Không chọn sự ồn ã với những tiếng vỗ tay, ông chọn sự im lặng, lao động và dấn thân. Không chọn sự nhẹ nhàng, ông chọn cuộc chiến khắc nghiệt nhất với bệnh tật. Và với ông, y học không chỉ là kỹ thuật, mà còn là nhân đạo.

 

Đó là hình dung của tôi và có lẽ là của rất nhiều người khi nhắc đến GS.TS, TTND, BS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Ở Việt Nam, có nhiều bác sỹ giỏi, có nhiều thầy thuốc không chỉ chữa lành vết thương trên thân thể, mà còn hàn gắn những mảnh vỡ trong tâm hồn, khơi lên ánh sáng hy vọng nơi những miền tăm tối nhất của sự sống. Và, với tài năng, với trái tim biết thấu cảm và đôi tay biết truyền hy vọng, GS.TS Lê Ngọc Thành là một trong số những người như thế.

 

 

Một ngày tháng Sáu, Hà Nội nóng như đổ lửa, trên trang cá nhân của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam xuất hiện một dòng chia sẻ ngắn, kèm vài bức ảnh em bé sơ sinh đỏ hỏn trong vòng tay người mẹ trẻ. Chỉ là vài tấm ảnh, nhưng phía sau đó là cả một câu chuyện khiến tim tôi nghẹn lại về một kỳ tích y học được viết nên cách đây 13 năm bởi bàn tay và trái tim của GS.TS Lê Ngọc Thành.

 

Chuyện rằng, sáng ngày 5/6/2012, chị Hằng - người phụ nữ lam lũ, gánh nặng cơ cực của nghề phụ hồ bế con gái bé nhỏ mới 7 tuổi, tên Huyền, bước vào cánh cửa phòng bệnh. Đứa trẻ mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, nhiều lần vật lộn với những cơn tím tái, ngạt thở.

 

Nhà báo Trần Đăng Tuấn kể đã không biết bao nhiêu lần đưa cháu bé đi xét nghiệm, tham khảo ý kiến của hàng loạt chuyên gia trong và ngoài nước. Nhưng mọi kết quả đều như một nhát dao cắt vào hy vọng: nếu phẫu thuật, khả năng sống sót chỉ vỏn vẹn 1%. Trong khoảnh khắc ấy, anh em nhóm Cơm Có Thịt gần như đành lòng chấp nhận sự thật nghiệt ngã.

 

Nhưng rồi, ngày hôm sau, khi gặp lại ánh mắt người mẹ, ánh mắt chất chứa nỗi tuyệt vọng, nhưng vẫn còn đó chút niềm tin mong manh và nghe những lời chị nghẹn ngào mà vẫn cố thắp hy vọng cho con, họ không đành lòng buông tay. Và thế là, họ trở lại bên bác sỹ Thành. Biết đâu, Trời và Phật vẫn dang tay qua chính đôi tay của người thầy thuốc tài năng với trái tim nhân ái này.

 

 

Trước khi bước vào cuộc đại phẫu, bác sỹ Đại, trợ lý của GS.TS Lê Ngọc Thành cũng đã trao đổi thẳng thắn với chị Hằng trong phút giây quyết định cuối cùng: “Chị hãy cân nhắc thật kỹ. Giờ chị còn bế con trên tay, nhưng chỉ vài giờ nữa thôi, chị có thể sẽ không còn cháu nữa. Nếu không mổ, cháu vẫn có thể sống đến chiều nay. Chúng tôi dám nhận ca này, nhưng chị phải hiểu rõ mọi rủi ro”. Lời nói ấy không đơn thuần là cảnh báo, mà còn là tấm lòng chân thành, để cho gia đình nắm rõ quyền lựa chọn trong một cuộc đấu tranh sinh tử.

 

Chị Hằng òa khóc nức nở: “Em muốn con em sống thì sống cho ra sống, chứ không chịu cảnh sống khổ sở, lê lết chờ chết từng ngày thế này! Xin các bác hãy cứu con em!”. Trong giây phút ấy, không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt, nước mắt của sự chia sẻ, của sự hy vọng mong manh nhưng cháy bỏng.

