Nội dung, thiết kế: Hồ Hạ    |     Ảnh: NVCC

 

 

 

 

Đại dịch Covid-19 khiến du lịch quốc tế, thị trường chủ đạo của Lux Group  đóng băng. Ông đã làm thế nào để du thuyền của mình vững vàng trước trận “sóng thần” chưa biết khi nào mới kết thúc này?

 

Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên ngành kinh tế xanh toàn cầu, không riêng Lux Group mà tất cả các doanh nghiệp du lịch đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa từng có.

 

Dưới góc độ là người lãnh đạo Lux Group, trong ác mộng tôi cũng không thể nghĩ thế giới đột ngột chao đảo bởi một con siêu virus và hoạt động kinh doanh của công ty đang như diều gặp gió, bỗng phải ngủ đông.

 

“Con thuyền” càng lớn thì càng bị tác động mạnh, là lãnh đạo doanh nghiệp có 250 nhân sự, kể từ khi Covid-19 ập đến, tôi đã phải đưa ra vô số quyết định từ táo bạo, đau đớn đến mạo hiểm, được tính theo ngày, theo tuần. 

 

Nhưng đây cũng là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, cấu trúc lại, tạo những sản phẩm tốt hơn cho mùa tới, đào tạo thêm, nâng cao năng lực, kỹ năng, hiểu biết, đặc biệt là thái độ phục vụ khách của nhân viên.

 

 

Doanh nhân Phạm Hà sáng lập Công ty lữ hành Luxury Travel năm 2004 với 1.000 USD và chiếc máy vi tính kết nối internet.

 

Covid-19 cũng làm tôi thức tỉnh về những được, mất và điều gì là quan trọng nhất. Giờ đây, mọi người đều bình đẳng, quan chức, dân thường nghèo hèn hay giàu sang... mọi thứ đều không còn quan trọng nữa. Sự an toàn, sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu.

 

Ngày hôm qua đã là quá khứ. Cần sống cho hôm nay và hy vọng cho ngày mai. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngay cả việc co cụm lại cũng không giúp giữ được doanh nghiệp nên các nhà kinh doanh buộc phải thay đổi.

 

Nếu như trước đại dịch, chúng tôi khá thụ động. Có tới 99% khách hàng của Lux Group là khách quốc tế đến Việt Nam và chúng tôi ngụp lặn trong vùng an toàn đó khi doanh thu luôn tăng trưởng 30% mỗi năm, làm không hết việc.

 

Tuy nhiên, dịch bệnh đến đã chặn đứng luồng khách quốc tế buộc chúng tôi phải thay đổi và trở lên linh hoạt hơn, đa di năng hơn trong lĩnh vực du lịch nội địa, vận tải, du thuyền sang trọng.

 

Trước Covid-19, có tới 99% tổng lượng khách hàng của Lux Group là du khách quốc tế đến Việt Nam.

 

Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng có thể thay đổi cánh buồm. Và giờ đây, chúng tôi nhận thấy một thị trường nội địa 100 triệu dân là đồng bào mình, nói tiếng Việt, là những người mà chúng tôi hiểu rõ về văn hóa, sở thích du lịch. Họ cũng có nhu cầu rất lớn về du lịch cao cấp, khác biệt.

 

Chính vì vậy Lux Group tạo ra phòng nội địa và website www.luxurytravel.vn  riêng tập trung vào phân khúc trung và cao cấp là du khách sang trọng Việt Nam. Với kinh nghiệm quốc tế đã có, chúng tôi tạo ra những trải nghiệm mới và phù hợp với đối tượng nhóm nhỏ, gia đình, những du khách sang chảnh lần đầu trải nghiệm sang trọng.

 

 

Những trải nghiệm du thuyền như ở Emperor Cruises Nha Trang, Hạ Long hay du thuyền Heritage Bình Chuẩn Cat Ba Archipelago của chúng tôi đáp ứng nhu cầu tìm tòi, mộng mơ, khám phá, thư giãn, trải nghiệm và hòa mình vào di sản văn hóa và thiên nhiên.

 

Năm qua, dù dịch bệnh nhưng Heritage Bình Chuẩn, một trong ba du thuyền của Tập đoàn được xem là tàu chạy nhiều chuyến nhất ở vịnh Bắc Bộ, với 25 chuyến/tháng, phục vụ hơn 7.000 lượt du khách. Đôi khi, tôi cũng thấy tự phục mình và cảm ơn đồng đội rất nhiều.

