Ca siêu lây nhiễm ở Hà Nam lẽ ra sau quá trình cách ly tập trung, về gia đình phải tự cách ly ở nhà 14 ngày. Tuy nhiên, nam thanh niên này đã không tuân thủ mà đi liên hoan, gặp gỡ nhiều người làm lây lan dịch bệnh.
Vụ việc 4 người Ấn Độ mắc Covid-19 và lây nhiễm sang một nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) nơi chuyên gia cách ly đã cho thấy có sự chưa chặt chẽ trong quy trình quản lý người cách ly.
Cùng với đó là việc nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày cũng tại khách sạn Như Nguyệt 2 lẽ ra theo quy định sau khi được đưa về Công ty cần phải tiếp tục được chính quyền địa phương sở tại giám sát sức khỏe thêm 14 ngày nữa mới được coi là kết thúc quá trình cách ly.
Vậy nhưng, các chuyên gia này đã đi khắp nơi từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bái đến Tân Uyên, Lai Châu, sang Lào Cai và về Vĩnh Phúc. Cho đến ngày 29/4, khi về nước chuyên gia được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Lúc này, các địa phương mới vội vã truy tìm những người tiếp xúc gần và một ổ dịch mới tại quán bar Sunny được phát hiện với hơn chục ca mắc tới thời điểm hiện tại và hàng nghìn người phải cách ly.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Yên Bái lãnh đạo tỉnh này thừa nhận việc quản lý, giám sát sau cách ly với nhóm chuyên gia Trung Quốc còn lỗ hổng, sai sót và thừa nhận trách nhiệm của Ban Chỉ đạo chống dịch thời gian qua. Đồng thời triển khai khẩn trương các biện pháp khoanh vùng, dập dịch ở những nơi liên quan đến chuyên gia Trung Quốc. Những tổ chức, cá nhân liên quan đến sai sót trong vụ việc này sẽ bị xem xét trách nhiệm.
Với ca siêu lây nhiễm ở Hà Nam, lỗ hổng khác chính là việc giám sát của cơ quan y tế địa phương. Đó là khi người kết thúc cách ly tập trung có biểu hiện sốt, ho, đã khai báo y tế từ 24/4 nhưng 4 ngày sau, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi xem xét trách nhiệm, Sở Y tế Hà Nam đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân, tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý vì chưa xử lý và giải quyết kịp thời trường hợp bệnh nhân Covid-19 N.V.Đ; tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 3/5) đối với ông Ngụy Cao Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân để báo cáo, giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.
Những biện pháp xử lý đưa ra khi sự việc đã xảy ra và gây quả nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra ở đây là nơi tổ chức cách ly tập trung có thông báo về địa phương nơi chuyên gia sẽ cư trú để giám sát y tế hay không? Nếu có, tại sao đoàn chuyên gia không tiếp tục cách ly tại nơi sẽ lưu trú mà tự do đi đến nhiều nơi không ai quản lý, không ai biết?
Dịch bệnh trong nước đang khó kiểm soát với sự xuất hiện của nhiều ổ dịch mới, công tác cách ly còn nhiều lỗ hổng thì việc liên tiếp các ca nhập cảnh trái phép được phát hiện là mối lo không thể xem nhẹ.
Sáng 4/5, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tối ngày 3/5/2021, Công an thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã phát hiện 39 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến cư trú bất hợp pháp tại số nhà 19 Ngô Gia Tự, phường Khai Quang, số 2 đường Nguyễn Văn Chất và số 76 đường Nguyễn Công Trứ, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên.
Tại nơi ở của các đối tượng, cơ quan chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn, phát hiện và tạm giữ nhiều laptop, điện thoại di động, sim và thẻ điện thoại chưa kích hoạt.
Trước đó, ngày 3/5 ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội cho hay, các lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm đã phát hiện và đang phối hợp với cơ quan Công an tiến hành lấy lời khai 46 người nước ngoài nhập cảnh trái phép, thuê chung cư sống trên địa bàn quận.
Theo thông tin ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện 27 người nhập cảnh trái phép. Sau khi kiểm tra, rà soát kỹ, con số này lên đến 46 người, trong đó, nhiều người vào cả nhà vệ sinh lẩn trốn. Nhóm người này thuê nhà tại Chung cư Florence, số 28 Trần Hữu Dục - Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cũng trên địa bàn Hà Nội, các lực lượng chức năng quận Thanh Xuân đã phát hiện 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê nhà sống trên địa bàn quận. Theo đại diện Công an quận Thanh Xuân, nhóm nhập cư trái phép đang cư trú tại địa chỉ 464 Nguyễn Trãi. Tại thời điểm kiểm tra, những người này không xuất trình được giấy tờ hợp pháp, thị thực nhập cảnh.
Mở rộng xác minh vụ việc, Công an quận Thanh Xuân phối hợp với Phòng An ninh điều tra, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP. Hà Nội đấu tranh, khai thác mở rộng; phát hiện thêm 12 trường hợp đang lưu trú tại địa điểm khác trên địa bàn quận không có hộ chiếu, thị thực nhập cảnh.
Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khác là lực lượng chức năg Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) vừa bị triệt phá đường dây đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Qua khai thác, nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đã được làm rõ. Đáng chú ý, người đứng ra cảnh giới giúp các đối tượng nhiều lần đưa người vượt biên trái phép trôi chảy lại là Thôn đội trưởng- người trực tiếp tham gia tuần tra kiểm soát Covid-19 cùng lực lượng Biên phòng.
