Góp chút nắng cho đời ấm áp, thêm việc thiện giúp người an yên, nỗ lực hết mình vì sự tin cậy của người bệnh là những suy nghĩ giản dị trong cuộc sống của bác sĩ nội trú sản khoa tài năng, nhiệt huyết Trần Anh Đức, Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội- người vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2020.
Là chàng trai trẻ sinh ra tại vùng quê nghèo nhưng hiếu học của huyện Lý Nhân, Hà Nam, ngay từ nhỏ mục tiêu mà nam bác sĩ thế hệ 8X đặt ra là học thật giỏi để giúp mẹ bớt nhọc nhằn.
Nhớ lại quãng thời niên thiếu, ánh mắt bác sĩ nội trú trẻ Trần Anh Đức chợt trùng xuống.
Với một cậu bé thì tình yêu của người cha rất quan trọng. Tuy nhiên, do không may mắn, anh lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của người trụ cột gia đình. Có lẽ với nhiều người đây thực sự là nỗi đau khó vượt qua nhưng với cậu thanh niên nhiều nghị lực Trần Anh Đức đó dường như là động lực tiếp thêm sức mạnh cho anh trở thành người đàn ông trưởng thành hôm nay để làm chỗ dựa tinh thần cho người mẹ tảo tần.
Theo lời bác sĩ quê Hà Nam, cứ mỗi lần nhìn vào tấm lưng gầy của người mẹ và đôi mắt buồn trĩu của bà, anh lại tự nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng không ngừng nghỉ để mẹ được tự hào về mình.
Do vậy, từ cấp 1 tới cấp 3, anh đều học tại những ngôi trường danh tiếng của huyện, của tỉnh. Đặc biệt, 3 năm học chuyên Toán tại ngôi trường hàng đầu của tỉnh Hà Nam là THPT chuyên Biên Hoà, anh đã biết được tương lai mình cần gì, muốn gì và phải làm gì.
Kể về lựa chọn gắn bó với ngành sản khoa, bác sĩ Đức cười hiền, cũng do hoàn cảnh gia đình và vì tình yêu với người mẹ quá lớn nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khát khao cháy bỏng của anh là trở thành bác sĩ nội trú sản khoa.
“Tôi mong mình có thể giúp đỡ phần nào cho những người phụ nữ khi họ phải một mình đau đớn vượt cạn và tôi cũng rất hạnh phúc khi nghĩ tới bản thân là người đầu tiên được nghe tiếng khóc chào đời thiêng liêng của các thiên thần bé nhỏ khi tới với thế giới”, nam bác sĩ trẻ vui vẻ nhớ lại.
Nhớ về quãng thời gian 6 năm tại Đại học Y Hà Nội theo lời kể của bác sĩ trẻ Trần Anh Đức, đây thực sự là những năm tháng không thể nào quên với giảng đường, giáo trình với những kỳ thi căng thẳng. Tuy nhiên, năng lượng tích cực mà chàng trai này có khi ấy thật khiến bạn bè nể phục.
Trong con mắt của bạn bè trong lớp, trong trường, cậu sinh viên Trần Anh Đức, không những học xuất sắc, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và bác sĩ nội trú loại giỏi mà còn là một lớp trưởng tài năng, gương mẫu, nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Chưa kể, với nụ cười ấm áp, gương mặt tuấn tú, sở thích đá bóng, biết dẫn chương trình, có khiếu hài hước, chàng trai trẻ khi ấy còn được nhiều bạn nữ nhắc tới với danh xưng “nam thần”, là hình mẫu lí tưởng của nhiều cô gái.
Dù khá nổi tiếng song chàng sinh viên trẻ không vì thế lấy làm thỏa mãn, mà luôn cần mẫn. Khác với nhiều sinh viên cùng khóa, đến năm thứ 3 đại học mới đi trực, ngay từ năm thứ hai đại học, Đức đã không ngại khó, xin các thầy cô đi trực điều dưỡng tại Khoa Ngoại tim mạch, Bệnh viện Việt Đức.
Khi ấy bức tranh hiện thực tàn khốc về ngành Y, về nỗi thống khổ của người dân khi phải tới khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế quá tải bỗng chốc hiện ra thật rõ ràng và chân thực trước con mắt vốn giản đơn của chàng trai trẻ.
Bên cạnh niềm vui, sự hạnh phúc khi chữa trị thành công nhiều ca bệnh nặng của các thầy, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức, chàng sinh viên trẻ đã lần đầu chứng kiến những ca bệnh nặng bác sĩ phải cúi đầu bất lực.
