Bài, thiết kế: Hồ Hạ      |      Ảnh: NVCC, AP, Hồ Hạ

 

 

 

 

 

(Đại sứ Bùi Thế Giang chủ trì họp HĐBA ngày 14/10/2009 về tình hình Trung Đông. Ảnh: nhân vật cung cấp)

 

 

Việt Nam được các nước và giới truyền thông quốc tế đánh giá cao khi hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2008-2009 trong vai trò thành viên không thường trực và 2 lần Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Là một trong ba Đại sứ của Việt Nam lăn lộn nơi tuyến đầu, thưa ông, đâu là nguyên nhân để Việt Nam hoàn thành được những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên này?

 

Có nhiều nguyên nhân. Trước hết, nghe thì có vẻ lý thuyết, nhưng thực sự là với sức mạnh nội lực của quốc gia được tăng cường một cách toàn diện, vị trí và tư thế của đất nước được nâng lên, chúng ta có điều kiện mang tính chất “nền” để ra ứng cử, và khi trúng cử, làm tốt những điều mà ta và cộng đồng quốc tế trông đợi.

 

Thử hình dung một đất nước kinh tế kém phát triển, đói nghèo, chiến tranh xung đột liên miên… thì nói chẳng ai muốn nghe đâu. Bởi vậy, điều số 1 là phải làm - và cũng là nguyên nhân trực tiếp số 1 giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ khi lần đầu tiên tham gia Hội đồng Bảo an - là xây dựng, củng cố và tăng cường thực lực, nâng cao vị thế, tiếng nói của đất nước.

 

Thứ hai, để có “nền” đó và cũng là trên “nền” đó, chúng ta có đường lối, chiến lược, chính sách đúng đắn, có tầm và nhất quán.

 

(Đại sứ Bùi Thế Giang chủ trì họp HĐBA ngày 18/7/2008 về Phái bộ LHQ tại Nepal (UNMIN). Ảnh: nhân vật cung cấp)

 

Thứ ba, chúng ta được sự nhất trí đồng lòng của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

 

Thứ tư, chúng ta có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các cơ quan, địa phương trong nước, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong những ngành liên quan.

 

Thứ năm, chúng ta có những người trực tiếp tham gia trên tuyến đầu, tâm huyết, bản lĩnh, trí tuệ, vừa nguyên tắc vừa linh hoạt.

 

(Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết UNMHA. Ảnh: AP)

 

Thành công của Việt Nam trong nhiệm kỳ lần đầu năm 2008-2009, có phải lợi thế và là cơ sở để nước ta tiếp tục được bầu vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ hai, thưa ông?

 

Tôi còn nhớ, cuối năm 2009, ngay từ khi Việt Nam sắp kết thúc nhiệm kỳ lần thứ nhất, với việc đánh giá cao vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, và do theo dõi sát sao, nắm rất chắc quá trình tham gia của chúng ta trong Hội đồng Bảo an, Bộ Chính trị đã chỉ đạo công tác nghiên cứu và chuẩn bị cho việc nước ta trở lại vị trí này lần thứ hai trong khoảng 10 năm sau đó.

 

Bởi vậy, có thể nói rằng, trong ý tưởng chiến lược và trong công tác thực tiễn, chúng ta đã bắt tay vào chuẩn bị cho việc này ngay từ lúc ấy.

 

Đối với lần thứ hai này, chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm từ nhiệm kỳ 2008-2009, từ việc tổ chức bộ máy, con người, phân công, phân nhiệm giữa các cấp, các ngành, giữa trong nước và ngoài nước, đến việc tiếp xúc, vận động quốc tế.

 

Nếu chỉ cần chịu khó theo dõi tin tức công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, ai ai trong số chúng ta cũng đều có thể thấy rằng, việc tiếp xúc, vận động này được thực hiện sớm và bài bản, với sự tham gia không chỉ của những người làm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, mà chính các vị lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị cũng đều thực hiện mỗi khi tiếp xúc với đối tác nước ngoài, dù tại Việt Nam hay trong các chuyến công tác ở nước ngoài.

 

Phải nói rằng, việc một quốc gia được quốc tế công nhận và bỏ phiếu thuận trở thành một thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là kết quả tổng hợp của rất nhiều yếu tố.