 

Thời gian chờ đợi bên ngoài phòng mổ như kéo dài đến vô tận. Rồi điện thoại reo, tôi nghe tiếng bác sỹ Thành ở đầu dây, ba từ ngắn gọn mà như phá vỡ mọi khoảng lặng: “Cháu sẽ sống!”. Khi bước vào căn phòng, tất cả im lặng đến nghẹt thở. Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má, không phải là nỗi buồn, mà là hạnh phúc và sự biết ơn vô bờ bến.

 

Bé Huyền đã hồi phục, lớn lên khỏe mạnh, trưởng thành và rồi… hôm nay, cô bé năm xưa đã trở thành người mẹ. Từ con số 1% mong manh ấy, một sự sống mới đã được nối dài, một vòng tròn kỳ diệu được khép lại, nhờ trái tim rộng mở và đôi bàn tay tài hoa của bác sỹ Lê Ngọc Thành.

 

Hơn 4 thập kỷ gắn bó với nghề, GS.TS Lê Ngọc Thành đã đặt nền móng cho nhiều bước tiến quan trọng trong phẫu thuật tim mạch, là người đứng sau hàng ngàn ca mổ, đưa bệnh nhân như từ cõi chết trở về. Không chỉ riêng Huyền, biết bao sinh mạng khác cũng được hồi sinh nhờ sự quả cảm, trí tuệ và tình yêu thương của ông.

 

Đêm 30 Tết Giáp Thìn 2024, khi khắp mọi miền đất nước đang ngập tràn tiếng pháo hoa và niềm vui đoàn viên, GS.TS Thành cùng ê-kíp vẫn bền bỉ trong phòng mổ kéo dài 12 tiếng đồng hồ, thực hiện ca ghép phổi đặc biệt cho cô gái 21 tuổi người dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn, cô gái từng phải bỏ học vì căn bệnh u cơ trơn bạch huyết (LAM), căn bệnh hiếm gặp, tàn phá phổi, cận kề cái chết.

 

Ca mổ kéo dài từ sáng đến tận khuya, mọi chi tiết đều hoàn hảo, không một sai sót. Lá phổi mới hoạt động trơn tru và Trung tâm Ghép phổi UCSF của Hoa Kỳ đánh giá đây là một trong những ca phẫu thuật ghép phổi thành công nhất theo chuẩn quốc tế.

 

“Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương và lại là một ca rất khó khăn. Nhưng tất cả các bước đều được thực hiện chuẩn mực. Ngày cuối cùng của năm cũ mà giữ được một sự sống, đó chính là món quà quý giá nhất cho năm mới”, GS.TS Lê Ngọc Thành tâm sự.

 

Người thầy thuốc ấy đã trải qua biết bao trận chiến cam go trong phòng mổ, nhưng ông luôn vững niềm tin và kiên định vào sự sống trong từng ca mổ. Không phô trương, không ồn ào, chỉ âm thầm gieo mầm sự sống, ông đã để lại sau lưng hàng ngàn nhịp tim hồi sinh, những gia đình đoàn tụ, và những em bé như Huyền được lớn lên, được yêu thương và được làm mẹ.

 

 

Trong rất nhiều tài năng của nền y học Việt Nam, GS.TS Lê Ngọc Thành được biết đến với bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhân ái. Ông dành trọn trái tim và sự nghiệp của mình để chữa lành những trái tim lỗi nhịp, đặc biệt là những sinh linh bé nhỏ, mong manh, cần được chở che. Ở nơi mà sự sống đôi khi chỉ được đong đếm bằng từng nhịp tim, bàn tay ông như là hiện thân của niềm hy vọng và phép màu.

 

Từ những bước chân đầu tiên khi tốt nghiệp bác sỹ đa khoa ngành Ngoại sản năm 1984, cho đến những ngày tháng tận tâm với từng ca mổ tim, GS.TS Lê Ngọc Thành đã trải qua một hành trình dài đầy thử thách và vinh quang. Ông không chỉ là người thầy thuốc tài năng, mà còn là người lãnh đạo xuất sắc, một nhà khoa học nghiêm túc, đã góp phần tạo nên những bước ngoặt quan trọng trong phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam.