 

Dù dịch bệnh nhưng năm 2020, Heritage Bình Chuẩn được xem là tàu chạy nhiều chuyến nhất ở vịnh Bắc Bộ, với 25 chuyến/tháng, phục vụ hơn 7.000 lượt du khách.

 

Từ khi Covid-19 ập tới, chúng tôi nói chuyện nhiều hơn, bàn nhiều hơn, vẫn chưa ra thì phải mời chuyên gia về chụm đầu vào tìm cách. Không ai thông minh hơn tất cả chúng ta cộng lại. Lúc khó khăn mới thấy văn hoá doanh nghiệp được phát huy tác dụng ở sự đồng lòng cùng chèo lái công ty ở các cấp bậc, giá trị cốt lõi, tầm nhìn sứ mệnh và sự tin tưởng, giao tiếp nhau cùng vượt khó và dám làm, tự chuyển đổi để thích ứng trong tình hình mới.

 

Đặc biệt, chúng tôi số hóa toàn bộ doanh nghiệp, các quy trình quy chuẩn được thiết lập. Các ý tưởng mới, sản phẩm mới, cách tư duy mới được đưa vào triển khai tạo ra kết quả. Nếu có mất thì là mất tiền còn được nhiều hơn rất nhiều, dám nghĩ dám làm và chuyển đổi thích ứng nhanh và thành công.

 

Cuối cùng thì, chúng tôi đã trụ được và làm được nhiều việc, hoàn thành 9 trong 10 mục tiêu của Lux Group trong năm 2020 như nhận diện lại thương hiệu Lux Travel DMC cho khách quốc tế, mở được phòng nội địa.

 

Lux Group đã chuyển đổi sang mô hình Holding đón dòng vốn ngoại để mở rộng kinh doanh, thực hiện tham vọng phát triển đội tàu 30 chiếc du thuyền.

 

Đặc biệt, Lux Group chuyển đổi sang mô hình Holding đón dòng vốn ngoại để mở rộng kinh doanh, thực hiện tham vọng phát triển đội tàu 30 chiếc du thuyền. Dự kiến, năm 2021 đưa ba du thuyền mới vào hoạt động tại Lan Hạ, Nha Trang, Phú Quốc. Đồng thời, lấn sang bất động sản du lịch, thương mại và dịch vụ.

 

Mục tiêu lớn nhất của Heritage Cruises là chạy dọc bờ biển Việt Nam, tạo sản phẩm mới cho du lịch Việt Nam vào năm 2025.

 

Cá nhân tôi cũng đã thực hiện được những dự định còn dang dở và tôi đã hoàn thành cuốn sách "Kinh doanh thời 1.0" về vương đạo cuộc đời, thành công bằng sự tử tế của vua tàu thủy Việt Nam Bạch Thái Bưởi.

 

Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, ai rồi cũng sẽ khác, chúng ta phải mới, đổi mới sáng tạo, hệ thống, tư duy con người đội nhóm, sales và marketing luôn được lên hàng đầu. Chúng tôi tuyên bố quyền khách hàng 100% hài lòng. Tất cả vì trải nghiệm khách hàng, khi khách du lịch nước ngoài quay trở lại chúng tôi có sức bật lớn hơn vì đã hoạt động liên tục trong khi 95% các công ty lữ hành đã đóng cửa.

 

 

Trải nghiệm du thuyền Heritage Bình Chuẩn, vịnh Lan Hạ, Hải Phòng để thấy Việt Nam cũng có những trải nghiệm đẳng cấp, xa hoa không kém bất cứ nơi đâu.

 

 

Đợt dịch Covid-19 thứ tư đến nay vẫn còn chưa được kiểm soát hoàn toàn, ông đã tính toán như thế nào cho việc kinh doanh giai đoạn này?

 

Năm nay sẽ vẫn là xu thế du thuyền và du lịch nội địa lên ngôi. Người Việt đi tàu Việt, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Thành công của xu thế nhà nhà đi du thuyền, người người đi du thuyền trong năm 2020 đã hình thành xu hướng biết và yêu thích trải nghiệm du thuyền của người Việt Nam.

 

Lux Cruises (Heritage Cruises, Emperor Cruises Halong and Nha Trang) đã bán đợt một 10.000 vouchers với giá ưu đãi mua trước trong bối cảnh xu thế bùng nổ và cầu luôn lớn hơn cung. Cụ thể, chúng tôi đưa ra mức giá giảm 40% so với trước dịch Covid 19, tăng 10% so với 2020.