 

 

Trước hết, quốc gia đó phải “sạch sẽ”, “ngon lành”; phải “khỏe mạnh”; và phải có tính đại diện, không chỉ cho nhóm quốc gia và khu vực của mình (Việt Nam được các nước ASEAN giới thiệu và là đại diện của Nhóm quốc gia châu Á, theo phân chia nhóm nước của Hội đồng Bảo an) mà còn phải hiểu và chứng minh có khả năng đại diện được cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

 

Đối chiếu với đất nước ta, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện và triển khai chủ trương chiến lược về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đất nước ta đã có một bước tiến dài, phát triển vững chắc và toàn diện, thực lực được cải thiện, vị thế và uy tín quốc tế được nâng lên.

 

Tất cả những điều đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, và là cơ sở quan trọng để chúng ta một lần nữa được tín nhiệm bầu vào vị trí này, với số phiếu gần như tuyệt đối. Điều đó cũng là một trong những bằng chứng về việc Việt Nam xứng đáng là đối tác tin cậy và là quốc gia có trách nhiệm vì hoà bình bền vững của thế giới.

 

(Theo kết quả bầu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố tối 7/6/2019, Việt Nam nhận 192/193 phiếu, tức gần tuyệt đối, vượt xa mốc tối thiếu 129/193 phiếu. Ảnh: AP)

 

Có rất nhiều quốc gia mong muốn được “ngồi ghế” trong Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các nước khác như thế nào, thưa ông?

 

Tôi thực lòng nghĩ, có lẽ không nước nào không mong muốn được ngồi vào chiếc ghế thành viên của cơ quan quan trọng này, và nhiều nước đã tiến hành vận động hành lang rất tích cực thông qua nhiều hoạt động cụ thể, kể cả nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, tiệc tùng, chiêu đãi...

 

Chỉ trong nhiệm kỳ 2 năm 2008-2009, khi Việt Nam lần đầu tiên là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, bản thân tôi đã được chứng kiến nỗ lực vận động của nhiều nước và cũng được không ít bạn bè quốc tế tiếp cận để vận động.

 

Tuy nhiên, có những nước ở châu Âu, Bắc Mỹ kiên trì vận động từ đó đến nay nhưng vẫn chưa thành công. Tôi cảm thấy tiếc cho họ, nhưng biết làm sao được, đó là bản chất của luật chơi quốc tế.

 

 

Nhìn rộng ra, Liên Hợp Quốc hiện có 193 quốc gia thành viên. Vậy nhưng sau hơn 70 năm tồn tại của tổ chức này, cho tới nay, vẫn có tới hơn 60 quốc gia thành viên chưa một lần ngồi vào Hội đồng Bảo an.

 

Còn Nhóm nước khu vực châu Á có hơn 50 quốc gia thành viên, nhưng tới nay mới chỉ có chưa tới 30 quốc gia đã từng được ngồi ghế thành viên không thường trực của cơ quan duy nhất có quyền ra lệnh trừng phạt quốc gia thành viên này.

 

Đối với Việt Nam, mặc dù nước ta được kết nạp vào Liên Hợp Quốc từ năm 1977, nhưng cũng phải 30 năm sau, cơ hội mới chín muồi - cả trong nước, trong khu vực và quốc tế - để chúng ta trở thành thành viên Hội đồng Bảo an.

 

Tôi nhớ như in, năm 2008, trước khi nước ta trúng cử vào Hội đồng Bảo an, chúng ta không có một cuộc chiêu đãi đối ngoại nào trước đó để vận động. Đất nước ta còn nghèo, đời sống nhân dân ta còn nhiều khó khăn, ta phải có cách làm khác biệt, với động cơ và mục tiêu rõ ràng, có sức thuyết phục rộng rãi, cũng như với một chương trình nghị sự vừa có tầm vừa có tính khả thi.

 

Hiểu rõ điều này và làm được điều này, chúng ta càng thấy tự tin, vinh dự, tự hào khi lần thứ hai được bầu với số phiếu gần như tuyệt đối vào vị trí quan trọng này chỉ 12 năm sau lần thứ nhất.

 

 

Từ hoạt động trực tiếp trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông có thể chia sẻ những trải nghiệm, kinh nghiệm quý giá của mình và phái đoàn?

 

Ngay từ khi còn trong giai đoạn vận động cho nhiệm kỳ 2020-2021, tôi đã cảm nhận được sự chuẩn bị khẩn trương, nỗ lực, đầy trí tuệ và tâm huyết của những cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan.