 

Gần 4 thập kỷ cống hiến, GS.TS Lê Ngọc Thành đã chinh phục những đỉnh cao kỹ thuật tưởng chừng như chỉ có thể thực hiện ở các trung tâm y khoa hàng đầu thế giới. Năm 2006, khi việc phẫu thuật tim hở cho trẻ sơ sinh dưới 10 kg vẫn còn là thách thức lớn tại Việt Nam, ông đã không ngừng học hỏi, đưa đội ngũ y bác sỹ sang Pháp đào tạo và tiên phong thực hiện những ca mổ đầu tiên với thành công vang dội. Những bệnh nhi mang bệnh tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ hay tứ chứng Fallot lần lượt được cứu sống, mở ra hy vọng mới cho hàng nghìn gia đình.

 

Năm 2013, dấu ấn lịch sử tiếp tục được tạo ra khi GS.TS Lê Ngọc Thành cùng đội ngũ của mình là những người đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ, kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và trang thiết bị hiện đại bậc nhất. Hơn 800 ca phẫu thuật với thành tích đáng kinh ngạc đã ghi dấu ấn không thể phai mờ, đưa Việt Nam sánh vai cùng thế giới trong lĩnh vực này.

 

 

Chưa bao giờ, GS.TS Lê Ngọc Thành chỉ đơn thuần dừng lại ở những thành tựu khoa học. Với ông, trái tim của người thầy thuốc còn là trái tim của tình thương và sự sẻ chia. Những cuộc phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo, những chuyến đi khám sàng lọc và điều trị cho các bệnh nhi ở vùng sâu, vùng xa đã trở thành sứ mệnh thiêng liêng của ông.

 

Chương trình “Trái tim cho em” ra đời như một phép màu, khởi nguồn từ những ca phẫu thuật đầy cảm động mà ông trực tiếp thực hiện. Với sự đồng hành của các tổ chức thiện nguyện và cộng đồng, chương trình đã trao tặng cuộc sống mới cho hàng ngàn trái tim bé nhỏ, mang đến niềm hy vọng và niềm vui cho biết bao gia đình nghèo khó.

 

Như PGS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội từng nhận định, GS.TS Lê Ngọc Thành không chỉ là một chuyên gia đầu ngành, mà còn là người thắp sáng ngọn lửa đam mê cho thế hệ y bác sỹ tương lai, góp phần xây dựng nền y học tim mạch Việt Nam ngày một vững mạnh.

 

Từ những đêm thức trắng bên bàn mổ, đến những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và đào tạo, GS.TS Lê Ngọc Thành chính là hiện thân của sự tận tâm, chuyên nghiệp và lòng nhân ái, những giá trị quý giá nhất của nghề y.

 

Trong suốt 27 năm công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông từng giữ vị trí Trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực từ năm 2004 đến năm 2010 trước khi chuyển công tác về Bệnh viện E. Với vai trò Giám đốc Bệnh viện kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch tại đây, ông đã có những quyết định góp phần đưa Bệnh viện E từng bước đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và phát triển các chuyên khoa mũi nhọn như tim mạch, cơ xương khớp, sọ não, tiêu hóa, đào tạo chỉ đạo tuyến, và mới đây nhất là chuyên khoa ung bướu. Nhờ vậy, Bệnh viện E đã khẳng định vị thế là một cơ sở khám chữa bệnh được nhân dân trong và ngoài nước tin tưởng.

 

 

Khi đảm nhận vai trò Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội, một trong những mục tiêu lớn nhất của GS.TS Lê Ngọc Thành là đưa Bệnh viện E trở thành cơ sở thực hành chính thức, vững chắc của Trường đại học Y Hà Nội. Ông không chỉ dừng lại ở việc phát triển bệnh viện, mà còn không ngừng khuyến khích, động viên đội ngũ bác sỹ tại đây liên tục học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

 

“Với tôi, học tập không chỉ là nhu cầu, mà còn là trách nhiệm và đam mê. Nếu không học, không trau dồi kiến thức, làm sao có thể trở thành một bác sỹ giỏi?”, GS.TS Lê Ngọc Thành chia sẻ. Ông tin rằng, đối với người làm nghề y, nếu có tình yêu nghề chân thành, học hành bài bản, họ sẽ không chỉ thành công trong chuyên môn, mà còn có cuộc sống ổn định. Nghề y không chỉ là sự nghiệp, mà còn là sứ mệnh được xã hội tôn trọng và cần đến.

