Nội dung: Khánh An   |   Ảnh: Chí Cường   |   Thiết kế: Hồ Hạ

 

 

Câu chuyện về chặng đường 35 năm Đổi mới của khu vực kinh tế tư nhân với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người vẫn được gọi là “kiến trúc sư trưởng” cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam, diễn ra ngay sau buổi ra mắt xe điện của VinFast tại Triển lãm CES 2022 ở Las Vegas (Mỹ) thu hút hơn 1 vạn lượt người xem trực tiếp. Ông Cung chủ đích chọn thời điểm này.

 

“Tôi đã nói và giờ vẫn mong nhắc lại, đó là muốn phát triển được, muốn chứng minh năng lực, các doanh nghiệp Việt hãy bước ra thị trường toàn cầu. Sống được, cạnh tranh được, duy trì được ở thị trường toàn cầu, không ai có thể nói là không tốt. Đây cũng là điều chúng tôi hướng tới khi xây dựng Luật Doanh nghiệp”, ông Cung nhấn mạnh.

 

 

Cuối những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi nhận nhiệm vụ tham gia “thiết kế” Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân rồi Luật Doanh nghiệp, ông có từng nghĩ đến viễn cảnh doanh nghiệp Việt sẽ bước chân ra thế giới như vậy?

 

Mong muốn này có ngay từ đầu, khi chúng tôi tìm hiểu pháp luật về doanh nghiệp của một số nền kinh tế để bắt tay vào thiết kế các văn bản luật đầu tiên về kinh doanh. Nhưng thú thực, hồi đó, tôi vẫn nghĩ doanh nghiệp nhà nước sẽ làm được, vì doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.

 

Trong các cuộc thảo luận để tìm kiếm những kinh nghiệm thực tế tốt, kinh nghiệm của Nhật Bản và nhất là của Hàn Quốc được nghiên cứu rất kỹ. Câu hỏi được đặt ra đầu tiên là, tại sao họ chỉ mất khoảng 20 năm, từ những năm 60 đến những năm 80, để từ một quốc gia trong nhóm nghèo nhất thế giới (quy mô GDP năm 1960 vẻn vẹn có 3,957 tỷ USD) trở thành nền kinh tế có quy mô 100 tỷ USD vào năm 1985. Đà này được giữ trong 20 năm sau đó, và năm 2018, Hàn Quốc đã đứng vào nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới...

 

Tốc độ tăng trưởng nhanh, bứt phá của Nhật Bản, Hàn Quốc gắn liền với hình ảnh các keiretsu (Nhật) hay chaebol (Hàn Quốc).

 

Chúng tôi đã nghĩ, nền kinh tế muốn phát triển được, thì bên cạnh số lượng đông đảo các doanh nghiệp nhỏ, cần phải có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động toàn cầu, đi ra được thị trường nước ngoài, trở thành tập đoàn đa quốc gia, cạnh tranh ở thị trường châu Âu hay Mỹ… Mô hình chaebol đã được nghiên cứu, áp dụng để hình thành các tổng công ty 90, 91 vào năm 1994, 1995 và sau đó là thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước vào năm 2009...

 

 

Nhưng hiện giờ, VinFast và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác như TH True Milk, Thaco, các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành thủy sản, nông sản... không chỉ ra toàn cầu, mà còn ở thị trường đẳng cấp cao nhất, với những chuẩn mực cao nhất, thưa ông?

 

VinFast là một hiện tượng lạ đối với cách tư duy truyền thống. Tôi nhớ đến chiến lược Huawei đã đi. Thành lập vào thời  điểm Trung Quốc đang nhập khẩu gần như toàn bộ thiết bị công nghệ viễn thông, Huawei đã đặt mục tiêu có thể cạnh tranh và thay thế hoàn toàn các đối thủ nước ngoài ngay tại thị trường trong nước.

 

Năm 1999, Huawei thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển  ở Bangalore (Ấn Độ). Năm 2001, Huawei thành lập nhiều trung tâm R&D tại châu Âu, Mỹ và chính thức  gia nhập Liên minh Viễn thông Quốc tế… Ngay lúc này, dù phải đối mặt với lệnh cấm cửa của chính quyền Mỹ, nhưng Huawei đang là một trong những thương hiệu lớn và có ảnh hưởng trên thế giới, chiếm 28% thị phần viễn thông toàn cầu (đứng trước cả Ericsson, Nokia). Hãng cũng đang theo sát Apple và Samsung ở mảng điện thoại thông minh…

 

Tôi tin là họ thành công nhờ học được ở thị trường toàn cầu, học các doanh nghiệp Mỹ khi cạnh tranh tại thị trường Mỹ, với pháp luật Mỹ...

