Nội dung, thiết kế: Hồ Hạ | Ảnh, video: Chí Cường, FB nhân vật 

 

Hiếm có vị Đại sứ nước ngoài nào đã sống và theo dõi những bước phát triển của đất nước Việt Nam suốt 42 năm qua, từ năm 1980 đến nay như ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

 

Là Đại sứ đồng thời cũng là một nhà Việt Nam học, ông Saadi Salama khiến bất cứ người Việt nào có cơ hội tiếp xúc cũng phải ngỡ ngàng vì “kỹ nghệ” nói tiếng Việt của ông thậm chí rõ ràng, chuẩn ngữ pháp hơn rất nhiều người bản địa. Đặc biệt hơn là sự am tường văn hóa, lịch sử vùng miền trải dọc từ Bắc vào Nam trên “dải đất hình chữ S” của vị Đại sứ, điều mà không phải người Việt Nam nào cũng tỏ tường.

 

Bên bàn trà trong phòng làm việc ở Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam, lịch lãm trong bộ vest cùng phong thái chuyên nghiệp của một nhà ngoại giao, cộng hưởng với gương mặt rạng rỡ và đôi mắt “biết cười”, ông Saadi Salama say sưa kể về tình yêu, đam mê với những ngóc ngách văn hóa, lịch sử Việt Nam một cách đầy cuốn hút.

 

Ông khẳng định mình không phải là một vị khách quá cảnh tại Việt Nam, mà trong ông có một phần Việt Nam rất lớn. Với Đại sứ Palestine, Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, một đất nước đáng đến và đáng sống.

 

Ông Saadi Salama sinh năm 1961, tại tỉnh Hebron, miền Nam Palestine. Năm 19 tuổi, ông nhận được học bổng đi du học và chọn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông đã công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Palestine ở Việt Nam, Lào, Yemen, Ghana…

 

Ông là một trong số ít người nước ngoài có thể nói tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Ông được coi là một chuyên gia người Ả Rập về Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Nam Á nói chung. Ông đã dịch và hiệu đính một số tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ả Rập.

 

Quá trình làm việc của ông Saadi Salama tại Việt Nam:

 

+ Năm 1982 – 1983, là Bí thư phụ trách về thông tin của Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Việt Nam.

 

+ Năm 1989 - 1991, là Phó đại sứ tại Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam.

 

+ Từ năm 2009 đến nay, là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam.

 

+ Từ 2019 đến nay, là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

 

 

Thưa ông, lần đầu đến Việt Nam du học, ông mới 19 tuổi, ông cảm nhận thế nào về “đất nước hình chữ S”. Mọi thứ có khác so với tưởng tượng của ông khi chưa tới đây?

 

- Tôi tìm hiểu về Việt Nam từ khi còn là cậu học sinh 12 tuổi ở Palestine. Đó là khi tôi tìm hiểu về phong trào dân tộc trên thế giới. Tôi đã xem truyền hình, đọc báo về Việt Nam.

 

Tôi nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tiến công trên toàn bộ miền Bắc (Việt Nam), tập trung vào các thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, nhằm đạt được mục tiêu chính trị trên bàn hội nghị Paris. Bởi vì cũng giống như nhân dân Việt Nam, nhân dân Palestine luôn mang trong mình khát vọng hòa bình, khát vọng độc lập, khát vọng tự do.

 

Tình cảm đó trong tôi càng ngày càng sâu đậm, như một người bạn luôn tìm hiểu và dõi theo những cuộc đấu tranh tại Việt Nam. Và Việt Nam đã để lại ấn tượng rất tuyệt vời về một dân tộc anh hùng, một cái tên mà tôi luôn luôn quan tâm.

 

Đến khi Việt Nam giành thắng lợi, hoàn toàn thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân tôi, mà nhân dân Palestine đều vui mừng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập của Sài Gòn nay là TP.HCM.

 

Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Chúng tôi càng củng cố thêm niềm tin vào tương lai, vào con đường độc lập dân tộc giống như con đường Việt Nam đã chọn và đã chiến thắng.

 

Mặc dù chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó.

 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi chuẩn bị đi du học ở nước ngoài. Tôi cảm thấy rất may mắn nhận được học bổng của nhiều nước, trong số đó, cái tên Việt Nam rất nổi bật. Tôi đã không hề dè dặt một chút nào và chọn Việt Nam ngay lập tức, bởi đó là nơi tôi đã ước mơ một ngày nào đó được đặt chân đến.

 

Khi mới tới Việt Nam, tôi đã có một tình yêu lớn với mảnh đất này, nhưng sự hiểu biết về Việt Nam của tôi hầu hết liên quan đến tinh thần chiến đấu, ý chí bất khuất và sự hy sinh của người Việt Nam để giành được độc lập, tự do. Một dân tộc đấu tranh cho lẽ phải giống như dân tộc Palestine. Và chỉ có thế.

