Nội dung, trình bày, ảnh: Hồ Hạ 

Căn nhà nơi gia đình anh Mohamad El-Chafehi và chị Sylvia Gawad cùng hai con nhỏ đang sinh sống nằm ở tầng cao của một chung cư tọa lạc trên đường Xuân Diệu, view hướng ra hồ Tây thoáng đãng, không gian bày trí thanh lịch và toát lên sự ấm cúng của một tổ ấm hạnh phúc.

 

Năm 2023, báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 do Liên hợp quốc công bố cho biết, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Rời Canada đến Việt Nam định cư đã gần 2 năm, với gia đình anh Mohamad và chị Sylvia, đất nước hình chữ S là một quốc gia hạnh phúc, nơi có văn hóa gia đình tuyệt vời, có tình người ấm áp, một quốc gia giàu trải nghiệm, đáng sống và khó có thể rời xa.

 

Quyết định chuyển từ một quốc gia phát triển hơn tới một đất nước đang phát triển sinh sống, học tập và làm việc dường như là điều trái quy luật, cơ duyên nào đã dẫn lối đưa gia đình anh chị đến Việt Nam?

 

Sylvia: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2013 trong một chuyến du lịch tới Đông Nam Á. Tôi đã đạp xe từ Hà Nội vào TP.HCM và đã chiêm ngưỡng được hầu hết cảnh đẹp của Việt Nam. Nhưng khi đi đến Hội An, tôi đã gặp tai nạn. Trên đường đi đến Ngũ Hành Sơn, tôi gặp một công trình xây dựng. Do chưa quen với việc đi xe ở Việt Nam nên tôi bị ngã xuống một con mương, cả chiếc xe đạp đè lên người tôi.

 

Mọi người bên đường đều xuống xe, hai người dân địa phương đã giúp tôi, họ nhấc chiếc xe ra và đỡ tôi lên, đồng thời hỏi tôi có cần đến bệnh viện không. Mặc dù hành trình khám phá Việt Nam bằng xe đạp của tôi dừng lại tại Hội An, vì tôi đã đi máy bay vào TP.HCM để kiểm tra sức khỏe, nhưng đó vẫn là một kỷ niệm rất ấm áp.

 

Tôi đã yêu Việt Nam ngay từ lần đầu tiên du lịch nơi đây, nên khi chồng tôi nhận được lời mời làm việc ở Việt Nam trong ngành ngân hàng, tôi đã rất háo hức và vui vẻ đồng ý theo anh đến sinh sống tại đây.

 

 

Mohamad: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 3/2022 để làm việc. Trước đó, tôi chưa từng đến Việt Nam, nhưng một trong những người bạn thân của tôi là người Việt ở Montreal, Canada. Cha của anh là một kỹ sư nổi tiếng đã tham gia xây dựng sân vận động Olympic. Vì vậy, tôi đã được thử các món ăn Việt Nam ngay từ khi còn rất nhỏ. Và tôi đã mê ẩm thực Việt Nam từ đó tới giờ.

 

Tôi có một đồng nghiệp người Thụy Sỹ đang làm việc ở Việt Nam. Khi nhận được lời đề nghị có muốn làm việc tại Việt Nam không, tôi đã nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam và khu vực. Tôi nhận thấy rằng, trong 5 năm gần đây, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển và là một “con hổ” mới nổi ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là ngôi sao đang lên trong khu vực, có mức tăng trưởng hứa hẹn nhất trong khu vực. Chính phủ cũng đang hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế. Tôi cũng nghiên cứu về thị trường lao động. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy người Việt Nam có trình độ học vấn cao, đặc biệt là những người làm trong ngành ngân hàng, họ cũng rất chăm chỉ, nên đây cũng là một điều rất tích cực cho nền kinh tế.

 

Vì vậy, khi nghiên cứu về ngân hàng nơi tôi làm việc cũng là một ngôi sao đang lên, tôi nói với vợ tôi và cô ấy nói cô ấy cũng yêu Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi quyết định rời Canada đến đây sinh sống.

 

 

Anh, chị có phải suy nghĩ nhiều về quyết định chuyển đến một đất nước rất khác lạ để sinh sống lâu dài không?