 

Đây là hướng đi mà chúng tôi, với tư cách là những người thiết kế, đề xuất đưa doanh nghiệp nhà nước vào đối tượng điều chỉnh của phiên bản Luật Doanh nghiệp 2005, để khu vực này hoạt động theo thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế, đủ điều kiện đi nhanh ra toàn cầu, phát huy nguồn lực lớn, thế mạnh trong nhiều ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nhưng tiếc là không thành công.

 

Còn lúc này, đi ra toàn cầu như cách VinFast đang làm khó hơn rất nhiều so với thời Hàn Quốc thành công với các chaebol hay Nhật Bản với keiretsu vào những năm 60 của thế kỷ trước. 

 

VinFat mang 5 mẫu xe điện giới thiệu với công chúng toàn cầu tại triển lãm ở Mỹ.

 

Lúc đầu, không ai tin Vingroup làm được ô tô, chứ không nói là cạnh tranh được với các hãng sản xuất ô tô có tuổi đời gấp cả chục lần. Khi đó, ông nói, đừng phán xét các ý tưởng kinh doanh, thay vào đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp thử nghiệm, trải nghiệm. Nhưng dường như vấn đề này vẫn chưa thông?

 

Tôi ủng hộ các ý tưởng kinh doanh mới, vì logic là người cầm tiền luôn có lý khi quyết định đầu tư vào đâu, thời điểm nào. Nhiều khi, chúng ta nhìn thấy rủi ro quá lớn để không dám làm, nhưng họ nhìn thấy cơ hội hấp dẫn để bắt đầu.

 

Doanh nghiệp Việt Nam thì càng có lý hơn, tôi nhận thấy rõ ý này khi đi cùng với họ, cảm nhận sức sống, sức sáng tạo và cả năng lực vượt qua tư duy kỳ thị của họ.

 

Ngay khi VinFast khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) vào năm 2017, nhiều lời bàn chắc họ gom đất, chứ làm sao làm được ô tô. Rồi mới đây, đầu tháng 12/2021, khi Vingroup lập công ty con ở Singapore, tuyên bố chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong VinFast cho Công ty VinFast Trading and Investment (Singapore) nhằm tái cấu trúc trước đợt IPO tại Mỹ, lại có nhiều đồn đoán, nghi ngờ.

 

Tôi nghĩ khác, những bước đi này sẽ hội tụ đủ điều kiện để VinFast tham gia thị trường chứng khoán Mỹ, để huy động vốn, phát triển công nghệ. Khi đó, VinFast không còn của ông Vượng hay của ai, mà là doanh nghiệp đại chúng, của các bên, gồm nhà đầu tư, nhà cung ứng, khách hàng… toàn cầu, sẽ buộc phải tuân thủ các chuẩn mực cao nhất, những ràng buộc khắt khe nhất.

 

Trở lại quyết định đầu tư ô tô của VinFast, trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn, nhìn vào số xe đang lưu thông trên đường thì không thể nói là do quan hệ mà bán được hàng. Họ có sự ủng hộ của chính sách, của truyền thông không? Có, nhưng nếu các doanh nghiệp khác làm được, họ sẽ nhận được sự ủng hộ tương tự.

 

Với các doanh nghiệp bất động sản, chúng ta không thể không ghi nhận những giá trị mới họ tạo nên ở nhiều vùng đất, những tác động tích cực vào môi trường sống, thói quen sống của người Việt Nam. Còn những chuyện sân sau, sân trước, kinh doanh thuần lợi ích, chạy theo lợi nhuận trước mắt, cần có những nhìn nhận công bằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp tư nhân…

 

 

Tư duy kỳ thị người giàu, doanh nghiệp tư nhân vẫn là chủ đề nóng mỗi khi bàn tới các vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Một mặt, xã hội tôn vinh, ghi nhận những doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở tuyến đầu chống dịch, tuyến đầu duy trì, phát triển kinh tế, nhưng định kiến “doanh nghiệp tư nhân” đồng nghĩa với “lợi ích tư” vẫn chi phối không chỉ cách nghĩ của xã hội, mà cả ứng xử trong xây dựng và hoạch định chính sách.

