Khởi động Sáng kiến chung
Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8

Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Đức Trung

 

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 sẽ được triển khai trong 17 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2023), với 11 nhóm vấn đề nhiệm vụ trọng tâm.

 

Ngày 21/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp trực tuyến khởi động giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

 

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm 2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

 

Qua hơn 18 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện được 7 giai đoạn, với tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động. Tại cuộc họp cấp cao Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 7 vào ngày 12/12/2019, hai Bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cùng các Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: ông Hideo Ichikawa, ông Masayoshi Fujimoto và ông Masayuki Hyodo ký kết Biên bản ghi nhớ khởi động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8

Hướng tới thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nguyễn Chí Dũng cho biết, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là khuôn khổ đối thoại chính sách thiết thực và hiệu quả. Sự hợp tác tích cực của phía Nhật Bản với các bộ ngành Việt Nam qua 7 giai đoạn trong suốt hơn 18 năm, Sáng kiến chung đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chính sách và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

 

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và ngày càng phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ sâu rộng, tin cậy, hợp tác, chia sẻ, ủng hộ, có tính bổ trợ, cùng nhau phát triển này đã được hai bên thiết lập, củng cố và thúc đẩy ngày càng sâu sắc hơn.

 

“Chúng tôi rất cảm kích và trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Chính phủ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong việc ủng hộ vaccine, thiết bị y tế và đóng góp vào quỹ vaccine. Những sự ủng hộ to lớn cả về tinh thần và vật chất này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam dần kiểm soát được dịch Covid-19”, Bộ trưởng bày tỏ.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nhật Bản luôn là người bạn lớn, đối tác quan trọng hàng đầu, cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài, với 4.748 dự án với tổng vốn đăng ký gần 64 tỷ USD; kim ngạch thương mại đứng thứ 3; du lịch đứng thứ 4… “Các con số trên đã cho thấy quan hệ hết sức đặc biệt và sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước”, ông nói.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nhật Bản luôn là người bạn lớn, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam

 

Về phần mình, các đồng Chủ tịch Keidanren cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện và lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp Nhật Bản trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông Hideo Ichikawa, Đồng Chủ tịch Keidanren cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và tin tưởng hai bên tiếp tục chia sẻ, tăng cường các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát hơn nữa.

 

Khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị phía Nhật Bản quan tâm hơn nữa về thúc đẩy hợp tác về công nghiệp hóa, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp, tiếp nhận công nghệ, nâng tầm và kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư.

 

Ông Hideo Ichikawa, Đồng Chủ tịch Keidanren tin tưởng hai bên tiếp tục chia sẻ, tăng cường các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát hơn nữa.

Triển khai 11 nhóm vấn đề hỗ trợ tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư

 

Sau quá trình làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, hai Bên Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất nội dung Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 bao gồm một số vấn đề tồn tại của giai đoạn 7 và một số nội dung mới phía Nhật Bản quan tâm và mong muốn trao đổi với các Bộ, ngành phía Việt Nam. Việc hoàn thành xây dựng bản Kế hoạch hành động đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp của Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Kế hoạch hành động giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề, bao gồm:

 

(1) Chế độ công bố và áp dụng án lệ/ Chế độ thi hành án dân sự/ Chế độ cạnh tranh; (2) Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; (3) Cải thiện các vấn đề về môi trường lao động; (4) Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức PPP; (5) Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; (6) Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; (7) Nỗ lực cải thiện luật quy định liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên thúc đẩy nhập khẩu LNG; (8) Các vấn đề liên quan đến đất đai; (9) Công nghiệp hỗ trợ; (10) Thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương, doanh nghiệp; (11) Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá cao Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 với các nội dung rõ ràng

 

Trong đó, 8 nhóm vấn đề đã được thống nhất. 3 nhóm vấn đề liên quan đến Chế độ công bố và áp dụng án lệ/ Chế độ thi hành án dân sự/ Chế độ cạnh tranh; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức PPP sẽ được hai Bên tiếp tục thảo luận và báo cáo lên Chủ tịch hai phía xem xét, quyết định trước tháng 6 năm 2022.

 

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, những nội dung hai bên đã thống nhất đưa vào Kế hoạch hành động lần này đều là những vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và có tính cạnh tranh cao.

 

Đặc biệt, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19 nhất là sự đứt gãy chuỗi cung ứng, hai phía đã thống nhất bổ sung 3 nhóm vấn đề mới về Công nghiệp hỗ trợ, Đổi mới sáng tạo và Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao nhằm đáp ứng sự dịch chuyển, tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư của dòng vốn đầu tư sắp tới.

 

Sau cuộc họp khởi động ngày hôm nay, các nhóm công tác sẽ tiếp tục tổ chức họp để thống nhất các tiểu hạng mục cụ thể và báo cáo kết quả lên lãnh đạo hai phía vào tháng 6 năm 2022.

 

Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là 17 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2023). Trong đó, có một cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào tháng 6/2022) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Sáng kiến chung giai đoạn 8 vào tháng 3/2023.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 21/10/2021 23:47