Nội dung, thiết kế: Đặng Giang    |     Ảnh: NVCC

 

Đam mê cháy bỏng với nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt nội thất, Trần Nghĩa quyết tâm khởi nghiệp ở Việt Nam, thành lập Công ty thiết kế nội thất Minimalist Design năm 2019. Anh không ngừng sáng tạo và nỗ lực để mang đến những giá trị ưu việt cho cộng đồng người Việt Nam.

 

Nhà thiết kế nội thất Trần Nghĩa, sáng lập công ty Minimalist Design. 

 

Sinh năm 1994 tại Quảng Ninh, Trần Nghĩa tốt nghiệp ngành Thiết kế nội thất tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Lựa chọn một ngành nghề được xem là không mới tại Việt Nam, nhưng Trần Nghĩa lại tìm được cho mình lối đi độc đạo,  mới lạ với phong cách nội thất tối giản, hiện đại.

 

Đúng như tên cái tên anh đặt cho “đứa con” của mình, Minimalist Design - thiết kế tối giản, Trần Nghĩa đem đến cho những người yêu kiến trúc, yêu nội thất những thiết kế mang phong cách tối giản với không gian trong sạch, tinh tế, nơi ánh sáng trở thành yếu tố thẩm mỹ thông qua thị giác.

 

Nhà thiết kế nội thất Trần Nghĩa và team Minimalist Design. 

 

Tại sao anh chọn phát triển nội thất tối giản tại Việt Nam?

 

Nghệ thuật là cái đẹp, người làm nghệ thuật như tôi lại càng say mê, cuồng si với cái đẹp. Ngay từ những ngày đầu mới chập chững học nghề, được tiếp xúc với phong cách thiết kế nội thất tối giản, tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc.

 

Qua nghiên cứu, khảo sát, tôi nhận thấy ở thời điểm năm 2019, phong cách này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chưa có nhiều người khai thác. Tôi nhận ra, đây chính là cơ hội để phát triển và có thể tiến xa hơn với ngành học và niềm đam mê bất tận với thế kế nội thất. Và quan trọng hơn, tôi luôn khát khao mang không gian tối giản ấy đến với người dân Việt Nam, để họ cũng say mê như mình. Chính vì thế, tôi lựa chọn phong cách tối giản để thành lập công ty và khởi nghiệp ở Việt Nam.

 

Dự án Taiwan Interior 10 của Minimalist Design. 

 

Anh đã mơ ước điều gì khi thành lập công ty?  

 

Tôi rất thích câu nói: “Đã không mơ thì thôi, đã mơ thì phải mơ lớn’’ của Shark Liên.

 

Một câu nói khiến tôi nhớ lại cách đây 2 năm, lúc tôi mới nghỉ tại công ty và làm freelancer. Ngay lúc đó, tôi đã lên kế hoạch để sau 1 năm có thể thành lập công ty cùng với đội nhóm mà mình gây dựng.

 

Bản thân tôi hiểu rõ, con đường này sẽ trải đầy chông gai và rất dài, cho nên freelancer không phải là bến đỗ, mà chỉ là một điểm dừng trên chuyến tàu tới thành công của tôi và đồng đội.

 

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế của thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Không riêng Minimalist Design, mà tất cả các doanh nghiệp chắc chắn đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, Covid-19 cũng giúp tôi nhận ra những cơ hội mới hoặc cơ hội khác mà trước đây mình chưa thể nắm lấy.

 

Dự án Taiwan Interior 17 của Minimalist Design.

 

Trong quá trình khởi nghiệp, thành lập công ty Minimalist Design, anh đã gặp những khó khăn, vướng mắc nào? Anh làm thế nào để hóa giải những khó khăn đó và tạo uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp của mình?

 

Mơ là một chuyện và làm thế nào để hiện thực hóa được giấc mơ lại là câu chuyện hoàn toàn khác!

 

Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không được vẹn tròn. Tôi tự lập rất sớm. Chính hoàn cảnh đặc biệt như vậy đã hình thành một con người kiên định và cứng cáp về tinh thần trong tôi.

 

Khởi nghiệp luôn khó khăn, người vượt qua được khó khăn thì mới có thể đi tiếp.

 

Khó khăn luôn rất nhiều nhưng khó nhất đối với tôi là kiến thức kinh doanh khi bắt đầu thành lập một doanh nghiệp như quản lý công ty, đào tạo nhân sự, quản lý tài chính, quy trình làm việc... Tất cả những kiến thức về quản lý và đào tạo lúc đó dường như rất xa lạ với tôi.

 

 

Vậy tôi đã làm thế nào? Câu trả lời là: đọc sách và đọc thật nhiều sách.

 

Sách là người thầy lớn giúp thay đổi cuộc đời tôi. Tôi có thể tìm thấy mọi kiến thức trong sách, không chỉ là những bài học lý thuyết, mà còn có những bài học thực tế, những kinh nghiệm để đời mà những người đi trước truyền lại. Những kiến thức đó đã giúp tôi thành công trong việc tạo thương hiệu và uy tín cho doanh nghiệp.

 

Nếu là một người đang chuẩn bị khởi nghiệp thì tôi khuyên các bạn nên đọc sách để trang bị cho bản thân những kiến thức trước khi bước vào thương trường.

 

 

Văn phòng được thiết kế theo phong cách tối giản hiện đại.