Trên quy mô cả nước, thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho biết, đến hiện tại Bộ đội Biên phòng duy trì 1.613 tổ chốt chặn với hơn 7.500 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với 3.000 người của các lực lượng chức năng khác để tuần tra, kiểm soát việc nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý gần 14.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kênh, rạch trên biên giới, vùng biển, tập trung các hướng, địa bàn trọng điểm, phức tạp để ngăn chặn các ca nhập cảnh trái phép.
Để phòng lây nhiễm chéo, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn chặt chẽ trong các khu cách ly tập trung như bảo hộ, tiếp xúc, cơ sở vật chất và xử lý rác thải. Nếu tất cả các khu cách ly tuân thủ đúng sẽ không có vấn đề lây chéo bệnh trong khu cách ly.
Tuy vậy, qua thực tế kiểm tra lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận một số cơ sở chưa làm tốt công tác cách ly.
Trực tiếp đi kiểm tra khu cách ly tại Yên Bái, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, một số cơ sở chưa có biện pháp phân luồng hiệu quả để giảm đi lại, tiếp xúc giữa những người đang cách ly chưa phân rõ khu cách ly người nhập cảnh và khu điều hành.
Hơn nữa, tại khu cách ly tập trung việc bố trí khu vực ban đêm chưa phù hợp, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị cho người cách ly, chưa có phương án xử trí khi có trường hợp hợp dương tính; không sắp xếp rõ ràng các đối tượng trong nhóm nguy cơ như nhóm chuyên gia nhập cảnh đến từ các quốc gia đang bùng phát dịch mạnh với các nhóm chuyên gia khác. Cán bộ cũng chưa mặc quần áo bảo hộ khi đưa đồ ăn, thức uống cho người cách ly.
“Đặc biệt, chất lượng nước sát khuẩn tại cơ sở cách ly tập trung chưa đảm bảo, chưa được Bộ Y tế cấp phép; quy trình lưu giữ chất thải, lây nhiễm chưa đúng quy định, công tác tổ chức giám sát sau 14 ngày cách ly tập trung chưa tốt”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.
Bản thân lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng thừa nhận các hạn chế ở khu cách ly như chưa có thông báo bằng văn bản y tế đối với nơi lưu trú người sau cách ly; chưa thực hiện việc giám sát không cho rời khỏi nơi lưu trú; chưa tập huấn, cập nhật thường xuyên, chưa kiểm tra đánh giá sát sao quy trình thực hiện việc giám sát, theo dõi sức khỏe sau cách ly.
Ý kiến của ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thì cho rằng, ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam là rất quan trọng.
Theo chuyên gia, nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như cách ly tại nhà, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những ca siêu lây nhiễm như ở Hà Nam.
“Việc cách ly thiếu nghiêm ngặt sẽ tạo ra lỗ hổng hết sức đáng báo động. Và hậu quả sẽ xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng", ông Trần Đắc Phu nói.
Liên tiếp các ca bệnh Covid-19 được phát hiện dù trước đó nhiều lần xét nghiệm âm tính đã dấy lên mối lo ngại về chất lượng xét nghiệm.
Lý giải cho rằng, có thể thời điểm xét nghiệm, người cách ly chưa mắc bệnh là hợp lý, được nhiều người chấp nhận, song cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét lại khâu xét nghiệm.
GS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương (Hà Nội), cho rằng kết quả âm tính giả, dương tính giả trong xét nghiệm SARS-CoV-2 là khả năng có thể xảy ra và cần nghiêm túc xem xét vấn đề này. Bởi nếu xảy ra kết quả âm tính giả sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo GS. Nguyễn Anh Trí, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sai sót trong xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đầu tiên là sai sót trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm của nhân viên y tế. Đây là nguyên nhân chủ quan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm.
Bên cạnh đó là kit test xét nghiệm chưa có sự đồng nhất. Điều này là do các loại kit test được sản xuất từ nhiều hãng khác nhau, do đó, sẽ dẫn đến chất lượng không đồng nhất.
Ngoài ra, yếu tố quản lý môi trường xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm cũng có thể khiến kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng.
Chuyên gia này nhấn mạnh tính giả trong xét nghiệm là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Bộ Y tế cần xem xét cơ chế giám sát, cấp phép nghiêm ngặt labo xét nghiệm khẳng định; giám sát các phòng xét nghiệm nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định về chuyên môn, kỹ thuật. Việc giám sát này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục”, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương nêu.
Theo các chuyên gia y tế, trong xét nghiệm y khoa đều có hai yếu tố quan trọng: Độ nhạy và độ đặc hiệu.
Độ nhạy được đo trong phòng thí nghiệm trong trường hợp này là lượng virus nhỏ nhất mà xét nghiệm đó có thể phát hiện được. Xét nghiệm đồng thời cũng phải có độ “đặc hiệu”, để đảm bảo nó không phát hiện nhầm sang các vật liệu di truyền của các yếu tố gây bệnh khác, ngoài SARS-CoV-2.
Các xét nghiệm di truyền đang được sử dụng thường có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao trong các điều kiện thí nghiệm.
Nhưng trong môi trường thực tế, cách lấy mẫu và giai đoạn nhiễm bệnh của người bệnh có thể tạo ra sự sai khác rất lớn.
Hơn thế nữa, có rất nhiều loại xét nghiệm khác nhau được phát triển và sử dụng trong các phòng xét nghiệm, các bệnh viện và các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).
Và sự phiên giải kết quả cũng phụ thuộc không chỉ vào các xét nghiệm mà còn các yếu tố bên ngoài khác, ví dụ như việc phân bố và lan truyền của dịch bệnh cũng như các điều kiện thực hành trong phòng xét nghiệm.