 

Đặc biệt, chúng tôi sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ cho các công ty đối tác và những chuyên gia du thuyền đủ năng lực, tâm, tầm và tài để bán một sản phẩm du lịch trải nghiệm. Họ phải là những người kể được câu chuyện di sản, trân quý giá trị văn hoá di sản và thông điệp độc đáo và chân thực của Lux Cruises.

 

Du khách luôn có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới chân thực và độc đáo. Cụ thể, vào thời điểm hậu Covid-19, du khách có xu hướng nghỉ ngơi thư giãn với các điểm đến gần bằng đường bộ, đi nhiều lần, du lịch xanh về thiên nhiên, biển đảo và đi nhóm nhỏ hoặc đi với gia đình bằng xe riêng.

 

 

Luxury Travel có hạm đội 10 chiếc ô tô từ 4-16 chỗ, bao gồm cả xe limousine.

 

Cầu này lớn dần lên như lò xo bị nén trong thời gian qua và hết dịch là khách sẽ đi chơi ngay. Bên cạnh đó, việc có thêm vắc-xin làm du khách càng tự tin đi du lịch nên chúng tôi nhận thấy việc tăng nhẹ giá đồng thời tăng thêm dịch vụ và trải nghiệm sẽ khiến khách thoả mãn và hạnh phúc hơn.

 

Giảm 40% là mức kích cầu lớn để người Việt được trải nghiệm một tác phẩm độc bản giữa kỳ quan thiên nhiên mà khách nước ngoài phải bay cả ngàn cây số và phải trả gấp hai lần tiền mới được tận hưởng.

 

Vì thế, đây là cơ hội “ngàn vàng” để người Việt Nam trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất với giá hợp lý nhất.

 

Cầu thang đôi độc đáo trên du thuyền Emporer, vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh.

 

Bên cạnh chính sách giảm giá, yếu tố nào được cho là cốt lõi để Lux lấy lại được thị trường nội địa nhanh và hiệu quả về dòng tiền?

 

Trong dịch bệnh khó lường này, trước mắt an toàn cho nhân viên và mỗi du khách là điều quan trọng nhất. Vượt qua dịch bệnh đảm bảo công ăn việc làm cho cả 3 công ty với 250 con người là quan trọng. Tầm nhìn xa hơn là giải bài toán lớn về tài chính, con người, chuyển đổi số, cổ phần và lên sàn chứng khoán.

 

Lux Group giữ được uy tín, giá trị cốt lõi và tài chính để tiếp tục phát triển các dự án mới, dẫn dắt đội ngũ lãnh đạo dám thay đổi, nghĩ mới làm khác để có kết quả đột phá.

 

Trước mắt, chúng tôi gia tăng giá trị cho khách, giúp họ thoả mãn bằng việc giảm giá trực tiếp, tăng trải nghiệm và không ngừng đổi mới. Chúng tôi thực hiện bán sớm với giá rẻ hơn để tối ưu dòng tiền. Chúng tôi mong muốn nhiều “người ta được đi tàu ta” mà cụ Bạch Thái Bưởi từng mong muốn xưa kia, muốn những giá trị văn hoá, di sản, ẩm thực và con người được biết đến nhiều hơn.

 

 

Ví dụ, du khách đi Heritage Bình Chuẩn sẽ được trải nghiệm thêm dịch vụ chụp ảnh, được tận hưởng không khí và tìm về miền ký ức với nhạc sống violon và guitar.

 

Du khách sẽ có những trải nghiệm ẩm thực với chuyên gia rượu tư vấn, tiệc cocktail đón hoàng hôn trên pool bar và bể bơi. Chúng tôi mời bếp trưởng đoạt giải để tạo những món mới theo mùa, nâng tầm ẩm thực với ý tưởng bữa tối à la carte, ăn tối cao cấp fine dining bồng bềnh giữa vịnh, với âm nhạc và không gian sẽ tạo những kỷ niệm cho du khách mà tiền không mua được.

 

Chúng tôi dự định xây dựng triển lãm ảnh “vũ khúc bốn mùa Lan Hạ tại phòng chờ” của nhiếp ảnh Nguyễn Cường và kịch hoạt cuộc thi ảnh đẹp có giải mỗi tuần để thực hiện marketing lan truyền, xúc tiến tại chỗ ngay tại Cát Hải, Hải Phòng.

