Nội dung: Linh Lê - Hồ Hạ | Ảnh, Media: Chí Cường - Xuân Bách | Trình bày: Hồ Hạ

Điều được ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện độc quyền với Báo Đầu tư là khả năng hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư thương mại, thì khả năng là vô tận.

 

Là người gắn bó sâu sắc, am hiểu Việt Nam, là người có đóng góp lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trên nhiều cương vị, những ngày cuối tháng 3 này, ông cùng đại diện hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ có mặt tại Hà Nội trong nỗ lực kết nối những cơ hội rộng mở chưa từng có giữa doanh nghiệp hai nước. Đó là kết quả của một hành trình đi từ dè dặt, thận trọng đến sự hiểu biết, tôn trọng và xây dựng lòng tin.

 

 

người gắn bó và yêu Việt Nam, chuyến thăm lần này mang lại cho ông những cảm xúc gì?

 

Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi được trở về Hà Nội, trở về quê hương Việt Nam. Những ngày qua, chúng tôi rất bận rộn với nhiều cuộc họp cấp cao. Tôi cảm nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt ở mọi nơi chúng tôi đã đến.

Năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mức kỷ lục với 123,86 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Dấu mốc này thể hiện tầm quan trọng của Hoa Kỳ với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

 

Đặc biệt, Hoa Kỳ hiện là một trong những quốc gia đứng đầu về đầu tư vào Việt Nam, với các dự án có tổng vốn đầu tư trên 11 tỷ USD. Để có được những con số ấn tượng này, không thể không kể đến những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Hình ảnh tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với USABC.

 

Lịch trình làm việc của ông và hơn 50 công ty hàng đầu từ Mỹ luôn dày đặc với những cuộc họp với các bộ, ngành khác nhau của Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, với rất nhiều tên tuổi nổi tiếng và quen thuộc như Boeing, Citibank, Netflix, Coca Cola… và cả những công ty lớn khác đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm công nghệ, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng… Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm sâu sắc mà các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ dành cho thị trường Việt Nam.

 

Theo đánh giá của ông, đây có phải là dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian tới?

 

Đánh giá của nhà báo là chính xác. Sứ mệnh này mang tính lịch sử ở chỗ, đây là đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất đến Việt Nam mà chúng ta từng thấy, và nó cũng diễn ra vào dịp Kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong suốt 10 năm đó.

 

Thực tế là hơn 50 công ty có mặt tại đây là một dấu hiệu cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Niềm tin mạnh mẽ là vì con số tăng trưởng GDP quá cao, hơn 8% vào năm 2022. Lạm phát của Việt Nam thấp. Và các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho ông Ted Osius tại buổi làm việc mới đây.

 

Điều thú vị đối với tôi là việc Chính phủ Việt Nam đã thực sự trải thảm đỏ và đón tiếp nồng hậu đoàn doanh nghiệp. Tại sao vậy? Tôi nghĩ, đó là vì các lãnh đạo Việt Nam muốn chứng tỏ rằng, họ sẵn sàng bắt tay vào việc. Chúng ta có rất nhiều việc phải hoàn thành. Ở cấp bộ, ngành, mọi cuộc họp của chúng tôi đều rất cụ thể, đi đến kết quả. Các lãnh đạo Việt Nam rất kiên nhẫn. Họ đã trả lời các mối quan tâm và đưa ra giải đáp với 17 công ty.

 

Ở cấp cao nhất, chúng tôi đã gặp 4 Ủy viên Bộ Chính trị, chính họ là những người đưa ra yêu cầu về trách nhiệm giải trình. “Chúng tôi muốn thấy các kết quả cụ thể. Chúng tôi muốn các mối quan tâm của doanh nghiệp được giải quyết. Và chúng tôi muốn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ thấy rằng, chúng tôi mong muốn hợp tác kinh doanh và chúng tôi sẵn sàng cho nhiều dự án hơn nữa”. Và tôi thực sự phấn khởi với tất cả những điều này.