 

Ông Saadi Salama phiên dịch cho cố Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat khi ông đến thăm Việt Nam vào năm 1989 và năm 1991 trong các cuộc gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

 

Còn cuộc sống hàng ngày, văn hóa của người Việt, với tôi lại như “một trang giấy trắng”. Tôi cảm thấy mọi thứ từ phong tục tập quán, thói quen hàng ngày, ẩm thực, kiến trúc… khác rất nhiều so với Palestine.

 

Nhưng sau một thời gian sống và học tập rồi làm việc tại Việt Nam, tôi đã phát hiện ra rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa dân gian Palestine và Việt Nam.

 

Dần dần, tôi trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi. Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi là quê hương của tôi, không khác gì với đất nước Palestine nơi tôi sinh ra.

 

 

Ông đã làm việc tại nhiều cơ quan ngoại giao của Palestine ở nước ngoài, mà trong đó Việt Nam là nơi ông gắn bó và làm việc lâu nhất. Theo cảm nhận của ông, Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong hơn 40 năm qua?

 

- Đây là một câu hỏi rất ý nghĩa và quan trọng.

 

Tôi là một trong số ít những người nước ngoài đã sống ở Việt Nam và đã theo dõi những bước phát triển của đất nước Việt Nam 42 năm qua, từ năm 1980 đến nay.

Tôi có thể khẳng định với tất cả bạn bè nước ngoài và các bạn Việt Nam rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã có những bước phát triển đáng kể, mà tôi có thể viết cả một cuốn sách. Và bật mí với nhà báo là tôi sắp ra mắt một cuốn sách về Việt Nam.

 

Lần đầu đến Việt Nam năm 1980, tôi thấy Thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hoà, yên bình, nhưng cũng cảm nhận được, nhân dân Việt Nam sống vất vả.

 

 

Tất cả mọi người dân Việt Nam khi đó đều như nhau cả, phụ nữ cũng như nam giới. Nam giới mặc một chiếc quần kaki với sơ mi màu trắng, phụ nữ diện quần lụa đen với sơ mi và đội một chiếc nón. Người nào cũng đi xe đạp, đi làm từ sáng và đều mang theo một chiếc cặp lồng để mang thức ăn từ nhà đến cơ quan.

 

Việt Nam những năm đó phải nhập gạo của nước ngoài, chủ yếu là gạo Ấn Độ với 5% tấm. Vậy mà giờ Việt Nam có khi là thứ nhất, có khi là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, tùy thuộc vào mùa vụ. Việt Nam giờ cũng là quốc gia đóng góp vào việc đảm bảo an ninh toàn cầu khi xuất khẩu nhiều hải sản, nông sản nhất thế giới, nếu nhìn về cà phê, về các loại hạt như điều, tiêu… Đó rõ ràng là sự thành công rất rực rỡ.

 

Tôi cũng nhớ Hà Nội những năm 1980, nhà cao nhất cũng không thể quá 5 tầng, còn giờ Hà Nội và TP.HCM đã có nhiều tòa nhà có thể là cao nhất Đông Nam Á. Đấy cũng là hình ảnh của thành công, của cố gắng, của nỗ lực vươn mình mạnh mẽ.

 

Chỉ trong hơn 35 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, mà Việt Nam đã có những thành quả đó. Nếu nhìn ra, so sánh với những quốc gia mà tôi đã từng làm, từng sống ở đó như Ghana, Yemen và một số quốc gia khác ở châu Phi, thì rõ ràng sự thành công, những thành quả của Việt Nam đã đi xa hơn rất nhiều.

 

 

Thưa ông, vậy những thành quả Việt Nam đã đạt được là nhờ đâu?

 

- Thành công nói trên phản ánh hai điều.

 

Điều thứ nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã quyết định những chính sách phù hợp với điều kiện đất nước.

 

Thứ hai, người dân Việt Nam rất chịu khó và luôn sẵn sàng nắm vững cơ hội để đưa cuộc sống của cá nhân mình cũng như đất nước mình vươn lên.

 

Đặc biệt, người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh và khoảnh khắc đầy xúc động của người Việt Nam trong bệnh dịch. Ở đó, những điều tưởng như có thể bị cuốn đi theo những lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng được đề cao và trở thành trọng yếu như phẩm giá con người và trách nhiệm với cộng đồng.

 

 

Và trong gian nguy, người Việt lại cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao - điều có lẽ vừa đến từ truyền thống văn hóa, vừa đến từ những bài học thực tế của một quốc gia đã trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt trong lịch sử.

 

Nếu không có ổn định chính trị, an ninh xã hội, không có môi trường đầu tư kinh doanh tốt, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực, lao động thông minh thì làm sao phát triển đất nước như vậy được.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước các bạn đã xác định cho mình một con đường đi đúng hướng với mục tiêu vượt qua khó khăn do chiến tranh gây ra và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó thể hiện rõ nét nhất ở chính sách đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng những năm 1985, 1986 của thế kỷ trước.