 

Ngoài ra, chúng tôi đưa dịch vụ lặn biển vào khu vực Ba Trái Đào để du khách ở lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Trên du thuyền, chúng tôi đưa vào tour mới khám phá du thuyền với chuyên gia. Chúng tôi không bán một cabin trên du thuyền mà tổng thể trải nghiệm, một hành trình về miền ký ức và kể một giấc mơ du thuyền đầu tiên “Made-In-Vietnam” dang dở.

 

Lux Group không ngừng kiến tạo những trải nghiệm khác biệt, độc đáo “đỉnh của chóp” cho du khách.

 

Riêng Emperor Cruises Halong là dòng siêu sang trọng cho những khách thực sự có gu, chúng tôi tinh chỉnh sản phẩm, thêm hai phòng spa mới, không gian mỹ thuật mới, một Sunset Bar ở bong tàu trên tầng mái để thưởng thức âm nhạc, cocktail và ngắm hoàng hôn. Sẽ có thêm hai phòng ngủ Hà Nội và Sài Gòn thành 10 phòng trên du thuyền phục vụ 20 khách và tối đa 30 khách, với dịch vụ quản gia. Tất cả các phòng đều có ban công riêng, tầm nhìn toàn cảnh.

 

Một trải nghiệm khác biệt độc đáo “đỉnh của chóp” trên vịnh Bái Tử Long. Du thuyền Emperor Cruises Nha Trang phù hợp hơn với mức giá của người Việt mà không giảm chất lượng. Chúng tôi tạo các đêm nhạc Trịnh, sunset show ngắm hoàng hôn, ngắm trăng tròn giữa vịnh với âm nhạc, cảnh sắc, bạn hữu, ẩm thực và những câu chuyện.

 

Du khách đi tàu ngày hay đêm đều được thưởng thức âm nhạc, dịch vụ trọn gói mà không phải trả thêm tiền. Du khách có thể lựa chọn nghỉ ngơi trên bãi biển trong vịnh Nha Trang hoặc mua thêm tour đi lặn biển tại Hòn Mun. Trà chiều và giới thiệu nghệ thuật thưởng trà của người Việt giữa vịnh cũng là những hoạt động mới cho du khách.

 

 

Còn phân khúc khách hàng hạng sang mà ông hướng đến trước đây giờ thay đổi ra sao?

 

Du lịch sang trọng là trải nghiệm và dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao. Chúng tôi định nghĩa sang trọng bao gồm nhà sang, những đồ tư trang sang trọng và dịch vụ sang trọng.

 

Đối tượng của phân khúc này có thể được chia thành năm nhóm: Nhóm sang chảnh, thích thể hiện hình ảnh, thích những trải nghiệm điên, độc, lạ khiến người khác phải ngước nhìn và đây là nhóm truyền thống; nhóm khát khao muốn tận hưởng sự sang trọng khi có điều kiện; nhóm chuyên tìm kiếm những trải nghiệm mới khi có tiền, và phân khúc này đang tăng cao; nhóm lần đầu trải nghiệm tuần trăng mật; và nhóm khách lớn tuổi, sang trọng nhưng tiết kiệm, thích đi du lịch cùng gia đình.

 

Nhiều trải nghiệm du lịch sang trọng trước đây chỉ dành cho khách nước ngoài giờ đây cũng đã trở nên hấp dẫn hơn cho người Việt Nam. Chúng tôi có được dữ liệu khách hàng và hiểu sâu sắc những mong muốn của khách hàng sang trọng, từ đó tạo ra những trải nghiệm đích thực, độc đáo.

 

Đây cũng là phân khúc và tệp khách hàng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có sức mua lớn, phục hồi nhanh nhất sau giãn cách xã hội.

 

Nhu cầu và cách đi du lịch của du khách sau dịch cũng thay đổi. Nhóm khách này có xu hướng muốn tới các điểm đến an toàn, gần và giá cũng phải hợp lý hơn mặc dù họ có tiền. Họ thường đi ngắn ngày, di chuyển bằng đường bộ, mua các gói combo đơn giản để nghỉ dưỡng, đi du thuyền là xu thế mới, đặt tour gần với ngày đi, sử dụng xe riêng, nhiều khách đặt tour trên mạng và đặt từ điện thoại thông minh.

 

Tệp khách hạng sang số lượng nhỏ nhưng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có sức mua lớn, phục hồi nhanh nhất sau giãn cách xã hội.

 

 

Tôi thật sự rất tò mò khi ông khởi nghiệp chỉ với 1.000 USD, nhưng lại táo bạo tấn công vào thị trường khách hạng sang?