 

 

Qua câu chuyện vừa rồi, có thể thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ với Việt Nam. Và ngược lại, Việt Nam đã “trải thảm đỏ” tiếp đón các công ty Hoa Kỳ. Vậy, qua trao đổi, thảo luận của ông trong những ngày qua với các công ty Mỹ, ông thấy họ đánh giá như thế nào về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đã đạt được những kết quả chưa từng có?

 

Tôi nghĩ họ đánh giá các cơ hội khá tuyệt vời. Bởi, nhìn vào tình hình toàn cầu, có những nơi trên thế giới có thể đang rơi vào suy thoái. Nhưng khu vực này của thế giới, Đông Nam Á, lại là một trung tâm tăng trưởng. Việt Nam tăng trưởng 8% vào năm ngoái. Một số nước láng giềng của Việt Nam đã tăng trưởng hơn 5%. Chúng ta cũng có thể mong đợi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Có rất nhiều cơ hội.

 

Với tư cách là một người đã theo dõi Việt Nam trong một thời gian dài, tôi thấy thực sự thú vị và tuyệt vời khi một số nước láng giềng của Việt Nam đang nói rằng, “Chúng ta phải cạnh tranh với Việt Nam”.

 

Các công ty đang tìm kiếm một thứ gì đó đáng tin cậy, họ mong muốn những mối quan tâm của họ được giải quyết. Ví dụ, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, họ muốn đảm bảo có nguồn cung điện ổn định. Vì vậy, họ muốn thấy Chính phủ ban hành Quy hoạch Điện VIII. Họ muốn biết những kế hoạch về năng lượng sắp tới. Tóm lại, họ cần biết mối quan tâm của họ sẽ được giải quyết ở khía cạnh pháp lý.

 

Và thông điệp từ Chính phủ mà chúng tôi nhận được là: “Chúng tôi sẽ giải quyết mối lo ngại của bạn và chúng tôi sẽ làm điều đó một cách nhanh chóng”.

 

Hơn nữa, chúng tôi không chỉ nhận được sự đảm bảo bằng lời nói, mà còn có những đầu mối liên hệ rõ ràng để tiện theo dõi tiến độ. “Đây sẽ là người bạn gọi nếu  có bất kỳ vấn đề gì. Và nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì, bạn có thể gặp trực tiếp tôi”, các Bộ trưởng và Ủy viên Bộ Chính trị đã nói với chúng tôi như vậy.

 

Vì vậy, tôi nhận thấy sự tăng trưởng to lớn và tiềm năng khai thác sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ kinh tế của chúng ta.

 

Ông Ted Osius và các doanh nghiệp Hoa Kỳ làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

ràng, các công ty Mỹ có những kỳ vọng nhất định đối với những gì Việt Nam có thể làm tốt hơn. Vậy ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về cam kết, tầm nhìn và sự sẵn sàng của Việt Nam cho sự hợp tác này? Và Chính phủ Việt Nam có thể làm gì tốt hơn để chuẩn bị cho các khoản đầu tư sắp tới?

 

Vâng, tầm nhìn là khá rõ ràng. Chẳng hạn, chúng tôi đã nghe trong hầu hết mọi cuộc họp, một cam kết sâu sắc về chuyển đổi số. Khi nói về quá trình chuyển đổi số, vẫn còn rất nhiều điều phải giải quyết về mặt pháp lý.

 

Năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Washington D.C và các khu vực khác của Hoa Kỳ, chúng ta đã thiết lập một Biên bản ghi nhớ giúp khắc phục một số vấn đề không gian số để các công ty Mỹ có thể giúp Việt Nam đạt được nguyện vọng chuyển đổi số. Và chúng ta cũng thường xuyên nghe về tham vọng cao của Việt Nam đối với nền kinh tế số, rằng nó sẽ chiếm 20% GDP trong tương lai, sau đó sẽ là 30%.

 

Tôi nghĩ, những mục tiêu đầy tham vọng này là có thể. Nhưng hãy giải quyết các vấn đề. Hãy làm việc cùng nhau để hoàn thiện môi trường pháp lý. Điều này không dễ dàng. Hầu hết các quốc gia cũng chưa tìm ra các quy tắc của con đường chuyển đổi số. Hoa Kỳ cũng chưa tìm ra. Vì vậy, tôi sẽ không giả vờ như điều này là dễ dàng. Nhưng giờ đây, chúng ta đã thiết lập được một khuôn khổ để có thể sử dụng và đảm bảo rằng, tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe khi các quyết định được đưa ra.