 

Mohamad: Trước khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam, tôi đã đến đây một mình trong khoảng 5 tháng. Vì con gái chúng tôi vẫn còn đi học, nên tôi cũng xem xét các lựa chọn về trường lớp và cộng đồng tại đây. Chúng tôi nhận thấy thực sự Hà Nội có rất nhiều lựa chọn về trường quốc tế, cung cấp nền giáo dục tốt và cơ hội phát triển cũng như kết bạn với mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, trải nghiệm này mang lại rất nhiều giá trị cho con gái chúng tôi và tôi nghĩ đó là điều cần cân nhắc quan trọng.

 

Sylvia: Tôi chắc chắn đồng ý với điều đó. Chúng ta không thể so sánh Canada với Việt Nam, vì đây là hai quốc gia riêng biệt. Và Việt Nam chắc chắn là rất rất khác. Và sự khác biệt đó mang lại cảm giác thú vị, khiến bạn cảm thấy thích thú như văn hóa, ngôn ngữ, sự năng động và cách giao tiếp…

 

Việt Nam có một nền văn hóa sôi động. Vì vậy, đối với chúng tôi, đó chắc chắn là một cơ hội rất độc đáo và để con gái tôi có thể ở trong một không gian - nơi cô bé có thể tương tác với mọi người từ nhiều nền văn hóa, nhiều phông văn hóa khác nhau và xây dựng khả năng giao lưu với mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Đó là một trải nghiệm độc đáo và chúng tôi chắc chắn coi trọng điều đó.

Sau hai năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam, anh chị thấy cuộc sống ở Việt Nam như thế nào?

 

Mohamad: Việt Nam là một đất nước hạnh phúc. Tôi thấy có nhiều ưu điểm hơn là điểm trừ khi gia đình tôi sống, học tập, làm việc ở đây.

 

Ở góc độ chuyên môn, công việc mang lại cho tôi những kinh nghiệm thực sự quý giá vì Việt Nam là một thị trường đang phát triển, nên tôi có thể tham gia vào việc xây dựng quy trình và hệ thống. Điểm cộng là tôi có thể xây dựng và để lại “di sản” cũng như có những đóng góp cho nơi tôi làm việc, cho ngành ngân hàng tại Việt Nam. Tôi còn có thêm kinh nghiệm làm việc với lực lượng lao động trẻ và năng động. Và tôi cũng phải nói rằng, tôi rất ngạc nhiên về tỷ lệ cân bằng giới trong ngành ngân hàng ở Việt Nam. Trên thực tế, 65% nhân sự trong nhóm của tôi là nữ.

 

Và ở đây, nếu tôi biết tiếng Việt sẽ tốt hơn, nhưng ngay cả khi tôi không nói được tiếng Việt, thì công việc vẫn rất thuận lợi, vì đồng nghiệp của tôi đều nói tiếng Anh tốt, chúng tôi có thể hiểu nhau.

 

Nhược điểm là chúng tôi làm việc nhiều giờ, làm việc trong tuần và sáng thứ Bảy. Tôi thích làm việc, nhưng từ góc độ gia đình, điều đó có nghĩa là tôi dành ít thời gian hơn cho gia đình.

 

Và đó là lý do tại sao chúng tôi ưu tiên những ngày nghỉ của mình để có thể ở bên nhau, cùng vui chơi hay khám phá Việt Nam và những nước trong khu vực.

 

Một điểm trừ nữa với gia đình tôi là vào mùa đông, ô nhiễm không khí ở mức cao. Tôi nghĩ theo thời gian, điều này sẽ được cải thiện, nhưng hiện tại ô nhiễm là một nhược điểm. Hay vỉa hè còn là nơi để xe máy, có rất ít không gian dành cho người đi bộ. Chỉ có rất ít điểm trừ, cuộc sống ở Việt Nam của tôi đa số là những điều tích cực.

 

 

Sylvia: Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, được ở trong một môi trường đa văn hóa đa dạng là một cơ hội mà mọi đứa trẻ mong có được. Con gái tôi đã ở đây một năm rưỡi, trí tuệ cảm xúc và khả năng kết nối với mọi người từ nhiều nơi khác nhau là một tài sản to lớn và việc có thể hiểu được các nền văn hóa khác nhau là một trải nghiệm độc đáo, một trải nghiệm phong phú cho cô bé. Điều này đã làm cho cuộc sống của chúng tôi phong phú hơn khi nghe con gái kể lại những trải nghiệm của con.