 

Tôi làm du lịch từ giữa những năm 90. Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ tiếng Pháp, vốn tiếng Anh cũng không tệ, như nhiều sinh viên ra trường khi đó, tôi làm hướng dẫn viên từ năm 1995, rồi kinh qua các vị trí trong ngành như sale, marketing, quản lý điều hành. Đến năm 2004, tôi bắt đầu lập doanh nghiệp, sau 10 năm trải nghiệm và nhận thấy đủ chín, đủ kinh nghiệp. Luxury Travel ra đời.

 

Tôi đã "chọn ngõ nhỏ vào nhà sang", tạo trải nghiệm phù hợp và đánh đúng mong muốn của khách hàng và thành chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng từ đó đến nay.

 

Thời điểm đó, du lịch hạng sang tại Việt Nam còn nhỏ lắm, thậm chí việc xác định còn mơ hồ. Cái từ “sang trọng” mà các nhà cung cấp của ta thậm chí cũng chưa tự tin để nói đến và định vị với du khách.

 

Cũng cần hiểu rằng xa xỉ với quan niệm của mỗi người khác nhau. Khái niệm du lịch xa xỉ sẽ được hiểu theo một nghĩa riêng, chẳng hạn như vi vu trên chiếc du thuyền xa hoa, trải nghiệm một chương trình thực dưỡng, hay nghỉ lại tại một khách sạng siêu sang… nhưng cũng có khi chỉ đơn giản chỉ những nhu cầu nhỏ nhất được đáp ứng, được chạm tới cảm xúc của khách hàng với những ngạc nhiên thú vị.

 

Tuy nhiên, tất cả đều phải thật đặc biệt, bởi những vị khách giàu có luôn muốn hành trình của mình không chỉ sang trọng mà còn độc đáo và xứng tầm đẳng cấp.

 

 

Tôi đã ở những hệ thống khách sạn sang trọng bậc nhất của quốc tế như Six Senses, đi trên những chuyến bay thuê riêng... Nhưng đôi khi, sang trọng không phải là những khách sạn đẳng cấp 5 hay 7 sao mà chỉ đơn giản là những cảm xúc nó chạm được vào mình. Tôi cho đó là xa xỉ.

 

Tôi nhớ những kỷ niệm ở Bali (Indonesia), trong một resort rất yên bình, đi bộ trên những cánh đồng, buổi tối ngồi ăn tối ngay trên bờ ruộng. Với tôi xa xỉ là những cái gì đó mới, cái gì lạ, cái gì khác so với những gì mình đã từng đến, từng trải nghiệm.

 

Ngay từ khi ra đời, chúng tôi nắm lấy cơ hội từ internet, chủ động thiết lập các website kết nối và giới thiệu tới thế giới, thúc đẩy thương mại điện tử. Và có lẽ chúng tôi cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nắm bắt và cho phép khách hàng đặt chỗ, thanh toán qua mạng để tăng kết nối, tăng thuận tiện cho du khách nước ngoài đến Việt Nam giai đoạn đó.

 

 

Internet đã mở ra những cơ hội nào cho Luxury Travel, thưa ông?

 

Công cụ internet tạo ra cơ hội lớn, nguồn lực vô hình và vô cùng lớn, giúp rút ngắn và giảm thiểu được rất nhiều khoảng cách cho phát triển, và giúp giảm được rất nhiều chi phí trong tổ chức, xúc tiến, kết nối với khách hàng.

 

Qua kết nối của internet, qua thương mại điện tử, qua xúc tiến du lịch trực tuyến, chính các nhà làm du lịch của Việt Nam mới thực sự gia tăng được tốt hơn các nhu cầu, nắm tốt hơn đặc điểm tâm lý và thói quen tiêu dùng du khách để hoàn thiện các phân khúc, các khu vực khách tiềm năng và phát triển dịch vụ một cách phù hợp.

 

Có lẽ, sự ra đời của Luxury Travel có một yếu tố thuận lợi khi đó là đúng lúc, đúng thời điểm, có sự hỗ trợ để bùng nổ từ kết nối internet giai đoạn đầu như vậy.

 

 

Tất nhiên, là còn phải địa lợi, nhân hòa nữa.

 

Khởi nghiệp chỉ với 1.000 USD, cùng chiếc máy tính kết nối internet, tôi thiết kế sản phẩm nhờ internet cùng những trải nghiệm gần chục năm trong nghề của bản thân. Qua website giới thiệu, tiếp cận những khách hàng tiềm năng.