 

 

Không chỉ vượt qua khó khăn, sự vươn mình mạnh mẽ của “đất nước hình chữ S” trên mọi lĩnh vực đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc, ngưỡng mộ và đánh giá cao tất cả những điều đó.

 

Và tôi có thể khẳng định, yếu tố quan trọng nhất làm nên những thắng lợi của Việt Nam trước đây và bây giờ chính là tinh thần đoàn kết, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của người dân.

 

 

Người ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng qua nhiều lần trò chuyện với ông, tôi thực sự khâm phục “kỹ nghệ” nói tiếng Việt và sự am tường lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống Việt Nam một cách sâu sắc của ông. Điều gì đã khiến ông si mê Việt Nam đến thế?

 

- Với tôi, tiếng Việt là tâm hồn, là trí tuệ, là cốt cách của một dân tộc từng chịu đựng nhiều khổ đau nhưng luôn kiên cường và bất khuất. Mục đích của tôi khi đến Hà Nội, đến khoa tiếng Việt của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1980) là để học tiếng Việt thật giỏi, để biết rõ, hiểu rõ về lịch sử, văn hóa của một dân tộc từng làm chấn động địa cầu với những chiến thắng lẫy lừng năm châu. Động cơ đó đã tạo nên niềm say mê và miệt mài học tập trong tôi.

 

Sau khi học xong bằng cử nhân tiếng Việt tôi nhận ra rằng, có động cơ đúng, có tình yêu thật sự mới học giỏi được tiếng Việt. Nhưng người học giỏi không phải biết nhiều mà phải biết rõ cái gì mình cần diễn đạt, phải hiểu rõ những cái mình muốn nói, muốn viết, bởi tiếng Việt là cả một nền văn hóa, là công cụ giao tiếp đặc thù mang tính dân tộc sâu sắc của người Việt Nam.

 

Ban đầu, mục tiêu của tôi đến Việt Nam không phải là để trở thành Đại sứ. Điều đó là một cơ duyên và công việc Đại sứ đã chọn tôi.

 

Trước đây, tôi rất thích trở thành nhà báo, thích khám phá, tìm hiểu văn hóa. Từ đam mê cá nhân, tôi luôn luôn đi tìm những cái hay, cái đẹp, những điều mới lạ. Chính dân tộc Việt Nam đầy khác biệt và quyến rũ đã khiến tôi bị mê hoặc, bị đắm chìm trong thế giới đầy sắc màu ở nơi đây.

 

Với tôi, người Việt Nam là kiến trúc sư của mọi thắng lợi. Tôi bị lôi cuốn bởi thái độ, cách suy nghĩ, phong cách, cách sống và cuộc sống nề nếp của người Việt Nam.

 

Tất cả cứ âm thầm, lặng lẽ mà âm vang, vốn xa lạ lại trở nên quen thuộc, gần gũi như hơi thở, thôi thúc tôi phải tìm hiểu và tìm hiểu thật sâu sắc, phải đi đến tận cùng để trả lời mọi thắc mắc, nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của bản thân.

 

Rất nhiều người tò mò Việt Nam làm sao có thể chiến thắng được những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới? Làm sao từ một nước đói nghèo lại có thể đạt được những thành công lớn về kinh tế? Nếu không tìm hiểu về con người Việt Nam, cách suy nghĩ của người Việt Nam từ xa xưa thì sẽ không thể tìm được đáp án.

 

Tôi luôn thích hai loại ngoại giao là ngoại giao chính thức và ngoại giao nhân dân. Tôi luôn luôn gắn bó với người Việt Nam để tìm hiểu thêm thật nhiều lĩnh vực. Điều đó giúp cho kho kiến thức về Việt Nam của tôi ngày càng đầy lên.

 

Làm nhà ngoại giao cũng giống như đi du mục. Tôi đã làm việc ở nhiều nước nhưng Việt Nam là nơi tôi có thời gian gắn bó lâu nhất. Sự gắn bó của tôi ở Việt Nam sẽ tiếp tục vì tôi đến Việt Nam không phải chỉ là một vị khách quá cảnh.

 

Tôi giống như một người Việt Nam xa quê hương đã hai, ba mươi năm nhưng không thể quên được hương vị của món canh chua hay món rau muống. Mỗi lần xa Việt Nam, tôi luôn có cảm giác đang đi xa nơi mà mình rất trân quý. Đó là nơi có những kỷ niệm đẹp trong đời của tôi. Cứ ra nước ngoài là tôi lại phải tìm một nhà hàng Việt Nam để có thể dùng món ăn Việt.

 

Tôi rất muốn gửi thông điệp tới người Việt Nam rằng: “Các bạn Việt Nam ơi! Trên hành tinh này có rất nhiều người ngưỡng mộ và quý mến đất nước của các bạn. Và họ sẵn sàng dành cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc Việt Nam”.