 

Không những thế, ông nhấn mạnh mối liên hệ thiêng liêng giữa nghề y và nghề giáo: “Người bác sỹ giỏi thường sẽ trở thành người thầy thuốc, người thầy giáo truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ kế cận. Ở Việt Nam hay trên thế giới, nghề y và nghề giáo luôn gắn bó mật thiết, “tuy hai mà một”.” Trong tâm tưởng của GS.TS Lê Ngọc Thành, người thầy thuốc không chỉ chữa bệnh cho bệnh nhân, mà còn là người “truyền nghề” cho học trò, đồng thời luôn sống trong tình yêu thương và trách nhiệm với con người.

 

Chính sự gắn bó với nghề giáo đã đưa ông đến một bước ngoặt quan trọng: Năm 2018, khi Đại học Quốc gia Hà Nội mời ông làm Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ông đã nhận lời kiêm nhiệm, mở rộng phạm vi cống hiến của mình. Từ đây, ông có nhiều cơ hội hơn để kết nối chặt chẽ giữa bệnh viện và nhà trường, giữa thực hành và đào tạo.

 

 

GS.TS Lê Ngọc Thành luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các thế hệ học trò và đồng nghiệp, tạo điều kiện tối đa để họ phát triển. “Với tôi, điều quan trọng nhất ở một học trò là tính trung thực và chịu khó, hai yếu tố tưởng chừng đơn giản, nhưng sẽ đồng hành suốt đời trong nghề y, bởi sai sót dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người”.

 

Trong một buổi tác nghiệp, tôi có cơ hội được trò chuyện cùng Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành - một con người mà chỉ cần tiếp xúc đôi phút cũng đủ để cảm nhận rõ ngọn lửa đam mê và tình yêu nồng cháy ông dành cho thế hệ trẻ. Không chỉ là một bác sỹ đầu ngành, một nhà giáo mẫu mực, ông còn là một người truyền lửa âm thầm, nhưng mãnh liệt, luôn đau đáu với việc bồi đắp tri thức, hun đúc tâm huyết và nhân cách cho lớp lớp học trò.

 

Trong ít phút ngắn ngủi của giờ nghỉ trưa, ông vẫn tranh thủ ký duyệt hồ sơ cho một nghiên cứu sinh chuẩn bị đi du học. Tay ông thoăn thoắt rà lại từng dòng tài liệu, mắt ánh lên niềm tin xen lẫn hy vọng: “Chỉ mong em mang được hành trang kiến thức ấy đi học hỏi thật nhiều. Và nếu sau này em lựa chọn quay về, thì đó thực sự là một điều đáng quý, một giấc mơ đẹp”.

 

Lời chia sẻ ấy chứa đựng chiều sâu của một trái tim thầy thuốc - thầy giáo luôn mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho học trò mình. Với GS.TS Lê Ngọc Thành, mỗi học trò là một hạt mầm và nhiệm vụ của người thầy là tạo nên những mảnh đất màu mỡ để chúng lớn lên, tỏa bóng. Và với những học trò chọn con đường ra nước ngoài nâng tầm tri thức, ông luôn kỳ vọng họ có thể quay về cắm rễ trên chính quê hương mình. Đó là lý tưởng, là khát vọng, cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời đầy cống hiến của ông.

 

 

Ông cũng chia sẻ quan điểm sâu sắc về con đường phát triển nghề nghiệp của một bác sỹ qua 5 dấu mốc quan trọng, từ thành thạo kỹ năng chuyên môn và thực hành, đến tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cuối cùng là sự cầu thị, đổi mới trong công tác quản lý, điều hành. “Tôi không đặt khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, không ngại giúp đỡ các bạn trẻ. Môi trường làm việc ở đây luôn mở rộng và cởi mở để mọi người có thể phát triển hết khả năng”, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược tâm sự.