 

Dù khởi nghiệp khó khăn, vốn nhỏ, nhưng nhờ internet, chọn vào thị trường ngách, thì một thuận lợi lớn là Việt Nam ta có nhiều thế mạnh làm du lịch, về lịch sử, văn hóa, các kỳ quan nổi tiếng, có bờ biển đẹp hàng đầu châu Á trải dài…

 

2004 cũng là giai đoạn du lịch Việt Nam bắt đầu bùng nổ. Thời điểm đó bắt đầu có những bộ phim của nước mình công chiếu trên thế giới, tôi cho đây là những cú hích quảng bá rất mạnh, gián tiếp giới thiệu về đất nước, con người, phong cảnh, lịch sử đất nước mình, mà từ đó kích thích du khách các nước đến tìm hiểu, khám phá.

 

Ban đầu Luxury Travel theo thị trường truyền thống là Pháp, sau đó mở rộng và phát triển các thị trường như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Tây Ban Nha…. Phát triển thị trường theo ngôn ngữ và ngày càng mở rộng, lượng khách của chúng tôi tăng trưởng đều đặn 20% - 30% mỗi năm.

 

 

 

Sự khác biệt của phân khúc sang trọng mà ông theo đuổi là gì?

 

Cho đến nay, tỷ trọng của lượng khách ở phân khúc này vẫn rất nhỏ, chỉ khoảng 3-5% thôi. Tuy nhiên, đây lại là lượng khách có tiền, có nhu cầu đặc biệt, chi tiêu rất cao. Ngay như trên một chuyến bay vậy, có nhiều phân khúc mà mức độ chi tiêu, giá cả và yêu cầu phục vụ đã rất khác.

 

Ở phân khúc này, du khách là những người rất am hiểu, có nhiều trải nghiệm, đòi hỏi khắt khe, vì họ biết rõ họ cần gì và phải có gì ở những nơi họ đến. Thậm chí họ biết ở khách sạn đó phòng nào là đẹp nhất. Họ rất hiểu biết và rất kỹ tính, đòi hỏi rất cao. Và sản phẩm của mình phải “thửa” theo yêu cầu riêng của họ.

 

Trung bình mỗi người khách đến Việt Nam chi khoảng 900 USD, thì 1 người khách cao cấp có thể tiêu 5.000 - 10.000 USD. So với các nước trong khu vực thì mình không rẻ đâu.

 

 

 

Từng du học ở nước ngoài, lại được đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới, tại sao ông vẫn chọn khởi nghiệp ở Việt Nam?

 

Làm nghề du lịch được đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người ở những tầng lớp xã hội rất khác nhau. Đó là một ân huệ mà “ông Trời” ban tặng cho những người làm du lịch. Tôi cũng may là được đi nhiều nơi, khoảng 70 nước khắp năm châu, mỗi nơi có một vẻ đẹp khác nhau, nền văn hoá khác nhau.

 

Đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam mình đẹp nhất, sống ở Việt Nam vẫn thích nhất, vì mình là công dân Việt Nam. Với tôi có thể đi chơi khắp nơi dăm ba tháng nhưng để sống, tôi vẫn thích ở Việt Nam hơn.

 

Với tôi, hạnh phúc chỉ đơn giản là cảm nhận một Hà Nội cổ kính, mộc mạc với những quán cà phê trứng buổi sáng, trong ngôi nhà nhỏ hẹp. Mọi thứ thật tinh khôi, trong trẻo, yên bình. Tất cả dường như bỏ quên thành phố hiện đại ngoài kia. Hay có thể í ới bạn bè cà phê khi thành phố đã lên đèn, thỉnh thoảng có thể giao lưu cùng ông hoạ sĩ, được ông mời uống trà để chuyện trò về tranh ảnh, về văn hoá. Nhịp sống Hà Nội không quá gấp gáp, mình vẫn được ở mảnh đất, miền ký ức mà mình sinh ra, với những dự án thôi thúc mình làm.

 

Doanh nhân Phạm Hà đã khám phá 70 quốc gia, ở khắp các châu lục trên toàn thế giới.

 

Tôi cũng là người thích mạo hiểm và thích chinh phục, ví dụ như chinh phục ngọn nguồn của các con sông ở phía Bắc, có thể là con sông Mêkong hay nhiều vùng biển khác. Khi chinh phục thì mình còn cảm thấy mình còn sức sống, có đam mê để làm tiếp, viết tiếp những dự án dang dở của mình.