 

 

Sống ở Việt Nam lâu như vậy, còn điều gì trong cuộc sống khiến ông cảm thấy áp lực không?

 

- Áp lực thì không, nhưng thách thức thì có đấy.

 

Như bạn biết, tôi là người nước ngoài, nhưng lại là một nhà Việt Nam học. Tôi đã từng học ở Việt Nam, từng sống ở đây mấy chục năm và nổi tiếng là một người am hiểu phong tục, tập quán, truyền thống của người Việt Nam. Điều đó khiến tôi luôn luôn cảm thấy phải cẩn thận trong lời ăn, tiếng nói, phải làm thế nào để không bị thất lễ khi ứng xử và giao tiếp với người Việt Nam. Bởi vì, có thể họ sẽ nghĩ rằng mình thất lễ là cố tình.

 

Có đôi khi, tôi cảm thấy đó là thách thức, nhưng ở chiều ngược lại, nó giúp tôi khắc sâu trong tâm trí những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống của người Việt Nam.

 

 

Và điều đó cũng giúp tôi có thêm nhiều bạn bè Việt Nam hơn cả ở Palestine. Tôi cũng đã kết bạn với rất nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam hoặc đến đây công tác. Tôi tự hào vì đã được kết bạn với rất nhiều người, ở khắp năm châu tại Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi.

 

Càng ngày, tôi càng củng cố kiến thức về đất nước Việt Nam để khi gặp bạn bè có thể kể và đàm luận với họ về tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực…

 

Không chỉ am hiểu văn hóa chung của Việt Nam, tôi thậm chí hiểu cả về sự khác nhau trong từng vùng miền của Việt Nam và những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền ấy. Nếu bạn hỏi tôi về những đặc điểm nào đó của người Hà Nội, người Thanh Hóa, người Nghệ An, người Đà Nẵng, người Cần Thơ..., tôi có thể trả lời ngay.

 

Tôi rất vui và hạnh phúc khi là một trong những người nước ngoài am hiểu về đất nước và con người Việt Nam.

 

Đại sứ Saadi Salama cho biết, ông có nhiều người bạn Việt Nam hơn người Palestine

 

 

Là một nhà Việt Nam học, một người duy mỹ, yêu nghệ thuật và văn hóa, những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống nào của Việt Nam khiến ông bị mê hoặc?

 

- Nghệ thuật dân gian Việt Nam rất phong phú và đa dạng như kịch, ca trù, dân ca quan họ, chầu văn, chèo, tuồng, cải lương… Trong đó, tôi thích kịch và dân ca quan họ Bắc Ninh nhất. Nhưng tôi cũng rất yêu nghệ thuật của Việt Nam nói chung.

 

Tôi là một người rất hâm mộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tôi cho rằng việc công nhận hát Quan họ là Di sản văn hoá phi vật thể thế giới là quyết định đúng đắn của tổ chức UNESCO. Tôi cũng hy vọng rằng, các liền anh liền chị Quan họ sẽ giữ mãi những làn điệu quý báu này cho thế hệ mai sau.

 

Khi còn là sinh viên, tìm hiểu và thưởng thức hát chầu văn, tôi thấy đây là một loại hình nghệ thuật rất tuyệt vời, mang tính cộng đồng cao và có thể biểu lộ nội tâm sâu sắc.

 

Tôi cũng rất thích nhạc Trịnh. Khi tôi mới đến Việt Nam vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, đi qua các quán cà phê ở Hà Nội, tôi thường thấy người ta bật nhạc Trịnh. Tôi thích rất nhiều bài của “thiên tài” âm nhạc Việt Nam và đặc biệt thích bài “Quỳnh hương”.

 

Những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “rất dễ đi vào lòng người”. Nó có thể nói về tình yêu, sự lãng mạn, về nỗi buồn, mất mát và có thể là về những câu chuyện nào đó mà tôi biết là chính ông đã phải đón nhận trong đời thực.

 

Tôi có cảm giác ông đã để lại cho chúng ta một vườn hoa âm nhạc. Chúng ta có thể tìm thấy ở đó những bông hoa màu vàng, những bông hoa màu đỏ và cả những bông hoa màu trắng. Sự đa dạng trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn vừa giúp chúng ta dễ đồng cảm vừa khiến ông có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn chúng ta.

 

Tôi gắn bó với Hà Nội, nên cũng rất thích những bài về Hà Nội, trong đó có một bài rất hay của Hoàng Hiệp... (nói tới đây, ông Saadi cất giọng nam trầm: “Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình...”).

 

Tôi được biết ông còn đam mê và nghiên cứu Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du rất kỹ, thưa ông?