 

Tôi nghĩ, có một tầm nhìn thực sự mạnh mẽ về chuyển đổi xanh cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, qua những cam kết của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Đây là tham vọng lớn, nhưng có thể đạt được nếu hợp tác với khu vực tư nhân. Chính khu vực tư nhân sẽ mang lại các nguồn lực cần thiết để thực hiện chuyển đổi đó. Ngoài ra, sẽ có sự đóng góp của G7, thông qua các thỏa thuận mà họ đã thực hiện với Việt Nam, cam kết 15,5 tỷ USD. Nhưng phần lớn nguồn lực sẽ đến từ khu vực tư nhân, từ các nhà đầu tư tư nhân. Và tham vọng rất cao. Điều này có thể được thực hiện, nhưng chúng ta phải làm việc cùng nhau.

 

Tôi nghĩ, cũng có một cam kết rất mạnh mẽ về cải cách và chuyển đổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.Và lần này, chúng tôi cũng có rất nhiều công ty về y tế - sức khỏe sẵn sàng hỗ trợ cũng như có các nguồn lực để thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng đó.

 

Và sau đó là các dịch vụ tài chính. Điều quan trọng là phải hiểu đúng khi nói đến các dịch vụ tài chính hay bảo hiểm sử dụng internet. Các công ty của chúng tôi có nguồn lực. Và tôi nghĩ, Việt Nam có tầm nhìn cho sự chuyển đổi đó. Và nếu hợp lực từ cả hai bên, điều đó có thể được thực hiện. Vì vậy, tôi nhìn thấy các cơ hội to lớn phía trước.

 

 

Tôi nghĩ việc khu vực tư nhân và khu vực công phải làm việc cùng nhau để tạo ra kết quả cũng áp dụng với hầu hết các quốc gia. Nhưng từ quan điểm của mình, ông có nghĩ rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ có những thách thức hoặc lợi thế cụ thể nào khi hợp tác kinh doanh không?

 

Đầu tiên, vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, điều này sẽ thúc đẩy đầu tư. Có điều, đôi khi những khoản đầu tư này sẽ không hiển thị ngay lập tức là đầu tư của Hoa Kỳ. Có một số công ty rất nổi tiếng có những khoản đầu tư lớn ở đây đã thực hiện điều đó thông qua một nước thứ ba, như Singapore hay Hà Lan.

 

Vì vậy, việc Hoa Kỳ cam kết với Việt Nam nhiều như thế nào có thể sẽ không thấy được ngay lập tức. Nhưng tôi biết có nhiều cam kết ở cấp độ chiến lược. Chắc chắn là có những cam kết này. Và ở cấp độ thương mại, cũng có những cam kết rất rõ ràng với Việt Nam và niềm tin vào Việt Nam, cũng như mong muốn chia sẻ tham vọng tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Ted Osius.

 

Trở lại với chuyến đi lần này của ông với USABC. Có điều gì thú vị từ chuyến thăm lần này mà ông muốn chia sẻ? Và có điều gì làm ông ngạc nhiên hay truyền cảm hứng cho ông không?

 

Tôi đã rất ngạc nhiên, một cách tích cực, về việc chúng tôi đã có một số cuộc thảo luận chất lượng về các chủ đề an ninh, bảo mật. Những cuộc thảo luận đó trước đây không thực sự khả thi, ngay cả khi tôi còn là Đại sứ đặcmệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cách đây vài năm. Nhưng lần này, rõ ràng là Chính phủ Việt Nam đã quyết định đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh. Và điều đó đồng nghĩa, Hoa Kỳ có thể là một trong những nhà cung cấp đáng tin cậy cho Việt Nam về những gì Việt Nam cần để duy trì an ninh và an toàn trong khu vực. Và các công ty của chúng tôi đã sẵn sàng. Tôi coi đó là một cơ hội mới to lớn trong mối quan hệ của hai nước.