 

Đó cũng là lý do thôi thúc tôi thức dậy mỗi buổi sáng để làm việc, cống hiến làm tiếp những dự án còn dang dở và ngày hôm nào cũng cảm giác như là ngày cuối của cuộc đời mình và cũng sẽ cháy hết mình, để khi quay lại mình không nuối tiếc gì cả.

 

Ra nước ngoài nhìn về Việt Nam, tôi nhận thấy 3 lĩnh vực đất nước ta giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển cũng là điểm khác biệt so với các quốc gia trong khu vực. Đó là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin. Du lịch lại là tình yêu lớn, chảy trào trong con người tôi, thế nên chẳng có lý do gì mà tôi không đầu tư vào du lịch ở Việt Nam cả.

 

 

 

 

Chọn thị trường khách hạng sang, chặng đường thành công của Luxury Travel đến Lux Group ngày nay, chắc chắn không phải được trải hoa hồng, thưa ông?

 

Giống như tất cả các doanh nghiệp du lịch khác ở Việt Nam, Luxury Travel nói riêng, Lux Group nói chung phải đối mặt với những điểm yếu của du lịch Việt Nam.

 

Đầu tiên, du lịch Việt Nam đang thiếu một nhạc trưởng, thiết tầm nhìn chiến lược lâu dài, phát triển manh mún, mạnh ai ấy làm và không bền vững.

 

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển du lịch, Chính phủ cũng đang thực hiện những giải pháp phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Vậy thì, cần nhanh chóng chuyển từ Nghị quyết sang hành động cụ thể của Chính phủ, từ trung ương tới địa phương. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức về du lịch của quan trí các cấp. Họ phải nhận thức được du lịch là kinh tế, làm ra tiền, công ăn việc làm cho địa phương.

 

Tôi đã nhiều lần đề xuất thành lập Bộ Du lịch, trực thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập từ trên trung ương xuống địa phương hiệu quả theo mô hình Thái Lan, nhưng không mấy lạc quan.

 

Các cấp, ngành, địa phương nói nhiều đến việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng qua hơn một năm lao đao vì đại dịch, chúng tôi thấy dường như ngành kinh tế xanh vẫn chỉ là “đứa con hoang” của nền kinh tế. Các doanh nghiệp du lịch tôi biết chưa ngửi thấy chứ đừng nói là chạm được vào các gói cứu trợ của Chính phủ.

 

 

Tôi rất băn khoăn cho sự phục hồi của các doanh nghiệp du lịch, nếu không có những chính sách thực sự hữu hiệu. Bởi nhân lực du lịch đã chảy máu chất xám, cạn kiệt vốn và cũng phải ít nhất chừng 4 -5 năm, thị trường quốc tế mới có thể phục hồi như năm 2019. Nếu không có những chính sách phù hợp cho cả thị trường nội địa và quốc tế thì chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực.

 

Hiện nay, có 4 vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng và cần cụ thể hóa bằng hành động ngay và luôn: thứ nhất là cơ chế chính sách cho du lịch và vì du lịch, thứ 2 là yếu tố con người, thứ 3 là sản phẩm du lịch, thứ 4 là xúc tiến du lịch hiệu quả.

 

Trong bốn vấn đề tôi nêu trên, cần ưu tiên tập trung vào tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kiến tạo cho doanh nghiệp làm những gì mà luật không cấm.

 

Có thể nói, cơ chế chính sách là một trong những vấn đề rất khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp du lịch hiện nay. Đơn cử, doanh nghiệp không được phép đưa khách di chuyển bằng đường thủy qua lại giữa vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long mà phải lên bờ sau đó mới di chuyển. Hay du thuyền Heritage Bình Chuẩn để có thể vận hành phải cần đến 18 loại giấy phép, khiến chúng tôi mất nhiều thời gian, nguồn lực.

 

Chúng tôi thấy Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển du lịch du thuyền, nhưng cơ sở cảng thủy nội địa và cảng biển quá thô sơ. Ví dụ, cảng của Thủ đô Hà Nội mà thua xa cả Sài Gòn và Đà Nẵng; cũng không có cảng du lịch đường thủy thuận tiện cho du khách đi và đến Hà Nội, kết nối với Hạ Long, Hải Phòng và Ninh Bình, Nam Định. Cả nước cũng chưa có cảng tàu du lịch nào đúng nghĩa.  