 

Nhớ lại hai năm 2008-2009, tất cả chúng tôi đã căng hết mình ra để làm việc, hầu như không phân biệt ngày đêm, không có thứ bảy, chủ nhật, để rồi khi kết thúc nhiệm kỳ, bạn bè và đồng nghiệp quốc tế đều chân thành chúc mừng chúng ta.

 

Họ còn nửa thật, nửa đùa nói rằng, không thể hình dung được Việt Nam lần đầu tiên đảm trách vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nhưng đã thể hiện không chỉ trách nhiệm cao, mà còn rất có hiệu quả, chuyên nghiệp, chất lượng và sáng tạo đến thế.

 

Là một cán bộ đối ngoại có cơ hội được tham gia công tác tại Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ đầu tiên trong lịch sử đất nước ta, tôi thấy mình rất may mắn đã được là một thành viên của Nhóm Công tác Hội đồng Bảo an của Việt Nam.

 

Xin lưu ý là trong Phái đoàn Đại diện Thường trực của nước ta tại Liên Hợp Quốc ở New York khi đó, Nhóm Công tác Hội đồng Bảo an của chúng tôi chỉ có 11 người, gồm 3 Đại sứ và 8 cán bộ, là số lượng rất nhỏ bé so với nhiều quốc gia tham gia Hội đồng Bảo an khác, và chúng tôi vẫn phải đảm đương nhiệm vụ tại các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc (ngoài nhiệm vụ trong Hội đồng Bảo an).

 

Không thể hoàn thành, và hoàn thành xuất sắc, những công việc chưa từng biết tới trước đó nếu không có một đội ngũ những người làm việc tận tụy, có trí tuệ và đoàn kết nhất trí với nhau.

 

 

Tôi tự hào về tất cả các anh chị em đó và rất vui khi được chứng kiến sự trưởng thành của những đồng nghiệp thân thiết đó!

 

Xuất phát từ những trải nghiệm thực tiễn trong nhiệm kỳ lần thứ nhất, khi được hỏi ý kiến, tôi đã mạnh dạn đề xuất tăng phạm vi và mức độ tự chủ, tự quyết cho Phái đoàn ta tại New York để vừa kịp thời xử lý những vấn đề không vượt quá năng lực của Phái đoàn, vừa không bỏ lỡ những cơ hội không dễ gì có được khi ta ở ngoài Hội đồng Bảo an.

 

Tôi cũng đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu để có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho những cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động liên quan Hội đồng Bảo an.

 

Đây là điều rất cần thiết, nhất là khi xét tới khối lượng công việc đồ sộ của quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

 

(Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, chủ trì phiên họp Hội đồng Bảo an ngày 15/1/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao.)

 

Ngay trong nhiệm kỳ hiện nay, mặc dù đại dịch Covid-19 khiến việc họp hành trực tuyến trở thành phương thức chính yếu, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ trong tháng 4/2021 này, chúng ta phải chủ trì khoảng 30 cuộc họp cấp đại sứ, với 12 nội dung lớn liên quan tới tất cả các khu vực trên thế giới.

 

Ngoài ra, sự phân công, phân nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước với nhau, giữa các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở ngoài nước, và giữa các cơ quan đó với Phái đoàn ta ở New York nên được làm rõ ràng, hợp lý, chặt chẽ và có sự linh hoạt cần thiết để đạt hiệu quả tổng thể cao nhất.

 

Còn một vấn đề nữa, không trực tiếp liên quan công tác của chúng ta tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng là vấn đề mà tôi đã đề xuất khi góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật về cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, song bị coi là “lạ”, chưa được chấp nhận. Đó là, nên xem xét sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu với những cán bộ ngoại giao thực sự có trình độ.

 

Lý do đơn giản và rất hiển nhiên: Nói một cách rất dân dã thì, những nhà ngoại giao chỉ có thể trở thành “lão làng”, hay nói vui là “cáo già”, có kiến thức sâu rộng, có kỹ năng điêu luyện, có kinh nghiệm dày dạn, và có nhiều quan hệ đối ngoại sau rất nhiều năm tháng làm việc nghiêm túc. Nếu cứ sòng phẳng để họ về hưu ở tuổi 60 với nam và 55 với nữ thì chúng ta quá lãng phí.