 

- Tôi rất mê “Truyện Kiều”. Bất cứ ai muốn tìm hiểu về Việt Nam, muốn biết cách tư duy của con người Việt Nam thì nhất định phải đọc “Truyện Kiều”. Lần đầu tiên đọc “Truyện Kiều”, tôi mới gần 21 tuổi, khi sang Hà Nội với vai trò là một du học sinh. Vốn tiếng Việt còn hạn chế khi đó, tôi thừa nhận chưa thể hiểu hết nội dung “Truyện Kiều”.

 

 

Đến năm 1989, trở về Việt Nam, khi trình độ tiếng Việt của tôi đã phong phú hơn rất nhiều, tôi đã đọc lại “Truyện Kiều”. Và sau đó, tôi còn đọc lại nhiều lần, vì tôi nghĩ đây là kiểu tác phẩm không thể đọc một lần là xong. Càng đọc, tôi càng hiểu cách Nguyễn Du phản ánh về thực trạng xã hội và con người Việt Nam. Nhưng, tôi tiếc một điều, đó là mình không biết chữ nôm nên phải đọc “Truyện Kiều” qua bản dịch chữ quốc ngữ.

 

Nhưng ngay cả khi đọc “Truyện Kiều” bằng chữ quốc ngữ cũng có nhiều điển cố, điển tích, không phải ai cũng hiểu. Vì thế, phải vừa đọc, vừa tra cứu. Phải kiên nhẫn mới đọc được.

 

Điều tôi thấm thía nhất khi đọc “Truyện Kiều” là thông điệp: “Chúng ta cần phải sống có nề nếp, có đạo lý, có kỷ cương. Ví dụ trong một gia đình, nếu không có sự kính trọng người lớn tuổi và sự thương yêu, chăm sóc người nhỏ tuổi thì mọi giá trị xã hội tan vỡ hết”.

 

Đại sứ Saadi Salama trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư.

 

 

Ông vừa dẫn dụ liên quan đến gia đình. Tôi được biết, vợ ông là người Việt Nam, bà đã sinh cho ông 4 người con giỏi giang, thành đạt. Tôi rất tò mò nề nếp trong gia đình ông sẽ được duy trì theo phong tục Palestine hay Việt Nam?

 

- Tôi kết hôn khi mới 22 tuổi và giờ tôi đã có “khối tài sản ròng” gồm 1 vợ và 4 con đã thành đạt. Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy! (cười sảng khoái). Nhưng, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt. Vì chúng tôi hiểu là con đường của chúng tôi còn dài. Tôi nghĩ rằng, Palestine cần có nhiều dân số để phục vụ cho nhu cầu của đất nước mình.

 

Vợ tôi, một phụ nữ Hà Nội xưa, chịu thương, chịu khó, chăm lo cho gia đình, chồng con đã giúp các con hiểu được văn hóa truyền thống của Việt Nam và Palestine. Tôi thường giới thiệu với bạn bè đây là tinh hoa của quan hệ thông gia giữa Palestine - Việt Nam. Nói cách khác thì hai đất nước đã kết mối nhân duyên cho vợ chồng tôi.

 

Khi người ta hỏi là “đã đến từ đâu?” thì các con tôi luôn trả lời: “Tôi là người nửa Palestine, nửa Việt Nam”. Mà đối với những người hiểu về Palestine và Việt Nam, khi nghe câu trả lời ấy, người ta thường nói: “Ôi trời ơi, hai dân tộc anh hùng, hai dân tộc đấu tranh không mệt mỏi, hai dân tộc sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mình, vì độc lập, vì tự do”.

 

Điều đó làm các con tôi rất tự hào về hai quốc gia cùng sinh ra chúng và tạo động lực cho các con tôi tiếp xúc, giao lưu với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tạo cho chúng thế mạnh để trở thành công dân toàn cầu.

 

 

Sự nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử, ẩm thực Việt Nam và Palestine tạo cho các con tôi một kho tàng kiến thức, giúp chúng trở thành những đối tác của những người nước ngoài muốn tìm hiểu về một gia đình đa văn hóa.

 

Các con tôi cũng rất tự hào và chúng có thể lồng ghép hài hòa và khéo léo giữa phong tục tập quán của Palestine và Việt Nam để ứng xử linh hoạt với xã hội, giúp chúng trở thành những công dân toàn cầu.

 

Tôi rất ủng hộ và cổ vũ những giá trị gia đình truyền thống của người Việt Nam. Khi đến các gia đình Việt Nam ăn cơm, tôi thấy những người ít tuổi không bao giờ cầm đũa ăn mà không mời những thành viên lớn tuổi hơn mình. Trong gia đình, người ít tuổi làm bất cứ điều gì cũng phải xin phép người lớn tuổi. Điều đó thật quý giá trong xã hội hiện đại ngày nay nên cần giữ gìn và phát huy.

 

Cũng có một khác biệt khá rõ trong văn hóa gia đình Palestine và Việt Nam là ở Việt Nam, tôi thấy người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.

 

 

Vậy là một người đàn ông Palestine làm rể Việt Nam lâu năm, trong cuộc sống gia đình, ông có đi chợ, nấu cơm không?