 

Tuy vậy, GS.TS Lê Ngọc Thành cũng bày tỏ những trăn trở sâu sắc về thực trạng giữ chân nhân lực trong ngành y, một nghề đặc thù với thời gian học tập lâu dài và áp lực lớn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách đãi ngộ hợp lý để các bác sỹ có thể an tâm cống hiến, đặc biệt là những chuyên ngành khó khăn như tim mạch, tâm thần, lao, truyền nhiễm hay hồi sức cấp cứu. “Nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, chúng ta sẽ mất đi những tài năng quý giá, khiến ngành y khó phát triển bền vững”, ông nói.

 

Ông thẳng thắn chia sẻ, để trở thành bác sỹ chuyên sâu về tim mạch, có thể mất đến 12-15 năm học tập; nội trú cũng phải 9 năm, nhưng khi ra trường, chính sách đối với họ lại chưa tương xứng với sự đầu tư và công sức đã bỏ ra. Trong khi đó, thu nhập và chế độ đãi ngộ giữa các chuyên ngành cũng chưa công bằng, dẫn đến nhiều khó khăn và nguy cơ bỏ nghề.

 

GS.TS Lê Ngọc Thành kiến nghị, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng chính sách chi tiết, rõ ràng, phù hợp với từng chuyên ngành và vùng miền. Đây là điều kiện tiên quyết để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, cũng như giữ vững chất lượng đào tạo, khám chữa bệnh trên toàn quốc.

 

Trên hành trình vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy giáo, GS.TS Lê Ngọc Thành luôn giữ vững niềm tin rằng, chỉ có sự kết hợp hài hòa giữa đào tạo và thực hành, giữa bệnh viện và nhà trường mới tạo ra những thế hệ bác sỹ không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn giàu nhân cách, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam ngày một vững mạnh, vì sức khỏe và cuộc sống của người dân.

 

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y, GS.TS Lê Ngọc Thành từ nhỏ đã được nuôi dưỡng đam mê và bén duyên với nghề bằng tình yêu sâu sắc và sự tâm huyết. Ngay từ những năm 1980, khi còn làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông đã khẳng định mình qua nhiều bài báo nghiên cứu y khoa được đăng tải, đồng thời tích cực tham gia công tác giảng dạy, hỗ trợ sinh viên.

 

Những năm tháng đầu sự nghiệp, ông may mắn được đồng hành cùng những người thầy tài năng, y đức như GS. Tôn Thất Bách, GS. Nguyễn Xuân Ty, GS. Đặng Hanh Đệ - những người đã dìu dắt và cùng ông góp phần xây dựng, phát triển các trung tâm mổ tim trên khắp đất nước. Từ những bước đi đó, ông không chỉ truyền dạy kiến thức, mà còn truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ học trò, và đó chính là duyên phận đưa ông gắn bó trọn đời với nghề giáo.

 

Sự trưởng thành của ông không thể tách rời tình yêu thương và giáo dục của người mẹ, một người phụ nữ giản dị mà kiên cường, người đã sớm tham gia đội du kích nữ Hoàng Ngân trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Mẹ ông, sinh ra ở vùng quê Ân Thi, Hưng Yên, dù xuất thân từ một gia đình địa chủ, nhưng lớn lên với lòng yêu nước mãnh liệt, đã góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà không chỉ là người mẹ hết lòng hy sinh cho các con, mà còn là tấm gương sống về sự chia sẻ và đức hy sinh sâu sắc.

 

Dù cuộc sống gia đình thời thơ ấu của ông còn nhiều khó khăn, nhưng ông chưa từng phải chịu đói khát hay thiếu thốn tình thương. Mẹ ông không dùng lời giáo huấn suông mà bằng chính lối sống ân cần, dịu dàng, luôn tạo nên bầu không khí yêu thương và sẻ chia trong gia đình. Những câu nói nhẹ nhàng, ân cần, nhưng là cách nhắc nhở rất sâu sắc của bà, như “Cái thằng này, trưa không vội, tối không cần!” luôn vang vọng trong tâm trí ông, trở thành kim chỉ nam cho cách sống và làm việc suốt đời.