Thử nhìn ra ngoài mà xem, đa số ngoại trưởng và các nhà ngoại giao chủ chốt ở các nước đều không còn trẻ đâu!

 

(Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay 9/1/2020. Ảnh: AP).

 

 

Thưa ông, hôm nay (ngày 19/4), Việt Nam sẽ chủ trì một phiên họp cấp cao về chủ đề Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột. Chúng ta cần làm gì để đảm bảo lợi ích khu vực và quốc tế?

 

Hợp tác giữa Liên Hợp Quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng với các tổ chức khu vực đã là ý tưởng được những người khai sinh Liên Hợp Quốc nêu ra từ cách đây hơn 70 năm.

 

Hiểu rõ điều này, và với việc năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và lại là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hai năm 2020-2021, chúng ta đã đặt vấn đề hợp tác Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực như một trong những ưu tiên trong nghị trình của Hội đồng Bảo an.

 

Nói như vậy tức là hợp tác Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an với ASEAN có một vị trí rất quan trọng, không chỉ vì ta là một thành viên ASEAN, đại diện ASEAN tại Hội đồng Bảo an, mà nhìn sâu xa hơn, quan hệ Việt Nam-ASEAN là cực kỳ đặc biệt với chúng ta.

 

ASEAN là láng giềng, mà các cụ dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. ASEAN là nơi ta tập những bước đi đầu tiên về hội nhập quốc tế, từ hầu như mọi góc độ. Thực tiễn từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/1995 tới nay đã chứng minh điều này.

 

Nhân nói về quan hệ Việt Nam-ASEAN, cho phép tôi được chia sẻ một suy nghĩ rất cá nhân: Xin hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi so sánh ta với các nước thành viên ASEAN khác. Thay vì mong muốn đặt nước ta ở vị trí gì đó trong ASEAN, xin hãy khiêm tốn đặt chúng ta là một thành viên có trách nhiệm, xây dựng và tích cực trong ASEAN, và chỉ nên như vậy thôi. Việc ai đó ca ngợi chúng ta là việc của họ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, các cụ đã dạy rồi.

 

(Ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ Hành động Bom mìn 4/4 được Liên hợp quốc tổ chức hàng năm).

 

Nói như vậy, lại cũng xin nhấn mạnh rằng, trên cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, chúng ta luôn ý thức được sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực phải là với tất cả các khu vực trên thế giới.

 

Với Liên minh châu Phi (AU) chẳng hạn. Với việc các vấn đề của khu vực châu Phi thường chiếm khoảng 50-60% nghị trình của Hội đồng Bảo an, và với việc xung đột ở châu Phi nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất và kéo dài về thời gian, thì sự hợp tác hiệu quả với AU có ý nghĩa thiết thực, cụ thể để giúp Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an hoàn thành sứ mệnh của mình.

 

(Trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/4/2021, Việt Nam tổ chức Phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”). 

 

Trên tinh thần đó, trong tháng 4/2021 này, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam chủ trương thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên gồm: Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

 

Tôi đã được mời tham gia Phiên thảo luận mở Cấp cao vào tối nay (19/4) về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì theo hình thức kết hợp giữ trực tuyến và trực tiếp.

 

Theo tôi biết, trong nhiệm kỳ hai năm 2020-2021, đây là lần đầu tiên Lãnh đạo Cấp cao ta chủ trì một sự kiện quan trọng như vậy của Hội đồng Bảo an, thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là dịp để ta có thông điệp ở cấp Nhà nước cao nhất với bạn bè quốc tế về đường lối phát triển và chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

Phiên thảo luận cũng thể hiện sự quan tâm cao của Việt Nam trong việc phát huy vai trò của các tổ chức khu vực và hợp tác Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, trong duy trì hòa bình, an ninh và phát triển, ngăn ngừa, giải quyết xung đột tại các khu vực và trên thế giới.

 

(Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, chủ trì phiên Thảo luận mở định kỳ về “tình hình Trung Đông, bao gồm Palestine”, ngày 15/1. Ảnh: Bộ Ngoại giao).

 

Nhiệm kỳ 2020-2021 đúng thời điểm Covid-19 bùng phát tác động lớn đến đời sống, kinh tế toàn cầu. Điều này chắc chắn đã, đang và sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức mới trên cương vị thành viên không thường trực, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, thưa ông?