 

- (Cười tươi) Có chứ. Tôi rất thích đi chợ. Gần nhà tôi có chợ Hôm và không tuần nào tôi không tới đó. Tôi nhấn mạnh là đi chợ nhé! Rất hiếm khi tôi vào siêu thị.

 

 

Tại sao ông thích đi chợ hơn siêu thị, thưa ông?

 

- Tôi đi chợ vì có hai mục tiêu. Thứ nhất là mua sắm, thứ hai là có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc và nói chuyện với những người bán hàng.

 

Tôi luôn luôn nói với mọi người rằng, chợ là hồn của Việt Nam. Khi đến chợ, tôi có thể giao tiếp với nhiều người, tìm hiểu cách sống, ngôn ngữ của họ, khám phá tư duy, cách nghĩ của họ. Vì thế, với tôi, chợ là nơi để giải trí và tìm hiểu về văn hóa của người Việt Nam. Điều đó không thể được trải nghiệm trong siêu thị.

 

Tôi cũng thấy các loại nguyên liệu ở chợ tươi ngon hơn trong siêu thị. Kinh nghiệm tôi đúc kết sau nhiều năm đi chợ ở Việt Nam là hãy tìm những người bán hàng thường xuyên, quen thuộc với mình. Chẳng hạn, tôi đã tìm được những hàng quen để mua rau, mua trứng, mua thịt… Khi đã là khách quen của một bà bán hàng nào đó, tôi chỉ cần nói “chị ơi, chọn cho tôi 10 quả trứng gà” thì chắc chắn người bán hàng Việt Nam sẽ chọn cho tôi những quả trứng ngon nhất với giá hợp lý nhất, không cần hỏi giá trước.

 

Làm theo cách ấy, cho nên khi đi chợ, tôi không bao giờ chọn, mà thường nhờ người bán hàng chọn luôn. Và tôi hoàn toàn yên tâm, về đến nhà không bao giờ bị mua phải đồ hỏng cả. Chứ nay mua hàng ông này, mai mua hàng bà kia, không phải những địa chỉ quen thì rất khó có được hàng ngon.

 

Đại sứ Saadi Salama đi chợ Hôm tại Hà Nội.

 

Vậy ở nhà, ông hay nấu món Việt Nam hay món Palestine?

 

- Tôi chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, vì tôi muốn giới thiệu ẩm thực Palestine cho khách. Còn khi không có khách, chủ yếu tôi nấu và gia đình tôi ăn món Việt Nam. Món ăn Palestine cũng rất ngon, tôi cũng rất thích, nhưng chúng không tốt cho sức khỏe bằng những món ăn của Việt Nam. Hơn nữa, cách ăn dùng đũa của người Việt Nam cũng giúp giảm lượng thức ăn đưa vào miệng hơn là dùng thìa của người Palestine.

 

Cá nhân tôi rất thích ăn những món bún, miến, đặc biệt là phở Việt Nam. Hằng tuần, ít nhất tôi phải dùng một tô phở bò hoặc phở gà, không thì không chịu được.

 

Khi mới sang Việt Nam, tôi không thích mùi nước mắm, nhưng giờ nếu một tuần không ăn đồ ăn có nước mắm thì sẽ cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. (cười tủm tỉm)

Rõ ràng, ẩm thực Việt Nam đã khiến ông bị mê hoặc, vậy ông nghĩ sao về nhận định Việt Nam có thể trở thành “Bếp ăn của thế giới?

 

- Tôi rất tự hào và vui khi nhìn thấy phở Việt Nam tìm được vị trí quan trọng trong tâm hồn và trí nhớ của những người nước ngoài và trở thành một trong những món ăn đặc trưng của Việt Nam.

 

Tôi nghĩ rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam rất quan trọng. Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé, chỉ hơn 330.000 km2, nhưng lại có bờ biển dài, lãnh hải rộng lớn, sự đa dạng về thổ nhưỡng, môi trường khí hậu. Miền Bắc có bốn mùa, miền Nam có 2 mùa. Miền Bắc có núi, miền Nam có đồng bằng và sông ngòi màu mỡ. Sự đa dạng đó tạo thế mạnh để Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới.

 

Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, người dân và du khách muốn ăn món gì cũng có, cả ẩm thực Việt Nam và thế giới. Điều đó làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời và hiếm người nước ngoài nào sinh sống ở đây cảm thấy không hài lòng vì đồ ăn.

 

 

Đồ ăn Việt Nam không chỉ ngon, mà còn tốt cho sức khỏe, hẳn đó là một trong những lý do giúp ông có ngoại hình trẻ hơn tuổi. Và còn bí quyết nào khác không, thưa ông?

 

- Đúng vậy, vì chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Bên cạnh đó, tôi luôn duy trì lối sống tích cực, không suy nghĩ những điều tiêu cực mà luôn lạc quan.

