25 năm trước, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời trong sự ngỡ ngàng, hoài nghi và cả sự dè dặt của một nền kinh tế vừa chuyển mình. Hai mã cổ phiếu, một trung tâm giao dịch nhỏ, chỉ vài trăm nhà đầu tư - đó là điểm khởi đầu khiêm tốn cho một hành trình dài.

 

 

Ngày 25/7/2025, VN-Index khép lại phiên giao dịch với 1.531,13 điểm -  chính thức đánh bại mọi kỷ lục cũ trong lịch sử, xác lập mốc son mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Kỷ lục này được xác lập ngay trước ngày thị trường chứng khoán Việt Nam kỷ niệm tròn 25 năm chính thức vận hành.

 

 

Nhìn lại quãng đường 25 năm đã đi qua, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, từ thuở ban đầu sơ khai chập chững tìm hiểu kênh đầu tư mới, đến những giai đoạn tăng giá - trầm lắng - tích luỹ - hồi phục để dần nhận ra những chiến lược đầu tư hiệu quả, những giá trị bền vững hơn của thị trường. Cùng với những thăng trầm của nền kinh tế, chứng khoán Việt Nam nỗ lực phát huy vai trò của một kênh huy động vốn chủ lực của nền kinh tế và đang tiến bước vào ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới, hướng tới sự hội nhập sâu rộng hơn với thị trường tài chính toàn cầu.

 

 

Tháng 7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HOSE) được khai trương, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam. Ngày 28/7/2000, phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên diễn ra với vỏn vẹn hai mã chứng khoán niêm yết: cổ phiếu REE (CTCP Cơ điện Lạnh) và SAM (CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông), đánh dấu sự ra đời chính thức của thị trường chứng khoán Việt Nam. Những phiên giao dịch đầu tiên chỉ kéo dài trong 2 giờ đồng hồ và thực hiện khớp lệnh 1 lần, một tuần chỉ thực hiện 3 phiên giao dịch.

 

Thị trường lúc này còn ở giai đoạn sơ khai với quy mô giao dịch nhỏ, mỗi phiên chỉ đạt vài chục triệu đồng, và số lượng nhà đầu tư tham gia chủ yếu là các tổ chức trong nước, cơ sở hạ tầng hạn chế, đại đa số người dân vẫn chưa hiểu rõ chứng khoán là gì. Cuối năm 2000, sau 5 tháng hoạt động, thị trường ghi nhận 3.000 tài khoản giao dịch với tổng giá trị giao dịch chứng khoán đạt 90 tỷ đồng.

 

Từ những viên gạch sơ khai đó, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu hành trình vươn mình mạnh mẽ hơn.

 

Các cơ quan quản lý đã thể hiện sự nỗ lực trong tiến trình cải cách khi đến cuối năm 2004, các hàng hóa cơ bản của thị trường đã có mặt đầy đủ trên Trung tâm GDCK TP.HCM, từ cổ phiếu, trái phiếu đến chứng chỉ quỹ đầu tư.

 

Năm 2005, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu có những bước tiến đáng kể. Sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm này đã mở rộng cơ hội giao dịch cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số lượng công ty niêm yết tăng lên, và chỉ số VN-Index - thước đo chính của HOSE - bắt đầu được chú ý như một chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế. Tổng vốn hóa thị trường vào thời điểm này đạt khoảng 1% GDP, một con số khiêm tốn nhưng cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai.

 

 

Năm 2006, Bộ Luật Chứng khoán đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua, tạo khung khổ pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển thị trường chứng khoán. Số lượng công ty niêm yết tăng nhanh, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, và các ngân hàng thương mại. Đến năm 2007, VN-Index đạt đỉnh lịch sử hơn 1.170 điểm, phản ánh sự bùng nổ của thị trường. Tổng vốn hóa thị trường vào thời điểm này đạt khoảng 43% GDP, một bước tiến mạnh mẽ so với giai đoạn khởi đầu.