 

Trong nhiệm kỳ đầu của ta tại Hội đồng Bảo an, Covid-19 chưa bùng phát. Tuy nhiên, không vì thế mà công việc của Hội đồng Bảo an dễ dàng hơn. Thế giới vốn đã có lúc nào yên đâu.

 

Covid-19 bùng phát là chuyện không ai lường trước được, tác động tiêu cực tới cả thế giới. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, có thể thấy rằng, đó cũng là một cơ hội để thế giới phải đoàn kết lại, cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để chống lại đại dịch toàn cầu này. Và trên cương vị thành viên Hội đồng Bảo an, cách nhìn nhận và tiếp cận cân bằng, tích cực như vậy cũng là cần thiết đối với các vấn đề và sự cố khác.

 

Đương nhiên, Covid-19 là một vấn đề lớn chưa từng có, khốc liệt chưa từng có, tác động sâu rộng chưa từng có, và sẽ chưa thể sớm kết thúc ngày một ngày hai. Vì vậy, trách nhiệm của Hội đồng Bảo an liên quan đại dịch này phải được nhận diện rõ ràng, trong khuôn khổ trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an nình thế giới mà Hiến chương Liên Hợp Quốc đã quy định. Không được đứng ngoài, không được thiếu trách nhiệm, không được lơ là, nhưng cũng không được “dẫm chân” lên chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, cơ cấu quốc tế khác.

 

 

 

Trong bối cảnh quan hệ đa phương hiện nay, việc Việt Nam lần thứ hai trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ mang lại những cơ hội nào cho đất nước, thưa ông?

 

Tôi xin khẳng định rằng, những lợi ích khi Việt Nam một lần nữa trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là rất lớn, không thể đo đếm hoặc tính toán bằng cân, bằng lạng được.

 

Nhiều người đã từng coi Liên Hợp Quốc là Chính phủ của thế giới, với Hội đồng Bảo an là thường trực Chính phủ toàn cầu. Hội đồng Bảo an là cơ quan quốc tế duy nhất có thẩm quyền ban hành lệnh trừng phạt quốc gia. Bởi vậy, được ngồi vào “chiếc ghế” này đồng nghĩa với việc mình có tiếng nói đối với các vấn đề sống còn của thế giới, và vì vậy, vị thế của quốc gia được nâng tầm, từ đó vị thế và sức nặng của mình trong cả quan hệ song phương với các quốc gia khác và quan hệ đa phương trong khu vực và trên thế giới cũng sẽ lớn hơn.

 

Khi ấy, những lợi ích tưởng như vô hình và phi vật chất sẽ trở thành hữu hình và được vật chất hóa. Tất nhiên, chuyện này không đến một cách mặc nhiên, mà tùy thuộc vào chất lượng tham gia của quốc gia thành viên trong nhiệm kỳ của mình.

 

(Ngày 26/11/2008, Đại sứ Bùi Thế Giang (thứ ba trái sang) bắt tay Chuẩn tướng Paolo Serra, Tư lệnh miền Tây của Lực lượng liên quân quốc tế tại Afghanistan (ISAF), khi tham gia đoàn Đại sứ HĐBA thị sát tình hình Afghanistan. Ảnh: nhân vật cung cấp).

 

Trong tương lai, Việt Nam hẳn vẫn có thể suy nghĩ về cơ hội trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần thứ 3, thứ 4 và nhiều hơn thế nữa, thưa ông?

 

Như tôi đã nói, có lẽ không quốc gia nào không mong muốn trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam không là ngoại lệ. Bởi vậy, cuối năm 2009, ngay từ khi chúng ta sắp kết thúc nhiệm kỳ lần thứ nhất, đánh giá cao vai trò của Hội đồng Bảo an trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, và theo dõi sát sao, nắm rất chắc quá trình tham gia của chúng ta trong Hội đồng Bảo an, Bộ Chính trị đã chỉ đạo công tác nghiên cứu và chuẩn bị cho việc nước ta trở lại vị trí này lần thứ hai trong khoảng 10 năm sau đó.

 

Nay, với tinh thần “bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” mà Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa thông qua, tôi có cơ sở để tin rằng, việc trở lại Hội đồng Bảo an không chỉ là cân nhắc, mong muốn và dự kiến, mà còn là cơ hội hiện thực đối với Việt Nam.