Với người bệnh thì đó còn là những mảnh đời khốn khó, lo cơm ăn từng bữa, cóp nhặt từng đồng lo chạy chữa bệnh, những giấc ngủ vội vàng nơi gầm cầu thang, trên nền đá trong tiết trời lạnh giá của mùa đông của người nhà bệnh nhân. Bức tranh tổng hòa mà bản thân nhìn thấy, nghe thấy khiến cho suy nghĩ của chàng trai trẻ về nghề y trở nên hiện thực hơn, đồng thời bồi đắp thêm nỗ lực học tập để nhận thật nhiều kiến thức, ra trường có thể thực hiện khát khao chữa bệnh, cứu người.
Đặc biệt, khi bản thân trở thành bệnh nhân phải mổ khớp gối ở năm thứ 5 đại học, chàng trai sinh viên trẻ sắp bước chân ra khỏi cổng trường đại học đã rất lo lắng, anh sợ rằng bản thân sẽ không thể thực hiện được giấc mơ làm bác sĩ phẫu thuật trong tương lai.
Khi mang bệnh, được các thầy, các bác sĩ quan tâm, động viên, tư vấn tận tình chàng trai trẻ Trần Anh Đức đã yên tâm gửi gắm hi vọng nơi các bác sĩ phẫu thuật để rồi từ đó sau khi ra trường, công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, anh cũng luôn thực hiện công việc với tâm thế một người đồng hành, sẻ chia cùng người bệnh, cùng sản phụ.
Hơn ai hết, anh hiểu khi họ đang đau đớn, lo lắng, bất an họ không chỉ cần một bác sĩ biết chữa bệnh mà điều họ cần còn là sự động viên kịp thời giúp họ vơi bớt nỗi sợ.
Kể về kỷ niệm vui không thể quên trong một lần đi trực, chàng trai 8X nhớ lại, năm thứ 3 đại học, khi đi trực cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, công việc bộn bề đến 3-4 giờ sáng tạm vạn để tranh thủ chợp mắt.
Do bệnh viện đông, sinh viên trực cũng nhiều, chàng sinh viên mới đi trực không tìm được chỗ nghỉ nên anh chàng ra ghế đá ngủ tạm cho đỡ mỏi mắt. Đến khi tỉnh dậy thì đôi dép không cánh mà bay. Nghĩ đến cảnh đi chân trần về ký túc chàng sinh viên trẻ cảm thấy hơi hổ thẹn.
Vô tình nhìn thấy cảnh tượng ấy, có chị y tá thương tình nên đã cho Đức mượn đôi dép tổ ong về nhà. “Đến giờ tôi vẫn không quên được gương mặt người nữ y tá cùng hành động tuy nhỏ của chị nhưng lại giúp tôi tự tin bước đi”, bác sĩ Đức nhớ lại.
Trong câu chuyện của mình, bác sĩ trẻ Trần Anh Đức luôn nhắc tới nghề nghiệp bản thân với sự trân trọng, trách nhiệm cùng sự đam mê, tình yêu lớn.
Anh rất thích câu nói nổi tiếng của triết gia La Fontaine, khi lửa cháy trong linh hồn con người, không điều gì là không thể. Vì vậy trong công việc của mình bác sĩ trẻ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn cháy hết mình, làm tốt nhất sức mình có thể.
Là thế hệ sau, để có thể tiếp nối PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện và các thế hệ anh chị đã thực hiện các can thiệp y học bào thai vang danh thời gian qua, bác sĩ Đức cho biết, ngoài thời gian làm việc ở Bệnh viện, anh dành thời gian học tiếng Anh, nghiên cứu thu nhận kiến thức, sau đó sẽ nỗ lực để ra nước ngoài học tập để tiếp cận với các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại của thế giới mang về áp dụng tại Việt Nam.
Nhờ vốn kiến thức thu nhận được sau quá trình công tác cộng với sự cố gắng của bản thân, bác sĩ Trần Anh Đức có điều kiện tham gia vào các hoạt động đón tiếp, trao đổi chuyên môn của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với các đoàn chuyên gia nước ngoài đến từ tổ chức Newborns, Viện Karolinska (Thụy Điển); khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Brigham and Women, Đại học Y Harvard.
Đây là một trong những hoạt động rất quan trọng của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, có ảnh hưởng sâu rộng đến các định hướng phát triển và hoàn thiện Bệnh viện thành cơ sở y tế đạt chuẩn quốc tế trong tương lai.
Anh cũng tham gia báo cáo tại các hội nghị lớn về Sản phụ khoa trong nước và trên thế giới như Eshre, Aspire, Isoug, Esg, Cogi.