 

Chúng ta đã có nhiều cơ hội làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế trên tất cả các lĩnh vực như nhà báo đã đề cập. Nhưng bây giờ, chúng ta có những cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác an ninh. Quan hệ này đã vững mạnh rồi, nhưng có thể mạnh hơn nữa nếu chúng ta hợp tác nhiều hơn. Nếu một số thiết bị mà Việt Nam sử dụng tương thích với thiết bị của Mỹ, và chúng ta có thể trở thành đối tác an ninh mạnh mẽ hơn nữa trên khía cạnh con người, thì không có giới hạn nào cho những gì chúng ta có thể làm cùng nhau.

 

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm và ông Ted Osius tại buổi làm việc mới đây.

 

Trong chuyến đi này, tôi cũng sẽ gặp rất nhiều học sinh, sinh viên. Tôi rất vui khi nghĩ về tiềm năng trao đổi giáo dục của hai nước. Việt Nam hiện là nước có số lượng sinh viên quốc tế lớn thứ 5 ở Hoa Kỳ. Con số này là rất ấn tượng khi so với Canada - nước ở ngay bên cạnh chúng tôi, hay các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ với dân số đông hơn nhiều. Việt Nam đang ở cùng cấp độ với những nước này và đang gửi rất nhiều sinh viên đến Mỹ. Và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ hiểu nhau hơn. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, đây là một cơ hội tuyệt vời.

 

Chúng ta đã có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, điều mà trước đây chưa có, cũng có nghĩa là nhiều khách du lịch sẽ qua lại hơn, nhiều thành viên gia đình thăm nhau hơn, nhiều sinh viên hơn, nhiều nhà đầu tư và doanh nhân hơn. Và như vậy, cộng đồng tại Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam, trong đó có nhiều người Mỹ gốc Việt, đang cởi mở hơn bao giờ hết với các cơ hội tại Việt Nam. Tôi thấy cơ hội trong tất cả những lĩnh vực đó.

 

Và lần này, chúng tôi dành nhiều thời gian thúc đẩy các hợp tác về y tế - sức khoẻ và những gì chúng ta có thể làm cùng nhau về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tôi thấy tất cả những cuộc trò chuyện đó đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi tôi còn là Đại sứ. Ngay cả khi đó, tôi đã thấy giữa hai nước có rất nhiều tiềm năng rồi. Nhưng bây giờ, các lĩnh vực hợp tác đã trở nên mạnh mẽ và sâu đậm hơn nữa.

 

Thật thú vị khi biết rằng, những thay đổi đang diễn ra. Và có những kết quả hợp tác tốt đẹp mà trước đây chưa có.

 

 

Với vai trò tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và khu vực ASEAN, xin ông chia sẻ một số dự án, sáng kiến hiện tại và tương lai của USABC nhằm khuyến khích hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới? Và tập trung sâu hơn vào Việt Nam, USABC có khuyến nghị gì để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến đầu tư của Hoa Kỳ và để Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam? Tôi được biết, đây là kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi làm việc với đoàn USABC mới đây?

 

Một lần nữa, tôi phải khẳng định, cơ hội là rất lớn. Một trong những điều đã thay đổi kể từ khi tôi ở đây, là hiện có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam ở Hoa Kỳ. Vì vậy, đây là một con đường hai chiều. Có thể thấy Vingroup và Vinfast đầu tư vào Bắc Carolina, sản xuất xe điện ở Mỹ. Đó là một cơ hội mới. Hay Sovico Holdings, An Phátđang đầu tư vào Mỹ. Vì vậy, giờ đây, Hoa Kỳ có thể coi Việt Nam như một đối tác đầu tư hai chiều. Và đây là điều chúng ta chưa thấy trước đây.

 

Khi chúng tôi đã đưa ra các đề xuất của mình trong mỗi cuộc họp, đây là những khuyến nghị của các công ty thành viên của chúng tôi. Trong nhiều trường hợp, những khuyến nghị này khá cụ thể. Ví dụ, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, họ muốn chỉ ra những gì có thể thực hiện được để đảm bảo rằng mọi công dân Việt Nam đều được tiếp cận với bảo hiểm y tế và rằng, Việt Nam được tiếp cận với các cơ chế tài chính hiện đại nhất để tài trợ cho sự phát triển của mình.

