Khai thác nguồn lực từ trí thức Việt 5 châu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Minh Trang

 

Chiều tối 29/7 (giờ Việt Nam), Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có buổi gặp gỡ, thảo luận online/offline giữa các thành viên của các mạng lưới đến từ nhiều quốc gia trên thế giới với sự chủ trì của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Buổi gặp mặt đã có sự góp mặt của nhiều thành viên mạng lưới đổi mới sáng tạo đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

 

Chương trình được tổ chức với mục đích gặp mặt trực tiếp các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hà Nội và trao đổi trực tuyến (online conference) với thành viên của mạng lưới tại các quốc gia nhằm cập nhật tình hình phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam và các hoạt động của 3 mạng lưới thành viên tại Australia (NIC-AU), Đức (VGI) và Nhật Bản (VJOIN).

 

Bên cạnh đó, các thành viên trong mạng lưới cũng chia sẻ về các dự án, hoạt động đang triển khai để từ đó gia tăng kết nối hợp tác, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, đồng thời đề xuất về các hoạt động của mạng lưới trong thời gian tới.

 

Toàn cảnh hội thảo

NIC là “mắt xích” kết nối, đồng hành với các mạng lưới trí thức người Việt

 

Gửi lời chào mừng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tới các thành viên của mạng lưới, ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên tham dự và chủ trì buổi thảo luận giữa các thành viên của mạng lưới.

 

Trao đổi với các thành viên mạng lưới về hoạt động của NIC, ông Vũ Quốc Huy cho biết, NIC được thành lập theo Quyết định 1269/QĐ-TTg, với chức năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo. “Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao phó là phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam”, ông Huy nhấn mạnh.

 

Ông Huy chia sẻ, Trung tâm đang xây dựng dự thảo Nghị định để trình Chính phủ thông qua, nhằm tạo cơ chế ưu đãi đặc thù cho trung tâm, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong trung tâm để triển khai các ý tưởng, dự án với ưu đãi ở mức cao nhất trong khung khổ pháp luật Việt Nam.

 

Ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách NIC khẳng định các dự án, ý tưởng đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi ở mức cao nhất trong khung khổ pháp luật Việt Nam

 

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kết nối hệ sinh thái, trong đó có chương trình Vietnam Venture Summit nhằm kết nối quỹ đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam; Tổ chức các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo, xây dựng các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức xây dựng nghiên cứu về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam làm cơ sở đề xuất chính sách, chiến lược về đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

 

Về Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, mạng lưới hiện đã kết nối gần 250 thành viên ở 14 quốc gia, triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở Đức, Australia, Nhật Bản. Tầm nhìn trong thời gian tới của mạng lưới là tiếp tục mở rộng với mục tiêu có 10 mạng lưới thành phần tại các nước.

 

“NIC vinh dự là “mắt xích” kết nối, đồng hành, hỗ trợ các mạng lưới trong quá trình hoạt động. NIC sẽ là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan bộ ngành, địa phương giúp các cá nhân, doanh nghiệp kết nối, xây dựng mạng lưới thành công”, ông Vũ Quốc Huy nói.

 

Bà Kim Ngọc Thanh Nga, Phụ trách Ban Hệ sinh thái của NIC điều hành phiên thảo luận

Tạo môi trường ‘cạnh tranh’ để hoạt động của các mạng lưới thực sự sôi nổi

 

Góp ý cho hoạt động của mạng lưới, TS. Huỳnh Thế Du đến từ Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, hơn 2 năm qua, ông đã đi nhiều nơi và gặp nhiều thành viên trong mạng lưới. “Điểm tích cực là mạng lưới mở rộng tốt”, ông Du nói.

 

TS. Huỳnh Thế Du đề xuất, mạng lưới nên duy trì hoạt động theo mô hình phi tập trung, đồng thời có các hoạt động cụ thể và thường xuyên hơn về các chủ đề mang tính chuyên môn. “NIC có thể xem xét tạo ra môi trường ‘cạnh tranh’ giữa các mạng lưới trong hoạt động để tăng tính sôi nổi”, ông Du bày tỏ.