Chẳng hạn, năm 2019, bác sĩ trẻ Trần Anh Đức là thành viên của nhóm nghiên cứu và đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo trực tiếp bằng Poster về khuyết sẹo mổ lấy thai tại Hội nghị Sản phụ khoa châu Âu diễn ra tại Vienna-Áo.
Tại đây bài báo cáo của anh đã được sự quan tâm lớn của nhiều các nhà nghiên cứu trên thế giới vì điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai đang là một mối quan tâm lớn của ngành Sản phụ khoa thế giới.
Cùng năm, bác sĩ Trần Anh Đức tham gia nhiều hội nghị lớn trên thế giới trong ngành sản khoa như Hội nghị bàn về các vấn đề còn tranh cãi về sản phụ khoa và vô sinh trên thế giới Cogi diễn ra tại thủ đô Paris- Pháp, Hội nghị Sản phụ khoa châu Á Thái Bình Dương- Đại Tây Dương;
Sang năm 2020, nam bác sĩ Trần Anh Đức tham gia báo cáo trực tuyến tại Hội nghị vô sinh và hiếm muộn châu Âu Eshre - một trong hai hội nghị về vô sinh lớn nhất thế giới; Hội nghị Siêu âm Sản phụ khoa thế giới- Isoug 2020.
Hiện tại, bác sĩ Đức đang tham gia vào hai dự án nghiên cứu lớn về chủ đề “Khởi phát chuyển dạ ở các đối tượng sản phụ có nguy cơ thấp với tuần thai từ 39 tuần”. Đây là vấn đề lớn được giới y khoa trong nước và quốc tế quan tâm.
Nói về nghề, bác sĩ nội trú được nhiều sản phụ ưu ái đặt biệt danh “mát tay” của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, người làm nghề y quan trọng nhất là "Tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, người bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh.
Anh tâm niệm, nghề y là nghề chữa bệnh, cứu người chứ không phải là kiếm tiền, nếu bất chấp kiếm tiền dễ sinh ra thất đức, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng.
Nhiều người cho rằng, bác sĩ sản có vẻ “nhàn” hơn một số lĩnh vực khác, song theo lời chia sẻ của bác sĩ Trần Anh Đức, ranh giới giữa sự sống và cái chết của hai tính mạng đôi khi chỉ mong manh trong gang tấc. Có những tai biến sản khoa mà bất kỳ bác sĩ sản nào cũng phải ngấn lệ bất lực, đau với nỗi đau và mất mát của sản phụ và gia đình.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình điều trị các tai biến sản khoa mà sản phụ không may gặp phải, bác sĩ Đức nói, đối với người bác sĩ sản phụ khoa, khi phải chứng kiến các tai biến sản khoa hay các chứng bệnh hiếm gặp mà thai phụ mắc phải, bản thân anh luôn thận trọng, trăn trở, cân nhắc kỹ càng nhằm tìm giải pháp tối ưu.
Với anh, mọi ca sinh nở của sản phụ đều là một ca cấp cứu, người thầy thuốc lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến các sản phụ trước sinh, trong sinh, sau sinh… Bởi thế, người thầy thuốc cần có bản lĩnh, tay nghề điêu luyện và lương tâm nghề nghiệp.
Lúc này tâm và trí của người thầy thuốc phải tỉnh táo và cân nhắc cẩn trọng. Người bác sĩ phải đặt mình vào vị trí người nhà sản phụ để biết được họ gửi gắm niềm tin vào mình nhiều như thế nào.
“Bản thân người bác sĩ nội trú sản phụ khoa trước tiên luôn phải tự đặt ra cho mình những quy tắc nghề nghiệp nhất định về sự cẩn trọng với những tính mạng đáng quý, không một phút lơ là. Sau đó thành quả sẽ là niềm hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ”, bác sĩ Đức chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên cảm xúc khi nhận được bức thư tay của sản phụ được chẩn đoán dọa đẻ non may mắn được mẹ tròn con vuông sau khi được anh điều trị, anh đã rất xúc động.
Bức thư có đoạn: Không có lời nào để nói hết sự vui mừng và hạnh phúc được bác sĩ Đức đồng hành cùng trên con đường của mẹ con em. Ngày 18/3, mẹ con em đã gặp nhau nhờ những ngày tháng được anh điều trị. Cảm ơn anh - người đã mang lại cho vợ chồng em hạng phúc vô bờ bến- người bác sĩ tận tâm - tận tình và hết sức chu đáo nhiệt tình.