 

Hàng ngày, tôi cũng duy trì chạy bộ hoặc đi bộ. Nếu mà trời mưa, tôi sẽ chạy trên máy ở nhà, còn trời khô ráo, tôi sẽ đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đi bộ ở đây rất thú vị vì tôi có thể quan sát và chiêm ngưỡng những khoảnh khắc ấn tượng mà thậm chí sẽ chỉ có thể bắt gặp một lần trong đời.

 

 Đại sứ Saadi Salama thường xuyên đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm để chiêm ngưỡng những khoảnh khắc "độc nhất vô nhị"

 

Rất nhiều du khách nước ngoài khi tới Hà Nội cũng rất thích không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. Tôi thấy đây là một quyết định rất đúng đắn của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Bởi không chỉ du khách mà nhân dân Thủ đô cũng cần có một nơi môi trường tốt để vui chơi, giải trí dịp cuối tuần và nhất là những ngày lễ lớn như dịp Quốc khánh 2/9.

 

Ở đây, người dân và du khách được đi bộ trong không gian trong lành nhờ không có phương tiện qua lại. Họ được ngắm nhìn vẻ đẹp Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, hòa mình vào các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, thưởng thức những tiết mục biểu diễn văn nghệ đặc sắc… để tái tạo năng lượng cho một tuần mới đầy hứng khởi.

Ông rất tích cực tham gia các hoạt động góp phần thúc đẩy sự gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam và Palestine nói riêng, với các nước khác nói chung và là cầu nối cho những người nước ngoài với văn hóa Việt. Trong thời gian tới, ông nghĩ Việt Nam cần làm gì để quảng bá văn hóa, đất nước, con người ra thế giới một cách hiệu quả hơn, nhằm thu hút du học sinh, nhà đầu tư nước ngoài, và khách du lịch?

 

- Để thu hút du học sinh, nhà đầu tư nước ngoài, và khách du lịch, trước tiên, Việt Nam cần phải duy trì những thành quả đã đạt được và không ngừng phát triển. Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc tạo môi trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, du khách và du học sinh quốc tế. Nhưng chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa.

 

Với môi trường đầu tư, kinh doanh, cần phải có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến “làm tổ”. Trong đó, quảng bá và đầu tư cho hạ tầng du lịch cũng rất quan trọng. Bởi trước khi quyết định đầu tư ở một quốc gia nước ngoài, nhà đầu tư thường đi du lịch và tìm hiểu ở đó có thực sự tiềm năng không.

 

Nguồn nhân lực du lịch cũng cần phải được chú trọng hơn nữa. Họ phải là những người có đam mê, có tri thức cao, sáng tạo và phục vụ nhu cầu của khách chứ không phải đơn thuần là bán những gì mình có. Đặc biệt, cần phát triển dịch vụ du lịch cho những dòng khách có tôn giáo, có những đòi hỏi đặc thù về ẩm thực để mở rộng thị trường.

 

 Đại sứ Saadi Salama mua hoa

 

Tôi nói như vậy là bởi Việt Nam đang là một trong những quốc gia đóng góp quan trọng cho việcđảm bảon an ninh lương thực thế giới. Vậy thì cần phải nghiên cứu văn hóa của các nước để sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản đúng với nhu cầu của các thị trường, từ đó làm tăng giá trị hàng hóa.

 

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để chế biến nông sản theo tiêu chuẩn Halal cho những người theo đạo Hồi. Đây là thị trường rộng lớn ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

 

 Đại sứ Saadi Salama cùng bạn bè thưởng thức cà phê Lâm

 

Đối với ông, Việt Nam có phải là quốc gia đáng đến và đáng sống không?

 

- Dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam luôn để lại trong trái tim mỗi người một động lực, một cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta luôn có thể cùng nhau nhìn về tương lai với đôi mắt lạc quan nhất của mình.

 

Được sống và làm việc tại Việt Nam là niềm hạnh phúc của tôi. Đối với tôi, Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống.

 

 

Việt Nam không chỉ là một nơi mọi người đến để thưởng thức đồ ăn ngon, để khám phá những con phố đẹp hay tắm tại những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Việt Nam là một kho tàng văn hóa. Khi tiếp xúc với người Việt Nam, chúng ta sẽ học được thêm nhiều điều đáng quý.

 

Tôi ở đây và tôi thấy những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và họ cũng rất hài lòng khi sinh sống và làm việc ở “đất nước hình chữ S”.

 

Tôi muốn khẳng định rằng, Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống.

 

Đại sứ Saadi Salama và tác giả Hồ Hạ (nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh), Báo Đầu tư.

 

 

Là một nhà ngoại giao gắn bó nhiều năm với Việt Nam, ngài nhìn nhận thế nào về chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam?

 

- Một điều tôi thấy qua các kỳ Đại hội Đảng là với chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam có một nền độc lập thực sự.