 

Tuy nhiên, không nằm ngoài biến động chung của thời cuộc, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến chứng khoán Việt Nam lao dốc. Chỉ số VN-Index rớt xuống dưới 300 điểm, hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị tài sản bốc hơi, dòng vốn nước ngoài rút ròng với quy mô lớn. Dù vậy, thị trường vẫn chứng minh khả năng chống chịu nhờ loạt chính sách ổn định vĩ mô và sự quyết tâm từ phía cơ quan điều hành. Các cơ quan quản lý dù áp dụng những biện pháp điều tiết như hạ biên độ giao động giá để giảm đà tăng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia mua cổ phiếu bình ổn, vận động ngừng giải chấp,… để giữ lại mạch đập và tái cấu trúc thị trường.

 

Không bị nhấn chìm, từ năm 2011, thị trường bước vào giai đoạn phục hồi bắt đầu phục hồi, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, vốn hoá thị trường gia tăng đều theo năm. Trải qua làn sóng cổ phần hoá giai đoạn 2015 - 2018 và giai đoạn bùng nổ các nhà đầu tư mới (F0) thời điểm Covid-19 khiến VN-Index lên ngưỡng 1.500 tỷ vào cuối năm 2021 - đầu năm 2022.

 

Bằng sức bật nội tại, sự kiên định trong cải cách và kỳ vọng hội nhập, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đã bước vào một cột mốc lịch sử mới, nơi không chỉ những con số kỷ lục được xác lập mà niềm tin vào tương lai cũng đang thăng hoa, thể hiện ở những chỉ tiêu tăng trưởng liên tục từ vốn hoá thị trường, số lượng doanh nghiệp niêm yết, số tài khoản chứng khoán…

 

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận vốn đầu tư ngoại vào phiên giao dịch thứ 102 của thị trường (ngày 02/4/2001) với việc một nhà đầu tư cá nhân người Anh mua vào 100 cổ phiếu TMS. Đến nay, đã có gần 50.000 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó gần 90% tài khoản là nhà đầu tư cá nhân và gần 4.700 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.

 

Thời gian qua, các nhà điều hành chính sách đã tích cực đưa ra những quy định cởi trói các nút thắt về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Thông tư 68/2024/TT-BTC là bước tháo gỡ ban đầu, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tạm thời không cần ký quỹ trước khi đặt lệnh.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 03/2025/TT-NHNN, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng VND. Ngoài ra, hệ thống giao dịch mới KRX được đưa vào vận hành từ tháng 5/2025, góp phần nâng cao năng lực vận hành thị trường, tạo nền tảng hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Trong giai đoạn hiện nay, dòng vốn từ nhà đầu tư ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt khi thị trường đang tiến gần hơn đến ngưỡng cửa được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

 

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ hôm 17/7/2025, đại diện FTSE Russell đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang được xem xét nâng hạng.

 

 

Theo ước tính của các nhà phân tích, việc thị trường Việt Nam được nâng hạng sẽ mở đường cho dòng vốn gần 1 tỷ USD từ các quỹ chỉ số theo dõi FTSE Emerging Market Index trên toàn cầu. Chưa dừng ở đó, việc được nâng hạng, tăng cường độ tín nhiệm của thị trường sẽ đi cùng khả năng tiếp cận vốn quốc tế, thu hút thêm lượng lớn nhà đầu tư dài hạn, thúc đẩy niềm tin thị trường.

 

Các nhà đầu tư ngoại đang hoạt động tích cực trên thị trường Việt Nam cũng liên tục bày tỏ niềm tin vững vào vào triển vọng thời gian tới, một kỷ nguyên mới của thị trường chứng khoán.

 

 

Niềm tin của các nhà đầu tư ngoại được củng cố đáng kể từ chính động lực nội tại của Việt Nam với các chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…

 

Những trợ lực này sẽ là bệ đỡ để các doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, thu hút dòng vốn, bồi đắp thêm niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, đưa chứng khoán Việt Nam vững vàng hơn trong hành trình tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

 

 

 

Bình luận bài viết này
Minh Vui - Xuân Bách 28/07/2025 06:36