Hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh là trọng tâm hàng đầu

"Việc gặp gỡ đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch là rất quan trọng, thể hiện tinh thần chia sẻ đồng hành, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp..."

Kỳ Thành
- Ảnh: Đức Trung

 

Tiếp tục chuỗi hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Đầu tư công năm 2022, sáng 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết nối đến 19 địa phương vùng miền Trung và Tây Nguyên để thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trước đó, sáng 14/9, Bộ đã làm việc với 25 địa phương khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng và trung du - miền núi Bắc Bộ.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì hội nghị với 19 địa phương Vùng miền Trung và Vùng Tây Nguyên sáng 15/9

Vùng miền Trung và Tây Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan

 

Theo báo cáo của các địa phương Vùng miền Trung, GRDP của vùng 6 tháng ước đạt 6,4% cao hơn bình quân cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020, có được kết quả này là nhờ sự đóng góp của các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Quảng Nam (11,72%); Thanh Hóa (8,66%); Nghệ An (7,58%); Bình Thuận (7,53%).  Ở chiều ngược lại, một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp là TP. Đà Nẵng (4,99%), Quảng Ngãi (4,03%) và Khánh Hòa (0,49%).

 

Về giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng năm 2021, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, ước 8 tháng năm 2021, Vùng Miền Trung giải ngân đạt 33.144,58 tỷ đồng, chiếm 48,67% kế hoạch giao, cao hơn số giải ngân bình quân chung của khối địa phương (42,92%), thấp hơn so với số giải ngân bình quân chung khối địa phương cùng kỳ năm 2020 (49,11%),

 

Trong khi đó, với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2021 đạt 7,21%, trong đó: tỉnh Gia Lai tăng 9,7%, tỉnh Đắk Lắk tăng 9,11%, tỉnh Kon Tum tăng 6,79%, tỉnh Đắk Nông tăng 6,03% , tỉnh Lâm Đồng tăng 5%.

 

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (2,72%) và cao hơn trung bình cả nước (5,8%), đứng thứ ba sau Vùng đồng bằng sông Hồng (7,04%) và Vùng Miền Trung (7,26%). Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 8 tháng của vùng ước đạt 6.485 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn bình quân cả nước là 42,93%).

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, với các chỉ đạo, giải pháp đồng bộ quyết liệt từ trung ương và các địa phương nêu trên, mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 8 tháng của vùng miền Trung và Tây Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng của 2 vùng đều cao hơn mức bình quân chung cả nước. “Đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội 8 tháng của vùng miền Trung và Tây Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan

Chủ động xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19

 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông phân tích, về bối cảnh kinh tế thế giới, chúng ta đều nhận định Covid-19 tiếp tục kéo dài, diễn biến khó lường phức tạp, chủng Delta lây nhiễm nhanh, dự báo của chuyên gia thế giới có thể có biến chủng mới kháng vaccine. Do đó, các nước đều dần mở cửa, thực hiện chính sách an sinh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng sống chung lâu dài với dịch. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng phải có biện pháp sống chung với dịch trong thời gian tới.

 

Ngoài ra, các dự báo cho thấy kinh tế thế giới hồi phục nhưng chậm, tốc độ khác nhau. Các quốc gia thực hiện tiêm chủng và đạt được miễn dịch cộng đồng đã mở cửa và hồi phục nhanh, nhưng nhiều quốc gia như Israel dù đã mở cửa, nhưng cũng trở nên thận trọng hơn khi xuất hiện biến chủng mới. Nhiều doanh nghiệp,tập đoàn lớn chuyển dịch đầu tư, đòi hỏi chúng ta phải có chính sách phù hợp. Trong bối cảnh đó, thế giớicũng đẩy mạnh kinh tế số, thương mại điện tử… trong bối cảnh Covid-19.

 

Về bối cảnh trong nước, Thứ trưởng cho biết, từ nay đến cuối năm có những điều kiện thuận lợi nhưng có cảkhó khăn thách thức. Thuận lợi là sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa kiểm soát dịch bệnh, thu ngân sách dự kiến đạt kế hoạch, có thể tăng, xuất khẩu có thể tăng.

 

Tuy nhiên, so với 2020, khó khăn nhiều hơn khi chúng ta phải tập trung nhiều hơn cho chống dịch, đảm bảo an toàn của người dân, thu ngân sách khó khăn. Chuỗi sản xuất và cung ứng gián đoạn ảnh hưởng đến cung ứng hàng đã ký kết, cầu suy giảm, giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển, vận tải đường biển tăng, ảnh gưởng đến chỉ tiêu cả năm, người dân bị ảnh hưởng về an sinh xã hội, lao động việc làm…

 

Phân tích điều kiện cụ thể của 2 vùng, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá, 2 vùng cũng gặp phải một số khó khăn, dịch Covid-19 tác động mạnh tác động đến ngành nghề lợi thế của vùng là du lịch nghỉ dưỡng, tác động đến chuỗi cung ứng, thị trường nông sản của Tây Nguyên… Về giải ngân vốn đầu tư công, 2 vùng đều có mức giải ngân cao hơn trung bình nhưng một số địa phương lại có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước.

 

Gợi mở một số giải pháp cho các địa phương, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh. “Chính phủ coi việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát dịch là trọng tâm hàng đầu”, ông nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn các địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp được nêu trong Nghịquyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

 

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các địa phương xây dựng chương trình hồi phục kinh tế. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để có giải pháp đúng, trúng, hiệu quả”, ông khẳng định. Thứ trưởng lưu ý việc gặp gỡ đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch là rất quan trọng, thể hiện tinh thần chia sẻ đồng hành, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

 

Giải pháp thứ hai, theo Thứ trưởng là thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện quyết liệt các giải pháp để tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 60% vào cuối quý III, trong đó thực hiện chỉ đạo sát sao các chủ đầu tư, nhà thầu tháo gỡ khó khăn. “Qua trao đổi, địa phương nào chỉ đạo sát sao, giám sát thực hiện chặt chẽ thì tỷ lệ giải ngân rất cao, có chuẩn bị đầu tư tốt thì hiệu quả tốt, xây dựng kế hoạch phù hợp nhu cầu”, ông Đông phân tích.

 

Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, Thứ trưởng cho rằng, dù còn còn nhiều thách thức, diễn biến khó lường, song Chính phủ vẫn đặt ra quyết tâm cao, do đó các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch thực hiện đạt mục tiêu này.

 

“Chủ động xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19 để vượt qua thách thức là rất quan trọng. Các địa phương cần chủ động làm sớm để qua đại dịch có thể nắm bắt cơ hội và bứt phá. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư công sát tình hình thực tế, nhu cầu, năng lực giải ngân”, Thứ trưởng lưu ý.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 15/09/2021 16:41