 

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể làm cho sông Hồng vĩ đại trở lại như “vua đường thủy” Bạch Thái Bưởi đã làm hồi đầu thế kỷ 20. Phát triển du lịch sông Hồng là điểm khác biệt lớn của du lịch Thủ đô, tại sao không? Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một đất nước Việt Nam giàu tài nguyên, tiềm năng, nhưng sản phẩm du lịch lại nghèo nàn.

 

 

Một vấn đề đáng báo động nữa là du lịch Việt Nam thiếu dự báo, tầm nhìn và phát triển không bền vững và quá nóng. Nhiều nơi xây dựng phát nát cảnh quan và làm hỏng tài nguyên du lịch như Sapa, Bà Nà, Nha Trang, Phú Quốc. Hơn 20 năm tôi làm du lịch chưa khách nước ngoài nào đặt tour đi cáp treo, họ đến Sapa không phải để đi cáp treo.

 

Phú Quốc phát triển quá nhanh và quá nóng cũng không tốt. Vịnh Hạ Long ngày một ô nhiễm và bị cấm đoán nhiều thứ. Du lịch Việt Nam không cần nhất thiết phải chạy theo con số, phải tăng số lượng khách đến mà nên tập trung vào chất lượng khách đến và chất lượng điểm đến.

 

Tất nhiên, doanh nhân phải luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Khó khăn thì lúc nào cũng có, tùy thuộc vào mình nhìn nhận nó và ứng xử với nó thế nào thôi. Tôi cũng là người rất lạc quan. Tuy nhiên cũng có khi cảm thấy thất vọng vì mình có quá nhiều ý tưởng cho nhiều dự án và đam mê mà chưa thực hiện được vì chưa có người làm và chưa đủ tài chính để thực hiện.

 

 

Theo quan sát của ông, chính sách khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay như thế nào?

 

Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ cho các start-up, những doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó tôi vẫn chưa thấy có nhiều sức hấp dẫn cho giới trẻ hoặc đầu tư mạo hiểm. Bởi vì những lĩnh vực này còn rất mới, thậm chí chưa có quy định nên tính rủi ro cao.

 

Do đó, chúng ta có thể học cách làm của Mỹ, như tạo ra sân chơi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm đầu không tính thuế để khuyến khích nhiều người khởi nghiệp và có nhiều sáng tạo hơn khi khởi nghiệp.

 

Việt Nam cũng cần tạo ra những công viên sáng tạo, không gian sáng tạo để tuyển chọn, hiện thực hóa những ý tưởng, dự án hay mà không bị tính thuế trong thời gian đầu, cho đến khi bán được sản phẩm.

 

Cùng với đó, cần có những quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước hỗ trợ phát triển những dự án có tiềm năng, bởi người Việt Nam rất sáng tạo và dư địa phát triển ba lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin còn rất lớn.

 

Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với những dự án mang hàm lượng chất xám cao và tính sáng tạo được đầu tư nhiều hơn, chúng ta sẽ tạo được nền kinh tế tri thức và văn hóa sáng tạo. Điều này không chỉ thu hút nhiều người khởi nghiệp hơn mà còn biến Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

 

 

 

 

Mục tiêu lớn nhất của Heritage Cruises là chạy dọc bờ biển Việt Nam, tạo sản phẩm mới cho du lịch Việt Nam vào năm 2025.

 

Bình luận bài viết này
  • Trần Nam Phong 09:24 | 13-05-2021
    Anh Hà chắc là cổ đông của Báo Đầu tư nhỉ, một tháng lên báo Đầu tư mấy lần. Rất mong anh và công ty vượt qua khó khăn dịch bệnh nhé.
  • Can 16:55 | 16-05-2021
    Bài viết hay và nhiều tâm huyết. Chúc anh Phạm Hà và Công ty vượt qua sóng gió, gặt hái thành công.
  • Hồng Hoa 14:25 | 12-05-2021
    Rất đồng tình với ý kiến của CEO. Việt Nam nhất thiết phải có những công viên sáng tạo, không gian sáng tạo để tuyển chọn, hiện thực hóa những ý tưởng, dự án hay mà không bị tính thuế trong thời gian đầu, cho đến khi bán được sản phẩm. Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành như hiện nay, những người muốn khởi nghiệp rất e dè vì tính rủi ro cao. Nếu Chính phủ không có quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các start-up thì có lẽ rất nhiều dự án hay sẽ không được hiện thực hóa. Nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin là những lĩnh vực rất tiềm năng, Chính phủ và cơ quan chức năng cần ưu tiên đầu tư để phát triển trong tương lai.
Hồ Hạ 12/05/2021 08:31