 

Việt Nam không phải là thành viên của bất cứ liên minh nào.

 

Việt Nam mở rộng quan hệ với các nước trên một nguyên tắc rất rõ ràng là không đe dọa, sử dụng bạo lực để đe doạ mà sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng, nguyên tắc là phải hợp tác cùng có lợi và phát triển để tồn tại. Những nguyên tắc đó tôi thấy được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới.

 

Chính vì vậy, Việt Nam ngày càng được sự tôn trọng của các quốc gia và ngày càng có vị trí trên bản đồ chính trị của thế giới. Hình ảnh của Việt Nam, uy tín của Việt Nam và sự ủng hộ của thế giới với Việt Nam ngày càng được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ cần tiếp tục duy trì quan điểm về chính sách đối ngoại như hiện nay.

 

 

Thưa ông, với vai trò Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2022), ông muốn chia sẻ điều gì tới người dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam?

 

- Hôm nay tôi rất vui khi đang có mặt tại Việt Nam vào dịp 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Ngày mùng 2/9 đối với tôi không khác gì ngày mùng 1/1 của người Palestine.

 

Trải qua hơn 3/4 thế kỷ kể từ Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, lời khẳng định đanh thép về tính bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia, dân tộc, của quyền con người vẫn luôn vẹn nguyên giá trị.

 

Tinh thần bất diệt ấy là sự mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên thế giới và sẽ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp hòa bình của toàn nhân loại.

 

 

Những nỗ lực không ngừng để giữ vững lý tưởng về độc lập, tự do và hạnh phúc tiếp tục là giá trị cốt lõi không chỉ của người dân Việt Nam mà còn là minh chứng, là nguồn cảm hứng để theo đuổi công lý cho tất cả các dân tộc trên thế giới.

 

Trong năm qua, dù còn gặp những thách thức từ dịch bệnh và tình hình thế giới bất ổn, Việt Nam đã có những thành công đáng tự hào. Những thành tựu này đã tiếp tục nối dài hành trình phát triển thuyết phục của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

 

Sự dứt khoát, chủ động, quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu kiên định là sức khỏe, tính mạng của người dân đã giúp đất nước vượt qua bóng đen COVID-19 bao trùm toàn cầu một cách đầy ấn tượng.

 

Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh nhất khu vực và là cơ sở để các quốc gia, các nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác, gửi gắm niềm tin trong một môi trường kinh doanh ổn định, đáng tin cậy và giàu tiềm năng.

 

 Đại sứ Saadi Salama tham gia hiến máu tình nguyện

 

Đặc biệt, giữa muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và thế giới trong những vấn đề nóng, gai góc nhất, đồng thời là cơ sở để Việt Nam thể hiện bản lĩnh, sự đóng góp và quan điểm nhất quán cho hòa bình, thịnh vượng của nhân loại.

 

Trong bối cảnh tình hình thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, chúng ta hơn bao giờ hết, cần đưa ra những quyết định sáng suốt để công lý luôn luôn được thực thi, các giá trị phổ quát được giữ vững vì công bằng, phồn vinh và sự phát triển của các dân tộc trên thế giới.

 

Thay mặt Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam vì sự đồng hành, hỗ trợ và lòng hiếu khách dành cho những nhà ngoại giao chúng tôi trong công việc cũng như cuộc sống.

 

Chúng tôi luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đồng thời sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố, thúc đẩy và mở rộng hơn nữa trọng trách của mình nhằm hướng tới mục tiêu chung vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.

 

 Đại sứ Saadi Salama cho biết, ông hạnh phúc vì đã quen biết nhiều người bạn từ khắp năm châu tại Việt Nam

 

Tôi chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục đạt được những thành quả to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, để Việt Nam ngày càng có một vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới.

 

Từ đó, Việt Nam ngày càng trở thành một thành viên tích cực không chỉ đóng góp vào việc thúc đẩy những mối quan hệ song phương, đa phương, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của hành tinh. Tôi tin rằng, lòng kiên trì, tinh thần mạnh mẽ của người dân Việt Nam sẽ đóng góp cho việc xây dựng nền hòa bình lâu dài của nhân dân thế giới, nhất là khi những thử thách và mâu thuẫn vẫn đang diễn ra trên hành tinh.

 

Tôi xin được chúc mừng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong ngày lịch sử này. Chúc Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành công mới trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển nhằm xây dựng một đất nước dân chủ, văn minh, đồng thời đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình và thịnh vượng của nhân loại.

 

Chúc Việt Nam và toàn thế giới giữ vững đà phục hồi mạnh mẽ, vượt qua những thử thách lớn lao và tiếp tục theo đuổi niềm tin bất diệt vào một thế giới hòa bình, công bằng, tự do và phát triển bền vững.  

 

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022), do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tối 31/8/2022.

 

Bình luận bài viết này
Hồ Hạ thực hiện 02/09/2022 09:22