 

So với thời doanh nghiệp tư nhân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, kể cả bán phở, đánh máy chữ đều phải xin phép, tới giờ, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, ông có thấy nhiều sự thay đổi trong góc nhìn về khu vực này không?

 

Thay đổi nhiều, hồi đầu là nghi ngại, không hiểu rõ vì là một phạm vi rất mới.

 

Nhưng điều tôi muốn chia sẻ là khi đó, không khí đổi mới rất mạnh mẽ, tràn ngập khắp nơi. Nhiều diễn đàn trao đổi, tranh luận về mở cửa, về các thành phần kinh tế... Cũng vì doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, nên chúng tôi bàn rất nhiều cách thu hẹp doanh nghiệp nhà nước để mở cơ hội cho tư nhân.

 

Các doanh nghiệp tư nhân cũng hào hứng, tham gia vào không khí này rất nhiệt tình. Không cuộc thảo luận nào về Luật Doanh nghiệp, về bãi bỏ giấy phép con thiếu tiếng nói của các doanh nghiệp tư nhân, các hiệp hội. Doanh nghiệp từ khắp nơi tìm đến CIEM, gửi thư đến CIEM, gọi điện đến tôi không đếm hết. Họ kể về những vấn đề gặp phải, hỏi xem làm được gì, đúng sai theo luật ra sao... Sự thành công trong thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999 có công lớn từ sự hào hứng của người dân.

 

Nhìn lại, các doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bây giờ hầu hết khởi nghiệp từ Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp 1999.

 

 

Giai đoạn 2000 - 2005, tăng trưởng công nghiệp của khu vực tư nhân khoảng 20 - 23%, cao hơn khu vực FDI. Đây cũng là thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất quyết liệt, danh mục doanh nghiệp nhà nước giảm đi nhanh chóng, thưa ông?

 

Tiếc là động lực này không duy trì được. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, sau đó là cuộc khủng hoảng 2008 - 2011, doanh nghiệp tư nhân yếu đi nhiều, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Nhiều doanh nghiệp mất đi gần như toàn bộ thành quả của giai đoạn trước đó. Nhiều thương hiệu Việt cũng biến mất vào giai đoạn này.

 

Khu vực doanh nghiệp nhà nước lại bước vào giai đoạn trở thành khổng lồ, với các quyết định thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước, vươn ra nhiều ngành, lĩnh vực, chen lấn với các doanh nghiệp tư nhân.

 

Khi xây dựng Luật Doanh nghiệp 2005, chúng tôi đã đấu tranh, kiến nghị và được chấp thuận là đặt mốc hoàn tất công ty hóa doanh nghiệp nhà nước vào ngày 1/10/2010. Trước đó, nhiều ý kiến không đồng tình, vì cổ phần hóa còn chậm thế, đưa vào thì khó thực hiện. Nhưng nếu không làm, thì doanh nghiệp nhà nước không thể tuân thủ các quy tắc quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp, không thể đưa khu vực này vào kỷ luật thị trường, quản trị theo thông lệ quốc tế, phân tách vai trò chủ sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước được.

 

Nhưng khi đến hạn, các doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty TNHH một thành viên chỉ bằng văn bản hành chính. Sự sụp đổ của Vinashin ngay năm đó, kéo theo sự sụp đổ của cả ngành công nghiệp đóng tàu mà đến giờ vẫn chưa biết bao giờ có thể hồi phục có nguyên nhân từ việc không đặt doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật thị trường, vào chuẩn mực kinh doanh theo thông lệ quốc tế.

 

Chúng tôi - những người tham gia xây dựng các văn bản luật về doanh nghiệp hồi đó, vẫn tiếc nuối về một cơ hội bứt phá mạnh mẽ của kinh tế tư nhân và cả bước nâng lên về chất của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

 

Sau đó là một thập kỷ mất mát, cả sức lực, tinh thần, hình ảnh của cộng đồng kinh doanh ở Việt Nam. Thậm chí, tôi chưa thấy rõ sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân kế cận - những người đi đầu bây giờ.

 

 

Nhưng điều này không lý giải được thói quen nghi ngờ hay có thể nói là quá khắt khe với sự thành công của doanh nghiệp?

 

Tôi có cảm nhận là tình trạng doanh nghiệp “sân trước, sân sau” nhiều hơn, thị trường méo mó hơn là lý do. Vì  nguồn lực nhiều, nhưng tiếp cận khó công bằng, nên triệt tiêu những người thực sự muốn làm ăn chân chính.

