Hợp tác chặt chẽ với APEC, tạo đà cho DNNVV phục hồi và phát triển

Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Đức Trung


Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 26 diễn ra ngày 23/10.

 

Với chủ đề "Tiến tới trạng thái bình thường mới: Tái khởi động và phục hồi doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và công nghệ", Hội nghị diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến, dưới sự chủ trì của ông Dato Sri Dr. Haji Wan Junaidi Tuanku Jaafar, Bộ trưởng Bộ Hợp tác xã và Phát triển doanh nghiệp Malaysia.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo 12 quốc gia đã trình bày các thông lệ, kinh nghiệm tốt và những giải pháp hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thích ứng với trạng thái bình thường mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để đổi mới, phục hồi và phát triển nhằm góp phần quan trọng giúp các nền kinh tế APEC tái khởi động và cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 thành công.

 

Thứ trưởng Trần Duy Đông dẫn đầu đoàn tham gia từ điểm cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Phát biểu từ điểm cầu Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao chủ đề của Hội nghị và cho rằng, Hội nghị đã được tổ chức đúng thời điểm với nội dung thiết thực bởi đây là thời điểm để các nền kinh tế cùng thảo luận, bàn bạc tìm ra giải pháp để chung sức tháo gỡ khó khăn, thách thức mà các DNNVV đang phải đương đầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Với các thông lệ, kinh nghiệm tốt và những giải pháp hiệu quả hỗ trợ các DNNVV thích ứng với trạng thái bình thường mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để đổi mới, phục hồi và phát triển cũng sẽ góp phần quan trọng giúp các nền kinh tế APEC tái khởi động và cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 thành công.

 

Theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế (IMF, WB) đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 5%; đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới lâm vào cảnh đói nghèo. Thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 3,6% và khiến 100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh, đa số các nền kinh tế có mức tăng trưởng âm.

 

Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2020 đạt 2,12%, mặc dù là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới nhờ kiểm soát thành công dịch Covid-19 nhưng đây là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020.

 

Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế cũng đang bị tổn thương nặng nề. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh thông điệp Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn

 

Nhận thức rõ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã xác định rõ phương châm kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu và là yếu tố quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững.

 

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp, ngay trong lúc dịch còn đang diễn ra, từ tháng 3/2020, Việt Nam đã triển khai thực hiện ngay 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; Rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không… trong đó, có giải pháp hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các DNNVV.

 

Các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, giao thông vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD.

 

Hình ảnh từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam

 

Hiện nay, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch Covid-19, các hoạt động của đời sống xã hội đang nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. Từ góc nhìn quốc tế, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

 

"Việt Nam được đánh giá có lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

 

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với các doanh nghiệp. Đồng thời tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới.

 

Do đó, Việt Nam tin tưởng và luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế APEC để cùng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện: vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động; hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực của các nền kinh tế trong khu vực để cùng nhau vượt qua khó khăn, khai thác các cơ hội, tạo đà cho DNNVV phục hồi và phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 24/10/2020 09:56