 

CEO CTCP SeleX Motor - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển phương tiện điện thông minh và các công nghệ mới, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên kỳ vọng, NIC có thể trở thành quỹ đầu tư, vườn ươm cho các start-up, dự án khởi nghiệp, nhưng quan trọng hơn là cần trở thành một nơi hội tụ, đầu mối kết nối uy tín giữa các nhà đầu tư trong khu vực với các start-up.

 

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên trong mạng lưới. Các thành viên cũng bổ sung mở rộng hoạt động hợp tác giữa NIC, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt nam với các trường đại học lớn, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp.

 

Các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam trao đổi, thảo luận từ đầu cầu Hà Nội

Cam kết “dồn lực” cho đổi mới sáng tạo

 

Lắng nghe và ghi nhận ý kiến của các thành viên trong mạng lưới, ông Vũ Quốc Huy khẳng định trong thời gian tới, NIC sẽ cố gắng tập trung, xây dựng các định hướng, hoạt động cụ thể hơn cho NIC.

 

“NIC có 2 vai trò rất quan trọng, đó là xây dựng thể chế, đề xuất nhiều cơ chế chính sách như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó có nhiều cơ chế ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cho các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho start-up nói riêng và doanh nghiệp nói chung”, ông Huy khẳng định.

 

Ông Huy cũng chia sẻ, trong tháng 8, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cơ chế cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. “Đây là khung pháp lý để Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn”, Phó giám đốc của NIC nhấn mạnh.

 

Để xây dựng một chiến lược đổi mới sáng tạo và kế hoạch hành động cho Trung tâm nhằm thực hiện tốt mục tiêu của cơ quan hàng đầu quốc gia trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Trung tâm đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng một số nội dung chiến lược, xác định một số lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy trong hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Buổi thảo luận có sự tham gia của khoảng 250 thành viên của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn thế giới

 

Nhấn mạnh vai trò “kết nối”, ông Vũ Quốc Huy khẳng định, đây là thế mạnh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, với rất nhiều phạm vi kết nối giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của start-up, hay giữa NIC với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp với nhau để huy động các nguồn lực tài trợ cho đổi mới sáng tạo.

 

Đối với hoạt động của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy đánh giá, mạng lưới được hình thành nhằm giúp các thành viên có thêm kênh kết nối, từ đó hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo.

 

“Mục tiêu quan trọng hơn nữa là khai thác được trí tuệ của mạng lưới để phục vụ những công việc lớn của đất nước trong thời gian tới”, ông Huy khẳng định và cho biết, thời gian tới, NIC sẽ tham gia hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động mà mạng lưới đề xuất, đồng thời chủ động đề xuất các hoạt động nghiên cứu, thảo luận các vấn đề cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho các start-up.

 

Buổi trao đổi diễn ra với tinh thần cởi mở, đưa ra những gợi mở cho hoạt động của NIC cũng như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam trong thời gian tới

 

 

NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được ưu tiên và tạo điều kiện tối đa để thực hiện những nhiệm vụ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái, xây dựng Mạng lưới trí thức người Việt phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

 

NIC đang gấp rút thực hiện các thủ tục để thực hiện xây dựng 2 cơ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và một cơ sở tại trung tâm Hà Nội, tạo không gian cho các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, các cá nhân hoạt động nghiên cứu, tổ chức sự kiện trình diễn công nghệ đổi mới sáng tạo…

 

Trung tâm hiện đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các quy định về hoạt động vận hành, nhân sự. Trung tâm đã thành lập Hội đồng quản lý, Hội đồng cố vấn đặc biệt gồm Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thống đốc NHNN và 2 lãnh đạo tập đoàn lớn là THACO và Viettel.

 

 

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 30/07/2020 11:13