 

Vụ Công ty Việt Á với những con số hoa hồng kinh khủng dành cho quan chức nhiều địa phương đang được phát lộ dần là sản phẩm của sự méo mó này. Đây chỉ là một vụ điển hình, đang diễn ra. Tôi đau lòng khi nhắc đến những vụ việc này, vì doanh nghiệp không phải không có năng lực, nhưng họ đã chọn sai cách là dựa vào sân sau, dựa vào quyền lực để đi...

 

Có người nói, họ không đủ lực để đi riêng nên đành phải chấp nhận trở thành sân sau...

 

Có nhiều người không chọn. Cũng phải rất bản lĩnh, rất năng lực mới không chọn, nhưng bản lĩnh không có ngay từ đầu, phải có tích lũy. Với các doanh nghiệp mới, thiếu bản lĩnh, thiếu thị trường, sẽ bập vào ngay những lợi ích trước mắt và phải trả giá.

 

Tôi muốn nhắc tới cả trường hợp Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” của Flappy Bird đã chọn gỡ bỏ sản phẩm của mình sau những áp lực của thị trường, của xã hội. Giá như khi đó, các cơ quan quản lý đừng bàn đến việc thu thuế lợi nhuận từ Flappy Bird thế nào, mà tìm cách cổ vũ, hỗ trợ Hà Đông, thì không chỉ Hà Đông, mà nhiều ý tưởng sáng tạo tương tự, nhiều thanh niên đang ấp ủ các tham vọng, ước mơ sẽ xuất hiện, lớn lên ở Việt Nam, thay vì phải “trốn chạy” hay phải chọn khởi nghiệp ở Mỹ, Singapore...

 

Trong sự sa ngã hay “trốn chạy” của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, tôi trách thể chế nhiều hơn. Khi ai xin được thì có lợi, thì ai chẳng muốn xin - cho…

 

 

Phải chăng thể chế đang không thay đổi kịp với xu thế phát triển? Đây là điều chúng ta đã từng bàn tới khi nhìn lại công cuộc Đổi mới 35 năm trước?

 

Một cách thẳng thắn, VinFast thực hiện các ý tưởng sáng tạo thuận lợi hơn khi bắt đầu từ một nền tảng rất tốt của Vingroup. Nhưng ở Việt Nam chưa thực sự có một môi trường thuận lợi để một start-up đi từ ý tưởng lên thành “kỳ lân”, để các doanh nghiệp nhỏ dần thành doanh nghiệp vừa, rồi doanh nghiệp lớn.

 

Chúng ta có tinh thần khởi nghiệp, có hệ sinh thái để các ý tưởng xuất hiện, nhưng để nuôi dưỡng, thúc đẩy các ý tưởng và phát triển ra thị trường, thì còn thiếu nhiều.

 

Phải nói thật, nếu cứ làm theo quy định hiện hành, thì không thể có chỗ cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Rồi khi bắt đầu đi vào kinh doanh, lớn hơn chút, thì sẽ đối mặt với hệ thống quản lý nhà nước phức tạp và đầy rủi ro.

 

Các doanh nghiệp hay kể, nếu thu nhập tăng nhanh trong thời gian ngắn, sẽ nhận câu hỏi đầu tiên là đóng thuế chưa, sẽ chuẩn bị nhận các thông báo kiểm tra, thanh tra..., chứ không thấy cơ quan nào đến hỏi có cần hỗ trợ gì không, có vướng mắc gì không… Nếu doanh nghiệp vừa làm vừa bị soi, vừa bị nghi ngờ, thì ai còn muốn làm gì?

 

 

Tư duy xã hội và quản lý hay nghi ngại, làm sao có ít vốn mà làm được nhiều thế, chắc là có mánh khóe, lừa đảo. Hay câu chuyện đấu giá đất thấp cũng nghi ngờ, thấy giá cao cũng nghi ngờ. Hình thức cho vay ngang hàng (P2P) không phải lý do của những vụ lừa đảo, mà vì lòng tham và lợi dụng lòng tham của mọi người, nhưng cần phải rạch ròi để không vì thế mà không cho xuất hiện cái mới...

