Thưa ông, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển ngành “công nghiệp văn hóa” (hay công nghiệp sáng tạo) có ý nghĩa như thế nào?
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ngành “công nghiệp văn hóa” đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa.
Có thể nói, “công nghiệp văn hóa” chính là “sức mạnh mềm”, một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Xin ông chia sẻ những điển hình trên thế giới có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa?
“Công nghiệp văn hóa” là một trong những lĩnh vực kinh tế ra đời tương đối muộn, nhưng vô cùng quan trọng, đóng góp nguồn thu nhập lớn vào GDP của mỗi quốc gia. Tốc độ tăng trưởng của các ngành “công nghiệp văn hóa” cao hơn so với ngành công nghiệp dịch vụ và các ngành công nghiệp sản xuất.
Điển hình như ngành “công nghiệp văn hóa” Nhật Bản góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP với doanh thu ròng hàng năm chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% lực lượng lao động ở quốc gia này. Năm 2013, chỉ tính riêng thị trường nội địa của ngành công nghiệp nội dung số, lĩnh vực cốt lõi của “công nghiệp văn hóa” đã đạt khoảng 12.000 tỷ Yên. xuất khẩu năm 2013 của ngành này đạt 550 tỷ USD…
Ở Anh, năm 2016, công nghiệp sáng tạo đem lại 84,1 tỷ bảng Anh, một con số kỷ lục và chiếm 5,2% GVA (tổng giá trị gia tăng) của toàn nền kinh tế Anh.
Tại Trung Quốc, giá trị gia tăng của “công nghiệp văn hóa” Trung Quốc là 2723,5 tỷ NDT (năm 2015), tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 3,97% GDP.
Ở góc độ quản lý ngành kinh tế xanh, theo ông, đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tăng chi tiêu của du khách như thế nào?
Trong các loại hình “công nghiệp văn hóa” có thể phân ra hơn 10 nhóm dịch vụ như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật- nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, không gian sáng tạo…
Trong đó, du lịch văn hóa có thể sâu chuỗi hết tất cả các lĩnh vực để phục vụ nhu cầu của du khách từ nơi khác đến và khá xa lạ với điểm đến. Do đó, phát triển “công nghiệp văn hóa”, du lịch văn hóa sẽ làm gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách và chính người dân bản địa.
Chính sự tiêu dùng của du khách sẽ tạo động lực để người làm văn hóa nỗ lực sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Từ đó, bồi đắp cho sản phẩm du lịch văn hóa thêm phong phú, hấp dẫn cả ban ngày lẫn ban đêm, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của du khách.
Tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách chính là hai “chìa khóa” để thúc đẩy du lịch văn hóa cũng như “công nghiệp văn hóa” phát triển.
Thưa ông, trong “kỷ nguyên Covid-19”, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cần chú trọng đầu tư vào những sản phẩm, dịch vụ, loại hình du lịch văn hóa nào để du khách sẵn sàng rút hầu bao?
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhu cầu của du khách đã thay đổi rất nhiều. Lượng du khách tới các điểm đến được dự báo sẽ không còn đông đảo như trước nữa, chi tiêu của họ cũng sẽ căn cơ chứ không vô tư như trước do bị ảnh hưởng về kinh tế.
Điều này buộc những người kinh doanh dịch vụ du lịch phải sẵn sàng tâm thế chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ chất lượng, gia tăng hàm lượng về văn hóa cũng như đầu tư sức sáng tạo nhiều hơn, tinh tế hơn, sao cho đúng, trúng nhu cầu.
Trước tiên, phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đồng thời chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ có chiều sâu, được thiết kế công phu, mang lại giá trị gia tăng lớn, để chi tiêu của 50 du khách bây giờ bằng doanh thu từ 100 du khách trước kia. Muốn làm được điều đó, cần sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.
Đơn cử, với một món ăn, ngoài việc chế biến công phu, vừa ngon, vừa bắt mắt còn phải có không gian ẩm thực thoải mái, câu chuyện, nguồn gốc của món ăn và những dịch vụ đi kèm như tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm một trong những công đoạn làm ra món ăn đó. Có như vậy, mới tạo được những giá trị văn hóa gia tăng cho chuyến đi của du khách.
Có thể nói, phát triển ngành “công nghiệp văn hóa” chính là góp phần tạo ra cơ hội mới, nguyên liệu mới, sản phẩm và dịch vụ mới để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung.
Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch sẽ “đánh thức” yêu cầu cần phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển “công nghiệp văn hóa”, cũng như mang về nguồn thu không nhỏ để tái đầu tư, bảo tồn và phát triển “công nghiệp sáng tạo” nói riêng, nền văn hóa đất nước nói chung. Đó là lợi ích kép, là sự chia sẻ, phân phối công bằng.
Vậy làm thế nào để có thể thu hút đầu tư vào “công nghiệp văn hóa”, thưa ông?
Đầu tư vào “công nghiệp văn hóa” có thể phải bỏ “tiền tấn”, nhưng thu về “tiền lẻ” trong thời gian dài nên các nhà đầu tư hiện chưa mặn mà.
Muốn thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa, trước tiên cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình phục vụ dân sinh và tạo thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa.
Nhà nước cần xây dựng đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn… Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng.
Kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực thế mạnh.
Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành công nghiệp văn hóa; đa dạng hóa các mô hình đầu tư, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường, điều kiện cho phát triển “công nghiệp văn hóa” nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của từng địa phương gắn với phát triển du lịch. Từ đó, tăng giá trị kinh tế, đồng thời quảng bá hình ảnh con người, đất nước và văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, cần có chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn cao, am hiểu về “công nghiệp văn hóa” và biết áp dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh đổi mới và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng của dịch vụ văn hóa. Đặc biệt, cần xây dựng và phát triển các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, tại các sự kiện quốc tế.