 

Đó là một trải nghiệm phong phú độc đáo và tôi nghĩ con gái tôi thật may mắn khi được đến một nơi thân thiện và an toàn như Việt Nam. An toàn là một trong những điều quan trọng, tôi không hề lo lắng rằng sẽ có chuyện gì xảy ra khi tôi đưa con đến trung tâm mua sắm. Và người Việt Nam, tôi muốn nói rằng mọi người, đặc biệt là các bà mẹ, bạn biết đấy, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi nói riêng, người nước ngoài nói chung. Trên đường, nếu con gái tôi sang đường, sẽ có người giúp cô bé. Đó là một sự chào đón rất nồng nhiệt và là thứ tình cảm vô cùng ấm áp. Nó khiến chúng tôi có cảm giác như đang được sống ở quê hương của mình vậy.

 

Dịch vụ y tế rất dễ tiếp cận, ở bệnh viện Vinmec thủ tục rất nhanh chóng, thuận lợi, người nước ngoài rất dễ dàng tiếp cận.

 

Từ khi đến sống tại Hà Nội, chúng tôi đã đi du lịch khắp Việt Nam. Với góc độ là một người đam mê du lịch và đã khám phá rất nhiều quốc gia trên thế giới, tôi nghĩ Việt Nam là điểm đến vô cùng thú vị. Gần đây, tôi vô cùng ấn tượng với động Phong Nha ở Quảng Bình. Ở đó, tôi đã có những trải nghiệm trong hang động không giống với bất cứ nơi nào khác và với bất cứ điều gì tôi từng có. Hang có cấu trúc rất lớn, rất đa dạng, có hệ sinh thái riêng. Tôi nghĩ đây thực sự là một trong những nơi độc đáo nhất mà tôi từng đến ở Đông Nam Á. Vâng, đó là một nơi tuyệt đẹp mà khó có ngòi bút nào có thể tả hết.

 

Về ẩm thực, Hà Nội, nơi gia đình tôi sinh sống có rất nhiều lựa chọn đa dạng, từ đồ ăn của Ấn Độ, Pháp, Thái Lan... Chỉ cần nhìn xung quanh là bạn có thể tìm thấy các món ăn từ khắp nơi trên thế giới. Món ăn mà tôi thích nhất là bún chả chay được làm từ nấm thay cho thịt. Những sợi bún trắng nhỏ, thả vào bát nước chấm màu hổ phách chứa chả nướng và dưa góp thơm lừng, thêm chút rau sống, gắp một miếng đủ vị chua cay mặn ngọt, dậy thơm mùi tinh dầu cà cuống… hương vị ấy cứ lưu luyến mãi không thể nào quên.

 

Anh chị thấy văn hóa gia đình của người Việt Nam có gì đáng mến?

 

Mohamad: Văn hóa gia đình chắc chắn là văn hóa cốt lõi ở Hà Nội, cũng như các địa phương khác tại Việt Nam. Chúng tôi đã có những người bạn Việt Nam rất thân thiết. Chúng tôi cùng nhau đi du lịch Mai Châu, đến thăm gia đình họ và mời họ đến thăm chúng tôi. Đó là những người rất tốt bụng và chúng tôi thích bầu bạn với họ.

 

Phần lớn suy nghĩ và hoạt động của họ xoay quanh gia đình, nên khi có tin tốt và tin xấu, có đám cưới, sẽ có bạn bè và gia đình đến dự. Khi có người thân bị ốm, họ thậm chí nghỉ việc để đi thăm hay viếng một người đã mất. Vì vậy, tôi nghĩ chắc chắn gia đình là giá trị cốt lõi ở đây và tôi nhận thấy rằng trong rất nhiều kỳ nghỉ lễ, mọi người đều trở về nhà, người Việt luôn có khái niệm quay về với gia đình.

 

Ngoài văn hóa, tôi muốn nói đến sự tương tác của tôi với mọi người tại nơi làm việc. Như đã đề cập trước đó, người Việt rất chăm chỉ và ham học hỏi, điều đó có nghĩa là họ sẽ tiếp tục phát triển và đất nước này sẽ tiếp tục phát triển. Người Việt nhạy bén, chăm chỉ, muốn phát triển và học hỏi, nhưng gia đình vẫn là cốt lõi của các giá trị. Đây là một sự cân bằng rất tốt.

một chuyên gia về tài chính, ngân hàng, anh Mohamad nhận định gì về ngành này tại Việt Nam?