 

Tuy nhiên, việc đó sẽ diễn ra vào thời điểm nào không tùy thuộc vào ý chí và khả năng chủ quan của chúng ta. Ta chỉ có thể không ngừng nỗ lực xây dựng, củng cố và tăng cường thực lực của mình, kiên quyết, kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn đã được thời gian và thực tiễn kiểm nghiệm, chủ động sẵn sàng khi thời điểm chín muồi.

 

(Đại sứ Bùi Thế Giang chủ trì họp HĐBA ngày 25/7/2008 về Phái bộ LHQ tại Kosovo (UNMIK). Ảnh: nhân vật cung cấp)

 

Với 37 năm làm đối ngoại trong hơn 44 năm thâm niên công tác (tình nguyện tòng quân, trực tiếp chiến đấu bảo vệ đất nước chống ngoại xâm đầu thập niên 1970 khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), theo một nghĩa nào đó, ông Bùi Thế Giang là nhân chứng của nhiều sự kiện đối ngoại lớn của đất nước.

 

Tính tới năm nay, ông đã chính thức nghỉ hưu được 5 năm, và việc về hưu của ông cũng là cả câu chuyện dài và thú vị vì chúng tôi được biết ông nghỉ hưu khi đã quá vài tuổi theo qui định của Nhà nước về thời gian nghỉ hưu, nghỉ hưu sau khi đã có hơn một lần làm đơn xin nghỉ hưu, và suốt 5 năm nghỉ hưu vừa qua, lịch làm việc của ông cũng vẫn dày đặc.

 

(Ngày 10/7/2015, Đại sứ Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng thống Bill Clinton ở New York. Ảnh: nhân vật cung cấp)

 

Học sư phạm, lẽ ra sẽ trở thành nhà giáo sau khi tốt nghiệp, nhưng nghề đối ngoại đã chọn ông như một lẽ tự nhiên “vì mình có chút tiếng Anh, tạm dùng được, lại từng đi bộ đội và được kết nạp đảng trong thời gian trong quân ngũ” như ông kể, theo yêu cầu của công tác đối ngoại Đảng lúc bấy giờ. 

 

Là người gần như cả đời công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông từng có 18 năm làm Vụ trưởng ở Ban (ông được đề bạt Vụ trưởng từ năm 1994) và hơn 4 năm làm Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

 

(Ngày 24/5/2006, tại Hà Nội, ông Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Ảnh: nhân vật cung cấp).

 

Ngoài chuyên môn chính trị đối ngoại, ông luôn chú ý trau dồi tiếng Anh, kỹ năng biên phiên dịch. Nhờ vậy, có lẽ ông Giang là người Việt Nam duy nhất từng phiên dịch cho 7 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, từ các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đến đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

 

Ấy là chưa kể việc ông Giang còn từng nhiều lần phiên dịch cho những vị lãnh đạo Nhà nước như các Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp..., là phiên dịch ca-bin cho rất nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế trong và ngoài Việt Nam, và biên dịch văn kiện của nhiều Đại hội Đảng cũng như hàng chục cuốn sách.

 

(Ngày 17/11/2006, ông Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thống Mỹ George W. Bush, tại Hà Nội. Ảnh: nhân vật cung cấp)

 

Sự tham gia của ông Bùi Thế Giang với tư cách một cán bộ đối ngoại Đảng vào quan hệ Việt-Mỹ từ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 7/1995 cho tới tận những ngày này là một mảng đặc biệt trong cuộc đời công tác của ông.

 

Do nhiều nguyên nhân, ông hẹn lúc nào đó sau này sẽ chia sẻ với chúng tôi.

 

Ngày 18/11/2000, ông Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tại Hanoi. Ảnh: nhân vật cung cấp).

 

Tuy nhiên, chỉ qua tìm hiểu về những đóng góp của ông trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bằng vài tấm ảnh kỷ niệm của ông, chúng tôi cũng đã có thể phần nào đó hình dung được vai trò khiêm tốn, nhưng hiệu quả như thế nào của ông trong việc đóng góp vào mối quan hệ Việt-Mỹ.

 

(Ngày 20/10/1985, ông Bùi Thế Giang phiên dịch cho Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng Lao động Ethiopia Lagesse Asfaw, tại TH. HCM. Ảnh: nhân vật cung cấp).
Bình luận bài viết này
Hồ Hạ 19/04/2021 08:12