 

Trong từng lĩnh vực, chúng tôi đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ. Tất nhiên Chính phủ sẽ quyết định chính sách sẽ như thế nào, nhưng tôi nghĩ, Chính phủ cũng luôn lắng nghe các khuyến nghị của chúng tôi khi đưa ra quyết định về những việc cần làm trong tương lai.

 

Đặc biệt, chúng ta có những cơ hội to lớn trong năm nay. Hoa Kỳ sẽ tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và chúng tôi hy vọng sẽ chào đón tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đến San Francisco vào tháng 11 tới. Đó là một cơ hội.

 

Trong suốt cả năm, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ gặp nhau để thảo luận về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình đó và thiết lập các quy tắc về con đường kinh tế cho hầu hết nền kinh tế thế giới, bởi vì một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu được thể hiện trong các cuộc thảo luận về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Vì vậy, với mỗi cuộc thảo luận đó, chúng ta có cơ hội đi đến thống nhất về những gì có lợi cho cả hai bên, và các chuyến thăm cấp cao theo cả hai hướng cho phép chúng tôi đồng bộ hóa các chính sách của mình. Chúng ta có thể thấy một số lượng đáng kinh ngạc các chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam từ Hoa Kỳ, và sẽ có nhiều chuyến thăm như vậy hơn nữa. Tôi nghĩ sau đó sẽ có nhiều chuyến thăm đến Hoa Kỳ hơn. Và khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò đảm bảo rằng những cam kết này được thực hiện, và rằng chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác kinh tế của hai bên.

 

Đó là vai trò của USABC ở cấp cao. Chúng tôi là một cầu nối giữa Hoa Kỳ - Việt Nam và các quốc gia khác trong ASEAN. Chúng tôi đang tạo điều kiện cho nhiều sự tương tác hơn - những tương tác chưa tồn tại trước đây.

 

Ông Ted Osius và các doanh nghiệp Hoa Kỳ làm việc tại Bộ Công thương.

 

Còn cá nhân ông, với kiến thức sâu rộng của ông về cả hai quốc gia và mối quan hệ hai nước trong hơn 30 năm qua, ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam và ngược lại? Như ông đã nói, hiện nay có rất nhiều người Việt Nam và các công ty Việt Nam đang đầu tư vào Mỹ, và đó là điều chưa từng xảy ra trước đây?

 

Lời khuyên của tôi rất đơn giản. Nếu muốn thành công ở Việt Nam, cần phải kiên nhẫn và bền bỉ. Những công ty quyết định họ sẽ ở Việt Nam lâu dài, nếu họ kiên nhẫn và bền bỉ, họ sẽ thành công. Một yếu tố khác mà tôi nghĩ là quan trọng, đó là hiểu được bối cảnh nơi bạn làm việc và tôn trọng môi trường nơi bạn làm việc. Nếu các công ty Mỹ thực sự dành thời gian để hiểu Việt Nam, bối cảnh văn hóa, bối cảnh lịch sử, điều kiện lao động, họ sẽ thành công hơn.

 

Và tôi cũng muốn nói như vậy với các công ty Việt Nam đầu tư vào Mỹ. Hãy dành thời gian để hiểu về chính trị của chúng tôi - có chút ồn ào, nhưng mọi thứ đều minh bạch. Các công ty cũng cần hiểu bối cảnh văn hóa nơi họ đang đầu tư. Và các dấu hiệu đều cho thấy các công ty Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ đang dành thời gian để làm điều đó, và nỗ lực để hiểu kinh doanh tại Hoa Kỳ là như thế nào. Tóm lại, hãy kiên nhẫn, bền bỉ và hiểu bối cảnh mà bạn đang kinh doanh.

 

 

Và những chuyến đi của phái đoàn doanh nghiệp như thế này đang tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện điều này - để hai bên hiểu nhau hơn, thưa ông?

