Những tuabin gió tại bang Sachsen-Anhalt, Đức. Ảnh minh họa: Mạnh Hùng/TTXVN |
Đây là kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Năng lượng Ember của trụ sở tại Anh vừa được công bố.
Nghiên cứu mới phân tích dữ liệu của 75 quốc gia chiếm 90% tổng lượng tiêu thụ điện toàn cầu.
Ember đã so sánh dữ liệu của nửa đầu năm nay với nửa đầu năm ngoái để đánh giá tiến triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Kết quả cho thấy nhu cầu điện trên thế giới tăng 389 TWh trong nửa đầu năm nay, trong khi điện gió, điện mặt trời và thủy điện cũng tăng 416 TWh. Sản lượng điện gió và mặt trời đã đáp ứng hơn 75%, trong khi thủy điện đáp ứng phần còn lại của nhu cầu năng lượng trong nửa đầu năm nay. Điều này giúp sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không tăng thêm 4%, theo đó tiết kiệm được 40 tỷ USD chi phí nhiên liệu và giảm 230 tấn m3 khí thải CO2.
Tuy nhiên, báo cáo của Ember cũng lưu ý sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh trong tháng 7 và 8 vừa qua, thời điểm ghi nhận việc sử dụng điện gia tăng do nắng nóng khắc nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới.
Chuyên gia phân tích cấp cao tại Ember, bà Malgorzata Wiatros-Motyka cho biết lượng khí thải của ngành sản xuất điện trên thế giới vẫn đang ở mức cao trong khi cần phải giảm nhanh. Các loại nhiên liệu hóa thạch đang đẩy con người rơi vào cuộc khủng hoảng về khí hậu cũng như khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Theo bà, giải pháp chính là sử dụng nguồn năng lượng sẵn có và rẻ tiền như gió và mặt trời để vừa tiết kiệm chi phí năng lượng vừa giảm nhanh lượng khí thải.