 

Hai năm có lẽ là khoảng thời gian không phải quá dài, những hẳn sẽ có những dấu mốc phát triển đáng nhớ đối với công ty Minimalist Design, thưa anh?

 

Tôi khởi nghiệp tính tới thời điểm hiện tại là gần 3 năm.

 

Dấu mốc đầu tiên là lúc tôi quyết định mở ra thương hiệu Minimalist Design vào năm 2019. Công ty chuyên về thiết kế nội thất theo phong cách tối giản. Tầm nhìn của công ty là mang tới cho khách hàng những không gian tối giản, tinh tế. Hơn thế nữa, tôi còn muốn công ty mà tôi thành lập ra là nơi hội tụ của những người trẻ sáng tạo. 

 

Khoảng thời gian ấy, tôi cùng 3 người bạn thân đã sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ.

 

 

Dấu mốc tiếp theo là lúc tôi mở thương hiệu Minimalist Decor vào năm 2020.

 

Thương hiệu này là một cơ duyên và sự may mắn của tôi, góp phần mở rộng thêm cho thương hiệu Minimalist. Minimalist Decor là một mảng riêng thiên về các chi tiết nội thất của phong cách tối giản.

 

Và dấu mốc của hiện tại là mở văn phòng mới, hiện đại và khang trang hơn ở năm 2021.

 

Với tôi, một năm đầy biến động và sóng gió, mọi thứ vẫn đang chờ đợi ở trước mắt.

 

Văn phòng công ty Minimalist Design

 

Minimalist Design chuyên về thiết kế nội thất theo phong cách tối giản, hiện đại, vậy sau này anh có ý định phát triển thêm những phong cách khác để tạo nên sự đa dạng phong cách, tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn không?

 

Mặc dù hiện nay trong ngành thiết kế nội thất có rất đa dạng các phong cách thiết kế khác nhau nhưng bản thân tôi từ lúc phát triển công ty tới bây giờ, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ sẽ phát triển thêm các phong cách thiết kế khác.

 

Phong cách hiện đại là luôn luôn thay đổi và hướng tới tương lai, và đây cũng là điểm mạnh của tôi, đó chính là lý do mà tôi chọn phong cách này. Nó sẽ không bao giờ lỗi thời hay tụt hậu.

 

Việc phát triển chỉ một phong cách sẽ đặt nền móng cho công ty có một cái tên, một chỗ đứng vững chắc trong thị trường thiết kế nội thất. Và tôi tin vào con đường mà bản thân đã chọn.

 

Không gian làm việc đơn giản tinh tế thúc đẩy sự sáng tạo.

 

Để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp, theo anh, Nhà nước cần có những chính sách, ưu tiên nào cho các start-up?

 

Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ cho các start-up, những doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó tôi vẫn chưa thấy có nhiều sức hấp dẫn vì những dự án khởi nghiệp luôn có tính rủi ro cao.

 

Tôi nghĩ, nhà nước cần tạo ra những sân chơi, không gian sáng tạo, những quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo mới lạ, khả thi.

 

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần có các gói hỗ trợ vay vốn từ Chính phủ để những người trẻ có ý tưởng, có sản phẩm tốt có thể dễ dàng tiếp cận hơn. 

 

Ngoài ra, Chính phủ có thể tạo môi trường khởi nghiệp bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và giảm các thủ tục hành chính để người khởi nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ hơn nữa. Việc xây dựng và phát triển cộng đồng, chia sẻ thông tin, kiến thức về khởi nghiệp có định hướng của Chính phủ cũng sẽ là giải pháp giúp người khởi nghiệp dễ định hình hướng đi và đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của đất nước.

 

Hai tone màu ghi và be được kết hợp hài hoà với nhau.

Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Việt Nam ghi nhận nhiều start-up thành công, nhưng cũng có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể tiếp tục con đường, ước mơ của mình.

Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.

Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.

Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?

Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: [email protected].

 

Bình luận bài viết này
  • Phúc Hồ 23:42 | 18-05-2021
    Mình đã từng tiếp xúc với bạn ấy 1 vài lần, qua những lần gặp gỡ nói chuyện, mình thấy trong cách nói chuyện của bạn ấy có 1 cách nhìn nhận về thiết kế đơn giản, hiện đại rất tốt. Mong bạn luôn thành công và phát triển hơn trên con đường mình đã chọn.
  • Bình Minh 21:25 | 18-05-2021
    Gu thẩm mỹ của team thiết kế này độc đáo, rất hợp với lối sống hiện đại. Mong có dịp được mời họ vẽ nhà cho.
  • Mai Anh 17:22 | 18-05-2021
    Tuy mới đọc bài viết ngắn ngủi này nhưng mình rất cảm mến chàng trai trẻ này. "Bản thân tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không được vẹn tròn. Tôi tự lập rất sớm. Chính hoàn cảnh đặc biệt như vậy đã hình thành một con người kiên định và cứng cáp về tinh thần trong tôi", những chia sẻ thật đáng trân quý! Mong bạn sẽ thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
  • Huy Hoàng 17:19 | 18-05-2021
    Sinh năm 1994 nhưng tư duy thật đáng quý, ngay cả những người từng trải cũng chưa chắc có được. Mình rất thích cách bạn học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm qua sách. Điều đó thật tuyệt vời! Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng nên mình rất khâm phục các bạn trẻ khởi nghiệp thành công. Chúc Bạn và công ty ngày càng phát triển!
Đặng Giang 18/05/2021 12:45