Một kỷ niệm khác mà trong cuộc đời làm nghề y của mình bác sĩ Đức không thể quên đó là việc có thai phụ đã yêu quý, trân trọng bác sĩ đến mức đã đặt tên con mình theo tên bác sĩ.
“Sản phụ quê Yên Bái, rất khó khăn khi mang thai, khi mang thai cũng liên tiếp doạ sảy – dọa đẻ non, tôi và ê kip đã nỗ lực hết sức để giữ song thai ra đời an toàn. Sản phụ cảm động đã đặt tên con là Đức và Ngân theo tên bác sĩ mổ chính và mổ phụ”, nam bác sĩ hạnh phúc kể lại.
Hoạt động từ thiện đã ngấm vào máu chàng trai trẻ Trần Anh Đức từ những năm tháng giảng đường để đến hiện tại việc này trở thành một thói quen không thể bỏ của nam bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Đà từng biết đến nhiều bé gái bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục hay nhiều bé gái đánh mất tương lai do thiếu kiến thức về sức khoẻ sinh sản là động lực khiến nam bác sĩ dấn thân vào các dự án thiện nguyện với mong muốn giúp được nhiều trẻ em gái thoát khỏi sự đau đớn về thể xác, kiệt quệ về tinh thần.
Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ Trần Anh Đức đã tham gia và phát triển “Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận” thông qua chuỗi chương trình “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cùng bé lớn khôn” nhằm cung cấp các kiến thức cần thiết cho lứa tuổi học đường, giúp các em phòng tránh các hậu quả đáng tiếc về nạo phá thai, mang thai ngoài ý muốn.
Đồng thời anh cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ và cùng khởi tạo tổ chức SEFY (Sex Education for you) của các em học sinh phổ thông trung học trên địa bàn TP. Hà Nội, triển khai chương trình giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản cho các trẻ em tại cộng đồng, đã lan rộng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác trong cả nước.
Đặc biệt, anh đã dành nhiều thời gian để tổ chức các lớp học giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, truyền thông về sức khỏe sinh sản học đường, giáo dục sức khỏe và bảo vệ sức khỏe sinh sản cho thế hệ tương lai của đất nước để nâng cao được chất lượng dân số.
Kết quả, trong hai năm 2019 và 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 nhưng bác sỹ Đức cũng đã tham gia thực hiện 11 chương trình cho các em học sinh tiểu học, THCS và THPT và trẻ em khó khăn trong cộng đồng.
Đồng thời xây dựng và tham gia truyền thông sức khỏe và khám phụ khoa miễn phí cho các phụ nữ ở các nhà máy, khu công nghiệp lớn, từ đó giúp cho chị em có sức khỏe sinh sản khỏe mạnh, nâng cao hiểu biết về sinh sản để có thai kỳ khỏe mạnh, giúp ích cho việc bảo đảm chất lượng dân số trong tương lai.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đức cùng đồng nghiệp đã tổ chức các hoạt động từ thiện, đỡ đầu làng trẻ mồ côi SOS Hà Nội, lồng ghép giáo dục giới tính cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em đường phố thông qua chuỗi chương trình “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trao nhận niềm tin cho em”.
Nam bác sĩ cũng tham gia nhiều chương trình từ thiện như “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hướng về miền trung ruột thịt”, “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hướng về nơi địa đầu Tổ quốc”, “Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đồng hành cùng Đà Nẵng thân yêu chống dịch Covid 19” chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho các tỉnh phía Bắc, hoạt động tích cực các phong trào đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt cho các gia đình có công với cách mạng, thương binh liệt sỹ và cựu thanh niên xung phong.
Qua các hoạt động này, anh cùng đồng nghiệp muốn sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, đồng thời thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của thế hệ trẻ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Không chỉ tận tâm, nhiệt huyết với công việc, các dự án cộng đồng mà bản thân nam bác sĩ cũng là người dũng cảm không ngại khó, không ngại khổ.
Theo đó, khi đại dịch Covid- 2019 xảy ra, bác sĩ Đức đã viết đơn xin tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng chống dịch bất cứ khi nào được huy động.
Cụ thể, khi bệnh nhân số 243 đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và tiếp xúc rất nhiều nhân viên y tế bệnh viện, bác sĩ Đức là thành viên tua trực có thăm khám và điều trị trực tiếp cho cháu bệnh nhân 243.
Sau khi nhận được thông tin kết quả xét nghiệm dương tính với Covid 2019 của bệnh nhân số 243, bác sĩ Đức đã tích cực phối hợp với ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Bệnh viện và trung tâm Kiểm soát bệnh tật của Hà Nội đã nhanh chóng rà soát và phân loại các nhân viên y tế có tiếp xúc bệnh nhân số 243 và người nhà.
