Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2024), sáng 6/10, UBND TP. Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

 

Trong chương trình, những khoảnh khắc hào hùng và ấn tượng đã được tái hiện bằng những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa. Những hình ảnh quen thuộc như cầu Long Biên, nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, hay Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10/10/1954, được tái hiện rõ nét trên sân khấu, mang lại cảm xúc hào tráng, sâu lắng cho khán giả.

 

 

Hà Nội 25 năm Thành phố vì hoà bình

 

"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, được chỉ đạo bởi Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội.

 

Chương trình mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời nhìn lại 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” của UNESCO, khẳng định những nỗ lực không ngừng của  Thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời xây dựng một Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế.

 

 

"Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" được chia làm 3 phần chính, bao gồm “Ký ức Hà Nội”, “Dòng chảy di sản”, “Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo”.

 

Thông qua sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa, mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.

 

 

Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.

 

Điểm nhấn quan trọng của chương trình là màn tái hiện sống động về hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954, khi quân đội Việt Nam tiếp quản Thủ đô, đánh dấu sự kết thúc ách đô hộ thực dân.

 

 

Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là đại thực cảnh “Ký ức Hà Nội” gồm 3 phân đoạn.

 

Ở phân đoạn 1 với chủ đề “Ký ức Hà Nội - Những ngày toàn quốc kháng chiến”, khán giả được nghe bản mashup 2 ca khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm và "Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi do ca sĩ Đăng Dương và Phạm Thu Hà trình bày.

 

Trong phần này, câu chuyện huyền sử về vua Lê Lợi trả gươm báu cho thần Kim Quy ở hồ Hoàn Kiếm thể hiện ước nguyện độc lập - tự do - hòa bình - thịnh vượng, được tái hiện một cách sinh động.

 

     

Phân đoạn 2 với chủ đề “Cảm xúc tháng Mười”, tái hiện khoảng thời gian 9 năm kháng chiến gian khổ đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ huy hoàng, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng ấy là minh chứng cho tinh thần độc lập và khát vọng tự do cháy bỏng của toàn dân tộc, để ngày 10/10/1954, người dân Hà Nội tràn ngập trong niềm hân hoan, hạnh phúc đón đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Trong phần này, khán giả được nghe ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Nguyễn Thành) do ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện.

         

Ở phân đoạn 3, “Khí phách Hà Nội” thể hiện khí chất, sự sáng tạo của của người Hà Nội trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô. Phần này, khán giả được lắng nghe ca khúc “Khí phách Hà Nội” do ca sĩ Tùng Dương trình diễn.

 

Sau đại thực cảnh “Ký ức Hà Nội”, mở đầu chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, người dân thực hiện nghi thức chào cờ trang trọng.

 

Người dân và du khách được xem biểu diễn liên khúc “Tiến về Hà Nội - Sẽ về Thủ đô”, “Ngày về chiến thắng” do đoàn quân nhạc Bộ Công an biểu diễn”, ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau phần lễ, các đại biểu, người dân xem trình chiếu phóng sự tư liệu lịch sử thời khắc Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản Thủ đô năm 1954.

 

 

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa vì hòa bình nhấn mạnh, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” nhấn mạnh: “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.

 

Đặc biệt, sự kiện này thực sự là Ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô, cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...

 

 

Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh, viết nên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.

 

 

Bên cạnh đó, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.

 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Trong thời khắc lịch sử và linh thiêng này, chúng ta cùng thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng và dựng xây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp công sức và vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô”.

 

 

Phát biểu tại Chương trình, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, Hà Nội, với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày giải phóng lịch sử, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố tràn đầy sự đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận thành phố là Thành phố sáng tạo vào năm 2019 nhấn mạnh nỗ lực của thành phố trong việc tái tạo chính mình qua từng năm.

 

"Liên hợp quốc luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô (Hà Nội), và chúng tôi đã đồng hành cùng thành phố trong quá trình chuyển mình ngoạn mục, đặc biệt là kể từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam. Thành phố đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, thành phố Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng", bà Pauline Tamesis nói.

 

 

Thành phố Hà Nội đã và đang huy động được nguồn lực mạnh mẽ từ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố đáng sống hơn cho mọi người dân. Lễ kỷ niệm và Lễ hội văn hóa vì hòa bình diễn ra hôm nay là minh chứng điển hình về sự thành công của Hà Nội trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.

 

Bà Pauline Tamesis khẳng định, Liên hợp quốc tại Việt Nam nói chung và UNESCO nói riêng, rất vinh dự được hợp tác với Hà Nội để triển khai nhiều dự án và sáng kiến kể từ khi văn phòng UNESCO chính thức được thành lập tại thành phố cách đây 25 năm. Nhờ sự tin tưởng và nỗ lực không ngừng nghỉ, quan hệ hợp tác đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố.