 

Mohamad: Tôi đang làm việc ở Techcombank và đứng đầu bộ phận tài chính doanh nghiệp.

 

Tôi có một đội ngũ gồm khoảng 70 chuyên gia, độ tuổi trung bình trong nhóm của tôi có thể chỉ khoảng 30 tuổi hoặc thậm chí dưới 30 tuổi và 65% là nữ. Vì vậy, tôi có một đội ngũ rất trẻ, năng động và có trình độ học vấn cao. Đây là may mắn cho tôi.

 

Về nền kinh tế, tôi nghĩ năm 2023 có lẽ thực sự là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam cũng như khu vực và toàn cầu. Lạm phát cao hơn trên thế giới và chính sách tiền tệ, thậm chí cả chính sách tài khóa ở Mỹ và châu Âu đã gây áp lực lớn lên lãi suất ở Việt Nam cũng như xuất khẩu và thương mại. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, năm 2023 đặt ra một số thách thức đối với đất nước, điều này đã ảnh hưởng đến thương mại, đồng thời cũng tác động đến bất động sản và thị trường trái phiếu.

 

Nhưng những gì chúng tôi thấy là khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và phản ứng rất mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện các biện pháp thực sự mạnh mẽ để đảm bảo rằng có thể chống lại những áp lực này.

 

Tôi nghĩ rằng, kể từ đó có lẽ Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang thấy một số tín hiệu phục hồi qua chỉ số trên thị trường chứng khoán. Chúng tôi thấy thị trường chứng khoán đang quay trở lại, thanh khoản quay trở lại thị trường trái phiếu nhiều hơn. Và cũng có một số dấu hiệu phục hồi ban đầu ở một số lĩnh vực của thị trường bất động sản.

 

 

Ngoài ra, còn có một lợi ích nữa là rất nhiều hoạt động tái cấu trúc đang chuyển sang Việt Nam, từ Trung Quốc, từ Hàn Quốc, từ Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Vì vậy, điều này cũng mang lại động lực cho Việt Nam.

 

Yếu tố cuối cùng, tôi nghĩ điều quan trọng nhất về lâu dài chính là nhu cầu nội địa. Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, sẵn sàng chi tiêu và tận hưởng cuộc sống. Gần đây mới có Trung tâm thương mại Lotte Tây Hồ trị giá 600 triệu USD. Đó là trung tâm mua sắm đắt tiền nhưng luôn đông đúc.

 

Vì vậy, tôi nghĩ người Việt Nam thích tận hưởng cuộc sống, nên họ sẵn sàng chi tiền và điều này cũng tốt cho nền kinh tế. Tôi cho rằng, nhu cầu trong nước đang tăng lên có nghĩa là sẽ ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế xuất khẩu. Vì vậy, tôi rất lạc quan về tương lai của nền kinh tế. Chúng ta có thể trải qua những thăng trầm, đó là điều hoàn toàn bình thường. Nó mang tính chu kỳ, nhưng tôi nghĩ xu hướng cơ bản là rất tích cực.

Năm ngoái, anh chị đã đón Tết cổ truyền ở Việt Nam, anh chị ấn tượng với điều gì nhất?

 

Sylvia: Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2023 là năm đầu tiên chúng tôi ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tôi yêu văn hóa cho đi của người Việt. Mọi người sẽ cùng nhau tận hưởng không khí Tết. Đó là khoảng thời gian rất ấm áp. Và như chồng tôi đã nói, người Việt Nam biết tận hưởng cuộc sống. Bạn biết đấy, ở một số nền văn hóa, mọi người vùi đầu vào công việc. Nhưng ở đây, gia đình và mọi người xung quanh bạn đều đã rất cố gắng và họ muốn mọi người tận hưởng Tết cùng nhau.

 

Tết năm ngoái, chúng tôi đã ở đây và mọi thứ đều đóng cửa và trở nên rất yên tĩnh. Nhưng sau đó các trung tâm mua sắm bận rộn, các công viên đông đúc, điều này rất thú vị, giống như dịp Giáng Sinh vậy. Mọi người đều thực sự muốn về quê và ở bên gia đình của họ. Đó là điều tôi thực sự rất thích ở Việt Nam, cốt lõi đó là gia đình và mọi thứ đều xoay quanh việc bạn dành thời gian cho gia đình, không chỉ gia đình nhỏ của bạn, mà cả cha mẹ, ông bà và họ hàng, mọi người đều tụ tập lại với nhau. Tết Nguyên đán của Việt Nam tràn ngập không khí ấm áp.