Sau phân loại, bác sĩ Đức nằm trong danh sách đối tượng F2 và được triển khai cách ly tại cơ sở 2 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Tại đây bác sĩ Đức được tín nhiệm bầu làm trưởng nhóm F2, với nhiệm vụ quản lý, động viên tinh thần các đồng nghiệp, giúp đỡ mọi người hoàn thành tốt thời gian cách ly theo yêu cầu của Bệnh viện.
Theo chia sẻ của bác sĩ sinh năm 1989, là một bác sĩ khoa sản bệnh, mỗi lần nhìn thấy người mẹ trẻ hạnh phúc bế con thơ trên tay thì không có niềm vui nào tả xiết.
Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy khi nhắc tới bệnh viện, người ta thường hình dung tới nơi chứa đựng khổ đau, mất mát với quá tải, chật chội, do vậy mơ ước của nam bác sĩ đó là có thật nhiều hơn nữa nhưng cơ sở y tế khang trang, hiện đại với chất lượng tốt để chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Chia sẻ về khát vọng của bản thân, bác sĩ quê Hà Nam cười hiền cho rằng, tương lai anh muốn góp công sức để xây dựng một “Bệnh viện Vui”- nơi bệnh nhận khi đến được chữa bệnh được nhận niềm vui, nhân viên y tế cũng làm việc với tinh thần vui vẻ, không có tình trạng ứng xử thô bạo với bệnh nhân hay nhân viên y tế.
Để làm được điều đó, hiện anh đang từng bước xây dựng một diễn đàn nghề y, nơi các bác sĩ, các chuyên gia y tế có thể trao đổi các vấn đề về học thuật, chuyên môn, nơi các bệnh nhân có thể nhận được tư vấn từ các chuyên gia, tránh được các bẫy thông tin rác trên các trang mạng xã hội hiện nay.
Từ khát khao ấy nên dù công việc chuyên môn bận rộn, vất vả song bác sĩ trẻ Trần Anh Đức đã dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để thành lập quán Doctor café tại con phố Trần Huy Liệu.
Dù không am tường về kinh doanh song anh không sợ thất bại bởi với mục tiêu lớn của bác sĩ 8X là tạo ra một địa chỉ bình yên, không ồn ã, không xô bồ, nơi để mọi người chia sẻ các vấn đề về sức khoẻ- Nơi cả bác sĩ, nhân viên y tế, cả bệnh nhân, người dân được thoải mái chia sẻ và nhận được tư vấn về các vấn đề bản thân, gia đình đang gặp phải.
Là một bác sĩ trẻ đang làm việc tại bệnh viện tuyến cuối về sản phụ khoa của cả nước nên bản thân anh luôn phải nỗ lực vươn lên vượt qua chính mình, đổi mới và sáng tạo.
Ngoài ra, hiện nay áp lực của dư luận với ngành Y khá lớn, chưa kể một số ý kiến còn có cái nhìn thiếu thiện cảm về nghề khiến anh và đồng nghiệp đôi khi cũng chạnh lòng song nam bác sĩ không lấy đó làm buồn bởi anh nghĩ bản thân cứ làm tốt sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.
Theo lời bác sĩ quê Hà Nam, ngành Y là ngành nhạy cảm bởi liên quan tới sức khoẻ và tính mạng con người, do vậy nếu bản thân làm tốt chuyên môn, sống đúng tâm đức, nghĩ đến người bệnh trước khi nghĩ tới bản thân mình thì khi ấy người bệnh chắc chắn sẽ cảm nhận được tấm lòng của người bác sĩ và bản thân cũng không thấy hổ thẹn với lòng mình.
Giấc mơ làm bác sĩ Sản phụ khoa của chàng sinh viên Đại học Y Hà Nội đã được hiện thực bằng hình ảnh bác sĩ trẻ, dễ mến đi lại thoăn thoắt, tận tình thăm hỏi sản phụ và bé thơ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hôm nay như một minh chứng cho một thế hệ trẻ dũng cảm thực hiện ước mơ và cháy hết mình với đam mê, hãy cứ cho đi thật nhiều để rồi nhận được những vinh quang xứng đáng.
Dù cuộc sống có thay đổi ra sao, biến động thế nào nhưng với bác sĩ trẻ Trần Anh Đức nhiệt huyết tuổi trẻ cộng với tình yêu nghề y sẽ luôn chiếu rạng, soi tỏ mỗi bước đi giúp anh luôn có được một trái tim ấm, và một cái đầu tỉnh táo khi đối diện với những khó khăn trong nghề.