Kỳ Thành - Ảnh: Lê Tiên
Buổi tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai sáng ngày 29/7 có sự xuất hiện của những người đặc biệt...
Đào Kim Huế - cô gái mắc bệnh câm điếc bẩm sinh là một trong số những người khuyết tật đã hoàn thành mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên theo Chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai triển khai sáng 29/7, dành cho 8 nhóm khuyết tật và yếu thế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ trong nhiều năm qua.
Việc tiêm vaccine cho người lao động khuyết tật được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (Nghị quyết số 21/NQ-CP) và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội (văn bản số 3823/BYT-DP ngày 7 tháng 5 năm 2021).
Người lao động khuyết tật tham gia tiêm vaccine nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các đoàn viên thanh niên là công chức, viên chức đang công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chồng của Huế - cũng là một người câm điếc, đã bị mất việc, khiến cô trở thành lao động chính trong gia đình.
“Sếp” của Huế - anh Phạm Việt Hoài, Giám đốc CTCP Kym Việt cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ tư khiến doanh nghiệp của anh cũng phải tạm dừng sản xuất, đồng nghĩa áp lực cũng trở nên đè nặng hơn với Huế và những người lao động khác, đều là những câm điếc đang làm việc tại Kym Việt.
“Do bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói, nên khi nhận được thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, các bạn vừa vui mừng, vừa lo lắng. Khi được giải thích rõ về việc cần thiết là lợi ích của việc tiêm vaccine, Huế và các bạn rất háo hức được tiêm phòng để tăng sức đề kháng chống dịch và đặc biệt, để có cơ hội được tiếp tục lao động, tạo ra sản phẩm có ích cho cuộc sống”, anh Hoài tâm sự.
PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (bìa phải) cho biết, kết quả khám sàng lọc cho thấy anh Phạm Việt Hoài đảm bảo đủ sức khỏe để tiêm vaccine phòng Covid-19 |
Bản thân cũng là người khuyết tật, nên anh Hoài rất xúc động trước sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, đặc biệt là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với những người khuyết tật. “Đó là sự động viên tinh thần rất lớn cho cá nhân tôi và các anh chị em trong công ty”, anh tâm sự.
Anh hi vọng, chương trình tiêm chủng sẽ tiếp tục được đẩy nhanh lên để sớm có miễn dịch cộng đồng, để các đơn hàng đang phải tạm dừng sản xuất sớm đến tay khách hàng.
Cùng với các thành viên của KymViet, nhiều người lao động khuyết tật thuộc nhóm Hợp ca Hy vọng; nhóm Thương thương handmade; Blind link; Vụn Art; Hợp tác xã Kim Ngọc; Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam; Nhóm điếc Thành Nguyễn và Hội người mù Việt Nam cũng được tiêm vaccine trong sáng 29/7 theo chương trình này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (bìa phải) có mặt ở Bệnh viện Bạch Mai từ rất sớm. Bà dành nhiều thời gian để tới hỏi thăm và động viên những người khuyết tật đang chờ tiêm. |
Chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tại bệnh viện, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã chọn những cán bộ ưu tú về chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện tiêm cho người yếu thế, người khuyết tật. “Mọi công tác từ đón tiếp, khai báo y tế, khám sàng lọc, hỗ trợ người yếu thế thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, tiêm chủng… được lên kế hoạch và thực hiện cẩn trọng để buổi tiêm diễn ra an toàn", ông Đào Xuân Cơ nói.
Một người khuyết tật đã hoàn thành xong mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, đồng thời Bộ luôn dành thời gian, công sức thực hiện nhiều hoạt động với mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn và thực hiện việc bảo trợ với 8 nhóm người khuyết tật. “Trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi càng ý thức rằng họ là những người dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Việc họ sớm được tiêm vaccine là niềm động viên sâu sắc, giúp họ vượt qua khó khăn hằng ngày cũng như chiến thắng đại dịch, thực hiện mục tiêu Chính phủ là đẩy nhanh tiêm vaccine hướng tới miễn dịch cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”, bà nói.
Từ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra mắt Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng với mục đích tạo cơ hội cho những người yếu thế, dễ bị tổn thương; thông qua đó lan tỏa ý nghĩa nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và bảo đảm công bằng xã hội trong từng bước phát triển, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa nhân ái, tốt đẹp của dân tộc ta trong toàn cơ quan, rồi từ đó, lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong toàn xã hội.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn đặt ra câu hỏi về việc, làm như thế nào để lồng ghép câu chuyện người yếu thế trong các hoạt động nghiên cứu chính sách, làm như thế nào thay đổi tư duy và nhận thức của cán bộ hoạch định chính sách, mở ra một hướng tiếp cận mới trong các công việc hằng ngày, đảm bảo các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, người khuyết tật.
Từ sự trăn trở, quan tâm của Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động vì sự phát triển cộng đồng, lan tỏa một niềm tin sâu sắc: “Chúng ta sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp và hạnh phúc nhất nếu biết sẻ chia”.
|