 

Tôi ấn tượng với phong tục lì xì đầu năm mới của người Việt. Tôi thích việc mọi người đều rất hào hứng với những phong bao lì xì màu đỏ và những phong bao đỏ ở khắp mọi nơi. Việc trao cho nhau các phong bao lì xì đến một cách tự nhiên, đến từ tình yêu và xuất phát từ mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh.

 

Đặc biệt, tôi biết có những người sẽ đi 60 km, thậm chí hàng trăm km bằng xe máy hoặc ô tô để về quê thăm người thân trong dịp Tết. Mọi người đến với nhau và thưởng thức những món ăn ngày Tết. Mọi người cùng nhau nỗ lực nấu những món ăn ngon nhất, trang trí nhà cửa thật đẹp… Tất cả đều gắn kết và ấm áp. Vì vậy, tôi yêu thích phần cốt lõi của gia đình và việc ăn Tết cùng nhau, gắn kết với nhau của người Việt.

 

 

Mohamad: Vào dịp Tết, đường phố sẽ được chăng đèn, mọi thứ rất đẹp và lung linh. Ngoài ra, vào dịp Tết, mọi người sẽ mặc những chiếc áo dài rất đẹp, nhiều màu sắc.

 

Sylvia: Và cả cây cối nữa. Với tôi, Tết đi kèm với hình ảnh cây cối, hoa đào và chợ hoa. Rất độc đáo, rất nhiều loại hoa khác nhau được trưng bày khắp mọi nơi. Một điều tôi yêu thích ở Việt Nam là bạn có thể ném bất kỳ hạt giống ở bất cứ đâu và một loại cây sẽ mọc lên. Đất đai ở đây rất màu mỡ và bạn có thể thấy rằng trong ẩm thực, mỗi mùa lại có một loại món ăn và hoa theo từng mùa khác nhau rất đặc trưng.

những người đam mê du lịch, yêu thích trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới, anh chị nghĩ rằng Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn du khách quốc tế nhiều hơn nữa?

 

Sylvia: Việt Nam sở hữu vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt và đa dạng. Con người vô cùng thân thiện, văn hóa và lịch sử rất đặc sắc. Du khách đến Việt Nam rất dễ yêu mến đất nước này và rất khó để rời đi. Việt Nam là riêng biệt, là độc đáo, là duy nhất. Con người Việt Nam kiên cường, chăm chỉ, hiếu khách, nồng nhiệt. Phong cảnh rất đặc sắc ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương, Hà Nội, TP.HCM sôi động và nhộn nhịp, hoàn toàn khác biệt với những cánh đồng theo kiểu bậc thang xinh đẹp của Sapa, Hà Giang… biển Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc… không hề thua kém bất cứ vùng biển đẹp nhất hành tinh nào.

 

Để hấp dẫn du khách quốc tế và phát triển bền vững, tôi cho rằng, Việt Nam cần ra sức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tuyệt mĩ vốn có. Hiện nay, rác thải nhựa là một vấn đề lớn. Ô nhiễm do lạm dụng nhựa làm tổn hại đến môi trường. Tôi đã thấy Việt Nam thay đổi rất nhiều kể từ năm 2013. Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn và những bước đi này cần được khuếch đại hơn nữa. Và tôi tin rằng các bạn sẽ làm được điều đó.

 

Để bảo vệ môi trường, tôi nghĩ có rất nhiều việc phải làm, nhất là trong giáo dục, không chỉ cần giáo dục mọi người ở trong trường học mà còn cần có giải pháp giúp mọi người hiểu về tái chế và tính bền vững.

 

 

Mohamad: Tôi hoàn toàn đồng ý với Sylvia. Một điều quan trọng khác là giao thông, tôi nghĩ Việt Nam cũng đang giải quyết vấn đề này. Có rất nhiều thứ liên quan Việt Nam cần phải làm như tổ chức lại giao thông, quản lý vỉa hè.

 

Và vẫn còn rất nhiều việc phải làm xung quanh việc tạo ra không gian xanh, cũng như duy trì những không gian xanh cũ và mới. Và tôi nghĩ điều đó cũng sẽ làm giảm ô nhiễm không khí ở những đô thị lớn như Hà Nội.