 

Chính xác. Tôi đã nghe đi, nghe lại điều đó từ các công ty thành viên. “Ồ, trước đây tôi đã chưa hiểu điều đó. Đây từng là một trở ngại”, và tôi đã nghe từ phía Chính phủ Việt Nam: “Được rồi. Chúng tôi biết đây là một vấn đề đáng lo ngại, những đề xuất của bạn vừa rồi có thể phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi, trong bối cảnh chính trị và văn hóa của chúng tôi. Được rồi, hãy xem chúng ta có thể làm gì cùng nhau. Và hãy có những cuộc thảo luận tiếp theo”. Chúng tôi đã nghe đi, nghe lại điều đó trong tuần trước.

 

Có ý kiến cho rằng, để tương xứng với sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong quan hệ giữa hai nước, nhằm thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI từ doanh nghiệp Hoa Kỳ, hai nước chúng ta có cần một Hiệp định đầu tư song phương mới làm nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng giữa hai bên. Ông nghĩ sao về điều này?

 

Tôi luôn quan tâm đến bản chất của bất kỳ thỏa thuận nào. Mỗi khi có một “mối quan hệ” giữa hai bên, chúng tacần hỏi, thực sự chúng ta đang làm gì cùng nhau? Vừa nãy, tôi đã chỉ ra những gì tôi nghĩ hai nước có thể làm được nhiều hơn: trong lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực an ninh. Và không có giới hạn khi nói đến mối quan hệ giữa người với người.

 

Khi tập trung vào những thứ như sức khỏe - y tế, hay chất lượng không khí mà trẻ em Việt Nam hít thở, chất lượng nước mà trẻ uống, thì có nghĩa chúng ta đang đi xuống cấp độ người dân, cấp độ gia đình. Và khi chúng tatập trung sự cộng tác của mình vào những lĩnh vực hợp tác hiệu quả, nơi mà việc kinh doanh là khả thi. Chúng ta đang làm việc cùng nhau hết mức có thể, thì chúng ta sẽ biến đổi mối quan hệ theo bất cứ cách gọi nào.

 

 

Là người gắn bó mật thiết với đất nước, con người Việt Nam khi từng là Tùy viên Chính trị tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM và tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, Việt Nam, từ năm 1997 đến năm 2001; và có nhiệm kỳ từ năm 2014 - 2017 là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và nhiều đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy những bước tiến lớn trong quan hệ hai nước, theo ông, đâu là những bước tiến lớn trong quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, nhất là năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện?

 

Có rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong 30 năm tôi gắn bó với Việt Nam. Và thật thú vị khi thấy tất cả những tiến bộ trong các mối quan hệ. Nhưng nếu tôi có thể xác định một thời điểm thực sự nâng tầm mối quan hệ của chúng ta, thì đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015, khi ông đến Phòng Bầu dục gặp Tổng thống Obama. Và cuộc trao đổi đó thực sự mang tính lịch sử - họ đã dành gấp đôi thời gian được định sẵn để nói chuyện.

 

Tổng thống Hoa Kỳ đã nói: “Chúng tôi tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau”. Và Tổng Bí thư cũng nói: “Chúng tôi tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau”. Và đặt một nền móng đồng thuận rằng, chúng ta có thể tôn trọng các giá trị của nhau và hệ thống chính trị của nhau. Và chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong các lĩnh vực chúng ta cùng quan tâm.

 

Và “bùm”, chúng ta bắt đầu tham gia cuộc đua kể từ thời điểm đó. Mọi thứ trước đây vốn khó phát triển bỗng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Cũng kể từ thời điểm đó, mối quan hệ an ninh của chúng ta trở nên sâu sắc hơn, và Việt Nam bắt đầu làm việc với chúng tôi nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác trên Trái đất trong lĩnh vực an ninh.

 

Ông Ted Osius: "Nếu có một khoảnh khắc mà tôi nghĩ là quan trọng, thì đó là khi lãnh đạo hai nước ngồi trong Phòng Bầu dục và nói chuyện".

 

Chúng ta cũng đã tiến nhanh hơn nhiều trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế. Trước thời điểm đó, chúng ta đã có hiểu biết tốt về lĩnh vực y tế và hợp tác y tế. Nhưng sau năm 2015, hợp tác y tế đã tiến triển nhanh hơn nhiều, thậm chí gần đây, Hoa Kỳ đã thành lập một trung tâm khu vực về hợp tác chăm sóc sức khỏe, ngay tại Hà Nội.