 

Ngay cả sự xuất hiện của mobile money vừa rồi cũng rất đáng tiếc, vì quá chậm. Chúng tôi đã bàn với Viettel từ trước năm 2018, rồi đề xuất, kiến nghị đưa vào nhiệm vụ thực hiện trong Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP về các giải pháp, nhiệm vụ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hồi đó, viễn cảnh sau 1 đêm, Việt Nam sẽ có “một ngân hàng” với khách hàng là 60 triệu dân, kèm theo là một hệ sinh thái, một thị trường vô cùng rộng lớn với thiết bị đi kèm, hình thức kinh doanh, kiến thức kinh doanh, nghề kinh doanh...

 

Giờ thì mobile money được thí điểm, nhưng nhiều nền tảng thanh toán khác đã xuất hiện, dư địa hẹp hơn nhiều. Hồi đó mà làm được, thì việc hỗ trợ người dân chịu tác động do Covid-19 cũng thuận hơn nhiều.

 

Theo tôi, nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý thiếu nguyên tắc quản lý, không hiểu rõ bản chất của kinh tế thị trường, không thấy rõ đâu là việc của thị trường, của doanh nghiệp, đâu là việc của cơ quan quản lý nhà nước, nên cứ thấy khác khác là sợ, không dám làm.

 

 

Đội ngũ start-up ở Việt Nam rất đông đảo, giàu ý tưởng, nhưng phần nhiều phải dịch chuyển sang các thị trường khác như Singapore, Mỹ… để phát triển. Sang đó, họ có thể không thành công hoặc không thành công ngay, nhưng họ huy động được vốn, có các công ty công nghệ, các quỹ đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, các công ty công nghệ và cả một hệ sinh thái dẫn dắt, hỗ trợ, đưa ra thị trường. Đó là các bước đầu tiên để hình thành một doanh nhân, doanh nghiệp thực sự.

 

Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam gần như đã tự xoay xở làm tất cả, kể cả sự chuẩn bị cho thế hệ kế cận. Nhưng có vẻ như các ngành dịch vụ đang hấp dẫn các doanh nghiệp hơn là các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo.

 

 

Sau một chặng đường dài tham gia, chứng kiến cải cách thể chế để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp, điều gì khiến ông nuối tiếc?

 

Nuối tiếc nhất là không đẩy mạnh đà cải cách doanh nghiệp nhà nước theo kinh tế thị trường, để tiếp đà đẩy khu vực doanh nghiệp nhà nước ra thị trường toàn cầu mạnh mẽ hơn.

 

Tôi luôn tâm niệm, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển được, trở thành doanh nghiệp khu vực, doanh nghiệp toàn cầu thì phải ra toàn cầu, đối diện với cạnh tranh toàn cầu. Nếu “sống” được, bán được hàng do mình làm ra tại thị trường Mỹ, EU, thì doanh nghiệp sẽ khẳng định được năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp nhà nước đáng lẽ phải đi tiên phong, có nhiều điều kiện để thực hiện thành công nhiệm vụ này và đáng ra có thể làm được việc này sớm khi nguồn lực, vốn và nhân lực ở khu vực này nổi trội hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi cũng đã chờ đợi sự tiên phong này khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan khắp toàn cầu...

 

Trong các đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, ngay từ những năm 2011, CIEM luôn khuyến nghị lựa chọn một số doanh nghiệp nhà nước hàng đầu để chuẩn bị cho lộ trình IPO ở nước ngoài. Nhưng tiếc là trong 10 năm tới, các đồng nghiệp của tôi ở CIEM lại tiếp tục có những khuyến nghị tương tự...

 

 

Các doanh nghiệp tư nhân có đi xa hơn kỳ vọng của ông khi cố gắng hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động?

 

Doanh nghiệp tư nhân luôn sống động, nhưng có cái gì đó chưa vượt lên được. Tôi chưa gọi được tên ngay cảm giác này, có thể là đến ngưỡng của một giai đoạn phát triển, nhưng chưa tìm được đường bứt lên.

 

Tôi đã mang trăn trở này đến các doanh nghiệp, hỏi sao ta cứ sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nhưng rồi bán thô mãi, không chế biến, làm tinh thành các sản phẩm có chất lượng cao như nhiều nước khác? Vì thiếu động lực, thiếu thể chế, thiếu kỹ năng, thiếu vốn hay điều gì?

 

Có doanh nhân nói, lúc này, họ cảm thấy cô đơn, bơ vơ. Nếu dấn thêm một chút, thì có thể không đủ năng lực vì cần nghiên cứu, phát triển, cần đầu tư công nghệ và cả con người. Nhưng nếu làm như cũ, không thể cạnh tranh được, có thể sẽ tụt sâu.