 

Không chỉ quan tâm đến con cái, mẹ ông còn rộng lòng tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp của các con với sự chu đáo và chân thành, tạo nên một mái ấm đầy ắp tiếng cười và tình thân ái. Những bữa cơm giản dị mà đong đầy nghĩa tình vào mỗi cuối tuần chính là nơi nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết và sẻ chia, giúp ông và bạn bè lớn lên trong sự ấm áp, yêu thương không phai mờ theo thời gian.

 

Khi trưởng thành và bước vào giai đoạn gánh vác trọng trách, ông vẫn luôn cảm nhận được sức mạnh tinh thần và nguồn động viên vô giá từ mẹ -  hậu phương vững chắc, người luôn thay ông kết nối, truyền cảm hứng và sẻ chia với mọi người bằng tấm lòng ân cần, chu đáo.

 

 

Khát vọng lớn nhất trong trái tim và hành trình sự nghiệp của GS.TS Lê Ngọc Thành là kiến tạo nên một mô hình giáo dục y khoa hoàn chỉnh, hiện đại, nơi mà Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ là một ngôi trường, mà còn là trái tim của y học hàn lâm, thực hành và nhân văn. Ông mơ về một cơ sở y khoa mang tầm vóc quốc tế - nơi hội tụ của trí tuệ, công nghệ, lòng nhân ái và khát vọng cống hiến. Ở đó, mỗi sinh viên y sẽ được học tập trong môi trường chuẩn mực, được thực hành trong bệnh viện trường học hiện đại, được tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và đặc biệt là được truyền lửa bởi những người thầy thực sự biết yêu nghề, yêu người.

 

GS.TS Lê Ngọc Thành luôn tâm niệm, chỉ khi người thầy đứng lớp cũng là người trực tiếp cứu người, chỉ khi giảng đường gắn liền với phòng mổ, thì kiến thức mới thấm vào máu, mới thành kỹ năng sống còn trong từng ca cấp cứu, từng nhịp tim người bệnh. Vì vậy, ông không chỉ miệt mài xây dựng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, mà còn dành tâm huyết vun đắp cho tinh thần học thuật, đạo đức nghề y, điều mà ông tin rằng là gốc rễ của một nền y học bền vững.

 

Giấc mơ của ông không dừng lại ở một ngôi trường giỏi về chuyên môn, mà là một trung tâm y học đầu ngành, nơi người bệnh tìm thấy niềm tin, sinh viên tìm thấy khát vọng, và đất nước có được nguồn nhân lực chất lượng cao để chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Với ông, mỗi bệnh viện là một trường học, và mỗi trường y cần mang trong mình trái tim của một bệnh viện, nơi kiến thức và lòng nhân ái gặp nhau để cứu người, chữa lành và viết tiếp câu chuyện cao đẹp của ngành y Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập.

 

Qua những lần được trò chuyện và lắng nghe GS.TS Lê Ngọc Thành - người thầy đáng kính của bao thế hệ bác sỹ, tôi nhận ra nơi ông là sự kết tinh sâu sắc giữa cái tâm sáng ngời của người thầy thuốc và cái tầm của một nhà giáo đầy lý tưởng. Ở ông, tri thức không đơn thuần là học vấn, mà là ngọn lửa được truyền trao bằng lòng yêu thương và trách nhiệm.

 

Ông không chỉ chữa lành những trái tim mang bệnh lý, mà còn âm thầm gieo mầm trong những trái tim trẻ niềm tin, khát vọng, sự dấn thân và tinh thần quay về phụng sự. Và có lẽ, di sản lớn nhất mà ông để lại không nằm ở những công trình, những danh hiệu, mà chính là lớp lớp học trò, những người mang theo ánh sáng từ thầy, đi tiếp hành trình thắp sáng y học Việt Nam bằng cả trái tim và trí tuệ.

 

 

Bình luận bài viết này
Ngân Dương - Hồng Vân 02/07/2025 10:31