Việt Nam, thì thế hệ trẻ ngày nay, với cuộc cách mạng 4.0, sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, làm được những điều kỳ diệu hơn cho đất nước. Họ không những đưa được cái hay, cái mới về Việt Nam, mà còn mang giá trị sản phẩm, dịch vụ ra khắp thế giới. Lúc đó, đất nước chúng ta mới cường thịnh, mới đạt được những mục tiêu vào năm 2030, 2045 mà Đảng đã đề ra.