 

Có người cảm thấy không muốn dấn thân, cảm thấy thiếu động lực khi đối mặt với những thay đổi của xu thế, muốn dừng lại sau một thời gian dài vất vả...

 

Có những rào cản vô hình đang cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân, nên nhiều doanh nghiệp chọn thương mại, dịch vụ, chọn lợi nhuận trước mắt.

 

Nói vậy mới thấy khâm phục những doanh nhân như bà Thái Hương (Chủ tịch Tập đoàn TH), bà Mai Kiều Liên (CEO Vinamilk), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco Group) hay ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup).... vì họ luôn trăn trở, tìm cách đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, đưa được thương hiệu Việt Nam ra thế giới, lên những tầng mới về chất.

 

 

Thế giới đang bước vào giai đoạn dịch chuyển sau những rung lắc của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm, khai phá những vùng đất mới. Ông có nghĩ, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam vượt ngưỡng đang trong tầm mắt?

 

Kinh tế tư nhân trong lĩnh vực công nghệ sẽ nổi lên, có thể vì khung khổ pháp lý còn trống, nên các doanh nghiệp sẽ tranh thủ được.

 

Có một thực tế là, vì tư duy xây dựng cơ chế, chính sách quy định của Việt Nam là quản lý, chứ không thúc đẩy, nên càng nhiều quy định càng khó, thậm chí làm méo mó thị trường. Hồi năm 2016, khi Uber, Grab xuất hiện ở Việt Nam, có rất nhiều cuộc tranh luận quản lý thế nào, làm sao để không lấn át taxi truyền thống... Tôi cũng tham gia cuộc tranh luận đó, nhiều lúc căng thẳng, nói là không thể nhìn Uber hay Grab là những doanh nghiệp cụ thể để cản trở hay ra điều kiện, mà phải nhìn đó là những mô hình, ý tưởng kinh doanh mới, là xu thế của phát triển.

 

Khi đó, tôi không bảo vệ một doanh nghiệp cụ thể nào, mà là bảo vệ sự xuất hiện của các ngành nghề mới, hình thức kinh doanh mới ở Việt Nam. Những ngành nghề mới này là cơ hội để người Việt đi nhanh, đi cùng với thế giới, vì đó là những mảnh đất trống, cùng điểm khởi đầu như thế giới.

 

Sự lựa chọn của VinFast dừng sản xuất xe xăng, chỉ làm xe điện cũng trong xu hướng này, sẽ là những người tiên phong trong phát triển xe điện và bắt nhịp xu thế sống xanh, nên sẽ được sự ủng hộ.

 

 

Tất nhiên, chúng ta cần thúc đẩy nền tảng công nghiệp. Ngôi nhà thông minh hay ô tô thông minh vẫn cần sản xuất, cần máy móc, con chip... Các doanh nghiệp tư nhân cũng nên được coi là lực lượng chủ lực, chứ không thể trông vào doanh nghiệp nhà nước. Nhưng, có thể cần sự kết hợp giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để xây dựng, phát triển, làm chủ công nghệ.

 

Viettel, VNPT đang cố gắng thay đổi, vươn lên, đi vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ…, có thể cùng với FPT, Vingroup, với Giải thưởng VinFuture... để đưa công nghệ ra thế giới, để cạnh tranh, để bán hàng và để học hỏi, tiếp cận các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học hàng đầu, tiếp cận thị trường khoa học, công nghệ đẳng cấp.

 

Đây chỉ là một ví dụ, nhưng các doanh nghiệp Việt cần động lực mới để vượt ngưỡng. Chứ 35 năm Đổi mới rồi, mà người quản lý doanh nghiệp nhà nước vẫn phải theo quy hoạch, quy trình bổ nhiệm, thì sao cạnh tranh được. Hay 95% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ “bơi” thế nào ở “biển lớn”?

 

Lúc này, nền kinh tế Việt Nam cần những doanh nghiệp có thể cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường quốc tế, dù đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước. Thế hệ doanh nhân thành công kế tiếp của Việt Nam sẽ xuất hiện trong hành trình này, tôi tin như vậy.

 

Nhưng để làm được điều này, thể chế cũng không thể mãi nhìn vào thành phần kinh tế.

 

 

Bình luận bài viết này
Khánh An - Chí Cường 05/02/2022 08:03