 

Ở góc độ lao động, việc làm, thế hệ trẻ Việt Nam rất chăm chỉ và khao khát tạo ra sự khác biệt, nỗ lực để phát triển bản thân và đất nước. Tôi nghĩ, điều đó sẽ mở ra con đường cho những người nước ngoài như chúng tôi đến làm việc, đầu tư và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

những người rất yêu mến đất nước Việt Nam, gia đình anh chị có dự định sẽ ở lại Việt Nam trong bao lâu?

 

Mohamad: Tôi vừa mới gia hạn hợp đồng với Techcombank thêm 3 năm nữa, vì thế, ít nhất gia đình của tôi sẽ còn sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam thêm 3 năm. Sau đó, nếu có cơ hội tốt, chúng tôi còn muốn ở lại Việt Nam lâu hơn, vì chúng tôi rất yêu nơi này. Mọi thứ đều rất tuyệt vời cho chúng tôi và các con của chúng tôi.

 

Anh chị mong muốn Việt Nam phát triển như thế nào trong tương lai?

 

Sylvia: Việt Nam có phong cảnh rất đẹp. Từ góc độ du lịch, rõ ràng đây đã và sẽ trở thành một điểm đến rất độc đáo. Vì vậy, Chính phủ và người dân Việt Nam hãy bảo vệ cảnh quan đó và lấy đó làm điểm thu hút chính đối với du khách quốc tế. Đến Việt Nam vào năm 2013 và chứng kiến những thay đổi mà Việt Nam đã trải qua ngày nay thật đáng kinh ngạc. Tôi mong sự tiến bộ này sẽ được tiếp tục và còn hơn thế nữa.

 

Hiện nay, nhiều nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam đã chuyển sang dùng chai thuỷ tinh, ống hút bằng tre, vật dụng bằng đồ gỗ thay cho đồ nhựa. Đây là điều vô cùng tốt và là hướng đi đúng đắn. Tôi mong các bạn hãy nhân rộng việc bảo vệ môi trường, bảo vệ những địa điểm du lịch tuyệt vời đang có để biến Việt Nam thực sự là một đất nước tuyệt vời và độc đáo để quay trở lại không chỉ với chúng tôi và với tất cả các du khách trên thế giới.

 

Về kinh tế, Việt Nam là “con hổ mới” trong khu vực, đứng đầu top các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trên bản đồ thế giới, nhưng tôi thích Việt Nam không xây dựng thêm những tòa nhà cao tầng. Chúng tôi có thể đi Hồng Kông để nhìn những tòa nhà cao tầng. Tôi muốn nhìn thấy những ngôi nhà nhỏ hơn, có cảm thấy ấm áp hơn, gần gũi hơn và ít đông đúc hơn ở Việt Nam.

 

Mohamad: Tôi có một quan điểm ở một góc độ khác với Sylvia. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam trong những năm tới sẽ có nhiều thay đổi. Tôi thấy Hà Nội và TP.HCM phát triển theo những cách rất khác nhau. Vì vậy, nếu chúng ta tiến nhanh về tương lai, tôi nghĩ sẽ có một số hình ảnh có thể tưởng tượng về Hà Nội trong 15 đến 20 năm tới. Có thể Thủ đô của Việt Nam khi ấy hoặc trông giống như Hồng Kông, hoặc giống như Bangkok… Và chúng ta có thể tưởng tượng ra một phiên bản khác của Hà Nội: phát triển nhưng vẫn duy trì được vẻ đẹp dung dị, quyến rũ, đài các, cổ kính hiện tại, vẫn giữ được những di sản như những ngôi đền, biệt thự kiểu Pháp, những kiến trúc khác nhau làm cho Hà Nội trở nên độc đáo.

 

Tôi hy vọng rằng, Hà Nội sẽ phát triển nhưng vẫn bảo vệ được những di sản quý báu của mình, nhất là những kiến trúc lâu đời ở khu phố cổ hay khu vực quận Hoàn Kiếm. Đây là những phần rất quan trọng của thành phố và tôi mong chúng sẽ vẫn được bảo tồn khi Hà Nội phát triển.

 

Gia đình anh Mohamad El-Chafehi và chị Sylvia Gawad cùng hai con nhỏ tại tư gia. (Ảnh: Hồ Hạ)

 

Bình luận bài viết này
HỒ HẠ THỰC HIỆN 17/02/2024 09:41