 

Chúng ta đã có những bước tiến thực sự đáng kể. Chúng ta đã tiến lên trong lĩnh vực giáo dục. Cũng chính trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại học Fulbright đã được giao nhiệm vụ cung cấp nền giáo dục kiểu Mỹ tại Việt Nam. Sau này, chúng tôi đã có thể thành lập Đoàn Hòa bình.

 

Nhiều lĩnh vực trước đó không phải là lĩnh vực hợp tác, đã trở thành lĩnh vực hợp tác tích cực giữa hai nước, nhờ kết quả của chuyến thăm rất quan trọng đó. Vì vậy, nếu có một khoảnh khắc mà tôi nghĩ là quan trọng, thì đó là khi lãnh đạo hai nước ngồi trong Phòng Bầu dục và nói chuyện.

 

 

Đây thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng. Tôi thấy rằng, cuối cùng, tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Chỉ cần có được sự tương tác giữa người với người, trong trường hợp này là những người lãnh đạo có quyền quyết định, để có được sự thấu hiểu lẫn nhau, mọi thứ đều có thể tiến triển. Và trong đó cũng có phần đóng góp quan trọng của những người như ông. Từ cuộc trò chuyện của chúng ta, tôi tin trong trái tim ông, Việt Nam có một phần rất lớn. Tôi được biết ông đã viết cuốn sách với tựa đề “Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam”? Cuốn sách của ông mang những thông điệp lớn cho quan hệ giữa hai quốc gia vốn trước đây là cựu thù. Vậy ông có thể chia sẻ những điều ông gửi gắm với người dân hai nước?

 

Chắc chắn rồi. Tôi rất tự hào về cuốn sách. Cuốn sách kể câu chuyện về những anh hùng đã đưa mối quan hệ của chúng ta từ hai kẻ thù thành một tình bạn sâu sắc. Tôi nghĩ tại thời điểm này, chúng ta đã có một tình bạn sâu sắc. Và điều đó không xảy ra một cách tình cờ. Có những người làm cho điều đó xảy ra. Có những người ở Việt Nam đã chấp nhận rủi ro thực tế lớn cho mối quan hệ, và có những người ở Mỹ cũng đã chấp nhận rủi ro lớn cho mối quan hệ này. Nó không dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ có một bài học sâu sắc trong những câu chuyện đó.

 

Nhưng khi ngẫm lại, câu trả lời thực sự khá đơn giản. Nếu bạn có thể thể hiện sự tôn trọng với người khác, với một nền văn hóa khác, một lịch sử khác, một ngôn ngữ khác, nếu bạn có thể thể hiện sự tôn trọng, điều đó sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng lòng tin. Và nếu bạn bắt đầu xây dựng lòng tin, thì bạn có thể làm mọi việc cùng nhau. Làm việc cùng nhau lại cần củng cố xây dựng niềm tin nhiều hơn, và nhiều hơn nữa. Và điều đó dẫn đến quan hệ đối tác.

 

Tôi đề cập đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với tôi, chuyến thăm này đã khởi động một giai đoạn tin tưởng hơn nữa giữa hai nước. Hoa Kỳ đã thể hiện sự tôn trọng. Và Việt Nam cũng vậy. Cá nhân tôi đã cố gắng trong suốt thời gian tôi làm Đại sứ để thể hiện sự tôn trọng của mình. Và điều đó thật dễ dàng.

 

Tôi tôn trọng ngôn ngữ, lịch sử, con người và văn hóa Việt Nam. Và nếu bạn có thể thể hiện sự tôn trọng đó, thì bạn sẽ được đền đáp bằng sự tin tưởng, và bạn có thể làm mọi việc cũng như có thể xây dựng mối quan hệ đối tác. Và tôi nghĩ, đó là câu chuyện của cuốn sách này.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.

 

Tin tưởng và tôn trọng thực sự là mối quan hệ hai chiều, thưa ông?