 

 

 

Hà Nội - Ngày về chiến thắng

 

Sau phần lễ, các đại biểu, người dân được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễu hành.

 

 

Chương 1: Hà Nội - Ngày về chiến thắng

 

Mở đầu chương này, đại biểu và người dân đã xem trình chiếu phóng sự tư liệu lịch sử thời khắc Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản thủ đô năm 1954.

 

Màn biểu diễn kết hợp diễu hành tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” với sự tham gia biểu diễn dàn kèn Quân nhạc Bộ Công an trình diễn “Khải hoàn ca” chào đón Đoàn quân trở về Giải phóng Thủ đô”.

 

 

 

 

Màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng - ngày 10/10/1954. Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương trình tiếp nối với Chương 2: Hà Nội, dòng chảy di sản

 

Sau khi xem phim giới thiệu về các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia vinh danh, các đại biểu và quần chúng nhân dân đã được thưởng thức các nét văn hoá đặc sắc nhất của Thăng Long - Hà Nội.

 

Mở đầu là màn trình diễn Trống hội Thăng Long đến từ những người dân huyện Thanh Trì; Múa Cờ - nghiềm quân Hội Quán Giá, Yên Sở đến từ huyện Hoài Đức; Múa rồng lân đến từ huyện Thanh Oai.

 

 

Tiếp đó, là màn trình diễn giới thiệu tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn Thánh. Dân gian có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Tản Viên Sơn Thánh là vị thần núi Ba Vì - ngọn núi thiêng sừng sững giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tản Viên Sơn Thánh được tôn kính là vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

 

Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba vì, lễ hội đình Tường Phiêu ở huyện Phúc Thọ, Lễ hội đền Và ở thị xã Sơn Tây, nghệ thuật hát Dô ở huyện Quốc Oai được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được người dân gìn giữ và phát huy.

 

 

Chương trình tiếp nối với nhiều màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương; Hát múa Ải Lao làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên gắn liền với hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm; trình diễn tái hiện Hội Gióng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm; trình diễn tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Thăng Long tứ trấn và thờ Mẫu

 

Đức Thánh Chử Đồng Tử là một trong 4 vị Thánh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là quê hương của Chử Đồng Tử; trình diễn tín ngưỡng “Thờ Hai Bà Trưng”.

 

Tiếp đó là màn diễu hành giới thiệu truyền thống thờ phụng “Thăng Long tứ trấn”. Tiếp đó là màn giới thiệu tín ngưỡng “Thờ mẫu Việt Nam”. Năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.000 ngôi đền thờ mẫu, tiêu biểu là di tích Phủ Tây Hồ - quận Tây Hồ; đền Bà Kiệu - quận Hoàn Kiếm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

 

 

 

Nghệ thuật hát chầu văn (hát văn) là loại hình nghệ thuật gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng tinh hoa văn hóa dân gian, phong phú về điệu thức, có sức truyền cảm, lôi cuốn. Lời hát văn ca ngợi công đức của các bậc nhân thánh, nhân thần và khuyến thiện trừ ác.

 

 

 

 

Cùng với đó, trong chương 2 còn có nhiều màn trình diễn ấn tượng khác như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các làng khoa bảng; trình diễn ca trù, xẩm, kéo co ngồi; diễu hành khối làng nghề Hà Nội; trình diễn của các làng nghề ẩm thực Hà Nội; tái hiện Lễ ăn hỏi Hà Nội xưa; diễu hành của các làng hoa của Hà Nội; diễu hành, trình diễn của các tổ chức chính trị, xã hội…

 

 

 

 

 

 

Là trung tâm giao lưu quốc tế, lượng du khách tham quan Hà Nội luôn tăng cao. “Hữu xạ tự nhiên hương” - chính môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện mến khách nên ngày càng nhiều người nước ngoài chọn sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá: Hà Nội còn rất nhiều dư địa phát triển.

 

Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự phát triển bền vững.

 

 

 

Kết thúc chương trình diễu hành là phần trình diễn của 150 học sinh Thủ đô ca khúc “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” và phần trình diễn của ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, Đông Hùng cùng 270 học sinh Thủ đô, diễn viên ca khúc “Xin chào Hà Nội của tương lai”.

 

Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” khép lại với những hình ảnh tuyệt đẹp tôn vinh văn hóa, di sản Hà Nội cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế để lan tỏa thông điệp vì hòa bình.

 

 

 

Bình luận bài viết này
Hạnh Phúc 06/10/2024 17:07