 

Đúng là như vậy.

 

Câu hỏi cuối cùng tôi muốn gửi đến ông: nhìn về tương lai, với tình yêu dành cho Việt Nam, với nỗ lực thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa hai nước, xin ông chia sẻ góc nhìn của mình về một Việt Nam trong tương lai, về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ?

 

Tôi thấy một mối quan hệ liên tục được củng cố. Chúng ta đã xây dựng lại nền tảng, hay còn hơn cả nền tảng, chúng ta đã xây dựng mối quan hệ đối tác. Chúng ta đã xây dựng một mối quan hệ đối tác tốt đẹp và bền chặt, và điều đó phụ thuộc vào con người. Vì vậy, điều tôi muốn thấy là có nhiều người qua lại giữa hai nước chúng ta, trao đổi giáo dục nhiều hơn, nhiều nhà đầu tư và doanh nhân đến đây hơn, thắt chặt quan hệ kinh tế hơn, hiểu biết lẫn nhau hơn ở cả hai nước. Và rồi điều đó dẫn đến, như tôi đã đề cập, đó là làm việc cùng nhau.

 

Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ cao, có rất nhiều tài năng ở đất nước này. Và với những thứ chúng ta có thể làm cùng nhau trong lĩnh vực công nghệ sinh học và lượng tử, điện toán lượng tử, thì chúng ta có thể cùng nhau làm nhiều thứ hơn trong lĩnh vực y tế.

 

Hãy nhìn xem, chúng ta đã cùng nhau hợp tác trong đại dịch Covid-19 vừa rồi. Hoa Kỳ đã gửi 40 triệu liều vắc-xin sang Việt Nam và bảo đảm khắp 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều có tủ lạnh để phân phát cho toàn dân. Nhưng đây cũng là sự hợp tác hai chiều. Các nhà dịch tễ học Việt Nam đã có cơ hội để có thể dạy cho các nhà khoa học Mỹ về những nguy hiểm có thể xảy ra với một căn bệnh mới hoặc một đại dịch mới. Đó là sự hợp tác hai chiều nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân ở cả hai quốc gia.

 

Tôi đã đề cập trước đó về mối quan hệ quốc phòng và an ninh mà tôi nghĩ có thể mở rộng vì lợi ích của cả hai nước. Cả hai nước đều cam kết vì hòa bình và ổn định ở khu vực này của thế giới.

 

Khi khả năng của Việt Nam tăng lên, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với Hoa Kỳ. Và tất nhiên, trong lĩnh vực đầu tư thương mại, lĩnh vực mà tôi đang hoạt động, tôi nghĩ khả năng là vô tận. Và việc chúng ta đang đàm phán về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là rất quan trọng, đồng thời cho chúng ta những không gian để hiểu biết lẫn nhau, về những gì tốt nhất cho cả hai nước, cho khu vực và trên thế giới, khi nói đến thương mại và đầu tư. Vì vậy, tầm nhìn của tôi là về một mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển, năng động, mở rộng, sâu sắc trong từng lĩnh vực mà tôi vừa đề cập.

 

Như vậy, có thể thấy các khả năng là vô tận và giữa hai nước có một mối quan hệ liên tục mở rộng. Và không có gì là không thể nếu có niềm tin và sự tôn trọng.

 

Đúng vậy, không có gì là không thể!

 

Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh.

 

 

Có thể thấy, các doanh nghiệp Mỹ ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, trong tất cả các ngành công nghiệp khác nhau. Họ tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Sự hiện diện của ông Ted Osius tại đây và phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam lần này là sự khẳng định rõ ràng về sự quan tâm đó.

 

Với những gì ông Ted Osius đã đề cập, chúng ta có thể kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian tới. Và các công ty Việt Nam, cũng như đất nước Việt Nam nói chung đã sẵn sàng để chào đón người Mỹ và các nhà đầu tư, với thế mạnh của mình, sẽ hỗ trợ Việt Nam “nâng cấp” nền kinh tế, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC tại Trường quay Báo Đầu tư.

 

Bình luận bài viết này
Linh Lê - Hồ Hạ - Chí Cường 28/03/2023 08:10